Gia phả họ Đinh - Thanh Hoá (phần 2)

dinhtrungky

Moderator
Staff member
GIA PHẢ CHÉP TIẾP CÔNG NGHIỆP TỔ TIÊN

Tổ tiên họ Đinh vốn nguyên quán ở huyện Lương Giáng, lộ Thanh Hoá, nay là châu Thuý Cối, huyện Thuỵ Nguyên rồi đổi là Mỹ Lâm. Đinh Thỉnh phò giúp triều Trần làm đến chức Thái uý Dụ lãnh Phò mã tặng là Mục Huệ Đại vương. Sinh con trai là Đinh Tông Nhân, được truy tặng chức Thái uý, lấy vợ người châu Khả Lam thuộc bản huyện, nay là làng Lam Sơn. Vợ là em gái vua Lê Thái tổ, tên là Ngọc Thôi (*), được phong là Quốc phu nhân. Sinh hạ được 3 con trai: trưởng là Đinh Lễ, thứ là Đinh Bồ, út là Đinh Liệt.

ĐỜI THỨ NHẤT:
Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt vốn họ Đinh được ban Quốc tính họ Lê, cháu gọi Lê Thái tổ bằng cậu. Cả 3 anh em đều có tài thao lược, hết lòng trung nghĩa. Cuối đời Trần, giặc phương Bắc sang xâm lấn, các ông dốc sức trí trai thời loạn, đem tài thao lược ra giúp đời, phò giúp Đức Thái tổ Cao Hoàng đế, họ là những người đầu tiên ứng nghĩa dưới cờ phát tích Lam Sơn.

Lúc bấy giờ, tướng giặc là Thôi Tụ, Hoàng Phúc, Phương Chính, Phùng Quý, Lý An sang xâm lược An Nam, nhân dân khốn khổ. Thế giặc không thể đương nổi mà các ông vẫn quyết đi đánh dẹp, gian nan cùng chịu. Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) đi theo xa giá đến thẳng động Trịnh Cao kháng cự với địch. Ngày 9 lui về đóng đồn ở núi Lạc Thuỷ, phục binh ở Canh Mỹ. Ngày 13, phụng mệnh vua phối hợp với Lê Ngân, Lê Lý làm tiên phong phá trận giặc, chém được hơn ngàn thủ cấp, khí giới quân nhu của giặc thu được nhiều vô kể.

Năm Canh Tý, giặc Ngô lại cử đại quân đến xứ Bổng Tân, các ông lại đi theo nhà vua đến động Mang Một (Mường Một) phục binh bốn phía. Phụng mệnh cùng Lê Lộng, Lê Triện, Lê Vấn đem quân phục ở đoạn đường hiểm yếu, bắt được tướng giặc, quân lính bỏ chạy tan tác. Thừa thắng quân ta xông lên chém được vô số đầu giặc, bắt sống nhiều tướng giặc đầu sỏ. Năm đó tính công định thưởng các ông đếu được thăng là Di thư Chiết tam Quốc công, đều được phong là Đại vương.…

Kiếm Nam còn lưu tấm bia tưởng nhớ, Phù Phong là đất mãi phụng thờ, cho đến nay vẫn còn nổi tiếng.

"…Lúc bấy giờ Đô đốc Thượng thư nhà ta đã có chí đề con cháu được an cư bèn định cư ở thôn Đống Cải, xã Thanh Hà, tổng Cổ Định, huyện Nông Cống. Vì thế ông trở thành tổ của nhánh ở đấy. Đến đời các tiên công về sau, tiếp nối võ công của cha ông, đều nổi danh trong thiên hạ, nối tiếp quan cao áo dài, trải 9 đời kế tiếp đều được phong “Công hầu”.
Ấy là do sao Đức Tinh mọc trong nhà, cả làng trở nên vinh hiển.
Như vậy, có thể truyền lại sự thịnh vượng cho đời sau và làm sáng thêm vẻ đẹp của đời trườc. Đến nay thần vị của 3 ngài Quốc công, trải qua các triều đại đều được sắc phong, cho phép dân bản thôn được thờ phụng.
Ông Thượng thư nhà ta cũng được phối hưởng ở bên trái, bên phải miếu, hưởng thụ phúc lớn ấy để che chở cho con cháu nhà ta đến nay đã được 15 đời, mà đức vạn đời sau con cháu cũng được dựa vào sức mạnh của ngài chăng?

Phàm lập đức hay lập công, người xưa cho là bất hủ. Người đi trườc mở đường để con cháu đời sau truyền nối, tuy đời đời được thiên hạ khen, được miếu đình thờ phụng, chứ đâu chỉ ở thế gia mà thôi. Cho nên đời đời đáng được ghi khắc vào bia đá, chép vào sử xanh chứ đâu chỉ trông đợi ở gia phả mà thôi đâu?

Duy vua Nghiêu đổi, nên năm tháng cũng khác, nhà Hạ đuổi Xuy Vưu mà thời thế cũng đổi thay. Truyền càng lâu càng xa, những người được tập ấp của ông cha như Lý Cát càng nhiều, như Tô Trúc càng lắm. Hoặc có người muốn hưng tôn mục tộc, nếu không có gia phả thì lấy gì để phân biệt thế thứ, làm rõ tương lai. Có thể sẽ đến nỗi việc nhận nhầm tổ người ta làm tổ mình như cháu của Thái Du chăng?

Thế thì chiếc khay của Phạm Nghiên Tuỵ, chiếc hốt của Đỗ Bảo Tô, và cuốn sách của Đinh Khải há chẳng phải là kế lâu dài cho con cháu hay sao?.

Tổ tiên ta sở dĩ để lại di cảo là để lại ý thâm thuý trong đó. Bọn chúng ta nhờ vào công nghiệp của tổ tông mà có ngày nay. Nghe về tổ tiên mà trong lòng sinh nỗi hoài niệm, muốn viết tiếp mà không dám quên, tìm hỏi các nhà cố gia, thấy được bản thảo, nhờ đó biết rõ mọi việc, ghi lại sự thực, từ đầu cho đến hôm nay, sắp xếp thành vài quyển kính cẩn trao lại cho họ, mỗi nhà một bản để mội khi ngước trông ngọn núi Mưa nhớ đến công nghiệp cao cả của tổ tiên sánh ngang với ngọn núi Mỹ Sơn mà trường thọ. Nhìn dòng Trào Giang nhớ đến đức hậu của tổ tiên, sâu thẳm tận đáy nước. Ngõ hầu làm quen quy cũ trong gia đình, may mắn được lưu truyền mãi mãi. Xưa kia Mã Lân đọc truyện về Phục Ba tướng quân, bùi ngùi nói rằng: “Công lao của tổ tiên ta không thể để rơi xuống đất được”. Phàm kẻ hậu thế chúng ta có người muốn khôi phục công hầu như tổ tiên khi trước, hãy nên xem quyển phả này.

Vì thế viết bài tựa”.
Lại nói về 3 ngài Quốc công họ ta:
Sau khi thắng giặc ở Mường Một, các ngài được phong Di thư Thiết kỵ đột quân. Cho Đinh Lễ làm Lý Nghĩa bá, Đinh Bồ làm Hoằng Vũ bá, Đinh Liệt làm Lân Nghĩa bá.

Tháng 11 năm Tân Sửu (1421), lại phụng mệnh cùng Lê Bí, Lê Xí phục quân ở Ứng Ải, giờ Ngọ quân giặc tiến đến, hai mặt tung quân vào đánh, giặc thua to, thừa thắng chém đầu không thể đếm xuể. Năm ấy xét thưởng công lao được ban tặng chức vụ: Đinh Lễ làm Á hầu, Đinh Bồ làm Liệt hầu, Đinh Liệt làm Thượng Đình hầu.

Năm Nhâm Dần (1422), nhà vua giặc Ngô hẹn với Ai Lao cùng tấn công hai mặt vào châu Quan Na. Nhà vua tự thân đốc thúc các tướng. Ngày 12, các ông vâng mệnh cùng bọn Lê Hào, Lê Lĩnh tự mình xông trận trước, chém được tướng giặc là Phùng Quý ở châu Thôi Ngôi.

Năm Quý Mão (1423), nhà vua mới chia quân phá giặc, thừa thắng đuổi dài đến tận các miền Nhu Lân, Nhu Long (có sách chép là Trà Lân – Trà Long) thành Nghệ An, các ông lại phụng mệnh cùng với bọn Lê Khoa, Lê Bôi tập kích giặc ở Tư Lưu, Chi Lăng, quân giặc tan vỡ, quân ta chém đầu giặc không kể xiết. Năm ấy xét công, các ông đều được thăng Tam đốc, tước hầu. Đinh Lễ được phong làm Tư không.

Tháng 5 năm Kỷ Tỵ (1425), Đinh Lễ và Nguyễn Xí giao chiến với giặc ở My Động, hôm đó tướng giặc là Vương Thông đốc suất tinh binh đến Tây Phù Liệt để đắp luỹ kiên cố phòng thủ. Nhà vua đem quân theo các ông Định Lễ, Đinh Bồ, Nguyễn Xí lãnh hơn 500 quân đột nhập vào đánh giặc. Do Đinh Lễ quen chiến thắng dễ dàng nên đem theo ít quân bị giặc bao vây và bắt sống ờ thành Đông Quan. Đinh Lễ không chịu khuất phục bị giặc giết chết, Đinh Bồ cũng bị chém chết trong trận. Nhà vua phong cho Đinh Liệt làm Thiếu uý để báo đền công lao.

Năm ấy Đinh Liệt phụng mệnh cùng với Lê Nhân Thụ, Lê Lựu phục quân ở Chi Lăng chém được thướng giặc là An Viễn Hầu Liễu Thăng, bắt sống các tướng giặc là Lý An, Hoàng Phúc, Mộc Thạch. Giặc Ngô đại bại bỏ chạy về nước.

Từ đấy hai nước giao hòa, thiên hạ thanh bình. Việc triều cống qua lại y như thuở xưa thời Hồng Vũ.

Tháng 3 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên nguyên niên đầu tiên, định công lao ban thưởng cho các quan, Đinh Liệt được thăng làm Thái Bảo Lân Quận Công, vinh phong: Suy Trung Tán Trị Dương Vũ Công Thần.

Còn anh ruột Đinh Liệt bị chết trận nhà vua cho xếp vào bậc nhất, truy tặng: Bình Ngô Khai Quốc Suy Trung, Tán Trị Dực Bảo Chính Công Thần, Nhập Nội Tư Không Bình Chương Quận Quốc Trạng Sư, Thái Bảo Bân Quận Công, được ban quốc tính (họ vua). Vợ ông là bà Hà Thị Ngọc Dung cùng 5 người thiếp được phong làm Tông Cơ để báo đền sự hy sinh vì nước của ông.

Năm Hồng Đức nguyên niên (1440), gia tặng cho ông là Phù Vận Đại Vương.

Năm Hồng Đức thứ 14 (1483) gia tặng là: Thái sư Bân Quốc công, sau lại gia tặng: Hiển Khánh Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần. Lăng mộ tại châu Mỹ Lâm, đền thờ cũng phụng thờ ở châu ấy. Lại còn nhà thờ ở thôn Đống Cải, xã Thanh Hà, huyện Nông Cống do chi trưởng phụng thờ, còn 1 nhà thờ ở xã Hoàng Mai làm phúc thần.

Ngày giỗ là 13 tháng Giêng
Sinh được 1 trưởng nữ là Đinh Thị Ngọc Kế, con trai là Đinh Trung, Đinh Huệ, Đinh Vĩnh Thái. Đinh Vĩnh Thái thi đỗ tiến sỹ có công với nước được phong làm Nhập Nội Tư Mã Tham Nghị Triều Chính, giỗ ngày 13 tháng 2.

Đinh Bồ chết trận được truy tặng: Bình Ngô Khai Quốc Công Thần Thái Phó Định Quốc Công, được ban họ vua. Về sau được gia phong là: Uy Dũng Đại Vương Trung Đẳng Thần. Xây Lăng mộ và nhà thờ tại quê hương. Lại còn một nhà thờ ở thôn Đống Cải, xã Thanh Nê, huyện Nông Cống do cháu chắt phụng thờ, giỗ ngày 16 tháng Giêng.

Vợ ông là con gái Thái uý Trung Quốc Công Lê Lâm, người thôn Dựng Tú, hương Lam Sơn, tên là Ngọc Thuận được phong là Quốc Phu Nhân, lăng mộ ở thôn Dựng Tú, giỗ ngày 16 tháng 3. Sinh ra Đinh Thị Ngọc Ban, được hầu hạ Thái Tổ Cao Hoàng Đế, là Thanh Am Uy Hoàng, được Thần Nhân phán bảo rằng: “Hoàng Đế muốn được thiên hạ lập tức dâng tiến người ái phi”. Nhà vua bàn bạc với quần thần chọn được người đẹp là Tiên Dung công chúa nộp thay, nhưng Thần Nhân không chịu. Đêm hôm sau Thần Nhân lại tới quát tháo khiến ba quân hoảng sợ chạy tán loạn. Thế là Đinh Thị Ngọc Ban – Chiêu Tử công chúa bèn có lời với nhà vua rằng: “Đế Vương hưng khởi là có chân mệnh, trong khoảng trời đất này không có gì lạ cả, nay muốn được thiên hạ, không thể tham mà đề mất điều ấy, phải biết nhẫn để làm yên Nhân Thần, thần có công với nước là hy sinh thân mình trong trận mạc, thiếp vừa mới sinh được một con trai có thể nối nghiệp, nên thiếp xin hẹn ước với Thần Nhân, giúp cho mệnh mạch của dân”. Nói xong bèn mặc áo xiêm lên đỉnh núi Linh Sơn, đêm đó bay lên trời biến mất.

Ngày hôm sau Nhà vua cùng các quần thần vô cùng thương tiếc nàng, cho dựng cung điện tại xứ Sơn Cốc, gọi là điện Vân Đẩu ở xã Thảo Hoa, sau đổi là thôn Nam Hoa.

Thái phó Lân Quận Công Đinh Liệt, trải làm phụ tá cho Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế, Thái Tông Vân Hoàng đế, Nhân Tông Tuyên Hoàng đế, triều đình bình yên được 60 năm.

Năm Kỷ Mão (1459) có Phạm Đồn, Hoa Ban (chính sử chép là Phạm Đồn, Phan Ban) cùng Lương Sơn Vương (trong sử chép là Lạng Văn Vương) ngầm cướp ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Hưng nguyên niên. Năm Canh Thìn (1460), Đinh Liệt cùng các cựu thần giết chết đồ đảng của bọn Đồn, Ban, dẹp yên nội loạn đưa Thánh Tông Thuần Hoàng đế lên ngôi báu, đổi niên hiệu là Quang Thuận nguyên niên. Năm Tân Tỵ (1461), Đinh Liệt thăng chức: Tĩnh Nạn Tiết Dực Vận Nghị Lực Bản Chính Công Thần Đặc Tiến Khai Nghị Đồng Tam Ti, Nhập Nội Kiểm Hiệu Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, kiêm Hoàng Thành Nội Ngoại Bình Dân Từ Tụng. Thượng Trụ Quốc, Thái Sư Lân Quốc Công, được ban họ vua.

Năm niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) (gia phả chép nhầm, đúng là Hồng Đức nguyên niên 1470), Đinh Liệt làm thống tướng đi chinh phạt Chiêm Thành, năm ấy được thăng: Tán Trị Hiệp Đồng Mưu Công Thần, Nhập Nội Tư Mã, Tham Nghị Triều Chính.

Năm Thái Hòa thứ 5, ông mất, ngày 13 tháng 2, hưởng thọ 82 tuổi. Nhà vua thấy ông là bậc Nguyên lão khai quốc, trải phụng sự bốn triều đại nên gia tặng: Minh Nghĩa Hiệp Mưu Đồng Đức Công, kiêm Thái tử Thái sư Lân Quốc công, gia phong: Trung Mục Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần.
Lăng mộ ở bản quán là châu Mỹ Lâm, nhà thờ cũng ở châu ấy, và một nhà thờ nữa ở thôn Đống Cải, xã Thanh Nê, huyện Nông Cống do cháu chắt phụng thờ. Giỗ ngày 13 tháng 2.

Vợ ông là người làng Động Bàng, huyện Yên Định, tên là Ngô Quý thị được phong là Quốc Phu nhân, lăng mộ ở xã Thạch Nội, huyện Ngọc Sơn, giỗ ngày 9 tháng 9. sinh được 2 trai: con trưởng là Đinh Công Đột, con thứ là Đinh Công Hiến... (Còn nữa)

(*) Cũng có sách ghi là Lê Thị Ngọc Vồi (hay Vị)
 
Top