QUÊ NHÀ - XÃ CHI LĂNG, HƯNG HÀ

QUÊ NHÀ
(xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình)
17553941_271192049992049_8065613402407325900_n.jpg
Lễ hội chùa Phúc Lâm, xã Chi Lăng (Ảnh của Việt Chiều Xuân)
Xã Chi Lăng còn gọi là làng Đún Ngoại, làng bao gồm cả thôn Đồng Gòi, nay là làng Gòi, xã Minh Tân và xóm Đồng nay là thôn Minh Đức, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng ngày nay.

Năm 1969 xã Chi Lăng cùng 5 xã của huyện Tiên Hưng cũ chuyển sang huyện Hưng Hà, là huyện gồm hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà hợp nhất lại. Năm 1977, xã Chi Lăng hợp nhất với xã Hòa Bình, thành xã Bình Lăng, mới nghe như địa danh của một xã miền núi. Đến năm 2005, xã chia tách lại thành hai xã như cũ, là xã Chi Lăng và xã Hòa Bình. Diện tích tự nhiên của xã là 344, 25 ha, dân số 6.834 nhân khẩu.

Làng Đún Ngoại còn gọi là Ngoại thôn thuộc xã Ỷ Đốn, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ. Tổng Ỷ Đốn xưa rất rộng trong vùng đất Nông Kỳ, bao gồm các xã: Chi Lăng, Tây Đô, Hòa Bình và Đông Đô ngày nay. Đến năm 1927 thời Pháp thuộc, thành lập tổng Đô Kỳ, bỏ cấp huyện, chỉ còn lại phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Ỷ Đốn có nghĩa: Ỷ - là tựa, là dựa lưng vào cái vòng thúng của con sông Tiên Hưng bao bọc quanh tổng. Đốn - là chỉnh đốn, là sửa sang cho ngay ngắn đẹp đẽ hơn. Làng Đún Ngoại là làng nằm ở phía ngoài Tổng, như người con gái tựa lưng vào dòng sông Tiên Hưng sửa sang sắc đẹp, đấy là nghĩa Hán tự, nhưng dân gian cứ quen gọi là Y Đún, chẳng có nghĩa gì, nôm na là vậy.

Xét về thuật phong thủy, thì phải dựa lưng vào chỗ cao, như đồi núi chập trùng thì mới vững chãi, nhìn ra chỗ thấp, khoảng trống bao la thì mới phát triển. Như vậy, cái tên gọi và thế đất ấy, dựa lưng vào vòng thúng trũng của dòng sông Tiên Hưng, thì không được đắc địa cho lắm. Ngày xưa, người dân làng Đún cần cù chịu khó, trồng cấy giỏi, buôn bán nhiều nghề, nhưng ít ai chú tâm đến việc học hành, làng ít người đi xa. Người ở làng có người khấn khá, nhưng không phát triển lớn, người ra ngoài ít người được thành đạt.

Ngày nay, việc học hành đã khác, bố mẹ đầu tư cho con việc học, con cháu thi đua nhau học hành, kết quả các kỳ thi vào đại học thường xếp vào loại khá của huyện, trở thành một miền quê hiếu học, lớp trẻ đang hứa hẹn nhiều thành đạt.

Ngày trước, dòng sông Tiên Hưng rất đẹp và thơ mộng. Thuyền bè qua lại lại trên sông, dương những cánh buồm nâu thấp thoáng qua những dạng cây xanh. Bờ đê đắp cao để chống lũ, hai bên đê là những hàng cây nhãn, cây vải cổ thụ sai trĩu quả. Đi trên con đê Đò Đún nhìn sang bên kia sông, nắng chiều dát lên chùa Chung một màu vàng rực, nhô cao trên những dặng cây xanh, in lên nền trời xanh và dòng sông xanh, đẹp như bức tranh thuỷ mạc. Mùa mưa, nước sông Luộc dồn về, có năm cao đến mặt đê, trống thúc ngũ liên, cả làng ra hộ đê chống lũ, có đận vỡ đê ở Cầu Gẫy… nước ngập trắng đồng. Từ ngày Pháp làm cống Nham Lang ở đầu sông Tiên Hưng, điều tiết nước từ sông Luộc chảy vào. Cống Trà Ninh ở cuối dòng sông đổ ra biển, để tháo và giữ nước, làng không lo lũ lụt nữa. Ngày nay, người ta lấn sông làm nhà, nòng sông hẹp dần, bèo tây tràn khắp mặt sông; đê cũng bị san thấp, những hàng cây nhãn, cây vải cổ thụ cũng thưa dần…
D%C3%B2ng+s%C3%B4ng+Ti%C3%AAn+H%C6%B0ng+Th%C3%A1i+B%C3%ACnh.jpg
Đò ngang qua sông Tiên Hưng
Những cánh đồng trũng như đồng Triều, đồng Phươn… hễ mưa lớn là úng, đồng ngập nước mênh mang, sóng vỗ vào bờ tung bọt trắng, những loài thủy tộc như cá, tép, ốc, ếch… sống trong ao hồ, sông ngòi bủa ra thi nhau vùng vẫy, thi nhau sinh nở, con đàn cháu đống. Những người dân nghèo vì thế mà có kế sinh nhai, người ta cất vó bè, vó tép, đơm đó, đánh lưới, đánh đăng, rồi súc tép, đi te, dun hộc tốc… Khi trời nắng nóng nước ruộng cạn dần, cua ngoi lên bờ, leo lên những cọng rạ; cá nhao lên mặt nước, tìm vào chỗ nước mát, người ta chỉ việc bắt cua cho vào giỏ, cắm mấy cành cây ở góc ruộng cho cá tụ vào đấy tránh nắng mà xúc, trẻ con bắt những con cà cuống về lướng có vị cay ngậy thơm lức. Nhà nào cũng có hũ cua muối, cá mắm, có nhà còn phơi được cả cá khô. Ngày mùa, trẻ con đi đào chạch, móc cua, đập cào cào (châu chấu); những con cào cào đầy bụng trứng kho mặn với lá chanh, ăn béo ngậy, ngon chẳng kém gì tôm đồng. Rồi hợp tác xã làm thủy lợi nội đồng, tưới tiêu thuận tiện, các loài thủy tộc không còn chỗ để sinh nở cũng ít dần; dân phun thuốc trừ sâu, bón phân hoá học, cá cua cũng dần tuyệt chủng; những món ăn thường ngày như riêu chạch nấu củ chuối, riêu cua nấu hẹ, ốc nấu quả chuối, ếch sào sả ớt... của ngày xưa nay thành đặc sản.

Mỗi lần ra khỏi làng lại phải qua con đò Đún, đò Phươn; hoặc đi vòng thúng qua Cống Hò, qua An Bình. Đò chật người đông, đường trơn lầy lội, phải chen chúc nhau, có nhiều đận sảy ra đẵm đò chết người, như họ Đinh ta đã vấp mấy lần. Đận bà cụ Khoan và ông Nhã đi Hải Dương về bị đẵm đò Phươn; rồi đận bà Nhã và bà Tỉu đi chợ sớm qua đò Phươn, bà Nhã định rủ con dâu đi chợ cùng, đận đẵm đò ấy bà Nhã bơi được vào bờ, bà Tỉu không về, bà mất mới 46 tuổi, thật buồn và cơ khổ. Năm 2006 một người xa quê ở Hà Nội về dựng cầu. Năm 2007 tỉnh, huyện đầu tư trải nhựa mặt đê; con đò Đún xưa, nay đi vào hoài niệm.

Làng Đún Ngoại là làng cổ lâu đời. Ngày xưa tiền đình, hậu chùa, giữa chợ, kiến trúc thành một chuỗi theo chuẩn mực làng xã thời phong kiến, khang trang và to lớn vào loại nhất vùng. Đình ở giữa làng, thờ Vua Lê Đại Hành là Thành hoàng làng. Tổ tiên họ Đinh là các cụ Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Phúc Diên được thờ phối hưởng là Trung Đẳng Phúc Thần của làng. Đình làng to đẹp bề thế, xây gạch Bát Tràng, cột lim to hơn người ôm, xà kèo trạm trổ tinh vi, bóng đa phủ rợp góc sân đình, quanh đình là những hồ ao rộng… Hội làng vào tháng mười một âm lịch, đám rước linh đình, từ đền ra đình. Các giáp trong làng kiệu “ông lợn” ra sân đình, thi xem giáp nào có “ông lợn” to nhất. Làng rước tượng Vua Lê từ đền và bài vị của các ông tổ họ Đinh ra đình làng tế lễ; sau lễ hội của làng, họ Đinh tế lễ Tổ tiên tại Từ đường tiếp trong ba ngày, (từ ngày 20/11 âm lịch) cũng thịt lợn, gói bánh chưng, giã bánh dầy ...

Tiếc thay, đình không còn nữa, thời chống Pháp phong trào tiêu thổ kháng chiến để không cho giặc đến đóng quân, đình bị dỡ đi chỉ còn trơ lại hậu cung ... Hòa bình lập lại, sân đình là nơi tụ họp, mít tinh, chiếu bóng … Hồi tôi còn nhỏ, mỗi tháng chỉ chiếu bóng (phim) một tối, chiều về loa phát đi những bài hát dân ca, cả làng náo nức, bọn trẻ không có tiền mua vé vào xem phải trốn chui, trốn lủi qua dậu tre, lội qua ao bèo, bị đuổi chạy như vịt … Sau này, hậu cung đình cũng bị dỡ, lấy gạch xây trường học, gỗ lim đóng bàn học, những viên gạch Bát Tràng còn lại lác đác ở trong dân, rồi sân ao đình cũng bị chia cho dân ở. Ngày nay không còn lại dấu tích gì.

Chợ Đún xưa là chợ hàng tổng, những dẫy quán chợ dựng bằng cột đá, mái lợp ngói mũi hài, phía đông chợ có cây đa to, chợ họp đông đúc nhất vùng. Ngày hội, ngày tết từ đình đến chợ, đến chùa là nơi dân làng tụ tập. Ban ngày diễn ra các trò chơi dân gian như cờ người, đánh đu, đập liêu, đi cầu kiều, đuổi bắt vịt, … Nhưng chỉ có trò deo pháo đất là độc đáo nhất. Các trai tráng trong làng lấy đất sét nhào luyện kỹ, rồi nặn thành những cái pháo hình ô van … to bằng cái bàn, cái lia, rồi nâng cao lên khỏi đầu người, deo xuống sân đình, pháo nổ đánh rầm, đất sét tung ra. Pháo của hội nào nổ to nhất, đường gờ dài nhất … chấm được giải nhất. Tối đến, chiếu chèo của làng diễn các tích chèo cổ như Trống Trân Cúc Hoa, Suý Vân giả dại ... Từ quán chợ, cây đa, bến nước, sân đình ... bao đôi trai gái đã lên duyên vợ chồng. Thời kháng chiến chống Pháp chợ Đún đã một lần là nơi diễn ra hội nghị Triển lãm chiến thắng giặc Pháp của bộ đội Quân khu III. Sau này, chợ chuyển về trước cửa trụ sở Ủy ban xã, rồi chuyển ra làn sông quãng nhà ông Xuân, ông Tự, rồi lại chuyển ra làn sông như ngày nay.
lam%20phao.jpg
Trò chơi dân gian pháo đất nổi tiếng trong các lễ hội của làng Đún

Chùa Đún, tên chữ là Phúc Lâm Tự, nghĩa là Rừng Phúc, tạo dựng đã hơn 400 năm, xưa chùa to đẹp, có ao chùa, giếng chùa. Giặc Pháp càn về đóng quân ở đấy rồi đốt trụi, dân làng nhặt tro tàn tượng Phật cho vào tháp dựng trước cửa chùa và xây dựng lại chùa, cụ Đinh Danh Sáu tạc lại pho tượng Đức Ông, dân làng cứ bảo giống cụ, làng rước tượng Phật ở các chùa khác về thờ. Chùa mở hội vào đầu tháng ba âm lịch, làng rước kiệu từ chùa ra xóm Bến Đò, ở đấy có miếu, lấy nước từ dòng sông Tiên Hưng, rước về tắm gội cho Phật. Nghe nói, cạnh phía đông nam chùa còn có Miếu Văn thờ việc học hành, sau cũng dỡ đi phần đất được gộp vào vườn chùa.

Ở xóm 3 giữa làng, phía ngã Ba sau trường Tiểu học còn có Đàn, Đàn là nơi làng tế lễ Trời Đất thần linh, hồi giặc Mỹ đánh phá, lớp học sơ tán vào học ở hậu cung Đàn, sau cũng dỡ lốt đất chia cho dân làm nhà.

Làng Đún có cây Đa Giơ ở ngã ba đường làng, không biết trồng tự bao giờ, nhưng những người đi xa quê từ thủa bé, tìm về cố hương chỉ còn nhớ lại làng có cây Đa Giơ và bến Đò Đún. Cây Đa Giơ xưa cành tỏa rộng, lá xum xuê, bóng mát trùm kín cả vùng, rễ đa chằng chịt nổi lên ăn mem theo đường cái, xung quanh gốc đa là ao, là ruộng. Người lớn dọa trẻ con về ma ông Trọc, đầu ông trọc lốc, mình trần đóng khố ngồi hóng mát dưới gốc đa, ông líu quang gánh của những người yếu vía đi chợ sớm qua đây, đến đoạn ngã ba ra Đền thì mới thả. Rồi chuyện ma hũ cứ lăn vào chân, trưa tối vắng vẻ trẻ con phải vội chạy qua, vì sợ. Đến nay, nhà cửa làm san sát cạnh gốc đa, những cành đa lớn cũng bị chặt đi. Dưới gốc đa trở thành chợ chiều họp đông nhất vùng, thứ gì cũng có, kế thừa chợ Đún hàng Tổng xưa.

Xóm 10, còn gọi là xóm Giếng Rế, nay là thôn Trần Phú. Có lẽ thời gian lập xóm chỉ sau các xóm 1, 2, 3, 4, … ở làng. Cứ suy thời gian để ngôi mộ tổ Phái thứ ba họ Đinh ở xứ Đồng Chung, thì xóm 10 có cách ngày nay khoảng trên 300 năm. Họ Đinh là một trong những họ đầu tiên đến lập xóm, từ nhà ông Đinh Danh Yến lan tỏa ra, đến nay con cháu trong họ phần nhiều đã ra đi đến định cư ở các vùng quê khác. Ngoài 40 hộ họ Đinh, trong xóm còn có họ Lại, họ Nguyễn Phú, họ Nguyễn Đức, sau này có họ Lương, họ Hoàng, Huỳnh.

Đường cái xưa của xóm từ giếng Rế đến ngõ nhà tôi là con đường thẳng, đường đến giữa xóm là Ngã ba, có cái lầu nhỏ thờ Thổ thần. Từ phía ngoài đường ra là ruộng vườn, vụ đông xuân trồng rau, buổi sáng, buổi chiều khoảng đồng trước xóm đông vui nhộn nhịp, người trồng tưới, người thu hoạch, nào su hào, cải bắp, cà chua, rau muống … Những chiều đông hanh tấp lập người gánh nước tưới rau, chân ướt lại khô, cứ thế, da chân căng dầy lên, tứa máu đau rát gọi là "lứt cổ trâu", phải đắp gio bếp vào cho giã ra mới kỳ cọ được, nhưng mọi người vẫn chăm chỉ làm việc, vui cười.

Vụ hè thu thường cấy lúa, tới tháng sáu trời nắng nóng, ruộng khô mau, mọi nhà phải nhận chỗ tát nước bằng việc đặt trước cái gầu giai, tát nước từ gà gáy, tát đến đêm khuya, tát gầu đôi, tát lên hai bậc, tiếng gầu dội nước thì thòm, tiếng đếm gầu đôi của các bà, các cô như hát: “Một lên hài, hai có lên ba…” rồi lại đếm trở xuống: “Chín mươi chin, chín mươi tàm…”, đêm khuya nằm trong nhà vẫn nghe thấy tiếng đếm gầu nước ngân nga. Thường, biết ruộng nhà mình có cữ, mấy trăm gầu đôi thì ruộng đủ nước. Tháng 8 mùa thu, lúa đang thì con gái, tốt chật ruộng, mới chớm gió heo may đã nghe rõ tiếng quẫy của từng đàn cá rô ngứa vẩy, nhẩy lên đớp mồi, bọn trẻ con rẽ vài khóm lúa, ném ít cám rang thả câu giật những chú cá rô béo lẫn, nửa giờ là đủ bữa canh tối. Cuối tháng 9 nước ruộng cạn dần, cá dồn về những góc ruộng trũng chỉ việc rẽ lúa mà bắt. Lúa chớm đỏ đuôi, những nhà cấy lúa nếp cái hoa vàng, nếp cái râu đen, nếp cốm… phải canh chừng bọn trẻ cấu trộm về rang cốm, cắn trắt.

Phía trong đường là xóm, những bờ dậu tre, dậu ruối che kín xóm, dưới dậu là những bụi dứa dại, dây leo như cà gai, mí dò, mơ dại, cỏ sước… người lớn hái về làm thuốc, trẻ con hái lô hàng. Lấp ló dưới những bóng cây xanh là cổng ngõ, cổng nhà anh Đề là lớn nhất, tường đất đắp cao, trên mái lợp rạ, cây thị to tới hai người ôm, tán lá xum xuê bên cổng, trẻ nhỏ, nam thanh nữ tú, thường tụ tập vui chơi ở đấy. Cổng ngõ nhà tôi cuộn lại bằng những ngọn tre dây từ hai bên bờ dậu, tất cả là màu xanh của tre. Trong xóm, từ nhà này sang nhà khác thường thông nhau bằng những ngách nhỏ qua tường rào, đi liên thông tới chục nhà, những đêm trăng sáng, trẻ con chơi trò trốn tìm, trò đánh trận giả chạy khắp xóm; có lẽ thời chống Pháp để thuận tiện cho việc du kích cơ động và dân làng trách giặc.
22154587_285861445251079_4099213422715693652_n.jpg
Quê nhà xã Chi Lăng (ảnhĐinh Danh Vùng)​

Từ xóm 10 lên những xóm trên phải qua quãng Đống Chàng, Đống Chàng là một gò đất rộng và cao, cây cối, dây leo um tùm, rậm rạp, là nơi trú ngụ của cầy cáo, rắn rết và chim chóc, giữa trưa vắng vẻ chỉ có tiếng gù của chim gáy, tiếng hót của chim chèo bẻo, ... Trẻ con chúng tôi một mình đi qua đây phải chạy, vẳng nghe như tiếng chân ai cứ đuổi riết phía sau, ngoái đầu lại chỉ thấy con đường nhỏ cát trắng và nắng hè chói chang … Nghe nói, Đống Chàng là nơi xưa Tầu để của, với những câu chuyện thêu dệt ly kỳ, như chuyện người Tầu mua những cô gái còn trẻ đẹp, trinh trắng, về nuôi ăn học tử tế, rồi một đêm chúng cho mặc đẹp, ngậm sâm, liệm thần chú và giam xuống hầm sâu để làm thần giữ của… Rồi chuyện anh Tầu theo gia phả đến hỏi thăm “Cháng Đồng” tìm lại báu vật của tổ tiên cất dấu … Chuyện đàn lợn vàng chạy qua cho của, người được cho không chịu bắt con lợn nhỏ què, mà cứ đuổi miết theo con lợn lớn, đến khi đàn lợn chạy biến vào trong bụi rậm … Nghe nói, thầy tôi còn nhỏ cũng đã nhặt được con ngựa đồng han đem bán cho anh đồng lát, sau anh quay lại cho thêm tiền, có người bảo đấy là ngựa vàng mà không biết. Thực chất, Đống Chàng và Đường Chung trong làng Đún là hai gò mộ Hán có từ thời Bắc thuộc, chúng xây mộ và đắp đất cao lên thành gò như quả đồi, nơi có mộ Hán cũng là nơi có sở lị thời Bắc thuộc. Như vậy, nơi tụ cư của làng Đún có lẽ cách đây gần hai ngàn năm.

Thời giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, nhà máy Cơ khí 1/10 ở thị xã Thái Bình sơ tán về cạnh Đống Chàng, Đống Chàng bị lấy đất làm đường san nền nhà máy, đào thấy những cửa hầm xây cuốn hình vòm, lấy lên những viên gạch cổ hoa chanh… Mấy anh dân công làng Đô Kỳ mang những viên gạch cổ về để tạm ở nhà tôi, ông Nội không cho để, bảo của đường đống, họ lại vứt đi, Đống Chàng vì thế ngày càng nhỏ đi. Ngày nay, Đống Chàng chỉ còn lại một gò đất nhỏ, nhà dân làm sát cạnh đường, không còn cảnh hoang sơ u mịch, không ai thấy đàn lợn vàng chạy về nữa.

Đống Chàng liên kết với Đường Vuông, Đường Chùa, Đường Con Nhạn ... theo thế đất một dải vòng quanh trước xóm. Đường Vuông là một gò đất cao hình vuông như cái triện (con dấu), nơi trước kia họ Đinh cắm làm cấm địa còn gọi là Lăng mộ công thần họ Đinh, họ khác không được để mộ vào đấy.

Đường Chùa rộng hàng mẫu, cao trũng gập ghềnh, tiếp giáp với ruộng là những bờ trồng xương rồng dứa dại để ngăn trâu bò. Đường mộ nhiều vô kể, những người chết đói chết dịch, những hài nhi thường được bó chiếu chôn ở đường này, có lẽ vì vậy được gọi là đường Chùa, đất chùa ai cũng để mộ được; có người nói: Xưa kia có chùa ở đấy. Sau Nhà máy cơ khí 1/10 làm đường đi qua, dân cuốc đất trồng rau, đường Chùa còn lại là những vạt đất nhan nhở.

Đường Con Nhạn như con chim nhạn đang sải cánh bay, đầu hướng về xóm. Chúng tôi hồi bé thường dàn thành phe chơi đánh trận giả, đối lửa lô nghịch trên những đường đống ấy.
22728822_339884206475227_2851180080884308948_n.jpg
Giếng Rế ngày nay - Ảnh Quý Đinh

Cả làng có bốn giếng nước: Giếng Chùa, giếng Đền, giếng Cổng Bến và giếng Rế. Giếng nước Xóm 10 hình tròn, có lẽ vì thế gọi là giếng Rế (rế để bác nồi liêu), nước giếng trong và sạch, cả trên xóm 3, xóm 4, xóm 5 xuống gánh nước về dùng. Trên bờ có cây bàng tỏa bóng mát do bác Đinh Danh Khuyên trồng, bác là người khởi xướng tu tạo giếng nước của thôn và cũng là người Đảng viên đầu tiên của xóm, sau Trên điều động bác vào bộ đội, rồi hy sinh trên sông Tiên Hưng trong một trận chống càn. Bên giếng là bến nước con ngòi, cầu xuống bến nước được bắc bằng cột đá của chợ Đún cũ và khúc gỗ lim là vì kèo đình làng, việc tắm rửa trong xóm phần lớn được diễn ra ở đấy. Những năm đầu 60 của thế kỉ trước, trong xóm vẫn còn có cụ bà mặc váy cộc; cụ ông cưởi trần đóng khố, cụ ông xuống bến ngòi khỏa nước tắm xong, tay che của quý, quần cộc vắt vai về nhà cho khô người rồi mới mặc quần, các cháu gái gặp cụ phải che mặt quay đi cười khúc khích.

Con ngòi xưa sâu rộng, như con rồng nhỏ uốn mình bên đồng lúa và làng mạc, đầu ngòi là Đầu Cừ, là đầu của dòng nước, theo dân gian thêu dệt: Xứ đất ấy có long mạch đất phát đến Công hầu. Cuối ngòi là cống Cả ở xóm Bến Đò, cống thông ra sông Tiên Hưng. Những trưa hè bọn trẻ chúng tôi thường leo lên cây bàng ăn quả chín, bơi lặn làm bến nước đục ngầu, lặn xuống cầu đá bắt tôm, lặn từ xa vào để đầu tóc nổi lên lều bều như người chết đuối để trêu các bà, các cô ra rửa rau, lặn vào đám cây ấu của hợp tác xã để ăn những củ ấu non, thấy người lớn chui vào bụi dành dành, bị mắng chửi ran. Rồi thả câu, làm đăng bắt cá, thả rọ cá rô… Bến nước, bóng mát cây bàng là nơi tắm rửa và nghỉ chân của xóm đi làm đồng. Cây bàng già cỗi chết, con ngòi xưa bị lấp dần, nay chỉ là những vụng nước đọng bùn, ít người ra hóng mát ở đấy nữa.

Lứa tuổi chúng tôi về trước trong xóm rất đông, số nhiều là con trai, người nói: Do ăn nước giếng Rế xóm 10, do quy luật của chiến tranh. Những tối trăng lên trên con đường xóm từ ngã ba lầu ông Bé đến nhà tôi, nam nữ thanh niên tụ tập ngoài đường rất đông, tán chuyện, thổi sáo, ca hát rất vui vẻ; trẻ con lô đùa, đánh trận giả, trốn tìm… Nhớ mãi anh Khi vừa đi vừa cất cao dọng hát những bản tình ca, cảnh quê thật thanh bình, nhưng mỗi gia đình đều có người thân tham gia cuộc chiến, anh Huynh, anh Chuyền, anh Khi, sau này anh Cang, anh Hưng … đi bộ đội rồi hy sinh ở các chiến trường.

maxresdefault.jpg
Đội Chèo làng Đún - xã Chi Lăng, Hưng Hà

Khu đất cuối xóm tách biệt ra khỏi xóm, trước mặt là cánh đồng, xung quanh là ao nước, khi xưa có bốn nhà. Mùa mưa thường bị ngập nước trắng bong, khu đất như hòn đảo nhỏ, mùa đông mấy túp nhà tranh lép mình bên những khóm tre, bụi chuối úa vàng, heo may xào xạc… xóm nghèo. Khu đất như bức tranh quê thủy mạc buồn, cả xóm ngắm vô tình.

Còn nhỏ, mỗi lần ra chơi nhà ông Liêm cuối xóm, thấy cỗ quan tài gỗ sơn son của cụ bà Binh Liệu để ở giữa nhà mà thấy sờ sợ, cụ bà đã ngoài 80 tuổi, lo lắng chuẩn bị cho việc hậu sự của mình như một niềm vui. Nghe đâu, các cụ ngày trước còn nằm thử vào chiếc linh sàng của mình xem có vừa vặn thoải mái không, nhà giầu còn làm đám ma sống, kèn trống tế lễ linh đình, đám ma như thật; các cụ đón nhận cái chết thanh thản theo quy luật. Chuyện ông Đoàn Lượng, nghe người lớn trong xóm kể lại ly kỳ chẳng khác gì chuyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, người lớn thường mang ra dọa trẻ con khi chúng hư, tôi chỉ thấy một ông già gầy còm cao lêu đêu, khoác cái chăn rách, chui từ trong nòng đống rơm ra để tránh cái giá rét mùa đông. Sau, con cháu các ông bà ở đấy di cư lên Tây Bắc, chỉ còn lại gia đình bà Nụ là con cụ Côi. Bà Nụ lấy ông Huỳnh Tuần bộ đội miền Nam về tăng cường cho xã, đến nay thành chi họ Huỳnh ở chật cả khu đất ấy.

Tôi đi bộ đội, 40 năm như một giấc chiêm bao, làng quê đổi mới, nhà cửa xây cao mọc lên san xát; cái con đường nhỏ cát trắng chạy dài trước cửa nhà tôi, nay là con đường bê tông rộng 4 mét, bà Đinh Thị Nụ đầu tư góp sức xây dựng quê hương.

Chuyện đầu làng cuối xóm hoài niệm chép lại giông dài. Thật là vật đổi sao rời, khi đi là biển, khi về nương dâu.

Đinh Danh Vùng

Mời các bạn xem bài có nội dung liên quan:

Bài: DÒNG SÔNG TIÊN HƯNG QUÊ TÔI

Bài: NÔNG KỲ
 
Top