HỒI ỨC VỀ ÔNG NGOẠI TÔI

ĐINH VĂN PHONG

Thành viên mới
Bài viết của cháu Đinh Văn Phong

HỒI ỨC VỀ ÔNG NGOẠI CỦA TÔI


Ông Ngoại: Ngô Công Chính lúc 70 tuổi

Có lẽ, trong tất cả các cháu ngoại của ông, tôi là người có nhiều kỷ niệm và hiểu ông Ngoại nhiều nhất. Cả một quãng thời ấu thơ, tôi đã gắn bó với bên ngoại nhiều hơn hết. Bởi dường như, má tôi nghĩ và muốn rằng nơi đó là chỗ dựa tin tưởng nhất để cho anh em tôi những bước đi đầu đời.
Thật không may ba tôi mất sớm (1955), hồi đó tôi còn nhỏ lắm! (khoảng năm 1959) đang còn học lớp vỡ lòng ở chợ Đo Đo (Bình Quế) và khi bắt đầu có những cảm nhận thì tôi đã ở bên ông Ngoại tôi rồi. Ông đang làm trạm trưởng trạm Y Tế xã Bình Quế, và gia đình tôi là nơi tá túc của ông, ngoài những giờ làm việc tại cơ quan, về nhà ông thường dạy học cho tôi. Ông buộc tôi phải làm toán và học thuộc lòng bảng cửu chương, ông rất nghiêm khắc và khó tính mà tôi thì tính rất rụt rè và dễ bị xúc động.
Công tác tại Bình Quế một thời gian thì ông tôi bị thuyên chuyển lên Bình Lâm (chợ Việt An), vì một lý do rất nhạy cảm mà tôi không tiện nói ra, ngày xưa nơi ấy được xem như là miền núi, vùng nước độc. Ông Ngoại tôi phản đối bỏ về luôn và không đi làm nữa, đó là khoảng 1959-1960 lúc nầy ông đã 67 tuổi. Ông tôi về lại quê hương Bình Tú, sống cùng với gia đình dì Sáu tôi để an hưởng tuổi già và cũng để gần gũi với bà con chòm xóm, điều đó thường thấy ở những người cao tuổi.
Năm 1961, má tôi không buôn bán tạp hóa nữa, chuyển sang đi buôn đường dài ở Pleiku – Banmêthuột nên gửi tôi về sống với dì Sáu tại Cẩm lũ để đi học (niên khóa 1961-1962). Tôi vẫn còn nhớ như in về ngôi trường tiểu học ấy, trường chỉ có 4 lớp: từ lớp tư đến lớp nhất. Cô Ngô thị Hạnh dạy lớp tư, cô Phan thị Thuấn dạy lớp ba, thầy Trần văn Đức dạy lớp nhì và thầy Lê Quang Chủy dạy lớp nhất kiêm Hiệu Trưởng. Bé Xuân (con đầu lòng dì Sáu) học lớp tư còn tôi vào lớp ba của cô Thuấn. Sau nầy khi chiến tranh xảy ra cô Thuấn thoát ly đi Cách Mạng và đã hy sinh năm 1968 trên đường công tác.
Tại đây ông tôi đã kèm cặp và giám sát việc học của tôi rất gắt gao, ông buộc tôi phải học tiếng Pháp, viết dicté, học vocabulaire. Có lẽ thời ấy ít có ai được may mắn như chúng tôi, ông thường bắt tôi phải học thuộc lòng các bài tiếng Pháp như: Le corps huimain (Thân thể người ta) hoặc một số bài khác mà tôi không còn nhớ rõ nữa, để rồi mỗi khi có ai đó học vấn khá đến chơi ông thường bảo tôi đọc lại. Ngoài ra ông còn dạy các phép tính hoặc những bài toán đố khó, mà lúc ấy tôi rất sợ vì bản thân mình dốt toán.
Ông ngoại tôi có một chiếc xe đạp nam (dàn ngang) hiệu Atom của Pháp sản xuất, thỉnh thoảng ông chở tôi hoặc Xuân đi chơi đâu đó hoặc về làng Trường an ăn giỗ. Có một lần, về nhà cậu Thế để ăn đám giỗ ông chở tôi ngồi đằng trước dàn ngang, còn Xuân ngồi phía sau. Ăn giỗ xong khi trở về thì Xuân lại nhỏng nhẻo đòi ngồi phía trước, điều đó là không nên vì Xuân là bé gái hơn nữa ngồi trên dàn ngang rất khó chịu và lại nguy hiểm, nhưng có lẽ ông tôi quá thương, quá cưng chìu Xuân nên đành phải đồng ý. Khi ra đến đường cái dẫn ra quốc lộ 1, gần trại lò rèn ông Tới, bé Xuân đã vô tình đưa mắt cá chân vào nan hoa làm trầy xước và chảy máu. Ông tôi hốt hoảng và mất bình tĩnh đến nỗi lấy chiếc khăn mùi xoa ra để buột vết thương mà tay ông run quá chừng, lúc đó ông trừng mắt nhìn tôi xem tôi như người có lỗi (phải chi tôi ngồi phía trước?) mặc dù còn rất nhỏ nhưng tôi biết thân phận của mình, cắn răng chịu đựng, tức ơi là tức.
Ngày hôm sau Xuân lên cơn sốt rất cao, là người làm trong nghề tây y dì tôi lo lắng vô cùng, sợ nhiễm vi trùng uốn ván nên vội vàng đưa Xuân ra bệnh viện Hội An để chữa trị. Thời ấy nền y học VN còn lạc hậu, thuốc men thiếu thốn, hơn nữa bệnh viện quá xa nên khó mà lường được những gì sẽ xảy ra…Tuy nhiên mọi lo lắng rồi cũng qua đi, Xuân khỏi bệnh và xuất viện trở về. Ông tôi thở phào nhẹ nhỏm như vừa trút đi một gánh nặng.
Là người theo đạo Thiên chúa giáo, ông tôi thường hay đọc kinh mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng vừa thức dậy. Ông bắt chúng tôi phải đọc kinh và học thuộc những đoạn kinh nhật tụng mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: "Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phép lạ hơn mọi người nữ, và Jésus con lòng bà gồm phép lạ”. Ngoài ra, trong làng hoặc trong bà con tộc họ, những ai ham thích học ông đều khuyến khích và bỏ công ra dạy mà không hề lấy một chút thù lao nào cả, nhất là những dịp hè, chuẩn bị kỳ thi vào lớp đệ thất.
Mỗi độ xuân về, ngay đêm giao thừa ông tôi thường làm thơ khai bút đầu năm, rất tiếc những bài thơ đó đều thất lạc, một số do thiên tai bão lũ 1964 và một số bị thiêu rụi do cháy nhà 1967.
Trong thời gian sống tại nhà dì Sáu, tôi thường chơi với các con của dì: Xuân, Đông, Sơn rất thân thiết rất gắn bó, mặc dù dì tôi rất thương tôi nhưng không thể nào chăm sóc tôi như má được, tôi đã từng có cảm giác cô đơn thiếu thốn nhiều thứ. Mới có 10 tuổi đầu mà phải xa mẹ, xa anh, xa em, để đến sống nhờ với một gia đình bà con thử hỏi làm sao chịu nỗi mỗi khi nhớ nhà, mỗi lúc hoàng hôn buông xuống hay những đêm bất chợt trời trở rét.
Có một điều mà tôi nhận thức được là má của tôi đã hy sinh tất cả một cuộc đời để nuôi nấng chăm sóc mấy anh em chúng tôi. Bà còn một nỗi khổ lớn nhất là đã có một người con tật bệnh, luôn luôn gây phiền phức, nhũng nhiễu cho những người trong gia đình và làng xóm.
Học xong lớp ba, thì má gửi tôi về nhà bà Nội ở Hà lam để học tiếp lớp nhì tại trường tiểu học công lập Thăng Bình niên khóa 1962-1963. Lại một lần nữa tôi phải thay đổi chỗ ở, xa bạn bè xa trường cũ xa mấy đứa em con dì xa tất cả những gì mà mình mới vừa manh nha gắn bó.
Năm 1963 má tôi bán căn nhà thân yêu ở Bình Quế, (nơi đã cho tôi nhiều kỷ niệm nhất về thời ấu thơ êm đẹp của mình), dọn hẳn về Bình Tú, xin một vạt đất trong vườn dì tôi để làm chỗ che mưa che nắng, đưa anh hai tôi và Phú về ở gần dì, gần ông Ngoại để bà yên tâm tiếp tục đi buôn chuyến dài ngày.Nhưng sau đó má tôi lại gửi Phú vào Quảng ngãi nhờ anh Hai Minh chăm sóc rồi dẫn anh Phán tôi vào Sài gòn chữa bệnh.
Năm 1964 tôi thi vào lớp đệ thất nhưng bị trượt nên ghi tên vào lớp đệ thất trường tư thục Bồ Đề để học và chờ thi lại năm đến.
Mùa đông năm ấy xảy ra một cơn bão rất lớn tiếp theo là trận lụt, có thể nói là Đại Hồng Thủy lớn nhất miền Trung từ trước đến nay, gần như cả tỉnh Quảng nam Đà nẵng chìm trong biển nước, nhà cửa trâu bò trôi ra biển, sinh mạng tài sản thiệt hại rất nhiều. Lúc đó tôi đang ở với bà nội và các anh chị. Căn nhà tôi ở Bình tú cũng đổ sụp và lũ cuốn trôi.
Đầu năm 1965 thì ông Ngoại tôi ra Hà Lam, thương lượng với bà nội tôi để xin đưa tôi về lại Bình Tú, tại sao như vậy? Chuyện là như thế nầy, cuối năm 1964 có một đội quân giải phóng tiến vào xóm Cẩm Lũ đánh vào đội dân vệ xã Bình tú (chế độ cũ) hai bên giao tranh ác liệt, kết quả bên quốc gia thiệt mạng mấy người, bên giải phóng rút quân để lại một người hy sinh tại chỗ.
Sau trận đánh đó dì dượng tôi mới bàn bạc tản cư ra Đà Nẵng để lánh nạn và tìm kế sinh nhai. Mặc dù lúc đó dượng Thuật tôi đang là công chức ( nghành Thông Tin), nhưng gia đình bên phía dượng có nhiều người đi tập kết (1954), nếu ở những vùng giao tranh sẽ dễ bị liên lụy về vấn đề chính trị. Gia đình dì tôi dọn đi hết chỉ còn lại ngôi nhà tranh, tường đá ong và mấy chiếc giường vạt tre.
Tôi đành phải nghỉ học để theo ông tôi trở về quê ngoại Bình Tú, vừa để trông nhà mỗi khi ông đi vắng, vừa để ôn thi và cũng để bầu bạn với ông sớm hôm cho đỡ phần quạnh quẽ. Đó là một thời gian dài dằng dặc, buồn tẻ và sợ hãi. Ban ngày ông tôi thường vắng nhà, khi thì đánh bài, khi thì chơi cờ tướng, nhiều bữa không về trưa. Ở nhà một mình đi ra đi vào, học hành chán, tôi lục tủ sách cũ của dượng tôi bỏ lại tìm đọc. Toàn là tạp chí Phổ Thông và Kiến Thức Ngày Nay, tôi đọc hầu như gần hết, nhờ vậy mà sau này tôi học văn khá hơn nhiều và cũng từ đó tôi đâm ra mê đọc sách.
Ban đêm nằm bên ông ngoại tôi thường nghe ông thủ thỉ kể về những chuyện ngày xưa: thời trai trẻ của ông, rồi chuyện bà con dòng tộc, chuyện xã hội, kể cả chuyện chính trị nữa. Tôi còn nhỏ quá đâu biết được gì, chỉ nhớ loáng thoáng mơ hồ. Giai đoạn đó ông thường hay cáu gắt buồn bực nên tôi đành lặng lẽ bên ông không dám nói gì làm gì phật ý ông cả. Tính ông nghiêm khắc, nóng nảy và rất dũng cảm, chẳng sợ gì cả.
Ông sống bằng lợi tức của những mẫu ruộng cho tá điền làm mướn đến kỳ đong hoa lợi, thỉnh thoảng dì tôi viết thư về (gửi cho xe đò chuyển) để thăm hỏi hoăc gửi một ít quà về cho ông cháu tôi.
Những đêm mùa hè, trời thanh vắng tiếng gió thổi qua rặng phi lao phía cuối vườn vi vu sầu thảm như ẩn chứa nỗi hiểm nguy, nửa đêm về sáng chợt khi tỉnh giấc nghe tiếng chó sủa, tiếng va đập cánh cửa khép hờ làm tôi giật thót tim…. Có nhiều đêm những người lạ mặt bất chợt ghé vào họ nói chuyện gì đó với ông tôi, sau nầy tôi mới biết đó là những người quen đã thoát ly theo Cách Mạng trở về hoạt động. Bởi vì chiến tranh đã lan tràn trên khắp dãi đất này rồi, ác liệt và khủng khiếp lắm, ngày nào cũng có người chết vì bom đạn, các chuyến xe đò trên trên tuyến QL 1 thường hay bị vướng mìn nổ banh xác. Làm sao tôi không hãi sợ được khi nhìn thấy những điều ấy, tôi nghĩ có lẽ tôi là người chịu nhiều thiệt thòi nhất về cả thể xác lẫn tinh thần.
Ngày mồng 2 tháng 4 âm lịch năm đó. Ông tôi dậy sớm mua một số thức ăn, bảo tôi nấu xôi, luộc thịt, chiên ram và bàn soạn hoa quả để kỵ giỗ bà ngoại, với cái tuổi 13 là một bé trai, bây giờ nhớ lại tôi không thể nghĩ rằng sao lúc ấy mình đã giỏi giang như thế. Ông tôi dọn trên một cái bàn đạt ngay giữa nhà để cúng, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy ông tôi cúng, vì trước đây ông theo đạo Thiên chúa nên không cúng lạy và không ăn đồ cúng (và cũng từ đây ông không đi nhà thờ nữa). Ông cúng rất tâm thành rồi sau đó ông lại bàn viết làm một bài thơ song thất lục bát để hoài niệm về người vợ quá cố của mình:

Hỡi vong linh của người thiên cổ
Nhớ đến ngày kỵ giỗ hôm nay
Lòng thành cúng một ngọ chay
Trầm hương mặc niệm hồn rày chứng minh”……
Bởi chiến tranh gây nỗi bất bình,
Kể bầy con gái chúng mình còn ba,
Đứa thời giặc giã lánh xa
Đứa vô Nam bộ đứa ra Đà Thành,
Đứa Bình Quế đoạn đành không tưởng,
Chỉ mình tôi vất vưởng nơi đây,
Lòng thành cúng một ngọ chay
Trầm hương mặc niệm hồn rày chứng tri.
Khuyên miễm chấp làm gì mụ Phán,
Đến nhà thương Chợ Quán nuôi con,
Dẫn đi năm sáu tháng tròn,
Dù sao nó cũng là con gái đầu.
Chồng thời mất sớm lo âu,
Hao mòn của cải buồn rầu vì con,
Chân trời mặt biển chon von
Kể ra vốn liếng chẳng còn bao cơ.
Vừa nhận được lá thơ hôm trước,
Thân lạc loài giữa bước tha phương.
Hiện giờ chỉ có con Hương,
Vì chồng lánh nạn, tìm đường sinh nhai.
Lo sao cho xiết hỡi ai
Lánh ra Đà Nẵng được vài tháng xuân,
Thư từ thăm viếng chừng chừng,
Nửa thương cho cháu, nửa mừng cho con,
Dầu cho sông cạn đá mòn
Vợ chồng vàng ngọc lòng son tỏ bày.
Vong linh người hỡi có hay!
Chứng minh phù hộ cháu rày ăn chơi.
Tôi xin kính chúc đôi lời,
Gửi về tiên cảnh cho người ân nhân.
Hằng năm trở lại cõi trần,
Viếng thăm con cháu một lần cho ngoan.

Đây là bài thơ mà tôi đã được ông tôi cho xem trước tiên và đọc thuộc đầu tiên, lời thơ bình dị mộc mạc nhưng rất chân tình, ông viết không cầu kỳ, khách sáo nhưng đã nói lên được nỗi niềm tâm sự của mình.
Giữa năm 1965 má tôi đưa anh Phán tôi về lại quê hương sau gần 2 năm lưu lạc nơi xứ người nhưng vẫn không chữa khỏi bệnh. Tôi sung sướng vô cùng, như vừa trải qua một kiếp nạn, vậy là từ đây tôi không còn phải cô độc nữa.
Thế rồi má tôi quyết định bám trụ ngay tại quê hương của mình để làm ăn sinh sống. Má mua lại căn nhà của dì Chung (chị em họ bên ngoại của má), sát vệ đường QL1, phía trước nhà thờ Công Giáo và mở hàng tạp hoá để buôn bán.
Năm đó tôi thi đỗ vào lớp đệ thất trường Trung học công lập Thăng Bình (nay là Tiểu La), má vào Quảng Ngãi đưa Phú về luôn. Từ đây gia đình tôi đã sum họp một nhà, má cũng mời ông Ngoại về ở hẳn để tiện bề chăm sóc phụng dưỡng ông trong lúc tuổi già.
Công việc làm ăn mỗi ngày một phát triển, má tôi là một người đàn bà có bản lĩnh, rất giỏi kinh doanh, lại thêm có óc mạo hiểm nên bà vận dụng được thời điếm nào buôn gì, bán gì, hầu như đều có hiệu quả cao. Cuộc sống mỗi ngày một ổn định và tiến triển hơn. Má mua cho tôi một chiếc xe đạp để đi học và có thể đi về thường xuyên trong ngày.
Trong giai đoạn này ông Ngoại tôi chỉ việc đọc sách, làm thơ, hoặc giải trí cờ tướng với những bạn già quanh xóm.
Tôi còn nhớ, có một lần má đưa tôi đi Tam kỳ để mua hàng về bán, má nghe tin dì Long lâm bệnh nặng đang nằm cấp cứu ở Bệnh Xá Chi Y Tế quận Tam kỳ, lúc vào thăm, dì tôi đã kiệt sức gần như khó qua khỏi, bên cạnh còn có Song (con dì) đang chăm sóc, nuôi bệnh. Dì đã nói như trăn trối lại với má tôi rằng:”Có lẽ em không qua khỏi, gửi lại mấy đứa con nhờ chị nuôi dùm “, rồi hai chị em cùng khóc, lúc đó đứng bên cạnh tôi cũng không cầm được nước mắt. Má tôi an ủi dì rồi vội vàng lên xe về ngay.
Tối hôm đó trong bữa ăn gia đình, má tôi đưa ra vấn đề dì Long ốm nói với ông Ngoại tôi:” Nhờ Thầy vào Tam kỳ ( các con của ông Ngoại đều gọi cha của mình là Thầy) nói giúp với ông y sĩ Trung (một người quen cũ của ông Ngoại) xin được chuyển dì Long ra bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cứu chữa, chứ con thấy sức khoẻ của dì không ổn “. Ông tôi trừng mắt và nói:” Nó là đứa con phản nghịch, tau không đi đâu hết “ má tôi vẫn không nản chí quyết năn nỉ cho bằng được nhưng ông tôi vẫn im lặng.
Sáng hôm sau, khi vừa thức giấc, ông kêu má tôi bảo chuẩn bị cho ông mấy lon nếp để đi đường (ông đang bị bệnh đau dạ dày). Sau đó ông vội vàng lên xe đò vào Tam kỳ,đến chỗ dì tôi đang cấp cứu. Ông đã gặp ông y sĩ Trung và trao đổi những gì thì không ai rõ, chỉ biêt rằng ngay trưa hôm ấy dì tôi được máy bay trực thăng chuyển thẳng ra bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng và cấp cứu luôn. Nhờ vậy mà dì Long tôi mới vượt qua khỏi bàn tay tử thần. Đó là năm 1966, và cũng từ đó dì tôi đã hối hận vì đã nhiều năm không hề lui tới thăm viếng người cha của mình.
Tính ông tôi về già hơi cố chấp và lại quyết đoán nữa, nhưng rất mềm lòng, tính khí thất thường đôi lúc cáu ghét vì một chuyện không đâu, nhưng nói chung ông rất thương con thương cháu của mình.
Trong số các con gái, ông tôi chỉ nghe một mình dì Sáu tôi thôi, không hiểu có phải dì là con út? Hay là người được ăn học nhiều, có kiến thức rộng? Hoặc là dì đã đưa ra những lập luận vững vàng, chắc chắn nên ông tôi không thể không nghe?...
Những năm tháng ấy trên dọc đường QL1, ban ngày thì vẫn an ninh, sinh hoạt bình thường, về đêm thường xảy ra đụng độ giữa lính quốc gia và quân giải phóng, ít nhất cầu Cẩm Lũ bị đặt mìn giật sụp trên 30 lần, nhà nào cũng có hầm trú ẩn chắc chắn, có nhiều đêm phải chạy vào hầm trú ẩn mấy lần, tôi thường vào học bài rồi ngủ lại trong đó luôn.
Vào đêm 20-09- năm Bính Ngọ (1966), thật không may ông Ngoại tôi đột ngột qua đời do bị lạc đạn trong lúc hai bên giao tranh. Nỗi mất mát đau thương tang tóc bao trùm lên gia đình con cháu ngoại chúng tôi, ông ra đi mang theo bao nhiêu dự định, hoài bão chưa thực hiện được. Hưởng thọ 74 tuổi.

Bây giờ đã 43 năm rồi, nhưng anh em con cháu ngoại chúng tôi vẫn nhớ về ông Ngoại đáng kính ấy biết bao. Mỗi dịp giỗ chạp chúng tôi thường ôn lại những kỷ niệm về ông như để nhắc nhở con cháu sau nầy sẽ mãi mãi thân thiết, gắn bó với nhau. Bởi vì trong mỗi chúng tôi đều xem rằng, ông Ngoại cũng giống như ông Nội,con cháu ngoại cũng như con cháu nội vậy.

Tam kỳ ngày 04-12-2009
Mùa đông năm Kỷ Sửu

Cháu ngoại : ĐINH VĂN PHONG

--------------------------------------------------------------------------------


Bài viết của cháu Trần Đình Song

Vào năm 2004-2005 ông TRẦN ĐÌNH SONG là cháu ngoại (con bà Ngô thị Long) nhân dip kỷ niệm ngày giỗ của ông bà Ngoại đã tham khảo và sao lục viết về cuộc đời của ông Ngô công Chính với tựa đề : ÔNG NGOẠI TÔI. Sau đây tôi xin trích lại nguyên bản.

ÔNG NGOẠI TÔI

Ông ngoại tôi tên là: Ngô Tấn Thảo, hiệu là Ngô Công Chính, bút hiệu là Cư sĩ Ngô Công Chính, tên thường gọi là Bát Thông. Ống sinh năm Quý Tỵ (1893) đời vua Thành Thái thứ 5 tại làng Trường An, tổng Phú Mỹ, huyện Lệ Dương, tỉnh Quảng Nam. Tổ tiên họ NGÔ vốn gốc gác người Hà Tĩnh, thiên cư vào Quảng nam khoảng cuối thế kỷ 18, đến đời ông tôi là đời thứ 8 có mặt ở vùng đất này.

Ông ngoại tôi là con trai thứ 5 (trong nhà gọi thứ 6) của cụ ông Ngô Tấn Vịnh và cụ bà Trịnh Thị Trí. Gia đình cụ Vịnh thuộc bậc phú nông, có nhiều ruộng đất và trâu bò, các con trai được ăn học khá. Người con trai đầu (ở Quảng Nam gọi là thứ 2) là ông Hương Quyền có đi thi Hương. Con thứ 3 là ông Nghè Phúng thi đỗ Tú Tài, làm Hàn Lâm Kiểm Thảo ở triều đình Huế nên nhân dân nâng lên là ông Nghè, sau ông được bổ làm Ký Lục ở Hà Tĩnh rồi Đốc Học ở Phú Yên. Con trai út là ông Cửu Khải thời còn trẻ là tuyển sinh (tức là người học giỏi được tuyển chọn vào học trường nhà nước).
Ông ngoại tôi học chữ Hán với anh, sau học thêm chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp.
Ông có tinh thần tự lập. Cha mất sớm khi chưa có vợ, ông hầu như đã tự mình gây dựng sự nghiệp. Tính thích phiêu lưu, mạo hiểm đi đây đi đó. Năm 1923 ông tình nguyện đăng ký đi lính mộ sang Pháp lúc đó ông đã 31 tuổi và đã có 3 người con gái: Hai Thông, Ba Thái, Bốn Lai.
Đầu thập niên 20 tình hình Châu Âu không ổn, quan hệ giữa Pháp và Đức căng thẳng, tranh chấp thường xuyên ở vùng Alsace- Loraine, do đó người Pháp cần tuyển mộ lính ở các nước thuộc địa để tăng cường binh lực cho nước Pháp. Trong thời gian ở Pháp có lẽ ông ngoại tôi đã đi rất nhiều nơi, trong thư gửi về cho bà ngoại tôi ông kể:
Trải qua chín cõi Châu Âu,
Anh hùng thôi đã phỉ câu tang bồng.
Ông theo học trường quân y 2 năm và tốt nghiệp loại giỏi. Trường này đào tạo y tá(Infirmiere) cho đội viễn chinh, đã từng là trưởng một Bệnh Xá trong quân đội Pháp.
Sau 4 năm ở Pháp, ông ngoại tôi hồi hương năm 1927 với hàm Bát Phẩm Nam Triều và bằng Y Tá quân đội Pháp.Không thích phục vụ trong quân đội ông xin chuyển qua ngạch dân sự và được bổ nhiệm phụ trách Bệnh Viện Đường Sắt ở Tháp Chàm, Phan rang, Ninh Thuận.
Năm sau ông đưa vợ và 3 con gái vào cùng ở với mình. Người con gái lớn là Ngô thị Thông(Phán) rất đảm đang phụ giúp việc nhà với mẹ, học thêu thùa may vá và chăm sóc các em, hai người con sau được cho đi học chữ Quốc ngữ đến cuối bậc sơ học. Thời bấy giờ đầu những năm 30 ở một tỉnh lỵ xa xôi như Phan rang rất ít gia đình cho con gái đi học chữ quốc ngữ vì cho rằng con gái biết chữ chỉ để đọc tiểu thuyết yêu đương diễm tình lãng mạn chứ chẳng có ích gì. Ông ngoại tôi là người có đầu óc phóng khoáng không theo nếp suy nghĩ đó. Nhờ quyết định sáng suốt đó mà mẹ tôi và các dì tôi đều biết chữ.
Năm 1931, ông ngoại tôi đã 38 tuổi, vẫn hằng mong ước có con trai để nối dõi tông đường thì thật là cầu được ước thấy, bà ngoại tôi sinh hạ cho ông môt người con trai bụ bẩm, kháu khỉnh tại bệnh viện Tour Chàm. Thật là niềm hạnh phúc không gì sánh được cho gia đình ông bà ngoại tôi. Ông tôi quí như vàng, chính vì vậy mà ông gọi cậu Năm là thằng Năm Vàng mặc dù cậu có tên trong khai sinh làNgô đình Lý, về sau ông ngoại tôi đọc tiểu thuyết rất yêu thích nhân vật Kỳ Tâm trong truyện là người trọng nghĩa khinh tài anh hùng khí khái nên ông còn đặt cho cậu tên Ngô Kỳ Tâm. Cậu Năm lớn lên tư chất thông minh, học giỏi, mới 9 tuổi đã đỗ bằng Sơ Học Yếu Lược.
Có một sự cố không may xảy ra trong thời gian ông ngoại tôi phụ trách bệnh viện Tour Chàm. Ông vốn tính quảng giao,thích giao thiệp rộng nên trong nhà thường có khách các nơi tới chơi. Trong số ấy có một người miền Bắc vào hoạt động cách mạng bí mật ở Phan rang đóng vai một công nhân. Một hôm người này đang ngồi chơi trong nhà ông ngoại tôi thì bọn mật thám Pháp đến vây bắt, để thoát thân người nầy rút dao ra đâm chết một lính kín rồi bỏ trốn. Ông ngoại tôi bị liên can vì án mạng phát sinh trong nhà mình. Nhà chức trách Pháp quy tội ông chứa chấp người “dị diện” (lạ mặt) trong nhà dẫn đến án mạng do đó bị huyền chức.
Ông về quê hương bản quán làm y tá tư chữa bệnh cho nhân dân, ông là một trong số hiếm hoi thời ấy hiểu biết về Tây Y nên rất nổi tiếng và đã cứu chữa được nhiều người vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo.
Năm 1934 ông bà ngoại tôi lại sinh thêm một người con gái nữa đó là dì Ngô Thị Thanh Hương tức dì Sáu, cũng trong giai đoạn này ông tôi cất lên một ngôi nhà ngói 5 gian rộng rãi bề thế theo kiến trúc vừa cổ vừa tân, mua thêm ruộng và cho người ta làm rẻ, còn ông thì vẫn hành nghề y.
Nhưng số phận thật là trớ trêu, đến lúc con của ông lâm bạo bệnh thì ông cũng đành bó tay, có lẽ định mệnh đã an bài. Năm 1940 (Canh Thìn) thì cậu Năm qua đời, cái chết của cậu thật là một vết thương đau đớn không bao giờ nguôi khuây trong lòng ông ngoại tôi, ông làm mộ phần cho cậu khắc lên bia đá 2 câu đối bằng chữ quốc ngữ:

CHA MẸ NGHĨ THƯƠNG CON SỚM LÁNH CÕI TRẦN THEO TIÊN CẢNH.

CHỊ EM ĐÀNH NHỚ CẬU DỰNG NÊN BIA ĐÁ MỚÍ NGUÔI TÌNH

Và 2 chữ tiếng Pháp đó là: Cincère – Fidifité, ngay trên nhà bia là chữ Maison en tuille (Mộ vôi); hiện nay tấm bia vẫn còn di bút của ông ngoại tôi, đủ thấy rằng ông xót xa như thế nào khi mất người con trai yêu quí.

Năm 1941 bà ngoại tôi có cưới cho ông một người thiếp là bà Nguyễn Thị Tám ở Bình Sa và sinh được một con trai đặt tên Ngô Tấn Hầu nhưng chỉ được mới 7 tháng tuổi cũng qua đời. Một lần nữa ông ngoại tôi đau buồn vì mất người con nối dõi.
Sau năm 1955 các con gái đều đã có gia đình, rồi bà ngoại cũng bị bệnh qua đời, ông chán nản và bất đắc chí không muốn làm gì nữa cả.
Ông đành bán đi căn nhà ngói 5 gian và cho hết vật dụng đồ đạc các con. Sau đó ông về sống với người con gái út là dì Sáu, sau đó là dì Phán.
Về cuối đời ông sống như một ẩn sĩ, đọc sách, làm thơ, làm thầy thuốc chữa bệnh cho người nghèo và dạy các cháu học.
Năm 1966 ông qua đời do một tai nạn chiến tranh. Hưởng thọ 74 tuổi.

Ông ngoại tôi thân hình cao lớn, da trắng mũi cao và thẳng, mắt sâu dáng điệu rất oai nghiêm. Theo lời kể của dì tôi, ông rất khỏe mạnh,chưa bao giờ ông đau ốm nặng đến mức phải nằm cho con cái chăm sóc. Dù là thầy thuốc nhưng ông hầu như chưa bao giờ dùng thuốc cho bản thân mình. Có một lần ông nghĩ cần phải đào một cái giếng nước trong vườn nhà, thay vì phải mướn người đào giúp ông ngoại tôi đã tự mình làm công việc, Với một xẻng một cuốc trong tay ông đã đào xong cái giếng trong vòng 2 ngày trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, dù đã 56 tuổi ông vẫn xung phong đi dân công gánh gạo tiếp tế chiến trường, và số gạo ông gánh không hề ít hơn những anh em trai tráng khác.
Tính tình ông hào sảng, khẳng khái, hơi nóng nảy nhưng rất thương người, không khuất phục cường quyền, rất ghét sự luồn lách, quỵ lỵ. Đặc biệt ông có tính nghệ sĩ, nhiêu đam mê, thích suy nghĩ độc lập và coi thường thói tục. Người đương thời có khi cho ông là ngang bướng nhưng đều tôn trọng ông.
Từng giai đoạn trong đời ông có những đam mê khác nhau.Khi thì ông mê làm thơ, lúc lại tìm hiểu toán học, có khi say sưa nghiên cứu tôn giáo. Ông còn tìm phương pháp dạy tiếng Pháp cho con cháu. Khi giải trí ông thích chơi cờ tướng và đánh bài, những nước cờ cao và những nước bài tài hoa nhưng thua nhiều hơn thắng vì ông không vụ vào kết quả cuối cùng mà chỉ phô diễn những tính toán của mình là chính.
Khi say mê cái gì ông ngoại tôi cũng sống hết mình với nó và luôn chia sẻ nó với mọi người. Còn nhớ thời gian ông nghiện toán, suốt ngày thậm chí suốt đêm ông cứ lay hoay với các bài toán khó, toán mẹo, có người quen nào đến chơi ông đều đem những bài toán nầy ra giảng giải với họ,dù rằng những người này chẳng hiểu gì về toán học. Trong giai đoạn ông thích nghiên cứu tôn giáo, ông đã dành rất nhiều thời giờ tìm hiểu kinh thánh, sẵn sàng thuyết giảng về cựu ước tân ước cho mọi người, thâm chí ông còn thưởng tiền cho các cháu nếu các cháu nào thuộc lòng các kinh nhật tụng hoặc một đoạn ngắn trong kinh thánh. Ông nói tiếng Pháp rất nhanh và lưu loát, lúc bọn cháu chúng tôi vào tiểu học ông đã dạy chúng tôi học tiếng Pháp, và khảo bài các cháu hằng ngày, ông còn soạn sẵn một giáo trình tiếng Pháp bằng thơ lục bát dễ học mau nhớ, chẳng hạn như:

Ăn thì ta gọi Manger
Dormir đi ngủ, courcher đi nằm.
Aller visite đi thăm,
Fermer đóng lại, cinq năm, dix mười.....v...v



Ông dạy tiếng Pháp theo truyền thống dạy chữ Hán của các cụ Đồ ngày xưa trong Tam thiên tự, Ngũ thiên tự.
Ông ngoại tôi thích làm thơ, ông sở trường về thơ song thất lục bát và thơ đường luật. Số lượng sáng tác khá nhiều nhưng do chiến tranh cũng như thiên tai bão lũ nên hầu hết bị thất lạc, số còn lưu giữ lại rất ít, chủ yếu là các cháu của ông đã thuộc nằm lòng từ khi còn nhỏ. Ông làm thơ rất tự nhiên, lời giản dị đôn hậu mà tình thì đậm đà lai láng.
Gần 10 năm sau khi ông ngoại tôi qua đời thì đất nước mới thống nhất. Dù không chứng kiến ngày Bắc Nam sum họp một nhà nhưng chắc chắn trong cõi vĩnh hằng ông ngoại tôi cũng rất vui vì non sông nay đã quang phục, đất nước đã hồi sinh sau bao nhiêu cảnh « chiến tranh gây nỗi bất bình », các con cháu của ông ngoại đều thành đạt và được sống trong thanh bình thịnh vượng.


Cháu ngoại Trần Đình Song
Ngày kỵ Ông Ngoại năm 2004 (20/09/ ÂL)
Ngày kỵ Bà Ngoại năm 2005 (02/04/ ÂL)
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
DSC00428.JPG

Từ Đường Tộc Ngô Tấn tại làng Trường An ( thôn Tú An, xã Bình Tú)


Lễ khánh thành Từ đường tộc Ngô Tấn Phái 2, Chi 2
26122011992.jpg

Nhà Thờ Tộc Lê tại Tú Cẩm Bình Tú (1938)


Mộ Phần bà Ngoại Lê Thị Hiếu

DSC03240.JPG



Mộ phần ông Ngoại Ngô Công Chính

DSC03236.JPG



Linh Vị đặt tại Từ Đường tộc Ngô Tấn Phái 2


------------------------------------------------------------------------------------------------------------

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Các sáng tác của ông NGÔ CÔNG CHÍNH

THƠ:

Vào ngày mồng 2 tháng 4 năm Ất Tỵ (1965), tại ngôi nhà của dì Hương, tất cả mọi người đều dọn ra ĐN để lánh nạn, chỉ còn lại hai ông cháu (ông ngoại và cháu Phong) ở lại để trông nhà. Ông ngoại Ngô Công Chính đã sắm một mâm cơm đạm bạc (do cháu Phong nấu, lúc đó mới 13 tuổi) để kỷ niệm ngày giỗ của vợ mình, sau khi cúng xong ông đã sáng tác ngay bài thơ này.



HOÀI TƯỞNG VỢ HIỀN
Hỡi vong linh của người thiên cổ,
Nhớ đến ngày kỵ giỗ hôm nay,
Lòng thành cúng một ngọ chay,
Trầm hương mặc niệm hồn rày chứng minh.
Bởi chiến tranh gây nỗi bất bình,
Kể bầy con gái chúng mình còn ba.
Hiện giờ lánh giặc nơi xa,
Đứa vô Nam Bộ, đứa ra Đà Thành,
Đứa Bình Quế đoạn đành không tưởng,
Chỉ mình tôi vất vưởng nơi đây.
Lòng thành cúng một ngọ chay,
Trầm hương mặc niệm hồn rày chứng tri.
Khuyên miễn chấp làm gì mụ Phán,
Đến nhà thương CHỢ QUÁN nuôi con,
Dẫn đi năm sáu tháng tròn,
Dù sao nó cũng là con gái đầu.
Chồng thời mất sớm lo âu,
Hao mòn của cải buồn rầu vì con,
Chân trời mặt biển chon von,
Kể ra vốn liếng chẳng còn bao cơ.
Vừa nhận được lá thơ hôm trước ,
Thân lạc loài giữa bước tha phương.
Hiện tình chỉ có con Hương,
Theo chồng lánh nạn tìm đường sanh nhai.
Lo sao cho xiết hỡi ai,
Lánh ra Đà Nẵng được vài tháng xuân.
Thư từ thăm viếng chừng chừng,
Nửa thương cho cháu nửa mừng cho con,
Vợ chồng hạnh phúc vuông tròn.
Những lời vàng ngọc lòng son tỏ bày,
Vong linh người hỡi có hay,
Chứng minh phù hộ cháu rày ăn chơi.
Tôi xin kính chúc đôi lời,
Gửi về tiên cảnh cho người ân nhân.
Hằng năm trở lại cõi trần,
Viếng thăm con cháu một lần cho ngoan.

Cư sĩ NGÔ CÔNG CHÍNH

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mùa xuân năm Canh Tý (1960), trong một đặc san của tạp chí Phổ Thông. Nhà văn Nguyễn Vỹ đã có một bài Thơ "xướng" nhan đề là:
XUÂN DẠ SẦU NGÂM và thông báo cho quý độc giả tham gia "hoạ" lại, nếu đạt thì sẽ có giải thưởng. Ông tôi đã tham gia và được giải thưởng.

XUÂN DẠ SẦU NGÂM

Mừng xuân nô nức bướm hương hoa,
Xuân có nhìn trông sự thế a.
Cháu LẠC con HỒNG chia xẻ phứt,
Kẻ Nam người Bắc tách lìa ra.
Non sông gấm vóc đôi dòng lệ,
Đất nước người dân một sắc da.
(Mất 1 câu...........................)
Mừng xuân nô nức bướm hương hoa.

Cư sĩ NGÔ CÔNG CHÍNH

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trong thời gian đi lính mộ sang Pháp. Ông tôi đã viết một số thư gửi về dưới hình thức thơ, hiện nay đã thất lạc, chỉ còn lại 1 bài.

THƯ GỬI VỢ HIỀN
Chốn Tây thành nhơn khi rời rảnh,
Chạnh lòng vàng cảm cảnh Nam bang,
Tả nôm na quốc ngữ đôi hàng,
Cậy cùng sứ điệp đưa sang gia đình.
Chúc cho hiền phụ khương ninh,
Cùng ba con trẻ nhà mình ăn chơi,
Em đừng sầu não lệ rơi,
Nhớ thương khôn xiết việc đời ngẩn ngơ.
Mong em tỏ nỗi căn cơ,
Làm ăn chí thú, kỉnh thờ mẹ cha.
Chị em thượng lục hạ hoà ,
Nhờ ơn tiên tổ thất gia nhà mình.
Anh nay theo việc quân binh,
Ơn vua lộc nước hiển vinh muôn phần.
Làm người thân phải lập thân,
Theo đường cung kiếm thanh vân rạng màu.
Trải qua chín cõi Châu Âu,
Anh hùng thôi đã phỉ câu tang bồng.
Xin em chớ luỵ hồng lai láng,
Nhớ nghĩa chồng ngày tháng ủ ê.
Bốn năm mãn khoá anh về,
Khải hoàn nam định trọn bề hiếu trung.
Anh nay tạc dạ binh nhung,
Lạy cùng trời đất hộ cùng giang sơn.
Anh về anh sẽ đền ơn,
..(.mất một dòng).................
Đạo vợ chồng vàng đá trăm năm.
Có thương cũng để trong lòng,
Xin trời làm chứng ở trong cõi trần.
Mấy lời dặn phải kỉnh vâng,
Tin hồng đưa tới quỉ thần giám lâm.
Ngô Công Chính
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trách bà con không dự TÂN GIA

Việc đời xem thấy dửng dừng dưng,
Cô bác bà con tệ quá chừng.
Cháu Lạc đi đâu đành bội nghĩa,
Con hồng về đó nỡ quên ân.
Mấy lâu mưa nắng trời y ỷ,
Gặp hội bán đồ đất cứng cưng.
Nguyện với giang sơn lòng gắn chặt,
Mặc ai lai vãng mặc ai đừng.

Ngô Công Chính

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CÂU ĐỐI:

1/ Câu đối mừng cháu gái Lê Thị Bích Bửu và Đoàn Ngọc Tri
(con gái ông ngoại Hiền) nhân ngày đám cưới:


Bửu là báu, báu chi chưa biết.
Tri là biết,biết có được không.


2/ Câu đối khóc con trai, tạc vào bia mộ:

Cha mẹ nghĩ thương con, sớm lánh cõi trần theo tiên cảnh.
Chị em đành nhớ cậu, dựng nên bia đá mới nguôi tình.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
GIAI THOẠI:

Một hôm ông ngoại tôi đến lò rèn của ông em vợ là ông Phó Hiền chơi. Nhân lúc ông ngoại tôi gắp cục than trong lò để mồi điếu thuốc, ông Phó Hiền liền ra câu đối để thử tài ông anh rể:

Anh Bát Thông bốc than.


Đây là lối chơi chữ, vừa ra câu đối vừa nói lái. Ngay lúc đó có một người khách hàng tới than phiền với ông Phó về những món hàng rèn không như ý muốn. Ông ngoại tôi liền mĩm cười và đối lại tức khắc:

Cậu Phó Hiền phiền họ.



Ông ngoại cậu Lê Hiền và dượng Nguyễn Thuật (chồng dì Hương)1966

Còn rất nhiều bài thơ, câu đối khác nữa, nhưng đã bị thất lạc do bão lũ năm 1964 và cháy nhà năm vì chiến tranh năm 1967. Thật đáng tiếc!!!


ĐINH VĂN PHONG
 
Top