BIA MỘ CHÍ CÔNG CHÚA GIA THỤC

Tại Đốc Hữu Điện (Sáo Đền) còn tấm bia mộ chí của Công chúa Gia Thục, rộng 76 cm x 36 cm, tổng số chữ còn đọc được là 254 chữ Hán. Bia do các ông Hiến cung Đại phu, Hàn lâm Viện Thị thư, kiêm Sùng văn Quán Lâm Cục Tư huấn, Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn, vào ngày 11 tháng 10 năm Hồng Đức thứ 14 (1483).

Tiến sỹ Mai Hồng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã điền giã khảo cứu và Báo cáo tại Hội nghị Thông báo Hán Nôn học năm 1997, về “ Những tư liệu dòng họ Đinh trên đất Thái Bình có liên quan tới việc lên ngôi Vua của Lê Thánh Tông ”. Trong đó có nội dung về Tấm bia Công chúa Gia Thục.

Bia nói về cuộc đời Công chúa Gia Thục, tên húy là Toại. Công chúa là con gái lớn của Vua (Lê Thánh Tông), mẹ người họ Phạm, là Tu nghi chủ cung Trường Xuân. Công chúa ra đời thì mẹ mất, nhờ Hoàng Thái Hậu (Ngô Thị Ngọc Giao) nuôi 5 năm … Tới năm Hồng Đức thứ 5, gả cho con trai Thái Bảo Kiến Dương Hầu Lê Cảnh Huy, tên là Tòng. Công chúa là người phụ nữ nết na hiền hậu, xuất thân con Hoàng Đế, khi lấy chồng tầm thường, nhưng vẫn giữ đạo làm vợ, không ai chê vào đâu được; đã có con nhưng vô dưỡng, khi qua đời mới 22 tuổi; đám con gái đàn bà trong cung ai ai cũng sụt sùi thương tiếc, thậm chí còn có kẻ khóc tru kêu trời. Vậy mới có minh rằng:

Thất bảo hoa hoa.
Lục châu phiến phiến.
Hốt lai thốt thệ.
Thục cửu huyền thiên.

Tạm dịch:
Thất bảo lung linh*.
Lục châu óng ánh.
Bỗng đâu khuất núi.
Hỡi trời thấu chăng.

* ( Thất bảo có thuyết nhà Phật nói về 7 vật quý: Kim ngân, lưu ly, xà cừ, mã lão, hổ phách, san hô, pha lê) ”.

Trong Đốc Hữu Điện (đền Bà Quốc Mẫu) có bài vị của Công chúa Gia Thục được phối thờ.
&

Trên cánh đồng làng An Lão, năm 1955 nhân dân cày ruộng, tình cờ đã phát hiện thấy quan tài Công chúa Trưởng Gia Thục, thi hài được tẩm liệm bảo quản tốt vẫn còn nguyên vẹn cùng nhiều đồ trang sức tùy táng khác, tiếc rằng công tác khảo cổ và bảo tồn di vật khi ấy chưa thực hiện được.

Theo Đinh Tộc Thế Phả, Vua Lê Thánh Tông còn cho Công chúa Bảo Thánh góp tiền hương đăng cho việc thờ tự tổ tiên của họ Đinh ở Dụ Phúc Điện và Đốc Hữu Điện. Hiện nay ở sau trường Trung học PTCS xã Tây Đô, ( huyện Hưng Hà, Thái Bình) còn Lăng mộ và đền thờ Công chúa Bảo Thánh. Đền cũ đã tàn phế, có người dân trong làng đến dâng lễ cầu tài lộc, sau linh ứng, đã về công đức cùng với nhân dân tu tạo lại đền. Hiện đền có con rùa đá to bằng cái bàn, tạc rất đẹp, tấm bia trên lưng rùa không còn, chuyện tâm linh về con rùa đá theo lời kể của dân làng cũng rất li kỳ.

Trên đây là những Sử liệu quý về hai Công chúa con Vua Lê Thánh Tông cùng với di tích Đốc Hữu Điện ở Sáo Đền và Dụ Phúc Điên ở Đô Kỳ - Thái Bình.
 
Top