Đinh làng Kiên Hành

Đinh Xuân Vinh

Thành viên
Staff member
ĐINH LÀNG KIÊN HÀNH

Từ bao đời nay, đình đền làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt. Đình, đền là nơi "cân bằng" phép tắc của cuộc sống cộng đồng, nơi khai diễn những nét tài năng, tư duy của dân làng, nhất là về tín ngưỡng, nơi để thờ thần Thành Hoàng làng, người có công với dân, giữ nước hoặc giúp dân nghề nghiệp sinh sống. Đến với, đình, đền làng, ta sẽ thấy lòng tri ân, trọng nghĩa, trọng tài, ''uống nước nhớ nguồn'' của người Việt Nam. Nhìn chung, văn hoá đình, đền Việt Nam rõ ràng có tính hoàn toàn độc lập của một cộng đồng xã hội, nhằm phục vụ an ninh cho dân tộc mình, yếu tố chủ yếu vẫn là thờ cúng những người có công với làng, xã, người anh hùng dựng nước và bảo vệ đất nước. Một trong những ngôi đền, đình làng Việt Nam phải nói đến ngôi đình, làng Kiên Hành (nay thuộc xã Giao Hải, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định). Ngôi Đình, Đền, này được xây dựng cách đây trên một trăm năm. Đền, đình Kiên Hành là di tích thờ các vị tổ có công khai khẩn vùng đất ven biển lập ra làng xã Kiên Hành vào thế kỷ thứ XVIII-XI, đó là các vị: cụ Đinh Khắc Chu còn gọi là Lệnh Chu, cụ Đinh Khắc Thành, cụ Nguyễn Duy Hàm còn gọi là Hàm Yên cùng các ông tổ 16 dòng họ khác”.( Theo Hồ sơ di tích lịch sử văn hoá đình làng Kiên Hành- Sở Văn hoá thông tin & du lịch Nam Định năm 2009).

Chúng tôi được nghe các cụ trong làng kể lại, ngôi đình làng Kiên Hành trước đây xây dựng rất to đẹp, những cột đình bằng gỗ lim to. Trên các vì kèo, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong... các nghệ nhân xưa đã chạm khắc các đề tài tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên, giàu tính dân gian và phong phú, sinh động. Tất cả các chi tiết trong đình đều được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Với những hình chạm khắc về Long - Ly - Quy - Phượng... Rồi, Tùng - Trúc - Cúc - Mai biểu tượng cho sự hồn nhiên, tinh khiết, thanh nhã mà sang trọng. Đồng thời Tứ quý còn mang ý nghĩa của bốn mùa trong năm...
Ngôi đình, làng Kiên Hành được xây dựng, trên khu đất thiêng, nhưng do thời gian và sự biến thiên của lịch sử, thế rồi ngôi đình làng bị tháo dỡ toàn bộ, để lấy vật liệu xây dựng nhà kho Hợp tác xã, để lại trong lòng người nơi đây biết bao nuối tiếc.

Văn hoá đình thuộc văn hoá dân gian là nét đẹp văn hoá và là di sản quý của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Ngày nay trong cộng đồng đã đổi mới, nhận thức về mọi mặt đã được nâng nên. Năm 2009, Đình- Đền- Chùa Kiên Hành được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng công nhận Di tích lịch sử- văn hóa. Đặc biệt được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ, cùng với nguyện vọng thiết tha của nhân dân nơi đây, năm 2010 ngôi đình làng Kiên Hành được đầu tư, xây dựng lại ngay trên nền ngôi đình xưa. Nhìn ngôi đình được xây dựng khang trang bề thế, cán bộ nhân dân nơi đây mãn nguyện sung sướng. Ngôi đình làng Kiên Hành do các bậc tiền nhân họ Đinh đã cùng dân làng nơi đây góp công, sức, trí tuệ xây dựng lên, một thời ngôi đình vắng bóng nay lại hiện diện trong đời sống cộng đồng.

BLOW93c_44kUTmSH5mYniw.jpg

Ngôi đình làng Kiên Hành, khởi công năm 2010, đến nay sắp hoàn thành

Phải đặt việc bảo tồn, gìn giữ những ngôi đình còn lại, khôi phục lại những ngôi đình có giá trị về lịch sử, văn hóa; khôi phục các lễ hội Đình làng trong mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa những nét văn hóa truyền thống và hiện đại. Hôm nay chúng tôi được về đây chiêm ngưỡng ngôi đình làng Kiên Hành sắp hoàn thành trên mảnh đất cũ, mặc dù không được nguyên bản như trước đây, song thấy người dân nơi đây hả hê sung sướng mãn nguyện. Nhân đây tôi xin trân trọng giới thiệu bài văn hồi ký của tác giả Nguyễn Xuân Huy, người làng Kiên Hành, có bài “ Những kỷ niệm không phai” đã đăng trên báo Khuyến học và Dân trí số 27 (298) ngày 7/7/2005. Một số chi tiết trong bài có liên quan đến ngôi đình làng Kiên Hành nói trên .

Giao Thuỷ ngày 28/8/2012
Đinh Xuân

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG PHAI

( Bài đăng báo Khuyến học & Dân trí số 27 (298) ra ngày thứ năm 07/7- 2005)
Tôi cũng không nhớ rõ từ khi nào ngôi đình làng Kiên Hành được mượn làm trường học, chỉ biết ngay từ năm tôi vào học lớp Một thì đã được lên đình dự lễ khai giảng năm học mới và chúng tôi được ngồi học trên những bộ bàn ghế gỗ lim vững chắc kê ngay ngắn trong đình.

Đình làng Kiên Hành hiện nay không còn nữa. Trước kia người ta lệnh cho dân làng phá dỡ đình để lấy vật liệu dựng nhà kho Hợp tác xã. Ngôi đình làng vắng bóng đã lâu nhưng lúc nào trong tâm trí tôi cũng hiện lên rõ mồn một đình làng với khuôn viên bề thế; bọn học trò chúng tôi coi đây là cả một thế giới phong phú và đầy bí mật, nhất là khi ghé mắt qua khe cửa nhìn vào cung thờ thâm nghiêm hoặc khi nô đùa, ẩn nấp trong khu vườn rộng sau dình, rồi những khi vục gáo dừa vào bể nước mưa thăm thẳm mà uống một cách ngon lành… Mỗi sớm mai đi học, qua khỏi cầu đình, tung tăng trên con đường ven theo bờ sông, dưới những tán lá bàng cổ thụ xanh mướt, chim chóc ríu ran, rộn lên trong lòng chúng tôi niềm vui kỳ lạ….

Dạo đó chỉ có các thày dậy chúng tôi (chứ không có cô giáo). Thầy nào với tôi cũng có nhiều kỷ niệm.
Thầy Khôi còn trẻ lắm mà thầy lại dạy lớp các anh chị lớn, có lẽ vì thầy học cao chăng? Không biết làm sao tôi lại yêu thầy Khôi đến thế, vì thầy trẻ đẹp, thầy mê đá bóng, thầy quí học trò, thầy có nụ cười hiền hay là thầy luôn đĩnh đạc trong trang phục chỉnh tề, mẫu mực, tôi cũng chẳng biết nữa. Thành thật mà nói, tôi nhìn thầy không chán mắt, nhiều đêm tôi nằm mơ được học lớp thầy, tôi luôn thuộc bài, học giỏi và thầy cho tôi những điểm mười đỏ chói.

Thế rồi, tự nhiên không thấy thầy đến trường, sau này mới biết là thầy tòng quân và đã hy sinh trong một trận đánh đồn.

Thầy Huỳnh có dáng vóc cao lớn, chúng tôi thật sự bị cuốn hút trong những bài thầy dạy vẽ lên bảng hình các con vật, hình cây lá sao mà giống và đẹp thế. Vậy mà trong một lần giặc càn vào làng bắt bớ, trong số những người làng bị chúng bắt trói và đánh đập có thầy Huỳnh của chúng tôi.

Thầy Khang về làm Hiệu trưởng nhà trưởng vào thời kỳ sau hoà bình lập lại (1954). Thầy có khuôn mặt nghiêm nghị nhưng tràn đầy niềm nhân hậu và bao dung. Thầy dạy bảo chúng tôi ân cần như người cha, cả trường từ học trò đến các thầy và bà con nhân dân ai cũng kính trọng thầy Hiệu trưởng… Tôi chưa được học lớp thầy, nhưng nghe anh tôi nói: buổi sáng hôm ấy thầy bắt đầu giảng bài mới thì có một cán bộ xã đường đột vào lớp học yêu cầu thầy không cho hai nữ sinh trong lớp tiếp tục được học vì hai nữ sinh này là con địa chủ. Sau một giây sửng sốt, thầy ngừng giảng, nghiêm sắc mặt nhìn thẳng vào người cán bộ xã kiên quyết buộc ông ta phải ra khỏi lớp ngay, vì ông ta làm thế là vi phạm kỷ luật học đường. Rồi thầy tiếp tục giảng như không hề có chuyện gì xẩy ra …

Thưa các bạn, tôi không thể nào kể hết được những kỷ niệm về các thầy: Tiếng đàn của thầy Thu, nét chữ của thầy Lưu, những chuyện cổ tích của thầy Tường, những dòng thơ trào phúng của thầy Cổn…Tôi cũng không thể nói hết được niềm tôn kính, tự hào tràn đầy lòng tôi đối với các thầy, cũng như tình yêu đối với mái trường đầu đời tôi. Cái tình yêu thiêng liêng ấy đã theo tôi suốt chặng đường đời, nhất là trên bước đường hành quân gian khổ khi tôi trong quân ngũ. Và bây giờ khi đầu tôi đã bạc, có nghĩa là tôi đã già, nhớ về các thầy tôi thấy mình vẫn bé nhỏ như ngày nào còn học dưới mài trường làng mà đó là mái đình với các đầu đao cong vút in đậm trên nền trời quê hương trong những sớm bình minh rộn rã hay trong những buổi chiều tà êm ả…

Nguyễn Xuân Huy
(2005)​
 
Top