Đinh Quang Tỉnh
Thành viên mới
HỌ ĐINH
Ở MƯỜNG ĐỘNG (HÒA BÌNH)
Mường Động là một trong bốn mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động ở tỉnh Hoà Bình. Từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII dòng họ Đinh là dòng họ có thế lực mạnh nhất cai quản mường Động.
Hiện nay, dòng họ Đinh ở Mường Động còn lưu giữ được quyển gia phả của dòng họ viết bằng chữ Hán. Do ông Đinh Công Bàng phụng soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724). Theo gia phả và truyền thuyết thì từ thời xa xưa, người khai lập ra dòng họ Đinh vốn là Đinh Như Lệnh, làm thổ tù xã Vĩnh Đồng, ông sinh được hai con trai: Trưởng nam là Đinh Quý Khiêm, thứ nam là Đinh Văn Hương.
Đinh Quý Khiêm kế tục là thổ tù, gặp lúc triều Lê dựng nước, ông có công phò vua trợ nước được ban "Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu" vẫn được làm quan coi sóc xứ Sơn Tây, các dân miền núi đều hết lòng trung nghĩa.
Đến khi thiên hạ thanh bình vẫn được phép ra đi thì cầm quân, quay về thị trị dân, lúc có loạn thì đánh giặc, lúc thái bình thì làm nông. Từ đó về sau cứ như vậy.
Đinh Quý Khiêm sinh được một con trai là Đinh Như Luật, kế nghiệp làm thổ tù cai quản dân địa phương, nhân dân được trông dựa, đều no đủ, bình an. Đinh Như Luật lấy vợ sinh được một con trai là Đinh Nhân Phúc. Đinh Nhân Phúc sinh được một người con trai là Đinh Văn Thịnh và một con gái là Đinh Thị Đỏ. Đinh Văn Thịnh kế nghiệp làm thổ tù, khi chết không có con thừa tự. Người con gái là Đinh Thị Đỏ lấy chồng là phu đạo ở thôn Tý, xã Vĩnh Đồng sinh được Đinh Văn Thiệu.
Đinh Văn Thiệu vốn thông minh được nhân dân yêu mến, vẫn được kế nghiệp họ ngoại (Đinh Nhân Phúc) làm thổ tù cai quản dân địa phương, lấy vợ là Hoàng Thị Mỗ sinh được Đinh Văn Khương, Đinh Văn Khương không may chết sớm.
Người thiếp của Đinh Văn Thiệu là Bùi Thị Thời người thôn Dầm sinh được một người con trai là Đinh Văn Cương, con thì nhỏ, vợ thì đơn độc không thể giữ được nghiệp nhà, bị người phụ đạo thôn Đồi xã Vĩnh Đồng tên là An Phú Bá (tức Hoàng Văn An), là kẻ cường hào khinh kẻ cô quả, mưu đồ cướp đoạt và ức hiếp nhân dân, cưỡng ép lấy vợ của thổ tù và nuốt cả cơ nghiệp.
Bùi Thị Thời sợ hãi mang con là Đinh Văn Cương trốn vào thôn Khang, xã Phù Liêm, huyện Lạc Thổ, xứ Thanh Hóa, ở nhờ và nuôi con. Đến lúc thành thân, may gặp lúc trung hưng của triều vua Lê chúa Trịnh được ban chức "Trịnh nguyên soái", dẫn quân theo đường nhỏ bí mật về Sơn Tây.
Đinh Văn Cương chiêu mộ lương, binh tòng quân theo việc nghĩa được sắc phong "Phá lỗ tướng quân Triều Đồng hầu", may nhờ hồng phúc của Thánh vương, trong khi đánh giặc, lại phụng mệnh lưu giữ chốn biên cương phía Bắc được hơn 7 năm thì xin lui về... được sắc ban cai quản dân binh của 7 xã. Đinh Văn Cương sau đó được gia phong Phụ quốc Thượng tướng quân tước Uy lộc hầu, giữ chức Phiên thần. Từ đó mà xây dựng cơ nghiệp.
Đinh Văn Cương lấy 6 vợ vừa thê, vừa thiếp. Chính thất là Bạch Thị Thừa sinh được Đinh Công Kỷ và Đinh Công Kế, các người vợ và thiếp khác sinh được cả thảy 7 nam, 10 nữ. Đinh Công Kỷ kế nghiệp làm thổ tù, cai quản dân địa phương được tập phong Đề đốc Uy lộc hầu, đời đời làm phiên thần...
Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê trung hưng, chống giặc và xây dựng triều chính, ông là một trong những tướng tài của Trịnh Kiểm. Vì có công với nước nên bố ông là Đinh Văn Cương được phong tước Quận công. Do vậy dòng họ Đinh Công xuất phát từ Đinh Công Kỷ.
Do có công với nước nên khi chết Đinh Công Kỷ đã được mai táng theo tước hầu. Quan tài bằng gỗ trám đen (loại gỗ quý của vùng này), ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý. Đặc biệt do có công với triều Lê nên khi dựng mộ ông, nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ.
Theo diễn biến của lịch sử, sự chìm nổi của dòng họ Đinh, khu mộ quan Mường chỉ vang bóng một thời - trở thành thánh địa của dòng họ Đinh khi quyền lực vững mạnh ở thế kỷ thứ XVII sang đến thế kỷ sau. Khu mộ vẫn tiếp tục nhận thêm những chủ nhân mới về Mường ma, nhưng với vai trò của nó đã dần mờ nhạt đi vào huyền ức của đời sau cùng với nhiều truyền thuyết chưa khám phá ra hết được
VTN -Theo nguồn: Hà Tuân