CỘI NGUỒN HỌ ĐINH ở xã Chi Lăng - Hưng Hà; xã Minh Tân và Lô Giang - Đông Hưng - Thái Bình

ALmn0JujvCk2sRp9r_MRl-VddQK-fzVFcao89yf2WovTM7EuipsgcE9YuDpaK7YkCABSBkfWLNvIaXaFY_AUqPDKF6WvR8GGLFZEwjmlLBl-N5ShaxmAAfsv7D-3f_-sCeAQzSDO
Đền Sâm còn gọi là đền Bà Vú Sữa, bà Vú cho Hoàng tử Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông) bú khi mới sinh, sự tích liên quan đến dòng họ Đinh - Nông Kỳ, đền rất linh hiển tại làng Sâm, xã Đông Đô, Hưng Hà. Ảnh đẹp của Bùi Đình Trận.
CỘI NGUỒN DÒNG HỌ ĐINH
ở xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà;
xã Minh Tân và Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình


Cội nguồn dòng họ Đinh ở các xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà; xã Minh Tân và xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình …; theo Đinh Tộc Thế Phả và các sử liệu khác, thì Thuỷ tổ họ Đinh vốn ở Thanh Hoá. Dưới triều Trần, con cháu họ Đinh nhiều người hiển đạt, làm quan ở kinh đô. Sau này, do phản kháng Hồ Quý Ly chèn ép Vua Trần không thành, có ông Đinh Thỉnh, văn hay chữ giỏi, rời quê ra làng Đô Kỳ (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) làm gia sư cho nhà phú ông họ Phạm, để chờ thời. Sau này, lấy bà Phạm Thị Gái con gái bà Sang, là con nuôi ông họ Phạm. Lăng miếu bà Sang tại xã Tây Đô, nơi thiên táng phát tích Tổ ngoại họ Đinh đã trải gần 700 năm, nay vẫn còn mối xông, hương hỏa phụng thờ không dứt.

Dòng họ Đinh ở các xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà - xã Minh Tân và xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình …, Thủy tổ là ngài Mục Huệ Đại Vương Đinh Thỉnh. Cao tổ là ngài Thái Úy, Hùng Quốc Công Đinh Tôn Nhân; Dòng dõi của ngài Thái Sư, Lân Quốc Công, Trung Mục Đại Vương Đinh Liệt. Đến đời thứ 9 Thiếu Uý, Tả Đô Đốc Đông Quân, Dương Quận Công Đinh Phúc Diên, đã xây dựng Từ đường họ Đinh (năm 1627) và cắm Khu cấm địa để lăng mộ các Công thần họ Đinh ở Ngoại Thôn, xã Ỷ Đốn, Tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ; nay là xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Thế thứ dòng họ chép theo trực hệ, đại lược như sau.

THỦY TỔ - ĐỜI THỨ NHẤT
Ông ĐINH THỈNH.
Vợ: Bà PHẠM THỊ GÁI. Ông bà sinh được 1 người con trai là Đinh Tôn Nhân.

Ông Đinh Thỉnh ở sách Thuý Cối (sau đổi là sách Mỹ Lâm), huyện Lương Giang (sau đổi là huyện Thuỵ Nguyên, nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá; cũng có tài liệu ghi là xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá).

Cuối thời Trần, có thời gian ông Đinh Thỉnh dậy học ở thôn Phú Lãng Đông, làng Đô Kỳ, nay là xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, thuộc vùng đất Nông Kỳ (tên cổ của dòng sông Luộc). Do có lòng thiết tha yêu nước, ông đã cùng con trai là Đinh Tôn Nhân rời Đô Kỳ về quê cũ, ứng nghĩa dưới cờ nghĩa của Trần Quý Khoáng, sau vào Lam Sơn giúp Vua Lê Lợi trong công cuộc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh. Sau chiến thắng quân Minh, ông được Vua Lê Lợi truy phong tước Mục Huệ Đại Vương.

Vợ ông, bà Phạm Thị Gái là con nuôi phú ông họ Phạm, thân mẫu của bà ở làng Sang, nay là xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nên gọi là Bà Sang. Vì nhà nghèo, bà phải bế con gái nhỏ sang làng Đô Kỳ (xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) làm thuê cho nhà phú ông họ Phạm. Vào một ngày tháng sáu, bà để con gái ở nhà chủ rồi đi sang Đồng Ngày cấy lúa, bị cảm và mất trên gò đất cao, nay là thôn Đa Phú, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hôm sau nhà chủ đi tìm, thấy đất mối xông đã phủ kín người, biết rằng trời đã chôn cất bà ở thế đất tốt. Sau khi bà mất, ông chủ họ Phạm nuôi dưỡng con gái của bà và đặt tên là Phạm Thị Gái. Từ đấy, gò đất ấy có tên là Gò bà Sang. Về sau, mộ bà được xây thành Lăng miếu gọi là Miếu Bà Sang, tại thôn Đa Phú, xã Tây Đô, Hưng Hà, Thái Bình, nay do dòng họ Đinh Bá trông nom, hương hỏa. Lăng miếu Tổ ngoại họ Đinh thiên táng nơi gò đất tốt, đến nay đã gần 700 năm vẫn còn lớp đất mối xông, vẫn được tôn tạo giữ dìn, hương hỏa phụng thờ không dứt.

ĐỜI THỨ 2
Con ông Đinh Thỉnh:
1- Ông ĐINH TÔN NHÂN
Vợ: Bà LÊ THỊ NGỌC VỒI.

Ông Đinh Tôn Nhân, có sách chép là Đinh Thanh Nhân. Vợ là bà Lê Thị Ngọc Vồi (có sách chép là Lê Thị Ngọc Vị), là chị gái Vua Lê Lợi (có sách chép là em gái Vua Lê Lợi), con gái ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương, bà Ngọc Vồi được phong tặng là Quốc Thái Phu Nhân. Ông Đinh Tôn Nhân đã theo giúp Vua Lê Lợi trong công cuộc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh, ông được phong tặng tước Thái Uý, Hùng Quốc Công.

Ông bà sinh được 3 người con trai: Con trưởng là Đinh Lễ, con thứ là Đinh Bồ, quý nam là Đinh Liệt. Khi khôn lớn trưởng thành, ba anh em đều là anh hùng hào kiệt, theo Cậu tham dự Hội thề Lũng Nhai (1416) và Lễ tế cờ khởi nghĩa Lam Sơn (1418) chống quân xâm lược nhà Minh, lập nhiều công lớn, đều là những bậc Bình Ngô Khai quốc Công thần, được ban họ Vua, được phong tước Quốc Công, truy phong tước Đại Vương. Bởi vậy, “công lao của Ba ông rủ xuống muôn năm”.

ĐỜI THỨ 3
Con ông Đinh Tôn Nhân:

1- Con trưởng: Ông ĐINH LỄ.

Ông Đinh Lễ được ban Quốc tính, nên còn gọi là Lê Lễ, tính người anh nghị, quả cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người. Khi còn trẻ, ông là người thân tín, được hầu cận bảo vệ nhà Vua. Ông đã dự Lễ tế cờ khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công lớn ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa.

Năm Mậu Tuất (1418), quân Minh đem đại binh vây đánh Vua tại Lam Sơn. Vua phải đem quân sang đóng ỏ núi Lạc Thuỷ, bày trận mai phục chờ giặc tới. Các ông Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt hiệp cùng tướng Lê Ngân, Lê Lý, chém được hơn 3 ngàn đầu giặc, thu được khí giới nhiều vô kể.

Năm Canh Tý (1420), Thế ta còn yếu, giặc Minh ào ạt đánh đến xứ Phụng Tân, các ông cùng các tướng sĩ theo Vua tiến vào núi Mường Một, cùng bàn mưu tính kế, đặt quân mai phục bốn mặt, giấu quân bên đường cạnh con ngòi đánh ra, quân giặc chạy tán loạn, quân ta thừa thắng chém được đầu giặc nhiều vô kể. Năm đó xét công nghị thưởng, các ông đều được thăng Thứ Thủ quân Thiết Đột, ông Đinh Lễ tước Lý Nghĩa Bá, ông Đinh Bồ tước Hoằng Vũ Bá, ông Đinh Liệt tước Lân Vũ Bá.

Năm Tân Sửu (1421), các ông phụng mệnh Vua, cùng các tướng Lê Bí, Nguyễn Xí phục binh ở xứ Úng Ải, đến giờ Ngọ quân địch đến giáp chiến, giặc đại bại. Năm Nhâm Dần (1422) quân Minh hiệp cùng nước Ai Lao (Lào) giáp công đánh ta ở Quan Gia, Ông vâng mệnh Vua cùng tướng Lê Hào, Lê Lĩnh, đích thân xông lên trước phá trận, chém được tướng giặc là Phùng Quý.

Năm Giáp Thìn (1424), Vua chia quân đi phá giặc, các ông vâng mệnh Vua hiệp cùng các tướng đánh giặc ở các xứ Trà Lân, Trà Long, Khả Lưu và Bồ Ải, ... Trong trận Khả Lưu, ông Đinh Lễ xông vào trận trước, tướng sỹ đua nhau tiến theo, ông Đinh Liệt chốt quân mai phục đánh tập hậu, quân giặc thua to, ta chém chết tướng tiên phong là Đô ty Hoàng Thành, bắt sống tướng Chu Kiệt, cùng vô số quân giặc. Các ông đều được thăng chức Tham Đốc, phong tước Hầu. Do nhiều công lao, ông Đinh Lễ được thăng chức Tư Không (Phó Thủ tướng). Sau chiến thắng này, Vua tiến đánh vào Nghệ An, chuyển hướng chiến lược về phía Nam.

Ông Đinh Lễ đem quân đóng đồn trại trên núi Tùng Lĩnh (nay xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh), cho quân sỹ khai khẩn hai bên bờ sông La Giang để tự túc lương thực. Tháng 5 năm Ất Tỵ (1425), Vua sai Ông đi tuần ở Diễn Châu, gặp lúc tướng Minh là Hội Ty Trương Hùng đem 300 thuyền lương từ thành Đông Quan vào tiếp tế cho thành Diễn Châu, quân giặc vui mừng mở cổng thành ra đón, bị phục binh của ông Đinh Lễ đổ ra đánh đuổi, chém hơn ngàn đầu giặc, đoạt hết thuyền lương, đuổi Trương Hùng về tận thành Tây Đô, nhân dịp ấy ông cùng các tướng tiến vây đánh thành Tây Đô, quân Minh lâm vào thế bị động phòng thủ.

Năm Bính Ngọ (1426) Vua sai ông cùng tướng Nguyễn Xí đem quân tinh nhuệ tiếp ứng các đạo quân đang đánh giặc ở miềm Bắc. Ông cùng các tướng đánh thắng giặc ở Ninh Kiều, rồi đóng quân ở phía tây sông Ninh Giang.

Lúc này, Tổng Binh nhà Minh là Thành Sơn Hầu Vương Thông dẫn quân từ Yên Kinh (Trung Quốc) mới tới khí thế đang hăng, Thông chia 10 vạn quân cùng các tướng giặc, thành ba cánh kéo ra phía Tây nam ngoài thành Đông Quan (Hà Nội), đóng đồn luỹ lối nhau liên tiếp dài mấy mươi dặm, hòng tiêu diệt Đại quân ta. Một cánh do Sơn Thọ chỉ huy đóng ở cầu Thanh Oai, bị tướng Lê Triện đánh bại, còn Vương Thông thì đặt phục binh để chặn đại quân ta. Lê Triện thu binh về chiếm giữ chỗ hiểm yếu, cấp báo với Tư Không Đinh Lễ, lúc này ông đang cùng các tướng phục binh đợi giặc ở Thanh Đàm.

Được tin cấp báo, ông cùng Nguyễn Xí đem hơn ba ngàn quân tinh nhuệ, hai voi chiến đang đêm đến cứu, hội quân ở Cao Bộ, chia quân phục chỗ hiểm yếu. Chợt bắt được thám báo giặc, tra hỏi thì biết: “Chúng đặt pháo phía sau lưng quân ta, khi nghe tiếng pháo nổ làm hiệu, hai mặt đổ lại cùng đánh”. Lợi dụng kế giặc, ông và tướng Lê Triện đặt quân mai phục, canh Năm tháng Mười đêm ấy, ông Đinh Lễ sai người bắn pháo hiệu để lừa địch.

Quả nhiên, Vương Thông và Phương Chính nghe tiếng pháo nổ tưởng cánh quân đi đường tắt, đã đến sau lưng bắn pháo vào quân ta. Khi toàn bộ quân Minh vượt qua sông, trời mưa đường lầy, chờ chúng tiến vào sâu trận mai phục, cách sông Yên Duyệt vài dặm. Phục binh của ta bốn mặt đổ ra, thả sức đánh giết giặc tại các xứ Tốt Động, Chúc Động, giặc dẫm đạp lên nhau tháo chạy, chết đuối nhiều đến nỗi nước sông Ninh Giang tắc không chẩy được. Ta chém chết Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng, diệt hơn 5 vạn tên, bắt sống hơn 1 vạn tên, thu quân tư khí giới nhiều không kể xiết. Phương Chính, Mã Kỳ và Vương Thông bị thương, chạy thoát về giữ thành Đông Quan, ông cùng các tướng thừa thắng tiến quân lên vây thành Đông Quan.

Sau chiến thắng vang dội này; ông Đinh Lễ lập tức báo tin thắng trận cho Vua Lê Lợi; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:Tin thắng trận được báo về hành dinh ở Lỗ Giang. Bấy giờ, Vua đương đóng quân ở Thanh Hóa, hội các quân ở Hải Tây, nhận được thư báo của bọn Lê Lễ, bèn đích thân dẫn đại quân và 20 thớt voi chia hai đường thủy bộ, ngày đêm đi gấp. Ngày 11, tới sông Lũng Giang đóng dinh, các tướng đón mừng (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép cụ thể về diễn biến trận đánh và vai trò chỉ huy tác chiến của ông Đinh Lễ).

Cáo Bình Ngô, viết:
"... Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi muôn dặm.
Bến Tuỵ Động xác đầy ngoài nội, thối để ngàn thu.
Trần Hiệp đã thiệt mạng, Lý Lượng lại phơi thây..."

Vua đóng quân ở Tây Phù Liệt chỉ huy đánh thành Đông Quan, sai Tư Đồ Trần Nguyên Hãn đem thuỷ quân theo sông Hát Giang kéo xuống, Tư Không Đinh Lễ đem quân từ cầu Tây Dương ban đêm bí mật tiến vào, ba mặt góp công, phóng hoả đốt nhà ngoài thành, khói lửa ngút trời, quân Minh đóng đồn bảo vệ ngoài thành Đông Quan, tranh nhau bỏ chạy vào thành, đè lên nhau mà chết, ta bắt sống được rất nhiều.

Măm Đinh Mùi (1427), Vua chia các tướng vây giữ các cửa thành Đông Quan, ông Đinh Lễ đóng chốt ở cửa Nam thành, nơi xung yếu nhất. Ngày 8 tháng 3, Vương Thông mang hết quân tinh nhuệ trong thành ra đánh tướng Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Vua nghe tin Lê Nguyễn bị nguy cấp, bèn sai Ông cùng tướng Nguyễn Xí đem hơn 500 quân Thiết đột và hai voi chiến đến ứng cứu, giặc Minh thua chạy, ta đuổi đến My Động (quận Hoàng Mai), Vương Thông thấy ông ít quân, không có tiếp ứng, bèn ép lại đánh. Hai ông cố sức đánh, voi sa xuống vũng lầy (nay là Cầu Voi, chợ Mai Động, quận Hoàng Mai), bị giặc bắt đem vào thành Đông Quan. Ông Nguyễn Xí trốn được, ông Đinh Lễ không chịu khuất, bị giặc sát hại, Vua vô cùng thương tiếc, xin thi hài Ông về mai táng tại Lam Sơn và cho lập đền thờ tại làng Hoàng Mai (Hà Nội)).

Giỗ ông vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch (trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Đại Việt Thông Sử đều chép ông hy sinh ở Hoàng Mai vào ngày 08 tháng 3 năm Đinh Mùi (1427)).

Vua Lê Lợi có thơ khen ông Đinh Lễ:
Phục binh phát pháo kế thi công,
Thập vạn tinh binh nhất đán không,
Câu thủy khởi năng thương hải kiệt,
Thất cơ đãn hận tỏa anh hùng.

Dịch nghĩa:
Phục binh pháo nổ kế thành công,
Mười vạn tinh binh một sớm tan tành không còn gì.
Một gáo nước mất đi sao có thể làm biển lớn cạn,
Bị sa cơ, còn hận mãi cho người Anh hùng!

Ông đã giữ chức Nhập nội Tư không, được tặng phong: Suy Trung Đồng Đức Hiệp mưu Bảo Chính Công Thần, Bình Ngô Khai Quốc Công Thần, Đại Tư Đồ, Thái Sư Bân Quốc Công, truy phong Hiển Khánh Đại Vương. Nhiều nơi trong Nước lập đền thờ ông, các triều Vua sắc phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần, Phúc Thần của nhiều làng xã; đền chính ở các nơi: đền Mỹ Lâm (đền Tam Quốc Công) xã Minh Tiến, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, đền Linh Cảm, xã Việt Yên Hạ, huyện La Sơn (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh); đền Đinh Lễ, tại thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, Thanh hóa. Sáo Đền (Đốc Hữu Điện), xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình. và đền tại làng Đông Cao, Nông Cống, Thanh Hoá; đền ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa; đền Cồng ở làng Tiên Yên, nay là xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, Nghệ An; phối thờ ở Dụ Phúc Điện làng Đô Kỳ, nay là xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình. Trung Đẳng Phúc Thần, Phúc Thần của Ngoại Thôn, xã Y Đốn, huyện Thần Khê, nay là xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình.

Lời bàn của Sử thần Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT: Tướng giỏi thời ấy thì có Lễ Triện là những người xứng đáng đứng đầu .
Lời án của Sử gia Phan Huy Chú: Lê Thạch làm tướng tiên phong thường thắng, Lê Lai vì Nước bỏ mình, Lê Triện, Lễ bày mưu lạ phá giặc đều là tướng giỏi có tiếng một thời. Tiếc rằng chết vì việc Nước công nghiệp chưa trọn, so với các tướng khác được cùng với Nước vui xướng thì có phần thiệt .

Bà vợ của ông là BÙI THỊ LIỄU, con gái quan Thái Truyền Trang Quốc Công Bùi Quốc Hưng, vợ thứ là bà HÀ THỊ NGỌC DUNG con gái quan Thiệu Quốc Công Hà Đệ, cùng bà TRẦN THỊ NGỌC HUY hậu duệ của Tá Thánh Thái Sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật,và BA BÀ VỢ thứ nữa. Sau khi ông hy sinh, các bà vợ của ông đều được Vua Lê Lợi phong làm Tông Cơ (Quận Chúa).

Hiện còn một số Chi - Phái dòng họ Đinh là hậu duệ của Đại Tư Đồ, Thái Sư, Bân Quốc Công, Hiển Khánh Đại vương Đinh Lễ: Ở An Lão, xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình (thuộc dòng Đinh Vĩnh Thái), để trông nom Đốc Hữu Điện (Sáo Đền). Ở Thọ Xuân, Vạn Hà, Quảng Thi - Thanh Hóa (thuộc dòng Đinh Trung) vẫn giữ họ Vua ban (họ Lê) là Lê Huy, Lê Minh … trông nom Từ đường họ Đinh và Lăng mộ tổ tiên tại đấy.

2- Con thứ: Ông ĐINH BỒ.
Vợ: Bà LÊ THỊ NGỌC THUẬN.

Lê Thị Ngọc Thuận là con gái quan Thái Uý Trung Quốc công Lê Lâm, bà được tặng phong là Quốc Phu Nhân. Ông bà sinh được 1 người con gái là Đinh Thị Ngọc Ban.

Ông Đinh Bồ, được ban Quốc tính nên còn gọi là Lê Bồ, Ông dự Lễ tế cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh do Vua Lê Lợi tổ và chức lãnh đạo. Ông đã lập được nhiều công trạng ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, trong các trận Lạc Thuỷ, Mường Thôi, Trà Lân, Bồ Ải ... Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “…Ngày 13 (tháng Giêng, Mậu Tuất (1418))…bọn Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu Vua là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý… dẫn đầu xông vào trận giặc chém được hơn 3000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời lên núi Chí Linh …”

Ông đã hy sinh ở trận đánh Khả Lưu (Anh Sơn, Hà Tĩnh) do dẫm phải chông độc. Giỗ ông vào ngày 16 tháng 3 âm lịch.

Lăng mộ và đền thờ Ông tại xã Phúc Điền, Hưng Nguyên, Nghệ An, ở Mỹ Lâm, xã Minh Tiến Ngọc Lặc, Thanh Hóa, đền Tam Quốc công ở Sáo Đền, xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình..... Ông được tặng phong là Khai Quốc Công Thần, Thái Bảo Định Quốc Công, sau truy phong Linh Cảm Đại Vương (Phả Đông Cao: Tiền Công Ký Lục chép là Uy Dũng Đại Vương), Trung Đẳng Phúc Thần.

3- Quý nam: Ông ĐINH LIỆT.
Vợ: Bà ĐÀO THỊ NGỌC PHÚ, được phong Quốc Phu Nhân.
Ông bà sinh được 2 người con trai, 1 người con gái và 1 người con nuôi là bà Đinh Thị Ngọc Kế.

Ông Đinh Liệt được ban Quốc tính, nên còn gọi là Lê Liệt, là cháu gọi Vua Lê Lợi bằng cậu, nhiều mưu lược, giỏi võ nghệ. Ông đã dự Hội thề Lũng Nhai và Lễ tế cờ khởi nghĩa Lam Sơn, từ đầu ứng vào đội Nghĩa binh, do tình thân ruột thịt nên được hầu cận hộ vệ nhà Vua, trải leo núi trèo đèo, chống đỡ lúc gian nguy, lập được nhiều công lớn ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa; cùng với các anh và các tướng của Vua Lê Lợi tổ chức đánh thắng nhiều trận như Lạc Thuỷ, Nga Thuỷ, Mường Một, Bồ Ải, Tây Đô ...

Năm Giáp Thìn (1424), Vua lấy được châu Trà Lân, thì tướng Minh dẫn quân thuỷ bộ tới. Vua sai ông Đinh Liệt đem một ngàn quân đi tắt đường giữ huyện Đỗ Giai (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Quân Minh quả nhiên đến ải Khả Lưu, Vua chờ giặc vào trận mai phục, rồi sai ông Đinh Lễ ra đánh, ông Đinh Liệt đánh tập hậu, chém chết tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống Chu Kiệt, quân giặc đại bại (theo quốc sử triều Nguyễn, tước hiệu Quốc công của ông lấy tên châu Trà Lân, nên được gọi là Lân Quốc công).

Khi Vua tiến vây thành Đông Quan (Hà Nội), ông Đinh Lễ bị hy sinh ở trận My Động, Vua thương tiếc lắm, phong cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập Nội, Thiếu Uý, tước Á Hầu.

Năm Bính Ngọ (1427), giặc Minh bị vây khốn ở thành Đông Quan, Vương Thông cầu viện, Hoàng đế nhà Minh sai An Viễn hầu Liễu Thăng làm Tổng binh cùng các tướng dẫn 10 vạn quân, 2 vạn ngựa theo đường Quảng Tây tiến xuống ải Nam Quan (Lạng Sơn); Đại tướng quân Mộc Thạch cùng các tướng dẫn 5 vạn quân đi đường Vân Nam xuống cửa Lê Hoa (Lao Cai).

Ông Đinh Liệt vâng mệnh Vua cùng tướng Lê Sát và các tướng khác, đem quân lên Lạng Sơn chặn địch, hạ thành Xương Giang (Bắc Giang). Ông và tướng Lê Nhân Chú đặt phục binh ở ải Chi Lăng, tướng Trần Lựu giả thua nhử giặc tới, Liễu Thăng dẫn quân đuổi theo vào trận mai phục, quân ta đổ ra đánh, chém chết Tổng binh Liễu Thăng ở núi Mã Yên, bắt sống tướng giặc là Lý An, Thượng thư Hoàng Phúc và Đô đốc Thôi Tụ, diệt hơn 5 vạn tên, bắt sống hơn 3 vạn tên giặc, đánh chiếm thành Xương Giang. Ta cho tướng giặc bị bắt, mang ấn tín cờ hiệu của Liễu Thăng lên cho Mộc Thạch xem, quân giặc hoảng loạn, quân ta truy diệt hơn vạn tên, bắt sống hơn nghìn tên giặc. Buộc Vương Thông giữ thành Đông Quan (Hà Nội) phải mở cổng thành ra hàng. Đất nước thái bình, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế.

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), xếp ông vào chức Thứ Thủ quân Thiết Đột, trong số những người theo Vua từ Lũng Nhai, thì ông dự vào hàng đầu, được vinh phong là Trung Tán Trị Hiệp Mưu Bảo Chính Công Thần, Vinh Lộc Đại Phu, Tả Kim Ngô Đại Tướng Quân, tước Thượng Trí Tự. Năm thứ 2 khắc Biển công thần, Ông xếp thứ 2 tước Đình Thượng Hầu. Năm thứ 5 được thăng Nhập nội Tư mã, tham dự việc triều chính. Ông cùng các tể tướng chọn đinh tráng làm lính.

Tháng 5 năm Thiệu Bình (1434), giặc Chiêm Thành vào cướp phá, Vua sai ông thống lĩnh các đạo quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá để tiễu trừ giặc và hạ lệnh tướng hiệu:Quân nhân ra trận mà trái lệnh hoặc rút lui thì được phép chém trước tâu sau ”. Ông đến Hoá Châu, Vua Chiêm Thành là Bồ Đề nghe tin nước ta vô sự, vội rút quân về. Ông muốn về, gặp lúc người Man ở Hoá Châu là Đạo Thành bị tên Đạo Dụ đánh, đến xin cứu viện, ông dẫn quân tới đánh giúp, bắt được hơn ngàn tên giặc vài chục con ngựa mang về.

Đến đời Vua Nhân Tông, Thái Hòa năm thứ 2 (1444), Ông làm Thái Phó, vì có kẻ dèm pha nên Thái hậu Nguyễn Thị Anh bắt giam ông 4 năm, vợ con ông bị giam 6 năm ở hầm sâu, sau nhờ có Tư khấu Trịnh Khắc Phục và Công Chúa Ngọc Lan cùng 8 người trong Hoàng tộc khẩn thiết kêu xin Hoàng Thái hậu, ông mới được thả ra. Trong đời Diêm Ninh (1454 - 1459), ông lại được phục chức làm Thái Bảo.

Khi Lạng Sơn Vương Nghi Dân cùng bọn phản thần là Phạm Đồn, Phan Ban và Trần Năng làm việc thoán nghịch cướp ngôi, giết Vua Lê Nhân Tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Ông cùng tướng Nguyễn Xí, Lê Lăng, Lê Niệm đốc xuất các đại thần xướng nghĩa, giết nghịch đảng, đón Lê Tư Thành lên ngôi là Vua, đế hiệu là Lê Thánh Tông. Về sự việc này, trong Đinh Tộc Thế phả có chép:

Ông Đinh Liệt được ban chức Thái Tử Thái Phó, phò giúp Vua nhỏ là Lê Thái Tông cầm quyền. Đồng thời chỉ thị cho con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn xây dựng lực lượng để dùng vào việc bất trắc sảy ra ... Vì bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người vợ sủng ái nhất của Vua Lê Thái Tông luôn ghen ghét đố kỵ với bà vợ thứ là Ngô Thị Ngọc Giao đang mang thai bị giam lỏng tại chùa Huy Văn (Hà Nội). Ông Đinh Liệt đã bí mật đưa bà về ở Đô Kỳ - Y Đốn để sinh đẻ và lánh lạn ... Khi võng cáng bà về đến Cầu Tray, nơi tiếp giáp giữa hai huyện Duyên Hà và Thần Khê thì bà trở dạ đẻ, không thể đi được nữa ... Sợ triều đình truy đuổi làm liên luỵ đến mọi người, bà Ngọc Giao cho thắp đèn hương khấn Trời đất cho được sinh nở ... Bài văn khấn vẫn truyền tụng đến ngày nay:
Có phải con mẹ, con cha,
Thì sinh ở đất Duyên Hà - Thần Khê
................
Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh,
Thì quăng ra đất Vạn ninh cho rồi. (Vạn ninh là bãi tha ma).

Lời khấn vừa dứt, bà sinh được một Hoàng tử, tên là Lê Tư Thành, sau này là Hoàng đế Lê Thánh Tông ... Bà cho Hoàng tử bú lúc mới sinh ở làng Sâm là Hoàng Thị Hiến, sau được dân làng lập đền thờ gọi là đền Bà Vú Sữa (đền Sâm), những người hiếm muộn con, bà mẹ thiếu sữa đến thỉnh cầu rất linh nghiệm.

86_big.jpg
Chùa Đô Kỳ, xã Đông Đô, Hưng Hà (Ảnh mạng).
Có Điện Mẫu tên chữ là "Dụ Phúc Điện" thờ bà Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao, mẹ Vua Lê Thánh Tông.

Bà Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao là con gái bà Đinh Thị Ngọc Kế và ông Ngô Từ; bà Đinh Thị Ngọc Kế là con gái ông Đinh Lễ và bà Trần Thị Ngọc Huy, bà Ngọc Kế lại là con nuôi của ông Đinh Liệt. Sau Vua Lê Thánh Tông thực hiện ý nguyện của mẹ, lệnh cho xây dựng hai ngôi đền: Một ngôi ở Đô Kỳ, gọi là Dụ Phúc Điện; và một ngôi ở An Lão (xã Song An, Vũ Thư) gọi là Đốc Hữu Điện (Sáo Đền), thờ bà Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, cho tổ họ Đinh và họ Ngô thờ phối hưởng. Đền Quốc Mẫu xưa ở Đô Kỳ đã bị tháo giỡ, chỉ còn lại hai cây thị cổ thụ, trồng từ thời Vua Lê Thánh Tông, đến nay vẫn còn xanh tốt. Sau này, Nhà chùa và nhân dân Đô Kỳ phục dựng lại ngôi đền.

Tháng 6 năm Quang Thuận thứ nhất (1460), ông Đinh Liệt được tiến phong chức: Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Nhập Nội Thái Phó, Á Quận Hầu. Bài Chế của Vua Lê Thánh Tông, đại lược rằng:

Trẫm nghĩ Nước nhà gặp biến phi thường, họa không phải nhỏ. Kẻ Thần tử lập lên công lớn, báo đền phải hậu đó là công luận há phải ơn riêng.

Xét…(Lê Liệt)…đây. Sớm đem tình ruột thịt, ra ứng hội phong vân, tiếng kèn tiếng sáo xướng họa, anh em khó biết ai hơn ai kém. Kế ở Miếu Đường, mưu ở biên cương, vừa tướng văn vừa tướng võ. Khi tiến khi lui với Nước, cùng vui cùng lo. Lúc nguy hiểm, lúc bình thường vẫn trọn một tiết. Chịu cố mệnh hai triều, Ngươi nhiều công giúp đỡ. Lại được ký thác cho việc cầm cân, để thêm trọng vọng.

Công lao và chức vị càng to, nơi xa gần ai cũng đều thấy. Dẫu lời rèm pha như tiếng nhặng xanh vo ve. Nhưng biết rằng ân đức không có vết xấu, vẫn đi dép đỏ ung dung. Vì trời muốn cho Nước trị bình, mà lẽ phải đâu có khuất mãi. Huấn chi Nước mới gặp cơn vận bĩ, hốt nhiên họa loạn sinh ra trong nhà. Khen cho người trung trinh của người làm cột đá cho thời bấy giờ. Một sớm xướng lên việc phục thù, chấn chỉnh lại kỷ cương nhà Vua; Ba quân cùng hết lòng giúp sức dẹp yên kẻ ác.

Làm cho Vua được tốt, nên thưởng cho quan to. Được vinh hạnh mở Phủ, cho lên ngôi Sư Thần. Giữ việc Quân Quốc là trách nhiệm long trọng, cho lên Quận Hầu là tước phẩm vẻ vang. Để lêu ra công to lớn, để tỏ sự đãi ngộ rất hậu.

Than ôi! Quyết định sách lớn, giúp việc lớn, thực xưa nay là chuyện khó, lấy đức có một, giúp người có một, mong trước sau không thay đổi.
Kính theo mệnh Trẫm là phúc tốt cho Ngươi

Sau cải phong là Lân Tường Hầu, tháng 10 được phong Lân Quốc Công. Tháng 12, Vua sai ông cùng Lê Lăng đi đánh giặc Man là họ Cầm, tiến vị lên Thái Sư Phụ Chính.

Năm đầu Hồng Đức (1470), Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Ông sung chức Chinh lỗ Tướng quân (Thống tướng), cùng tướng Lê Niệm đốc xuất 10 vạn quân, thuyền đi trước, phá được thành Đồ Bàn, bắt Vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem về Kinh đô.

Năm thứ 2 (1471) Ông mất vào ngày 13 tháng 12 âm lịch, hưởng thọ 82 tuổi. Lăng mộ ông để ở Mỹ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Triều đình truy phong tước Trung Mục Đại Vương.

Ông là người có công đầu mở nước “Khai quốc Nguyên huân” phò Vua Lê Lợi đánh thắng quân xâm lược nhà Minh giành quyền độc lập tự do cho Nước nhà, trải thờ bốn triều Vua, lại là Công Thần Trung Hưng số một phò Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, chức vị và đức vọng cao vót. Từ năm Quang Thuận Thứ 6 (1465) trở đi, Ông giữ chức Đại Tư Không, Thái Sư Phụ Chính (Tể tướng, Thủ tướng) khoảng 10 năm. Quyết đoán những mối ngờ lớn, quyết định những việc bàn lớn của Nhà nước, được Vua rất tin cậy, trong triều ngoài quận rất tôn trọng.

Ông được tuyên phong là Suy Trung Đồng Đức Minh Nghĩa Tán Trị Hiệp Mưu Tĩnh Nạn Kiệt Tiết Dực vận Bảo Chính Tuyên Lực Công Thần, Bình Ngô Khai quốc Công Thần, đặc tiến Khai phủ Nghi Đồng Tam Ty, Nhập Nội Kiểm Hiệu, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự, kiêm Thái Sư, Thượng Trụ Quốc, tước Lân Quốc Công; truy phong Trung Mục Đại Vương; được sắc phong Thượng đẳng Phúc Thần thờ tại sách Mỹ Lâm, Thọ Xuân và làng Đông Cao, Nông Cống, Thanh Hoá; Đền Sáo (Đốc Hữu điện) xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình; đền Cồng ở làng Tiên Yên, nay là xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, Nghệ An; đền Trung Mục Đại Vương ở thôn Yên Nội, xã Đức Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh; Phúc Dụ Điện ở làng Đô Kỳ nay là xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình. Trung Hưng Trung Đẳng Phúc Thần, Phúc Thần làng Đún Ngoại xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình. Lăng mộ ông tại Lam Sơn, Thanh Hoá.

Vua Lê Thánh Tông thơ khen ông Đinh Liệt (dịch nghĩa):
"Chi Lăng bắt Liễu (Thăng) nổi danh vang.
Trải bốn đời Triều, sức đảm đang,
Đã dẹp tôi gian, thanh cửa tía.
Lại tôn con Thánh nối Ngôi vàng,
Đức Y Công Bột, đường trung nghĩa.
Khoán sắt luân tục cửu trường,
Bành gác đình đài, trời giáng phúc,
Lấy sang già luận nổi trăm đường".

Vua Lê Thánh Tông lại có thơ khen:
Lê Thánh Tông hữu thi: (Đinh Liệt)
Huân lao tá mệnh thục như công,
Nhật nguyệt năng minh báo quốc trung,
Ngữ đức luận công Y dữ Bột,
Sơn hà đới lệ bảo sơ chung .

Dịch nghĩa:
Phò Vua có công lao lớn ai được như ông?
Lòng trung báo quốc, sáng như mặt trời mặt trăng,
Nói về đức và luận về công thì khác gì Y Doãn và Vương Bột,
Gánh vác sơn hà, giữ được trước sau như một.

Vua Lê Thánh Tông có thơ viếng ông Đinh Liệt:
" Dẹp yên bốn bể mới phóng tay.
Lệ bộ đài gương, khói ám mây.
Tể Tướng bếp tàn, mai lạnh vóc.
Tướng quân doanh liễu trau mày,
Phong lưu phú quý, muôn đời thấy.
Sự nghiệp công danh, bốn bể hay.
Thương lắm tiếc nhiều, bao kẻ khóc.
Miếu Đường hồ dễ lấy ai thay ".

Nhà Sử học Phan Huy Chú đã xếp ông Đinh Liệt Đứng đầu trong 10 Danh tướng giỏi nhất thời Lê Sơ.
Ông là người duy nhất trong các Danh tướng họ Đinh được tôn thờ ở miếu Lịch Đại Đế Vương triều Nguyễn tại kinh đô Huế. Ông cũng là người duy nhất thời Lê Sơ, khi còn sinh thời (đang sống và làm việc) được phong chức Thái Sư.

Vợ: Bà ĐÀO THỊ NGỌC PHÚ, được phong Quốc Phu Nhân.
Bà người xã Thạch Nội, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa, giỗ ngày 13 tháng 12 AL (quyển Tộc phả Tiền Công Ký Lục Đông Cao lại chép: Bà họ Ngô, người Động Bàng, Yên Định, Thanh Hóa, giỗ ngày 09 tháng 9 AL); Lăng mộ bà để tại xã Thạnh Nội, Ngọc Sơn, Thanh Hóa.
3.JPG.jpg
Hai cây thị cổ 600 tuổi ở làng Đô Kỳ xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình, tương tuyền do Hoàng tử Lê Tư Thành trồng.
ĐỜI THỨ 4
Con ông Đinh Liệt:
1- Trưởng nữ: Bà ĐINH THỊ NGỌC MẠI.

2- Con trai trưởng: Ông ĐINH CÔNG ĐỘT.
Vợ là bà LÊ THỊ NGỌC ĐƯỜNG, bà là Công Chúa con gái Vua Lê, ông bà sinh được 4 người con trai.

Ông làm quan dưới triều Vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Vua Lê Thánh Tông, chức Thị Lang Bộ Binh, sau thăng Thượng Thư Bộ Binh (Bộ trưởng), vinh phong là Tán Trị Công Thần kiêm Tông Nhân Phủ Tông Nhân Lệnh Tả Tông Nhân, tước Văn Thắng Hầu. Ông bà thiên cư từ sách Mỹ Lâm (Thọ Xuân) ra thôn Đống Cải, xã Thanh Nê, nay là thôn Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.
Lăng mộ và đền thờ ông ở thôn Đống Cải, Nông Cống, Thanh Hóa, giỗ ngày 17 tháng 5 AL.
Lăng mộ bà để tại Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá, giỗ bà ngày 15 tháng 8 AL.

3- Quý nam: Ông ĐINH CÔNG HIẾN.
Giỗ ngày 11 tháng Giêng AL. Lăng mộ để tại Mỹ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Vợ: Bà họ , giỗ ngày 3 tháng 3 AL; lăng mộ để tại Mỹ Lâm, Thanh Hóa.
Ông làm quan dưới các triều Vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, từng theo Vua đi đánh dẹp Bồn Mang, Chiêm Thành. Giữ chức Trần Tứ Sương Đô Chỉ Huy Sứ, hàng quan Thượng phẩm, Thiếu Bảo, được ban Dương Thác Phốc Đầu Cấp, Thái Thường Thời Ký Cập, tước Triệu Xương Bá.

4- Con nuôi: Bà ĐINH THỊ NGỌC KẾ.
Bà là con gái ông Đinh Lễ, khi cha hy sinh, bà được chú ruột là ông Đinh Liệt nhận làm con nuôi. Bà Đinh Thị Ngọc Kế lấy Thái úy Ngô Từ, sinh Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, thân mẫu Vua Lê Thánh Tông. Bà được phong tước Càn Bà Vương, bà về ở xã An Lão, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương (nay xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình), là đất lộc điền của Thân mẫu Trần Thị Ngọc Huy (hậu duệ của Tá Thánh Thái Sư Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoàng tử Vua Trần Thái Tông, em Vua Trần Thánh Tông).

Tại An Lão, bà đã nuôi dậy Ngô Thị XuânNgô Thị Ngọc Giao hiển đạt, sau cả hai chị em đều được tiến cung. Ở An Lão, Quốc Thái bỏ tiền giúp dân bắc cầu, xây đền, làm đường, sống với dân như ruột thịt. Khi Quốc Thái mất, Vua lấy đất Mào Diệc, thôn Kiều Thần cùng xã An Lão xây lăng mộ, sửa sang cung sở Quốc Thái làm đền thờ, lại cho xây Đốc Hổ Điện để thờ Quốc Thánh, Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao và ngoại tổ Càn Bà Vương Đinh Thị Ngọc Kế.

Đương thời, Vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông đã từng về thăm Đốc Hổ Điện, Vua cho Công chúa Bảo Thánh - Công Chúa thứ 7, đi lại hương đăng trông nom Đốc Hổ Điện ở An Lão và Dụ Phúc Điện ở Đô Kỳ.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có chép: " ... Loại được ban quốc tính (họ Vua) tính từ bọn Lê Quán Chi con trai của Thái phó Lê Liệt ...". Như vậy, ông Đinh Liệt còn có người con trai là ông ĐINH QUÁN CHI, làm quan dưới triều Vua Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, mà trong Tộc phả không thấy ghi chép ?

(Do khuôn khổ hạn hẹp và tiện để theo dõi, từ Đời thứ 4 trở xuống chỉ trích ghi Trực hệ của dòng họ Đinh ở các xã Chi Lăng, Minh Tân, Lô Giang - Thái Bình).

ĐỜI THỨ 5
Con ông Đinh Công Đột:

1- Con trưởng: Ông ĐINH CÔNG ĐỊCH.
Giỗ ngày 05 tháng 4 AL, lăng mộ để tại thôn Đống Cải, xã Đông Cao, Thanh Hóa
Vợ: Bà họ NGÔ, ông bà sinh được 2 người con trai.
Ông là quan dưới triều Vua Lê Thánh Tông và Vua Lê Hiến Tông, đã phò giá Vua đi đánh Chiêm Thành, giữ chức Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc, được vinh phong là Triêu Liệt Đại Phu. Mộ ông để ở thôn Đống Cải, làng Đông Cao, Nông Cống, Thanh Hoá. Con cháu hậu duệ của ông cũng ở đây.

2- Con thứ 2: Ông ĐINH CÔNG MINH. Giỗ ngày 18 tháng 3AL
Vợ: Bà LÊ THỊ NGỌC MẠI. Giỗ ngày 17 tháng 2 AL. Lăng mộ ông bà đều để tại Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông bà sinh được 2 người con trai.
Ông là quan dưới triều Vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, giữ chức Tả Thị Lang Bộ Công, rồi Thượng Thư Bộ Công (Bộ trưởng), phong tước Lương Nghĩa Hầu.

3- Con thứ 3: Ông ĐINH TIẾN LỘC. Giỗ ngày 18 tháng 3 AL
Vợ: Bà LÊ THỊ NGỌC CHÂN. Giỗ ngày 16 tháng 8 AL. Mộ ông bà để tại xã Đông Cao, Thanh Hóa. Ông bà sinh được 1 người con trai.
Ông là quan dưới triều Vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, giữ chức Đô Trấn Nghệ An doanh, phong tước Triêu Dương Hầu.

4- Quý nam: Ông ĐINH KHẮC THẬN. Giỗ ngày 18 tháng 4 AL.
Vợ họ TRỊNH. Giỗ ngày 8 tháng 7 AL. Lăng mộ ông bà để tại xã Đội Phục, Thanh Hóa. Ông bà sinh được 2 người con trai.
Ông làm quan dưới triều Vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, giữ chức Tiền Nghĩa Doanh, phong tước Mỹ Lâm Hầu.

ĐỜI THỨ 6
Con ông Đinh Công Minh:
1- Ông ĐINH CÔNG HỮU. Ông bà sinh được 1 con trai, ông giữ chức Đô Tổng Binh Đồng Tri.

ĐỜI THỨ 7
Con của ông Đinh Công Hữu:
1- Ông ĐINH PHÚC VẬN. Giỗ ngày 06 tháng 8 AL. Ông bà sinh được 1 con trai.
Ông là Danh thần Lê Trung Hưng lo trấn giữ vùng biên ải phía Nam, đánh dẹp Chiêm Thành, trải phò hai triều Vua Lê Anh Tông, Lê Thế Tông và Chúa Trịnh Tùng, sau ra Bắc đánh dẹp nhà Mạc, thu phục Kinh sư, được thưởng Kim bài (Thẻ bài vàng); được phong là Minh Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần, Văn giai giữ chức Thái Tể, Võ giai phong tước Nam Quận Công, cả hai ngạch văn, võ đều xếp hạng Nhất phẩm. Khi Trịnh Tùng Trung hưng nhà Lê, ông đóng quân trấn giữ trên vùng đất Thái Bình, ở luỹ Việt Yên (Hưng Hà, Thái Bình).

Khi trí sỹ, ông về xã Hoàng Mỹ (làng Hò, xã Thống Nhất, Hưng Hà). Tương truyền lăng mộ ông để tại Lăng Công thần họ Đinh ở Ngoại thôn, xã Y Đún, nay là xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình.

ĐỜI THỨ 8
Con ông Đinh Phúc Vận:
1- Ông ĐINH THỪA CẬN. Giỗ ngày 16 tháng 7 AL.
Vợ: Bà TRỊNH THỊ NGỌC PHỤ, là con gái quan Thái Uý Liệt Quốc Công Trịnh Khả, bà được phong là Quận Phu Nhân, giỗ ngày 09 tháng 10 AL. Ông bà sinh được 2 người con trai.

Ông làm quan dưới triều Vua Lê Anh Tông, Lê Thế Tông và Chúa Trịnh Tùng, theo cha đi đánh giặc, tiễu trừ nhà Mạc, lập nhiều công lớn, giữ chức Thái Tể, được tặng tuyên phong Dương Vũ Uy Dũng Tán Trị Công Thần, tước Thuý Quận Công. Khi về trí sĩ, có thời gian ông ở Sáo Đền, An Lão, Tháí Bình. Lăng mộ ông bà để tại làng Hò, xã Hoàng Mỹ, huyện Duyên Hà, nay là xã Thống Nhất, Hưng Hà, Thái Bình, gọi là lăng Thuý Quận Công.

ĐỜI THỨ 9
Con ông Đinh Thừa Cận:
1- Con trưởng: Ông ĐINH PHÚC DIÊN, giỗ ngày 18 tháng 4 AL.
Vợ là Quận Chúa, giỗ ngày 15 tháng 10 AL.
Ông bà sinh được 1 con trai. Lăng mộ ông bà đều để tại An Lão, xã Song An, Vũ Thư, Thái Bình.

Ông là Danh thần Trung hưng nhà Lê, buổi đầu được chọn vào học ở Quốc Tử Giám, ông không dự thi Hội chuyển sang ngạch Võ. Nhân có sự biến Trịnh Xuân mưu sát Trịnh Tráng, Mạc Kính Khoan mang quân từ Cao Bằng về đánh Gia Lâm (Hà Nội), ông đem ấn Đông Quân Tả Đô Đốc chốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) hội với Quân tiên phong Đặng Thế Tài, Hậu quân Nguyễn Danh Thế vây đánh Gia Lâm, Mạc Kính Khoan thua chạy về Cao Bằng, ông truy đuổi bắt được… Từ đấy, ông đứng vào hàng đầu các tướng.

Ông làm quan dưới triều Vua Lê Minh Tông, Lê Thần Tông và Chúa Trịnh Tùng, Chúa Trịnh Tráng, lập được nhiều công lớn đánh dẹp nhà Mạc, giữ chức Thiếu Uý, Tả Đô Đốc Đông Quân, được tuyên phong Tán Trị Công Thần, tước Dương Quận Công, tặng thưởng Kim bài (Thẻ bài vàng) với lời tâm huyết của An Đô Vương Trịnh Tráng:Ban thẻ để làm di tích truyền đời, phú quý hoạn nạn cùng chia sẻ mãi . Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép: (năm Giáp Tuất - 1634) Cho Tam Dương hầu Đinh Thế Diên làm Dương Quận Công, gia hàm Thiếu uý. Thế Diên là cháu 7 đời của Công thần Lê Liệt .

Năm 1627, ông đã xây dựng Từ đường họ Đinh ở Ngoại Thôn, xã Y Đốn và cắm các Khu cấm địa để làm lăng mộ các bậc công thần họ Đinh. Ông được triều Nguyễn, năm Khải Định thứ 9 (1924) sắc phong là Trung Hưng Tôn Thần, Phúc Thần làng Y Đốn, huyện Thần Khê, phối thờ với Thành hoàng làng là Vua Lê Đại Hành.

2- Quý nam: Ông ĐINH PHÚC NGHỊ.
Ông ra ở Hàm Giang, nay là huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Đến nay, chưa biết thông tin về con cháu hậu duệ của ông Đinh Phúc Nghị ở Cẩm Giàng, Hải Dương.

ĐỜI THỨ 10
Con ông Đinh Phúc Diên:
1- Ông ĐINH PHÚC TIẾN.
Vợ, bà quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương, ông bà sinh được 3 con trai. Ông làm quan dưới triều Vua Lê Thần Tông và Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc, đóng ở Hàm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương), chức Chánh Đội Trưởng, Tiền Cai Quản, tước Khuông Cầu Hầu.

ĐỜI THỨ 11
Con ông Đinh Phúc Tiến :
1- Con trưởng: Ông ĐINH PHÚC TUYỂN.
Ông được phong tước Toản Vũ Hầu. Ông bà sinh được 3 người con trai.

2- Con thứ: Ông ĐINH PHÚC ĐẠT.
Ông bà sinh được 1 con người trai. Ông làm quan dưới triều Vua Lê Hy Tông, Dụ Tông và Chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương, có công đánh Mạc, chức Chánh Đội Trưởng, tước Phan Lộc Hầu. Con của ông là Đinh Văn Chất tước Hầu, cháu của ông là Đinh Văn Giám tước ; đều làm quan, có một chi phái họ Đinh là hậu duệ của ông hưởng lộc điền ở Hàm Giang, Cẩm Giàng, Hải Dương.

3- Quý nam: Ông ĐINH PHÚC LIÊN.
Ông bà sinh được 3 người con trai. Ông làm quan dưới triều Vua Lê Dụ Tông, Chúa Trịnh Căn và Chúa Trịnh Cương, có công đánh giặc dẹp Mạc, được phong tước Trí An Hầu. Ông đã tu sửa Từ đường họ Đinh. Lăng mộ ông để tại lăng Công thần họ Đinh ở Ngoại Thôn, xã Y Đốn.

Trong quyển Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn có ghi rõ: "... Con cháu Phúc Liên ở riêng ra tại xã Y Đốn, huyện Thần Khê ". Ông Lê Quý Đôn cũng cho biết thêm: "Dòng dõi Đinh Liệt còn lại một chi ở xã Đội Phục, huyện Nông Cống, đều sinh con đẻ cái rất đông".

Trong Đinh Tộc Thế Phả cũng có ghi: "... Con cháu của các ông Đinh Thế Đỉnh, Đinh Điển, Đinh Nhi, ... Đinh Nhân Thọ, Đinh Công Quy, Đinh Công Nham ... Nhiều con cháu sau này đã đổi chữ lót thành chữ " Bá " đều lấy cụ Đinh Liệt là Thuỷ tổ ... Do hoàn cảnh chưa tập hợp lại được, nên từ đời thứ 10, 11 trở đi không ghi chép tiếp đầy đủ được con cháu các ông nói trên và con cháu mang dòng họ " Đinh Bá " ở Đinh Tộc Thế Phả này được ".

ĐỜI THỨ 12
Con ông Đinh Phúc Liên:
1- Con trưởng: Ông ĐINH CẢNH.
2- Con thứ: Ông ĐINH SÂM.
3- Quý nam: Ông ĐINH PHÚC HỒ.

ĐỜI THỨ 13
Con ông Đinh Sâm:
1- Ông ĐINH PHÚC TÍN.

ĐỜI THỨ 14
Con ông Đinh Phúc Tín:
1- Ông ĐINH NHÂN HẬU.
Ông bà sinh được 3 người con trai, là ông Tổ chung của 3 Phái dòng họ Đinh ở xã Y Đốn, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng; nay là các xã Chi Lăng, xã Minh Tân, xã Lô Giang - Thái Bình.
ĐỜI THỨ 15
Con ông Đinh Nhân Hậu :

1- Con trưởng: Ông ĐINH THUẦN.
Ông giữ chức Huyện Thừa (Phó Tri huyện) huyện Nam Chân, Nam Định. Năm 1748, Vua Lê có lệnh kê khai thành tích của các công thần đã có công đánh đuổi quân Minh và giúp Vua tiễu trừ nhà Mạc, trung hưng nhà Lê. Ông Đinh Thuần đã làm Bản kê khai Tộc phả và công tích của tổ tiên từ đời các ông Đinh Lễ, Đinh Liệt đến ông Đinh Phúc Liên. Bản kê khai được nộp lên Quốc Sử Quán, kèm theo danh sách con cháu họ Đinh ở xã Y Đốn. Căn cứ vào đó và các tài liệu khác, ông Lê Quý Đôn đã đưa vào Đại Việt Thông Sử, có phần viết về công tích của tổ tiên họ Đinh và về con cháu họ Đinh ở xã Y Đốn, huyện Thần Khê.

Sau khi xem Bản kê khai tộc phả nói trên, ngày 3 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Chúa Đoan Nam Vương Trịnh Khải có lệnh chỉ gọi ông Đinh Do về kinh nhận chức Phó Chánh Đội trưởng.
Và sau đó, ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Triều đình lại sắc phong tặng ông Đinh Lễ và ông Đinh LiệtTrung Đẳng Phúc Thần làng Ngoại Thôn, xã Y Đốn, huyện Thần Khê.

Ông Đinh ThuầnÔng tổ của Phái thứ nhất - Phái Trưởng. ông bà sinh được 3 người con trai:
- Đinh Miên.
- Đinh Hy.
- Đinh Khang.
Con cháu hậu duệ của ông Đinh Thuần - Phái 1 phần lớn ở xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình; một Ngành lớn lấy họ Nguyễn (Đinh) ở thôn Đại Bộ, phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

2- Con thứ: Ông ĐINH THỜI.
Ông là Ông Tổ của Phái thứ 2. Ông bà sinh được 4 người con trai:
- Đinh Khiêm.
- Đinh Phán.
- Đinh Phạn.
- Đinh Tháo.
Con cháu hậu duệ của ông Đinh Thời - Phái thứ 2 phần lớn ở xã Minh Tân và xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

3- Quý nam: Ông ĐINH NGHIÊM.
Ông là Ông Tổ của Phái thứ 3. Ông bà sinh được 4 người con trai:
- Đinh Khôi.
- Đinh Do.
- Đinh Cương.
- Đinh Thiện.

Ông Đinh Do được gọi về Kinh giữ chức Phó Chánh Đội trưởng theo lệnh của Chúa Đoan Nam Vương Trịnh Khải, ngày 3 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Nội dung Lệnh chỉ như sau:

Nguyên Soái Quân chính là Đoan Nam Vương ra lệnh chỉ cho Đinh Do, nguyên quán ở sách Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa, nhà ở xã Y Đốn, huyện Thần Khê được rõ:
Đinh Do là con cháu Khai quốc Công thần, Thái sư Lân Quốc công Đinh Liệt, được Vua ban cho họ Nhà vua tức là Lê Liệt. Nay xét người con cháu ấy đáng trúng tuyển vào làm việc ở phủ Chúa (năm Quý Mão, 1783), bởi thành tích của tổ tiên, xứng đáng được giao làm Phó Chánh Đội trưởng. Nhưng nếu sau đây ở đâu có thiếu sót sẽ bổ sung ở đấy, đó là việc về sau. Còn như lười biếng, không chuyên cần và sai hẹn, chậm chạp không tới, sẽ có phép Nước làm gương.
Nay Lệnh chỉ .

Con cháu hậu duệ của ông Đinh Nghiêm - Phái thứ 3 phần lớn ở thôn Trần Phú và thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình; một số Chi họ ra định cư tại TP Hà Nội, TP Hải Dương; Thị trấn Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương …

Từ ông Tổ Đời thứ 14: Đinh Nhân Hậu sinh ra 3 Phái của dòng họ Đinh làng Đún Ngoại, con cháu hậu duệ sinh sôi đông đúc, định cư ở nhiều địa phương, nhiều miền trong cả Nước, hình thành nhiều Ngành, nhiều Chi họ, nên từ Đời thứ 16 đến Đời thứ 26 không thể trích đăng tiếp trong bài này.

Cũng xin được mạn phép nói rằng: Trên vùng đất Nông Kỳ xưa (vùng đất của dòng sông Luộc) nay là các huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, có nhiều Dòng họ Đinh, như: Đinh Công, Đinh Bá, Đinh Thế, Đinh Trọng, Đinh Văn, Đinh Khắc … là dòng dõi của Thái sư, Lân Quốc công, Trung Mục Đại vương Đinh Liệt, nhiều dòng họ Đinh đều lấy ông Đinh Liệt làm Thủy Tổ.

Nhưng do khắc nhiệt của thời gian, do có nhiều cuộc chiến tranh liên miên, ví như cuộc khởi nghĩa Cần Vương của ông Đinh Khắc Nhưỡng (Đốc Nhưỡng) …, con cháu, dòng họ ly tán mà không thể ghi chép và chắp nối được; đây cũng là điều trăn trở, thiệt thòi của hậu thế.
19060199_233459703824587_3492445399642707002_n.jpg
Từ đời thứ Nhất đến đời thứ 15, họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn liên tục có người làm quan trong triều, đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, đã có nhiều người được phong chức tước cao, chỉ mới kể những người ghi chép được trong Đinh Tộc Thế Phả này, đã có Bốn vị được phong tước Đại Vương, Hai vị được phong tước Quốc Công, Ba vị được phong tước Quận Công, 24 vị được phong tước Hầu, Hai vị được phong tước.

Kể từ Hội thề Lũng Nhai giúp Vua Lê Lợi khởi nghĩa đánh thắng quân Minh xâm lược đến đời thứ 16, họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn đã luôn cùng họ Lê gắn bó với vận mệnh Đất nước. Đến khi Nguyễn Phúc Ánh lên làm Vua ... Trong lúc khó khăn nguy hiểm, con cháu họ Đinh ở Y Đốn đổi chữ lót từ chữ "Phúc" ra chữ "Danh" để tránh sự nhòm ngó của thế lực đương thời.

Giặc Pháp sang xâm lược nước ta, họ Đinh ở Đô Kỳ - Y Đốn đã hưởng ứng Phong trào Cần Vương, cùng với những người yêu nước khác đứng lên khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược, như cuộc khởi nghĩa của ông Đinh Khắc Nhưỡng (Đốc Nhưỡng) ở Đô Kỳ (xem bài Đốc Nhưỡng).

Từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, theo tiếng gọi của Đảng và Chính Phủ, con cháu họ Đinh ở các xã Chi Lăng, Minh Tân và Lô Giang, đã và đang phát huy truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều người con cháu họ Đinh đã có mặt trên tiền tuyến chống quân xâm lược, 16 người là Liệt sỹ hy sinh cho đất nước. Trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá và xã hội; nhiều người con trong dòng Họ đã tham gia công tác Đảng và chính quyền, từ Trung ưng đến địa phương, là cán bộ trung cao cấp, giáo sư, tiến sĩ, sỹ quan, kỹ sư, bác sỹ, giám đốc, doanh nhân, giáo viên và những người lao động giỏi ... đã có nhiều cống hiến tốt đẹp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Lược soạn
Đinh Danh Vùng


 
Top