Đinh Danh Vùng
Moderator
Tam quan đền Ba Dân xã Tân Sơn, Kim Bảng
Tướng quân Đinh Nga là vị tướng tài, đã phù giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất Đất nước, Ông được thờ tại đền Ba Dân, tọa lạc tại xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đền được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia - Quyết định số: 310 - QĐ / TB ngày 13 tháng 02 năm 1996. Theo trang “Di Tích Lịch sử Văn hóa Việt Nam” và truyền thuyết dân gian, viết về ông như sau:
Đền Ba Dân trước thuộc thôn Dộc, xã Thụy Lôi Hạ, tổng Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, Lý Nhân, tỉnh Hà Nội. Đến năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Hà Nam được thành lập, xã Thụy Lôi Hạ đổi tên là xã Thụy Sơn, tổng Thụy Lôi, huyện Kim Bảng. Năm 1956 xã Tân Sơn, được thành lập gồm 5 thôn, trong đó thôn Thụy Sơn của Thụy Lôi được cắt về xã Tân Sơn, Kim Bảng.Đền Ba Dân tọa lạc sát chân núi Nguỳ trong dẫy núi Cửu Trùng; để tỏ lòng tôn kính bà Trần Thị Ngùy, thân mẫu của Tướng quân Đinh Nga, nhân dân kiêng tên húy của bà, nên gọi chệch đi là núi Nguỳa.
Đền dựng biệt lập cách xa làng xóm, mái ngói rêu phong xanh thẫm; những hàng cây cổ thụ gân guốc, dây leo tầm gửi bám chằng chịt, cành lá sum xuê tỏa bóng xuống đền. Trên sân đền, những chậu địa lan, hồng quế, cây cảnh đua nhau khoe sắc; những bông hoa sen, hoa súng và núi Ngùya in bóng xuống mặt hồ Bán nguyệt trước Tam quan đền, khiến quang cảnh càng thêm linh thiêng, u tịch, kỳ thú và hấp dẫn.
Đền Ba Dân có hai tòa chính làm bằng gỗ lim. Tòa tiền đường kiểu chữ “ – ” Nhất, với những hàng cột gỗ lim to chân kê bệ đá hình hoa sen, các bộ vì kèo đồ sộ xếp chồng, trạm trổ tinh vi mềm mại; tòa hậu cung kiểu chữ “ 丁” Đinh, cách tòa tiền tế một khoảng sân nhỏ. Với kiến trúc Đền bề thế to đẹp đã thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân đối với ông, cùng sự tài hoa khéo léo của những người thợ thủ công xưa đã xây dựng Đền.
Hiện nay Đền còn lưu gữ được nhiều đồ thờ có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao; còn lưu được Ngọc phả và 25 đạo sắc phong Thần (gồm 10 đạo sắc phong của triều đại Hậu Lê, 15 đạo sắc phong của triều đại nhà Nguyễn) điều đó đã khẳng định đền Ba Dân đã có từ rất xa xưa, từ thời Tiền Lê, trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi Vua ( tương truyền Lý Công Uẩn trên đường vào Hoa Lư đã dừng chân nghỉ tại đền) và sự quan tâm của các triều đại phong kiến xưa đối với công lao của ông. Trong Ngọc phả chép:
Ngọc phả một vị sơn thần
Đại vương bề tôi có công với Vua Đinh Tiên Hoàng
Thượng đẳng Nhân Thần Bộ thứ hai chi khảm
Quốc triều Lễ bộ chính bản
Theo Ngọc phả Đền, tại trang Quang Thừa, phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam (nay là xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng, Hà Nam); có vợ chồng ông Đinh Điện và bà Trần Thị Ngùy làm ăn chăm chỉ, hiền lành chất phác lại hay giúp đỡ mọi người, song hiếm muộn con. Ông bà đã đi cầu tự ở chùa trên núi Bát Cảnh xin ban cho một người con. Đến năm hơn 40 tuổi, một lần lên lễ chùa bà Trần Thị Ngùy được Thần báo mộng, sau 12 tháng đến ngày 10 tháng 2 năm Nhâm Dần, Bà sinh được một người con trai, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, ông bà đặt đặt tên con trai là Đinh Nga.
Đền trên núi Bát Cảnh xã Tượng Lĩnh trên quê hương ông Đinh Nga (ảnh mạng)
Lớn lên Đinh Nga càng tỏ ra thông minh lanh lợi, chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ; thấy vậy ông bà đã tìm thầy giỏi về dậy cho con mình sớm thành tài; đến năm ông Đinh Nga bẩy tuổi đã học thông Lý Đường Tiên sinh, chỉ vài năm sau ông đã thông thạo các sách của Khổng Hạnh, binh pháp Tôn Tử, trên thiên văn dưới địa lý, không việc gì không rõ. Đến năm ông Đinh Nga 22 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, ông chọn đất lành an táng, thờ tang cha mẹ ba năm theo đạo hiếu làm con.
Thời đó, nhà Ngô suy vong, các thế lực phong kiến nổi lên cát cứ tranh giành quyền lực ở khắc nơi, đánh chiếm lẫn nhau, gây khổ cực đau thương cho nhân dân, Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc chia cắt; người ta gọi thời kỳ lịch sử đó là “Loạn 12 sứ quân”.
Khi biết tin ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, có ông Đinh Bộ Lĩnh là Anh hùng hào kiệt đứng lên chiêu tập lực lượng dấy binh dẹp loạn. Ông Đinh Nga vui mừng đem quân tìm đến ứng nghĩa, được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, phong chức Chỉ Huy Sứ, giao cho về vùng Thụy Lôi lập đồn trại, chiêu tập huấn luyện quân sỹ.
ông vâng mệnh Vua và trở về lại Lị Nhân quê nhà, tới ba giáp Thượng, Trung, Hạ chiêu tập quân sỹ, chọn thế đất cao, bằng phẳng tựa lưng vào núi Ngùy, bên dòng sông Đáy để xây dựng đồn trại, thuận tiện cho việc cơ động đường thủy, lại có thể đi xuyên tắt về động Hoa Lư; thực là tiền đồn phên dậu trấn giữ phía bắc thành Hoa Lư, tiến thủ đều thuận lợi, để huấn luyện quân sỹ, tích trữ lương thảo..
Dưới sự chỉ huy của ông Đinh Nga, trai tráng quanh vùng gia nhập đội quân của Ông ngày càng đông; Ngọc phả và dân gian ngày nay còn lưu truyền tên những vị tướng giỏi của Ông, như Đinh Triết, Đinh Ngân, Phạm Đức, Trần Huy, Đinh Mỹ, đã giúp ông huấn luyện quân sĩ và trong chiến trận.
Ngày 20 tháng 7 Ông đem quân về động Hoa Lư, hội quân cùng đại quân của Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp các sứ quân, đã dẹp được 7 sứ quân, còn 5 sứ quân tản ra các vùng khác kháng cự, Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy tướng sỹ đánh dẹp xong 4 sứ quân. Riêng sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang là sứ quân mạnh nhất, hai bên giao chiến hơn một năm, có trận Đinh Bộ Lĩnh bị quân của Đỗ Cảnh Thạc vây chặt. Ông Đinh Nga một mình một ngựa, tả xung hữu đột phá vây, như vào chỗ không người, cùng các tướng sỹ của của Đinh Bộ Lĩnh hiệp đồng đánh địch, quân của Đỗ Cảnh Thạc thua chạy, Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên chết.
Cũng có truyền thuyết kể rằng:
Đỗ Cảnh Thạc là tướng của Triều Ngô, khi Nhà Ngô suy vong các sứ quân cát cứ, ông kéo quân về xây thành Quèn, chiếm giữ vùng Đỗ Động Giang, lập 72 sở trại, đóng thuyền bè, tích trữ lương thảo, ngày đêm luyện quân, tự xưng Đỗ Cảnh Công.
Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, đã trải qua nhiều trận mạc, lại có thành cao hào sâu, là sứ quân mạnh nhất; Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế, hai bên giao chiến đã hơn một năm, có trận Đinh Bộ Lĩnh bị quân của Đỗ Cảnh Thạc vây chặt. Trong khi nguy cấp nhờ có tướng Đinh Nga đem quân đến giải vây, từ đó thừa thắng tấn công, Đỗ Cảnh Thạc phải bỏ chạy và trúng tên chết.
Đánh dẹp xong 12 sứ quân, Giang sơn thống nhất, Đất nước thái bình, năm 968 Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Vua là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, phong thưởng những người có công lao với nước, ông Đinh Nga được phong Thừa Tướng, được cử về trấn trị phủ lị Kim Bảng và hưởng lộc ấp ở đấy.
Sau ông vâng lệnh Vua Đinh, trở về ba giáp trang Thụy Lôi, cho dân tiền thưởng, vàng bạc; về trang Quang Thừa tế lễ tổ tiên nội ngoại. Ông giúp dân khai khẩn ruộng đồng, lập trang trại làng xóm (nay là 3 xã Tân Sơn, Hồi Trung, Trung Hòa), miễn thuế cho ba giáp để nhân dân an cư lạc nghiệp; truyền thuyết kể lại rằng: Những cánh đồng xưa do Ông khai khẩn như cánh đồng Bảng, rộng hàng trăm mẫu “Đầu giáp núi Rộc thôn Vãn Sơn, cuối giáp sông Cổ, đất có thế như tù và, dải phướn” còn lưu truyền tới ngày nay.
Vài năm sau giặc cướp lại nổi lên, Vua mời Đinh Nga ra giúp, Ông đã chỉ huy quân sỹ đánh tan giặc cỏ, được Triều đình và nhân dân ca ngợi. Sau Vua Đinh Tiên Hoàng cùng Nam Việt Vương Đinh Liễn bị đầu độc sát hại, Lê Hoàn lên ngôi Vua thay Đinh Toàn; để tận trung với nhà Đinh, Ông đã cùng một số tướng sỹ, quan lại bỏ Triều đình, giải tán đội quân do mình chỉ huy, bất hợp tác với Lê Hoàn; Ông trở về quê, sống cuộc đời dân giã, đi ngao du vãn cảnh an hưởng tuổi già.
Một hôm, Ông cùng một số quân sỹ đi thăm hương trang, rồi sau đó ra đi ngao du vãn cảnh ở Hoan Châu; khi nghe trên núi Kim Nhan ( 1), trang Kê Tường, huyện Thanh Trương, phủ Đức Giang, Châu Hoan (nay là Nghệ An), Ông hóa ở đó, nhằm ngày 10 tháng 11. Vài người đi theo Ông trở về, viết Duệ Hiệu thần, nhân dân vô cùng thương cảm, nhớ ơn người Anh hùng phù giúp Vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, giúp dân khai phá lập làng, sinh hóa lạ kỳ; nhân dân đã lập đền thờ phụng Ông ngay tại hành cung xưa, tôn phong Duệ Hiệu Nga Sơn Hiển Linh Đại Vương Thượng Đẳng Thần, cho phép 3 trang Thụy Lôi cùng thờ, từ đó gọi là đền Ba Dân.
Tương truyền, có lần Lý Công Uẩn vào thành Hoa Lư, đã dừng chân nghỉ tại đền Ba Dân, được ông Đinh Nga báo mộng giúp đỡ. Sau Lý Công Uẩn lên ngôi Vua, nhớ lại chuyện xưa, đã làm lễ tạ ơn và sắc phong cho Ông là “Nga Công Hiển Linh Đại Vương Thượng Đẳng thần”. Hiện còn câu đối ở tiền đường:
“Bát cảnh giang thần, dan mã phù Đinh công bất hủ”.
“Tam trang hiển thánh, hoàng y phụng Lý mộng do truyền”.
Nghĩa là:
“Giáng thần ở nơi có tám cảnh đẹp, một ngựa phù nhà Đinh công lao không thể mất”.
“Hiển thánh nơi ba trang, mặc áo vàng phù nhà Lý qua giấc mộng còn lưu truyền mãi”.
Ngày nay đền Ba Dân còn lưu giữ nhiều câu đối cổ ghi lại công đức của Ông, như:
“Thái ấp hợp tam trang, Đinh huân tướng, Lý hiển thần quang nhạc Hoa Lư sinh hóa dị”.
“Phong chương truyền lịch đại, tả thành hoàng, hữu hậu thổ, cao sơn linh miếu địa thiên trường”.
Tạm dịch là:
“Thái ấp gồm ba trang, công với nhà Đinh, ân phù nhà Lý, sinh hóa rất lạ ở đất Hoa Lư”.
“Biểu dương qua các triều, bên trái là Thành hoàng, bên phải là Thần đất, đền miếu nơi núi cao mãi mãi anh linh”.
Hay:
“Tảo đăng kiểu hùng quân, bát loạn công cao Cồ Việt diệu”.
“Dự phù Đinh chính thống, phân đồn tích hiểu Thủy Lôi sơn”.
Tạm dịch là:
“Thanh trừ loạn nước, có công lớn với đất Cồ Việt”.
“Phù giúp thống nhất nhà Đinh, rõ ràng còn đồn binh ở núi Thụy Lôi”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp xây đồn bốt trên núi Ngùya, ngôi Đền ở dưới chân núi là nơi hoạt hoạt động của du kích đánh giặc. Trong thời gian giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, ngôi Đền là nơi sơ tán lớp học, và là nơi sơ tán cơ quan, nhà máy.
Lễ hội đền Ba Dân
Ngày nay, đền Ba Dân được nhân dân xã Tân Sơn tu tạo giữ dìn, ngàn năm hương khói để tưởng nhớ phụng thờ Tướng quân Đinh Nga; người trung nghĩa, đã có công lao phù Vua Đinh dẹp loạn, thống nhất Đất nước, xây dựng bảo vệ quê hương. Nhân dân trong vùng ba trang Thụy Lôi xưa, duy trì việc tế lễ vào ngày sinh, ngày hóa, ngày liên quan đến sự nghiệp của Ông, và những ngày tiết lệ trong năm, như sau:
- Ngày 10 tháng 2 là Ngày sinh của ông.
- 10 tháng 7 là Ngày ông lập đồn binh tại chân núi Nguỳa.
- 20 tháng 7 là Ngày ông khao quân về Hoa Lư, để hội cùng đại quân của Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp.
- Ngày 10 tháng 11 là Ngày ông mất.
Làng mở hội chính diễn ra 3 ngày vào ngày sinh của Ông, từ ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm; ngoài việc dâng hương, tế lễ, rước kiệu, nhân dân còn tổ chức giao hảo với thôn Lạc Nhuế, Đồng Hóa là nơi thờ Vua Đinh. Phần hội là các trò chơi dân gian, như múa rối nước, hát chèo …diễn ra sôi nổi ở hồ Bán nguyệt trước Tam quan đền, nhân dân trong vùng về dự lễ hội đông vui.
---------------------------------------
(1) Núi Kim Nhan ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, núi Kim Nhan có nghĩa là “Mặt Vàng” là một thắng cảnh thiên nhiên hùng vỹ, màu sắc núi thay đổi kỳ diệu trong ngày: Sáng có màu xanh lơ, trưa màu sáng rực, chiều núi lại ửng vàng, …dáng núi như ngọn bút, cao ngất nhưt búp măng, bao quanh là các ngọn núi nhỏ, giống như một đóa sen vàng. Trên đỉnh Kim Nhan có hang đá giống hình miệng cá “ Xưa nay thường có luồng ánh sáng hồng rọi xuống núi, khi như dải lụa dài, có khi như chiếc tán xe, đến gần lại sáng rực rỡ, nghe như tiếng sấm gầm… cho là Linh khí của các bậc Đế vương, Anh hùng tụ vào đấy, nên còn được gọi là núi Thu Tinh”; đã làm cho bao Anh hùng, cùng tao nhân mặc khách đã đến ngao du chốn này.
Đinh Danh Vùng - lược soạn theo các tài liệu mạng.