NGUỒN GỐC VÀ NHÂN VẬT
Nhằm mục đích bổ xung thêm một "nhánh" còn chưa được đề cập đến trong cái "cây Họ Đinh", tôi xin phép được lược trích đoạn viết về nguồn gốc của Dòng họ Đinh Nho ở Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh trong bài viết "Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn với Mặc Ông sứ tập" của ông Ngô Đức Thọ, đăng trên Trang Web Văn hóa Nghệ An, để Bà con Họ Đinh cùng đọc.
" Họ Đinh xã Sơn Hoà huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh là một dòng vọng tộc đất Hoan Châu. Tộc phả cho biết gốc tích dòng họ là hậu duệ của Đại tướng quân Đinh Điền, tông thất nhà Lê ở Trường Yên (Ninh Bình), nhưng phả chỉ ghi được từ thuỷ tổ Đinh Phúc Diên là thuộc tướng của Lê Tuấn Mậu thuộc phe phù Lê chống Mạc. Sau khi Lê Tuấn Mậu bị sát hại, Đinh Phúc Diên và hai em là Phúc Tiên và Phúc An đưa gia quyến lánh vào Nghệ An. Phúc Diên định cư ở làng Bình Hoà (nay là xóm 3 xã Sơn Hoà) huyện Hương Sơn; Phúc Tiên lập nghiệp ở Nghi Lộc và Phúc An ở huyện Hưng Nguyên. Phả dòng Phúc Tiên là chi thứ ở làng Kim Khê (nay thuộc xã Nghi Long huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có vài dị biệt: anh em Đinh Phúc Diên có 4 người chứ không phải 3, nhưng ông út về sau tung tích không rõ. Bà mẹ và anh em Phúc Diên lúc đầu đến Kim Khê, sau chỉ Phúc Tiên ở lại, còn ông trưởng là Phúc Diên qua sông Lam lên lập nghiệp ở Sơn Hoà, Hương Sơn. Tham khảo gia phả họ Đinh làng Hàm Giang (nay thuộc TP Hải Dương) là họ của Đinh Văn Tả - cũng ghi thủy tổ họ này là Đinh Phúc An. Nhưng phả này có ghi người cháu xa đời đã từng làm gia lệnh ở cung Cung vương (sau lên ngôi là vua Lê Thánh Tông), so với phả họ Đinh Sơn Hoà còn có khoảng xa chưa khớp. Các cụ dòng họ Đinh các chi nói trên hiện vẫn tiếp tục sưu tầm, xác minh để viết phả của dòng họ.
Cụ Đinh Nho Công (1637-1695), hậu duệ đời thứ bảy của cụ Đinh Phúc Diên từ Bình Hoà dời xuống lập nghiệp ở làng Gôi Mỹ (nay cũng thuộc xã Sơn Hoà). Cụ cũng làm lụng ruộng vườn, nhưng chuyên chú kinh sử, thi hương đỗ Giải nguyên, thi Hội rồi thi Đình, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), trở thành tổ khai khoa của dòng họ. Cụ Đinh Nho Công trước giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam, sau đựoc điều về kinh thăng Thiêm đô ngự sử. Cụ có 2 vợ, sinh 6 con trai. Người con thứ 6 của cụ là Đinh Nho Côn sang định cư ở làng Thanh Liêu –nay là xã Thanh Tiên huyện Thanh Chương, Nghệ An, lập thành một ngành thứ của họ Đinh Hương Sơn. Đến đời thứ 4 ngành thứ này có Tiến sĩ Đinh Nhật Thận( Minh Mệnh Mậu Tuất, 1838). Do quen thân Cao Bá Quát, Đinh Nhật Thận liên luỵ bị bắt giam. Trong ngục thất, Nhật Thận sáng tác bài Thu dạ lữ hoài ngâm giãi bày nỗi oan khuất của mình. Ngôn từ chân thành ai oán của khúc ngâm khiến các triều quan xúc động, nhờ đó Đinh Nhật Thận được tha và khúc ngâm Thu dạ lữ hoài cũng nổi tiếng trong lịch sử văn học.
Do ngành thứ đã tách ra, dòng trưởng vẫn ở quê cũ tại Sơn Hoà, từ đó được gọi là họ Đinh Nho, con cháu về sau đông đúc, nhiều người thành đạt.
Đinh Nho Hoàn tự Tồn Phác, hiệu Mặc Trai (cũng gọi là Mặc Ông), là con thứ ba của cụ Đinh Nho Công và phu nhân Đặng thị, sinh ngày 5 tháng 10 năm Tân Hợi niên hiệu Cảnh Trị 9 (7-11-1671). Thông minh hiếu học, từ nhỏ được cha kèm học, sau về Kinh thụ giáo với nhiều bậc danh sư. 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà thứ 21 (1700). Chính sử như các sách Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục v.v…không thấy chép trước khi đi sứ (1715) giữ chức gì. Nhưng chính Đinh Nho Hoàn cho biết:
“Cha mẹ tôi có 12 con, Mặc Trai tôi là con thứ. Khoa Canh Thìn 30 tuổi thi Hội đỗ thứ hai, vào thi Đình được ban Đệ nhị giáp (Hoàng giáp). Tháng trọng thu (tháng 8) năm Nhâm Ngọ (9-1702) phụng sai Sơn Tây xứ.Tháng mạnh thu (tháng 7) năm Giáp Thân (8-1704) phụng sai đốc trấn Cao Bình …”.
Như vậy, sau khi thi đỗ, Đinh Nho Hoàn làm Hậu bổ Hàn lâm viện khoảng 2 năm rồi được bổ chức Tham chính xứ Sơn Tây, chưa đầy 1 năm lại được điều bổ chức Đốc trấn phủ Cao Bình (tức Cao Bằng). Có căn cứ đoán định ông ở Cao Bằng đến khoảng năm 1710 được điều về kinh. Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép Đinh Nho Hoàn làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công, tức là chức quan của ông sau khi từ Cao Bằng về, và chức vụ “Thượng bảo tự khanh” khi đi sứ là chức quan giữ ấn triện ở Hàn lâm viện. Còn về chuyến đi sứ năm 1715, các bộ sử (đã dẫn) đều ghi thống nhất: “Năm Ất Mùi Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), mùa xuân, tháng giêng, sai sứ sang nhà Thanh”. Cương mục ghi đủ chức tước: Chánh sứ là Hộ bộ Tả thị lang Nguyễn Công Cơ, Thái bộc tự khanh Lê Anh Tuấn. Phó sứ là Thượng bảo tự khanh Đinh Nho Hoàn và Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng.
Phó sứ Đinh Nho Hoàn không may lâm bệnh đã mất trong chuyến đi sứ. Gia phả họ Đinh Sơn Hoà ghi cụ lâm bệnh, khi về đến Vũ Hán thì qua đời. Chánh sứ Nguyễn Công Cơ vào triều tâu việc tang của Đinh phó sứ, triều đình sai Hữu thị Lang bộ Lễ Tạ Đăng Huân – người đỗ cùng khoa với quan Phó sứ đến làm lễ dụ tế, truy tặng Phó sứ Đinh Nho Hoàn chức Lại bộ Thượng thư. Không thấy sử ghi tước hiệu của vua ban cho cụ Đinh trong dịp ấy, nhưng người đi sứ giữ tròn danh tiết mà chết dọc đường thường được ban tước Đại vương, phong phúc thần. Phả họ Đinh Sơn Hòa cũng ghi ngài được phong phúc thần, hiệu là “Đắc đạt đại vương Tuấn lương lượng trực Đoan túc dực bảo trung hưng chi thần”. Trong họ đến nay vẫn xưng “Mặc Trai đại vương” hoặc “Đại vương tử” vì còn có bậc trên là cụ Đinh Nho Công được gọi là “Đại vương phụ”.
Đinh Nho