Đình Đông Ba phường Thượng Cát, TP Hà Nôi

50332030.jpg
Phương đình đình Đông Ba (ảnh Đăng Định)

Đình Đông Ba ở xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm; nay là phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm thành phố Hà Nội 20 km về phía Tây bắc. Đình thờ ba vị Thành hoàng làng Thượng Cát là Quách Lãng, Đinh Bạch NươngĐinh Tĩnh Nương, tướng quân của Hai Bà Trưng; đình được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 22 / 4 / 1992. Câu đối tại đình viết:
Sinh thành tướng mệnh, phù vua đuổi giặc ghi trang sử.
Hóa hiển thần thiêng, giúp nước cứu dân tạc lưu truyền.
Hay:
Giặc Bắc đến nhà, vì nước đuổi thù ba kiệt tướng.
Trời Nam có chủ, cõi bờ giữ dựng một bà Vua.
song9-1349140136_480x0.jpg
song5-1349140137_480x0.jpg
Lễ rước nước tế Thành hoàng làng Thượng Cát

Theo thần phả “Thành Hoàng Duệ Tích xã Thượng Cát” soạn đời Hồng Đức (1470) lưu tại đình Đông Ba cho biết sự tích như sau:

“Thời Đông Hán, Tô Định sang làm Thái thú cai trị nước ta, khiến trăm họ đau thương. Con gái Trưng Tướng quân là nàng Trắc, vợ của Thi Sách, giận Tô Định giết chồng đã cùng em là nàng Nhị, nổi uy trời cất quân đánh giặc.

Trước đó, tại động Hoa Lư, Châu Ái có người họ Đinh tên Cần, chuyên làm việc thiện, có nghề làm thuốc. Quách Lương và Đinh Cần đồng học lại cùng tuổi, giao ước rằng: “Con cái hai họ sẽ lấy nhau, nếu sai lời, trời đất tru diệt”. Sau đó họ Đinh nghèo, họ Quách giầu; Quách Công năm 36 tuổi sinh con trai là Thủ Ước, Đinh Công sinh con gái Tàm Nương.

Năm sau hai nhà đều có mang, Đinh Công sinh con trai đặt tên Tư Lang, Quách Công Sinh con gái tên là Y Nương. Đến năm Thủ Ước 19 tuổi, Tàm Nương 18 tuổi; Tư Lang và Y Nương đều 16 tuổi; Quách Công sửa mâm rượu mời Đinh Công, nói: “Hai ta tuổi đều 60, trai gái đã trưởng thành, năm xưa hẹn ước thế nào, ngày nay việc hôn nhân của con trẻ nên định đoạt”. Rồi gọi trai gái hai nhà cùng có mặt, bốn người trẻ đều nghe lời, chọn ngày đẹp kết duyên.

Ngờ đâu cha mẹ hai nhà liên tiếp qua đời, rồi thiên tai, trộm cướp, khiến gia tài họ Quách sạch không. Vợ chồng Tư Lang một đói, mười rét, than: “Cha ta đã chữa cho hàng nghìn người khỏi bệnh mà không chữa nổi bệnh nghèo của con”. Anh em hai nhà ở ngõ hẹp nhưng vui vẻ tính trời, tháng ngày rìu búa sinh nhai, đêm đọc sách qua ánh đèn đom đóm, giỏ cơm bầu nước thanh cao. Nhưng hai nhà đều sang tuổi ba mười vẫn chậm sinh con, cùng than: “Nghèo cũng có mệnh, giầu sang bởi trời, gia đình ta, cha ông đều làm việc thiện, hoặc là địa đạo còn thiếu nên lòng người chưa yên?”, liền đem ruộng vườn bán hết, được 30 lạng bạc, 12 xâu tiền, tế trời đất xong đi tìm thầy địa lý.

Đến núi Đại Hoàng thấy ông già đầu đội mũ hoa, cầm gậy trúc vừa đi vừa hát, bèn cùng làm lễ cầu tự; Ông già rằng: “Ta chẳng phải tiên, chẳng phải tục, thường nhân một cuộc thân trong ba kiếp, vui xem địa lý tiêu giao, tự xem phúc thiện nhân gian. Vì người làm phúc, xưa vốn không để tâm, nay bọn bay, Ta vừa thấy núi có hai kiểu đất, hai người nên trở vền đem hai bộ hài cốt một bố, một mẹ đến đây ta táng cho”.

Quay về, họ Quách mang hài cốt cha, họ Đinh mang hài cốt mẹ làm y lời; Ông già lại bảo ngôi mẹ họ Đinh, tọa Cấn hướng Khôn, sẽ sinh hai con gái; còn ngôi táng cha họ Quách, tọa Đinh hướng Quý, tất sinh một con trai võ tướng, trước là giúp nước, sau chết thành phúc thần. Từ đây nhật dụng hai nhà đều tạm đủ, sau ba bốn năm, ngày 6 tháng 2 năm Mậu Dần, họ Quách sinh con trai dĩnh ngộ khác thường, đặt tên Quách Lãng. Bên họ Đinh ngày 7 tháng Giêng năm Canh Thìn sinh đôi con gái, đặt tên là Bạch Nương và Tĩnh Nương. Năm Quách Lãng 16 tuổi cầm giáo dài địch nổi trăm người, còn hai nàng họ Đinh cùng 14 tuổi, giỏi thủy chiến, cưỡi thuyền lướt trên mặt nước như bay.

Nghe tin Trưng Vương khởi nghĩa vùng Sơn Tây, ba người cùng ứng nghĩa; dừng chân ở Thượng Cát, thấy kiểu đất đẹp, Quách Lãng ứng khẩu:
“Bình vàng trướng ngọc vây quanh mọc.
Cửa gấm, rèm buông thứ tự khai.
Thừa khí thành chuông tuy mạch nhỏ.
Ở lâu có thể dựng cung đài.”
Lại nói: “Sau này anh em ta quý hiển, lấy đất này dựng cung đài, lấy làng này làm nơi cúng tế”, rồi tới Hát Môn. Họ Trưng cả mừng phong chức “Đô chiêu thảo sứ” cùng với con ông chú Bà Trưng là Trưng Lệnh ở chốn quân trung gọi là Hoàng đệ. Họ Trưng cho hai nàng họ Đinh cùng với người anh họ Quách chiêu dụ các hào kiệt, nghĩa quân theo về lên tới sáu vạn. Hai đạo thủy bộ tiến thẳng đến đánh giặc Tô Định ở thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), toàn thắng trong thời gian ngắn.

Bà Trưng lên ngôi Vua, phong cho em gái Trưng Nhị là Bình Khôi Công chúa, thân đệ Lệnh Công làm Tướng quân, hai nàng là Nhị vị Công chúa, cho sánh duyên với em Vua là Lệnh Công, gọi hai Công chúa là Hoàng Phi. Lại cho Quách Tướng công ăn lộc ở huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai; Quách Tướng công về Từ Liêm lập cung phủ ở Thượng Cát, bổng lộc chia cho dân; lấy hòa mục xây thành thói tốt nên được dân đội ơn. Hai nàng lấy Lệnh Công được ba tháng, ngày 10 tháng 3 đua thuyền ở sông Nhị Hà (sông Hồng) thì tự hóa. Trưng Vương liền truy phong mỹ tự “Trinh khiết Đoan trang Bạch - Tĩnh Thủy tinh Nhị vị Công Chúa”, cho trang Thượng Cát thờ cúng hương lửa bốn mùa tám tiết đúng lễ nghi.

Trưng Vương ở ngôi được ba năm, Mã Viện sang đánh, vua tôi văn võ đều hy sinh, Quách Tướng quân tử nạn, dân Thượng Cát ghi nhớ công đức, tuân thủ mọi nghi thức theo chức tước thần hiệu thờ cúng từ đấy.
haiba-trung.jpg
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (Tranh Mạng)
Nước việt ta vào tay nhà Đông Hán, Tấn, Tề đến nhà Lương ở phương Bắc. Trải nhiều đời, đến Triệu Việt Vương được 15 năm, thì Lý Phật Tử đem quân đánh nhưng liên tiếp bị thua, bèn nghĩ kế cầu hôn. Triệu Quang Phục không muốn tuyệt giao nên nhận lời, chia cắt bờ cõi hai nhà ở “Quân thần châu” (bãi vua tôi)(*). Xưa gọi là đường Thiên lý; nhà Triệu ở thành Ô Diệp (Hạ Mỗ ngày nay), nhà Lý ở Cát Thượng, Phật Tử mật cầu khấn ở miếu Quách Tướng quân, sau mộng thấy một người cưỡi ngựa bạch tập tễnh đến nói rằng: “Ngựa của thần bị què, thấy ngài có ngựa tốt, nếu ngài đổi thì thần xin âm phù khiến dư đồ được thống nhất”. Khi tỉnh, thấy con ngựa mình thường cưỡi tự nhiên chết, cho là linh ứng. Sau họ Lý lấy được móng rồng của Triệu Việt Vương, đuổi họ Triệu chạy đi rồi lên ngôi, gọi là Hậu Lý Nam Đế, truy phong Quách Tướng quân là “Linh ứng Minh trì Đô chiêu Thảo sứ Quách Tướng quân Thượng đẳng thần” và tạc hai con ngựa để trong miếu thờ, định cho trang Thượng Cát thờ phụng. Từ đây về sau trải các triều Đinh, Lý, Trần, Lê thỉnh cầu thường linh ứng, nên vẫn được gia phong chữ hay lời đẹp để ức năm hương lửa không cùng”.
Hai%20Baf.jpg
Làng đón nhận Bằng di tích Quốc gia năm 1992
Đình Đông Ba được xây dựng từ lâu đời và đã được trùng tu lớn vào thời Tự Đức (1871) và thời Thành Thái (1902); đình gồm các công trình kiến trúc: Cổng, tòa tả vu, tòa hữu vu, phương đình, tòa đại đình và hậu cung; nằm trên khu đất rộng, sát khu dân cư, có tường xây bao quanh, phía trước có hồ nước rộng.

Cổng đình được dựng theo kiểu 2 tầng 4 mái với hai trụ biểu vút cao và được trang trí các hình tứ linh, hổ phù, câu đối chữ Hán. Qua cổng đến sân đình chính, gồm tòa đại đình nối với hậu cung, hình chữ đinh. Gian giữa đại đình đặt hương án và bộ bát bửu. Hậu cung được xây ba bệ gạch cao, trên đặt 6 bộ long ngai và bài vị Thành hoàng. Bộ khung bên trong đình được trang trí với các mảng chạm khắc rồng, mây, hoa lá. Kiến trúc và điêu khắc của đình vẫn là vì gỗ cổ truyền và các mảng chạm tứ linh trên cốn và hoa lá cách điệu.

Đình Đông Ba có 33 đạo sắc phong, hiện chỉ còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong từ ba triều đại nhà Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn, 2 tấm bia đá, 1 chuông đồng. Hương án, sập gỗ, bát bửu, bộ kiệu hành, bộ kiệu võng, 6 long ngai, 1 pho tượng thánh, nhiều đôi câu đối, đều được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi.

Ba vị nhân thần Quách Lãng, Đinh Bạch NươngĐinh Tĩnh Nương là tướng của Hai Bà Trưng, được thờ ở cả 2 làng là Thượng Cát và Hạ Cát; trước đây vốn là Kẻ Bầu, lễ hội các vị thần cũng là dịp giao lưu văn hóa giữ nhân dân hai làng. Hàng năm Lễ hội diễn ra vào các ngày:
Ngày 6 tháng 2 (AL) là sinh của Tướng quân Quách Lãng dân làng lễ cúng dùng xôi, rượu, thịt trâu, bò; ca hát, đấu vật; ngày Mùng một tháng 11 (AL) là ngày hóa, lễ dùng lợn đen, xôi rượu.
Ngày 7 thánh Giêng (AL) là ngày sinh của hai vị Công chúa Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương lễ cúng dùng lợn đen, xôi rượu và vui ca hát; ngày 10 tháng 3 (AL) là ngày hóa lễ hội ca hát thi bơi thuyền.
Ngày Khánh hạ (vui mừng) 10 tháng 8 lễ dùng trâu, bò, xôi, rượu, vui ca hát.
Lễ hội diễn ra trọng thể, đông vui với những tích trò thể hiện tinh thần thượng võ quật cường của nhân dân từ buổi đầu lập làng xã và trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
hn%2021.jpg
hqdefault.jpg
Lễ hội đình Đông Ba
24LHboithuongcat02.jpg
Hội thi bơi thuyền, tưởng nhớ Tướng quân Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương

* Đường biên giới giữa Cát Thượng (phía trên), Hạ Cát (phía dưới), nay Hạ Cát đã đổi thành Đại Cát (Cắt nói trại là Cát)). Dấu vết của đường chia cắt đó nay là đường 70 .

Theo mục “ Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”, Báo Hà Nội mới.
Đinh Danh Vùng (Lược soạn)
 
Top