Họ Đinh Nho ở Hương Sơn - Hà Tĩnh

Đinh Nho Anh

Thành viên mới
Họ Đinh Nho ở Hương Sơn-Hà Tĩnh


ap_20110813055652565.jpg


Họ Đinh Nho xuất phát từ một họ lớn ở Ninh Bình. Gặp thời loạn lạc bà Hoàng Quý Thị cùng 4 người con trai là Đinh Phúc Diên, Đinh Phúc Tiên, Đinh Phúc…(không rõ tên?) và Đinh Phúc An chạy vào đất Hoan Châu. Tới Nghi Lộc - Nghệ An, trong khi giặt ở hồ bán nguyệt trước chùa Hảo Hạc ở thôn Thu Lạng xã Hảo Lạc huyện Châu Lộc tỉnh Nghệ An (sau gọi là thôn Kim Kê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) thì bà bị chết. Điều đặc biệt là ngay sau khi bà chết trời bỗng nổi sấm chớp, mưa to gió lớn. Dân trong vùng cho đó là điềm "Thiên táng" (trời chôn). Sau khi bà mất 4 anh em bàn nhau phải ở phân tán để nếu bị bắt thì vẫn có người thoát nên quyết định anh cả Phúc Diên chạy lên Hương Sơn ở tổng Yên Ấp (nay là xã Sơn Hòa), em thứ 2 là Phúc Tiên ở lại trông coi phần mộ mẹ, em thứ 3 là Phúc…chạy về Cổ Ngu (nay là xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ) và em thứ 4 là Phúc An chạy về Hàm Giang (Hải Dương).

Đinh Phúc Diên, thủy tổ của họ Đinh ở Hương Sơn là tuộc tướng của Lê Tuấn Mậu về phe chống Mạc, phù Lê. Lúc đầu Ngài ngụ cư ở thôn Bình Hòa, khai hoang lập Ấp và vẫn nuôi chí phù Lê, diệt Mạc cùng với Phạm Phúc Kính ở Sơn Bằng.

Bốn anh em đều tham gia phù Lê diệt Mạc nên khi nhà Lê Trung Hưng, Phúc Diên được phong là "Tả Hiệu Điểm Công Tây Hầu", Phúc Tiên được phong là "Lang trung tứ phẩm", Phúc…được phong là "Đô chỉ huy sứ chánh tam phẩm", và Phúc An là cận vệ được phong "Đức Lang Hầu".

Như vậy đời thứ nhất là Ngài Đinh Phúc Diên thọ 93 tuổi.
Đời thứ 2 là Ngài Đinh Phúc Trường, thọ 93 tuổi.
Đời thứ 3 là Ngài Đinh Phúc Bảo, thọ 60 tuổi.
Đời thứ 4 là Ngài Đinh Chính Tính, thọ 71 tuổi.
Đời thứ 5 là Ngài Đinh Phúc Khánh, thọ 82 tuổi.
Đời thứ 6 là Ngài Đinh Hữu Luân, thọ 75 tuổi.
Đời thứ 7 là Ngài Đinh Nho Công tức Hầu Thiêm Đại vương phụ.
Từ đời thứ nhất đến đời thứ 7 họ ta độc đinh.
Đời thứ 7 Ngài Nho Công thuở nhỏ học hành dang dở, phải bỏ học ở nhà đi cày đến năm 28 tuổi mới tiếp tục dùi mài kinh sử. Nhờ quyết tâm cao nên đến năm 34 tuổi, Ngài đậu Tiến Sĩ, khoa Canh Tuất (1670) niên hiệu cảnh trị triều Lê. Ngài có 2 vợ sinh được 6 người con trai, cả 2 bà đều là người họ Đặng.

Bà cả sinh Ngài Nho Trạch (gọi là Già Tiên Nhân), Nho Huân mất sớm và Nho Hoàn tức là Mặc Trai Đại Vương Tử.
Bà hai sinh Ngài Nho Thận, Nho Thường (con cháu Nho Thường về sau vào ở đất Can Lộc) và Nho Côn tức Hầu Hương Nghĩa (con cháu về sau sang ở đất Thanh Chương-Nghệ An).

Như vậy ở Hương Sơn từ đời thứ 8 là Nho Trạch (con bà cả) và Nho Thận (con bà hai). Di duệ 2 Ngài về sau thành 2 chi trưởng, thứ.

Do hoàn cảnh sinh sống, một số anh em đã di dời lập nghiệp ở các nơi khác rồi phát triển thành chi họ. Mới đây, con cháu đã tìm về gốc Tổ ở Sơn Hòa, dâng hương, nhận họ như:

- Chi họ ở Thanh Liên (Thanh Chương) là di duệ của cụ Đinh Nho Côn, có chắt nội là Ngài Đinh Nhật Thận sau khi đậu tiến sĩ đã về Gôi Mỹ nhận họ, xin sao chép lại gia phả (quyển Hương Yên phổ tự) và quyển gốc đó may thay hiện vẫn còn.

- Chi họ ở Thanh An (Thanh Chương) vốn là gốc từ cụ Đinh Nho Thiều đời thứ 14 chi trưởng di sang, một thời gian đầu, do khó làm ăn nên phải đổi sang họ Võ.

- Chi họ ở Nghi Xuân có nói tới Thủy tổ là: "Tái tiểu Hương Sơn huyện, An Ấp xã" (trích Gia phả ở Cương Gián-Nghi Xuân do ông Đinh Quang Tích cung cấp), hiểu nghĩa là người anh em với Thủy tổ cụ Đinh Phúc Diên họ ta.

- Gia phả chi họ Đinh ở xã Trung Lương (Đức Thọ) ghi rằng: Cụ tổ đầu dòng họ ở Yên Ấp chuyển về Minh Lương huyện Can Lộc.
Như vậy có thể hiểu, bản gia phả "Hương Yên phổ tự" do cụ Đinh Thái Lãng đời thứ 12 ghi lại là chính xác, phần thất lạc sau này, hiện nay một số đã được bổ sung. Chứng tỏ rằng tộc thủy tổ họ ta đã phát triển khắp vùng Nghệ Tĩnh.

Đánh giá về họ Đinh Nho ở Hương Sơn, báo Hà Tĩnh (số ngày 17/4/1999) có đăng bài "Họ Đinh Nho ở Hương Sơn" trong đó có đoạn:
"Họ Đinh Nho là một cự tộc thế phiệt trâm anh ở Hương Sơn và xứ Nghệ... Dòng họ này đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng cả trong Khoa mục, Quan trường và Võ bị" (Báo Hà Tĩnh số ngày 17/4/1999).

Như vậy từ đời thứ 7 Ngài Đinh Nho Công đã phá thế độc đinh và khai khoa cho dòng họ: 2 chi trưởng, thứ phát triển ở Sơn Hòa đến nay đã có đời thứ 20 và đa số con cháu đều khai sinh có đệm lót là Nho để xem như kỉ niệm công phá thế độc đinh của ngài Đinh Nho Công.

Về khai Khoa cho dòng họ thì từ đó đến nay số con cháu đậu tiến sỹ, kỹ sư bác sĩ...v...v...không kể hết! Chỉ tính sau Ngài Đinh Nho Công đậu Tiến sĩ, con là Đinh Nho Hoàn đậu Nhị giáp Tiến sĩ năm Canh Thìn (1700), em Đinh Nho Hoàn là Đinh Nho Côn (con bà 2) đậu Giải Nguyên. Và đặc biệt trong gia đình Ngài Đinh Nho Công có 4 người là: Cha (Đinh Nho Công), 2 con (Đinh Nho Hoàn , Đinh Nho Côn) và dâu (Phan Thị Viên, vợ bé Đinh Nho Hoàn) đều được nhà vua Sắc phong Trung Đẳng Thần. Trong lịch sử hiếm có 1 gia đình nào như vậy!

Trong 1 bài thơ ca ngợi các vị Phúc Thần (gọi là bài Tán), Cụ Đinh Nho Tĩnh (đời thứ 14 chi trưởng) đã có câu:

Trên hộ nước, dưới che dân
Một nhà bốn vị Phúc Thần- vinh bao!
 
Last edited:
Top