Về với cội nguồn gia tộc họ Đinh

dinhdangtuy

Thành viên mới
Về với cội nguồn gia tộc họ Đinh
( Đinh Đăng Túy - xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
Nơi có Đền Đồng Bằng nổi tiếng toàn quốc )

Sáng hôm 13/7 âm năm 2012, anh Đinh Công Quán thay mặt Ban liên lạc dòng họ Đinh Thái Bình đến tìm gặp tôi tại nhà tôi. Cùng đi là anh Đặng Hùng ở Sở VH Thái Bình ( quen biết tôi từ lâu) hiện đang giúp họ Đinh Thái Bình khảo cứu và gắn kết các dòng tộc trọng họ ...
Tôi rất cảm động trước tâm huyết của những người đã vất vả đi đầu trong việc hội tụ con cháu về với Tiên Tổ ở tỉnh nhà ...
Từ tối hôm qua, tôi gạt mọi việc để tìm đọc trang "họ Đinh VN" trên mạng, rất cảm động trước những bài viết, các tác phẩm của các anh các bác đi trước và bỗng cảm thấy mình có thiếu sót vì chưa được tiếp cận với các thông tin này sớm hơn...
Lâu nay tôi cũng "hoạt động cộng đồng" đến "mờ mắt" nhưng vẫn còn chưa đủ nếu chưa được hòa vào sống giữa dòng họ Đinh của mình...
Rất tiếc là trong tay tôi chỉ có mấy trang ghi chép của cha ông về dòng họ Đinh ở quê tôi quá sơ lược... Mọi văn tự cổ và di chỉ đều đã bị thất thoát gần như hết từ thời chống Pháp. Ngày ấy quê tôi bị giặc Pháp san phẳng thành "bình địa" , nhà cửa bị đốt hết, cây cối bị chặt phá, dân phải chạy tản cư ...Cứ khoảng 1 km dọc Quốc lộ số 10 (chạy dọc giữa xã ) là lại có 1 Đồn giặc ... May sao chỉ có mấy ngôi Đền lớn là chúng không động đến thôi ...

Họ Đinh ở quê tôi ( An Lễ, Quỳnh Phụ) có những đặc điểm sau :

1 - Tại huyện Quỳnh Phụ ( tỉnh Thái Bình)có lẽ mật độ họ Đinh ở quê tôi là đông nhất, có những làng hiện tại có tới hơn 80% là họ Đinh. Các xã khác đều có nhưng mật độ họ Đinh ít hơn, có xã chỉ khoảng chục hộ ...
Các ngành họ Đinh ở quê tôi tuy cùng chung họ chính là họ Đinh nhưng chữ đệm thì khác nhau như : Đinh Đăng, Đinh Bá, Đinh Công, Đinh Duy, Đinh Trí, Đinh Gia, Đinh Đức, Đinh Văn, Đinh Hữu ... Mà đến đời ông bà chúng tôi thì giữa các ngành trong họ Đinh này, nam nữ đã có thể kết hôn. Xét luật "ngũ Đại mai Thần chủ" thì như vậy các ngành họ Đinh này, đến khi đó đã có ít nhất là 5 đời xa rồi ( ví dụ ông nội tôi họ Đinh Đăng lấy bà nội tôi là gái họ Đinh Gia)... như vậy chứng tỏ họ Đinh ở quê tôi đã có từ rất lâu.
Trước năm 1945, các ngành họ Đinh lớn ( như các cụ kể lại) là đều có Từ đường riêng, có gia Phả do hậu duệ đích tôn của mỗi ngành lưu giữ... Đến nay thì chỉ còn 2 ngành vừa xây lại Từ đường khoảng một vài chục năm lại đây thôi.

2 - Các ngành họ Đinh tương truyền xa xưa có ngày kỵ Huyền Tổ chung, nhưng sau vì con cháu đông dần lên rồi lại qua chiến tranh, nên ngày kỵ Huyền Tổ ( ông Tổ cao nhất) thì chỉ cúng tại mỗi ngành chứ không hội tụ chung nữa ( chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này ở phần sau)...Vì thế tuy cùng là họ Đinh nhưng cư sử với nhau chỉ như tình làng nước thôi, chứ không mang dấu vết huyết thống.

3 - Việc có chữ đệm là Bá, Công, Đăng ... như hiện tại ở quê tôi, theo chúng tôi thì cũng chưa đủ cơ sở chứng minh đó là chữ đệm đã có từ thượng cổ của một ngành họ Đinh nào đó...
Bởi lẽ các cụ giải thích rằng: "ngũ Đại mai Thần chủ" còn có nghĩa là sau 5 đời thì có thể thay chữ đệm của họ chính, tách sang một ngành khác. Cách chúng tôi 2 đời đã có chuyện : Ngành họ Đinh Duy ngày ấy ( họ mẹ tôi, ở thôn chợ Đồng Bằng ) có ông cụ Đội Lộng là chú ruột mẹ tôi, cụ đi lính sang Pháp và đánh phát xít bảo vệ thành Pari trong chiến tranh Thế giới lần thứ nhất ( 1914-1918) đã được thưởng Bắc Đẩu bội tinh... Cụ tính cương trực rất ghét bọn lính Lê dương và lính lệ từ huyện lỵ và Đồn binh hay đến chợ Đồng Bằng quê tôi vào những phiên chính để "mua cướp" và "trêu ghẹo gái"... Nhiều lần cụ đóng giả dân thường để đánh bọn lính càn quấy này... có vài lần chúng bắt cụ về huyện nhưng khi cụ bảo con cháu cầm y phục và giấy tờ lên, thì quan huyện và Trưởng Đồn lại phải xin lỗi cụ và xin "xí xóa" ... Trong họ Đinh Duy khi ấy có 1 chi không đồng tình với cụ, khuyên can không được và sợ bị liên lụy nên chi này di cư xuống thôn dưới và đổi thành Đinh Trí...( nhiều cụ lớn tuổi hiện nay vẫn còn minh mẫn để có thể chứng nhận điều này). Như vậy ngành Đinh Trí này mới có từ mấy đời gần đây thôi, mà nguyên từ Đinh Duy đổi thành.
Lại nữa : ngay đời chúng tôi ( sinh vào khoảng giữa TK 20), tôi chứng kiến có gia đình họ Đinh đẻ 5 con trai thì đặt chữ đệm 5 kiểu khác nhau: Con lớn là Đinh Đại Quang, con thứ 2 là Đinh Gia Lục, con út là Đinh Lễ Văn ...
Lại nữa : như bản thân tôi là họ Đinh Đăng ... Nhưng ngày tôi đi chống Mỹ, không hiểu sao bên quân lực lại ghi Đinh Quang Túy, vài năm sau lại ghi Đinh Quốc Túy ...Huân huy chương thì nhầm chữ Đăng thành chữ Văn, toàn là Đinh Văn Túy ...Vậy nếu tôi "dễ dãi" thì sẽ không giữ chữ đệm như ông cha đặt nữa ...
Bởi thế , nếu khi khảo sát mà ta chỉ căn cứ vào chữ đệm hiện tại rồi cho rằng từ xưa đã vậy là có thể có những trường hợp không chính xác...

4 - Giữa các ngành họ Đinh ở quê tôi ( loại trừ 1,2 ngành vừa tách cách mấy đời) còn lại thì đến nay không còn biết ngành nào là anh, là em nữa ...Điều đó thể hiện họ Đinh đã tồn tại từ rất lâu ở quê tôi và cũng đặt ra mấy điều cần lưu ý khi muốn quần tụ các ngành họ Đinh lại :
- Khi chưa có đủ tài liệu chứng mình thì cứ nên coi nhau như 1 nhà, ai lớn tuổi là anh ...Kẻo cãi vã bề bậc sẽ làm mất đoàn kết, khó quần tụ về 1 mối( ngay họ Đinh Đăng nhà tôi, giữa các chi cũng đã sảy ra chuyện này: chỉ cần 1 chi quên đi 1 đời, vậy là khi ghép vào Gia phả sẽ kéo đời thứ 5 của chi đó lên ngang đời thứ 4 các chi khác, gây ra rất nhiều mâu thuẫn...)
- Gia phả ( nếu còn lưu được) thì ngoài đoạn ghi về cụ Tổ chung ( huyền Tổ), sau đó thường chỉ ghi riêng về ngành mình, chi mình...Lắm khi qua quá nhiều đời thì chỉ có cháu Đích tôn ngành là ghi sơ lược các nhân vật chính ở các đời chính, còn các chi thứ thì chỉ ghi ông Tổ chung và khoảng 5,6 đời trực hệ của nhà mình.
- Đại bộ phận cháu đích tôn các ngành họ Đinh xưa kia ở quê tôi, có thể là không thuộc dòng Nho gia nên rất ngại ghi chép, hoặc nghèo khó, hoặc lang bạt, hoặc không có ý thức lưu giữ các tư liệu về dòng giống ...thành ra sau các cụ Huyền Tổ, Tằng tổ ...là bỏ mất cả 1 số đời, mà chỉ nắm được 5,6 đời gần đây thôi . Nhất là khi người ghi chép lại không ở cương vị đích tôn và ghi tự nguyện ...
Đó cũng là để giải thích vì sao ông cha tôi có ghi chép lại ( sẽ dịch dưới đây) , nhưng sau đoạn ghi về huyền Tổ rất rõ thì chỉ ghi 5,6 đời đến hiện nay của nhà mình mà thôi .
- Khi chưa đủ tư liệu tin cậy thì không lên lấy suy diễn cá nhân mà áp đặt vào những chỗ chưa rõ, như vậy chúng ta có lỗi với Tiên Tổ vì đã "lộng giả thành chân", đó là điều hết sức tránh, nhất là khi đứng trên quan điểm tín ngưỡng Tâm linh ... Dù có thể chưa biết ai là anh, ai là em...nhưng đều quần tụ hướng về Tiên tổ và giúp nhau những điều có thể được trong cuộc sống hiện tại thì cũng là đã quý rồi .
- Dù chưa rõ bề bậc anh em, nhưng khi hội tụ tại Từ đường thì ngành quản lý Từ đường sẽ là chủ, con cháu các nơi khác đến đều phải tôn trọng và bàn bạc để ngành chủ quyết định. Cốt lấy vui vẻ đoàn kết, thành kính hướng về Tiên Tổ làm trọng ...
Đó là mấy suy nghĩ bước đầu của tôi xin trình với các bác các anh trong họ .

Một số ghi chép của cha ông tôi về họ Đinh ở quê tôi :

Sau đây là ghi chép truyền gia của gia đình tôi, văn bản viết bằng chữ Hán (mà anh Đặng Hùng đã đem đi photo sáng 13/7 âm) tại đây tôi sẽ xin nói thêm nhiều điều không có ghi trong văn bản để mọi người cùng tham khảo :
Bản ghi chép bằng Hán tự này khởi đầu do ông bác trưởng tôi tên là Đinh Đăng Quát, là tú tài duy nhất của họ Đinh Đăng ngày ấy( cụ vừa là ông Đồ Nho vừa là thầy thuốc Đông y gia truyền ) ghi từ nhưng năm 1930 đến năm 1942 thì mất. Sau đó trao cho bác thứ hai là Đinh Đăng Quán ghi tiếp đến năm 1945 thì trao cho bố tôi tên là Đinh Đăng Hoa (là em út , Đảng viên lão thành, nhà Nho- làm ông đồ Nho đến 1945, và là thầy thuốc Đông y gia truyền ...) ghi tiếp đến những năm 1990... Xin tạm dịch như sau :
Huyền Tổ Đinh tộc ngụ tại bản địa thuộc An Tiêm lộ, Giao Chỉ quận , thời Trần viết Thái Bình Phủ, Sơn Nam Hạ trấn, hữu truyền sự nghiệp dĩ :
Cổ thời, Đinh Tiên Hoàng đế vị đắc ngôi thiên tử, hữu số niên gian ngụ tại Bố Khẩu thuộc An Tiêm lộ, hạ thân phù trợ Trần Lãm Đại vương. Kỳ Đại vương thụ tử, Đế tiếp thủ binh quyền. Huyền Tổ kỳ dĩ mưu sĩ nội quân Đế giả.
( Tạm dịch : Vị Tổ đầu tiên của họ Đinh lập nghiệp tại đất này thuộc lộ An Tiêm, quận Giao Chỉ, đến thời Trần thì đất này có tên là Phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam hạ. Sự nghiệp của huyền Tổ được truyền lại như sau :
Vào cổ thời, ngày Đinh Tiên hoàng Đế chưa ở ngôi Thiên tử, có 1 số năm ngài theo Trần Lãm Đại vương ở đất Bố Khẩu ( vùng vũ Thư - Thái Bình hiện nay), đến khi Đại vương qua đời thì Đinh Đế được nắm binh quyền. Ngày ấy huyền Tổ của ta là một mưu sĩ trong quân của Đinh Đế ...)
Chí kỳ Đinh Tiên Hoàng Đế chính ngôi, huyền Tổ quyết cầu giải binh nghiệp, chí Thanh Hoa địa giáo học thủ nghệ. Chí kỳ Đinh Triều vong Lê khởi, huyền Tổ hựu khứ Thanh Hoa chí Bố Hải Khẩu định cư thủ nghệ giáo học giả.
( Tạm dịch : Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, thiên hạ thái bình, Tổ ta quyết xin giải binh nghiệp, về đất Thanh Hoa( Tức Tỉnh Thanh Hóa)làm nghề dạy học.
Đến dịp nhà Đinh mất, nhà tiền Lê lên ngôi, tổ ta lại từ Thanh Hoa ra Bố hải Khẩu ( Vũ Thư, Thái Bình ) định cư làm nghề dạy học ...
Túy xin bàn thêm : Vì sao Tổ bỏ Thanh Hóa ra Thái Bình? Theo tôi có lẽ vì khi Lê Hoàn lên ngôi, mà Thanh Hóa là quê Lê Hoàn, Tổ lại là tâm phúc của Vua Đinh trước, nên Tổ ta về Thái Bình là đất quen và ân tình cũ cho đỡ phiền phức chăng?)
Huyền Tổ viết Đinh Công tự Giáo Minh, chính thê Phạm thị hiệu Đoan Chính...
( Tạm dịch : Tổ ta họ Đinh, có tên chữ là Giáo Minh, vợ họ Phạm, hiệu là Đoan Chính... Túy bàn thêm : nhân đây, với danh nghĩa nghiên cứu VH dân gian, VH Tín ngưỡng và nghiên cứu Hán Nôm , tôi xin nói rõ điều này : Đã từng dịch nhiều gia phả, văn bia cho nhiều nơi ...chúng tôi thấy chữ Công này thường là chữ chỉ chung cho người quá cố được tôn trọng...ví Dụ Trần công, Lưu công ... chứ không phải là họ đệm của người đó... nếu hiểu sai đi thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. )
Sinh thập tử, ngũ nam ngũ nữ. Ngũ nam đồng viết Đinh Công tính.
( Tổ ta sinh được 10 người con, 5 nam 5 nữ...các con trai đều đặt là Đinh Công...Túy bàn thêm : chữ Công này mới chính là họ Đinh Công ...)
Dương Vân Nga Hoàng Thái Hậu chuẩn huyền Tổ lập Linh vị Đinh Tiên Hoàng Đế phụng sự tại Bát Hải Linh Từ, hựu điều trưởng Nam phụng sự tại sở địa ...
( Thái Hậu Dương Vân Nga giao cho Tổ ta lập Bài vị Vua Đinh Tiên Hoàng để thờ tại Đền Đồng Bằng, lại yêu cầu Tổ cho trưởng nam tử về đây để trực tiếp hương đăng phụng sự cho linh vị ...
Túy xin nói thêm : Ngày hoàn thành 3 tập cuốn sách "Đền Đồng Bằng" và được Sở VH cho phép phát hành năm 2004, tôi đã định đưa truyền thuyết ghi chép này của gia đình vào nội dung sách, nhưng vì Bài vị của Vua Đinh hiện không còn ở Đền, tôi lại là người họ Đinh...Nên lưỡng lự mãi, sợ bị coi là "cá nhân"... cuối cùng đành tạm thôi ... Nhưng cứ như có " Âm phù" hay sao đó...
Ngay khi anh Đinh Công Quán và anh Đặng Hùng hôm 13/7, khi đi đến gần ngõ nhà tôi thì gặp 1 vị khách vừa ở nhà tôi đi ra... Đó là anh Nguyễn Huy Giảng, 1 bạn trong" CLB thơ ca" khu vực do tôi làm CN, nguyên anh là Chủ tịch xã An Bài ( anh Giảng vẫn nhận mình là hậu duệ nhiều đời của cụ Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm) anh đến tìm tôi không phải để đọc thơ, mà lại để khẳng định rằng: Đền Đồng Bằng ( tức Đền Đức Vua Bát Hải) nguyên thờ Bài vị Vua ĐinhTiên Hoàng, cha ông anh xưa vẫn kể vậy, cụ Trạng tối qua báo mộng bảo anh nay phải đến nói lại với tôi như vậy ...Sự trùng hợp này thật đáng kinh ngạc! Anh Giảng còn khẳng định điều đó với 1 lập luận rằng : trên đất huyện Quỳnh Phụ, chỉ có quê tôi là mật độ họ Đinh gần như cả làng, là 1 cơ sở chứng minh điều này ...Anh vừa nói xong và ra về thì cũng là lúc đại diện họ Đinh - anh Quán - tìm gặp tôi như thế đó ! Thật cứ như là tiên Tổ muốn tôi nhanh chóng thông báo đến toàn họ Đinh về một thông tin rất quý này ! Dù rằng mới trong truyền thuyết...
Đó chính là 1 lý do giải thích tại sao người họ Đinh ở quê tôi nhiều thế .
Hai là : Tổ của họ Đinh Thái Bình phải là hậu duệ gần gũi và tin tưởngcủa Vua Đinh, nên mới được Thái Hậu ủy quyền giữ trọng trách Tâm linh này...)
Tứ nam tử ngành thứ vi chi đệ nhị tại Tổ địa Thần Khê, chư đệ chí dị địa sở cư...Niên niên đại đại luân chuyển, ngũ đại mai Thần chủ, hậu thời bách chi phái Đinh tộc, chung quy nhất Tổ giả.
( Tạm dịch : Còn lại 4 con trai của Tổ thì 1 người ở lại đất Tổ lập cư là Thần Khê, 3 người khác thì đến các vùng đất khác của An Tiêm lộ để lập nghiệp...Năm tháng qua đi, sinh ra trăm chi phái Đinh tộc( tại Thái Bình), cũng chính từ 1 Tổ chung vậy...)
Huyền Tổ kỵ nhật đích cửu nhật Dần nguyệt ...
( Tổ ta , tức cụ Đinh Công tự Giáo Minh, mất vào ngày mồng 9 tháng giêng)
Tương truyền chí Trần thời, tử tôn lục nhật Dần nguyệt thường hội tại Đào Động tế Đinh Đế, hậu hồi Thần Khê tế huyền Tổ cửu nhật Dần nguyệt. Lệ dĩ lưu truyền chí Lê Triều. Hậu thời tử tôn tằng huyền quá đa, nhi tế Tổ tại phương địa thường trú rã.
( Tương truyền đến đời nhà Trần, con cháu họ Đinh cứ mồng 6 Tết Nguyên Đán thì tập trung tại Đào Động, để vào Đền Đồng Bằng tế Vua Đinh, sau đó cùng về Thần Khê để tế Tổ vào mồng 9 tháng giêng. Lệ này duy trì đến đời Hậu Lê ...sau vì con cháu quá đông, nên thống nhất tế Tổ tại ngay địa phương mình...)
Tử tôn hậu duệ Tằng Tổ thành đạt ký danh xã tắc đa nhân rã.
( con cháu truyền đời họ Đinh lưu danh sử sách vì đã có công với giang sơn đất nước rất nhiều...)
Túy xin nói thêm : Nhân nói về dòng họ Đinh thời cổ tại quê tôi : Đức Vua Bát Hải ( thờ ở Đền Đồng Bằng tương truyền là vị anh hùng từ thời Hùng Vương thứ 18)...Đức Vua Bát Hải có 10 tướng giỏi, trong đó quan lớn Đệ Tam quê ở vùng đất phía tây bắc tỉnh Thái Bình bây giờ, Ngài là vị nhân Thần giỏi nhất trong thập vị quan lớn, văn võ song toàn...Ngài vì chiến đấu bảo vệ Vua Hùng mà tử trận, bị giặc chém đứt đôi thân trong trận thủy chiến ở Lảnh giang- Bây giờ 2 bên sông ở đó vẫn có 2 Đền thờ Ngài, mỗi Đền thờ 1 nửa thân quan Đệ Tam... còn Đền chính của Ngài ở đất An Lễ, ngay gần nhà tôi ( xin xem các tập sách về Đền Đồng Bằng của tôi ) nhớ ngày bố tôi còn sống, cụ nói rằng : quan Đệ Tam là 1 ông Tổ của họ Đinh nhà mình... từ những ngày bố tôi còn thơ bé, đã thấy các ngành họ Đinh trong làng trong Tổng thường có lễ riêng dâng đến Đền Quan đệ Tam nhân ngày tiệc của Ngài 24/6 và ngày Hội tháng 8 chung ở Đền Đức Vua, bản Sớ viết thỉnh chân linh ghi rõ : Quan lớn đệ Tam tức Đinh Công tự Uy Việt ... Vậy nhưng vì thiếu tư liệu chính thống , nên khi viết sách, dù lòng rất muốn nhưng tôi cũng không dám đưa vào sách truyền thuyết này, sợ bị cho rằng cố "kéo vào" cho dòng họ của mình ... Vì khổ nỗi : kể cả Đức Vua Bát Hải và thập vị Quan lớn đều không được ghi tên thực ...Mãi sau này dân tộc mình ( nhiều nơi)cũng hãy còn giữ lệ chỉ ghi họ mà không ghi tên thực của người đã chết, sợ phạm húy ... Tôi kể chuyện này với đồng tộc, chỉ cốt để mọi người hiểu rằng : họ Đinh ta ngay từ cổ thời dwqngj nước , đã có nhiều truyền thuyết anh hùng như thế !
Nhân đây tôi xin nói một chút ý riêng của mình rằng : Vào trang mạng Họ Đinh, tôi có đọc được 1 bài viết ghi truyền thuyết họ Đinh có khởi nguồn từ Khương Tử Nha bên Tầu...tuy chỉ là truyền thuyết và tác giả cũng là có ý tôn vinh họ mình... nhưng tôi cho rằng : dù đúng thế thì ta cũng không cần viện đến truyền thuyết "gắn với Tầu" để mà vinh danh cho Tổ Tiên như thế, chúng ta là dân Lạc Việt , nằm trong chủng tộc Bách Việt đã tồn tại khác với dân Hoa Hạ từ rất lâu đời rồi, chỉ có thể vì "giao thoa" văn hóa mà chúng ta mô phỏng "bách tính" ở Trung Nguyên để đặt hiệu cho "bách tính" ở nước ta, chứ họ Đinh ta cũng như nhiều họ khác ở Lạc Việt, không liên quan gì đến họ Đinh hay các nhân vật ở bên Tầu cả...
Cũng trong cuốn sách "Đền Đồng Bằng" của tôi, còn 1 giai thoại ở đời nhà Trần gắn với họ Đinh ta mà các cụ nhà tôi đã ghi lại khá rõ nhưng tôi cũng chưa dám ghi vào sách, vì có thể thực tế là như thế nhưng còn phải chờ tìm tư liệu chính thống để chứng minh: Đó là bà con nuôi Trần Hưng Đạo là người họ nào ở đất Đào Động quê tôi? Trong cuốn tạp ký về quê hương thời cổ, cha ông tôi ghi rõ bà có họ tên là Đinh Thị Thái, người thôn Đông ...Khi làm nghĩa nữ của Hưng Đạo Đại Vương thì mang họ Trần. chính bà đã có công tìm ra khu Đầm trũng rộng ở quê tôi để luyện thủy quân Trần Triều trước chiến dịch Bạch Đằng, bà đã cùng cha nuôi đi thị sát thủy triều và tìm nơi đóng cọc tại sông Bạch Đằng, sau đó lại có 3 năm cùng chồng là Phạm Ngũ Lão về Đào Động chăm dân lập Ấp...Bây giờ ở nhiều nơi vẫn còn Đền thờ bà, gọi là Đền thờ Hoa Đào Công chúa ( Hoa Đào trang là tên quê tôi thời cổ), không hiểu sao tôi cũng tin bà là người họ Đinh ta, nhưng vì chưa có tư liệu chính thống nên đành chỉ ghi tên là bà Thái...
Lại mới đây, khi đi khảo sát "Tục thờ Nữ Thần - Thánh Mẫu" phục vụ cho hội thảo Quốc Tế về Đạo Mẫu VN - Bản sắc và giá trị - được tổ chức sắp tới ( theo yêu cầu của "TT nghiên cứu và bảo tồn VH tín ngường VN" ) chúng tôi" gặp" 1 nữ Anh hùng họ Đinh, mà cả bà và con trai đều là tướng của hai bà Trưng : đó là Trang túc Đại Vương Đinh Thị Tố, có Đền thờ tại Quỳnh Sơn, Quỳnh Phụ- Thái Bình. Như vậy niên đại của Nữ anh hùng họ Đinh này còn trước cả thời Vua Đinh ... qua đó ta thấy : ngành họ Đinh mà tiêu biểu là Vua Đinh Tiên Hoàng Đế, chỉ là 1 ngành cổ của họ Đinh trong nước Văn Lang - Lạc Việt mà thôi.
Xác định điều này giúp chúng ta hiểu thêm một điều rằng : họ Đinh tồn tại trong "bách tính" Lạc Việt từ rất lâu và có rất nhiều ngành để mà từ đó, chúng ta có hướng tiếp tục khảo sát, tìm ra những truyền thống anh hùng của Đinh tộc ngoài dòng nổi trội liên quan đến Vua Đinh mà ai cũng biết ...Tất cả các ngành Đinh tộc trong cả giang sơn đất Việt này đều rất giỏi giang và đều có những truyền thuyết anh hùng rất cần khảo sát, lưu giữ và truyền lại cho con cháu, chứ chúng ta không thỏa mãn với 1 ngành Đinh tộc tiêu biểu đã sinh ra Vua Đinh ...)
Ngành Đinh tộc tại Phụ Phượng hữu phả tộc sở do đích tôn hậu duệ cẩn lưu . Thất truyền. Tại Đào Động địa, hiện thời Ất Dậu niên hữu đa chi phái Đinh tính bất tri thứ đẳng liên thông, khả bất tri cổ thời thượng hạ rã...Tử tôn dị phái khả hôn phối. Nội nhất ngành, khả tri ngũ đại giả.
( Ngành họ Đinh ở huyện Phụ Phượng xa xưa, tức huyện Quỳnh phụ ngày nay, tương truyền đều do hậu duệ Đích tôn lưu giữ cẩn thận, sau thời gian lâu dài, thành nhiều chi phái riêng , ghi chép gia phả riêng...Nhưng gần như đã bị thất thoát cả... Không còn biết ngành nào là trên dưới nữa. Tử tôn các ngành bây giờ có thể lấy nhau, chứng tỏ đã qua rất nhiều đời... gia phả các ngành bây giờ thường ghi chép theo chi họ , thường chỉ nhớ được 5 đời ...)
Túy xin nói thêm : Đây là đoạn mà các cụ trong gia đình tôi ghi chép về huyền Tổ, tức giai thoại về ông Tổ họ Đinh chung của tỉnh nhà, đó chỉ là ghi chép riêng của gia đình mà tôi đưa lên để mọi người tham khảo... còn Gia phả cụ thể của ngành họ Đinh ở quê tôi thì đã bị thất truyền, vì vốn dĩ chi họ nhà tôi lại không phải là chi trưởng nên không ghi chép và quản lý, mặc dù được coi là chi họ "phát trí" nhất trong quê... Xin các vị tham khảo 1 đoạn trong gia phả của gia đình :
Ngành Đinh Đăng tộc ngụ tại Giới Phúc thôn, An Lễ xã, Phụ Dực huyện, Thái Bình tỉnh : hữu ngũ chi . Tứ chi cư trú tại quê, nhất chi di cư chí Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương . Tam chi nhất , nhị , tứ : tử tôn phát hoành nghệ cộng chính nghệ nông nghiệp giả.
( Ngành Đinh Đăng ở thôn Giới Phúc, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gồm 5 chi. 4 chi ở tại quê, chi thứ 5 di cư đến Tứ Kỳ, Hải Dương.
Trong các chi ở lại quê, các chi 1,2,4 con cháu thường phát về làm giàu, làm các ngành nghề bên cạnh nghề nông nghiệp...riêng chi 3 họ Đinh Đăng, tức chi họ nhà tôi thì lại đi vào 'phát trí" chứ không phát của, và chính vì thế mà mới ghi và lưu lại được những dữ liệu trên...)
Đệ Tam chi Đinh Đăng tộc. Hậu duệ ngũ đại diễn giải
(Sau đây là lược ghi về ngũ đại chi đệ tam họ Đinh Đăng)
Thượng Tổ Đinh Đăng tộc húy danh Đinh Đăng Bình, tự Phúc Thành. Kỵ nhật thập nhị nhật, thập nguyệt.
( ông Tổ của cả họ Đinh Đăng thì chi nào cũng phải cúng giỗ. Cụ tên là Đinh Đăng Bình, tên chữ là Phúc Thành, giỗ vào ngày 12/10 âm...)
Cách số đại thất truyền...Tổ đệ tam chi húy danh Đinh Đăng Tập. Giáo học Nho gia cộng Đông y nghệ. Hữu thời thủ chức Chánh Tổng. Kỵ nhật thập tứ nhật Thìn nguyệt .
( Sau cụ Tổ Đinh Đăng Bình thì có 1 số đời thất truyền - Do gia phả dòng trường ghi bị mai một đi, gia đình tôi là chi thứ nên không được giữ Gia phả này ...Hiện cụ Tổ 5 đời của chi 3 họ Đinh Đăng tên húy là Đinh Đăng Tập, làm nghề Đông y và dạy chữ Nho, có thời kỳ giữ chức Chánh Tổng. Cụ mất vào ngày 14/ 3 âm lịch)
Tổ tứ đại đệ tam chi húy danh Đinh Đăng Hiển. giáo học Nho gia kiêm Đông y nghệ. Hữu thời thủ chức Lý Trưởng. Kỵ nhật trùng tiết Nguyên Tiêu.
( Ông Tổ đời thứ 4 - tức con trưởng cụ Tập- có tên là Đinh Đăng Hiển- cũng làm Đông y và là ông Đồ Nho. Có thời kỳ làm Lý Trưởng. Giỗ vào 15/ giêng.
Tổ tam đại húy danh Đinh Đăng Cung. Hành nghề Đông y kiêm giáo học Nho gia. Hữu thời thủ chức Lý Trưởng. Kỵ nhật nhị thập nhật lục nguyệt.
( ông nội của Túy tên là Đinh Đăng Cung, làm nghề Đông y và ông Đồ Nho. Có thời kỳ làm Lý trưởng. Giỗ vào ngày 20/6 âm lịch...)
Túy ghi thêm : Bố tôi xưa kể ông nội chỉ làm Lý trưởng 10 năm, còn làm Đông y gia truyền và ông Đồ Nho thì suốt đời. Ông sinh được 3 trai 2 gái...Ông nội tôi chết năm 49 tuổi.
Bác trai cả tôi là vị Tú tài duy nhất của quê ngày ấy, tên là Đinh Đăng Quát, làm nghề Đông y gia truyền và dạy chữ Hán, cũng chính là người đã ghi lại những dòng về cụ huyền Tổ ở trên, bác tôi mất năm 37 tuổi.
Bác thứ 2 là Đinh Đăng Quán , cũng là nhà Nho , là người ghi tiếp những tư liệu sau bác trưởng. Bác Quán chết năm 1945.
Sau đó đến 2 bác gái và bố tôi là con út, tên là Đinh Đăng Hoa.
Năm ông nội chết ( 1932) bố tôi mới 12 tuổi, được gửi theo học tiếp tại cửa của1 cụ Đồ nổi tiếng ở thôn Đông và là bạn của ông nội tôi xưa, tên là cụ Đinh Duy Uy... Sau đó cụ Uy gả con gái lớn cho - chính là mẹ tôi - Khi ông ngoại tôi mất ( 1942) thì bố tôi thay cụ dạy chữ Nho cho môn sinh trong cả vùng kiêm làm thuốc Đông y gia truyền.
Năm 1945, bố tôi tham gia dẫn đầu đoàn đi cướp chính quyền Thực dân tại huyện lỵ và vào Đảng, tham gia dạy bình dân học vụ rồi làm tuyên huấn ở huyện. Cụ bị địch bắt mấy lần, bị tra tấn nhiều...Có lần giặc dẫn đi chôn sống, may mà có nội tình báo trước nên bộ đội huyện cứu được...
Sau hòa bình 1954, bố tôi bị quy oan là Quốc dân Đảng, chỉ 1 chút nữa thì nguy, may mà có 1 số vị CB cấp tỉnh, Thành... được bố tôi kết nạp Đảng trước đây đã kịp thời về cứu...từ đó bố tôi xin nghỉ công tác vì sức khỏe yếu, chỉ chuyên làm thuốc Đông y chứ không làm CB nữa...cụ thực sự là người " Đức cao vọng trọng" trong địa phương, bố tôi mất năm 1997.
Còn tôi là con trai duy nhất của cụ, giữa những ngày giặc Pháp san bằng quê tôi thì tôi ra đời, được rèn cặp trong gia phong gia đình Nho giáo rất nghiêm...Tôi lên đường chống Mỹ năm chưa đầy 17 tuổi tròn, vào Đảng thuộc lớp Đảng viên HCM đầu tiên, tham gia lực lượng chiến đấu bắn máy bay Mỹ bảo vệ nhà máy Điện Uông bí , nơi "địa tử" ác liệt hơn cả nhiều vùng trong B,C ...Năm 1976 tôi được cử đi học lý luận rồi về công tác tại tuyên huấn tỉnh ủy Quảng Ninh, thuộc diện đào tạo kế cận, lại theo học tiếp1 khóa trường ĐH KH- KH...
Thế nhưng như có Tiên Tổ định hướng, tôi còn cố chủ động tranh thủ theo học thêm nghề Đông y ở các ông lang Hoa kiều tại Hòn Gai ngày ấy...Năm 1983, tôi cố xin về quê để kế tục nghề Đông y gia truyền vì thấy mình không thích hợp lắm với "Quan Môn"...Nhiều người sau đó bảo là :Tiên Tổ gọi tôi về !
Năm 2006, tôi là đại diện của ngành Đông y Thái Bình tham gia thi tuyển Lương y giỏi quốc gia. Hiện nay tôi là trưởng ban Huấn học Hội Đông y tỉnh Thái Bình, kiêm CT hội Đông y huyện Quỳnh Phụ ( cũng đã cố xin nghỉ mà chưa được), bệnh nhân khá đông nhưng tôi vẫn tham gia nghiên cứu về quần thể di tích Đền Đồng Bằng mấy chục năm nay, cũng có lẽ do họ Đinh nhà mình có liên quan đến cụm Di tích nổi tiếng này, nên Tiên Tổ đã thúc giục tôi chăng ? Năm 2004 tôi cho ra đời 3 tập sách mỏng về Đền Đồng Bằng, đã được Sở VH TB cấp phép phát hành, sau đó tiếp tục nghiên cứu sâu và rộng hơn, đến nay đã có hàng chục tác phẩm gửi "Viện NC VH" và "TT nghiên cứu bảo tồn VH tín ngưỡng" về VH truyền thống, VH dân gian và tín ngưỡng, Di tích ... Năm 2011, GS TS Ngô Đức Thịnh mời tôi tham gia TT.( Ngay dịp này tôi đang phải cố hoàn chỉnh 1 báo cáo tại Hội thảo QT về Đạo Mẫu VN - Bản sắc và giá trị vào cuối tháng 9 tới, do TT giao cho) .
PGS TS Nguyễn Thị Yên - Viện NC VH - cũng đang bàn phối hợp để triển khai 1 số công trình nghiên cứu ở khu vực ...
Mới đây, theo nguyện vọng và yêu cầu nâng cao dân trí nông thôn, các CB hưu trí và trí thức khu vực khởi xướng thành lập CLB hỗ trợ tri thức cộng đồng, bao gồm thành viên trong cả nước, có trách nhiệm động viên các nhà văn nhà thơ, các nhà KH, nhà xuất bản...quyên góp sách bổ ích đưa về mở các tủ sách miễn phí ở nông thôn cho dân đọc, mời các chuyên gia về nói chuyện với dân ở những lĩnh vực mà dân cần, để góp phần nâng cao dân trí ( tại TB chúng tôi đã lập được hàng trăm tủ sách miễn phí, tổ chức nhiều buổi mời các chuyên gia về nói chuyện cho dân nghe) CLB này lại yêu cầu tôi làm chủ nhiệm. Họ bảo : "việc vất vả và Thiện nguyện nên mới cần đến những người như bác", vậy là lại không từ chối được... hiện nay CLB còn mở 1 lớp Hán Nôm và trực tiếp do tôi hướng dẫn ( khóa 5)...
Thế rồi các CLB Thơ ca , CLB VN ở địa phương cũng cố lôi tôi vào và giao trọng trách ( thực ra là tại mình cũng có máu "nhà Nho", thích thơ phú nữa)...Thế rồi cứ có đoàn quan trọng nào về Đền Đồng Bằng, địa phương lại nhờ xuống giới thiệu du lịch cho họ...
Bận mải toàn sự linh tinh tới mức không hết việc...
Nhưng khi được anh Quán nói về họ Đinh với những dự định như thế, tôi thấy rằng đây chính là 1 lĩnh vực mà mình không thể không nhiệt tình tham gia được! Cho nên dù năng lực có hạn, học hành chắp vá" chẳng đâu vào đâu", tôi cũng sẽ hứa cùng các bác các anh quần tụ để tôn vinh Tiên Tổ, chỉ xin có lịch trước để còn sắp xếp công việc. Vì cái khó nhất của tôi hiện nay là thời gian...
Mong các bác các anh trước hết hãy ghi nhận cho tấm lòng của tôi đối vớiTiên Tổ họ Đinh nhà mình.

Các vị có thể liên hệ với tôi qua các địa chỉ sau :

Mạng Fb có 4 trang :
- Đinh Đăng Túy - Trang cá nhân tổng hợp.
- CLB hỗ trợ tri thức cộng đồng - trang cho CLB mở
- Đền Đồng Bằng : về tín ngưỡng, di tích
- Túy Đinh đăng : về Đông y

Blog yahoo : Đinh Đăng Túy Thái Bình.

Hòm thư điện tử : [email protected]
ĐT : 01662313666 - 0978157234

Vậy xin thân ái chào các bác các anh và quý vị !


Đinh Đăng Túy - Kính !
 

ĐINH DUY ĐANG

Thành viên mới
Bác Đinh Đăng Túy thân mến!
Tôi là Đinh Duy Đang ,cựu giáo chức quê ở Đất tổ . Rất vui được đọc bài viết thật cảm động của bác về dòng họ ĐINH ta.
Tôi rất muốm tìm hiểu thêm và giao lưu với bà con dòng họ Đinh . Rất mong được liên hệ theo Email : [email protected] ĐT bàn: 0210 3669167 . DĐ: 01635 623824
Địa chỉ: Khu 7 xã Vũ Yển, Huyện Thanh Ba , tỉnh Phú Thọ
 

đinh văn sơn

Thành viên mới
Kính gởi bác Đinh Đăng Túy.
Tôi là con cháu dòng họ Đinh Văn quê quán tại Thái Bình, hiện sinh sống tại Buôn Ma Thuột, Đaklak.
Bố tôi, ông nội tôi, ông cố tôi đều mang họ Đinh Văn ở làng Tuộc Thượng, tổng An Lạc, Tiên Hưng, Thái Bình nhưng rất tiếc gia đình tôi không có gia phả ghi chép về dòng họ nên tôi vẫn có khát khao tìm hiểu về gốc gác, thủy tổ dòng họ của mình. Thật may hôm nay vào trang web hodinhvietnam.com đọc được bài viết của bác tôi đã ít nhiều hiểu thêm được gốc gác về dòng họ Đinh ở Thái Bình.
Có lẽ nghành họ Đinh Văn của tôi cũng xuất phát từ ông tổ họ Đinh trong tài liệu bác đã viết.
Xin cám ơn bác. Nếu được mong bác chỉ dẫn cho gốc gác về nghành họ Đinh Văn ở Tiên Hưng - Thái Bình.
Kính chúc bác mạnh khỏe và có nhiều nghiên cứu về dòng họ Đinh để con cháu biết về nguồn cội của mình.
Đinh Văn Sơn
ĐT: 0906 44 38 39
Email: [email protected]
 
Kính gửi bác Đinh Đăng Túy!
Tôi cảm phục bác cả về công lao và kiến thức mà bác dành cho đất nước nói chung và cho bà con họ Đinh nói riêng. Đọc bài viết của bác tôi thấy hài lòng. Bác viết: .... họ Đinh tồn tại trong "bách tính" Lạc Việt từ rất lâu và có rất nhiều ngành để mà từ đó, chúng ta có hướng tiếp tục khảo sát, tìm ra những truyền thống anh hùng của Đinh tộc ngoài dòng nổi trội liên quan đến Vua Đinh mà ai cũng biết ...Tất cả các ngành Đinh tộc trong cả giang sơn đất Việt này đều rất giỏi giang và đều có những truyền thuyết anh hùng rất cần khảo sát, lưu giữ và truyền lại cho con cháu, chứ chúng ta không thỏa mãn với 1 ngành Đinh tộc tiêu biểu đã sinh ra Vua Đinh ...), tôi thấy bác nhìn nhận vấn đề khách quan và thận trọng như vậy là rất hay. Tuy nhiên tôi cũng thấy ý kiến: .... ta cũng không cần viện đến truyền thuyết "gắn với Tầu" để mà vinh danh cho Tổ Tiên như thế, của bác lại có cái gì đó hơi nặng về việc bảo vệ cho "chủng tộc Bách Việt". Dù tổ tiên ta từ đâu tới thì ngày nay chúng ta cũng là người Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam đối với chúng ta là thiêng liêng, là niềm tự hào và mỗi chúng ta đều giàu lòng yêu Tổ quốc Việt Nam, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhưng không vì tình cảm dành cho Tổ quốc Việt Nam mà chúng ta phủ nhận nguồn gốc xa xưa của tổ tiên mình, dù nơi đó là ở đâu. Vả lại tôi lại không nghĩ là "gắn với Tàu" lại vinh danh cho Tổ tiên!

Tôi nói thế là nhằm muốn tìm ra sự thật về nguồn cội của tổ tiên mình một cách khách quan và chính xác. Kính mong bác và mọi người có những hiểu biết sâu rộng hơn thì cùng phổ biến và cùng trao đổi. Kính chúc bác sức khỏe và thành công.
 
Top