Lễ tịch điền xuân Kỷ Sửu 2009 ở Đọi Tam, Duy Tiên, Hà Nam tái hiện lần đầu tiên đã thu hút hàng chục nghìn người tới dự.
Một dàn trống 60 chiếc mở màn lễ hội Tịch điền với những phần biểu diễn hoành tráng, nhịp nhàng và điêu luyện. Đọi Tam, cái nôi của nghề làm trống có lẽ là địa phương duy nhất có được đội trống nữ đông đảo và chuyên nghiệp này. [prebreak][/prebreak]
Trang trọng và giàu tính dân gian
Lễ Tịch điền năm 2009 với ý tưởng phục dựng lại một nghi thức có từ hơn nghìn năm trước diễn ra sáng nay tại làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nghi lễ tịch điền diễn ra dưới sự chứng kiến của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều quan chức các bộ, ban ngành từ trung ương về dự.
Không có vua ban dụ, chỉnh đốn các nghi lễ nhưng không khí trang trọng được đảm bảo bằng màn rước linh vị vua từ chùa Long Đọi Sơn ra vị trí làm lễ Tịch điền. Hình ảnh ông vua đội mũ Cửu Long, mặc Hoàng bào được tái hiện lại qua hình ảnh “vua nhập thế” bởi một vị bô lão tuổi đúng bát thập nhập khí linh vương, khoác áo long bào. Khi lễ tắt, lễ nhạc nổi lên, “vua nhập thế” cày ba sá, theo sau là đoàn người gieo hạt giống.
Theo nghi lễ xưa, sau khi vua cày, vương tôn cày tiếp 7 sá, sĩ phu cày 9 sá. Nay, sau nghi thức vua cày, hai đại diện tỉnh Hà Nam là chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh xuống ruộng cày 7 sá. Những xới cày thẳng mà ngọt được tiếp nối bởi 10 vị lão nông, tượng trưng cho nghi thức của các sĩ phu xưa. Kế đó, 20 lão nông cùng tham gia đánh thức đất đai bằng những sá cày.
Tâm sự sau khi lễ tịch điền kết thúc, người đóng vai vua - cụ Đinh Trọng Tế, 80 tuổi, thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn - cho biết không hề gặp khó khăn trong việc điều chỉnh trâu để cho ra đời những đường cày thẳng tắp do kinh nghiệm nông tang trong suốt quãng thời gian dài trước đó.
Ông Đinh Trọng Tế, 80 tuổi, thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn trong vai “vua nhập thế”.
Ảnh: L.Thoa [prebreak][/prebreak]
Trên hai thửa “kim ngân điền” (ruộng vàng, ruộng bạc) trước đây, sau hơn 1.000 năm, nghi thức khuyến nông của vua Lê Đại Hành lại được phục dựng. Một nghi lễ mà theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “cần được duy trì vì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nông nghiệp và nông dân nông thôn cũng vẫn là đối tượng quan trọng đầu tiên”.
Với khoảng 800 diễn viên quần chúng tham gia trình diễn trong nghi lễ chính: tịch điền. Chủ trương tổ chức một lễ hội cho nhân dân của ban tổ chức đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Bên cạnh nghi thức lễ tịch điền, nhiều cuộc thi dân gian như đấu vật, đánh đu, vẽ trâu,v.v… được tổ chức. Các màn biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như hát ca trù, hát chèo với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật các địa phương lân cận cũng diễn ra trong lễ hội. Lễ hội tịch điền kết thúc bằng lễ cầu an vào tối mùng 7, tại chùa Long Đọi Sơn, nơi thờ linh vị vua Lê Đại Hành với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Theo Việt sử lược, lễ hội tịch điền lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta vào năm Thiên Phúc thứ 7 (987) do vua Lê Đại Hành cử hành tại khu vực xã Đọi Sơn, nay là xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Nghi lễ này tiếp tục được duy trì ở các đời vua sau. Cũng theo sử sách, đến đời Lý, lễ tịch điền được cử hành long trọng hơn với việc coi đây là nghi lễ tế thần nông cầu cho mùa màng tươi tốt. Trong cả hai triều đại nhà Lê và nhà Lý đều đích thân do vua tự cầm cày, cày ruộng.
Nhưng đến đời Trần, vua không thân hành ra làm lễ mà chỉ sai quan lại đắp đàn xã tắc mà cúng tế. Tới thời Hậu Lê, năm Hồng Các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều tổ chức lễ tịch điền nhưng có thay đổi ít nhiều về nghi thức.
Trích báo online
xaluan.com 2009
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=101629