7 ngày ở xứ đảo thần tiên (bài 6, 7, 8) - Tác giả: Nguyễn Hồng Anh

dinhtrungky

Moderator
Staff member
Hai ngày cuối cùng ở Port Vila, chúng tôi đi lại nhiều để tìm hiểu chuyện làm ăn, đầu tư ở xứ này và nhất là khi nhờ một người Việt vùa quen biết chở đi tham quan bằng chiếc xe ute nho nhỏ của anh, chúng tôi mới thật sự quan tâm đến vấn đề giao thông ở đây. Trước đó đọc tuần báo tam ngữ The Vanuatu Independent/ L’independant du Vanuatu với ba thứ tiếng Anh, Pháp và Bislama tôi đã nghe tờ báo này đặt vấn đề đường sá với độc giả, nhưng chưa để ýTheo báo này, chuyện sửa sang đường phố trong thủ đô coi bộ không bao giờ giải quyết được. Đã hơn hai thập niên đường phố không được tu bổ hay bảo trì theo đúng yêu cầu của nó. Một khi có mưa lớn, đường sá hư hại thêm và nước ngập vào tận sân nhà các tư gia.

-------------
Bài 8

Vanuatu, cơ hội kinh doanh. Tôi còn nhớ khi đi du lịch ở Tân Đảo trở về, tôi có viết rằng người nào mà có đầu óc làm ăn, có vốn và muốn qua thủ phủ Nouméa đầu tư thì rất có cơ hội bởi vị trí địa dư và lịch sử độc đáo của lãnh thổ Pháp ở vùng Thái Bình Dương. Sau đó có người góp ý với tôi chuyện làm ăn ở Tân Đảo không dễ như tôi nghĩ đâu.

Tôi nghĩ cũng có lẽ như vậy, nhưng tôi là người có đầu óc vừa nghệ sĩ, mơ mộng mà cũng rất thực tế lại thích chuyện làm ăn buôn bán, nên dù đi Vanuatu với con cái theo du lịch nghỉ mát, vẫn dành ít thì giờ quan sát, tìm hiểu... để kể chuyện đường xa hầu bạn đọc. Và biết đâu sẽ đặt chân vào nếu cuộc đời đẩy đưa, hoàn cảnh cho phép?

Ngồi trên máy bay từ Brisbane sang Port Vila, tôi đã đọc tạp chí của hãng Air Vanuatu trong đó ngoài giới thiệu các thắng cảnh cần đến xem, những nơi giải trí, tạp chí này còn giới thiệu Vanuatu là đất nước của cơ hội làm ăn với “tax haven” một chính sách hấp dẫn cho những ai muốn tính chuyện làm ăn. Tạp chí còn giới thiệu cho hành khách những nhà tư vấn tại Vanuatu để gặp và hỏi chuyện.

Ở Úc, tôi đã nghe Vanuatu là một tax haven, có nghĩa là nơi làm ăn kinh doanh không bị thuế má chi cả và cũng có thể nói huỵch toẹt là nơi mà những tay nhà giàu có thể chuyển tiền qua đó để trốn thuế hay là nơi để dân tội phạm rửa tiền!

Tôi nhấn mạnh hai chữ có thể. Như trường hợp nhà chức trách Úc (và các quốc gia khác) đang điều tra vụ một số đại gia Úc gởi tiền vào các trương mục kín ở thị quốc bé nhỏ Leichtenstein ở Âu Châu, một nơi cũng bị/được coi là tax haven.

Nhưng tôi nhìn Vanuatu với cặp mặt khác, một đất nước đẹp, có nhiều tài nguyên nhưng còn chậm tiến nên rất thuận lợi cho những người cóvốn muốn tính chuyện làm ăn, đầu tư. So với Tân Đảo, một lãnh thổ của Pháp đã phát triển, có đời sống khá cao thì Vanuatu vẫn còn là nơi còn kiếm ăn được, tương đối dễ dàng, nhất là đầu tư vào địa ốc như Tim, một nhân viên địa ốc người Tân Tây Lan, nói với tôi khi tôi hỏi thăm miếng đất khá lớn, nằm ngay bờ biển giữa đường từ khách sạn chúng tôi ngụ lên trung tâm phố.

Miếng đất 6000 mét vuông sát vịnh gần phố chỉ $1 triệu Úc kim

Số là trước đó, tôi đi bộ lên phố thấy miếng đất đề For Sale hình chữ nhật quá đẹp trải dài từ đường cái xuống bờ nước trong vịnh Fatumaru Bay. Chúng tôi tò mò muốn xem. Mặc dầu mặt tiền miếng đất có hàng rào và bên hông tiếp giáp với một căn nhà lầu khác, vẫn còn có khoảng trồng cây thưa giữa hai lô đất nên có thể đi băng vào được. Tôi bảo nhà tôi cứ “vô tư” vào xem trước khi tới văn phòng địa ốc hỏi giá cả và điều kiện, vì đang là ban ngày ban mặt, đất đề For Sale, không có bảng chữ nào ghi cấm vào, và người dân Vanuatu lại nổi tiếng là thân thiện.
Chúng tôi đứng giữa ranh giới nhìn xem, chụp vài tấm hình, rồi vào sâu trong miếng đất trống vì đã xem thì xem cho kỹ, xem đến nơi đến chốn cho khỏi bõ công. Nhưng bỗng một con chó từ căn nhà chòi cạnh căn nhà lầu chạy sang sủa inh ỏi. Rồi các con khác ùa đến, tổng cộng là 5 con vây quanh vợ chồng chúng tôi, mặt con nào con nấy trông dễ sợ như bầy chói sói.


Hơi hoảng vì trong tay chẳng có gì để tự vệ, tôi hối tiếc đã không mang theo cây dù lớn mà chúng tôi vẫn thường mang theo hàng ngày vì hôm nay trời nắng chói, chẳng có dấu hiệu mưa. Lại thêm hối hận đã đi xem nhà đất theo cái lối “vô tư” này vì nếu ngày mai về Úc mà thương tích đầy người, thì quả là đại xui xẻo.

Nhưng tôi lấy lại bình tĩnh, bảo nhà tôi chớ chạy vì sẽ bị chó rượt cắn khi chạy. Chúng tôi không la cầu cứu mặc dầu càng lúc bầy chó càng vây sủa lớn hơn. Tôi và nhà tôi vừa bước từng bước nhẹ trở lại bờ rào vừa dò phản ứng của chó bằng cách mỉm cười thân thiện, kêu trống không “good boy! good girl!” vì không còn hơi đâu mà phân biệt con nào là chó đực hay chó cái. Và cũng là cách để chủ nhà hay người qua lại nghe tiếng mà đến giúp.

Cách gọi như thế làm cho bầy chó bớt chồm lên. Một thanh niên to con đen đúa tóc quăn từ căn nhà chòi phía bên kia chạy qua. Chúng tôi vui vẻ chào anh và anh chào lại, bảo bầy chó im. Chúng tôi hỏi tên vài con chó rồi gọi tên một hai con khi chúng đã không còn sủa nữa. Tôi giới thiệu tên và nói chúng tôi đi ngang qua, thấy bảng đề bán nên vào xem đất.

Anh người Vanuatu này giới thiệu tên anh là Tom, người trông căn nhà lầu bên cạnh cho “Master Italian và Master Chinese” vì họ về nước nghỉ holiday. Anh không biết giá cả miếng đất. Anh chỉ nói được một ít tiếng Anh. Chúng tôi hỏi bâng quơ vài câu, khen xứ Vanuatu đẹp và thích đất nước này. Yêu cầu anh chụp chung một tấm, thì anh lấy làm thích thú vội mặc ngay chiếc áo thun đang quàng trên vai để che tấm ngực trần lực lưỡng của anh.

Chúng tôi đi bộ lên văn phòng địa ốc ở gần đó để hỏi thêm chi tiết. Nhân viên địa ốc cho biết miếng đất rộng khoảng 6000 mét vuông, chưa kể quyền được làm chủ vài trăm mét vuông không gian doi ra biển (cầu tàu). Đất đã được mua nhưng người mua chưa có khả năng thanh toán vì chưa xoay xở được tiền, nên nếu chúng tôi mua thì họ sẽ ưu tiên bán. Giá đã được mua là $995,000 Úc kim.

Như mọi nhân viên địa ốc trên cõi đời này, Tim giới thiệu những cái hay ho của miếng đất. Anh cho xem hình một vài căn nhà và nói có cái nhà vừa phải trên miếng đất nhỏ hơn nhiều mà đã bán được cả triệu rưỡi đô la. Tôi không ngạc nhiên vì đã đi xem một số quảng cáo ở các văn phòng địa ốc trên phố nên nghĩ rằng giá đó “phải chăng” với trị trí của nó.

Một căn nhà trung bình ở trong thành phố Port Vila khoảng $200,000 Úc kim, dĩ nhiên nhà này trên miếng đất rộng hơn ở Sydney và Melbourne nhiều. Những căn nhà ba phòng ngủ sát mặt biển với miếng đất khoảng một ngàn mét vuông giá gần nửa triệu. Cũng còn tùy gần hay xa thành phố.

Có những khu đất được phân lô tại những hòn đảo, bán đảo hay bờ biển xa thành phố được quảng cáo trong các văn phòng địa ốc với giá một lô từ $35,000 Úc kim trở lên và lô đất thường rộng từ một ngàn mét vuông trở lên. Mới tới Vanuatu được vài ngày, quả thật tôi không biết những miếng đất xa như thế đã có sẵn điện nước chưa. Dòm quảng cáo cho biết, chứ nếu có tiền tôi cũng chẳng dám mua những lô đất ở xa như thế.

Tôi hỏi Tim về cách thức mua nhà thì Tim cho biết, trước hết Vanuatu là một nước của tax haven. Tôi nói tôi đã biết chuyện này. Tim nói cách đây mấy năm ông làm việc ở Tân Đảo nhưng nay qua Vanuatu làm ăn và nghĩ rằng đất nước này còn đang phát triển nên đầu tư, làm ăn rất thích hợp. Tôi xin Tim cho biết về thuế con niêm, hình thức chủ quyền đất, và người ngoại quốc mua nên mua đất theo thể thức nào.

Ông địa ốc trẻ trung và dễ mến người Tân Tây Lan cho biết có hai hình thức mua nhà đất ở Vanuatu. Cá nhân mua thì sẽ chịu thuế con niêm (stamp duty) khoảng 7% trên giá miếng đất; công ty thì chỉ chịu 4% mà thôi. Ông đề nghị nên mua qua hình thức của công ty vì sẽ bớt gánh nặng thuế. Việc lập công ty tại Vanuatu cũng dễ thôi, và nếu muốn, ông sẽ nhờ công ty kế toán và cố vấn đầu tư ở trên lầu giúp (văn phòng địa ốc này khá rộng, đẹp và “sang trọng” như các văn phòng địa ốc lớn ở Úc).

Đất mua ở Vanuatu là loại đất “mua” theo kiểu lease (thuê) trong thời gian 75 năm. Đất ở Vanuatu không bán theo kiểu free hold (làm chủ hoàn toàn suốt đời) như ở Úc. Nhưng sau 75 năm, có thể ký lại hợp đồng thuê thêm 75 năm nữa bằng cách trả một số tiền nhỏ làm giấy tờ. Miếng đất 6000 mét ở sát mặt nước biển chúng tôi vừa nói chỉ còn hạn thuê 60 năm. Ai đó đã ký thuê 15 năm qua nhưng cứ để miếng đất như vậy, nay đem rao bán.

Tim đòi đưa chúng tôi đi xem miếng đất giá $995,000 này nhưng chúng tôi nói mới vừa xem. Ông nhân viên địa ốc đề nghị lái xe đưa chúng tôi đi coi một hai căn nhà hay miếng đất khác, nhưng tôi từ chối vì thật sự chỉ muốn đi xem một hai nơi cho biết mà thôi.

Thật sự chúng tôi đi coi nhà đất kiểu cho biết, để “mở mang kiến thức” nhưng khi thấy miếng đất thì mê tơi. Lại nghe ông địa ốc đi một màn rao hàng rằng “miếng đất đó là miếng đất lớn sát phố, một miếng duy nhất còn lại trong khu vực ở vị trí số một nên nếu ông bà mua cất đó, khi công ty McDonald cần xây nhà hàng ở đây thì giá nào họ cũng mua và ông bà có thể kiếm khối tiền mà chẳng cần phải là gì cả... Ông bà không mua ngay thì tôi sợ cơ hội sẽ không còn...”.

Chúng tôi đã quen với lối rao hàng của các mại viên, nhưng nghe đến đó thì cũng “xao xuyến” trong lòng. Bởi tôi biết công ty McDonald làm giàu không hẳn vì bán mì thịt hamburger, mà chính nhờ tậu địa ốc. McDonald thường mua nhà đất ở chỗ ngon lành nhất trong thành phố và dĩ nhiên họ giàu chính do làm chủ những bất động sản bán bánh mì hamburger.

Nhưng chúng tôi lại nhớ lời một người bạn chưa bao giờ đầu tư vào địa ốc nhưng tin vào phong thủy đã từng nói với chúng tôi rằng địa ốc không bao giờ hết, không mua hôm nay ngày mai vẫn sẽ còn có cơ hội để mua. Khi mình hợp và số mình sẽ mua được thì sẽ mua. Tôi nghĩ người bạn chỉ nói đúng một nửa, bởi phải đi xem, dò la, tìm hiểu mới mua được chứ không ai đem tới dâng cho nếu mình ngồi một chỗ không làm gì cả.

Bởi vậy, đi chơi nhưng chúng tôi vẫn để mắt quan sát, chẳng mất mát gì cả khi xem và hỏi...

Từ cảng Port Vila tới Paradise Cove Resort

Như đã nói, đảo đất liền Efate mỗi bề dài từ 40 đến 50 cây số nên chưa phải là hòn đảo lớn lắm. Thành phố Port Vila nằm ở phía tây nam của hòn đảo Efate, nhìn ra vịnh Vila Bay, có hải cảng và cầu tàu và cũng vì thế thành phố có tên Port Vila.

Bờ biển của eo vịnh Vila dài khoảng 5 cây số và đây chính là nơi người dân thành phố sống và sinh hoạt buôn bán. Nhưng khu vực tấp nập nhất là đối diện với đảo Irriki trải rộng khoảng một cây số.

Sau khi xem một số quảng cáo ở các văn phòng địa ốc tôi thấy chưa thỏa mãn với các hình chụp treo trên tường, nên nhờ một người mới làm quen chở đi xem nhà đất ở phía đông, sâu trong đất liền nhưng có những đầm nước lớn rộng như con Sông Hương do nước biển chạy vào. Nơi đây có nhiều khách sạn, nhà nghỉ mát kiến trúc theo kiểu resort, một mốt thời thượng ở các vùng nghỉ mát ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.
Tôi đi tham quan một dãy nhà nghỉ mát có tên Sunset Bungalows nằm ở đầm Emten Lagoon, cách trung tâm phố chừng 3, 4 cây số. Đi xe bus một chuyến tốn 100 Vatu (khoảng $1.20 Úc kim). Tôi nghe nói dãy nhà nghỉ mát có nhà hàng nằm ven đầm này trước kia do một người Việt sinh đẻ tại Vanuatu làm chủ nhưng nay đã bán lại cho người khác, và hình như chủ mới là một người Úc. Chỉ ở Vanuatu có vài ngày nhưng sau khi xem dãy nhà nghỉ mát này –lớn hơn khách sạn Fatumaru Lodge—tôi phỏng đoán trị giá trên $2 triệu đô la. Sunset Bungalows có những căn nhà nghỉ mát xây sát nước biển, có nhà hàng khá đẹp nhưng lại không có hồ bơi.Đi qua khỏi Sunset Bugalows chừng hơn trăm mét, có nhà nghỉ mát quảng cáo “Valuable Resort Site for Sale”. Miếng đất hẹp nhưng dài chạy dọc đầm, sát nước biển, diện tích 2,026 mét vuông. Giấy phép được xây 7 cái bungalow và có 2 cái đã được xây trang bị giường tủ đồ đạc sẵn cho người trọ dùng. Giá đề $480,000 đô. Mại viên là một người Úc thuộc công ty First National Vanuatu, quảng cáo rằng với giá này thì sẽ không kéo dài lâu. Nhìn bên ngoài, tôi đoán là đã có người từng ở trọ trong hai cái bungalow này.

Khu vực này có tuyến xe bus nhưng xe chạy không nhiều như ở khu Fatumaru Lodge bởi khách sạn chúng tôi ngụ nằm trên đường từ phi trường về trung tâm phố. Chúng tôi đi bộ xem một số apartment, unit đang được xây ở đây, những dãy nhà dùng để ở hay để cho du khách thuê. Tôi thấy nhiều du khách Tây phương ở khu vực này.

Không được đi tham quan núi lửa ở đảo Tanna, ngày cuối cùng còn lại tôi nhờ một người đưa đi giới thiệu với một chủ đất người Vanuatu để hỏi cho biết giá cả đất đai ở đảo quốc này như thế nào.

Tôi được giới thiệu với Karl, một người được xem là có máu mặt ở Vanuatu. Ông ta sống trong vùng có tên gọi là Pango đối diện với vịnh Erakor Bay. Tại đây hiện có khu nghỉ mát Breakas Beach Resort, nghe nói do người Úc làm chủ. Cạnh đó nhiều căn nhà đang được xây nghe nói do em trai của ông Đinh Văn Thân thực hiện.

Khu biển Breakas Beach Resort nằm trông ra đại dương nên sóng lớn, hợp với du khách Úc và Âu Châu thích chơi môn trượt ván surfing, khác với vịnh Fatumaru Lodge đã nằm sâu trong vịnh lại được che bởi hai hòn đảo nhỏ Irriki và Ifira nên biển rất êm, ngay cả hôm có gió lớn và bão sắp đi ngang mà chỉ có sóng gợn.

Đang ngủ trưa lúc hai giờ chiều nhưng nghe nói có khách đến, Karl cũng dậy tiếp, lại còn lái xe đưa chúng tôi đi xem đất cách nhà ông chừng vài cây số. Ngoài thổ ngữ Bismala, Karl nói tiếng Anh rất rành. Karl cũng nói thạo cả tiếng Pháp nữa.

Người quen giới thiệu Karl có nhiều đất cạnh nhà ông nhưng Karl nói đất chung quanh đây là của người chú, chứ đất của ông ở chỗ khác. Karl nói ông không muốn bán đất dù nhiều người cứ tới dạm hỏi, vì đất là của tổ tiên, bán đi thì còn gì nữa.

Tôi hỏi có phải đất của ông, nếu mua thì cũng theo lối thuê 75 năm không, Karl nói đúng vậy, và hỏi tôi nghĩ đất là của ai. Tôi muốn làm vui lòng chủ đất để ông còn dẫn tôi đi xem nên trả lời rằng “đất là của Thượng Đế”. Karl gật gù lài lòng cho rằng con người đâu có dựng nên đất mà đòi bán cái quyền làm chủ đất.

Karl đưa chúng tôi đến khu đất của ông gần khu vực có tên Paradise Cove Resort & Restaurant. Khu Paradise Cove là nơi khách nghỉ mát tới trọ hay chỉ tới chơi trong ngày với các trò lặn snorkelling, chèo thuyền đáy thủy tinh để xem cá hay đạp xe trên đường núi. Từ phố Port Vila đến đây khoảng 15 cây số. Tuy khu vực nghỉ mát đã bắt đầu thu hút khách, nhưng còn nhiều con đường nhỏ băng rừng ra biển vẫn còn là đường đất, bởi vậy Karl than phiền là người Tây phương tới mua đất xây nhà nghỉ mát mà vẫn để tình trạng đường sá như thế.
Khu vực đất của Karl nằm sát biển trông về Port Vila nhưng bị đảo Ifira che tầm nhìn, nghe nói rộng mấy chục hếc-ta. Karl chỉ cho tôi một miếng đất khá rộng trên đó có những chiếc xe xay đá. Ông nói đó là xe của ông Đinh Văn Thân và ông Thân sắp trả lại miếng đất thuê của ông. Karl sẽ cho san bằng lại đất trước khi bán và hiện giờ đang chuẩn bị giấy tờ để phân đất, chia làm 14 lô. 10 lô nằm sát nước biển và 4 lô nằm hướng về đất liền.

Tôi hỏi Karl mỗi lô rộng bao nhiêu và giá cả ra sao, Karl nói ông chưa quyết định nhưng khoảng trên $200,000 đô la một lô và mỗi lô rộng khoảng 3,000 mét vuông. Hiện tại đã có vài mgười mua (nói sẽ mua bằng miệng thôi) và chúng tôi muốn mua thì có thể nhờ chủ nhân quán Daily Snack của người Việt Nam ở dưới phố nhắn lại với ông.

Sau khi quan sát khu đất mà ông đang phân lô và dự tính bán, Karl đưa tôi đi xem một vùng gần đó có cộng đồng người Vanuatu bản xứ sinh sống trong những căn nhà mới khá xinh xây kiểu giống nhau. Đây là một cộng đồng mẫu thí nghiệm.

Karl lái chiếc xe Toyota cũ sáu máy, nhưng cũng còn sạch nước cản. Trên đường đi, Karl than phiền đường xấu chạy mau hư xe, tôi liền bảo mai mốt ông bán miếng đất kia thì mặc sức mà mua xe mới. Nhưng Karl cứ cho rằng đất của tổ tiên để lại, không muốn bán. Tôi lại bảo ông chỉ bán một miếng nhỏ mà trở thành triệu phú, có mấy triệu đô la trong tay thì trên đới này còn gì hơn nữa. Nghe vậy, Karl lại cười một cách thú vị.
Gặp một dãy khoảng 6 căn nằm kề nhau, Karl giới thiệu đấy là của ông chú. Tôi hỏi một mình gia đình ông chú mà xây làm gì cho nhiều thế thì Karl nói người cha phải cho mỗi đứa con trai một căn nhà. Tôi hỏi còn con gái thì sao, Karl nói ở xứ ông người ta không cho con gái nhà vì nó sẽ đi lấy chồng. Tôi nhận xét thế thì không công bằng với con cái, Karl chỉ cười, nói tập tục người Vanuatu như thế đấy.

Karl lại lái chúng tôi tới một bãi biển khác. Ở Efate, nơi nào cũng có thể là biển vì đó là hòn đảo. Vùng biển này có quang cảnh như một công viên với nhiều cây dừa. Sóng biển mạnh. Thấy có nhiều bảng treo For Sale, tôi nói với Karl đất đây chắc đắt lắm thì Karl cho biết trước đây khu này cũng là khu rừng sát biển như khu đất của ông, nhưng mấy ông da trắng tới mua chỉ đâu chừng bảy trăm ngàn đô la và nay phân ra hàng chục lô, bán mỗi miếng vài trăm ngàn. Tôi nói mai kia ông cũng sẽ phân lô bán thẳng cho người mua, còn kiếm nhiều tiền hơn cả mấy ông da trắng nữa thì Karl lại cười.

Mua bán đất có vẻ là một dịch vụ đầu tư và kinh doanh mà người Úc và Tân Tây Lan hiện đang chí thú làm ăn ở Cộng hòa Vanuatu, một đất nước đang phát triển. Có thể 10 năm sau, trở lại Vanuatu trong một dịp nghỉ mát hay gì đó, tình hình địa ốc ở xứ đảo thần tiên này sẽ khác đi. Một thành phố Port Vila (của Vanuatu) mà giống thành phố Noumea (của Tân Đảo) hiện nay thì chẳng còn những căn nhà hai ba trăm ngàn, những miếng đất sát biển và gần phố rộng vài ngàn mét vuông với giá nửa triệu hay dưới một triệu.

Ai cũng biết đầu tư vào địa ốc là tốt. Nhưng vấn đề là làm sao có tiền mua (hay lease trong trường hợp ở Vanuatu), bởi không thể cứ vay ngân hàng trả tiền lời, để đất nằm đó chờ 10 năm sau bán ra. Và nếu có tiền thì mua ngay tại Úc này chứ chẳng cần đi đâu xa mà đầu tư, vì nằm ngoài tầm tay, lại có thể gặp những rủi ro bất ngờ...
Tôi còn nhớ đầu thập niên 1980 một căn nhà ở Richmond giá khoảng ba bốn chục ngàn đô la. Nay vào năm 2008, trung bình mỗi căn giá từ năm đến sáu trăm ngàn đô la. Vì vậy, sau những “hứng thú” đi xem nhà đất ở Vanuatu và trở về Úc, tôi chỉ còn hứng thú... để kể chuyện đường xa hầu bạn đọc mà thôi. Và cũng đã đủ dài qua 8 bài viết liên tục.

Bạn đọc sẽ hỏi tôi, rứa có đầu tư ở Vanuatu? Câu trả lời: Có lẽ phải đợi trúng lô-tô!

Tác giả: Nguyễn Hồng Anh

Đường nhỏ và đầy ổ gà, nhiều nơi vẫn còn đường đất

Đọc bài báo này tôi mới nhớ ra rằng qua ngày thứ 3 ở Port Vila, khi đón xe taxi đến nhà ông triệu phú kiêm chính trị gia Đinh Văn Thân để gặp ông, chúng tôi đã phải bước đi dưới giòng nước chảy hai bên lề đường nhựa để lên xe taxi. Rồi khi xuống xe ở giữa đường cạnh bùng binh (round about) trước mặt văn phòng và hãng bán xe hơi của ông Thân, chúng tôi phải lội giữa đường đất ngập giày để tới cổng văn phòng ông. Rồi từ đường vào cổng văn phòng, lại cũng phải lội nước quá mắt cá chân. Mùa này ở Vanuatu là mùa mưa và bão. Lạ nước nôi, đứng ngoài trời để đợi anh Toàn (mới làm quen tối hôm qua) đến và dẫn vào gặp ông Thân, chúng tôi không hiểu tại sao thành phố du lịch lại có đường sá tệ như vậy. Đường vào văn phòng người giàu bậc nhất nước cũng tệ hại như thế sao?
Bây giờ mới rõ. Tờ báo nói mỗi lần có bầu cử các ứng viên luôn hứa hẹn sẽ làm đường sá tốt đẹp hơn, nhưng sau mỗi cuộc bầu cử, mọi chuyện vẫn như cũ. Nay ngoài việc đường ngập nước, ổ gà khắp nơi, lại thêm nạn mùi hôi của bùn lầy trên các con đường. Tờ báo kêu gọi cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới hãy chọn những ứng viên nào đáp ứng nhu cầu của dân chúng hơn là bầu lại những lãnh tụ đã quá đát và không có khả năng làm những cuộc thay đổi.

Và trong ngày cuối ở Port Vila, chúng tôi được một ông người bản xứ có tên gọi là Karl, chủ nhân mấy chục mẫu đất và đang định bán mấy chục lô đất ở bờ biển vùng bán đảo Pango dẫn đi xem đất, chúng tôi lại được nghe ông ta than vãn tình trạng đường xá quá tệ ở đây. Ông Karl nói người da trắng đến mua đất xây nhà nghỉ mát hà rằm ở khu này, cái khu gọi là Paradise Cove Resort, và họ đã sống ở đây nhiều năm, thế mà họ cứ để đường cho xe chạy như lối vào rừng, đất lồi lõm.

Thấy ông người bản địa trách người tây phương tới mua đất xây nhà nghỉ mát và lập khu du lịch, tôi nói việc làm đường sá là nhiệm vụ của chính phủ, nhà nước chỉ việc đánh thuế lấy tiền làm đường. Mà hình như nền chính trị non nớt và hệ thống hành chánh ở xứ sở thần tiên này đang còn ở thời kỳ quá độ lên dân chủ, nên tôi nghĩ mười năm sau, đường sá có lẽ cũng thế thôi. May là người Pháp và Anh trong thời kỳ cai trị đã để lại cho thành phố này một hệ thống đường nhựa dù hẹp nhưng cũng tạm tạm được.

Đi bộ thì không nói gì, đi xe hơi thì cũng hơi ớn với đường sá chật hẹp, hư hại và tài xế lái xe có phần hơi ẩu tả. Một hôm, ngồi trên xe chiếc xe bus chạy ra một bãi biển, tôi thấy trước mặt có cái hố đầy nước mưa còn đọng mà bên tay trái xe chạy ngược nối đuôi nhau nhưng bác tài cứ tiếp tục lái. Bỗng bác quẹo phải chạy vào trong cây xăng, tôi tưởng là bác đổ xăng nhưng rồi bác lại quẹo trái để ra đường cái. Bấy giờ tôi mới hiểu bác tài tránh cái ổ gà ngay trước mặt.

Nhưng nếu bạn không di chuyển nhiều và chỉ nghỉ mát, tắm biển, Vanuatu vẫn là xứ đảo thần tiên.

Mua sắm và làm quen với một gia đình VN

Du lịch thường đi đôi với mua sắm, để làm kỷ niệm hoặc chỉ thuần túy là mua đồ rẻ do miễn thuế.

Trên phố có cái chợ giống như chợ trời nằm sát biển bán áo quần, đồ kỷ niệm, đồ mỹ thuật và tiểu công nghệ của người bản xứ. Tôi thích nhất là những hình tượng điêu khắc trên gỗ hay cây của người bản xứ. Loại hình mỹ thuật này của người Vanuatu giống người ở các đảo vùng Thái bình dương, khó phân biệt nếu khách xem không phải là những nhà chuyên môn. Tôi có cảm tưởng các tượng điêu khắc bằng gỗ của người Vanuatu giống người ở đảo Bali bên Nam Dương.
Tại khách sạn Fatumaru Lodge, ông bà chủ người Pháp rất có đầu óc mỹ thuật nên từ trong nhà ra ngoài vườn đều có nhiều bức tranh và tượng của người địa phương. Tôi ước ao mua được những tượng thần bằng gỗ lớn bằng người thật. Nhưng làm sao mang về, do đó chỉ mua một tượng gỗ cao khoảng 55cm. Cái hay là nghệ nhân khéo léo dùng một loại gỗ vân để đục khắc làm sao cho các đường vân và màu sắc của gỗ cân xứng với hình thể, cho ngưới xem có cảm tưởng nghệ nhân dùng véc-ni hay sơn để tạo nên sự cân đối hài hòa.

Bức tượng đề giá 15,000 Vatu, nhưng chúng tôi trả xuống còn 12,000 Vatu (khoảng $140 Úc kim) mà ông ta cũng bán. Tôi không biết mình có mua hớ không vì đây là chợ trời và vì đã không đi giảo giá trong các tiệm ở ngoài đường phố. Tượng này được người bán cho biết là thần Namagi Chief, là thần quyền uy nhất trong làng. Tuy là đồ gỗ, nhưng khi về phi trường Brisbane, tượng đã không bị cơ quan kiểm dịch của quan thuế giữ. Trái lại, những cây bút chì được trình bày vui mắt giá vài đô la mà con chúng tôi mua để tặng bạn bè, bị giữ lại và vì muốn lấy, nên phải trả tiền công scan kiểm dịch $60 và họ nói sẽ gởi trả lại trong vòng 4 đến 6 tuần nếu không nguy hiểm. Lúc viết bài này đã được 6 tuần mà chẳng thấy tăm hơi về mấy cây bút chì kỷ niệm đó.

Trở về Úc, tôi nghĩ bạn nên mua ít rượu cognac của Pháp (trong phi trường Port Vila). Chớ mua rượu vang dù của Úc hay của Pháp bởi khá đắt hay đắt hơn ở Úc. Một chai rượu cognac như Napoleon Courvoisier 1 lít chỉ 9500 Vatu (khoảng $111 Úc kim); chai Martell XO giá 9980 Vatu ($117 đô) trong khi ở Úc có thể giá từ $180 đến $190.

Tôi chỉ rành giá cả rượu, nhưng nhà tôi nói nước hoa Pháp cũng rẻ, như chai Allure Chanel au de parfum 100ml giá 12,800 Vatu (khoảng $150 Úc kim). Nhưng có lẽ thích nhất cho các bà các cô là trò làm tóc, đánh tóc con rết như người Phi Châu.

Thấy một bà người bản xứ có mái tóc đẹp, hỏi giá bao nhiêu thì bà ta nói 500 Vatu (gần $6 Úc kim). Con gái chúng tôi nói ở Úc làm đầu tóc như thế tốn bạc trăm. Thế là hôm ra chợ trời, ba mẹ con đều làm, nhưng giá mỗi đầu là 1500 Vatu (khoảng $17.50). Vẫn còn rẻ chán nhưng rất mất thì giờ, cả gần hai tiếng.

Có lẽ do giá rẻ và làm nhanh nên chỉ một ngày sau là nhà tôi và một đứa con có nhựng lọn tóc bị sút ra. Trước khi về Úc, vợ con chúng tôi ra ngoài phố, tới một salon để hy vọng nơi đây làm tóc đàng hoàng hơn. Giá 2,500 Vatu (khoảng $29.50), làm mất nhiều giờ hơn, có người bị kéo dài trên 4 tiếng đồng hồ. Đắt hơn một chút nhưng cả tuần sau không bị bung ra.

Tôi thấy hầu nhưng mọi nữ du khách, từ các cô gái mười mấy cho đến các bà xồn xồn du lịch ở Port Vila đều làm tóc quăn kiểu con rết cả. Mát mẻ ở xứ nóng, hợp thời trang, đỡ mất công tắm gội mà cũng chẳng tốn bao nhiêu bởi tiền công ở xứ Vanuatu rất rẻ.

Nói đến đây tôi sực nhớ tới cô gái Việt Nam qua làm nhân công ở Vanuatu theo diện xuất khẩu lao động. Nhớ bởi vì nhờ cô mà tôi gặp được ông Đinh Văn Thân. Tên cô là Nga.

Số là một hôm trên đường từ phố trở về khách sạn, đi ngang qua một cửa tiệm Việt Nam mà chúng tôi đã thấy vài lần, chúng tôi quyết ghé ăn tối để xem thức ăn như thế nào luôn tiện hỏi có ai biết ông Đinh Văn Thân không. Tiệm có tên Daily Snack Vietnamese Restaurant hôm đó đang vắng khách có một cô gái Việt Nam đang ngồi chăm chú đọc một tờ báo Việt ngữ xuất bản ở Úc. Tôi nghĩ cô là nhân viên hay người nhà của chủ quán.

Cô gái đứng dậy vui vẻ mời chúng tôi ngồi và hỏi chúng tôi cần món gì. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi thăm biết cô mới qua Vanuatu được vài tháng và đang làm việc cho chủ quán là một người quen của gia đình cô. Tôi hỏi cô có nghe hay biết ông Đinh Văn Thân, một người giàu có ở Vanuatu không thì cô nói ba của cô đang làm việc cho ông này.

Tôi nói tôi muốn gặp ông Thân để phỏng vấn nhưng không biết làm sao để gặp ông thì cô nhanh miệng nói để cô gọi điện thoại cho ba cô. Thế là chừng 15 phút sau, ba cô đến. Ông tên là Nguyễn Hữu Toàn, sang Vanuatu để giúp ông Thân trong vấn đề sản xuất rượu đế và rượu trái cây Việt Nam ở xứ này. Và cũng nhờ vậy mà qua sáng hôm sau chúng tôi đi gặp ông Thân mặc dầu tối hôm đó anh Toàn chưa báo trước cho ông Thân do gọi điện thoại không được.
Cô Nga con của ông Toàn năm nay 23 tuổi, nhanh nhẹn và tháo vát, có tài nấu nướng bởi mới qua mà cô đã trở thành người đầu bếp chính cho tiệm ăn Việt Nam này. Giỏi xoay xở vì có một lần tới quán hỏi thức uống nhân viên người bản xứ chỉ đưa ra cái menu trong khi nhà tôi muốn uống nước sinh tố mà trong menu không có, Nga đã làm ngay cho chúng tôi món chúng tôi thích.

Cô Nga cho biết ngoài nấu nướng, cô còn có khả năng làm tóc, làm nail và đang dự tính đi làm cho một ngưới Úc vì lương cao hơn. Hiện tại, cô được trả lương 300 Mỹ kim một tháng, mà đó là mức lương khá so với nhân công ở Vanuatu. Nga nói cô đang học tiếng Bislama để nói chuyện và tiếp khách người bản xứ, rồi cô sẽ học thêm tiếng Anh vì cô có mộng đi qua Úc chứ ở Vanuatu buồn quá.
Thấy Nga đảm đang, tháo vát nhà tôi nói theo lối xã giao rằng anh nào mà gặp được Nga thì có phước. Nghe vậy, bố của Nga hỏi chúng tôi có thể giúp cho Nga làm quen với anh nào ở bên Úc được không. Nhưng tôi trả lời ngay rằng chuyện vợ chồng là duyên số, không thể nào biết trước được, nhưng tin rằng với khả năng của Nga, cô sẽ có hy vọng và có một tương lai. Tôi khuyến khích Nga học thêm Anh văn và nói về sau hãy tìm cách nộp đơn di dân tay nghề vì Nga giỏi nghề nấu ăn lẫn nghề thợ làm tóc, những nghề mà nước Úc đang cần.

Nghe vợ chồng chúng tôi nói với nhau chớ dính vào chuyện làm mai vì đó là một cái ngu, con chúng tôi hỏi tại sao lại là ngu khi mình giúp người khác. Chúng tôi mới giải thích cho con câu ca dao:

“Trên đời có bốn cái ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu cầm chầu”.

Các con đều cười vì không hiểu bốn cái ngu đó là gì, nhất là gác cu, âm thanh nghe ngồ ngộ vì trình độ tiếng Việt chỉ là những năm theo học các lớp Việt ngữ cuối tuần khi còn bậc trung học.

Chúng tôi không làm mai, nhưng mượn bài viết trên tờ báo này để có thêm một lời cám ơn Nga.

Du ngoạn và giải trí
Vanuatu nổi tiếng về các bãi biển sạch, đẹp, nước trong và còn giữ những nét tự nhiên nguyên thủy bởi vì người ta chưa khai thác quá mức kỹ nghệ du lịch. Tắm biển ở trong đất liền (mainland) của đảo Efate chưa thích, bạn có thể tới tắm biển ở những hòn đảo nhỏ và gần như Irriki Island sát thành phố. Hòn đảo này là nơi có nhiều du khách tây phương (phần lớn là Úc) tới trọ.

Qua lại đảo bằng tàu đò khoảng năm mười phút không mất tiền vé. Tại đây có những trò chơi như thuê thuyền chèo (kayak), thuyền buồm nhỏ (sailing yatch) ngồi hai ba người, ca-nô cao tốc (ski jet) và trò chơi parasailing bằng cách ngồi vào dù cho ca-nô kéo bay lên trời.

Ngày trước ở đảo Bali bên Nam Dương, vợ tôi cũng có chơi trò này, nhưng theo lối tắm biển rồi người ta cột dù vào lưng, buộc dây vào ca-nô kéo chạy dọc bờ biển, bay ở độ cao khoảng hai chục mét. Chơi trò này sẽ bị ướt do đó phải mặc đồ tắm.

Nhưng ở Irriki Island lại khác. Người ta đưa chúng tôi bằng ca-nô ra giữa vịnh, để nguyên áo quần, mang dây nịt vào lưng tay cầm các sợi dây dù và họ cho dù bung ngay ở trên tàu nhờ sức gió đẩy.

Dù được buộc vào sợi dây cuốn vào trục quay chạy bằng diện, từ từ thả ra cho đến khi cánh dù lên độ cao 70 mét trên mặt biển. Họ cho tàu kéo dù chạy quanh vịnh trong 10 phút. Sau đó họ cho máy quay dây từ từ kéo dù xuống. Giá mỗi chuyến/người đi là 7,000 Vatu (khoảng $82 Úc kim). Việc thao tác cột và tháo dù rất nhanh, như lính nhảy dù thực tập hành quân.

Người này xuống là kẻ khác lên ngay. Không biết ông Úc này có gốc nhà binh không mà thành thạo thế. Chỉ trong vòng một tiếng mà kiếm mấy trăm bạc thì quả là một lối làm ăn khá hấp dẫn. Ngoài Irriki Island, cạnh đó có hòn đảo bé tí teo Erakor, mất khoảng năm mười phút đi xe và tốn 100 Vatu. Ở đây vào một số buổi tối, nhà hàng địa phương tổ chức ăn kiểu buffet có các ban vũ người Melanesian biểu diễn với giá đâu khoảng 2,800 Vatu chưa tính tiền nước.

Và vì Vanuatu có 83 hòn đảo lớn nhỏ nên quanh đảo đất liền Efate còn những hòn đảo du lịch khác như Hideaway Island cách thành phố khoảng 10 cây số với những trò chơi lặn và xem san hô.

Rồi nào những quảng cáo trò đi du ngoạn và ngắm cảnh bằng trực thăng, cỡi ngựa, đi bộ trong rừng, tham quan suối và vô số trò chơi khác mà mọi khu du lịch thường có.

Nếu muốn tham quan một hòn đảo lớn khác ngoài đảo đất liền Efate, bạn có thể đến đảo Espiritu Santo là hòn đảo lớn nhất của nước Vanuatu ở phía bắc Efate, cách thủ đô nửa giờ bay bằng phi cơ phản lực Boeing hay khoảng một tiếng bằng phi cơ chong chóng loại nhỏ chục chỗ ngồi.
Nghe nói đảo Santo đẹp lắm, có nhiều chỗ để những người thích mạo hiểm tới tham quan. Ở đây còn nhiều di tích lịch sử do chiến tranh thế giới lần thứ hai để lại như khu Million Dollar Point, nơi quân đội Mỹ đem dục những thứ thặng dư còn lại sau chiến tranh, từ những chiếc xe ủi đất, xe truck đến các chai Coca-Cola, là nơi để du khách lặn xuống coi.

Nhưng hấp dẫn nhất và nổi tiếng nhất vẫn là chuyến đi du ngoạn lặn xem tàu khách sang trọng biến thành tàu chở quân trọng tải 22,000 tấn SS President Coolidge bị chìm do đụng mìn nay vẫn còn y nguyên dưới lòng biển.

Hòn đảo thứ hai mà du khách có thể đến tham quan là Tanna nằm ở phía nam thủ đô, cũng khoảng 1 giờ bay bằng phi cơ nhỏ. Nổi tiếng vì đây có ngọn núi lửa đang hoạt động có tên là Yasur.

Đặc biệt, tại hòn đảo với 20,000 dân này, dân chúng địa phương không bị ảnh hưởng của văn minh tây phương và hầu như còn giữ nguyên phong tục của họ. Theo quảng cáo, đến đảo Tanna thì phải đi tham quan cho được một trong các làng cổ truyền Kastom Villages với những niềm tin và tục lệ rất khắt khe của “Kastom”, tức là phong tục của họ (tiếng Bislama phát âm hay viết có rất nhiều chữ giống tiếng Anh).

Trước khi đi Vanuatu vài ngày, tôi có lên mạng internet tìm hiểu và dự tính nếu điều kiện cho phép, sẽ đi xem ngọn núi lửa Yasur như đã từng dự tính đi Nhật thì phải trèo núi Phú Sĩ vậy.
Núi Yasur cao 361 mét nằm về phía đông nam của đảo Tanna, nổi danh thế giới vì đây là ngọn núi lửa đang hoạt động mà du khách có thể tới gần ngắm.
Để tiện việc đi lại và kịp ngày về Úc, bốn ngày trước ngày về, chúng tôi nhờ khách sạn Fatumaru điện thoại xin ghi danh cho một chuyến đi tham quan núi lửa Yasur. Trải qua hàng thế kỷ, lớp tro từ núi lửa phun ra đã tạo thành những đụn cát đen to trông như hình ảnh đất đồi trên mặt trăng. Du khách có thể trèo tới gần miệng núi lửa để xem những trận pháo bông tuyệt vời của thiên nhiên, nhất là về đêm.

Những tờ quảng cáo bươm bướm của công ty du lịch Unity Airlines cho thấy có nhiều loại tour.

- Day Tour: bay từ 9am và 5pm bay về. Đón ở khách sạn từ 7.45am, chuyên chở tới phi trường ở Port Vila và ở đảo Tanna, đưa lên núi Yasur bằng xe 4WD, dừng giữa đường xem vài làng mạc và bao ăn trưa. Đi máy bay chong chóng loại nhỏ (nghe nói chở 9 người). Giá 36,900 Vatu (khoảng $435 Úc kim) một người.

- Safari Overnight: đi mất gần 2 ngày. Đón lúc 12 giờ trưa. Giải khát và ăn nhẹ khi đến đảo Tanna. Đi xe 4WD lên núi, giữa đường dừng lại tham quan các làng mạc cổ truyền. Khoảng 4.30pm xe chạy lên núi. Sẽ đứng coi hỏa diệm sơn phun lửa trong vòng 1 tiếng, khoảng từ 6 giờ đến 7 giờ là lúc chạng vạng tối. Sau đó trở về khách sạn, ăn tối. Ăn sáng, trở về đất liền Efate được đưa đi xem phong cảnh thành phố Port Vila và vùng phía nam của hòn đảo, tức khu vực gần thành phố.

Tour ngủ qua đêm này có 2 giá. Ngụ tại khách sạn Lenakel Cove gần thành phố Lenakel giá 42,900 Vatu một người (khoảng $505 Úc kim). Ngụ tại Whitegrass Ocean Resort giá 59,900 Vatu một người (khoảng $705 Úc kim).
Ngoài ra, du khách tới nơi có thể thuê phi công chở bay lượn trên miệng núi lửa 15 phút để xem cho đã mắt và dĩ nhiên trả thêm tiền.

Chúng tôi chọn chuyến đi qua đêm vì nghĩ rằng buổi tối xem núi lửa phun mới đẹp và có nhiều thì giờ nghỉ ngơi hơn là đi kiểu sáng đi chiều về, quá gấp. Nhưng chúng tôi chọn tour giá $505 đô một người vì thấy chỗ trọ không cần thiết lắm để phải mất thêm $200 đô la.

Và hồi hợp chờ đợi vì trời mưa và có bão (cyclone) trong vùng. Một ngày trước, đã nghe bão tới gần đảo Santo. Không biết cơn bão có xuống Efate và Port Vila không. Nhân viên hãng hàng không Unity Airlines tới khách sạn làm giấy thờ thủ tục, ký hợp đồng, nhận đặt cọc. Hợp đồng nói đi đứng còn tùy thời tiết. Nếu đã bay qua đảo Tanna mà gặp thời tiết xấu không bay về đúng ngày giờ thì họ không phải bồi thường gì cả, kể cả tiền phòng trọ hay lỡ công ăn việc làm hay hụt các chuyến bay khác.

Hợp đồng cũng nói là họ có thể hủy chuyến đi nếu có những sự việc bất trắc xảy ra. Như sự giải thích của cô nhân viên người bản xứ thì tối thiểu phải có 6 du khách họ mới tổ chức một chuyến đi. Gia đình chúng tôi đã có 5 người rồi, nên nhân sự không còn là vấn đề.

Hôm ký hợp đồng trời mưa như thác đổ. Tôi hỏi cô nhân viên của hãng máy bay trưa mai có bay được không thì cô lắc đầu không có ý kiến và nói hy vọng là bão tới đảo Santo sẽ chuyển qua phía đông, tây hay hướng khác chứ không xuống phía Port Vila. Đảo Tanna nằm ở phía nam Port Vila nên hy vọng ít bị ảnh hưởng. Nhưng quan trọng là ở Port Vila không có bão thì chúng tôi mới có thể bay được.

Cô cũng nói nếu mưa nhiều thì xe không thể chạy lên núi lửa được, vì đường bên đảo Tanna phần lớn là đường đất, nên xe dễ tuột bánh. Nghe vậy, tôi hỏi bà quản lý Emily đi máy bay nhỏ qua Tanna có an toàn không thì bà bảo không sao. Tôi ngại vì thường nghe về những tai nạn xảy ra với loại máy bay nhỏ, ngay cả ở Úc huống chi là ở những nước còn chậm tiến như Vanuatu.

Thời còn sinh viên, tôi thường đi máy bay DC4, DC6 khi bay từ Đà Lạt ra Huế hay đi máy bay nhỏ hơn là DC3 từ Đà Lạt về Sài Gòn, nhưng máy bay chong chóng DC3 vẫn còn lớn bởi chở khoảng ba bốn chục người. Nay nghe nói đi máy bay chong chóng nhỏ chở 9 người, thật sự bụng tôi có đánh lô-tô. Lo là vì đi cả nhà. Lại đi trong mùa mưa, mùa bão. Mà bão ở Vaunatu là loại bão thường xuyên trong mùa này, nổi tiếng khắp thế giới và tôi đã được nhân viên sứ quán Vanuatu ở Sydney giải thích trước khi qua Vanuatu.

Do đã đặt cọc và không thể hoàn lại, nên bụng bảo dạ sao bão không tới ngay đi để khỏi phải lỡ qua Tanna rồi mới xảy ra thì quả là không vui chút nào và còn rắc rối cho chuyến bay về Úc nữa. Nhưng cũng tự nhủ nếu không đi xem núi lửa Yasur thì sẽ chẳng bao giờ còn dịp, nhất là mấy đứa con quá thích đi xem.
Cũng ngày hôm đó, chúng tôi lang thang lên phố và vào một phòng massage để xoa bóp cổ và lưng vì làm 20 phút mà chỉ tốn 10 Úc kim, lại được thoa dầu làm từ đất hay nham thạch ở núi lửa Yasur nữa chứ (sao mà giống lò nướng làm bằng đá núi Phú Sĩ ở Tokyo vậy?).

Trong khi làm massage, tôi hỏi cô xoa bóp có nghe tin tức nói ngày mai có bão không, cô nói nghe bão sắp xuống Port Vila vì vậy tàu chở du khách các nơi không thể vào cảng tham quan được nên tiệm của cô bị ế.

Tôi nói với cô ngày mai tôi sẽ đi qua đảo Tanna để xem núi lửa thì cô có vẻ lo ngại. Cô hỏi tôi đi tour của hãng nào, có phải của Unity Airlines không. Thấy tôi gật đầu thì cô ta có vẻ lưỡng lự và không nói gì. Tôi hỏi cô hãng Unity Airlines có tốt không, có bao giờ bị tai nạn khi tổ chức du lịch chưa, thì cô trả lời không.

Nhưng cô nói đi xem núi lửa cũng phải cẩn thận chứ năm ngoái đã có một du khách bị chết. Lý do du khách này tới gần miệng núi lửa quá, và vì muốn chụp hình gần, tuột chân té xuống hố núi lửa và tiêu tan xác trong khối lửa đó. Cô nói tội nghiệp cho khu khách ngoại quốc lớn tuổi đó vì khi tai nạn xảy ra không có thân nhân, bởi ông cụ đi du lịch một mình.
Cô chúc tôi có một chuyến đi chơi bình yên. Nghe mà phát lo.
Chiều hôm đó và suốt cả đêm trời mưa lớn, sóng biển ngay phòng ngủ chúng tôi vỗ mạnh hơn mọi khi. Chúng tôi sợ rằng ngày mai sẽ không đi được nhưng vẫn chuẩn bị áo quần và đồ dùng cho một ngày đi và một đêm ngủ lại. Chúng tôi dậy trễ, tôi ra phố mua thức ăn về để vợ và các con làm cho buổi ăn sáng và ăn trưa vì 12 giờ sẽ có xe đến chở.

Còn 5 phút, chúng tôi xách ba-lô ra phòng đợi của nhà trọ, nhưng tới nơi thì Emily đưa cho cái điện thoại cầm tay nói Unity Airlines muốn gặp tôi. Và như tôi đã có thể đoán trước, hãng du lịch nói rất tiếc vì thời tiết nên chuyến đi tour hôm nay bị bãi bỏ. Tôi hỏi ngày mai còn chuyến khác không, nhưng ông nhân viên bên kia dây nói trả lời không biết. Tôi bảo “vậy thì thôi nhé, hãng ông hủy và tôi chấp nhận, vì thế phải trả lại tiền cọc cho chúng tôi đấy, chúng tôi không muốn đi nữa”.

Tôi thấy nhẹ nhõm người vì trời không muốn mình đi. Bay loại máy bay con con giữa mùa bão quả là đáng ngại. Thế mà qua ngày sau, khi ghé đến phòng khách của nhà trọ, bà nhân viên người Úc tên Pram mới trở lại làm việc cho Fatumaru Lodge cho biết Unity Airlines mới gọi điện thoại báo cho biết là sẽ đến chở chúng tôi lúc 12 giờ trưa.

Tôi đùng đùng nổi giận, xin bà Pram gọi điện thoại với hãng để tôi có đôi lời. Tôi nói cho một tràng, rằng ông ta là người ngày hôm qua gọi cho tôi hủy chuyến đi và cuộc nói chuyện có bà Emily nghe, rằng tôi đã chấp nhận việc ông hủy, và tôi cũng giải thích tôi không thể đi chuyến khác vì sáng sớm Chủ Nhật tôi đã phải trở về Úc thì làm sao kịp, rằng tôi thích đi nhưng tôi nghĩ mạng sống của chúng tôi còn quan trọng hơn chuyến đi chơi, rằng tại sao đột nhiên ông gọi cho chúng tôi đi thình lình như ông đã thình lình báo hủy chuyến đi chỉ 5 phút trước. Tôi mắng ông ta một trận. Ông ta chỉ lắng nghe. Bà Pram nghe xong khoái chí nói bà rất thích tôi nói như vậy.
Đó là kinh nghiệm của chúng tôi về chuyến đi tham quan núi lửa ở đảo Tanna và việc ghi danh đặt chuyến đi với hãng du lịch Unity Airlines ở thành phố Port Vila.
 
Top