NÔNG KỲ

chiem-nguong-canh-dong-co-lau-trang-muot-ben-dong-song-lam.jpg
Đồng hoa lau (Ảnh mạng minh họa căn cứ nghĩa quân Đồng Lau)
Vùng đất Nông Kỳ xưa, sau là tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ. Bao gồm các xã: Chi Lăng - Đông Đô - Tây Đô - Hòa Bình, huyện Hưng Hà; cùng thôn Đồng Gòi xã Minh Tân và thôn Minh Đức xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ngày nay.

Trong Đinh Tộc Thế phả có ghi địa danh Nông Kỳ, tôi đã tra cứu nhiều tài liệu địa chí viết về địa danh quê hương, nhưng chưa thấy tài liệu nào đề cập tới địa danh Nông Kỳ.

Lớp Cổ nhân xưa có thể lý giải được điều này. Nhưng tiếc thay các Cụ đã về với tiên tổ, để lại cho lớp hậu sinh một khoảng trống khi tìm hiểu về cội nguồn bản quán quê hương.

Qua đọc “284 Anh hùng hào kiệt Việt Nam ” của Vũ Thanh Sơn, có nói đến câu đối của các Sỹ phu yêu nước vùng Hưng Yên, Nam Định viếng Đốc Mịch (khi đó chưa có tỉnh Thái Bình), một trong những người con yêu nước chống Pháp của vùng đất Nông Kỳ như sau:

Tích nhật Lục Giang Pháp phí kinh hồn, Phươn Bổng anh hùng, Đốc Lãnh dân xưng bất hủ.
Kinh thiên Lô Đổng, Ngụy quân táng đởm, Nông Kỳ tráng sỹ, Nhiêu Nam đề tặng trường linh.

Dịch nghĩa:
Ngày trước sông Luộc giặc Pháp kinh hồn, anh hùng Phan Bổng, Đốc Lãnh dân còn tôn mãi.
Hôm nay Đồng Lau*, Ngụy quân vỡ mật, tránh sỹ Nông Kỳ, Nhiêu Nam Vua tặng không mờ.
(* Đồng Lau là căn cứ của nghĩa quân Đốc Mịch ở làng Phươn - Bổng nay là xã Hòa Bình, Hưng Hà, Thái Bình, khi xưa đồng có nhiều lau sậy).

Lại nói về Đốc Mịch, tên thật là Nguyễn Mịch, cùng với anh cả Đốc Giới tên thật là Nguyễn Giới, con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thành Thà, người làng Phươn (Phan) xã Đô Mỹ, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng. Trước là xã Bình Lăng, nay là xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Ông Nguyễn Thành Thà có 4 người con trai, vì căm thù giặc Pháp cướp nước, các con ông cùng theo cha hưởng ửng hịch Cần Vương của Vua Hàm Nghi, đều là những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, làm cho giặc Pháp và tay sai nhiều phen kinh hồn bạt ví.

Nhưng về sau căn cứ Phươn Bổng bị địch bao vây nhiều ngày, do thiếu vũ khí lương thực, giặc Pháp tấn công căn cứ tan vỡ. Ông Đốc Giới bị giặc đem về chém tại Kỳ Bá ( nay TP Thái Bình), ông Đốc Mịch giặc chém tại bến đò Phươn của làng, để thị uy nhân dân. Vua Hàm Nghi nhận được bản tấu, truy tặng hai ông hàm Nhiêu. Sỹ phu Hưng Yên, Nam Định đã làm nhiều bài thơ và câu đối viếng hai ông, trong đó có nhắc đến “Tráng sỹ Nông Kỳ .

Vùng đất Hưng Hà nói chung và Nông Kỳ nói riêng là vùng đất cổ, khi xưa là chiến địa giữa sứ quân của Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh chống nhau với sứ quân Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu (Kim Động) và sứ quân của Lữ Đường ở Tế Giang (Văn Giang) Hưng Yên. Hiện ở thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà còn di tích thành đất dài là đồn lũy, Đại bản doanh chỉ huy của Đinh Bộ Lĩnh và Lăng miếu Đàm Thái Hậu ( thân mẫu của Vua Đinh Tiên Hoàng) cùng bài vị thờ các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Phạm Thành đã tận trung với nhà Đinh. Vùng đất Nông Kỳ quê tôi còn có đền thờ Lê Hoàn (là bộ tướng của Vua Đinh) ở các làng Đún Ngoại, Kênh, Đô Kỳ … trong chiến tuyến chống nhau với hai sứ quân nói trên.

Có lẽ, địa danh Nông Kỳ có từ thủa rất xa xưa, trước cả thời Hậu Lê; sau này do có sự thay đổi về địa danh hành chính, nên không nhắc lại nữa. Địa danh cổ Nông Kỳ chỉ còn truyền miệng trong dân gian, từ đời này qua đời khác. Thế mới biết, văn hóa truyền khẩu có sức sống lâu bền trong dân gian.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến địa danh Nông Kỳ - Ỷ Đốn, với những tên Nôm của các làng xã, như: Làng Đún Ngoại, Đún Nội, Đô Kỳ, Quấc, Gòi, Kênh, Phươn, Lếnh, Bóng, Mải … mới nghe như chẳng có nghĩa gì. Nhưng đối với những người con xa xứ lại rất đỗi thân thương, luôn tự hào về một vùng quê cổ, hào hùng và tươi đẹp, đã thấm đẫm mồ hôi xương máu của bao thế hệ ông cha, để bảo vệ và xây dựng quê hương yêu dấu.

Đinh Danh Vùng
 
Địa danh ĐÔ KỲ - Ỷ ĐỐN
Tổng Ỷ Đốn thuộc huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ. Vùng đất phía Tây bắc tỉnh Thái Bình thuộc vùng đất cổ Nông Kỳ, với nhiều tên làng xã có chữ đầu là “Cổ ” - “Kẻ ”, và tên Nôm "chỉ có một từ ", như: Đún, Mải, Kênh, Phươn, Bóng, Hò, Thá ...
Phủ Tiên Hưng có 4 huyện, trong đó huyện Thần Khê có 8 tổng: Tổng Xích Bích, Ỷ Đốn, An Lạc, Cổ Quán, Phú Khê, Cao Mỗ, Cổ Cốc, Hoàng Nông.

Tổng Ỷ Đốn có 4 xã: Xã Ỷ Đốn, xã Đô Mỹ, xã Đô Kỳ, xã Phủ Mỹ. Các xã có thôn như sau:
Xã Ỷ Đốn có: Nội thôn, Ngoại thôn, Kênh thôn.
Xã Đô Mỹ có: Thôn Mậu Lâm, thôn Phan, thôn Bổng, thôn Kinh, thôn Trữ.
Xã Đô Kỳ có: Thôn Phú Lãng, Đồng Phú, Duyên Trường, Khánh Lai, thôn An, thôn Phủ Lễ.
Thôn Phủ Mỹ thuộc xã Phủ Mỹ.
Đầu thời Nguyễn, năm 1831 chia tách tỉnh, phủ Tiên Hưng thuộc tỉnh Hưng Yên.

Năm 1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bỏ cấp huyện; phủ Tiên Hưng có tổng mới là Đô Kỳ, được chia tách từ tổng Ỷ Đốn.
Tổng Đô Kỳ có 8 xã: An Lạp, Chí Linh, Đa Phú, Đồng Phú, Khánh Lai, Mậu Lâm, Phú Lãng Đông, Phú Lãng Hữu.
Tổng Ỷ Đốn có 9 xã: Bổng Thôn, Duyên Trường, Đô Mỹ Kinh, Đô Mỹ Thịnh, Ngoại Thôn, Ninh Thôn, Nội Thôn, Ỷ Đốn Kinh.
26229344_326879457815944_312732630173762725_n.jpg
Chùa Phúc Lâm - tục gọi là Chùa Đún ngày nay

háng 3 năm 1949 phân chia lại địa giới hành chính, xã Chi Lăng bao gồm: Y Đốn ( Nội Thôn, Ngoại Thôn ), Ninh Thôn, Bổng Thôn, Phan Thôn, Kênh Thôn ( bao gồm cả tổng Ỷ Đốn trước).

Năm 1955, Cải cách ruộng đất, chia tách cấp xã, xã Chi Lăng chỉ còn làng Đún Ngoại ( Ngoại thôn ) thuộc huyện Tiên Hưng.

Năm 1969, phân chia địa giới, nhập huyện Tiên Hưng với Đông Quan, thành huyện Đông Hưng. Nhập huyện Duyên Hà với Hưng Nhân, thành huyện Hưng Hà, cắt 5 xã của huyện Tiên Hưng sang Hưng Hà, gồm: Xã Chi Lăng, Đông Đô, Tây Đô, Hoà Bình, Bắc Sơn.
Năm 1975 sát nhập xã Chi Lăng với Hoà Bình, thành xã Bình Lăng.
Năm 2005, theo Nghị định số: 61 / 2005 / NĐCP, xã Bình Lăng chia tách lại hai xã là Chi Lăng, Hoà Bình như hiện nay.

Đinh Danh Vùng
 
NÔNG KỲ

NÔNG KỲ là tên cổ của dòng sông Luộc có từ thời Lê Sơ. Sau này, NÔNG KỲ chỉ địa danh một vùng đất cổ dọc theo triền phía đông nam sông Luộc, rộng dài trên 50 km, thời Lý - Trần tên hành chính là phủ Long Hưng, là vùng đất chiến lược, trù phú về kinh tế, quan yếu về quốc phòng, như Nguyễn Trãi đã viết: “ Nông Kỳ, Đọi Điệp ở về phương Nam là phiên trấn thứ 3, trong 4 phiên trấn phên dậu chính ở phía Nam ”.

Như vậy, Nông Kỳ không phải là địa danh hành chính, mà là địa danh của một vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử và văn hóa đặc sắc, nằm ở phía Tây bắc tỉnh Thái Bình. Vùng đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều bậc Anh hùng, danh nhân của Đất nước: Là nơi hùng cứ của Đông Nhung Bát Nạn Đại Tướng Quân Vũ Thị Thục Nương, Nữ tướng Đinh Thị Tố, Nữ tướng Cẩm Hoa, là tướng của Hai Bà Trưng chống quân đô hộ nhà Hán. Của Lý Bí, anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược nhà Lương. Là nơi hùng cứ của xứ quân Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh ...

Nông Kỳ là quê hương của Thiền sư Đinh La Quý thời thuộc Đường, của Lưu Khánh Đàm công thần thời Lý; Thái sư Trần Thủ Độ, Quốc mẫu Trần Thị Dung, An sinh vương Trần Liễu, nơi phát tích của Vương triều Trần. Quê hương của Thái úy Hùng Quốc công Đinh Tôn Nhân (Tổ họ Đinh), Phạm Bôi, Vũ Uy, Nguyễn Thị Lộ … thời Lê Sơ. Và của hơn 60 vị Đại Khoa trải qua các triều đại, tiêu biểu như Phạm Đôn Lễ, Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn …; của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.

Điều kỳ lạ nữa là mỗi khi gặp gian khó nguy biến, thì những bậc danh nhân, anh tài của Đất nước như Đinh Thỉnh (Thủy tổ họ Đinh), Ngô Thị Ngọc Giao, Lê Tư Thành, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ ... cũng đều tìm về Nông Kỳ nương náu để chờ thời.

Trong bộ Từ Điển Thái Bình, nói về Nông Kỳ, mục: 2344: Luộc ( sông Luộc ) như sau:

Sông chi lưu của sông Hồng, dài 52 km, chảy phân dòng sang sông Thái Bình và là địa giới phía bắc của tỉnh (Thái Bình), đối ngạn là huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang của tỉnh Hải Dương. Cửa thượng nguồn tại thôn Mỹ Xá, xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà đến cống Nhâm Lang, xã Tân Tiến huyện Hưng Hà thì chia dòng (có chi lưu là sông Tiên Hưng), đến thôn Lộng Khê, huyện Quỳnh Phụ lại chia dòng: Dòng chính chảy sang sông Hồng, chi lưu sông Hoá chảy ra biển.

Tên cũ của sông là Phổ Đà. Sau có tên là Đà Lỗ ( Đà sông nhánh, Lỗ hàm ý chỉ nơi bắt sống được quân giặc - "tôi mọi"). Tên gọi của sông thay đổi theo từng thời. Thời Trần sử chép là sông Hải Thị (chỉ cửa sông ở vùng Hải Ấp, phủ Long Hưng), sông A Lỗ; thời Lê Sơ gọi là sông Nông Kỳ. Ngoài giá trị bồi đắp phù sa, giao thông đường thuỷ với các thương bến Hải Thị, Bến Hiệp và Ninh Giang (Hải Dương) sông còn là đất quan yếu về quốc phòng. Nguyễn Trãi viết "Nông Kỳ, Đọi Điệp ở về phương Nam là phiên trấn thứ 3, trong 4 phiên trấn phên dậu chính ở phía Nam". Thời Nguyễn đổi tên là sông Luộc. Tuy sông không rộng nhưng lại là dòng sông chiến lược về kinh tế, quân sự trong suốt các triều đại, Trần, và cả thời kỳ chống Pháp sau này .
44753640.jpg

sông Luộc. (ảnh Trung Đức)
Đại Thi hào Nguyễn Du những năm tháng sống ở vùng đất Nông Kỳ đã có bài thơ Cảm tác bằng chữ Hán về Nông Giang (sông Nông - Nông Kỳ) nhắc đến cảnh sắc và thuyền bè buôn bán trên sông.

Độ Phú Nông Giang cảm tác
Nông thủy đông lưu khứ
Thao thao cánh bất hồi
Thanh sơn thương vãng sự
Bạch phát phục trùng lai
Xuân nhật thương thuyền hợp
Tây phong cổ lũy khai
Du nhân vô hạn cảm
Phương thảo biến thiên nhai.
Dịch thơ:
Qua sông Luộc cảm tác
Sông Luộc nước chảy đông
Thao thao chẳng trở hồi
Núi xanh thương chuyện cũ
Tóc trắng được về nơi
Ngày xuân thuyền buôn họp
Lũy cổ mở gió khơi
Lòng vô cùng thương cảm
Cỏ thơm rợn chân trời.
(Người dịch Thảo Nguyên)
1.jpg

Cầu Bến Hiệp Hải Dương - Thái Bình nối đôi bờ sông Luộc (ảnh mạng)
mua-hoa-cai-ben-song-duong-3.jpg
Mùa hoa cải ven sông (ảnh mạng)

Khi tôi còn nhỏ, vẫn thường được nghe ông nội hát ru bài ca dao:
Sông Nông một giải xanh mờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
……..
Một dòng sông không quá lớn không quá dài, trong chiến tranh các thế lực quân sự thường dựa vào dòng sông Nông (sông Luộc) để chia cắt để phòng thủ, như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, loạn 12 xứ quân, loạn cuối Vương triều Lý, nội chiến Lê - Mạc, các cuộc khởi nghĩa Cần Vương … nên dòng sông Nông đã chứng kiến không biết bao cuộc chia ly mất mát, bao thương cảm, qua hàng ngàn năm … đã thấm đẫm qua bao thế hệ, không phải lúc nào ta cũng hiểu hết.
Đinh Danh Vùng
 
Top