GIA PHẢ HỌ ĐINH
**************
SẮC PHONG 1“Sắc phong cho vị Thái sư khai quốc công thần triều Lê là: Đinh Quốc công tôn thần.
Vốn thần đã được tăng phong “Minh nghi, Bật hài, Vĩ phiệt, Quang ý, Dực bảo, Trung hưng Trung đẳng thần”. Thần đã giúp nước cứu dân, tỏ rõ linh ứng.
Vào giữa triều Tự Đức đã có lễ nâng bậc công thần cũ, ta nối thừa tiên chí thuở trước, nhớ đến công lao của thần, nên gia tặng thêm: “Tảo vĩ Thượng đẳng thần”. Cho phép dân thôn Đống Cải, xã Thanh Hà, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá được phụng thờ thần như cũ. Thần hãy nhớ giúp đỡ, che chở cho dân ta.
Hãy kính lấy !
Ngày 20 tháng 2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890)”.
SẮC PHONG 2:
“Sắc chỉ thôn Đống Cải, xã Thanh Hà, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa phụng thờ vị: “Ngọc Ban phu nhân chi thần” đã giúp nước cứu dân, tỏ rõ linh ứng, từ trước tới chưa được dự phong. Nay ta nối thừa mệnh lớn, tưởng nhớ công lao của thần nên phong cho là “Nhân uyển, Dực Bảo, Trung hưng chi thần”. Cho phép dân được phụng thờ như cũ. Thần hãy nhớ giúp đỡ, che chở cho dân ta.
Hãy kính lấy !
Ngày 20 tháng 2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890)”.
Hoành phi, câu đối thờ ở từ đường của bản tộc.
Ba chữ hoành phi: “Tam Hệ Công”
(Ba thế hệ quốc công)
Câu đối 1:
Hầu bá quốc đồng hưu, thiên thu vũ lộ:
Tử tôn danh bất hủ, luỹ thế trâm anh.
(Tước hầu, tước bá cùng nước hưởng phúc lành, ngàn thu ơn mưa móc,
Tổ tông danh bất hủ, nhiều đời kế tiếp trâm anh)
Câu đối 2:
Mỹ Lâm dựng tú do lai, Đinh nhân quảng tự;
Thuần Lộc, An Trung nhi hậu, trúc bạch trường lưu.
(Mỹ Lâm sinh tú khí, đến nay họ Đinh nhiều con cháu,
Thuần Lộc, An Trung sau đó sử sách mãi lưu truyền)
Câu đối 3:
Hầu bá lịch Đinh, Lê, Mỹ Lâm hữu tích;
Tử Tôn phân giáp ất……………………….
(Tước hầu bá, trải Đinh, Lê, Mỹ Lâm vẫn còn dấu tích;
Con cháu chi giáp, ất………(chữ trong phả không rõ)
BÀI TỰA CỦA TRƯỞNG TỘC HỌ ĐINH
VIẾT TIẾP GIA PHẢ GỐC
Từng nghe: Gia đình chép phả việc này đã có từ xưa. Vậy viết gia phả để làm gì? Ấy là để phân biệt thế thứ, làm rõ tương lai. Nếu trước không ai làm gia phả thì tuy gia đình có thịnh vượng cũng không truyền lại được. Đời sau không ai biết gia phả, tuy tốt đẹp cũng chẳng được khuếch trương. Cho nên danh lớn lưu lại trong trời đất phải có người đi trước mở đường, mẫu mực khuôn phép để lại cho con cháu, thịnh vượng phù hộ lớp hậu sinh. Vì vậy, ăn bát cơm thơm phải nghĩ tới người làm ra hạt gạo, uống nước phải nhớ đến nguồn. Chép lại gia phả cũng là việc đáng làm thay!. Người xưa cũng viết thế gia ký, ghi chép thế hệ chí, làm gia phạm, gia huấn, làm thơ thuật lại đức nghiệp tổ tiên, làm phú ca tụng tiếng thơm của người trước. Tác giả không phải là một, song không ai không chọn ghi lại những đức thiệt công biệt, huân danh của tổ tiên, coi là của báu để lưu truyền trong gia đình; rạng rỡ trong sử sách, vì vậy việc ghi gia phả là bắt nguồn từ đó.
Họ Đinh ta, tổ tiên ở lộ Thanh Hoá, huyện Lương Giang, nay là huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hoá, đất Lam Sơn chung đúc tú khí, rừng Mỹ Lâm là nơi phát tích đầu tiên. Chính cụ kị Mã Thái uý đó là cụ Chiêu tổ vậy. Tài năng võ nghệ được gần gũi phù giúp nhà vua, nguồn dòng ấy đã từ lâu. Con cháu như Ngọc Giao, Ngọc Hoàn, tựa lan sinh chồi thắm. Con trưởng là Thái sư Bân quốc công, con thứ là Thái phó Định quốc công, con út là Thượng trụ Quốc thái sư kiêm Thái tử Thái sư Lân quốc công. Tài năng và danh vọng của các ông cũng xấp sỉ nhau, đều là bậc “Tam hổ”, “Tam dương” , “Tam hổ”, “Tam phượng” vậy.
Khi Lê Thái Tổ dấy binh, ba vị quốc công là những người đầu tiên ứng nghĩa dưới cờ. Có Bình Ngô khai quốc, huân lao tiết nghĩa rạng rỡ áo triều quan, tên tuổi đứng hàng đầu trong sử sách, áo gấm sáng chói điềm lành.
Cụ Lân quốc công ta ...đó vốn là đời trước. Huống chi lớp con cháu nối dõi, thừa hưởng ngọc quý, nêu cao và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Chi trưởng của Bân quốc công thì có Vĩnh Thái tiến sĩ tiên sinh. Chi thứ của Định quốc công thì có Ngọc Viên được hầu hạ Lê Thái Tổ sinh ra tự hoàng đế nối dõi vương vị. Chi út Lân quốc công có con trưởng là Thượng thư công, ông đã theo phò vua giúp nhà Lê, chỉ huy một đạo binh dẹp giặc Ngô lập được công, được tiến phong là Đô đốc và gia phong chức Thượng thư, cả ấp được vinh dự lây như họ Hàn(*), quan chức đầy triều chẳng khác họ Thôi (*) nối đời hưng thịnh, một cửa rạng rỡ quan cao. Chưa từng bao giờ không đứng vào hạng đệ nhất trượng phu. Truy theo điển lễ của vua, những người hiền ở trong họ tộc đều được ban thưởng ở đời. Nhưng con cháu quy hóa của dòng họ theo nghiệp nho vẫn đỗ đạt làm quan. Đó là lớp hậu sinh vậy! Đức dày thì rạng rỡ vẻ vang; Gốc bền thì cành lá tươi tốt. Tiếp nối vận nhà tốt đẹp, ngọc lành toả hơi ấm áp. Cho nên nhờ đất tổ mà điển ty phúc lớn, chọn chỗ đất tốt để trồng đức.
Đó là nhờ mạch đất Lam Sơn bồi đắp vậy. Chi họ ở Mỹ Lâm được lâu dài vậy. Ông Đô đốc Thượng thư nhà ta phụng đức Thái tổ đi kinh lý đất đai khắp trong thiên hạ, đi đến đâu thì mọi nhà đầu thuận hoà, sinh dân đều làm ăn yên ổn, ai cũng nhớ đến công đức, mọi nơi đều lập đền thờ, triều đình cũng phong ông làm thần, cùng với ba vị Quốc công ngày trước đều được phong đại vương. Nhiều nơi đều có đền thờ và ca tụng công đức, đến nay vẫn còn nghe. Cũng vào lúc đó ông Đô đốc Thượng thư họ ta, có chí muốn cho con cháu được yên ổn, bắt đầu dọn đến ở Đống Cải, Thanh Hà, Cổ Định thuộc huyện Nông Cống.
Vì thế ông trở thành cụ tổ của một nhánh ở đấy. Đến đời các Tiên công về sau tiếp nối võ công của ông cha, đều nổi danh trong thiên hạ, quan cao nối dài, trải 9 đời đều được phong “Công hầu”.
Đó là nhờ sao Trinh đức mọc ở trong nhà, vầng dương chiếu cao khắp xóm thôn, nên sự thịnh vượng mới có thể truyền mãi đời sau. Như vậy làm sáng thêm vẻ đẹp của đời trước. Đến nay, Thần vị của 3 ngài Quốc công đều được các triều đại ban tặng sắc phong, cho phép dân bản thôn được thờ phụng. Và ông Thượng thư nhà ta cũng được phối thờ ở bên trái, bên phải miếu, hưởng thụ phúc lớn, che chở cho con cháu nhà ta đến nay đã được 15 đời, và đức vạn đời sau cũng vẫn được nhờ vào sức Ngài chăng?. Phàm lập đức hay lập công, người xưa cho là bất hủ.
Người đi trước mở đường để cho con cháu đời sau nối được nghiệp lớn, đời đời được thiên hạ ca ngợi, được triều đình ban thưởng, được miếu đình thờ cúng, chứ đâu chỉ để thế gia mà thôi đâu!. Cho nên đời đời được ghi khắc, đời đời được tạc vào bia đá, đời đời được viết vào sử xanh, chứ đâu chỉ đợi ở thế gia mà thôi đâu?.
Chỉ có vua Nghiêu đổi, nên năm tháng cũng khác; nhà Hạ đuổi Xuy Vưu mà thời thế cũng đổi thay. Truyền càng lâu càng xa, những người được tập ấp của ông cha như Lý Cát càng nhiều, như Tô Trúc càng lắm. Hoặc có người muốn hưng tôn mục tộc, nếu không có gia phả thì lấy gì để phân biệt thế thứ, làm rõ tương lai. Có thể sẽ đến nỗi việc nhận tổ người ta làm tổ mình như con cháu của Thái Du chăng?. Thế thì chiếc khay của Phạm Nghiên Tuỵ, chiếc hốt của Đỗ Bảo Tô, và cuốn sách của Đinh Khải há chẳng phải là kế lâu dài cho con cháu hay sao?.
Tổ tiên ta sở dĩ để lại di cảo là để lại ý thâm thuý trong đó. Bọn chúng ta nhờ vào công nghiệp của tổ tông mà có ngày nay. Nghe về tổ tiên mà trong lòng sinh nỗi hoài niệm, muốn viết tiếp mà không dám quên, tìm hỏi các nhà cố gia, thấy được bản thảo, nhờ đó biết rõ mọi việc, ghi lại sự thực, từ đầu cho đến hôm nay, sắp xếp thành vài quyển kính cẩn trao lại cho họ, mỗi nhà một bản để mỗi khi ngước trông ngọn núi Mưa nhớ đến công nghiệp cao cả của tổ tiên sánh ngang với ngọn núi Mỹ Sơn mà trường thọ. Nhìn dòng Trào Giang nhớ đến đức hậu của tổ tiên, sâu thẳm tận đáy nước. Ngõ hầu làm quen quy cũ trong gia đình, may mắn được lưu truyền mãi mãi. Xưa kia Mã Lân đọc truyện về Phục Ba tướng quân, bùi ngùi nói rằng: “Công lao của tổ tiên ta không thể để rơi xuống đất được”. Phàm kẻ hậu thế chúng ta có người muốn khôi phục công hầu như tổ tiên khi trước, hãy nên xem quyển phả này. Vì thế viết bài tựa.
* (Ghi chú: Hàn – Thôi là 2 dòng họ giàu sang và có nhiều người làm quan ở Trung Quốc cổ xưa).
* Chú thích: Dã Phượng ở Phù Phong - Kiếm Nam - Phần Xuyên.