Những bước đi đầu tiên

-0N0oZSEGVudSMmC5d8KVnaDecf1EeadLQaHJ_uRSFgFNf3s33WnjllScKT43TecIGFsnzRhKrjzopQwCLOaJbR0Onb9KiVSVf2jxHe4vx6C7N-4YKSN0XWRSrSrGtIkblZYojOQ
Ảnh báo Dân Việt (ảnh nguồn internet)
“45 năm theo tiếng gọi lên đường!
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương;
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại
Để lòng nhớ tới bạn cố hương…”

Mùa vải chín, tiếng Ve sầu kêu rả rích, chim Tu tú khắc khoải gọi hè; ngày 14 tháng 5 năm 1972, ngày đầu của mùa hè, cũng là ngày đầu tiên tôi vào quân ngũ, chúng tôi được cấp phát quân trang, mọi người ngắm ngía nhau trong bộ quân phục mặc rộng thùng thình, với ngôi sao nhỏ sáng lấp lánh giữa đôi quân hàm xanh biếc cài trên ve áo, đấy là cấp Binh nhì, cấp thấp nhất trong hàng lính của Lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang. Chúng tôi đóng quân tạm ở nhà dân, tại xã Vũ Lãm, huyện Vũ Thư, ngoại thị xã Thái Bình. Ngày nghỉ, chúng tôi rủ nhau đi thăm chơi Thị xã, lần đầu tiên tôi được đến thị xã Thái Bình; tới thăm cầu Bo, nhìn về phía bên kia cầu là đường về quê nhà. Sau này, tôi có dịp về thăm lại nơi đóng quân cũ, nhưng hình ảnh khi xưa đã nhạt nhòa, nay không thể nhận ra nữa.

g-6Isyvy5r8yNZBLi0GUAOU-Y3Py6r5QqVQS9sAiU2lMRDSRwNV7WPqfMe4e0hq9VvzuLgYDumqHkr-2W1DX8pco6MKyZbpbiJ8SAt-pb8w-VDEXnCSEh55n7fIIhDSjks0JvQgM
Cầu Bo mới, thành phố Thái Bình (ảnh nguồn internet)

Gần chục ngày sau, chúng tôi lên xe tải khung bạt bịt kín, đi theo đường 10, chuyển đến đơn vị mới là Tiểu đoàn 19 huấn luyện Công an Nhân dân Vũ trang Hải Phòng, gọi tắt là d19 Huấn luyện Hải Phòng. Tiểu đoàn bộ đóng tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Tôi thuộc đại đội 3 đóng tại xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy. Trung đội tôi gồm toàn lính quê ở huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình và huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Cùng Đại đội 3 với tôi, còn có anh Phạm Xuân Minh, anh là bạn chí thân cùng nhập ngũ, cùng quê, cùng huấn luyện và học tập, sau lại cùng công tác với nhau gần 40 năm ở cùng cơ quan, nay lại cùng ở Hà Nội, kể cũng hiếm gặp.

wLLRAztLNToXR1icUw83AEavj852qfLsEtliswdWW8mF4G8T1wbDZgMlcKCbQi-__ckdYdGaX45vRdSucIVrbf1JENSZV2esJvDSupSRYygWoc9KkdyzENIjgQZ1mv7Y77L7POWU
Chiều trên sông Đa Độ, thị trấn Kiến Thụy, Hải Phòng (ảnh nguồn internet)

Tiểu đội trưởng của tôi là anh Đinh Minh Đạo, cấp hàm Trung sĩ, người dân tộc Mường, quê huyện Lương Sơn, Hòa Bình; anh thấy tôi là người cùng họ Đinh nên rất quý mến. Chúng tôi được trang bị súng trường CKC và một chiếc ghế tôn. “a Trưởng” cách gọi tắt của Tiểu đội trưởng, được trang bị súng tiểu liên AK. “b Trưởng”, cách gọi tắt của Trung đội trưởng, được trang bị súng ngắn K54; các anh đã lớn tuổi, nhiều anh đã có vợ con, tác phong đĩnh đạc, quân phục bạc màu nắng gió, vũ khí luôn nai nịt. Chúng tôi là lính mới thấy các anh “Cán bộ khung” như vậy, cảm thấy khâm phục lắm.

Đến đây, tôi mới được nghe những câu vè bôi bác về mỗi vùng quê, tỉnh nào cũng có… Về vùng đất quê tôi thì: “Thái Bình có cái cầu Bo / Có nhà máy cháo có lò đúc mui ”, hay: “Thái Bình là đất ăn chơi / Tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành”... Chả là "Nạn đói năm 1945" ở miền Bắc đã cướp đi gần 2 triệu sinh mạng, vùng đất Thái Bình bị tàn phá khủng khiếp nhất. Khi còn ở quê, tôi không bao giờ được nghe thấy, mới nghe cảm thấy cũng bực mình, nhưng sau thấy tỉnh nào cũng có câu vè bôi bác như thế, thành ra quen... Kể cũng lạ, mảnh đất Thái Bình bé tí tẹo, mà tới đâu tôi cũng gặp được đồng hương.

Những ngày đầu trong quân ngũ thật vất vả, thời gian rèn luyện học tập kín mít, không nhanh không kịp, sáng sớm nghe tiếng kẻng báo thức đã phải nhanh chóng dậy chạy ra sân kho hợp tác xã để tập võ thể dục, rồi chạy dài vài cây số. Ban ngày thì huấn luyện học tập: Tập điều lệnh đội ngũ, tập xạ kích, tập thao tác sử dụng vũ khí… Học thuộc 10 Lời thề Quân đội, học Điều lệnh kỷ luật, Điều lệnh đội ngũ, học tập chính trị, nghiệp vụ trinh sát Công an... Buổi chiều, lại tập những động tác võ thuật cơ bản, võ thể dục, chơi thể thao...

Tập bắn súng: Kiểm tra bắn đạn thật tại trường bắn ở núi Đối sau thị trấn Kiến Thụy. Khi bắn, tôi ghì súng không chặt, bóp cò, đạn ra khỏi nòng, đầu súng nẩy lên, mọi người lo lắng cho tôi bắn không đạt, nhưng kết quả lại đạt loại khá; sau này tôi mới hiểu, đạn ra khỏi nòng đã đi đúng theo đường ngắm cơ bản, đã găm vào bia, nhưng đầu súng do tác dụng “phản lực” bị nẩy lên; bắn phát 1 thì được, chứ “điểm xạ” thì những viên sau đi tìm cò hết.

Tôi nén lựu đạn tay trái, xa hơn 20 mét, vào loại ném gần của tiểu đội, song lại ném trúng tâm hình phễu, kết quả vẫn đạt loại khá. Học tập nghiệp vụ trinh sát Công an và chính trị, tôi đều đạt loại giỏi. Rồi tập bơi vũ trang, bơi có súng cùng với tư trang bọc trong vải đi mưa, tập bơi ở cái hồ sâu cạnh làng. Còn tập chạy, có lần chạy dài, khi chạy về mệt nhoài mồ hôi nhễ nhại, có bác đi “xe bò đuôi ” trên đường, nhìn thấy đám lính trẻ chạy mệt nhọc thương hại lắm, bảo lên xe, nhưng không ai lên.

Chạy vũ trang, chạy giữa chiều hè, phải mang mặc quân phục chỉnh tề, vai vác súng, lưng đeo ba lô, đeo lựu đạn; khi chuẩn bị ở nhà mọi người khuyên tôi: “Không nên cho nhiều tư trang vào ba lô, chạy sẽ vất vả đấy”. Nhưng tôi vẫn làm, vì phải tự rèn luyện mình để khi tình huấn thực sảy ra vẫn chịu đựng được. Giữa chiều hè nắng nóng phải chạy trên 10 cây số, đến tận cửa sông Văn Úc, khi chạy về gần tới làng, tôi không thể chịu đựng được nữa, cái nóng, cái nặng, cái mệt nhọc, rồi mồm mũi tranh nhau thở, nếu cứ đà này chạy tiếp “chắc ngất” . Tôi phải giả vờ ôm bụng chạy lảo đảo, kêu đau bụng lắm, anh Đinh Minh Đạo là Tiểu đội trưởng, cán bộ khung chạy theo người không, nhận vác súng và ba lô giúp. Tôi như người được cởi trói, chạy nhẹ tênh, chẳng trách khi bị đuối sức, chỉ cần vứt đi một cái cúc áo cũng đã cho ta cảm thấy nhẹ mình.

Buổi tối, sinh hoạt Tổ ba người, còn gọi là “Tổ tam tam chế”, kiểm điểm bổ sung cho nhau những ưu khuyết điểm trong ngày, rồi rút kinh nghiệm để sau thực hiện. Xong, lại đeo súng xách ghế tôn đi sinh hoạt, tập hát, mỗi tuần tập một bài, hát về những bài ca truyền thống Quân đội, truyền thống ngành Công an, về cuộc kháng chiến chống Mỹ... Tập hát mãi mà tôi chẳng thuộc trọn bài nào, có lẽ do năng khiếu văn nghệ của mình kém, hay do tư tưởng nhớ nhà? Tôi lơ đãng ngắm nhìn bầu trời đầy sao, dưới ngôi sao lấp lánh kia, nơi ấy là quê nhà.

Ban đêm, thỉnh thoảng lại bị báo động, trong thời gian ngắn nhất phải mang đầy đủ súng đạn, ba lô, tư trang ra tập trung tại sân kho hợp tác xã. Còn đi gác, hai người gác một phiên, cách một ngày lại đến lượt, canh gác cái miếu nhỏ ở nơi vườn hoang, cạnh những ao là ao, chắc đấy là kho của đại đội. Những đêm không trăng sao trời tối đen như mực, tôi cắt tàu lá chuối trải xuống bờ ao, nhờ anh bạn gác giúp, hết giờ gác nhớ gọi dậy, rồi đánh một giấc ngon lành. Sau vì buồn ngủ quá, chúng tôi chia nhau mỗi người gác một phiên, biết là sai đấy, nhưng lại được ngủ nhiều hơn.

OoKEl4MxXQTGE0fBnPnLK0IMQ6umeRGga0QF82yFdtKtR2hhIvJNz5uJsN758QkWpI1TS9dI6sP4NNWWLezfH8IhlDextyLgj2SHzVQXChiQvVclJ_HmunMcKCPKmHtH_c2APYIN
Đêm trăng rằm (ảnh nguồn internet)
eSwMkamZ99yVxGdIS50qFgx7fqKCcyKtk7QQ16zCIhvXVVI67ybZry0t6Mkdz4aOIG-Kx9wCAi4aZh5MOWinIbbeivtBq6NMwB2N3rK0LEdOnebFH8idk_Ij9l-XaA17X1cYvzoL
Phiên gác đêm (ảnh nguồn internet)

Những đêm trăng sáng vằng vặc, ngắm trăng ngắm sao, ngắn vườn ngắm ao, nghe tiếng chim kêu “cuốc, cuốc; cuốc, cuốc...” khắc khoải mãi, lòng lại man mác buồn, nghĩ vẩn vơ đến mấy câu thơ Kiều:
“Khúc đâu êm ái xuân trường.
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên…”
Chả là Vua nước Thục vì mê gái đẹp mà bị mất thành, mất nước, ân hận khổ nhục cho đến chết, rồi biến thành con chim Cuốc đen, gọi văn hoa là chim Đỗ Quyên, nhớ Nước mà kêu "Quốc, Quốc, Quốc..." mãi, não nuột, buồn thảm trong ba tháng hè, rồi thân mình gầy đét, xác chết bám trên cành tre. Người ta bảo: “Nếu tìm thấy xác con chim Cuốc và cành tre ấy, về làm thuốc bùa yêu thì hiệu nghiệm lắm”?

Những ngày ở Tân binh, lúc nào tôi cũng cảm thấy đói, cũng cảm thấy thèm ăn, thèm ngủ, đói đến cồn cào, có lẽ do sức trai trẻ suốt ngày phải phải luyện tập hoạt động nặng nhọc nên nhanh đói thế chăng, nhiều khi chỉ ước ao được ăn một bữa cơm no. Anh nào đến phiên đi lấy cơm ở bếp đại đội, là tranh nhau xin cơm cháy vạc; anh nuôi phải vội vàng dội ngay xô nước vào vạc cơm cháy, vì còn phải để “tăng gia” chăn nuôi lợn cải thiện đời sống. Thú thực, cơm độn mì sợi cháy vạc quân dụng, ngon chẳng kém gì “cơm cháy đặc sản Ninh Bình” ngày nay. Nhiều bữa, bà chủ nhà như biết tôi còn đói, ăn xong bà phần lại bát cơm đầy với khúc cá kho, mà ngày ấy nhà nào chả thiếu ăn. Ngày nghỉ, chúng tôi góp nhau lại vài hào nhờ bà chủ mua giúp mì sợi nấu với cua tép, đã cảm thấy ngon lành. Nhớ lại những ngày còn bé ở quê nhà, nhìn thấy mấy chú công nhân sơ tán, ăn bát canh cua ông Nội tôi cho, trông ngon lành lắm, mà mình lại thấy chán, thì nay mới thấm hiểu.

Chuyện nhớ nhà, cứ có chút thời gian thảnh thơi là lại nhớ tới nhà, nhớ đến cồn cào ruột gan, nhớ người thân, nhớ cảnh vật, nhớ cả đến cái đòn tay tre trên mái nhà gianh mà mỗi lần bế em đưa võng nhìn lên; nhớ đến cả con đường chạy dọc xóm đầy cát trắng nóng bỏng mỗi buổi trưa hè, phải chạy chân trần trên đấy… Ngày chủ nhật, lại tranh thủ viết thư và chờ ngóng thư nhà. Cùng Trung đội tôi có Nhật là bạn cùng làng, những lúc nhớ nhà lại cùng Nhật tâm sự về quê hương, về bạn bè. Rồi chuyện Nhật yêu cô Tơ, con gái ông chủ nhà nơi đóng quân cũ, chưa đến bốn ngày mà yêu say như “điếu đổ”, sau này Nhật và Tơ nên duyên vợ chồng; có đồng hương để dãi bầy tâm sự cũng vơi đi nỗi nhớ nhà.

Bộ đội ở nhờ nhà dân, tôi ở nhà ông Cao Văn Cảo, bà là Hồng, thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy. Chúng tôi gọi ông bà là Bố Mẹ; ông bà quý tôi như Con. Nếu có chút ít thời gian rỗi rãi, tôi lại giúp gia đình những công việc vặt, như phơi thóc, quét dọn nhà cửa, kín nước, tắm rửa cho bọn trẻ… Việc giúp đỡ và cư xử tốt với dân là nghĩa vụ, là tình cảm quân dân. “Mượn phải trả, mất phải đền… Không được lấy từ cái kim sợi chỉ của dân… ”; sao cho “Đi dân nhớ, ở dân thương” là khẩu hiệu của công tác dân vận, được cán bộ thường xuyên nhắc nhở... Có lần, do thèm ngủ quá, tôi đã viện cớ đau bụng để xin nghỉ ốm tại nhà, cậu con út ông chủ nhà thấy tôi ngủ đẫy giấc dậy khoan khoái. Nó kêu toáng lên: “Các anh ơi! Anh Vùng ốm giả vờ nhá...”, tôi phải lẹt mãi cậu ta mới thôi. Sau này ra đi, tôi viết thư về thăm hỏi gia đình, nhà viết thư lại.

Những ngày ở Hải Phòng, giặc Mỹ đánh phá ác liệt thành phố Cảng, nhằm ngăn chặn sự viện trợ của các nước Xã hội Chủ nghĩa cho miền Bắc. Tiểu đoàn chúng tôi đóng quân trên địa bàn các xã ven biển Hải Phòng, chắc cũng nằm trong kế hoạch phòng thủ tác chiến bảo vệ bờ biển, đơn vị đào hầm hào dọc bờ kênh bên rìa làng, tập báo động sẵn sẵng chiến đấu khi địch tập kích. Một buổi sáng đang học trên đình làng, nghe thấy tiếng máy bay Mỹ liệng ầm ỳ ở tận mãi Đồ Sơn, rồi thấy một tiếng nổ lớn ngoài đồng, Đại đội cử người đi khắc phục, gần 20 phụ nữ là xã viên Hợp tác xã đang nhổ mạ cấy thì bị róc két Mỹ giết hại, cả làng sống trong tang tóc.

cvJzGhlUQTmsewWAh4YNipj_yHr49aw_aqkwn7YNfZJ-Tti_6X3LIvEpJQDYw2EQ9mHCSkKKOVBujxOeLrHs5ZkdO654XywN1_YrVg4INKF9XtPUfOsAzJkRAXiePg7fMRbB7FLy
Dòng sông Đa Độ và thị trấn Kiến Thụy, Hải Phòng ngày nay (ảnh nguồn internet)

Tháng 8 năm 1972, sau 3 tháng huấn luyện Tân binh, những người có thành tích trong rèn luyện học tập được tuyển đi học. Tôi được đi học đợt đầu, tập trung đi tại thị trấn huyện Kiến Thụy; thị trấn đẹp và thơ mộng, sau lưng là dẫy núi Đối, phía trước là dòng sông Đa Độ, uốn khúc như hồ nước lớn, gió thổi từ lòng sông lên mát rượi; trên bờ sông là những hàng dừa và cây cổ thụ xanh tốt, phong cảnh thật sơn thủy hữu tình.

Đang lên xe khách về thành phố Hải Phòng thì máy bay Mỹ ập tới, tiếng máy bay phản lực gầm rít, rồi tiếng bom đạn chát chúa, chúng đánh bom thị trấn, bom nổ, mảnh bom đạn, đất đá, gạch ngói, lá cây bay vèo vèo, xe khách vỡ kính, chúng tôi nằm áp sát xuống mặt đất để tránh mảnh bom, dân cũng làm theo, sau đợt bom đạn đầu, chúng tôi chạy khỏi bến xe, chuyến xe ra khỏi Thị trấn an toàn, chỉ có vài người bị sây sát nhẹ. Ngoái lại, thị trấn Kiến Thụy trùm trong khói lửa, không biết thiệt hại ra sao? Đấy là lần đầu tiên tôi bị dính bom đạn Mỹ.

Nhớ lại Ba Tháng Tân Binh ngắn ngủi, rèn luyện học tập cũng ngắn ngủi; căng thẳng và vất vả, gian khổ và đói khát, người cao thêm được 2 phân (cm), nặng thêm 3 cân, da sạm nắng. Nhưng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất đầu đời, là viên gạch nền móng, là bước đi Đầu tiên, Đời lính.

Đinh Danh Vùng
 
Top