dinhvandat
Thành viên mới
VỀ HOA LƯ TÌM CHÂN DUNG ĐINH TIÊN HOÀNG ĐẾ
(www.hodinhvietnam.com) Ngày 5 và 6 tháng 3 năm 2012 Ban liên lạc họ Đinh Việt nam đã cử các ông Đinh Ngọc Hiện, Đinh Văn Đạt, Đinh Văn Học và Đinh Nguyễn Việt Hưng về cố đô Hoa Lư gặp ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty TNHH ‘ Tràng An danh thắng’ để tìm hiểu những tư liệu về Vua Đinh của chúng ta. Nói là Ban liên lạc cử, nhưng thực ra đó chỉ là một chủ trương đúng, còn toàn bộ kinh phí cho chuyến đi 5 người (cả lái xe) đều do ông Đinh Ngọc Hiện tài trợ hết. Từ ăn, ở, đi lại cho đến tiền đò giang… vẫn từ hầu bao của ông Hiện. “Chuyến đi mà được việc thì hết bao nhiêu tôi cũng chi. Chỉ sợ chúng ta không có duyên thôi.” Ông Hiện nói như vậy.
Nơi đầu tiên đoàn đến để trình diên Vua Đinh đấy là Đình Vua Đinh. Chúng tôi cũng biện lễ vật để cẩn cáo Vua, cho đại diện con cháu dòng dõi họ Đinh đến để khẩn cầu vong linh Vua biết được những tư liệu thực của Người, nhằm xây dựng một bộ tiểu sử đầy đủ của Vua Đinh nói riêng và Nhà Đinh nói chung. Có lẽ Ngài đã chấp thuận nên chúng tôi đã gặp được ong Son và bước đầu có nhiều thông tin quý giá về Người…
Khoảng 5 giờ chiều ngày 5/ 3/2012 chúng tôi được ông Son tiếp đón niềm nở vào Phủ Đại của ông. Câu đầu tiên ông Son nói: “Tôi đợi các bác từ chiều. Biết rằng giờ này các bác mới tới nơi, nhưng vẫn cứ thấp thỏm lạ kỳ. Có lẽ anh em mình hữu duyên chăng? Từ đêm hôm qua, được tin các bác đến, tôi cứ đứng ngồi không yên. Có lẽ Vua Đinh và Thái tể Định Quốc công Nguyễn Bặc nhà tôi đã xe duyên cho chúng ta hay sao mà lòng tôi tràn ngập niềm vui. Hiện nay, mỗi ngày tôi tiếp có dư ngàn khách. Song, với Ban liên lạc họ Đinh thì rõ ràng là đặc biệt với tôi rồi”.
Ông cho biết, tất cả những lời thuyết minh của Tràng An – Bái Đính cũng như Tam Cốc – Bích Động và dĩ nhiên là cả ‘Tràng An danh thắng’ này, rồi đến hai Đình Vua Đinh, Vua Lê… đều do một tay ông soạn thảo. Sau đấy cho nhân viên hướng dẫn du lịch học thuộc lòng, kể cả những người ‘chèo đò’, những người trông giữ xe máy, xe đạp, ôtô…Ai cũng phải biết ‘hướng dẫn du lịch’. Có thuộc ‘hướng dẫn du lịch’ thì mới được làm việc. Đấy là tiêu chí số một để tuyển người. Trước đây ông làm việc ở Bái Đính với em họ ông là Nguyễn Xuân Trường. Về sau vì bận việc với Công ty ‘Vật liệu xây dựng’ do ông lập ra nên ông thôi ở Bái Đính. Mới 4 năm nay, ông dựng lên khu du lịch ‘Tràng An danh thắng’ này và cho đến bây giờ cũng đã ‘hòm hòm’ rồi. Ông nói vậy. Bởi thế, ông vừa là Giám đốc vừa là nhân viên ‘hướng dẫn du lịch’ của ‘Tràng An danh thắng’. Một ngày khoảng chục đoàn, mỗi đoàn tới 200 người đến đây để thăm quan và ‘du lịch lịch sử’.
Ông dẫn chúng tôi lên Phủ Đại thờ Thái tể Định Quốc công Nguyễn Bặc. Phía trên cao nữa có một ngai to để thờ vọng Vua Đinh. Nơi đây là cửa Nam của thành Hoa Lư xưa. Con sông Hoàng Long sau khi chui qua hang Luồn dài khoảng 300 mét là chảy vào sông Sào Khê, đổ ra sông Vân Sàng rồi nhập vào sông Đáy mà đi ra biển. Phía trên hang Luồn là một dãy núi đá có 8 ngọn, chầu lại với nhau, phía dưới là sông Sào Khê, sâu trung bình là 3 thước nước, tạo cho nơi đây có thế đất “đại bàng ẩm thuỷ”, giống như khu vực Cửa Ông thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quả thật, nơi đây không chỉ là ‘địa linh’ của cố đô Hoa Lư đã hơn ngàn năm tuổi mà còn là‘đắc địa’của một trung tâm du lịch, không chỉ cho ‘tâm linh’ cho ‘lịch sử’ mà cho cả‘du lịch sinh thái’ nữa. Theo ông Nguyễn Văn Son, ngày xưa Vạn Thắng Minh Vương mỗi lần xuất quân đi đánh 12 Xứ Quân khác thì đều lấy nơi đây làm địa điểm tập hợp ba quân, thúc Trống, khua Chiêng để hội quân. Vì Cửa Nam là hướng Chu Tước, tượng trưng cho màu Đỏ, màu của chiến thắng. Thúc Trống là hợp binh. Khua Chiêng là gọi dân. Lần nào Vua xuất chinh cũng đều có dân chúng ra tiễn đưa và ủng hộ cơ man là lúa gạo, là trâu bò, là dê lợn…
Chúng tôi được ông Son giói thiệu tỉ mỉ về Phủ Đại của ông. Trong phủ, có thể nói như một bảo tàng thu nhỏ. Cái gì cũng quý giá cũng được trân trọng. Ông Son có một bộ tiền đồng thật khó có ai sở hữu được như thế. Có hai đồng tiền của nhà Đinh được để nơi thật trang trọng nhất. Hai đồng “Thái bình Hưng bảo”, hiện vật cổ xưa nhất nước ta, hai nội tệ đầu tiên của Việt nam. Chúng tôi ngắm nhìn mãi mà thấy cứ như là mình đang sống ở giữa Triều nhà Đinh thuở xưa, thấy như vang vọng lại ‘hồn thiêng sông núi’ mà cha ông chúng ta đã mất bao xương máu mới có được như vậy.
Tiếp đó là tiền của nhà Tiền Lê, tiền của nhà Lý, của nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn. Cuối cùng, đối diện với tiền của nhà Đinh là tiền đồng của Việt nam Dân chủ Cộng hoà, có ảnh Bác Hồ. Người trưng bầy cố ý sắp xếp để ‘Thái bình Hưng bảo’ đối diện với đồng tiền ‘Ngân hàng Quốc gia Việt nam’, hai đồng tiền của hai nền Độc lập, một là ‘linh tệ’ của triều Đinh, một là của nền Dân chủ Cộng hoà đầu tiên tại Việt nam. Đây có thể nói là một viên bảo tàng thu nhỏ của các loại tiền Việt nam, qua các triều đại, đã hơn một ngàn năm, thật chói lọi.
Trong phủ còn trưng bầy rất nhiều thứ. Từ những viên gạch của nhà Đinh để xây dựng Nội đô, nhưng hòn đá kê chân cột, những viên ngói, đa phần là vỡ, những vật dung dùng cho sinh hoạt hàng ngày của Vua, Hoàng tộc và quan lại v.v…
Phía trên Phủ Đại, hai bên là hai Miếu thờ, được kê xếp toàn bộ những đồ sành sứ mà ông Son thu nhặt được khi nạo vét sông Sào Khê. Hai đồng ‘Thái bình Hưng bảo’ chính là thu được dưới đáy sông này. Theo ông Son, cần có các nhà khoa học nghiên cứu, sắp xếp, phân loại cho rất nhiều đồ sành sứ ở đây. Vì rằng, trong số này chắc chắn là của thời Đinh, thời Tiền Lê, thời Lý và cả nhà Trần nữa. Vì nhà Trần đã hai lần lui về đây để thực hiện kế “vườn không nhà trống”chống giặc Nguyên – Mông.
Ngoài hai miếu thờ ấy ra, trước cửa hai miếu còn có hai cái giếng, sâu thăm thẳm. Trước tiên, ông Son dẫn chúng tôi lên Giếng Tiên, thực chất là một giếng cạn, đáy thông xuống hang Luồn. Ông Son nói là, không biết sâu bao nhiêu, nhưng chúng tôi ném đá xuống thì thấy có tiếng rơi “bùm” vào nước. Điều đó có thể đúng vì hang Luồn, có con sông Sào Khê chảy qua, ở ngay dưới chân núi. Giếng thứ hai, ông Son đặt tên là “Giếng giải oan”, trong giếng la liệt tiền, được khách tham quan ném xuống đấy để cúng tiến.
Tối đến, sau khi ăn cơm, ông Son lại tiếp tục cho chúng tôi biết những điều mà khác với những điều chúng ta đã biết. Ví như chuyện về con Rái Cá, theo như truyền thuyết thì đó là người sinh ra Đinh Bộ Lĩnh, rồi đến việc Bộ Lĩnh giết trâu của Thúc Dự để khao trẻ chăn trâu. Ông Son nói rằng, vì hai vua Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn đưa quân lính triều đình Cổ Loa về đánh Đinh Bộ Lĩnh hơn một tháng trời mà không làm gì được. Hai vua cho bắt Đinh Công Dự ra tra khảo. Thúc Dự, vì bảo vệ cháu nên đã phịa ra chuyện: “Nó đâu phải là cháu tôi. Nó là con của Rái Cá đấy chứ. Nó còn giết trâu của tôi để ăn với bọn trẻ chăn trâu, rồi cắm đuôi trâu vào khe đá để đánh lừa tôi, là trâu đã chui vào khe nứt này rồi…”. Từ câu đối chất ấy của ông Đinh Công Dự để đánh lừa triều đình Cổ Loa, về sau dân chúng thêm thắt vào thành nhiều chuyện ‘hoang đường’ về Vua Đinh. Qua đó, trước đây dưới con mắt của dân chúng, ông Đinh Công Dự là một điền chủ có tiếng là tham lam và rất độc ác với cháu. Nhưng thực tế ông thật sự thương yêu đứa cháu quý tử của người anh ruột hiếm con của mình. Theo ông Nguyễn Văn Son, Đinh Công Dự không những yêu thương Bộ Lĩnh mà còn chăm lo đến việc ‘học văn học võ’ cho Bộ Lĩnh suốt bao năm trời. Vậy là có sự đối nghịch về vấn đề này trong cuộc đời Bộ Lĩnh. Nhưng suy luận như vậy chúng tôi cho rằng, đấy mới đúng logic của vấn đề, mới là nhân văn trong nguyên lý “Văn – Sử –Triết”của cuộc đời. Chỉ mấy dòng đó thôi, cuộc đời của đức Đinh Tiên Hoàng đế một phần đã được‘phát lộ’ một cách rõ ràng hơn...
Sáng hôm mùng 6 tháng 3, chúng tôi được ông Son mời lên một cái thuyền đại, chở 15 khách du lịch, nhưng chỉ có 5 anh em chúng tôi ngồi lên. Chị chèo đò vừa là hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu với chúng tôi một cách thành thục các điển tích của cố đô Hoa Lư dọc theo sông Sào Khê về phía Nam đến hơn một cây số. Sau đó lại ngược lại hang Luồn sang sông Hoàng Long chèo về phía Thành Nội. Nơi đây có làng cổ Tràng An. Rất nhiều địa danh đã trở thành những thắng tích của cố đô, như bãi Xuất quân, núi ông Trạng, núi Hòm Sách, đồi Vọng Nguyệt, phần mộ Vua Đinh, phần mộ Vua Lê v.v…Tất cả đã lùi vào dĩ vãng của một thời sôi động của Cố đô nền quân chủ tập quyền đầu tiên tại Việt nam. Rất tiêc ông Đinh Xuân Vinh bận đi ‘quay hình’ cho lễ hội của tướng quân Đinh Bạt Tuỵ trong Nghệ An, nên không có ai quay phim chụp hình cho đoàn. Nếu có một số tấm hình để minh chứng cho bài viết này thì hay biết mấy. Có lẽ phải để lần sau vậy. Song như thế cũng đã ‘chấm phá’ ra được phần nào chân dung của vị Hoàng đế bất hủ này, của một triều đình đầy hiển hách tự ngàn xưa.
Buổi trưa chúng tôi chia tay ông Son, vì ông lại có nhiều đoàn khách đang chờ. Ông Hiên chân tình góp ý: “Có lẽ anh nên bồi dưỡng khoảng hai nhân viên ‘hướn dân du lịch’ để thay anh trong những lúc bận rôn như thế này. Từ hôm qua tới nay, tôi thấy anh phải nói nhiều qua. Cứ ra rã suốt ngày. Như thế thì chịu sao nổi. Anh chỉ thuyêt minh cho những đoàn quan trọng thôi…”. “Tôi đã cho làm thử rồi đấy, nhưng có được đâu. Có lẽ phải còn lâu lâu mới làm được điều như anh nói. Tôi sẽ cố gắng”. Rồi ông nói: “Các anh giữ liên lạc thường xuyên với tôi nhé. Anh em ta sẽ thực hiện những điều chúng ta đã bàn bạc. Các anh đến bất cứ lúc nào cung được. Còn nhiều chuyện lắm. Một lúc không thể chuyển tải hết được. Chúc các anh thượng lộ bình an và may mắn. Hẹn gặp lại.”
Chúng tôi ra về với những suy tư về Vua Đinh, đã hơn một ngàn năm mà con cháu không có đủ thông tin về người. Có lẽ Người còn biết bao điều ẩn dấu với non sông đất nước của mình. Ông Hiện nói: “Cứ coi đây như là chuyến đi tiền trạm của Ban liên lạc. Theo tôi như vậy cũng đã thu được kết quả thật khả quan. Tôi sẽ báo cáo với Trưởng ban Đinh Xuân Dũng để lên kế họach thật cụ thể”.
Đúng vậy, chuyến đi về Hoa Lư đã thành công tốt đẹp.
ĐINH VĂN ĐẠT