Sáo Đền

SÁO ĐỀN
Xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình
Quang Lâm
Thú chơi diều sáo ở nước ta đã có từ lâu đời. Chiều buông, hây hẩy gió; là lúc giàn hợp xướng diều sáo chiếm lĩnh tầng không, ngân nga vi vút thâu đêm, làm rộn ràng nhịp sống đồng quê. Làng nào cũng có thú chơi này. Nhưng độc đáo vô song, có lẽ là ở xã Song An, huyện Vũ Thư, Thái Bình; thả diều sáo xưa là một nghi lễ thiêng liêng trong ngày giỗ vị anh hùng. Đó là danh tướng từng nếm mật nằm gai cùng với lãnh tụ Lê Lợi, đã hy sinh trên chiến trường, được Vua Lê liệt vào hàng công thần số một, ban cho họ Lê, gia tặng chức Thái Sư, tước Quốc Công: Đinh Lễ, sau truy phong là Hiển Khánh Đại Vương. An Lão, tên cũ của xã Song An, là đất thế nghiệp Vua Lê ban cho vị công thần này. Dân dựng đền thờ ông bên cạnh “Đôc Hổ Điện” thờ thân mẫu Vua Lê Thánh Tông. Dân gian quen gọi Đốc Hổ Điện là Sáo Đền (đền Sáo) nơi mở hội diều sáo, hàng năm tưởng niệm vị anh hùng Đinh Lễ vào ngày 24 đến 26 tháng 3 Âm lịch.
Sáo Đền dựng trên khu đất đẹp vào thời Vua Lê Thánh Tông. Vị Vua anh minh bậc nhất triều Lê, là chắt ngoại Thái Sư Đinh Lễ. Theo lời thân mẫu Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao - Vua cho dựng miếu thời các vị Khai quốc Công thần họ Đinh; Vua lại cho xây bên cạnh một Sinh từ (Đốc Hổ Điện) để dân làng thờ phụng sau này. 200 mẫu ruộng hàng tổng dành để lấy hoa lợi đèn nhang lâu dài. Nơi bà Ngọc Giao sống cả tuổi thơ đến khi nhan sắc làm siêu lòng Vua Lê Thái Tông, được Thái Tông lấy làm cung phi, phong chức Tiệp dư. Có vế đối trong đền làm minh chứng: “Sự tích anh linh kỳ diệu, sinh họ Ngô, lớn họ Đinh, 16 tuổi thành Mẫu nghi trong cung cấm”. Mẹ con Thánh Tông (trước khi lên ngôi báu) đã từng lánh nạn cơ khổ ở chùa Huy Văn (Hà Nội). Nhờ có Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và những người thân cưu mang, che chở, mới vẹn toàn. Hẳn Vua thấm thía ơn mẹ như núi Thái Sơn, cho xây Miếu và Sinh từ để tỏ lòng báo hiếu.
Theo nhân dân và Gia phả chép: Sáo Đền lộng lẫy bề thế với kiến trúc quần tụ hài hòa, tam quan, gác chuông, tào xa, bái đường, hậu cung ...
Trải mấy trăm năm mưa nắng và chiến tranh làm hư hại, đến nay đền còn lại hậu cung ba lớp. Hậu cung vẫn còn tượng thờ Hoàng Thái Hậu họ Ngô, 6 đôi câu đối, 10 đạo sắc phong (sớm nhất niên đại Cảnh Hưng 44 (1784), muộn nhất niên đại Duy Tân 3 (1900), cùng một số đồ tế tự).
Miếu thờ hiện nay vẫn còn bốn chữ đắp nổi trên cổng: “Bình Ngô Khai Quốc”. Trong miếu còn sáu bài vị thờ: Quốc Thái Phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế (mẹ bà Ngô Thị Ngọc Giao), ba anh em ruột là Bân Quốc Công Đinh Lễ, Định Quốc Công Đinh Bồ, Lân Quốc Công Đinh Liệt; Công chúa Thái Trưởng Phù Dung, Công chúa Quế Thanh Tiên Tử Hoa Nương.
Cánh đồng An Lão còn có khu lăng mộ các vị tiền bối họ Đinh, tiếc là đến nay một số lăng mộ đã thành đất bằng. Bia ở miếu thờ và bản dịch Thế phả cho hay, khu lăng mộ vốn gồm 10 ngôi, đó là nơi an nghỉ của bà ngoại Vua Lê Thánh Tông, hai Công chúa con gái Vua, cùng các vị khác. Năm 1955, dân cầy ruộng tình cờ phát hiện mộ Công Chúa Trưởng, có tấm bia đá khắc văn của Trạng nguyên Lương Thế Vinh.
6856415e40677d45190f577f090ec479.jpg
182011-2-18.jpg
hoisao.jpg
20374880-images467169_3.jpg
Hình ảnh tế lễ và các trò chơi dân gian trong lễ hội (ảnh mạng)
Nét đặc sắc của vùng Sáo Đền, là một hiện vất độc đáo được thờ: Chiếc diều sáo lớn và hội thi diều sáo hàng năm, mang màu sắc linh thiêng. Tục thờ ấy bắt nguồn từ lời truyền tụng, rằng thủa bé ở quê vùng núi phía tây Thanh Hóa, Bân Quốc Công Đinh Lễ mê chơi diều sáo. Về sau, khi luyện tập quân ở vùng núi Lam Sơn, vùng núi Tùng Lĩnh ông cho quân sỹ làm diều sáo, thả rợp trời để quên hết mệt nhọc và tăng nhuệ khí.

Những ngày lễ hội hàng tổng bắt đầu đám rước, Hiệu linh vị bà Ngô Thị Ngọc Giao đi trước, từ Đền Sáo, tiếp sau là các linh vị các vị khác từ miếu “Bình Ngô Khai Quốc Công thần”. Sau là tế lễ trong các đền. Sau nữa, phần hội tưng bừng đủ các trò vui: Cờ người, bắt vịt, thi nấu cơm, hát chèo … Tưng bừng nhất là thi diều sáo, đủ các cỡ diều sáo lớn nhỏ thả rợp trời, dàn hợp xướng trầm bổng vi vu, tiếng sáo diều vang động không trung …
( Báo Nhân dân cuối tuần / 2002)
THI THẢ DIỀU TRONG LỄ HỘI SÁO ĐỀN
12132434.jpg
8207984262_fc7bfded9b_b.jpg

Ảnh tiết mục thi diều sáo (ảnh mạng)
Tiết mục thi thả Diều sáo trong Lễ hội Sáo Đền để nhớ lại thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn xây dựng hậu cứ chiến lược ở Nghệ An. Yêu cầu Thi như sau:​
Diều có các loại: Diều bì dài 30 thước ta, sáo đan găm sơn, diều hai người khiêng, dây diều tới bốn người khiêng. Loại diều 15 thước trở xuống thì cho đâm, loại 8 đến 9 thước và 4 thước đến 2 thước thì rất nhiều.​
Sáo có các loại: Bộ 5, bộ 4, bộ 3, bộ 2 cái, với các âm thanh" Cồng, Còi, Go, Ghí, Gộ".​
Dùng hai câu liêm, mỗi cái dài 15 thước chôn trước cửa đền, khoảng cách nhau 3 thước, diều đâm ở giữa không vuông góc với câu liêm thì được thưởng.​
Thi thả diều sáo là để nhớ lại thời kỳ năm 1424 nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh quân Minh xuống phía Nam để lập hậu cứ chiến lược. Quốc Công Đinh Lễ đóng quân chốt giữ đồn trại trên núi Tùng Lĩnh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cho Nghĩa quân khai khẩn trồng cấy ở bờ sông La Giang để tự túc lương thực, đánh giặc lâu dài.​
Quốc công cho thả Diều sáo để quân sỹ nghe tiếng sáo vui tai; quên mọi nỗi gian lao, vừa đánh giặc vừa làm ruộng (số ruộng hiện nay còn khoảng 40 mẫu, tục gọi là Ruộng Linh). Thi thả diều sáo là tiết mục chính trong ngày Hội ở Đốc Hỗ điện, nên nhân dân quen gọi Đốc Hỗ Điện là Sáo Đền (đền Sáo).​
 
Top