Cuộc đời Má tôi (hoàn chỉnh)

ĐINH VĂN PHONG

Thành viên mới
CUỘC ĐỜI MÁ TÔI
(Viết về mẹ tôi, người đàn bà suốt cả cuộc đời hy sinh cho các con của mình)

Má lúc 90 tuổi
(Má ở tuổi 60)
proxy
proxy
(Má ở tuổi 95)

Chẳng biết tự khi nào, tôi không nhớ rõ, cho đến khi đã nhận thức được mọi việc chung quanh thì tôi đã thấy Má tôi khổ cực và vất vả rồi.
Ba tôi mất sớm, lúc ấy Má mới có 40 tuổi, để lại cho bà 2 đứa con thơ dại và 1 đứa còn trong bụng mẹ. Đứa con đầu (anh Phán) bị bệnh từ nhỏ, luôn luôn quấy rối phá phách làm cho Má chẳng yên tâm một chút nào. Tôi thì mới lên ba và năm sau mới sinh ra Phú (em tôi). Tôi còn một người chị và người anh kế nhưng đã qua đời lúc con nhỏ. Hình ảnh của ba, tôi chỉ nhớ một cách loáng thoáng mơ hồ khi ông nằm trên giường bệnh.
Nghe các anh tôi kể lại, tính Ba tôi trầm tĩnh ít nói, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan Nông Hội huyện (Mặt trận Việt Minh), về nhà ông thường phụ giúp Má tôi những việc gia đình mà chủ yếu là chăm sóc các con để bà có thời giờ buôn bán kinh doanh. Ông rất nóng tính, có những lần không kiềm chế được ông đã đập vỡ mấy ghè mắm cái và xúc thóc đổ ra giữa đường, tuy vậy đối với vợ con thì ông rất thương yêu và bảo vệ.
Ba tôi gặp Má tôi trong một mối tình ngang trái nhưng đầy lãng mạn. Ba đã có vợ 3 con, vợ ông (Mẹ Minh) là chị chồng của dì Long tôi. Bởi vậy khi xảy ra sự việc, ông Ngoại tôi kiên quyết phản đối, nhưng do tình yêu của hai người quá mãnh liệt nên họ đã tự quyết định đến với nhau, mặc cho thế sự. Thời ấy chuyện xảy ra như vậy là rất hiếm, dì Sáu tôi kể lại, lúc đó hai người đều làm cho Mặt trận Việt Minh, ba tôi làm cán bộ Nông hội còn Má thì làm công tác Hội phụ nữ. Khi ấy là thời kỳ kháng chiến chống Pháp nên phải tản cư lên Bình Phú, sau chuyển lên chợ Đo Đo (Bình quế) làm nhà và sinh sống luôn tại đó.
Má tôi có năng khiếu về buôn bán nên làm ăn rất khá cuộc sống mỗi ngày một ổn định và thịnh vượng. Năm 1952, cả tỉnh Quảng Nam rơi vào cảnh đói, đã có nhiều gia đình phải ăn củ chuối thay cơm nhưng gia đình tôi lúa vẫn đầy kho.
Năm 1954, hiệp định Genève ký kết, Ba tôi là đảng viên đảng Cọng Sản nhưng ông không đi tập kết (có lẽ không muốn rời bỏ vợ con). Khi chính quyền QG thành lập ông phải tránh trớ một thời gian nhưng rồi cuối cùng cũng bị bắt giam tra khảo. Vì thế ông bị bệnh nặng nên má tôi phải xin về nhà để chữa trị, thật không may, ông bị viêm phổi cấp tính nên đã qua đời. Ba tôi ra đi mà chung quanh không có một ai thân thích giúp đỡ chia sẻ, nhưng Má tôi là một người đàn bà có bãn lĩnh và nghị lực bà vẫn tiếp tục cuộc sống của mình để lo cho các con còn thơ dại.
Tôi vẫn còn nhớ, trong nhà Má tôi luôn luôn có người giúp việc như bà Châu, bà Ả Ra chẳng hạn. Nhà có cửa hàng tạp hóa Bán không thiếu một thứ gì, suốt ngày người mua kẻ bán lui tới nườm nượp, nhất là buổi chiều cho đến tối khi chợ Đo Đo sắp tan, thì họ người ta cầm đèn gió nối đuôi nhau đi về hướng tây, họ là những cư dân miền bán sơn địa như: An Xá, Sơn Tây, Đồng Linh, Phước Can…..
Một buổi chiều, Phú mới tròn một tuổi đang bị sốt, Má nằm trên võng vừa ru vừa cho bú, thình lình nó bị động kinh, trợn mắt. Má tôi hốt hoảng kêu bà Châu tới phụ để lấy thuốc cạy miệng đổ vào cấp cứu, khi ấy tôi thấy ông Ba Trí (nhà gần kề) chạy xuống bắt thang leo lên nóc nhà, giật lớp tranh giữa nóc ra đồng thời gọi rất to: “Bớ Đinh văn Phú! Ba hồn bảy vía mi hãy về đây bớ Đinh văn Phú”, ông gọi rất nhiều lần như vậy (sau nầy tôi mới biết ông ta đang gọi hồn sợ rằng ma quỉ sẽ bắt Phú đi mất) và sau đó không hiểu là do ông ông Ba Trí gọi hồn hay do uống thuốc Lục Thần Hoàn mà Phú đã thoát qua cơn nguy hiểm.
Bình Quế thuở ấy rất thanh bình, mặc dù là vùng trung du nhưng cuộc sống của cư dân tại đây khá nhộn nhịp, vào mùa hè tôi thường theo anh Phán đi câu cá ở các ao Bà Nhuế, đìa Bà Châu, có khi ra tới suối Đá Bạc. Cánh đồng ruộng phía trước nhà trơ gốc rạ, chúng tôi cùng lũ trẻ quanh xóm bắt châu chấu, dế mèn hay thả diều, đá bóng (những quả bóng được đan bằng sợi dây chuối). Những đêm trăng thanh vắng còn được nghe tiếng hát hò khoan của những chàng trai cô gái tỏ tình rất thơ mộng, hoặc tiếng sáo ai đó xa đưa vọng lại nghe u buồn da diết làm sao.
Có những chiều hè oi ả bất chợt có mưa giông chúng tôi thường được tắm mưa, đó là một cái thú mà bây giờ trẻ con không bao giờ có.
Về mùa đông mưa dầm gió bấc, ban đêm tiếng côn trùng nỉ non hòa chung một nhịp điệu vừa ai oán vừa buồn bã làm sao.
Chợ Đo Đo có thông lệ đông chợ vào buổi chiều từ 16 giờ cho mãi về đêm (bởi vì trước đây, thời kỳ kháng chiến, người ta sợ ban ngày dễ bị máy bay Pháp ném bom). Khi mặt trời sắp sửa khuất sau đỉnh núi phía tây, những cư dân vùng cao,họ lũ lượt đi thành từng đoàn mang theo những lâm thổ sản để xuống chợ bán rồi mua thực phẩm như cá mắm hoặc nhu yếu phẩm như dầu phụng, dầu hỏa, thuốc men, vải vóc…..Tùy theo từng mùa họ bán những loại trái cây rất ư dân dã như: bòng, mít, ổi, buần quân, tắc….đặc biệt là trái chà là, đã nhiều năm kể từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi không hề thấy xuất hiện nữa, hương vị thơm ngon, ngọt lịm khó diễn tả lắm.
Vào khoảng 1958-1959 Má tôi gửi tôi vào lớp vỡ lòng của cô Dung (tên cúng cơm: cô Tròn). Lớp học là một ngôi nhà tranh vách nứa tuềnh toàng, nằm giữa khu rừng Miếu, cây lá chung quanh rậm rạp. Tôi cùng đi học với một cô bé láng giềng tên Duyên (con của chú Sáu Hiền, thợ may), Những buổi đầu tiên vào lớp, tôi thường bị lũ trẻ cùng lớp hù dọa, gạt gẩm là sẽ bị cô giáo phạt bắt quỳ, khẽ tay, có khi nhốt nữa. Tôi đâm hoảng, bởi lúc đó tôi rất nhát gan, khiếp sợ trước bất cứ việc gì xảy đến với mình (có lẽ do tâm lý), đã nhiều lần tôi cùng với Duyên trốn học ra ngồi ngoài bìa rừng lượm cốc, hái dũ dẽ, hoặc bắt chuồn chuồn, bươm bướm, chờ tiếng trống trường vang lên là ôm cặp về nhà. Một thời gian ngắn, má tôi phát hiện, nên đã cho tôi một trận đòn nên thân và kể từ đó tôi không dám trốn học nữa, hình ảnh ấy, nhớ lại tôi thấy mình giống như cậu bé trong bài thơ “Quê Hương” của thi sĩ Giang Nam.
Thế rồi, năm 1959-1960 tôi vào lớp 1 trường tiểu học Bình Quế và học rất khá nhất là môn toán, má tôi rất hài lòng.
Trong giai đoạn nầy, chính phủ Ngô Đình Diệm phát động chính sách “dinh điền” di dân lập ấp ở những vùng Gia Lai, Ban mê thuột cho những gia đình nông dân nghèo, không ruộng đất. Họ hào hứng xung phong đăng ký đi tìm vùng đất mới để đổi đời. Phong trào di dân đã thu hút rất nhiều gia đình ở vùng này, do đó việc buôn bán của má tôi cũng bị ế ẩm theo từng ngày.
Má tôi là một người năng động và sáng tạo, bà theo dòng người di dân vào tại dinh điền để nghiên cứu xem nơi đó sẽ tiêu thụ được những gì, sau khi trở về bà đã thực hiện phương án của mình. Hàng hóa Má tôi mang đi đa dạng như: trầu cau, quần áo may sẵn, các dụng cụ làm rẫy như cuốc, xẻng, rựa, ngoài ra còn có cá khô và thuốc men trị bệnh nữa…..Những chuyến đi thường nhiều ngày, từ một tuần đến nửa tháng bằng xe đò (Renault). Má dặn bà Châu trông coi nhà cửa, gửi chúng tôi cho bà chăm sóc rồi lên đường, đó là quãng thời gian tôi buồn và lo lắng nhất. Má thường về đến nhà vào buổi tối hoặc nửa đêm, bà thường dựng tôi dậy đang lúc tôi ngủ say để cho ăn những món quà má mua ở dọc đường như là: cua Huỳnh đế, mạch nha, đường phổi, kẹo gương..v..v..
Thời ấy con đường từ chợ Đo Đo về Kế Xuyên hay Quán Gò không có phương tiện gì ngoài xe đạp thồ, mỗi lần về quê Ngoại anh em tôi thường được Má kêu ông Phi, ông Cả, hoặc ông Song chở chúng tôi đi, có nhiều khi đi bộ cùng với cô Thanh hoặc Song (con dì Long).
Anh Phán tôi đã đến tuổi trưởng thành, nhưng bệnh lý vẫn còn nên trí tuệ phát triển rất chậm, ông thường bị kẻ xấu xúi dục nên đã nhiều lúc yêu sách, vòi vĩnh, quậy phá nên làm khổ Má tôi suốt ngày…Có lần Má tôi đã thu xếp việc nhà để đưa anh tôi ra bệnh viện Huế để chữa trị nhưng không qua khỏi, họ nói anh tôi bị thần kinh mãn tính.
Năm 1961, học xong lớp 2, tôi được Má dẫn về Bình Tú gửi cho dì Sáu để đi học, thỉnh thoảng bà mới xuống thăm, nhiều khi nhớ nhà kinh khủng nhưng chẳng biết làm sao.
Ở Bình Tú so với Bình quế thì cuộc sống khá hơn văn minh hơn, bởi vì nằm trên trục QL1, được giao lưu tiếp xúc với những gì tân tiến hiện đại hơn, ví dụ như uống café’ buổi sáng, đánh răng bằng kem bót, uống nước lã qua bình lọc bằng sứ…v..v.
Ở đây, tôi đã có dịp đi du ngoạn cùng với nhà trường trong kỳ nghỉ lễ. Điểm du ngoạn là Rừng Bồng (thôn Tú Trà), phải đi bộ hơn 5 cây số đường đất, băng qua nhưng cây cầu khỉ chênh vênh, vượt qua trục đường tàu hỏa mà tôi thì còn nhỏ lắm mới có 9 tuổi, phải vừa đi vừa về trên 10 cây số. Sáng hôm ấy dì Sáu chuẩn bị cho tôi một bi đông nước chanh, một gói cơm bọc trong lá chuối còn nóng hổi. Tôi theo đoàn người để kịp đến nơi thì đã hơn 9 giờ. Rừng Bồng là một khu rừng rộng, cây thấp lè tè, không có một bóng mát, cả rừng là một đồi sim, hoa nở tím thẩm cả một vùng. Buổi trưa phải vào nhà dân để trú nắng.
Chiều hôm đó khi về đến nhà thì đôi chân tôi đã rã rời, mỏi mệt vô cùng, Tôi vội vàng đi ngủ sớm mà không kịp ăn tối.
Năm 1962, học xong lớp 3, tôi được Má chuyển ra Hà Lam để học lớp 4 (lúc đó anh Khôi học lớp 5), có lẻ ý Má muốn tôi về ở gần nội, gần bà con dòng họ, nơi mà ba tôi đã sinh ra và lớn lên. Thị trấn Hà Lam hồi đó rất đông đúc và sầm uất, nhà của Nội chỉ cách chợ (trung tâm thị tứ) chưa đầy 300 mét nhưng cuộc sống sinh hoạt hai nơi cách biệt vô cùng. Ở khu chợ và trục đường chính từ ngã tư Hà Lam đến sân vận động Đồng Thái, nhà cửa san sát nhau, buôn bán tấp nập, ban đêm có điện chiếu sáng đến nửa đêm. Nơi nhà bà Nội tôi nằm trong một khu vườn, chung quanh lũy tre bao bọc nhìn ra đồng lúa bàu sen, ban đêm thắp bằng ngọn đèn dầu hiu hắt không đủ sáng, cảnh vật rất là nông thôn thuần túy. Gia đình Nội vẫn theo truyền thống bao đời (làm ruộng), tôi không thể nào hiểu được, tại sao gia đình bà tôi, ai cũng có học, có kiến thức nhưng vẫn không thay đổi được nếp sống, tập quán bao đời nay. Là một đứa trẻ, đã từng sống trong môi trường kinh doanh buôn bán, tôi thấy bỡ ngỡ vô cùng. Tất cả kinh tế gia đình chỉ gói gọn trong một chữ “lúa”, họ cứ nghĩ rằng không làm ruộng thì sẽ đói mà thôi. Do vậy những năm lụt lội, thiên tai, mùa màng thất bát xảy ra thường là thiếu ăn. Ông Nội tôi mất sớm, bà tôi ở vậy nuôi con (ba tôi là con một). Bà là người giỏi về mọi mặt nhất là quản lý và tính toán, nên bà đã phân bổ như thế nào để lương thực trong nhà có thể ăn “giáp hạt”. Chúng tôi thường được bồi dưỡng qua những lần giỗ, chạp, tết còn ngày thường là phải thắt lưng buộc bụng mà thôi. Vì thế, tất cả thành viên trong gia đình đều phải góp công góp sức, cật lực lao động mới có thể vượt qua được cảnh đói nghèo.
Ngoài thời gian đi học ở trường, về nhà tôi phải chăn bò cắt cỏ. Anh Trung và anh Khôi cáng đáng việc nặng hơn: cày bừa, gieo cấy…chị Sâm lo việc nội trợ, chỉ có anh Kỳ đi học xa (Tam kỳ) nên không tham gia lao động. Mẹ Minh (mẹ lớn) tôi hằng ngày quảy gánh lên chợ buôn bán, mẹ buôn rất nhỏ, quán hàng khiêm tốn nên tiền lãi ít ỏi, chỉ phụ giúp một ít cá rau trong bữa cơm gia đình mà thôi, tính mẹ chậm chạp nhưng lại hiền từ, nhân hậu ít ai sánh bằng. Vì vậy bà Nội tôi phải gánh hết công việc quản lý gia đình từ A đến Z. Mắt bà đã lòa nhưng không có việc gì mà bà không để tâm tới, bà là một người phúc hậu, đức hạnh,thông minh và đẹp lão nhất vùng, thường nói những câu thành ngữ, tục ngữ để răn dạy con cháu trong nhà. Thật xứng đáng với câu: TIẾT HẠNH KHẢ PHONG.
Thỉnh thoảng Má cũng về thăm tôi khi có dịp đám giỗ ông nội hoặc giỗ ba. Nhìn thấy viễn cảnh như thế bà cũng xót xa khôn xiết, nhưng vẫn bấm bụng lặng im, hoàn cảnh như vậy thì biết tính làm sao hơn được, còn tôi thì chỉ biết vâng lời vì thấy Má đã vất vả lắm rồi.
Trong thời gian này Má cũng bán đi ngôi nhà ở Bình Quế, rồi chuyển hẳn về Bình Tú. Xin một vạt đất trống trong vườn dì Sáu để dựng lên một căn nhà tranh vách nứa làm chỗ che nắng che mưa cho anh Phán và Phú về ở, Má gửi gắm cả cho ông Ngoại và dì Sáu để tiếp tục buôn chuyến dài ngày, có lẽ buôn bán là nghề mà Má tôi đam mê nhất, bà không từ bất cứ một loại mặt hàng nào miễn là có lợi nhuận cao.
Thế rồi, có ai đó góp ý, giới thiệu về vấn đề chữa bệnh cho anh Phán tôi, Má thu xếp gửi Phú vào Quảng Ngãi cho anh hai Minh để đi học, rồi vội vàng dẫn anh tôi vào Sài gòn chữa bệnh, đó là năm 1963.
Tại Sài gòn, nơi má trú ngụ là số nhà: 305, Đường Hòa Hảo, nơi ấy cậu Hoàng và cậu Ba Hoan thuê để ở. Má đưa anh Phán tôi đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ bệnh viện lớn đến bệnh viện nhỏ, các BV: Chợ Rẫy, Chợ Quán, Bình Dân, Nguyễn văn Học bà đều tới cả nhưng các bác sĩ đều lắc đầu. Cuối cùng họ có một đề nghị, nếu Má đồng ý làm giấy cam kết thì họ sẽ đưa sang nước ngoài để chữa trị, với điều kiện là thành công thì trả về còn không được thì xem như đã mất. Má tôi suy nghĩ mãi, rốt cuộc không đồng ý. Má sợ rằng sẽ vĩnh viễn mất đi đứa con bất hạnh nầy, chẳng thà chịu cực, chịu khổ vẫn còn hơn.
Có một lần, Má gửi anh tôi ở bệnh viện Chợ Rẫy, gần nhà cậu Hoàng và theo một người mới quen đi lên biên giới Việt-Miên để buôn hàng quốc cấm ở cửa khẩu Tây Ninh. Hàng hóa là những hàng dân dụng do Trung Quốc sản xuất nhập lậu vào Cao Miên rồi chuyển qua biên giới như: dầu gió, phích nước, bát đĩa sành sứ…v…v..Những chuyến đầu tiên trót lọt nên rất có lãi, về sau thì bị Hải Quan bắt tịch thu, mất vốn. Má trở về Sai gòn vào bệnh viện thăm con thì anh hai tôi đã không còn ở đó nữa. Do thấy Má đi lâu không về nên anh tôi trốn ra khỏi bệnh viện để đi tìm, giữa đô thành Sài gòn đông đúc, xe cộ dập dìu, đường sá chằng chịt như mạng nhện, anh tôi đã bị lạc đường, không tìm về được chỗ cũ bị cảnh sát đô thành bắt giữ và đưa vào nhà thương Biên Hòa. Vậy mà Má tôi vẫn lần mò tìm được anh tôi dẫn về, ai ai cũng khâm phục là bà quá giỏi, quá gan dạ.
Năm 1964 (Giáp thìn) trận bão lụt có một không hai đã xãy ra trên quê tôi, tất cả đều bị tàn phá bởi cơn gió khốc liệt và nước lũ dâng cao, tất cả đều ngập chìm trong biển nước mênh mông, căn nhà của gia đình tôi ở Bình Tú cũng bị sập và nước lũ cuốn trôi.
Đầu năm 1965, do gia đình dì tôi tản cư ra Đà Nẵng, ông Ngoại gọi tôi về ở chung cho đỡ hiu quạnh, đồng thời ông tôi gửi thư vào cho má kèm theo bài thơ “giỗ bà Ngoại”. Má tôi khóc sướt mướt nên vội vàng thu xếp đưa anh Hai tôi trở về lại quê hương.
Hai người trở về bằng đường tàu thủy, con đường QL1 vẫn còn gián đoạn chưa được phục hồi sau cơn bão lụt. Sau một thời gian nghỉ ngơi, Má tìm mua lại một căn nhà của dì Chung (bà con bên ngoại của Má), gần sát vệ đường QL1 của xóm Cẩm Lũ để làm ăn sinh sống. Nhờ tài kinh doanh của bà mà chỉ một thời gian ngắn, bà đã chiếm lĩnh thị trường, làm ăn phát đạt, cũng chính vì lẽ đó mà những người buôn bán chung quanh đã tị hiềm, ganh ghét, họ đã vu cáo cho má tôi là đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho Cọng Sản. Họ bắt Má ra quận Thăng Bình để tra xét, cung khai, may nhờ ơn trên, gặp người quen giúp đỡ nên bà thoát khỏi kiếp nạn.(Sau nầy tôi mới biết Má đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho CM).
Ngoài những ngày đi học ở Hà lam, tôi còn phải phụ giúp Má đi mua hàng hóa từ các nơi như Tam Kỳ, Đà Nẵng. Trong nhà chất đầy hàng hóa: bia rượu,nước ngọt, dầu phụng dầu hỏa, nước mắm xì dầu, các loại đồ hộp của Mỹ sản xuất như: coca cola, thịt, cá đóng hộp, bánh kẹo đủ loại..vv.kể cả nước đá (lạnh). Ngoài ra Má còn thu mua gạo “mùa” của nông dân tại đây rồi sai tôi mang vào chợ Tam kỳ tiêu thụ.
Tết năm Bính ngọ (1966) Má tôi nhờ những người quen đi chợ, nhắn Nguyệt (con gái duy nhất của dì Ba Cúc của tôi) xuống chơi, nếu em đồng ý thì ở lại để đi học luôn. Má là người giàu tình cảm và có trách nhiệm, luôn luôn để tâm về những người thân của mình, bà vẫn đau đáu trong lòng về đứa cháu côi cút đang sống vất vả, khó khăn ở tận vùng quê xa xôi hẻo lánh An Bường (Tú Trà), dì Ba tôi qua đời khi Nguyệt mới lên 3 tuổi, Má muốn rằng cháu của bà phải được sống đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn như những đứa trẻ khác.
Hai anh em bạn dì, lần đầu tiên mới thấy mặt nhau. Nguyệt dáng người thấp bé, nhỏ nhắn như một đứa trẻ mặc dù chỉ kém tôi hai tuổi, nói tiếng vùng trên rất nặng, chỉ có đôi mắt là to và sáng (Má tôi bảo đôi mắt ấy giống dì Ba lắm). Má lì xì tiền cho Nguyệt và bảo tôi dẫn em ra khu vui chơi đầu xuân để giải trí. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh một cô bé nhà quê nhỏ nhắn, ngây thơ ham mê trò chơi: “Tôm cua bầu cá” .
Nguyệt là một cô bé có cá tính mạnh, ưa lý sự và rất cứng đầu, tôi nhớ có lần nó chọc giận anh Phán, suýt bị đánh những vẫn không hề chạy, không hề sợ hãi. Có những đêm chó sủa vang, tiếng chân người dồn dập, súng nổ tứ bề, chúng tôi chạy vào hầm trú ẩn, Nguyệt thì thầm: “Bộ đội giải phóng đang đi bám đó” với vẻ mặt tỉnh bơ, mà tôi thì đang lo sốt vó. Một hôm có người cùng làng (làm ở UB.Xã chế độ cũ) thấy Nguyệt ở tại nhà tôi, nghi rằng Nguyệt xuống để do thám tình hình. Má tôi sợ rằng họ sẽ bắt Nguyệt đi mất nên sai tôi chở nó về Hà Lam lánh nạn và sáng mai đón xe đò gửi ra nhà dì Sáu ở Đà Nẵng.
Một thời gian, nghe tin dượng Tú (ba của Nguyệt) bị máy bay Mỹ hành quân bắt về trung tâm cải huấn tỉnh Quảng Tín, Nguyệt vội vàng về quê vào Tam Kỳ thăm ba, sau đó dượng Tú bị qui tội danh hoạt động cho Cọng Sản nên đưa ra giam ở nhà tù Côn Đảo. Nguyệt không ra Đà Nẵng nữa mà thoát ly theo Cách Mạng lên núi luôn, kể từ đó chúng tôi không còn tin tức gì nhau nữa.

Nguyệt những năm tháng ở Hà Nội ( học sinh miền Nam)

Má có một người em gái thứ 4 là dì Long. Ngày xưa cũng tản cư lên Bình Quế, ở sát bên nhà Má tôi, sau khi dượng Long mất một thời gian, dì tục huyền với dượng Giáo Mẫn (khi đó đang làm Đại diện xã Bình Quế), sinh thêm được 2 con là Trung và Thu. Lúc chiến tranh xảy ra gia đình dì chuyển về Tây Mỹ (Bình An).
Có một lần, má dẫn tôi vào Tam kỳ để mua hàng về bán,nghe tin dì Long ốm nặng đang nằm ở nhà thương quận Tam kỳ (đường Trần cao Vân), Má vội vàng dẫn tôi tới thăm. Nằm trên giường bệnh, giọng nói yếu ớt, đứt quãng dì đã trăn trối lại với má tôi rằng nhờ chị nuôi dùm hai đứa nhỏ, chứ chắc em không qua khỏi. Hai chị em cùng khóc, tôi cũng xúc động khôn cùng. Sau khi động viên an ủi dì, Má không đi mua hàng nữa mà cùng tôi lên xe về nhà ngay.
Tối hôm đó, trong bữa cơm gia đình, Má trình bày lại với ông Ngoại chuyện ốm đau của dì Long, nhờ ông vào Tam kỳ dùng quan hệ đồng nghiệp cũ để xin được chuyển dì Long ra Đà Nẵng chữa trị. Ông tôi lắc đầu một cách rất quyết liệt, bởi vì ông còn đang giận dì tôi vì một chuyện cách đấy nhiều năm rồi……….. Má tôi không nản lòng, cố thuyết phục mãi nhưng ông tôi vẫn im lặng.
Sáng hôm sau, ông tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày kêu Má chuẩn bị cho ông mấy lon nếp để đi đường (ông đang bị bệnh đau dạ dày), rồi đón xe đò đi thẳng đến chỗ dì Long đang điều trị, chẳng hiểu ông tôi đã nói gì với ông Y sĩ Trung, chỉ thấy rằng ngay trưa hôm đó, dì tôi được chuyển ra bệnh viện Đa Khoa ĐN bằng máy bay trực thăng, và mổ cấp cứu luôn, nhờ vậy dì tôi mới thoát khỏi cơn bệnh ngặt nghèo.
Má còn có một người em gái út đó là dì Hương (dì Sáu). Vì hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình dì phải chuyển ra Đà Nẵng để làm ăn sinh sống, dì hành nghề y và mở nhà hộ sinh tư, làm ăn rất phát đạt. Tính dì rộng rãi, tâm lý và rất thương cháu nên bọn cháu ngoại chúng tôi thường xuyên ghé ra thăm dì trong những dịp lễ tết hay những kỳ nghỉ hè. Các con của dì với chúng tôi thân thiết và gần gũi nhau như anh em trong nhà vậy, còn chúng tôi xem gia đình dì là chỗ dựa tinh thần tốt nhất bởi vì bọn chúng tôi đều là những đứa trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Dì thường may sắm áo quần cho chúng tôi, những dịp cuối tuần, nhà dì thường tổ chức đi Picnic hay tắm biển…cũng có khi dì cho tiền để mấy anh em cùng nhau đi xem phim rạp và ăn uống vui chơi….Đặc biệt là dì rất thương Má tôi, một người chị đã chịu nhiều nỗi khổ và vất vả suốt cả một đời.
Ngày 20-09 âm lịch (1966) ông tôi đột ngột qua đời, Má tôi mất đi một người thầy, một người cha, một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Các cháu ngoại mất đi một người ông đáng kính.
Cuối năm ấy, quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt nam rất nhiều, họ đóng rải rác trên trục đường QL1, mà cầu Cẩm lũ quê tôi là trọng điểm. Có một đêm, bên giải phóng đột kích vào, hai bên giao tranh ác liệt, máy bay quân sự AC.47 quần trên bầu trời thả hàng loạt những trái hỏa châu, rực sáng cả một vùng trời rộng lớn, kế tiếp các phóng pháo cơ B.52 trút bom xuống hàng loạt, nhà ông xã Hương bị trúng bom (cách nhà tôi chừng 300 mét đường chim bay). Sáng hôm sau khi đến hiện trường thì chẳng còn thấy ngôi nhà ngói xưa to lớn bề thế nhất vùng thời ấy đâu cả, chỉ còn là những mảnh gạch vụn tung tóe khắp nơi, hầm trú ẩn bị sụp đè chết 25 người vừa lớn vừa nhỏ, thật là khủng khiếp. Ôi! Chiến tranh sao mà đau thương tang tóc thế, ai ai cũng nguyện cầu, mong ước sao cho hòa bình mau mau trở lại trên đất nước nầy, thời ấy ngủ qua một đêm, sáng thức dậy mới biết rằng mình vẫn còn sống. Thời gian vẫn trôi đi, kẻ còn người mất, cuộc sống của con người đều phó thác cho số mệnh, trời kêu ai nấy dạ mà thôi.
Ngày 03-09-1967 ngày bầu cử tổng thống phó tổng thống VNCH, thùng phiếu được đăt tại xóm Cẩm Lũ, lính các nơi đổ về bảo vệ, họ đóng rải rác khắp nơi, đêm 02-09 rạng 03-09 quân giải phóng tấn công đánh ngay vào bộ chỉ huy lính QG, hai bên giao tranh ác liệt, họ đã xáp lá cà. Súng nổ rền trời, thương vong vô số, tiếng hô xung phong, tiếng đại bác yểm trợ gầm rú nghe rợn người. Đột nhiên, có một quả đi sai tọa độ rơi trúng ngay trên mái nhà gia đình tôi, tiếng nổ đinh tai, khói bụi mịt mờ, tôi đạp cửa sau tung ra để cứu chữa nhưng không thể nào cứu được. Đang là mùa gió nồm nên cháy càng mạnh, trong nhà hàng hóa, dầu mỡ quá nhiều, hơn nữa đang lúc hai bên giao tranh bom bay đạn lạc nguy hiểm khôn cùng. Cả nhà lực bất tòng tâm đứng nhìn ngọn lửa cuồn cuộn mà lòng đành ngậm ngùi cay đắng. Cả một gia tài sự nghiệp gầy dựng bao nhiêu năm, trong phút chốc đều tiêu tan, chẳng còn lại một thứ gì cả. Chúng tôi phải rời hầm trú ẩn chạy sang hầm ông Hương Thơ để lánh nạn, Má khóc hết nước mắt, thế là từ nay chúng tôi không còn nhà để ở nữa rồi. May mắn là mọi người vẫn an toàn không ai hề hấn gì.
Sau thảm cảnh đó, tôi, Phú và anh Phán đều phải về Hà lam ở với bà Nội. Má vào Tam Kỳ xin trợ cấp tạm thời chờ chính phủ giải quyết bồi thường chiến tranh. Nhiệm kỳ đó liên danh ông Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ thắng cử. Nhân chuyến đi công du Miền Trung, ông Nguyễn Cao Kỳ (phó tổng thống) đã ghé lại Tam kỳ tổ chức một cuộc meetting ngay bến xe (hiện nay là siêu thị Co.opmake) để trưng cầu ý dân, Má tôi không hề sợ sệt, bà cầm đơn đến gặp thẳng ông ta và xin bồi thường chiến tranh. Tuy chưa giải quyết ngay được nhưng ông ta đã tạm biếu bà một số tiền: 20.000Đ (số tiền này có thể làm được một căn nhà tàm tạm để ở). Về nhà Má kể lại ai ai cũng phát hoảng, tại sao bà lại gan dạ đến thế???.
Với số tiền ấy, Má không làm nhà mà lấy làm vốn để buôn bán. Ban đầu Má xin ở nhờ nhà bà Đoàn Phiến và đi buôn heo thịt ra Đà Nẵng bán, sau khi đã quen mối lái Má chỉ việc ở tại chỗ thu mua, sáng gửi qua xe đò giao cho chủ vựa chiều thu tiền đem về luôn, bà thuê mấy nhân công chuyên đi bắt heo và vận chuyển.
Năm 1969, tôi học xong lớp đệ tứ (lớp 9), ở Thăng bình không có trung học đệ nhị cấp nên chúng tôi được chuyển vào Trần Cao Vân tại Tam Kỳ để học các lớp 10,11,12. Má xin cho tôi ở trọ gia đình chú Nghiêu (anh em thúc bá với tôi), còn Phú thì vẫn ở với bà Nội học cấp 2. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi đều về thăm nhà và phụ giúp Má trong nhiều công việc. Có một đêm nọ, tôi đang ngủ ở nhà thì thình lình có tiếng gõ cửa gấp, Má mở cửa mấy người lính giải phóng vào lục soát để tìm bắt thanh niên, súng cầm tay họ nhìn tôi một lúc rồi ra lệnh bắt dẫn đi, Má năn nỉ xin mãi nhưng họ từ chối, vừa dẫn ra trước sân thì một tiếng nổ rất to (họ đặt mìn giật sập cầu Cẩm Lũ), sau đó tiếng còi thổi inh ỏi báo hiệu lệnh rút quân, họ vội vàng bỏ đi để tôi ở lại một mình giữa sân. Kể từ đó tôi không dám ngủ tại nhà qua đêm nữa mà tìm những nơi an toàn hơn để nghỉ.
Năm 1970, Má thấy nhà ông Nguyễn Ngọc Mân (bố của Nguyễn Nhật Ánh) bỏ trống, bà xin thuê lâu dài và chuyển hết về đó. Má không còn buôn heo thịt nữa mà chuyển sang thu mua đậu phụng ép dầu để bán, vào dịp hè tôi thường phụ Má trong việc thu mua vận chuyển, đã có nhiều lần đi xuống các vùng Phước Thạnh, An ngãi, Phú An tôi đã gặp những lính du kích quân giải phóng, họ thường dặn Má không được nói gì, thấy gì khi về lại nhà. Thật là quá nguy hiểm.
Trong thời gian nầy, dì Long tôi đã hoàn toàn hồi phục sau hơn hai năm điều trị, mổ đi mổ lại nhiều lần. Má không muốn dì về lại Quán gò nữa nên gọi dì ra Bình Tú ở chung nhà cho vui, dì dọn một hàng tạp hóa nhỏ lẻ để sinh sống qua ngày, Trung và Thu cũng ra chơi mỗi khi có dịp lễ, tết hay nghỉ hè.

proxy
Hai chị em (chụp tại nhà ông Mân năm 70)

Chờ đợi mãi cuối cùng cũng đến, chính phủ đã giải quyết bồi thường chiến tranh cho gia đình tôi. Với số tiền ấy cùng với số vốn làm ăn dành dụm có sẵn, Má quyết định đầu tư một máy xay xát hiệu Yanmar do Nhật sản xuất. Máy có dây chuyền tự động, đổ lúa vào đầu nầy đầu kia sẽ cho ra gạo trắng sạch đẹp mà không cần phải làm thóc nữa, đây là một phát minh hiện đại của ngành nông nghiệp, giải phóng cho người nông dân đỡ hao tốn sức lực và thời gian, hầu như ai ai cũng thích thú và hài lòng với máy móc tân kỳ nầy. Cho mãi đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được, tại sao Má tôi là đàn bà mà có nhiều bãn lĩnh đến thế, rõ ràng là bà đã tiếp cận nền văn minh hiện đại rất nhanh, đàn ông chưa chắc đã có mấy ai. Hồi đó ở Bình Tú chỉ có vài máy xay xát như thế, nên khi đặt máy vừa xong là máy đã chạy suốt ngày rồi. Ngoài những ngày đi học ở Tam kỳ, tôi phải năng đi về nhiều hơn, tham gia vào khâu kỹ thuật, mua phụ tùng thay thế, sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, phát huy được về khả năng kỹ thuật của mình. Má thuê một vạt đất trống của bà Ngọt nằm sát bên QL1 để đặt máy, sau nầy mua thêm máy xay bột đậu phụng và đặt thêm bộng ép dầu nữa.
Đã có một thời gian má đâm ra mê đánh số đề, bà đam mê đến nỗi mua luôn cuốn sách Bảo Tài Chi Thuật của chiêm tinh gia Xuân Triêm về để nghiên cứu, mua kính lúp để soi vào những thơ đề tìm manh mối lời giải, đó là thời gian tệ hại nhất. May mà giải phóng đến nhanh chứ không biết việc gì sẽ xảy ra nữa…….
Năm 1971 tôi đỗ tú tài phần 1 rồi năm 1972 đỗ tú tài phần 2. Một mùa hè lịch sử, mùa hè đỏ lửa, đã thay đổi tất cả những dự định, ước mơ, hoài bão của thế hệ học sinh chúng tôi. Lệnh tổng động viên ban hành khẩn cấp, hạ xuống môt tuổi để sung vào quân dịch, vì vậy tôi phải vào trường sĩ quan với 9 tháng quân trường, 3 tháng chiến dịch rồi cuối cùng về Tiểu Khu Quảng Tín. Tôi đã luân chuyển khắp các chiến trường trong tỉnh, gian khổ và hiểm nguy đều nếm trải, tất cả việc nhà tôi bàn giao cho Phú thay tôi trông nom để phụ giúp Má, họa hoằn lắm tôi mới tranh thủ về ghé tạt qua thăm Má thôi.
Thế rồi giấc mơ hòa bình cũng đến với mọi người mọi nhà, dù sao đi nữa chấm dứt chiến tranh vẫn là điều tốt đẹp nhất. Sau năm1975 tôi đã trút bỏ chiếc áo Treillie bất đắc dĩ, tôi cảm thấy thỏa mái nhẹ nhàng hơn, mặc dù với tôi thì không thuận lợi về mặt chính trị lắm, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trong cuộc chiến vừa qua mình còn tồn tại là quí lắm rồi, đâu đòi hỏi gì hơn.
Sau 1 năm tập trung cải tạo, khi trở về lại quê nhà thì tất cả đều thay đổi. Má làm ăn phát triển hơn trước, bà mua sẵn một chiếc xe Honda 4 bánh, vận tải hành khách 12 chỗ để dành khi tôi về sẽ có phương tiện làm ăn. Anh Hai Phán tôi đã có vợ con và Phú thì vào nghề giáo, dạy ở gần nhà.
Năm 1976, Má triển khai làm được ngôi nhà ngói bề thế, đưa bàn thờ ông Ngoại từ nhà dì Sáu về để thờ phụng, hương khói. Tôi theo cậu Quốc đi xe khách, Má ra phòng lương thực huyện xin nhận hợp đồng lúa về để xay xát gia công, công việc làm ăn rất ổn định. Năm 1978-1979, theo chủ trương của nhà nước tất cả các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể đều phải vào HTX, kể cả ngành nông ngiệp. Má tôi có khoảng hơn 1 mẫu, nhưng bà không vào, có lẽ tại Bình Tú hộ gia đình tôi là hộ duy nhất không vào HTX mà thôi.(Hiện nay vẫn là ruộng tư không chịu sự quản lý của HTX) vì lẽ đó nên nền nông nghiệp trì trệ, các xã viên HTX làm công tính điểm, cuối vụ chẳng được là bao, lúa gạo trong nhân dân không nhiều như trước đây nên ngành xay xát cũng ế ẩm, đình trệ. Má đành bán toàn bộ máy móc thiết bị xay xát và trở lại con đường buôn chuyến BMT. Có một lần Má dẫn tôi vào BMT thăm anh Kỳ, đồng thời tham quan, tìm hiểu xem thử nơi đó có thích hợp để lập nghiệp hay không (lúc nầy tôi đã có vợ 1 con rồi) nhưng cuối cùng tôi không muốn. Năm 1983 tôi sinh đứa con thứ 2 thì Phú cũng có vợ về ở với gia đình, Má làm riêng cho vợ chồng anh Phán một căn nhà riêng biệt, còn tôi thì vì điều kiện nên vào sống tại Tam kỳ.

Vợ chồng anh Đinh Văn Phán 2008

Năm 1985 Phú chuyển công tác về phòng Giáo Dục Thăng Bình sau một thời gian mua đất làm nhà nên ở Bình Tú chỉ còn lại mỗi mình Má. Năm 1995 các con của anh Phán đã lớn khôn, mỗi đứa đi làm mỗi nơi, ở phương xa nên chẳng có ai gần gũi chăm sóc má trong những lúc ốm đau, hoặc lúc mưa nắng trở trời. Tôi bàn với Phúbán đi căn nhà thân thương đó để Má về sống với ai tùy Má chọn. Mặc dù trong thâm tâm Má chẳng bao giờ muốn như vậy nhưng làm sao hơn được, hoàn cảnh mà. Cuối cùng Má chọn nhà Phú, bởi lẽ nơi đó dẫu sao cũng là quê nội của tôi, hơn nữa cũng gần Bình Tú, mỗi khi muốn chạy về thăm anh Phán thì vẫn tiện lợi hơn. Dù ở nơi nào Má cũng luôn luôn nghĩ về đứa con bất hạnh đã làm khổ bà suốt cả một đời, Má đã dành cho anh tôi một tình thương cao cả, bao la nhất của một người mẹ vì con mà hy sinh cả cuộc đời mình. Giờ đây, Má tôi đã già yếu rất nhiều, trải qua 95 mùa lá rụng, mắt đã mờ, tai đã lãng, trí óc không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên, nhưng nhờ ơn trên phù hộ, Má ăn được, ngủ được nên vẫn còn đi lại trong nhà, âu đó cũng là phúc lớn vậy. Chúng tôi vẫn hằng cầu mong sao Má sẽ sống thanh thản, bình yên cho đến ngày má về với cõi vĩnh hằng.
Cuộc đời của má là một tấm gương cho các con cháu noi theo đó là: lòng chung thủy, tình yêu thương, bãn lĩnh, gan dạ, hy sinh. Với nghị lực phi thường đã phấn đấu không biết mệt mỏi trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh để nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ các con nên người. Tôi viết về Má với tất cả tấm lòng tin yêu nồng ấm nhất, sự tôn vinh thành kính nhất của một đứa con mãi mãi khắc ghi hình ảnh người mẹ vĩ đại nhất trong cuộc đời này.


Tam Kỳ ngày 01-01-2010
Mùa đông năm Kỷ Sửu
Con trai: ĐINH VĂN PHONG

Mừng lễ Thượng Thọ của Má (90 tuổi)
Vợ chồng Phong - Nữ và cháu Nội Đỗ Quyên
proxy
Vợ chồng Phú - Hiệp
Cháu Đinh Quốc Khánh và bà Nội

proxy
Má và cu Dũng (con anh Phán) 1977
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Vào lúc 07 giờ ngày 22/02/2011 (20/01/năm Tân Mão). Má chúng tôi đã qua đời, một cách nhẹ nhàng thanh thản, hưởng thọ 96 tuổi. Tang lễ được tổ chức rất chu đáo và long trọng. Con cháu đều tựu về đông đủ kể cả những người ở rất xa như Saìgòn, BMT, Huế. Quan khách đến rất đông để tham dự, chia buồn, phúng điếu và tiễn đưa Má chúng tôi về nơi AN NGHỈ CUỐI CÙNG.

Má ơi! Vẫn biết rằng sinh ly tử biệt là qui luật trong cõi đi về nhưng lòng chúng con vẫn đau xót khôn nguôi. Cầu mong Má mãi mãi bình yên, thanh thản trong cõi vĩnh hằng.


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh tang lễ cụ bà : Ngô Thị Phán



Lễ thành phục
Các con trai và cháu Nội
Cúng Ngọ

proxy



proxy
Đinh Văn Phong đại diện gia đình tang quyến đọc ĐIẾU VĂN

proxy

Dì Hương (em Út của Má) và 2 con gái: Xuân, Thủy đang dâng hương
Các thân hữu gần xa đến phúng điếu

Bà con thân bằng quyến thuộc đến viếng hương
Chuẩn bị DI QUAN
Lễ Hạ Huyệt
ĐIẾU VĂN
(Tang lễ cụ bà: NGÔ THỊ PHÁN)
Cụ Bà Ngô Thị Phán (tự là Ngô Thị Xuân Lan) tục danh Hai Thông.
Sinh năm : 1916 (Bính Thìn) Mất ngày: 22 tháng 02 năm 2011.( nhằm ngày : 20 tháng 01 năm Tân Mão )
Hưởng thọ : 96 tuổi.
An táng ngày: 23.tháng 02 năm 2011 (nhằm ngày ngày 21 tháng 01 năm Tân Mão.)
Tại Nghĩa địa Xá Trâu, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng nam.
- Kính thưa quí vị đại biểu chính quyền địa phương. Các cơ quan, đoàn thể ban ngành, trường học trong địa bàn tỉnh.
- Kính thưa bà con Nội Ngoại bốn bên, quí vị thông sui gia và thân bằng quyến thuộc.
- Kính thưa các vị khách quí đã có lòng đến tham dự lễ truy điệu và tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hôm nay là ngày gia đình tang quyến chúng tôi long trọng làm lễ truy điệu cho mẹ, bà, cố của chúng tôi mất ngày: 22 tháng 02 năm 2011 (nhằm ngày 20 tháng giêng năm Tân Mão).Trong giờ phút đau xót này trái tim của mỗi người chúng ta nặng trĩu những tình cảm tiếc, nhớ, buồn, thương. Xin quí vị cho phép chúng tôi được nhắc lại đôi lời về cuộc đời nhân ái của người quá cố, người sẽ chia tay chúng ta trong một vài giờ sắp tới, sẽ giã từ cõi thực bước vào cõi hư để hoàn thành chặng đường cuối cùng của kiếp nhân sinh.
Kính thưa quí vị, Má của chúng tôi bà: NGÔ THỊ PHÁN, nhủ danh Ngô Thị Xuân Lan, tục danh Hai Thông sinh năm 1916 (Bính Thìn) trong một gia đình có nền nếp nho học, nguyên quán làng Trường An, xã Bình Tú, huyện Thăng bình, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ của bà là cụ ông Ngô Công Chính một bậc nhân sĩ có lòng hào hiệp, khẳng khái không khuất phục cường quyền, được nhiều tiếng tốt ở địa phương. Thân mẫu của bà là cụ bà Lê Thị Hiếu một đấng hiền mẫu suốt đời hy sinh cho chồng con, chắt chiu dành dụm lo cho gia đình, được mọi người quen biết hết sức kính trọng. Đặc biệt là trong những năm giữa thập niên 1920 khi cụ ông Ngô công Chính xuất ngoại đi Châu Âu, cụ bà Lê Thị Hiếu đã một mình nuôi dưỡng dạy dỗ các con và phụng dưỡng mẹ chồng hết sức chu đáo, nêu một tấm gương tốt cho mọi phụ nữ làm vợ, làm mẹ, làm dâu theo truyền thống Việt Nam thời bấy giờ.
Có một người cha như thế, có một người mẹ như thế Má tôi thật may mắn đã thừa hưởng tất cả những phẩm chất tốt đẹp tạo nên đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
Trong số những đức hạnh đó, chúng tôi xin được đặc biệt nhắc đến hai điều: Một là lòng can đảm không khuất phục cường quyền, di truyền từ thân phụ và hai là sự hy sinh tận tụy trọn đời cho chồng cho con, di truyền từ thân mẫu của bà.
Kính thưa quí vị. Vào năm 1940 Má tôi đã gặp và yêu ba tôi ông Đinh văn Đángtrong một mối tình đầy lãng mạn nhưng cũng vô cùng trắc trở. Hai người đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để đến với nhau. Mối tình mà bà vô cùng trân trọng ấy đã cho bà được 5 người con. Mối tình đẹp như bài thơ ấy tiếc thay không kéo dài được bao lâu. Năm 1955 sau khi đất nước bị chia đôi, ba tôi bị chính quyền miền nam bắt giam và tra tấn thành bệnh nặng rồi mất trước khi chưa kịp nhìn thấy đứa con trai út ra đời. Tổng số thời gian Má tôi hưởng hạnh phúc bên người chồng kính yêu vỏn vẹn chỉ được 15 năm. Trong 15 năm ấy lại diễn ra trong hoàn cảnh chính trị nước ta và thế giới có nhiều biến động long trời lở đất: Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật đảo chính Pháp, Cách mạng mùa thu năm 1945, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và cuối cùng là hiệp định Genève chia đôi đất nước. Mười lăm năm với những sự kiện quan trọng như vậy khiến cho mối tình của Má tôi thấm đẩm chất anh hùng ca nhưng cũng vô cùng gian khó vì cả hai vợ chồng đều tham gia kháng chiến. Má tôi hoạt động rất hăng hái trong phong trào phụ nữ còn ba tôi thì công tác ở mặt trận Liên Việt, tổ chức tiền thân của Mặt trận tổ quốc ngày nay. Mười lăm năm thật ngắn ngủi so với đời người sống gần một thế kỷ. Cũng trong thờ gian đó Má tôi đã mất đi 2 người con, chị Đinh Thị Phương và anh Đinh Văn Phượng chỉ vài năm trước khi mất chồng. Nước mắt khóc con chưa kịp khô thì lại đầm đìa nước mắt khóc chồng. Khi mất chồng bà mới 39 tuổi, một nách 2 con, anh Đinh Văn Phán 14 tuổi chẳng may bị bệnh thần kinh, đứa bé Đinh văn Phong là tôi mới lên 3 chỉ biết nói bi bô vài tiếng, biết gọi ba thì ba chẳng còn trên đời, biết gọi má thì Má suốt ngày vắng nhàvì phải tất tả ngược xuôi lo cuộc mưu sinh, lại còn một đứa con còn nằm trong bụng mẹ, chưa biết là gái hay trai, nhưng chắc chắn phải chịu cảnh mồ côi cha từ lúc chưa cất tiếng khóc chào đời, đó là con trai út Đinh Văn Phú chưa hề được hưởng chút vuốt ve của người cha kính yêu.
Năm 1963 Má tôi quyết định gởi hai con nhỏ về cho bên nội để đưa đứa con trai lớn vào Saigòn chữa bệnh. Chúng ta hãy tưởng tượng một phụ nữ từ nhỏ đến lớn sống từ nông thôn phải vào một thành phố lớn nhất Việt Nam có gần 3 triệu dân, người phụ nữ ấy lại không có ai bà con thân thuộc, tiền bạc thì ít ỏi. Cái “vốn liếng duy nhất mà bà có chỉ là một đứa con bệnh hoạn. Ấy thế mà bà sống được chỉ bằng nghề buôn gánh bán bưng dọc các vỉa hè Saigòn ban ngày để đến ban đêm thì vào với con ở bệnh viện. Ấy thế mà bà dám phiêu lưu lên tận biên giới Viêt Nam – Campuchia buôn bán ở cửa khẩu để kiếm tiền lo thuốc men cho con. Khi Má tôi đi Saigòn được nửa năm trong một bài thơ viết nhân ngày giỗ của bà Ngoại, ông Ngoại tôi đã viết như sau về người con gái vắng mặt trong đám giỗ mẹ:

Xin miễn chấp làm gì mụ Phán.
Đến nhà thương Chợ Quán nuôi con.
Dẫn đi năm sáu tháng tròn,
Dù sao nó cũng là con gái đầu.
Chồng thì mất sớm lo âu,
Hao mòn của cải buồn rầu vì con.
Chân trời mặt biển chon von,
Kể ra vốn liếng chẳng còn bao cơ.
Vừa nhận được lá thơ hôm trước,
Thân lạc loài giữa bước tha phương !......

Tại sao Má chúng tôi lại dám dấn thân sống lạc loài giữa bước tha phương như vậy nếu không phải thọ hưởng từ thân phụ tính can đảm, gan dạ không hề lo sợ khó khăn nguy hiểm và còn quan trọng hơn thế nữa, ấy là Má níu lấy chút hy vọng cuối cùng chữa lành bệnh cho đứa con trai yêu dấu, đó chính là lòng hy sinh của đấng mẹ hiền mà bà đã thọ hưởng từ thân mẫu!
Đau đớn thay! Con chẳng thể chữa lành mà Má gần như sạt nghiệp. Năm1965 bà phải quay về quê hương Bình Tú, bắt đầu làm ăn buôn bán từ con số Không. Sau hai năm vất vả ngược xuôi, ăn không kịp nhai, ngủ không trọn giấc, bà đã kiếm đủ tiền để xây một căn nhà nhỏ làm nơi tránh nắng trú mưa cho gia đình. Trong thời gia này đã nhiều lần bà đã cung cấp lúa gạo cho cách mạng, bị chính quyền Sài Gòn bắt giam nhiều ngày nhưng sau không tìm được chứng cứ nên bà đã thoát được kiếp nạn. Nhưng tai nạn tiếp liền tai nạn như người xưa đã nói” Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Năm 1967, trong một đêm giao tranh, căn nhà bị bom đạn đốt cháy, toàn bộ cái cơ ngơi nhỏ nhoi mà má đã vắt từng giọt mồ hôi, nhỏ từng giọt nước mắt trong suốt hai năm trời gầy dựng
Sau tai nạn cháy nhà, má lại tiếp tục đi ngược về xuôi, buôn Nam bán Bắc để gầy dựng lại cơ nghiệp và lo cho con ăn học. Bà đạt được cả hai mục tiêu này. Từ năm 1968 đến năm 1980, bà lặn lội buôn bán ở nhiều tỉnh miền Trung và vùng Tây Nguyên. Nhờ tính mạo hiểm, dám quyết, dám làm, bà rất thành công trong việc kinh doanh. Bà đã xây lại được một ngôi nhà kiên cố, lập nhà máy xay xát, mua được xe ô tô để chuyên chở khách. Trừ người con đầu bị bệnh, hai con bà đều được học hành đến nơi đến chốn và hiện nay đều là những công dân sống có trách nhiệm với gia đình và xã hôi. Những năm cuối đời, Má sống một cách an bình ở thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam với người con trai út là Đinh Văn Phú.
Má tôi là một người đàn bà nhân hậu và có lòng thường người, thường hay giúp đỡ những người chung quanh chòm xóm nên rất được mọi người yêu quý. Vào những ngày cuối cuộc đời, đã có nhiều người quen biết lui tới thăm viếng hỏi han. Âu đó cũng là điều khích lệ lớn lao mà những đứa con như chúng tôi cần phải học tập và noi gương người.
Có một điều an ủi với má tôi là sau bao nhiêu năm tận tuỵ hy sinh lo cho chồng đi làm cách mạng – nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành, tuy là muộn màng nhưng đã được nhà nước công nhận là vợ của Liệt sĩ. Được phong tặng 2 huy chương kháng chiến hạng nhất chống Pháp và chống Mỹ.
Má chúng tôi ra đi một cách nhẹ nhàng thanh thản ở tuổi chín mươi sáu (96)… Ít có người sống được cuộc đời lâu dài như vậy suốt từ đầu thế kỷ 20 đến tận thế kỷ 21. Dòng máu bà để lại trên đời cho đến hôm nay gồm có hai con trai, 6 cháu nội và 7 chắc nội.
Cuộc đời của Má có thể xem như điển hình của người phụ nữ trong truyền thống văn hoá lưu truyền tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam, đó là người vợ, người mẹ “quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng” của nhà thơ Trần Tế Xương; đó là hình ảnh “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”; đó là “mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau” trong ca dao; đó là “dòng suối ngọt ngào, là nải chuối buồng cau” trong âm nhạc Phạm Thế Mỹ, là “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” của nhạc sỹ Y Vân. Có một nhà Văn hoá đã nói đại ý “Trái tim người mẹ là kỳ quan bậc nhất trên cõi đời này, nó vĩ đại gấp ngàn lần những kỳ quan khác của thế giới”… Má chúng tôi có một trái tim người mẹ vĩ đại như thế. Bà đã sống một cuộc đời đáng kính trọng và ra đi ở tuổi thượng thọ. Chúng tôi xin mời gia đình tang quyến và tất cả bà con thân hữu dành một phút cúi đầu mặc niệm để tỏ lòng tôn trọng tiếc thương người quá cố.

Hôm nay má đã qua đời
Để bè con cháu bồi hồi nhớ thương
Bây giờ cách trở âm dương
Mẹ con chia rẽ đôi đường đôi nơi
Nỗi đau này biết nào vơi
Má hy sinh cả cuộc đời vì con
Dẫu cho gộp biển cùng non
Cũng không sánh được lòng son mẹ hiền
Những lời mẹ dạy mẹ khuyên
Gừng cay muối mặn ngọt bùi tình quê
Má đà tách dặm bến mê
Biết bao giờ lại trở về cố hương
Má đi trong buổi đầu xuân
Trời xanh nhỏ lệ ngập ngừng chia phôi
Mong rằng ở chốn xa xôi
Má tiêu dao với cuộc đời bình an.

Má ơi! Dẫu biết rằng sinh ly tử biệt là qui luật trong “cõi đi về” nhưng lòng chúng con vô cùng đau xót trong giờ phút chia ly nầy. Chúng con cầu mong Má rủ bỏ nợ trần và siêu thăng nơi cõi vĩnh hằng.
Kính lạy hương hồn Má.
Xin cảm ơn tất cả qui vị đã đến thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa linh cửu Má chúng tôi về nơi “AN NGHỈ CUỐI CÙNG”. Xin thành thật cảm ơn.
Thay mặt gia đình tang quyến.

Con trai: ĐINH VĂN PHONG

--------------------------------------------------------------------------------
Đây là những dòng thơ mà cháu Nguyễn Thị Thanh Xuân viết để hoài niệm dì ruột kính yêu của mình, nhân ngày về tham dự lễ tang.



Tuổi thơ tôi
thấm đẫm Dì
mùa hè Đo Đo
con đường lẻ
xuyên đồi
vào xóm chợ.

Quán nhỏ
quây quần
mua mua
bán bán
mùa đông
đèn dầu
nhấp nháy gọi.

Thế giới đồ vật
chen chúc
lạ lùng sao.
Kẹo bánh đa sắc
tôi tha hồ ăn
tha hồ chọn
ảnh hình
đồ chơi
nhẫn vòng
giây chuyền
lấp lánh.

Hào phóng và mạnh mẽ
Dì cười tươi
mắt ướt đuôi dài.
Đôi chân nhỏ bươn bả
bao ngả đường
trần gian
không mỏi.
Xanh biếc
mát rượi,
Dì là cỏ
trong giấc mơ tôi
thời thiếu phụ

Nguyễn Thị Thanh Xuân
SG,22-2-2011
proxy
Nguyễn Thị Thanh Xuân





-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh MỘ PHẦN



Hai người con trai của Bà Ngô Thị Phán

Con cháu cụ bà Ngô Thị Phán
(Từ trái sang: Thức, Phú, Vũ, Quyên, Nữ, Phong)
Đại diện cho 4 bà con gái của ông Ngô Công Chính
(Từ trái sang: Hai Long, Nguyệt, Thịnh, Phong)


(Từ trái sang: Phong, Quyên, Hòa, Nguyệt, Dì Hương, Lan, Song)

proxy
Dì Hương viếng mộ chị 2 của mình (Phần mộ má Ngô Thị Phán)

proxy
Dì Hương viếng mộ chị 4 của mình (Phần mộ Dì Long)

proxy
Phần mộ Dượng Long

proxy
Mộ song phần của Dượng Dì LONG tại Xá Trâu (gần kề mộ của Má PHÁN)
Từ trái qua: Cháu Quyên, Nguyệt, Hòa, Trung, Dì Hương, Lan, Song, Phong, cháu Tựu .
Bài viết của ĐINH VĂN PHONG
 
Top