dinhvandat
Thành viên mới
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP THƯỢNG TRỤ QUỐC THÁI SƯ KIÊM THÁI TỬ THÁI SƯ LÂN QUỐC CÔNG ĐINH LIỆT
Đinh Liệt hiệu là Hồng Mai, quốc tính là Lê Liệt, sinh năm Canh Thìn – 1400, tại sách Thuý Cối (về sau đổi thành Mỹ Lâm), huyện Thuỷ Nguyên, phủ Thanh Hóa (nay là ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hố). Ông nội là Trần triều Thái uý Chấn Vũ hầu Đinh Thỉnh, cha là Trần triều Thái uý Bỉnh Tài hầu Đinh Tôn Nhân, mẹ là bà Lê Thị Ngọc Thức, trưởng nữ của Hào trưởng THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP THƯỢNG TRỤ QUỐC THÁI SƯ
KIÊM THÁI TỬ THÁI SƯ LÂN QUỐC CÔNG ĐINH LIỆT
Đinh Liệt hiệu là Hồng Mai, quốc tính là Lê Liệt, sinh năm Canh Thìn – 1400, tại sách Thuý Cối (về sau đổi thành Mỹ Lâm), huyện Thuỷ Nguyên, phủ Thanh Hoa (nay là ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá). Ông nội là Trần triều Thái uý Chấn Vũ hầu Đinh Thỉnh, cha là Trần triều Thái uý Bỉnh Tài hầu Đinh Tôn Nhân, mẹ là bà Lê Thị Ngọc Thức, trưởng nữ của Hào trưởng Lê Khoáng – thân phụ của đức vua Lê Thái tổ.
Bình sinh ông thông minh lanh lợi, học đâu biết đấy văn võ kiêm toàn, dáng dấp của một thư sinh, trầm ngâm ít nói, nhưng nếu cất lời thì khoan thai khúc chiết làm cho người nghe không dứt ra được. Ông điêu luyện về khiên, kiếm, lao, thương. Khoảng mươi người đứng bên ngoài cùng hắt mực vào người múa khiên, sao cho không có một vết mực nào dính vào áo quần thì người tập môn võ này mới được gọi là thấu đáo. Môn ném lao, đánh thương phải đâm thủng được mười lớp da trâu đã phơi khô, được bó chặt lại với nhau thì đó mới được gọi là tuyệt chiêu trong môn võ thuật ấy.
Đất Bái Đô tổ chức hội võ, Đinh Liệt ứng thi môn “múa khiên không vết mực“ đoạt giải nhất. Đồng thời chàng còn tham gia môn “phi ngựa chém hết hai hàng chuối 12 cây hai bên“. Đinh Liệt kẹp chặt hai chân vào bụng ngựa và dang hai tay cứng như thép, đưa hai lưỡi kiếm ra hai hàng chuối hai bên và thúc ngựa phi nước đại. Chỉ nghe “roạt” một cái, hai hàng chuối gồm 24 cây đã bị chặt đứt gần như giống xuống đất cùng một lúc, giữa tiếng reo hò như sấm dậy của dân chúng đi xem hội. Đã mấy năm rồi, thế trận môn võ này chưa có ai phá được. Đinh Liệt được thưởng cây gươm quý, nặng 20 cân, có tên là “Thanh Thiết”. Trên đốc kiếm được khắc bốn câu thơ, tạm dịch như sau:
“Kiếm Thanh Thiết cứng bền sắc nước. Giải quán quân chờ bậc anh tài.
Vung bảo kiếm chém bay đầu giặc. Nước Nam ta ai xứng? Trao tay”.
Cùng với thanh gươm quý, Đinh Liệt còn được thưởng một cái Khiên chiến bằng gỗ sung, được nạm đồng sáng loá…”.
Đinh Liệt sinh ra vào giẵ lúc Hồ Quý Ly đã phế truất vua nhà Trần mà tự lên ngôi là Quốc Tổ chương Hoàng đế, xây dựng kinh đô ở An Tôn (nay là Vĩnh lộc Thanh hoá), gọi là Tây Đô, đặt tên nước là Đại Ngu (tức Đại Vui), lấy niên hiệu là Thánh Nguyên. Vịn cớ đó, năm 1407 nhà Minh đã đưa quân sang xâm lược nước ta. Chúng đã bắt được toàn bộ vua quan nhà Hồ mang về Kim Lăng, tức Nam Kinh Trung quốc ngày nay. Sau đó chúng đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần do Giản Định đế Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng lãnh đạo cùng rất nhiều cuộc khởi nghĩa khác. Đất nước Đại Việt chúng ta chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan, cuộc sống biết bao cơ cực bần hàn dưới gót giầy tàn bạo của quân xâm lược nhà Minh…
Cha ông là Thái uý Tướng quân Đinh Tôn Nhân đang xây dựng Lam Sơn thành một căn cứ địa để chống lại quân Minh xâm lược. Lúc này tướng quân Đinh Tôn Nhân đang tích cực xây dựng trang gia Thúy Cối-Mỹ Lâm của mình thành một căn cứ kháng Minh thật vững chắc. Ông đã chiu mộ được 40 tướng và hơn một ngàn dân binh.Nhưng tiếc thay, ông bị cảm đột ngột và đã qua đời, để lại toàn bộ sự nghiệp và ý chí kháng Minh cho ba con trai đảm nhận. Mộ ông được ba con chôn bí mật vào một hang động teong núi đá có hình con Rồng đang ngủ, gọi là “núi Ngoạ Long“. Về sau mộ của ông Đinh Tôn Nhân cũng kết, được mối đùn lên như là thạch cao vậy.
Tiếp nối sự nghiệp của cha, ba chàng thấy không thể kháng Minh lẻ tẻ như vậy được, nên đã đem toàn bộ của cải, vũ khí, lương thực, tực phẩm…và toàn bộ tráng đinh của trang gia Thuý Cối-Mỹ Lâm sang hợp quân vợi cậu mình là Lê Lợi bên Lam Sơn. Đinh Liệt là người thứ hai đã đến bàn với Lê Lợi để nhen nhóm cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với Lê Lại, Nguyễn Thận…mà sau này được Lê Thái Tổ gọi là “Bốn người nhen lửa“. Ba anh em đã dự “Hội thề Lũng Nhai“ bất hủ, đã tham gia ngày “Xưng Vương khởi nghĩa“ lịch sử hôm mùng Hai, Tết Mậu Tuất-1418 và tôn cậu mình là Lê Lợi lên làm Bình Định Vương để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh xâm lược.
Cả ba đã tham gia đánh trận mở màn thắng lợi ở Lạc Thuỷ-Mường Mọt, rồi biết bao trận “ra sống vào chết“ của ba lần thủ hiểm Linh Sơn, chiến đấu từ Ngạc Lạc, Quan Du, Khả Lam, Ủng Ải, Bồ Mộng v.v…cho đến Mường Nanh, Sách Khôi, Mường Kiệt, Xa Lai, Bồ Thị Lang v.v…Cả ba đều đã thể hiện bản lĩnh “võ dũng, mưu cao“ của mình. Đinh Lễ đã bắn bị thương Nguỵ quan Lương Nhữ Hốt, Đinh Bồ thì bắt sống tướng Nguỵ Nguyễn Sao, Đinh Liệt thì hiến mưu hiến kế rất đắc lực cho Bình Định Vương, để đưa nghĩa quân thoát khỏi nguy khốn của ba lần bị giặc vây ở Linh Sơn…Với kinh nghiệm của những người đã từng quản lý điền trang, kinh nghiệm của “những ngày Ba tháng Tám“ được cả ba anh em mang ra để cứu đói cho nghĩa quân. Cả ba đã “luồn rừng lách địch“ đến với dân để đưa từng đoàn người, gùi gạo thóc lương thực về cho nghĩa quân. Trong lần thủ hiểm Linh Sơn lần thứ ba, Đinh Liệt đã vạch ra kế sách tác chiến rất tài tình khéo léo để giúp nghĩa quân phá vây mà rút quân lên đỉnh Linh Sơn để thủ hiểm. Đồng thời bản thân ông trực tiếp dẫn 300 nghĩa binh thiện chiến để đốt phá kho lương thảo của hai vạn rưởi quân Lão Qua (Lào), rồi vừa đánh vừa nhử địch tiến về biên giới…để cuối cùng làm cho chúng phải rút hẳn về nước, tạo điều kiện cho Bình Định Vương, lúc này được Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Đinh Bồ và các tướng khác, mình đầy thương tích, quyết phá vây bằng được quân địch ở Sách Khôi mà rút lên Chí Linh an toàn. Lần thứ ba thủ hiểm Linh Sơn, Đinh Bồ lại “đau như xé ruột gan” để hy sinh người con gái duy nhất của mình là cô nương Đinh Thị Ngọc Ban cho Phổ Thần nhân để bình yên tinh thần cho tướng sỹ của nghĩa quân…Còn Đinh Liệt thì cũng “đau đớn xiết bao” khi được tin người vợ chưa cưới của mình là Trần Thị Xuân Hương, chỉ vì Xuân Hương đã chèo đò dìm chết 10 tên lính Ngô, nên đã bị chúng bắt đi làm phu phen cho các đồn bốt của giặc. Có thể nói trong thời gian trứng nước ấy của nghĩa quân, mà cao điểm là ba lần thủ hiểm Linh Sơn, cả ba anh em họ Đinh đều đã hy sinh xương máu và người thân của mình cho đại nghiệp.
Sau khi nghĩa quân củng cố lại lực lượng, đã giải phóng được toàn bộ phủ Thanh Hoa, rồi tiến quân vào giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá (tức Quảng bình, Quảng trị và Thừa thiên bây giờ). Tại đây cả ba anh em đều lập những chiến công thật là chói lọi.
Sau khi nghĩa quân ta thủ hiểm Linh Sơn lần thứ ba thắng lợi, Nguyễn Trãi lấy bí danh là Trần Văn, Trần Nguyên Hãn, bí danh là Trần Võ cũng vào Đại bản doanh Lôĩ Giang của Bình Định Vương Lê Lợi để gia nhập nghĩa quân. Nguyễn Trãi được Bình Định Vương Lê Lợi phong là Quân sư. Đinh Liệt làm Thường trực Hội đồng mưu lược Tối cao. Nguyễn Trãi và Đinh Liệt ngày đêm ở bên cạnh Bình Định Vương để bàn mưu tính kế phò giúp nhà Vua từng hướng đi từng trận đánh, cho nên nghĩa quân và dân chúng lúc bấy giờ đã gọi Đinh Liệt như là Phó Quân sư của Bình Định Vương Lê Lợi. Do đó dân chúng thường gọi Đinh Liệt là Hữu Quân sư.
Đinh Lễ sau khi cùng hai em và các tướng khác đánh địch ở Đa Căng, Bồ Thị Lang, ở Trà Long thì được giao chỉ huy một cánh quân tiến đánh Bồ Ải, diệt một ngàn tên địch và bắt sống tướng Minh là Chu Kiệt nên được phong lên Tư Không là tướng cao nhất lúc bấy giờ. Sau đó, Đinh Lễ lại đánh địch ở Khả Lưu, chi viện và giải vây cho Đại bản doanh ở động Tiên Hoa, đánh địch ở Ngàn Phố rồi tiến quân ra giải phóng vùng Diễn Châu rộng lớn, truy kích Đô tướng Trương Hùng ra tận Tây Đô…Chính tại Diễn Châu đầy nắng gió này, những lúc quân nhàn, Đinh Lễ thường cho binh lính khai hoang để tự túc lương thực. Ông lại cho quân binh của mình thả sáo diều để nghe cho vui tai mà quên đi mệt nhọc…
Đinh Bồ cũng tham gia đánh địch ở Bồ Thị Lang, Trà Long rồi được giao chỉ huy đại đội Thiết đột kỵ binh với 350 người mà ông đã trực tiếp xây dựng từ khi còn ở Linh Sơn, đã đánh lui một vạn rưởi quân Ngô-Nguỵ ở Phá Lữ, do đích thân Tổng binh Trần Trí chỉ huy, diệt 8.000 tên, làm phá sản kế hoạch của địch là tấn công vùng giải phóng của ta. Sau đó Đinh Bồ được lệnh tấn công vào giải phóng Tân Bình (tức Quảng bình Quảng trị) và Thuận Hoá (tức Thừa thiên- Huế). Tại đây, Đinh Bồ đã mưu lược diệt ba ngàn quân Ngô- Nguỵ ở Tùng Luật (Cửa Tùng của sông Bến Hải ngày nay), tạo điều kiện để phát triển quân số từ một ngàn người lên gần một vạn người, voi chiến chỉ có một con tăng lên 20 con…Thời gian này Đinh Bồ được phong lên là Thiếu phó Thượng tướng quân, kiêm Tân Bình - Thuận Hoá trấn thủ Chủ tướng. Trong khi chờ đợi Vương lệnh, Đinh Bồ đã ra sức hưng thịnh lại vùng đất có tiếng là cằn cỗi nhất nước Nam ta thời bấy giờ, đưa vùng này trở thành một vùng trù phú, dân trí được mở mang, nhà nhà đều có của ăn của để…thật là thịnh vượng.
Đinh Liệt cũng tham gia đánh trận Bồ Thị Lang, Trà Long với hai anh, rồi hiến kế cho Bình Định Vương, cứ bao vây Trà Long, còn mình xin tạm thôi Thường trực Hội đồng mưu lược Tối cao để dẫn một đạo quân, đang đêm người ngậm tăm, tượng mã tháo nhạc mà luồn sâu vào phía nam rồi bất ngờ giải phóng Khả Lưu, Tri Lễ, huyện Chi Ma, Tùng Lĩnh, Linh Cảm và bao vây thành Nghệ An. Với chiến công to lớn đó, Đinh Liệt được phong lên chức cao nhất lúc bấy giờ là Kiểm hiệu Bình Chương sự.
Thế là, tiến quân vào phía nam, cả ba anh em đều đã lập công to cho nghĩa quân và đều đã được tấn phong lên chức lớn. Tại nơi đây, có lần Quân sư Nguyễn Trãi đã tâu với Bình Định Vương Lê Lợi rằng: “Ba cháu của ngài, võ đã dũng lại có mưu cao. Ba người ấy đều thông hiểu binh thư, đều biết tự tổ chức quân binh của mình mà làm nên chiến thắng. Đấy là một điềm lành cho nghĩa quân ta đó. Xin chúc mừng ngài…”
Nghĩa quân Lam Sơn tiến ra bắc, Tư Không Đinh Lễ được giao chỉ huy đạo quân số Bốn, đã giải phóng toàn bộ phía Nam và Đông nam thành Đông Quan (tức Hà nội ngày nay), đã tuyển thêm nghĩa quân từ 2.000 người lên 3.000 người. Đạo quân số Một do Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lý Triện, Đỗ Bí, Lê Hà Viên đem 3.000 quân, một thớt voi tiến ra giải phóng Thiên Quan, Quảng Oai, Gia Hưng, Đà Giang, Tam Đái, Quy Hoá. Đạo quân này gặp khó khăn về quân số nên đã mời đạo quân của Đinh Lễ sang đánh phối hợp. Với uy tín và kinh nghiệm trận mạc, Tư Không Đinh Lễ đã tự thống lĩnh đạo quân số Bốn của mình và đạo quân số Một thành một Mặt trận và tổ chức trận đánh phục kích liên hoàn, đã đánh tan 9 vạn quân tinh nhuệ của Vương Thông ở Tốt Động-Chúc Động-Ninh Kiều, diệt 5 vạn lính Ngô, bắt sống 8.000 tên. Đinh Lễ tự tay bắn chết đại tướng Trần Hiệp và bắn bị Thương Vương Thông. Sau trận này Đinh Lễ được thăng lên Tư Không Bình Chương sự.
Trong chiến dịch bao vây thành Đông Quan, Đinh Liệt được giao chỉ huy mặt trận chính, tấn công cùng một lúc từ Thanh Đàm (Thanh Trì ngày nay) tiến lên giải phóng toàn bộ phía Nam, Đông và Đông nam thành Đông Quan, diệt hơn 1 vạn tên Ngô-Nguỵ. Trong trận đánh này Đinh Liệt đã tìm lại được người vợ chưa cưới của mình là Trần Thị Xuân Hương, đã bị quân Minh bắt đi làm tù khổ sai sáu năm về trước, khi bà nhấn chìm đò để giết chết 10 tên lính Ngô.
Nhà Minh đang chuẩn bị cho viện binh tiến sang, Vương Thông nhân cơ hội đó đã cho một vạn quân nống ra quân doanh của Lý Triện, Đỗ Bí làm cho Lý Triện tử trận Đỗ Bí bị thương và bị bắt. Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã đưa quân đến chi viện đánh cho Vương Thông phải rút về thành Đông Quan. Đinh Lễ, Nguyễn Xí hai người hai voi thần tốc truy kích giặc đến cánh đồng trũng Mỵ Động (nay là Mai động, Hoàng mai, Hà nội), voi của hai ông đều bị sa lầy. Thấy vậy Vương Thông quay lại đánh mà đại quân của hai ông chưa kịp đến. Hai tướng chiến đấu ngoan cường, diệt hơn 100 trăm lính Ngô, bị thương đầy mình nên hai ông đã bị bắt (Chỗ voi của hai ông bị sa lầy, ngày nay chính là Cầu Voi ở Mai Động, một Di tích Lịch sử của quận Hoàng mai, Hà nội). Đinh Lễ, Nguyễn Xí bị Vương Thông bắt vào thành Đông Quan, chúng đánh đập tra khảo hai tướng rất dã man, nhưng hai ông không cung khai nửa lời. Được tin này Bình Định Vương Lê Lợi đã tấn phong cho Đinh Lễ lên chức cao là “Nhập nội Tư Không, nhập nội Kiểm hiệu, Bình chương Quân quốc trọng sự, Thái uý Quốc Thượng hầu“. Trong tù Đinh Lễ đã bày mưu cho Nguyễn Xí trốn về với nghĩa quân, còn mình vì bị thương quá nặng, không trèo tường được, phải ở lại nên đã bị Vương Thông sát hại ngày 13 tháng Tư năm Đinh Hợi-1427. Bài vị Đinh Lễ được đặt trong Thái Miếu nhà Lê để Triều đình tế lễ theo Quốc điển.
Về sau khi sự nghiệp kháng Minh đã hoàn thành, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi là Thuận Thiên Hoàng đế, đã phong cho hai vợ của Đinh Lễ, bà Bùi Thị Ngọc Liễu và Hà Thị Ngọc Dung là Tôn Cơ, tức là Quận Chúa để được ân điển của triều đình. Các con của ông là Đinh Công Huệ, Đinh Công Trung (con bà Ngọc Liễu), Đinh Vĩnh Thái, Đinh Vĩnh Thịnh, Đinh Vĩnh Thành (con bà Ngọc Dung) đều được đón vào triều đình để nuôi cho ăn học.
Nghe tin anh hy sinh, Đinh Bồ khóc anh có một đêm, làm cho cái chân chỉ bị quẹt qua chông độc của giặc khi đánh đồn trên đèo Vân Ải (tức Hải Vân ngày nay), đã được chưa trị khỏi, thì sáng hôm sau vết thương đã sưng tấy lên, to như chân tượng. Thế rồi, không thiếu gì biệt dược của dân chúng vùng Thuận-Bình mang đến để các thầy lang giỏi trong vùng chữa trị cho Đinh Bồ. Nhưng vì quá đau thương bởi người anh cả đã hy sinh, làm cho bệnh tình cứ mãi tăng, nên ông đã đã tạ thế ngày 15 tháng 7 năm đó. Được tin, Bình Định Vương đã truy phong cho Đinh Bồ là “Thái bảo đặc nhiệm, Tân Bình-Thuận Hóa Trấn thủ Chủ tướng, Quận Thương hầu“. Bài vị của Đinh Bồ được đặt trong Thái Miếu nhà Lê để Triều đình tế lễ theo Quốc điển.
Về sau Thuận Thiên Hoàng đế cũng phong cho hai vợ của Đinh Bồ, bà Lê Thị Ngọc Hoa và Lê Thị Ngọc Thuận là Tôn Cơ, tức Quận Chúa. Bà Ngọc Hoa chỉ có một người con gái là Đinh Thị ngọc Ban, đã hy sinh thân mình để bình ổn tinh thần nghĩa quân ở đỉnh Linh Sơn, được truy phong là “Nhàn Uyển Dực bảo Trung hưng Tôn thần, Thanh am Uy linh Hoàng“, được xây các miếu thờ ở Lam Sơn, Mỹ Lâm, Đông Cao…Thanh hoá. Hai con trai của bà Ngọc Thuận là Đinh Kiệt và Đinh Thuỳ đều được đón vào ăn học trong Hoàng Cung.
Hai anh thân thiết như chân tay đã hy sinh cho công cuộc bình Ngô, Đinh Liệt đã “nuốt nước mắt vào trong lòng”, kìm nén nỗi đau thương lại để bàn mưu tính kế cùng Quân sư Nguyễn Trãi và Bộ tham mưu trung quân, phò giúp cho Bình Định Vương dùng “tương kế tựu kế” lừa được Vương Thông và triều đình nhà Minh mà tiêu diệt hơn một vạn quân của Vương Thông ở Bồ Đề (Gia Lâm, Hà nội ngày nay) và làm chậm việc xuất 11 vạn quân của Liễu Thăng, 5 vạn quân của Mộc Thạnh lại một tháng. Sau đấy Đinh Liệt được cử làm Chủ tướng của mặt trận đánh 11vạn quân viện binh của Liễu Thăng. Đinh Liệt đã cùng các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Phạm Văn Liễu, Lê Sát, Lê Thụ, Trần Lựu, Lê Bồi, Lê Văn An, Nguyễn Lý, Trần Nguyên Hãn, Trịnh Đồ…đánh phục kích liên hoàn suốt từ ải Chi Lăng, qua Cần Trạm, qua Phố Cát xuống tận Xương Giang (tức Bắc Giang ngày nay) để tiêu diệt hoàn toàn 11 vạn quân viện binh của nhà Minh, giết tại trận Tổng binh Liễu Thăng, phó Tổng binh Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh và hàng trăm tướng giặc…Sau trận này Đinh Liệt được phong lên Thái bảo Kỳ Vũ hầu.
Thế là cả ba anh em họ Đinh theo cậu của mình là Bình Định Vương Lê Lợi đi đánh giặc Minh xâm lược thì đã có hai người là Thái bảo, một người là Thái uý. Ba người đều đã có chức cao như cha và ông của họ ngày xưa.
Sau ngày chiến thắng, Lê Thái Tổ đã phong cho cả ba anh em là “Thượng Trí tự, Quốc Thượng hầu”. Đinh Lễ và Đinh Bồ là Lũng Nhai khai quốc Bảo kiến Công thần. Còn Đinh Liệt cùng với Lê Lai và Nguyễn Thận là “Lê triều Sinh hoả, Lê triều Lũng Nhai Khai quốc Bảo kiến Công thần”, để ghi nhận ba người đầu tiên đã cùng với Lê Lợi bàn bạc nhen nhóm cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Đến năm 1462, vua Lê Thánh Tông đã truy phong cho Đinh Lễ lên là Thái sư Bân Quốc công, Định Bồ là Thái phó Đinh Quốc công. Đinh Lễ được lập đền thờ ở Ngàn phố, Linh Cảm, Diễn Châu, Thanh Đàm và Mỹ Lâm quê nhà…Còn Đinh Bồ được lập đền thờ trong Tân Bình và Thuận Hoá. Bài vị của hai người tiếp tục được đặt trong Thái miếu của nhà Lê để được cúng tế theo Quốc điển của triều đình.
Còn Đinh Liệt thì được phong là “Thái bảo Kỳ Vũ hầu , đại Đô đốc”.
Bình Định Vương Lê Lợi lập nên nhà Hậu Lê và lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước vẫn là Đại Việt. Trước ngày chiến thắng, nhà Vua đã nói riêng với Đinh Liệt: “Ta cho gọi con sang để nói trước chuyện này, kẻo sắp tới sẽ không có thời gian. Từ ngày ở đất Phật Hoàng cho đến nay, trãi qua bao nhiêu thử thách, ta thấy con đã có được cái dũng lược của Hàn Tín, có cái phép thực thi công việc của Tiêu Hà, có cái mưu sâu của Trương Lương, Gia Cát…Con là người thân tín trong nhà, lại còn rất trẻ trung khoẻ mạnh. Ta chỉ mong con phải giữ bằng được lòng tin tưởng của ta. Rồi đây sẽ có những chức vị cao hơn con bây giờ. Con đừng thấy như vậy mà cho rằng ta đánh giá con đã sai lệch. Bởi vì…ta không muốn con xuất đầu lộ diện quá sớm ở triều đình…không có lợi bằng ta cất giấu con vào túi áo của ta, tuỳ lúc mà dùng…tất sẽ bổ ích bội phần. Vậy con phải không được nản lòng, ý con thế nào?“.
Đinh Liệt hiểu: “Cậu muốn mình đứng ngoài cuộc để có điều kiện quan sát nhìn nhận cái tốt cái xấu của triều quan đây…Cậu muốn mình sẽ là người thi thố cho tương lai kia…“. Thế là Đinh Liệt liền tâu: “Phụng nhi hành chi, chắc cũng vui lắm ru!“ (Con phụng mệnh thi hành, chắc cũng vui lắm đây). Quyết tâm làm việc theo ngầm ý của Cậu, Đinh Liệt đã không “ham quyền cố vị, không đố kỵ ghen tuông” như bao chiến hữu khác, bởi thế ông đã phò tá cho Thái Tổ rất mẫn cán. Ông còn được Thái Tổ giao thêm chức “Hoàng thành nội ngoại Binh - Dân từ tụng“, đó là một chức chỉ có mình ông đảm nhận để tiếp nhận mọi sự phản ánh và kêu oan của binh lính và dân chúng trong thành Đông Quan mới được giải phóng.
Khi Lê Thái Tổ băng hà, Đinh Liệt đã được vua Lê Thái Tông phong là Thái phó Á Quân hầu (dưới Thái sư, trên Thái bảo), phụ chính giúp nhà Vua theo Di huấn của cha và cử Đinh Liệt làm Chủ soái đi đánh dẹp quân Chiêm Thành xâm lấn biên ải. Với tài trí của mình, Đinh Liệt đã nhanh chóng đánh đuổi quân Chiêm đến tận kinh đô Trà Bàn của chúng mới rút quân Đại Việt trở về.
Bà Tiệp Dư Ngô thị Ngọc Dao, vợ Vua Lê Thái Tông, dưới các Phi một bậc, con của Dụ Quốc công Ngô Từ và Định Thị Ngọc Kế. Bà Ngọc Kế là con gái Bân Quốc công Đinh Lễ và bà Hà Thị Ngọc Dung. Lúc này Ngọc Dao đang cai quản cung Khánh Phương và đã mang thai với Vua Lê Thái Tông được hai tháng. Thấy vậy Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh lấy cớ là Tiệp Dư Ngọc Dao không giữ đúng khuôn phép trong Cung cấm nên đã cách bà xuống làm Tu Dung, tức người quản các nữ hầu của Vua, rồi bắt bà Ngọc Dao đi an trí ở An Bang (tức Quảng Ninh ngày nay). Đinh Liệt đã nhờ được Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ can thiệp nên chỉ một tháng sau Ngọc Dao được đưa về quản thúc tại chùa Huy Văn (nay là chùa Văn Chương, Đống Đa, Hà nội). Sau đó Đinh Liệt đã cất dấu Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao ở tổng Y Đốn, huyện Thần Khê, trấn Sơn Nam hạ (nay là Chi Lăng, Hưng Hà, Thái bình) để lẩn trốn bà Thái hậu. Tại đây, Bà Ngọc Dao đã sinh ra Tiểu hoàng tử Lê Tư Thành. Khi Hoàng tử lên bốn tuổi, Đinh Liệt lại khéo léo hướng dẫn công luận để Thái hậu và Vua Nhân Tông phong cho Tư Thành là Bình Nguyên Vương và được đón về nuôi dạy trong Cung.
Dưới thời Nhân Tông, vì Đinh Liệt nắm được rất nhiều uẩn khúc của triều đình nên bà Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh đã cho tay chân vu oan cho Đinh Liệt là đã tham vấn cho Nguyễn Trãi dùng kế mỹ nhân, dùng người thiếp của mình là “Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ” để đầu độc Vua Thái Tông! Sau khi bà Thị Anh đã dựng lên vụ án “Lệ Chi Viên“ mà tru di tam tộc Nguyễn Trãi, thì Đinh Liệt liền bị bà ta bỏ tù 4 năm, vợ con bị giam 6 năm. Nhưng chính trong thời gian ngồi nhà đá ấy, Đinh Liệt đã nung nấu ý chí “vãn cứu nhà Lê” và lời hứa trước Cậu mình ngày nào mà ông đã tìm ra kế “Nhất tiễn Tam điêu”. Ra tù, ông đã khéo léo đưa được Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành về nuôi dạy ở Đô Kỳ –Y Đốn, mời thầy hay chữ và sư phụ giỏi võ nghệ để rèn luyện cho Bình Nguyên Vương. Ông chờ cho tới khi Tư Thành đã là một trang Hoàng tử uy nghi lẫm liệt, và khi Nghi Dân giết chết Thái hậu Nguyễn Thị Anh và Vua Lê Nhân Tông thì ông mới cùng với Nguyễn Xí và các huân cựu đaị thần trung kiên, thực thi kế “Nhất tiễn tam điêu”, đã phế truất được Nghi Dân, lập Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế của Đại Việt, tức là đức Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế - một ông vua có thể nói là anh minh sáng suốt nhất của các triều đại nhà hậu Lê.
Được tin Vua trẻ vừa lên ngôi, quân Bồn Man của Quốc Vương Lão Qua (tức Lào) đã mang quân sang cướp phá biên giới phía tây Nghệ an. Đinh Liệt đã cùng Lê Lăng, Lê Bồi đem quân đi đánh dẹp. Quốc Vương Lão Qua phải cắt đất hai huyện ở phía tây Nghệ An thì quân ta mới rút lực lượng về. Thế là Đinh Liệt đã mở rộng biên cương của Tổ quốc ở phía tây Nghệ An. Với chiến công đó Đinh Liệt được vua Lê Thánh Tông phong làm Thái sư phụ chính, tước Lân Quốc công. Thời gian này ông đã đưa ra những nhân chứng vật chứng để minh oan cho Nguyễn Trãi, Lê Lăng, Lưu Nhân Chú, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục…và rất nhiều người khác, vì nhiều lý do mà đã bị các triều trước đây của các Tiên đế đã xử trảm họ, trả lại cho vợ con họ mọi thứ trước đây họ có và truy phong cho những người ấy lên hàm quan cao, cho xứng với công lao và máu của họ đã đổ xuống…
Cuối năm Canh Dần-1470, nghe tin Quốc Vương Trà Toàn của Chiêm Thành chuẩn bị đưa 15 vạn quân xâm chiếm bờ cõi Đại Việt, Thái sư Đinh Liệt đã được cử làm Chinh lỗ đại tướng quân Chủ soái, Lê Niệm là phó Chủ soái. Hai người và các tướng lĩnh khác đã rước vua Thánh Tông, đem 15 vạn quân thiện chiến của Đại Viêt đi chinh phạt quân Chiêm Thành. Đinh Liệt đã dùng đàn chiến tượng 100 con của Đại Việt, mỗi con đặt một khẩu Thần cơ trung pháo trên lưng, bắn cấp tập vào đàn voi chiến 300 con của quân Chiêm Thành nên đã đánh cho 10 vạn quân của đại tướng Thị Nại chạy tan tác. Lại dùng 100 đại chiến thuyền, mỗi chiến thuyền được trang bị hai khẩu Thần cơ đại pháo, bắn cấp tập vào thuỷ binh quân Chiêm nên đã phá tan thuỷ binh giặc. Vua Trà Toàn của Chiêm Thành và toàn bộ triều đình bị bắt sống. Sau đó Đinh Liệt chia làm hai đường thuỷ binh, bộ binh truy kích quân Chiêm của đại tướng Phô Trì Trì vào đến tận Phan Lung (tức Phan Rang ngày nay) rồi đánh tan lực lượng Chiêm Thành còn lại ở đây. Toàn bộ nước Chiêm Thành đã bị Đại Việt thôn tính.
Ngày mùng 8 tháng 3 Tân Mão (1471), theo tấu trình của Thái sư Đinh Liệt, Vua Lê Thánh Tông chia nước Chiêm Thành ra làm ba khu vực và phong chức cho Nam Bàn Vương, Hoa Anh Vương là hai vùng đất của Đại Việt. Còn Phô Trì Trì Vương, đất còn lại của Chiêm Thành, nhưng vẫn thuộc quyền Đại Việt cai quản. Hàng năm cả ba nơi phải cử Sứ thần sang Đại Việt triều cống. Thế là đất nước Đại Việt đã thôn tính toàn bộ nước Chiêm Thành, một nước mà từ xưa qua các đại triều Đinh, Lê, Lý Trần luôn luôn quấy nhiễu và xâm lấn nước ta…cho đến ngày đó đã bị xoá sổ. Về sau Chiêm Thành còn phục hồi được được một thời gian, nhưng đã bị các Chúa Nguyễn của Đằng Trong thôn tính dần dần.
Sau thắng lợi bình định Chiêm Thành, Đinh Liệt được vua Lê Thánh Tông phong lên làm Thượng trụ quốc Thái sư, kiêm Thái tử Thái sư Lân Quốc công. Ông được nhà Vua cho thay mặt mình đi Thanh sát 13 Đạo của đất nước Đại Việt, từ ải Pha Luỹ (tức Hữu Nghị quân bây giờ) cho đến tận Phan Lung (tức Phan Rang ngày nay), là đất cực Nam của Đại Việt, để nắm tình hình và đề xuất kế sách hưng thịnh đất nước Đại Việt. Trong “Ngọc phả họ Đinh“ còn ghi được rất nhiều chuyện về kế sách của Thượng trụ Thái sư Đinh Liệt làm cho nước Đại Việt trở nên thịnh vượng giầu có.
Mùa Xuân năm Hồng Đức thứ mười, tức năm Kỷ Hợi-1479, Thượng trụ Thái sư Đinh Liệt đã tròn 80 tuổi ta, ông xin được về dưỡng lão. Ông đã dâng tặng nhà Vua và triều quan quyển sách nổi tiếng của ông là: “Đinh Thị triết gia“, được Vua Lê Thánh Tông và triều đình coi như là “Thiên di huấn“ mà ông để lại cho triều đình. Ông được phong đất ở Đống Cải tộc, thuộc huyện Nông Cống, phủ Thanh Hoa xưa (nay là làng Đông cao, xã Trung chính, huyện Nông cống, tỉnh Thanh hoá), do chính người con trai trưởng của ông là Binh bộ Thương thư Thắng Quân công Đinh Công Đột, trực tiếp đi tìm đất phong và xây dựng nên Tân Ấp mới của cha mình. Trong 3 năm hối hả xây dựng làng, cuối năm 1482 Công Đột rước cha xuống thăm Tân Ấp. Tại đây Đinh Liệt đã sang thăm bà con làng Đống Cải Thôn ngay bên cạnh Tân Ấp. Ông đã tặng bà con Đống Cải Thôn mấy vần thơ lưu niệm:
Đống Cải - đống của trời cho.
Cày sâu cuốc bẫm chảng lo đói nghèo.
Đống Cải Tộc quyết noi theo.
Ấm no hạnh phúc như diều gió lên.
Ơn cao ấy sáng hơn đèn.
Tình sâu nghĩa nặng chẳng quên chẳng mờ.
Một mai…dù đến bao giờ.
Kết tình bằng hữu…đợi chừ phúc ban.
Thấy cha đọc thơ tặng bà con làng Đống Cải Thôn mà coi Tân Ấp của mình là Đống Cải Tộc thì Công Đột liền đặt tên đó cho làng mới của mình. Về sau, năm 1497 Hoàng đế Thánh Tông băng hà, làng Đống Cải Thôn bị một trận đại địch, có nhiều người chết nên Đinh Công Đột đã gộp dân hai làng lại và đặt tên chung là Đống Cải. Về sau thì đổi thành làng Đông Đôi, ngày nay là làng Đông Cao.
Đinh Liệt mất ngày 13 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 15, tức Giáp Thìn - 1484, thọ 85 tuổi. Ông để lại cho con cháu và dòng họ “Nhật ký Hồng Mai” với hàng trăm bài thơ nói lên cảm xúc của ông qua gần 70 năm rèn luyện và chiến đấu cho đại cuộc, “Di cảo Đinh Liệt, nói về các chiến công vĩ tích của ba anh em mình trong suốt gần bảy thập kỷ cống hiến cho trăm họ xã tắc…và tác phẩm cuối cùng của ông là quyển “Thiên gia huấn” rất nổi tiếng để lại cho con cháu và các hậu duệ muôn đời của dòng tộc họ Đinh.
Vua Lê Thánh Tông đã ban cho Đinh Liệt bảng vàng đại tự huân danh là “Tứ đại kỳ công, vĩnh thuỳ bất hủ”. Hiện nay bảng vàng đại tự huân danh vẫn còn lưu giữ trong Đình làng của làng Đông Cao ở Thanh hoá, có từ ngày Thượng thư Binh bộ Đinh Công Đột, con trai ông, xây dựng Từ đường cúng cha năm 1486. Tứ đại kỳ công của Đinh Liệt như sau:
Nhất đại kỳ công: Bình xâm lược. Nhị đại kỳ công: Kiến triều Lê.
Tam đại kỳ công: Tiền sinh hoả. Tứ đại kỳ công: Tảo Nguỵ yêu.
Đó là sơ lược về thân thế sự nghiệp của Tam Quốc công họ Đinh mà công đức của ông đã được lịch sử mãi mãi lưu danh. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” của cụ Phan Huy Chú, đã xếp ông là người thứ nhất trong số 10 người có tiếng là tài giỏi của các triều đại thời Lê Sơ. Và đúng như “Ngọc phả họ Đinh” đã viết:
“Uy danh lẫm liệt ngời ngời.
Võ công cái thế muôn đời còn ghi”.
Từ xưa ở Đống Cải, rồi Đông Đôi và ngày nay là Đông Cao cứ 5 năm tổ chức tế đại kỳ phúc một lần cho Đinh Liệt. Tế từ 3 đến 5 ngày, có tổ chức nhiều trò chơi, hát tuồng, hát bội, thì bơi thuyền, cờ, vật, chơi đu…Những năm triều đình ban các đạo sắc phong thì có thể tổ chức đến một tuần. Những năm lẻ thì họ tộc chỉ cũng giỗ cho cụ mà thôi. Ngay nay dân làng không tổ chức Tế nữa mà tổ chức Lễ Hội, và cũng cứ 5 năm tổ chức một lần gọi là Lễ hội Thượng trụ Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt.
Mặc dù đến năm 2015 đan làng mới tổ chức Lễ hội Đinh Liệt, nhưng người viết bài này muốn giới thiệu với tất cả bà con họ Đinh ta trên toàn quốc biết đến một lễ hội của một danh nhân là người họ Đinh ta.
Năm mới kính chúc bà con ta mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, đắc tài, đắc lộc, mọi việc đều hanh thông thông tốt đẹp, đi đường thì thượng lộ bình an, đi đến nơi về đến chốn.
Đinh Văn Đạt