Đinh Danh Vùng
Moderator
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đôc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỒ SƠ DI TÍCH
Từ đường họ Đinh - thôn Quyết Thắng,
xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
I- Tên gọi của di tích:Di tích từ đường của dòng họ Đinh, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thuộc thôn Ngoại của tổng Y Đốn, ngày nay thuộc thôn Quyết Thắng, xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà. Tên của di tích vẫn là Từ đường dòng họ Đinh.
II- Đường đi đến di tích:
Từ thị xã Thái Bình đi theo quốc lộ 10 đi đến thị trấn Đông Hưng, rẽ trái sang đường quốc lộ 39A đi lên thị trấn Tiên Hưng của huyện Đông Hưng, rẽ tay phải qua cầu Đình Thượng đi vào đường liên xã đến xã Bình Lăng. Di tích này thuộc xóm… thôn Quyết Thắng. Các phương tiện như ô tô, xe máy đi về di tích đều thuận tiện. Di tích cách thị xã Thái Bình chừng 25 km về phía Tây Bắc.
III- Giá trị lịch sử -văn hóa của di tích:
1) Giá trị lịch sử của di tích:
Hiện nay di tích còn bảo lưu nhiều tài liệu chữ Hán có giá trị để nghiên cứu như:
- Một cuốn Gia phả bằng chữ Hán của họ Đinh có niên đại vào thời nhà Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2 tức là vào năm 1730 dương lịch. Cuốn Gia phả có phần “ Lời tựa ” của nhóm biên tập cho biết rõ là Thủy Tổ của dòng họ Đinh này là Đinh Liệt - một danh nhân lịch sử của Đất nước vào thời Hậu Lê, có công cùng Vua Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh vào thế kỷ 15. Phần phả hệ ghi chép chi tiết từng đời từ cụ Thủy tổ Đinh Liệt đến đời thứ 14 là các tên tuổi của những người tham gia biên tập cuốn phả này.
- Hai lá sắc phong của các triều Vua Lê Cảnh Hưng ( 1470 - 1779 ) phong cho Thủy Tổ của dòng họ là Thái Sư Bân Quốc Công Đinh Lễ và Thái Sư Lân Quốc Công Đinh Liệt đều được Lê Lợi ban quốc tính là Lê Lễ và Lê Liệt, và phong là Công thần Khai quốc thời Hậu Lê thế kỷ 15 sau khi chống quân Minh giành độc lập. Các lá sắc này đều ghi rõ là chuẩn cho Gia tộc họ Đinh này phải phụng thờ các vị trên và các vị được phong làm Phúc Thần của thôn Ngoại, tổng Y Đốn cũ.
- Ba là, một số câu đối đắp vữa tại các hàng cột của từ đường, nội dung là ca tụng võ công của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và một số danh nhân của dòng họ đã kế tục truyền thống của các thế hệ trước tiếp tục phò tá triều Lê, tiễu trừ nhà Mạc để ghi lại tấm gương trung dũng cho các thế hệ sau khâm phục.
Trên cơ sở các tài liệu trên, chúng tôi có điều tra thêm trong khu vực xã Tây Đô của huyện Hưng Hà về dòng họ Đinh ở đó và khai thác thêm về tài liệu “ Ngô Gia Thế phả ” cùng thần tích của đình Sáo của xã Song An, huyện Vũ Thư để tìm hiểu quan hệ thân tộc giữa họ Ngô và họ Đinh, các tấm bia đá còn lưu giữ tại từ đường họ Đinh ở xã Song An để nghiên cứu về sự chuyển cư của dòng họ Đinh từ vùng Thanh Hóa ra vùng đất Hưng Hà, Vũ Thư vào thế kỷ 16 - 17. Ngoài tài liệu điền dã trên, chúng tôi đối chiếu cùng sự ghi chép của các bộ sử lớn của Đất nước như Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn thì thấy có sự trùng khớp giữa sự ghi chép của gia phả về thân thế, sự nghiệp của một số các nhân vật lịch sử của dòng họ Đinh từ đời thứ 7 sau Thủy Tổ Đinh Liệt là các vị Đinh Thừa Cận, Đinh Phúc Diên, Đinh Phúc Tiến, Đinh Phúc Đạt, v v…với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông sử về hai nhân vật Đinh Lễ và Đinh Liệt và hậu duệ của hai ông này.
Sau khi đối chiếu, chỉnh lý các tài liệu điền dã, tài liệu gia sử và quốc sử, chúng tôi tóm tắt nội dung cơ bản của lịch sử di tích từ đường họ Đinh như sau:
Lời tựa gia phả cho biết:
Nguyên tổ tiên ta là các vị có chức tước là:
Bình Ngô khai quốc công Thân Thái Sư Bân Quốc Công Đinh Lễ được ban quốc tính (họ Vua) là Lê Lễ, Bình Ngô khai quốc công thân Thái Sư Lân Quốc Công Đinh Liệt được ban quốc tính là Lê Liệt. Sau các vị này bẩy đời thì cụ tổ Đinh Phúc Diên có công diệt Mạc, phù Lê, được phong Trung hưng Công thần, chức vị là Thiếu Úy Dương Quốc Công.
Cụ Đinh Phúc Diên quê quán tại sách Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa, sau di cư ra ở tại thôn Ngoại, xã Y Đốn, tổng Y Đốn, huyện Thần Khê ( nay thuộc xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ND: Đào Hồng ). Từ cụ Đinh Phúc Diên, sau này con cháu phát triển thành nhiều chi, nhiều ngành. Đến triều Vua... niên hiệu Gia Khánh, con cháu đời thứ 14 kể từ cụ Thủy tổ là Đinh Lễ và Đinh Liệt, là các ông Đinh Thuần, Đinh Thời, Đinh Nghiêm và Đinh Miên cùng toàn thể đồng tộc biên tập lại cuốn phả này.
Đời Vua … niên hiệu Gia Khánh năm thứ 2
… ngày 10 tháng 12, thay mặt gia tộc:
Đinh Thuần, Đinh Thời, Đinh Nghiêm và Đinh Miên
Cung kính chấp bút.
Phần phả hệ từ cụ Đinh Lễ, Đinh Liệt được gia phả biên tập thế thứ như sau:Đời thứ nhất(1):
Bình Ngô khai quốc công thần Thái Sư Bân Quốc Công Đinh Lễ và em trai là Lân Quốc Công Đinh Liệt, đều được ban họ vua tức Lê Lễ và Lê Liệt.
Đinh Liệt sinh ba con trai (2) Đinh Lan, Đinh Công Đột, Đinh Công Hiến.
Đời thứ hai:
Trưởng nam Đinh Công Đột, chức Tả Thị Lang Bộ Binh, tước Văn Thắng Hầu Đinh Công Đột, sinh ra Đinh Công Minh, Đinh Công Địch.
Thứ nam Đinh Công Hiến sinh ra hai con trai là... ( không ghi rõ tên ở đây. ND Đào Hồng)
Đời thứ ba:
Đinh Công Minh sinh ra Đinh Công Hữu.
Đời thứ tư:
Đinh Công Hữu sinh ra Đinh Phúc Vận.
Đời thứ năm:
Trung Hưng Công thần Thái Bảo Nam Quận Công Đinh Phúc Vận sinh ra Đinh Thừa Cận.
( Riêng nhân vật Đinh Phúc Vận được Lê Quý Đôn chép là: Phúc Vận thờ Vua Anh Tông, Vua Thế Tông và Chúa Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tráng, tiễu trừ giặc Mạc, thu phục kinh sư lập được công, được thưởng Kim bài, phong làm Uy Dũng tuyên lực kiệt tiết công thần, Thái Tể Nam Quận Công. Theo sách Đại Việt thông sử tập III trang 172 Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1978 ).
Đời thứ sáu:
Trung hưng Công thần Thái Tể Thuý Quận Công Đinh Thừa Cận sinh ra Đinh Phúc Diên.
Đời thứ bẩy:
Trung hưng Công thần, Thiếu Uý Dương Quận Công Đinh Phúc Diên sinh ra Đinh Phúc Tiến.
( Nhân vật Đinh Phúc Diên được Lê Quý Đôn ghi chép như sau: Đinh Phúc Diên thờ Vua Thần Tông và Chúa Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng, đánh giặc lập được công, được phong Kim Bài, làm quan đến Tả Đô Đốc Đông Quân, Thiếu Uý Dương Quận Công - Sách đã dẫn trên ).
Đời thứ tám:
Khuông Cầu Hầu Đinh Phúc Tiến sinh ra Đinh Phúc Liên.
Đời thứ chín:
Trí An Hầu Đinh Phúc Liên sinh được ba con trai: Đinh Phúc Cảnh, Đinh Sâm, Đinh Phúc Hồ.
( Cụ Lê Quý Đôn chép là: Con của Phúc Tiến là Phúc Đạt thờ Vua Hy Tông, Vua Dụ Tông và Chúa Khang Vương Trịnh Căn, chức là Chánh Đội Trưởng, Phan Lộc Hầu, con thứ là Phúc Liên tước Trí An Hầu. Chỗ này chưa rõ và có thể các chữ Tiến, Vận, chữ Đạt và chữ Liên về mặt tự dạng hơi giống nhau. Nay chua cả ra để sau khảo cứu. ND: Đào Hồng).
Đời thứ mười:
Trưởng nam Đinh Cảnh sinh ra: Đinh Nhân Chiêu, Đinh Công Triều, Đinh Công Cao.
Thứ nam Đinh Sâm sinh ra Đinh Phúc Tín.
Quý nam Đinh Phúc Hồ sinh ra Đinh Phúc Vịnh, Đinh Phúc Hy.
Đời thứ mười một:
Cụ Đinh Phúc Tín sinh ra Đinh Nhân Hậu.
Đời thứ mười hai:
Đinh Nhân Hậu sinh ra Đinh Thuần, Đinh Thời, Đinh Nghiêm.
Đời thứ mười ba:
Cụ Huyện Thừa Đinh Thuần sinh được ba con trai: Đinh Miên, Đinh Hy, Đinh Khang.
Đinh Thời sinh được bốn con trai: Đinh Kiêm, Đinh Phán, Đinh Phạn, Đinh Tháo.
Đinh Nghiêm sinh được bốn con trai: Đinh Khôi, Đinh Do, Đinh Cương, Đinh Thiện.
Phần tiếp theo của Gia Phả là phần các cụ sao lại 2 đạo sắc phong của Đinh Lễ và Đinh Liệt do các vua triều Lê phong tặng và sao lại Kim Bài của cụ Đinh Phúc Diên được ban vào năm Hoằng Định thứ 12 (... ).
Kết luận :
Những tư liệu trên, minh chứng từ đường họ Đinh tại thôn Quyết Thắng, xã Bình Lăng là nơi tưởng niệm hai danh nhân lịch sử của Đất nước Đinh Lễ và Đinh Liệt là các bậc Công thần Khai quốc thời Hậu Lê thế kỷ thứ 15. Hậu duệ của Đinh Liệt vào thế hệ thứ bẩy là Đinh Phúc Diên đã chuyển cư từ sách Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa ra thôn Ngoại, tổng Y Đốn, huyện Thần Khê ( nay thuộc xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà ) vào khoảng nửa thế kỷ thứ 16. Đinh Phúc Diên được coi là Thủy tổ của dòng họ Đinh ở vùng đất này. Đinh Phúc Diên cũng là một danh nhân lịch sử đã kế thừa truyền thống anh hùng của tổ tiên là Đinh Lễ và Đinh Liệt trung thành với triều đại nhà Lê, tham gia tiễu trừ nhà Mạc, lập được nhiều công lao và được nhà Lê thưởng Kim Bài ( thẻ vàng ), làm quan đến Tả Đô Đốc Đông Quan, Thiếu Úy Dương Quận Công. Các con cháu ông ta là Đinh Phúc Tiến, Đinh Phúc Đạt, v v... đều phát huy truyền thống của dòng họ lập được nhiều võ công trong tiễu trừ nhà Mạc, trung hưng nhà Lê để thống nhất Đất nước.
Xét về mặt tiến hóa của lịch sử thì nhân vật Đinh Phúc Diên đã đứng về phía tiến bộ, có công lao vào công cuộc trung hưng nhà Lê, thống nhất Đất nước, để Đất nước có điều kiện phát triển, nhân dân đỡ khổ vì nạn binh đao chết chóc vì sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến. Trong góc độ nhìn về sự hình thành làng xã thì Đinh Phúc Diên được coi là một trong những vị tiên công, có công khôi phục làng xã sau chiến tranh Lê - Mạc tại vùng đất tổng Y Đốn thuở đó.
2) Giá trị văn hóa của di tích:
Di tích nằm trong khuôn khổ từ đường của dòng họ nên có quy mô nhỏ. Hiện tại di tích là một ngôi nhà ba gian, xây theo kiểu cổ, cuốn vòm. Toàn bộ nằm trên lô đất chừng 200 m2 do gia đình bà Đinh Thị Quý có con là liệt sỹ chống Mỹ trông nom, gia đình nằm trong diện chính sách xã hội.
Hệ thống đồ tế khí trong di tích bị mất mát, hư hỏng nhiều nên sơ sài. Gian trung tâm được dành để thờ thủy tổ là các vị Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Phúc Diên.
Hai gian xung quanh để các đồ tế khí và phối thờ các thế hệ sau của họ Đinh kể từ sau Đinh Phúc Diên.
Hiện tại từ đường còn có các câu đối đắp vữa có nội dung như sau:
Câu đối 1:
Quốc sử lưu bi địa kế Thụy đình thang mộc ấp.
Thần Châu hưng nhượng danh trì Mỹ lý duệ di hương.
Câu đối 2:
Hộ quốc tí dân bình Bắc khấu
Trừ tà phụ chính hiển Đinh môn.
Câu đối 3:
Dực phù trung vận quang tiền sử
Khâm lĩnh hoàng ân dụ hậu côn.
Nhìn chung lại: Di tích hiện tại bị xuống cấp nên các nét đẹp về giá trị văn hóa bị hạn chế. Di tích cần được tôn tạo và các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cấp di tích.
Đề nghị của Bảo tàng tỉnh Thái Bình:
Căn cứ vào giá trị lịch sử - văn hóa đã trình bày trên, Bảo Tàng tỉnh xác định về mặt lịch sử từ đường họ Đinh tại thôn Quyết Thắng, xã Bình Lăng là nơi thờ tưởng niệm hai danh nhân lịch sử của đất nước thời Hậu Lê là Đinh Lễ và Đinh Liệt, và là nơi thờ trực tiếp Đinh Phúc Diên - Tổ của họ Đinh tại mảnh đất này có công trung hưng nhà Lê và tên tuổi được các bộ sử cũ ca ngợi. Đinh Phúc Diên là nhân vật lịch sử có gắn bó trực tiếp với việc khôi phục và phát triển làng xã vùng đất này sau chiến tranh Lê - Mạc cuối thế kỷ 16.
Bảo Tàng Thái Bình nhất trí lập hồ sơ khoa học đề nghị Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình chứng nhận để di tích được xếp hạng trong danh mục đã được đăng ký và bảo vệ.
Thái Bình, ngày... tháng ....năm 1996
BẢO TÀNG THÁI BÌNH
TM / Giám Đốc
Phó Giám Đốc
NGUYỄN NGỌC PHAN
(Đã ký và đóng dấu)