ĐỀN LINH CẢM ĐẠI VƯƠNG

anh-01.jpg

Đền Đinh Lễ tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Trong bản đồ Di tích lịch sử Việt Nam, Dự án Hỗ trợ giáo dục THCSII của Viện KH NCGD, có nội dung về đền Đinh Lễ tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Tóm lược thông tin về di tích:

Đền thờ Đinh Lễ còn có tên là đền Linh Cảm Đại Vương, thuộc xã Việt Yên Hạ, huyện La Sơn, tỉnh Nghệ An; nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đền Đinh Lễ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, theo Quyết định số: 03 / 2006 / QĐ - BVHTT ngày 17 tháng 01 năm 2006. Đền nằm trong quần thể danh thắng Tam Soa và các di tích lịch sử văn hoá Quốc gia như: Khu lưu niệm và mộ Trần Phú, Nhà thờ và mộ Phan Đình Phùng, Nhà thờ Bùi Dương Lịch, Nhà thờ và mộ Lê Bôi.

Đinh Lễ là một nhân vật lịch sử tiêu biểu thế kỷ XV. Ông là một trong những bậc Khai quốc Công thần triều Lê. Sự nghiệp của ông gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, với phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nhà Minh đầu thể kỷ XV. Thân thế và sự nghiệp của ông đã được ghi chép khá đầy đủ trong chính sử nước ta. Ông quê ở Thuý Cối thuộc Lam Sơn, Thanh Hoá, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu và lập được nhiều chiến công vang dội. Ông hy sinh vào tháng 3 năm 1427, trước ngày toàn thắng quân Minh một năm (1428).

Tháng 2 năm 1428, Đinh Lễ được ban biển ngạch Công thần Khai quốc, chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ và được ban Quốc tính ( họ Lê ). Vua Lê Lợi đã lấy vùng đất Tùng Ảnh phong ấp cho các bậc Công thần Khai quốc như Lê Bôi, Võ Lộng, Phan Đán xây dựng cơ nghiệp. Đinh Lễ được phong Vương hiệu Linh Cảm Đại Vương.

Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông gia tặng Đinh Lễ là Thái Sư Bân Quốc Công, về sau tấn phong là Hiển Khánh Đại Vương. Năm 1802, Đinh Lễ được triều Nguyễn liệt vào hàng Công thần Khai quốc nhà Lê bậc 2 và cho một người cháu được miễn lao dịch để trông nom việc thờ tự.

Nhớ ơn người anh hùng đã hy sinh vì Đất nước chống giặc ngoại xâm, nhân dân địa phương đã lập đền thờ Đinh Lễ ngay tại nơi đồn binh năm xưa của ông trên núi Tùng Lĩnh. Khi đặt ách đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã dời đền thờ Đinh Lễ đi nơi khác cách vị trí cũ khoảng 400 mét.

Đền thờ Đinh Lễ hiện còn một ngôi thượng điện cổ kính, phía trước là vọng lâu hai tầng và khu sân đền nằm trong hệ thống tường dắt và cổng vào kín đáo. Thượng điện được làm bằng chất liệu gỗ mít, kiểu tứ trụ chồng đấu (hay còn gọi nhà rường), gồm 4 vì kèo tạo thành 3 gian chính và 2 gian hồi, 4 mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch nung. Hệ thống kèo kẻ, đầu bẩy giá chiêng đều được chạm trổ khá công phu với các đề tài dân gian. Gian chính giữa thờ Thành hoàng Đinh Lễ với linh toạ, bài vị khắc vương hiệu Linh Cảm Đại Vương và hệ thống hương án, đồ tế khí bằng gỗ được sơn son thếp vàng.

Bàn thờ gian trái đặt thờ linh toạ của các đền miếu trong vùng hợp tự về đây sau ngày hòa bình lập lại. Riêng gian phải đặt bàn thờ 14 pho tượng Phật cổ bằng gỗ mít, được chuyển từ chùa Thạch Động ( còn gọi chùa Đác) về, do chùa bị bom Mỹ đánh sập năm 1968. Tất cả các pho tượng còn giữ nguyên bản tượng gốc, một số pho tượng do bị mối xông hoặc bị đục phá nên được phục chế và sơn thiếp lại bằng sơn sống truyền thống. Trong 14 pho tượng gồm có: 3 tượng Tam thế Phật, 7 tượng Quan âm Phật, 2 tượng Quan hầu và 2 tượng Tăng Phật.

Trước đền thờ Đinh Lễ xây vọng lâu, quy mô hai tầng kiểu chồng diêm tám mái. Niên đại trùng tu vọng lâu ghi: Bảo Đại Đinh Sửu, bốn trụ vòm vọng lâu, trụ hiên Thượng điện và trụ cổng khắc các câu đối ca ngợi công đức của Thành hoàng Đinh Lễ đối với nhân dân cả nước cũng như nhân dân trong vùng.

Sân đền rộng gần 100 m2, lát gạch đất nung hình vuông, xung quanh sân xây hai trụ biểu đơn giản gắn với các bậc tam cấp lên xuống sân đền. Trong sân sát cổng ra vào xây tắc môn, mặt trước tắc môn đắp nổi bằng vữa vôi cảnh sơn lâm và hổ phục.

Các hiện vật di tích trong đền hiện còn: 14 tượng gỗ, 2 hoành phi gỗ, 6 linh tọa, bài vị, 2 kiệu gỗ, 3 lư hương sứ, cùng nhiều đồ tế khí sơn son thếp vàng khác.

Quanh đền là Rú Thông (rừng thông) bốn mùa xanh tốt, địa danh Tùng Ảnh cũng đã nói nên hình Ảnh rừng Tùng soi bóng xuống La Giang. Nhân dân thường gọi là đền Linh Cảm Đại Vương, vì kiêng tên húy của ngài Thành Hoàng làng. Nhà thơ Bùi Dương Lịch một danh nhân Hà Tĩnh, đã ca ngợi cảnh đẹp của đền cùng với thắng cảnh Tam Soa:
Đinh Hầu cây miếu mây vờn lá,
Đỗ xá ghềnh thơi sóng đẩy thuyền.
………
Cách đền Linh Cảm Đại Vương Đinh Lễ 300 m là chùa Đá tên chữ là Thạch Động tự, chùa cũng gắn với sự tích cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn, chùa bị bom Mỹ đánh sập năm 1968. Nay nhân dân cùng khách thập phương và chính quyền địa phương trùng tu phục dựng lại chùa bề thế to đẹp hơn xưa, không chỉ là nơi quy hướng tâm linh, mà còn là địa chỉ văn hóa lịch sử trong quần thể các di tích danh thắng Tam Soa, đáng để du khách thập phương về chiêm bái.
Nằm vào khoảng giữa hai xã Tùng Ảnh và Đức Yên, huyện Đức Thọ, có hồ nước lớn còn gọi là Mai Hồ, là dấu vết dòng cũ của sông La, xưa vào mùa hạ bát ngát màu xanh của lá sen, màu hồng rực rỡ của hoa sen, hương thơm ngào ngạt cả một vùng, tại thôn Yên Nội có đền thờ Trung Mục Đại Vương Đinh Liệt (là em trai ông Đinh Lễ), khi xưa ông đánh giặc Minh ở nơi đây.
&

Theo các Tộc phả họ Đinh, sau khi giải phóng Đất nước khỏi ách đô hộ của giặc Minh; Vua Lê Thái Tổ cho xây dựng một ngôi đền thờ Đinh Lễ tại làng Hoàng Mai, Hà Nội để tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Minh và sự hy sinh của ông trong trận Mai Động vây thành Đông Quan. Tôi đã nhiều lần hỏi thăm, cố đi tìm lại dấu tích xưa của Tổ tiên, để có dịp đến dâng hương chiêm bái. Nhưng tiếc rằng gần 600 trăm năm dâu bể, vật đổi sao rời, từ làng lên phố, đất chật người đông, Di tích đền không còn. Đống Mồ Voi xưa nay là chợ Mai Động đông vui nhộn nhịp. Bên chợ là cây cầu bê tông bác qua sông Kim Ngưu tên gọi là Cầu Voi, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Hội di sản quận Hoàng Mai gắn tấm biển đồng ghi lại sự tích Cầu Voi để tưởng nhớ trận chiến vây thành Đông Quan khi xưa.
Đinh Danh Vùng
 
Hồn thiêng Linh Cảm

Tưởng nhớ công lao của Linh Cảm Đại Vương Đinh Lễ, ngày nay nhiều địa danh, nhiều công trình trên vùng đất Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) được gọi là Linh Cảm.
56514123.jpg
Cầu Linh Cảm - Ảnh Internet
Linh Cảm - Đương nhiên không phải tên của một vùng đất theo địa danh hành chính, nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi, đây là một vùng thổ nhưỡng mà không ngữ nghĩa nào có thể bao chứa hết được ý nghĩa và giá trị đa chiều của nó …

Theo sử sách chép lại, năm 1424 Bình Định Vương Lê Lợi đem quân vào Nghệ An, Đinh Lễ là cháu ngoại của ông, là một trong những vị tướng Lam Sơn đã lập nhiều chiến công lớn. Nơi Đinh Lễ chọn vị trí đóng quân chính là núi Tùng Lĩnh, không chỉ tốt cho việc quân, ông còn sai quân sỹ khai khẩn đất hoang, cày cấy ở đôi bờ La Giang để tự túc quân lương; về sau trở thành vùng đất trù phú màu mỡ của Việt Yên Thượng. Để ghi nhớ công lao của vị tướng nghĩa quân Lam Sơn, nhân dân Việt Yên đã lập đền thờ Đinh Lễ trên núi Tùng Lĩnh, Vương hiệu là Linh Cảm Đại Vương, rồi từ đó Đền và Núi đều mang tên Linh Cảm, Vương hiệu của ông.

Không thể giải thích nổi vì căn cớ gì mà dù đã Lại - Qua rất nhiều lần, nhưng cứ mỗi khi về thăm quê đi qua vùng đất ấy, đến cầu Linh Cảm - nơi địa giới giữa Đức Thọ và Hương Sơn thì trái tim tôi lại cứ đập dồn lên hồi hộp. Linh Cảm đến trong sự hiểu biết của tôi trước hết và hơn đâu hết là bến phà Linh Cảm trong những chuyện kể của mẹ cha.
khung-canh-tuyet-dep-noi-co-tbt-tran-phu-an-nghi-hinh-10.jpg
Bến Tam Soa - Ảnh Internet

Ngày đó, lớp lớp thanh niên Hương Sơn nhập ngũ lên đường vào Nam chống Mỹ, đã chia tay người thân tại đây. Bến phà là điểm cuối của hai dòng Thâm - Phố, cũng chính là nơi tiễn đưa, là nơi ghi dấu ý chí ra đi và hẹn ngày trở về của những người con quê hương…

Nhật ký cha tôi ghi, ngày ông lên đường vào Nam chiến đấu là một ngày Linh Cảm hồng tươi nắng mới và đầy gió, có lẽ đó cũng là điềm lành để ông cùng đồng đội được trở về vẹn nguyên từ chiến trường ác liệt. Đây còn là nơi đã từng thấm đẫm bao máu xương của cô bác công nhân, của các chiến sĩ bộ đội, an ninh và những anh chị thanh niên xung phong ngày đêm bám phà, bám đường cho những đoàn quân, những chuyến xe lên biên giới miền Tây an toàn, thông suốt trong những năm chiến tranh chống Mỹ gian khổ, ác liệt…

Cùng với sự đổi thay của đời sống xã hội; ngày nay, bến phà đã làm trọn sứ mệnh lịch sử, đường 8A được khai thông theo tuyến mới và được nối liền bằng cây cầu Ghềnh Tàng, mà người dân gọi là cầu Linh Cảm. Vật đổi sao dời, bến Tam Soa còn đó nhưng cảnh xưa đã khác, tuy nhiên trong hoài niệm của bao người vẫn có hình ảnh chiếc phà mang cái tên Linh Cảm rất linh thiêng đã chở cả bao thế hệ, chở cả chặng đường lịch sử quê hương trên ngã ba Tam Soa. Và trong tôi vẫn vẹn nguyên những cảm nhận về sự mênh mông, rộng lớn về bến phà này trong ký ức tuổi thơ xa ngái cũng như những cảm xúc thiêng liêng mỗi lần cùng cha ôn lại kỷ niệm một thời.
Vùng đất này có ngọn núi Thông (Tùng Lĩnh) mà nhân dân quen gọi là núi Linh Cảm. Núi vốn được coi là Thiếu Tổ Sơn, nơi đây “cây cối sum suê, độc chiếm hết vẻ đẹp của cả vùng, là chung tú của 28 quả núi của tổng Việt Yên” (Bùi Dương Lịch). Thật không ai có thể phản bác lại nhận xét đó, bởi núi Linh Cảm là “Tiền đồn” trấn giữ ngã ba Tam Soa - nơi hội tụ ba nguồn dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, La Giang, dưới chân núi có hai cảnh đẹp hiếm nơi nào có được là Ghềnh đá Tam Soa và bãi bồi Ngưu Chữ.

Ở phía Tây nam chân núi Linh Cảm có một mạch đá đi chìm xuống tới giữa dòng sông rồi nổi lên quá mặt nước một chạn đá rộng hơn 10m2 đủ chỗ cho bẩy, tám người có thể ngồi hóng mát, ngắm cảnh, tâm tình... Các sách địa chí đều gọi đó là “Tam Soa Thạch”. Tương truyền, xưa các văn nhân, tài tử trong làng thường dùng đò ra đó làm thơ vịnh cảnh, chính vì thế Tam Soa Thạch còn được coi là Thi đàn của vùng ven bến Tam Soa.

Bãi bồi Ngưu Chữ nằm ở phía Đông bắc chân núi, bên ngã ba sông, lưu lượng hai con sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố gặp nhau đã đẩy cát bồi lên thành một bãi nổi hình bầu dục khoảng 1,5 km. Một thời nhân dân trong vùng đã khai khẩn trồng rau, hoa màu, thậm chí dựng nhà để ở như một xóm cù lao trù phú, mướt mát màu xanh. Ngưu Chữ vì thế mang một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa thâm trầm, bình yên giữa lòng Linh Cảm.

Giờ đây, những biến đổi của thời gian, trong kiến tạo địa chất, lẫn sự tác động của con người đã làm cho hai cảnh quan này không vẹn nguyên nữa, nhưng thế núi hình sông vẫn đó. Lần theo những trang sách, những chuyện kể của người già và bằng trí tưởng tượng của mình, tôi vẫn có thể cảm nhận được rất rõ vẻ đẹp cũng như không khí sinh hoạt của ông cha trong những năm tháng xưa xa. Để mỗi lần về qua Linh Cảm, trông xa vời ra bến Tam Soa, cảm giác tiếc nuối chơi vơi lại nhoi nhói dâng lên trong lồng ngực…

Phía đông núi có ngôi chùa cổ Huyền Lâm (Thạch Động) dân gian gọi là chùa Đá - một công trình kiến trúc, mỹ thuật có giá trị, tương truyền do Chân nhân họ Võ lập nên dưới thời chúa Trịnh Khải. Không chỉ có cảnh quan đẹp mà núi Linh Cảm còn là nơi ghi lại nhiều dấu tích quá khứ liên quan đến vị anh hùng của dân tộc - Linh Cảm Đại Vương Đinh Lễ.

Về sau, trong cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, quân Pháp cũng đã giành giật ngọn núi này, chúng không ngần ngại nã đại bác vào núi khi nghĩa quân lên giữ núi khiến đền Linh Cảm bị hư hại nặng. Đến 1895, khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, quân Pháp bắt dời ngôi đền Linh Cảm sang đồi Vọng Sơn, phía sau núi Tùng Lĩnh và dựng lên đó một đồn binh Linh Cảm. Thế là núi đã chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Dẫu ngôi đền Linh Cảm không còn trên đỉnh Tùng Lĩnh nhưng tôi tin rằng trong sâu thẳm núi non, trong mỗi hồn cây, vách núi vẫn lưu giữ vẹn nguyên những tình cảm thiết tha với người con lỗi lạc của dân tộc. Để những sợi dây tâm linh vô hình vẫn linh ứng trong đời sống nhân dân như chính tên gọi Linh Cảm của nó.
Giờ đây mỗi lần về qua Linh Cảm, tôi đều ngoái nhìn ra bến phà xưa với một tình cảm thân thương rất cũ và rất mới. Dự án về cây cầu chữ Y trên bến Tam Soa đã thay đổi, do đó ngã ba sông nước này vẫn giữ được dáng vóc của mình.

Dù tin rằng trong mạch nguồn bốn mùa mát ngọt ấy, Tam Soa cũng biết giữ lại trong lòng mình những giá trị lịch sử thiêng liêng của dân tộc. Tôi vẫn ước ao ở Ngã ba sông nước ấy sẽ có một công trình kiến trúc khắc họa lại những tháng năm hy sinh gian khổ của cha anh đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại; khắc họa lại những dấu tích quá khứ hào hùng của ông cha chống giặc ngoại xâm để con cháu muôn đời nhớ về lịch sử Đất nước, lịch sử quê hương - Hồn thiêng Linh Cảm.

Anh Hoài - Báo Hà Tĩnh
 
Top