Bà Đinh Thị Tố - Nữ tướng của Hai Bà Trưng

anh-01.jpg
Đền Năm Thôn tại xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Phụ, Thái Bình (ảnh trang DT LSVHVN)

Đền Năm Thôn, còn có tên là đền Xích Bích thờ bà Đinh Thị Tố và con trai là ông Hùng Quang Cảo, là Tướng thời Hai Bà Trưng. Đền tọa lạc tại thôn An Khoái, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia - Quyết định số: 1214 / QĐ ngày 30 tháng 10 năm 1990. Theo trang Di Tích Lịch sử Văn hóa Việt Nam, nội dung như sau:

anh-02.jpg

Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thái Bình: Xã Quỳnh Sơn đã có bề dầy lịch sử trên hai nghìn năm. Những năm đầu Công nguyên, Quỳnh Sơn thuộc vùng đất Chu Diên, quận Giao Chỉ, đến thờ Lý thuộc huyện Đa Cương, thời Trần thuộc huyện Ngự Thiên, thời Lê là trang Xích Bích, tổng Xích Bích, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ. Hiện nay, xã Quỳnh Sơn gồm năm thôn: An Khoái, Cẩn Du, Thượng Thọ, Đại Phú và La Triều.

Đền Năm Thôn ở thôn An Khoái, trầm mặc soi mình xuống dòng Bích Giang (nay dấu tích còn lại là hồ nước nhỏ), thờ anh linh liệt nữ Đinh Thị Tố và con trai của bà là Đại Tướng quân Hùng Quang Cảo, cùng những người con của Năm Thôn thuộc trang Xích bích xưa, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Theo Thần tích còn lưu giữ và tài liệu văn hóa dân gian cho biết, bà Đinh Thị Tố có chồng là ông Hùng Thiện, vốn dòng dõi Vua Hùng, quê ông bà ở phủ Hưng Hóa (vùng Cao - Bắc - Lạng); Ông có tài đức văn võ song toàn, Bà đảm đang trung hậu. Ông bà sinh con muộn, con trai là ông Hùng Quang Cảo, sinh ngày 15 tháng 8 năm Ất Hợi (năm 15).

Khi Thái thú Giao Châu cho ông giữ chức Huyện trưởng huyện Thần Khê, dinh sở tại trang Xích Bích; ông Hùng Thiện đã tập hợp nhân dân trong vùng phá doanh sở thu thuế của nhà Hán, lập khu phòng thủ An Để (nay là An Khoái) chống giặc. Thái thú Tô Định biết tin đã lập mưu hãm hại ông, khi con trai ông 9 tuổi hắn lại sai lính về truy sát vợ con ông cùng dòng họ Đinh. Để tránh hậu họa, bà Đinh Thị Tố cùng con trai tới vùng đất Yên Tử nương nhờ cửa Phật, tầm sư học đạo, nuôi chí phục quốc, báo thù cho chồng.

Được tin bà Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa ở Hát Môn, mẹ con bà nhất tề hưởng ứng; sau khi yến kiến Hai Bà Trưng, bà Đinh Thị Tố cùng con trai trở về trang Xích Bích, truyền hịch kêu gọi nhân dân khởi nghĩa chống giặc, dân trong vùng hưởng ứng rất đông.

Ngày mùng 4 tháng 1 năm Canh Tý, đại quân của ông Hùng Quang Cảo kéo về Hát Môn hội quân với Hai Bà Trưng, mẹ con ông chỉ huy đại quân xông pha chiến trận tấn công quân giặc; cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo lớn mạnh, phát triển nhanh chóng rộng khắp cả nước, các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, chính quyền đô hộ nhà Hán bị tan rã nhanh chóng, Thái thú Tô Định tháo chạy về nước (Có nhà nghiên cứu đã khảo sát vùng đất Lĩnh Nam (Bách Việt) xưa, nay là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam … ở Trung Quốc có tới 100 ngôi đền, miếu thờ Vua Bà và các vị tướng trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng).

Đất nước Lĩnh Nam thái bình, Bà Trưng Trắc lên ngôi Vua, Tướng quân Hùng Quang Cảo có nhiều công lao trong chiến trận đã được phong Đại Tướng quân, các Vương triều về sau truy phong ông là Hiển Hách Đại Vương. Bà Đinh Thị Tố tuổi cao, tài trí, có công tham mưu, tập hợp lực lượng, động viên quân sĩ, bà được Vua Trưng Trắc phong làm Trang Túc Vua Bà,được nhân dân truyền tụng cho đến đời nay.

Ông Hùng Quang Cảo trở về trang Xích Bích, lập dinh thự Cung quán tại làng Do (Cẩn Du) cho mẹ nghỉ ngơi, Cung quán ở An Khoái để du ngoạn trên sông Bích. Sau ông đưa mẹ về quê Hưng Hóa, do tuổi cao sức yếu bà mất tại quê, Trưng Vương vô cùng thương xót, lệnh cho dân làng Do lập đền thờ bà tại Cung quán xưa (nền đình làng Cẩn Du ngày nay).

Tháng 4 năm 42, nhà Đông Hán sai Mã Viện đem hai vạn quân sang xâm lược nước ta. Trưng Vương lệnh cho Đại Tướng quân Hùng Quang Cảo mang đại quân quyết chiến chặn giặc tại Quỷ Môm quan (ải Chi Lăng), do thế giặc mạnh ông đã chiến đấu và anh dũng hy sinh tại đây. Nhưng cũng có truyền thuyết khác còn lưu trong dân gian ở Quỳnh Sơn: Khi bị giặc vây hãm, ông đã phá vòng vây cùng vài chục nghĩa quân rút về An Để, đất Thần Khê rồi hóa ở đó.

Để ghi nhớ công lao của hai mẹ con người phụ nữ họ Đinh và những nghĩa sỹ trang Xích Bích chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc, nhân dân đã dựng đền Năm Thôn, ngàn năm hương khói phụng thờ. Trải qua ngàn năm vẫn được nhân dân Quỳnh Sơn giữ dìn và tu tạo, vẫn lưu gữ được một số đồ tế khí có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao từ thế kỷ 17- 18, cùng bẩy đạo sắc phong Thần của các Vương triều Lê, Nguyễn.

Cứ đến ngày 15 tháng 8 (Âm lịch) hàng năm, là ngày sinh của Đại Tướng quân Hùng Quang Cảo làng lại mở hội, nhân dân thập phương lô nức về dự đông vui.
anh-03.jpg
Học sinh xã Quỳnh Sơn chăm sóc đền Năm Thôn (ảnh trang DTLSVHVN)
Qua di tích lịch sử đền Năm Thôn và các di tích, thần tích lịch sử văn hóa khác, cụ thể như sau:
- Đền Và thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Thần ở Sơn Tây, vị Thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử ” của người Việt; ở hậu cung đền thờ thân mẫu của Thánh Tản Viên là Đức Quốc mẫu Đinh Thị Điên, để kiêng tên húy của bà nhân dân gọi là Bà Đen.
- Đình thờ Tướng quân Đinh Công Bách, tướng đời Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) ở làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh.
- Nữ tướng Đinh Phật Nguyệt, quê ở làng Ẻn, Lâm Thao, là Tả Tướng quân Thủy chiến của Hai Bà Trưng.
…….
… Như vậy, đã minh chứng rằng: Họ Đinh trên đất nước Việt Nam đã có từ thủa rất xa xưa, từ thời “ Hồng hoang Thị tộc ”, đến thời các Vua Hùng dựng nước, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân tộc, của Tổ quốc Việt Nam, chúng ta có thể tự hào về về điều đó.
anh-06.jpg

Đinh Danh Vùng
 
Top