Đốc Nhưỡng

31b.jpg
Chùa làng Đô Kỳ
Theo “Đinh Tộc Thế Phả” và bộ sách “284 Anh hùng Hào kiệt của Việt Nam” của Nhà văn, nhà báo Vũ Thanh Sơn, viết về chân dung các nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX trong thời kỳ đầu chống Thực dân Pháp xâm lược. Ở vùng đất Nông Kỳ xưa có hai người con yêu nước tiêu biểu là Lãnh binh Nguyễn Thành Thà và Đốc Nhưỡng đứng lên khởi nghĩa lãnh đạo nhân dân đánh Pháp.

Đốc Nhưỡng tên thật là Đinh Khắc Nhưỡng, ông còn có tên là Đinh Quang Nghĩa, với chức vụ Đốc binh Kiêm lý Đốc biện Quân vụ, nên thường gọi là Đốc Nhưỡng. Ông là con thứ ba của ông Đinh Quang Khánh, là hậu duệ của Khai quốc Công thần thời Hậu Lê, Thái sư Lân Quốc công Đinh Liệt. Ông người thôn Phú Lãng Đông, xã Đô Kỳ, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, nay là xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ngày 27 tháng 3 năm 1883 thành Nam Định thất thủ các tướng phân tán về quê quán chiêu mộ nghĩa quân, xây dựng căn cứ đánh Pháp. Đốc Nhưỡng tuy còn trẻ tuổi, nhưng ông có kiến thức quân sự, lại có lòng nhiệt tình yêu nước, căm thù giặc Pháp, cũng noi gương các bậc đàn anh về quê hương ở xã Đô Kỳ chiêu tập những người yêu nước, sắp xếp vào đội ngũ, sắm sửa vũ khí, thuyền bè, tích trữ quân lương, đào hào đắp luỹ, biến xã Đô Kỳ thành căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa.

Tháng 6 năm Ất Dậu (7/1885), sau vụ khởi nghĩa ở Kinh thành Huế không thành, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn hộ giá Vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần vương. Lập tức các thủ lĩnh nghĩa quân ở Thái Bình (khi đó Thái Bình còn nằm trong tỉnh Nam Định và Hưng Yên, mãi đến năm 1890 tỉnh Thái Bình mới được thành lập) đã nổi dậy chống Pháp từ tháng 3 năm 1883. Khi thành Nam Định thất thủ như Vũ Văn Hoan (tức Đề Hoan), Đinh Khắc Nhưỡng (Đề Nhưỡng) người xã Đô Kỳ, Lãnh Nhàn (Nguyễn Nhàn) người xã An Dực (Phụ Dực)... được thêm sức mạnh với lời kêu gọi trong Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi đã lập tức chiêu mộ thêm quân sĩ, mở nhiều trận đánh vào các đồn binh Pháp, các phủ đường, huyện đường có quan lại người Nam theo Pháp.

Nhằm tranh thủ đông đảo lực lượng nhân dân yêu nước, theo lệnh của Đô thống Quân vụ Đại thần quân Định An - Đề đốc Tạ Quang Hiện, ông Đinh Khắc Nhưỡng với hàm Đốc binh Kiêm lý Đốc biện Quân vụ đã truyền đi bản Hịch đánh Pháp xâm lược, trong đó có đoạn viết:

Nay bản chức (chỉ Tạ Quang Hiện) vâng mệnh (Cần Vương) đem quân gấp đến các địa phương, hợp cùng thân hào, kêu gọi nhân dân cùng nghĩa lớn, lạc quyên để chi dùng vào việc quân. “Nước mà còn thì nhà còn, Nước mà không giữ được thì nhà chẳng còn, vợ con tài sản sẽ về tay giặc”. Nhà nước mất hay còn là ở lúc này đây" (Đề đốc Quân vụ Nam Định ngày 24/10/1855 - Tư liệu cục lưu trữ TƯ).

Bản Hịch lan truyền đi khắp nơi, nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Ngay cả giới Phật tử cũng tham gia ủng hộ kháng chiến, sư Năm Thượng ở chùa Lộ (xã Thăng Long, Đông Hưng) đã ngầm mang toàn bộ số thóc dự trữ của chùa ra ủng hộ Nghĩa quân.

Đầu năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), Đốc Nhưỡng cùng Bang Tốn khởi nghĩa. Nghĩa quân của hai ông thoắt ẩn, thoắt hiện gây cho quân Pháp và quân triều đình nhiều phen thất bại.

Đốc Nhưỡng cùng các nghĩa quân anh dũng chiến đấu chống quân Pháp và tay sai, đánh thắng nhiều trận lẫy lừng ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, làm bọn chúng khiếp sợ.

Năm 1885 – 1886, dưới sự chỉ huy của Tạ Quang Hiện, lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Thái Bình đã công kích nhiều trận vào các phủ, huyện. Ở phía Bắc Thái Bình chiến sự xẩy ra ác liệt, điển hình là trận đánh lớn, táo bạo của nghĩa quân nhằm vào hai huyện lỵ Diên Hà và Tiên Hưng. Từ căn cứ Tam Nông, Bang Tốn và Đề Dần có sự yểm trợ của Lãnh Hậu, Lãnh Vân Đài, Thành Thà đã bất ngờ tấn công vào huyện lỵ Diên Hà; sau ít giờ chiến đấu nghĩa quân làm chủ trận địa, chính quyền tay sai Pháp phải tháo chạy.

Trong lúc nghĩa quân Bang Tốn bức vây Diên Hà, thì Đốc Nhưỡng có sự hỗ trợ của Lãnh Hoa, Lãnh Nhang, Lãnh Bè bất ngờ vây đánh phủ lỵ Tiên Hưng. Viên Tri phủ cùng bọn nha lại, lính cơ vừa ra sức chống cự, vừa cấp báo xin cứu viện về Diên Hà. Nhưng được tin Diên Hà bị thất thủ, nghĩa quân đang trên đường tiếp sức cho cánh quân Đốc Nhưỡng, bọn chúng liều chết phá vây, thoát theo cổng hậu, vượt sông Tiên Hưng về đóng đồn ở Bến Đồn - chợ Quếch (xã Lô Giang, Đông Hưng).

Ở Đô Kỳ có tên Cai tổng là Đấm liên hệ với giặc Pháp muốn xây dựng tỉnh lỵ Thái Bình ở đất Đô Kỳ, Pháp đã quyết cho Cai tổng Đấm làm Tri huyện. Ông Đốc Nhưỡng đã tổ chức giết tên Cai tổng Đấm trong đêm hắn khao vọng với bọn hào lý địa phương.

Đốc Nhưỡng cùng Lãnh Hoan đã bắt Vũ Văn Báo (người Nam Xang, Nam Hà), vốn là học trò của ông Vũ Hữu Lợi, tên Báo đã báo cho giặc Pháp lừa bắt thầy xử chém vào chiều 30 Tết năm Giáp Thân (1885) và đàn áp phong trào Văn Thân yêu nước. Y được giặc Pháp phong làm Tổng đốc, khi vừa đi Pháp về bị hai ông bắt và đưa tên Báo về căn cứ thiêu sống làm cây đuốc tế thầy.

Ngày 17 tháng 6 năm Thành Thái thứ 3 (1891), Đốc Nhưỡng tập hợp hơn 100 nghĩa quân mặc quần áo lính Tây, có vũ khí đầy đủ trên đường về tiến công thị xã Thái Bình, thì bị quân Pháp chặn đường đánh. Cuộc xung đột diễn ra quyết liệt, Tiền quân Khái bị thương tiến về Thư Trì thì bị tên Tri huyện Nguyễn Duy Tiên bắt nộp cho Công sứ Thái Bình.

Từ sau ngày căn cứ khởi nghĩa của ông Lãnh binh Nguyễn Thành Thà ở làng Phươn, làng Bổng (trước thuộc tổng Y Đốn, sau là xã Bình Lăng, nay là xã Hòa Bình, Hưng Hà, Thái Bình) và căn cứ của ông Đốc Nhưỡng (Đinh Khắc Nhưỡng) ở Đô Kỳ bị tan vỡ do có kẻ làm phản. Ông Đốc Nhưỡng chạy sang Hưng Yên phối hợp với ông Đốc Tít, ông Thương Lương (con ông Thành Thà) ở căn cứ Bãi Sậy, tổ chức lực lượng rải suốt từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên lên đến tận Sơn Tây. Ông bị giặc Pháp phát hiện bắt ở Sơn Tây năm 1892 và bị giải về Hà Nội.

Sau khi ông Đốc Nhưỡng bị bắt, một số con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn trước đây đã đi theo ông xây dựng lực lượng chống Pháp đã phải phân tán đi nhiều nơi, có người lánh ra đất Hải Dương … Ông Đinh Danh Giảng là Cụ nội tôi cũng đã tham gia cuộc khởi nghĩa này. Tôi làm công tác Hậu cần Kỹ thuật Quân đội, hồi tôi còn trẻ, sinh thời Ông nội, có lần về thăm quê, Ông nói chuyện các cụ ngày xưa đánh Pháp. Tôi hỏi Ông: Ngày nay chúng cháu đảm bảo hậu cần cho 1000 quân, còn phải bao xe vận chuyển, ngày trước các Cụ đảm bảo thế nào?. Ông nói: “Ngụ nông, ư binh”, phải lấy hậu cần tại chỗ, những nhà phú hào yêu nước. Khi hành quân, cơm nắm gói mo cau, xâu cùng miếng thịt kho, treo trên đòn càn, mỗi người một gói.

Trước khi ông Đốc Nhưỡng nổi lên đánh Pháp, hàng năm đại diện dòng họ Đinh ở Thanh Hóa, họ Đinh ở Sáo Đền (xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình) vẫn qua lại thăm hỏi Chi phái họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn. Nhưng từ sau sự kiện ông Đốc Nhưỡng đánh Pháp thì cái lệ đó cũng bị lãng quên đi, cho đến những năm gần đây mới nối lại được.
14315793_511178355746724_565236988_o%281%29.jpg
image003.jpg
Phố Đốc Nhưỡng, TP Thái Bình

Ông Đốc Nhưỡng là người con ưu tú của dòng họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn và cũng là một trong những một nhân vật tiêu biểu của phong trào Cần Vương đánh Pháp thời bấy giờ. Ngày nay, tại thành phố Thái Bình quê hương tôi có đường phố Đốc Nhưỡng để vinh danh ông. Ngày nay, phố Đốc Nhường là một trong những đường phố sầm uất nhất tại trung tâm thành phố Thái Bình.

Đinh Danh Vùng
 
Top