Rừng cao su mùa thay lá
Ngày thứ Bảy đi làm thật chán ngán, ngồi ở văn phòng mà cứ ngóng chờ điện thoại kêu réo... tan sở tụ tập làm đôi chén tửu và ngân nga hát nhạc bolero. Ngồi hoài mà điện thoại vẫn im re, vậy là cắm tai phone nghe nhạc, nghe một lúc cũng chán. Đem hình cũ chụp ong bướm ra làm hoài cũng nản lòng.
Đang lạc trong một mớ bòng bong của cái buồn lạ, bỗng điện thoại reo lên, ông bạn gọi: "Chiều nay, đi chụp choẹt ở Bình Long - Bình Phước không? Mùa này, cao su lá vàng đẹp tuyệt." Chẳng cần suy nghĩ hay đắn đo, tôi trả lời liền: Đi ngay chiều nay à? Đi là đi liền á... đang buồn mà vớ phải kèo thơm, đi chơi ngắn ngày quá đã. Với lại lâu nay tôi nghe nhiều về Bình Long - Bình Phước mà chưa lên đây một lần, mới tới ngay Bù Đăng Bù Đốp, hay các vùng quanh quanh Bình Phước. Có lần đứa em bà con họ Đinh nhắn lên chơi mà lần lữa mãi cuối cùng chẳng tới nơi.
Như đã hẹn, anh em tập trung tại nhà anh Lê Dũng, xe anh Hồ Đình Thịnh đón chúng tôi lên đường, anh em đã chuẩn bị máy ảnh, các thiết bị để săn ảnh. Ai cũng háo hức lên đường vì rừng cao su ở Bình Long đang mùa thay lá.
Lá vàng lá xanh - một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp
Đôi chút về miền quê Bình Long: đó là một thị xã của tỉnh Bình Phước (Năm 1977 Bình Long thuộc tỉnh Sông Bé). Bình Long thành lập ngày 11-08-2009 bao gồm các phường: An Lộc, Hưng Chiến, Thanh Phú, Thanh Lương, Phú Đức, Phú Thịnh. Bình Long được sáp nhập ba huyện: Lộc Ninh, Hớn Quản và Chơn Thành. Ngày 11-08-2009 Bình Long được nhà nước quyết định trở thành một thị xã. Địa danh Bình Long nằm cách Sài Gòn khoảng 120km đi về phía Bắc. Dân cư ở đây phần lớn là bà con miền Trung đi kinh tế mới, chọn miền quê này để lập nghiệp, ở đây khá đông người Quảng Trị, Quảng Bình, Huế... Bình Long có rất đông đồng bào dân tộc Stiêng, Mọa, Tà Mun, Chàm, Khmer... Bà con ở đây đa phần trồng cây cao su, tiêu, điều.
Con đường cong cong, chạy giữa rừng cao su bạt ngàn.
Chiếc xe chạy bon bon đưa năm anh em: Dũng, Tiến, Thịnh, Khoa và tôi tiến về Bình Dương và theo tình lộ 13 để lên Bình Long. Anh Hồ Đình Tiến cưới vợ miền Trung và có bà con ở Bình Long, anh làm người đưa chúng tôi đi. Đi một khúc anh em lại nôn nóng hỏi tới đâu rồi, anh Tiến cười: Mới tới Chơn Thành à... còn khúc nữa thôi là tới nơi, yên tâm đi. Ngồi nói chuyện qua lại thì mới hay nhà chúng tôi chuẩn bị ghé là cậu mợ bên vợ anh Tiến, người quê Vĩnh Linh Quảng Trị, đồng hương với tôi.Nhìn những con đường dốc, đất đỏ như màu máu... làm tôi lại nhớ về miền núi cao của tôi: Khe Sanh - Hướng Hóa - Quảng Trị.
Đập vào mắt tôi là cái cổng dài, hai bên trồng hàng cau xanh ngát, đi hết hàng cau là căn nhà ba gian, có cái phòng lồi, cái giếng trước sân... chao ôi răng mà nhớ quê. Nhìn ngôi nhà và lối kiến trúc, tôi đoán chủ nhân của căn nhà rất yêu quê hương. Xe vừa đến đã thấy bà con đã tập trung đầy đủ tại nhà rất đông để chào đón cháu rể cùng anh em chúng tôi, nghe giọng Quảng Trị ôi sao mà thân thương. Những món ăn hương vị đậm đà, ớt cay xé lưỡi, thịt vịt chấm mắm gừng cùng ớt cay. Những chén rượu được nâng lên chúc nhau, mừng vui tình đồng hương nơi xa xứ. Đêm càng về khuya men càng đượm, tôi ngẫu hứng hát tặng cả nhà bài Quảng Trị. Vừa hát xong bà con vỗ tay khen làm tôi cứ thế thăng hoa mà ca với làm hài chọc cười mọi người. Mợ anh Tiến nói: Lâu ni O chưa có uống như ri, hôm ni bui quá nên O mần lúc nớ chừ là năm ly rồi đó, O cùng chú cũng hát đôi bài tặng cả nhà cùng nghe. Ai ai cũng vui cười - rộn vang cả xóm nhỏ. Tôi ấn tượng là những đứa nhỏ tuổi lên mười nói đặc giọng quê. Ấm chi lạ.
Mặt trời chưa ló rạng, tiếng loa phát thanh đã phóng lên bài tập thể dục, anh em dần thức giấc để đi vào rừng cao su chụp choẹt.
Ôi, phải chăng mùa Thu đang ở nơi này, lá vàng rơi rụng ngập cả lối đi, những tàng cây màu tuyệt đẹp: Lá vàng và chồi xanh tạo nên một tác phẩm tranh hội họa tuyệt đẹp. Anh em mê say cầm máy ghi lại những tấm hình làm kỷ niệm. Ánh mắt của kẻ đam mê chụp hình sáng rực lên khi thấy tia nắng xuyên qua những chiếc lá...
Đưa em tìm động hoa vàng
.
Những hàng cây
Lòng Hồ nên thơ.
Những chú trâu đang gặm cỏ
.
Hứng mủ cao su
.
Hứng mủ - đem lại đời sống ấm no cho người công nhân.
Người công nhân đang thu gom mủ cao su.
Thời gian đi và về ôi thật vội, những ánh mắt, nụ cười còn vương vấn nhau, tạm biệt ra về mà chân muốn ở lại. Xe chạy một đoạn rồi bỗng nghe tiếng gọi với theo, xe dừng lại và anh bạn chạy xe máy lên nói: Nhớ thu xếp ghé về thăm dịp gần nhất nhé, tôi nướng con heo rừng cho anh em ăn đã đời... nhớ nhé. À, nếu gia đình đón tiếp chưa chu đáo, có sơ suất gì xin anh em bỏ qua nhé...
Bình Long, Bình Phước 12-01-2014
Đinh Thanh Hải