Khánh thành Mộ Tổ

Đinh Bá Trụ

Thành viên mới
Bài phát biểu Lễ khánh thành lăng mộ Cụ Mền
Đinh Thức Hiệt
Lãnh tụ của phong trào Cần Vương tỉnh Ninh Bình
Gia phong, Ngày 28-01-2007 tức 10-12 Âm lịch (Bính Tuất)
Kính thưa các Bác, các Chú, các Em và các Cháu trong hội thợ xây lăng mộ cụ Tổ,
Kính thứ các quý khách mời đặc biệt của họ Đinh Bá hôm nay.
Kính thưa các con cháu Cụ Kê, Cụ Yên – môn sinh của Cụ Tổng Sư Đinh Bá Kỳ.
Kính thưa bầu bạn xa gần của Đinh tộc từ Thủ Đô Hà Nội và các miền quê đến dự Lễ khánh thành Lăng Mộ.
Kính thưa toàn thể các con cháu của hậu duệ đời thứ tư và đời thứ năm của một số Chi của Cụ Tổ.
Trời cao che chở, đất dày nâng đỡ, vận nước xoay vần, vận nhà lúc xanh lúc đỏ, tiết trời lúc mưa lúc nắng, nhưng hậu duệ đời thứ năm của Cụ Tổ Anh linh vô cùng may mắn đã được đón nhận từ tay Ông Cha mình một áng Tình Văn Thiên Cổ, Áng Hiều Văn Bất Hủ có một không hai trong lịch sử họ ta với nguyên vẹn bản gốc bằng giấy nho mực Tàu do Cụ Tổ Tứ Đại Đinh Bá Lương biên soạn và để lại cho hậu thế về sự nghiệp, nhân cách, bản lĩnh, đức độ, tài năng và các bước đi thăng trầm của Tổ Ông năm đời của chúng ta với tất cả hàng chục ngàn chữ trong gia phả. Cuốn Gia phả này được các đời trước cất trong ống quyển nhỏ làm bằng bương tre, bào nhẵn, gác trên mái phía bắc của nhà thờ cổ, trong đòn tay mái nhà, vừa trân trọng vừa ẩn kín sự truy lùng của các nhà chức trách thời phong kiến tập quyền và thực dân, chỉ vì một lẽ toàn bộ nội dung của cuốn phả toát lên tinh thần bất khuất chống giặc Pháp xâm lược, răn dạy con cháu không tham chức tham quyền, không tham tiền, tham bạc, ra sức rèn đức luyện tài để giúp dân giúp nước.
Để có thể có được tư liệu quý giá về Cụ Tổ, để có thể dám mạnh dạn xây dựng khu thờ tự khang trang, xây dựng lăng tẩm kiên cố và tôn nghiêm như đang ở nơi đây, tất cả hậu duệ các đời Họ Đinh ta xin cúi đầu chắp tay chi ân Cụ Tổ Tứ Đại Đinh Bá Lương đã liên tục 6 năm liền biên soạn, ghi chép, khảo cứu, đối chiếu các nhân chứng vật chứng để hướng dẫn chỉ bảo cho hậu thế phương cách bảo tồn và phát huy khí tiết phẩm hạnh của dòng họ Đinh Bá chúng ta. Xin cúi lạy Cụ Tổ Tứ Đại, hậu duệ đời thứ tư của Cụ xin được dâng nhang, đặt lễ để vén màn vải hoa lộ diện bia đá tôn thờ Cụ Tổ năm đời, công bố văn bia lăng mộ của Cụ Tổ Tam Khoa Tứ Tài Đinh Thức Hiệt, lãnh tụ của phong trào Cần Vương tỉnh Ninh Bình, hào kiệt số một của quê nhà thời chống Pháp trước khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời.
Toàn văn bia đá như sau:
Lăng Mộ Cụ Tam Khoa Tứ Tài Đinh Thức Thiệt, lãnh tụ phong trào Cần Vương tỉnh Ninh Bình:
Cụ Đinh Thức Thiệt tự là Đinh Văn Trinh, hiệu là Thượng Phủ Phi Yến Tiên Sinh.
Cụ sinh ngày Mậu Dần 28-06 năm Bính Tuất 1826 (triều Minh Mạng thứ 7). Cụ nằm trong thai 11 tháng, mất giờ Mùi ngày 19 tháng 8 năm Tân Mão 1891 hưởng thọ 66 tuổi. Cụ là con trai thứ của Cụ Chính Nghị-Đinh Công Tiên Sinh.
Sinh thời Cụ là người hiếu học với tâm niệm học để giúp dân, giúp nước, học suốt đời không biết mệt mỏi. Cụ ứng thi tất cả 18 khoa, 12 lần vào nhất trường, 3 lần vào nhị trường, 3 lần đỗ Tú Tài vào các năm 1864, 1867 và 1879 chính vì vậy nên được gọi là Cụ Mền.
Với trí tuệ uyên thâm, văn chương bác học nên được vua khen: giỏi văn Bác Cổ, lãng mạn, khả quan. Cụ là một nhà giáo yêu nước mẫu mực, thông tuệ nhưng rất khiêm nhường. Tài đức của Cụ thời bấy giờ rất xứng đáng được Vua phong làm quan nhưng Cụ không nhận và ở nhà để dạy học.
Tháng 3 năm 1882, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi Cụ đã tập hợp các thân hào nghĩa sĩ và con em trong làng, trong tổng liên kết với các hào kiệt trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh như Ông Quách Lãnh Binh Nho Quan, Ông tú tài Phạm Công Quý ở An Hòa Nam Định....vv lập phòng tuyến Chi Phong (tả ngạn sông Hoàng Long gần đối diện với đền Vực Vông) chở đá cắm kè ngăn sông, khởi binh đánh Pháp.
Cụ là người luôn chăm lo việc của làng xã, nhiều năm liền Cụ làm Tiên chỉ, Cụ đã động viên dân làng di rời Đình làng từ phía tây đầu xóm Mai Đình ra địa điểm hiện nay. Cụ đã cùng các chức sắc trong làng xây dựng hương ước, sắp xếp gia phong, nền nếp hội hè, thờ cúng Thành Hoàng, xây dựng khu Văn chỉ để khuyến khích việc học hành trong làng xã. Cụ cùng dòng họ xây lại nhà thờ Tổ Họ Đinh-thờ Cụ Dũng Binh Đại Tướng Quân Đinh Thổng, dạy bảo con cháu lấy đạo đức để tu mình, chăm chỉ học hành rèn luyện để đủ đức đủ tài giúp dân giúp nước, uống nước nhớ nguồn, kính trên nhường dưới, đoàn kết anh em trong họ, tôn trọng dân làng, quý mến bạn bè như anh em ruột thịt.
Cụ được an táng tại đây với 3 lớp quách bằng gỗ quý, bởi vậy linh sàng Cụ vẫn nguyên vẹn không thể cải táng được. Cõi vĩnh hằng này được hậu duệ đời thứ năm của Cụ bảo tồn và tôn vinh Cụ Tổ anh linh của mình bằng việc dựng lăng tẩm kiên cố tôn nghiêm trong cuối tháng 11 và đầu tháng chạp năm Bính Tuất. Được sự đồng tình giúp đỡ của bà con cô bác và chính quyền đoàn thể địa phương đã tạo điều kiện rất thuận lợi để khu lăng mộ được hoàn thiện tốt đẹp như hiện nay.
Danh động-Gia Phong ngày 10 tháng 12 năm Bính Tuất (28-01-2007).
Lược trích gia phả do Cụ Đinh Bá Lương (con trai cả của Cụ Mền) biên soạn.

Bút tích của Cụ Đinh Bá Lương cựu chiến binh Cần vương tỉnh Ninh Bình đang được con cháu của Cụ Đinh Bá Kỷ bảo vệ, cất giữ nghiêm ngặt tại Hà Nội, là văn bản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dòng họ Đinh ta. Chính vì tên Cụ Tổ thứ tư của họ ta tự là Đinh Tất Văn, vì thế con cháu hậu duệ các đời sau của Cụ không cho phép bất cứ chi phái nào được đặt tên lót cho con cháu mình là “Văn”, vì đó là phạm húy, mà đặt cho con trai cả có tên lót là Bá, con thứ lần lượt kế tiếp là Trọng, là Thúc, là Quý …vv. Đó là gia pháp, là luật nhà các hậu duệ đời sau của họ ta cần ghi nhớ để thực hiện nghiêm túc thể hiện lòng hiếu thuận với các bậc tiền bối anh linh hào kiệt vang bóng một thời của họ mình.
Lăng mộ nơi đây được xây dựng trên khuôn viên hình vuông, bốn cạnh bằng nhau, mỗi cạnh 6m ngay trên đất ruộng của hậu duệ đời thứ 5 chi trưởng của Cụ. Trong nội lăng là linh sàng Cụ được bảo vệ bởi 4 đế bê tông bao quanh cả trong lòng đất và trên mặt đất bằng khung bê tông cốt thép phi 18, mỗi cạnh 4m15. Để thoáng cả tứ phương gió lành qua lại lăng mộ Cụ tự do, độ cao thông thủy giữa nền lăng mộ và xà ngang đỡ mái cao 2m12, 4 góc uốn cong có lá sen lật cách điệu phụ họa. Hai cuốn thư cao 0m58 dài 2m12 trên mép mái bắc là bút nghiên học hành, trên mép mái nam là gươm súng chống giặc ngoại xâm, trên mép đông và tây là biểu tượng bình minh lên, hoàng hôn gác núi cao 0m52 dài 1m77, biểu tượng của vận khí xoay vần ngày đêm, trời đất, đồng thời biểu tượng của ánh dương soi rọi cho hậu thế đi đúng đường cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư vì dân vì nước. Trên nóc lăng 4 mái là quả địa cầu màu vàng và cụ Đại Bàng đậu trên cao nhất, đây là biểu tượng con cháu tôn vinh linh khí, công danh, sự nghiệp của Cụ Tổ. Cụ sinh năm Bính Tuất, mạng Ốc Thượng Thổ (đất mái nhà) vì vậy trên mái lăng màu vàng đỏ là chủ đạo. Cụ Đại Bàng đầu quay về hướng giữa chùa Chính Dương và đình làng Chòm Thượng, vừa tôn kính nơi linh phật vừa nhắc nhở con cháu trước khi viếng mộ phải mở mắt đọc bia đá mà lấy tâm thành để hướng về Cụ Tổ.
Lăng mộ của Cụ được xây dựng theo phong cách riêng của Cụ và con cháu Cụ: khiêm nhường, tận tâm, uyên bác, hợp phong thủy, hợp lòng người, nép mình vào cõi Đức để tu thân, tung người ra nơi gian khổ hy sinh mà cống hiến, hòa hiếu nhường nhịn dìu dắt cưu mang anh em thoát đói giảm nghèo, theo đường học hành nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nối trí cha ông vì nhân sinh mà phấn đấu.
Lăng mộ được xây dựng không kể tiền bạc, không kể không gian thời gian bé hẹp, không kể đóng góp ít nhiều cao thấp, to bé mà cốt ở lòng thành, song vẫn phải được công bố minh bạch, rõ ràng, vô tư, thiện chí ghi nhận tấm lòng của các chi phái trong Chi tộc và bạn bè thân thích gần xa, đó là: sự hỗ trợ vô cùng quý giá của chú Nguyễn Ánh Dương về mọi mặt, sự lăn lôn tận tình ngày đêm của hội thợ thôn Mai Sơn xã Gia Lạc, đặc biệt là của bác thủ từ Trần Công Sự, chú Đinh Anh Tuấn…được đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm ngặt, sát sao của người tổng thiết kế về kiểu dáng, về kỹ thuật của con trai út Cụ Đinh Bá Rĩu (Cụ Rĩu là chắt đích tôn của Cụ Tổ Đinh Thức Hiệt). Việc xây lăng được thi công đúng tiến trình của phép Văn Công Gia Lễ. Trời ủng hộ mưa thuận gió hòa, đất ủng hộ lòng đất liền thổ, nước ủng hộ có đủ nước để tạo nên khối bê tông kiên cố, lòng người hướng thiện các cháu hậu duệ các đời của Cụ góp công rất lớn, góp của cũng không ít tổng chi cho dựng lăng mộ chưa hạch toán hết, tạm tính đã trên 30 triệu, bà Đinh Thị Liên (con gái Cụ tổng sư Đinh Bá Kỷ) cúng tiến 500 nghìn đông, bác Đinh Trọng Pha cúng tiến 300 nghìn đồng, chú Đinh Bá Trụ cúng tiến bia đá gắn ở trong và ngoài lăng 2.200.000, chú Đinh Bá Oanh cúng tiến gạch lát nền lăng trị giá trên 2.000.000 đồng, chú Đinh Mạnh Toàn cúng tiến Cụ Đại Bàng trên 4 trăm nghìn đồng. Còn lại tổng chi hết bao nhiêu là do gia đình cháu Đinh Quý Quyền hậu duệ đời thứ 5 của Cụ xin hân hạnh được dâng Cụ với tất cả tấm lòng tự nguyện, thành tâm, kính cẩn.
Xây lăng là xây sự hiếu thuận với tổ tiên, xây lăng là xây tình đoàn tụ trong chi tộc, xây lăng là xây dựng phong tục đẹp bảo tồn giữ gìn nghi thức đẹp, xin trân trọng kính mời các quý khách, cách thành viên trong chi phái dâng nhang tri ân Cụ Tổ Anh Linh của chúng ta.
 
Top