Bài tham luận: "Việc đóng góp truyền bá tư tưởng của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn với dân Châu Ô"

Đinh Nho Anh

Thành viên mới
Bài tham luận: VIỆC ĐÓNG GÓP TRUYỀN BÁ TƯ TƯỞNG CỦA HOÀNG GIÁP ĐINH NHO HOÀN VỚI DÂN QUA "HOÁN TỈNH CHÂU DÂN TỪ"
Tác giả: NGUYỄN MINH TUÂN
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Hán Nôm


Đinh Nho Hoàn (1670 – 1716), hiệu Mặc Trai, người xã An Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Dòng họ ông thuộc một trong những dòng họ nổi tiếng vì có nhiều người hiển đạt như Đinh Nho Công (cha của Đinh Nho Hoàn), Đinh Nho Điển, Đinh Nho Quang... Đinh Nho Hoàn đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà 21 (1700) đời Lê Hy Tông, từng làm Đốc trấn Cao Bằng, rồi Hữu thị lang bộ Công. Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) được cử làm Phó sứ sang tuế cống nhà Thanh, nhưng trên đường trở về không may lâm bệnh mà mất (1716), được truy tặng Tả thị lang bộ Lại.
Về các trước tác của ông, hiện chỉ thấy có hai đầu sách đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm. Trong đó, một là: Mặc Ông sứ tập (ký hiệu VHv.1443; A.1409; A.2823) ghi chép về các bài thơ vịnh cảnh trên đường đi sứ Trung Quốc, những bài họa đáp, tiễn tặng bạn bè và những bài cảm tác thể hiện lòng nhớ nước thương nhà; hai là: Hoán tỉnh châu dân từ (ký hiệu AB.185) được ông sáng tác vào thời kỳ làm Đốc trấn Cao Bằng. Nội dung của tập sách này ghi chép lại mười bài thơ vịnh cảnh đẹp ở Cao Bằng gọi là “Cao Bằng thập thủ” và bài Hoán tỉnh châu dân từ bằng chữ Nôm dài 148 câu, thể lục bát kêu gọi nhân dân địa phương làm điều tốt, bỏ điều xấu để an cư lạc nghiệp sau khi chiến tranh giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh với nhà Mạc chấm dứt, nhà Mạc bị thất bại.
Có thể nói, các trước tác của Đinh Nho Hoàn để lại tuy không nhiều nhưng được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao: “Thơ Đinh Nho Hoàn nhuần nhị, ngọt ngào và chứa chan những tình cảm, ý vị, đẹp đẽ, thể hiện nồng nàn lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc”( ). Tuy nhiên, các tác phẩm của ông hầu như vẫn chưa được khai thác, giới thiệu một cách đầy đủ. Xét riêng về bài Hoán tỉnh châu dân từ cho thấy, dưới ngòi bút của Đinh Nho Hoàn đã góp phần đánh thức toàn bộ dân Châu Ô nói riêng, dân Việt thời bấy giờ nói chung sau một thời kỳ loạn lạc kéo dài.
Vậy, bài viết này xin điểm qua một vài nét về việc đóng góp truyền bá tư tưởng của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn với dân Châu ô qua bài Hoán tỉnh châu dân từ để bạn đọc cùng tham khảo và thấy rõ hơn những cống hiến của ông đối với đất nước.

1. Vấn đề văn bản.
Văn bản Hoán tỉnh châu dân từ 喚 醒 州 民 辭 ký hiệu AB.185 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), gồm 16 trang, khuôn khổ 21 x 31 cm. Toàn văn chữ Nôm, viết chân phương rõ nét.
Ngoài bìa sách đề: 喚 醒 州 民 辭 Hoán tỉnh châu dân từ, 烏 州 近 錄 摘 錄 Ô Châu cận lục trích lục” và ở dòng 1 trang đầu có viết: 這 書 由 烏 州 近 錄 摘 出 別 為 一 集 非 是 欠 giá thư do Ô châu cận lục trích xuất biệt vi nhất tập phi thị khiếm. (Nghĩa là: Sách này trích từ Ô Châu cận lục, đóng riêng thành một tập, không phải là sách thiếu). Nhưng thực ra, Ô Châu cận lục của Dương Văn An vốn không có Hoán tỉnh châu dân từ. Xét việc ghép hai tác phẩm này lại với nhau, theo PGS. Trần Nghĩa trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (trang 815) thì việc này chỉ xảy ra khi chép sách.
Nội dung văn bản được chia làm hai phần. Phần 1, chép bài Từ bằng chữ Nôm với tiêu đề Hoán tỉnh châu dân từ dài 148 câu theo thể lục bát. Phần hai, chép 10 bài thơ vịnh các cảnh đẹp ở Cao Bằng “Cao Bằng thập thủ”, như Na Lữ cổ thành (thành cổ Na Lữ); Hoàng Sơn tình vọng (ngắm Hoàng Sơn lúc trời tạnh mưa); Khâu Sầm mộ vân (mây chiều ở Khâu Sầm); Đống Lân dạ chung (tiếng chuông đêm ở Đống Lân); v.v...

2. Vài nét về nội dung của Hoán tỉnh châu dân từ.
Sau cuộc biến loạn nhà Mạc, để tránh cho lòng dân hoang mang chán nản sa ngã vào các tệ nạn. Đinh Nho Hoàn đã viết lời kêu gọi dài 148 câu với nội dung khuyên nhân dân Châu ô hãy ăn ở trung nghĩa, kính thầy, hòa mục với anh em, giúp đỡ lẫn nhau, tránh rượu chè, tránh xa trộm cắp, hãy trau dồi đạo đức, nên sống nếp sống cần kiệm ngay thẳng, ăn ở hoà thuận với xóm giềng, v.v…

Nhỏ ấy em, lớn ấy anh,
Xử trong hương đảng ( ) mỡ khinh tuổi già.
Tóc xanh thả lụy đầu tơ,
Chú cha người khác, chú cha ta nào.
Mỡ khinh khó, mỡ khoe giàu,
Bụng no xót kẻ ăn nau ( ) cho cùng.
Làm người sinh tử nợ chung,
Một niềm điếu tuất ( ) cảm thông ở đời…

Với cha mẹ thì phải nên biết hiếu kính, vì cha mẹ là người truyền sự sống cho chúng ta. Hơn nữa cha mẹ phải chịu biết bao khó nhọc để nuôi nấng chúng ta từ lúc mới sinh ra cho đến khi khôn lớn. Công ơn cha mẹ không gì ví sánh được.

Ngay thờ vua, thảo thờ cha,
Thần thiêng xem xét, trời già chứng minh…
Xương da là của cha cho,
Sống thời cung kính, thác lo phụng thờ.
Ân tình vời vợi cao xa,
Bao nhiêu nước mắt liêu nga nhiễm đầy ( ).

Với việc học tập, khuyên mọi người nên chuyên cần trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức, chớ biếng nhác thì mới có được cuộc sống tốt đẹp.

Vầng sao soi sáng thánh kinh,
Chẳng thầy mở thẳm thì mình ắt mê.
Tuyết sâu ba thước chân giày ( ),
Đạo thầy ghi bút, nghĩa thầy tạc xương.

Còn với công việc làm ăn, khuyên mọi người hãy siêng năng, chăm chỉ làm ăn thì gia đình sẽ sung túc, chớ coi thường việc nhà nông mà để thời gian trôi qua một cách vô vị.

Việc nông là gốc, há chơi,
Dãi dầu có tiết, nghỉ ngơi có ngày.
Ba xuân ( ) phun phún mưa bay,
Mẫu nam trở đất, ruộng tây đắp bờ.
Thu về lúa đã đến nhà,
Cúi nuôi con cái, ngửa thờ cha ông.

Lại nữa, với đàn bà nữ nhi, khuyên hãy nên biết giữ lấy tiết tháo của Nho gia là phải biết lấy tam tòng tứ đức làm chuẩn mực.

Nữ nhi phận gái đào tơ,
Nước thanh ấy tiết, gương như là lòng.
Câu tứ đức, chữ tam tòng,
Thờ chồng chồng cậy, thề lòng lòng tin.
Cửa xuân khóa khóa then then,
Lòng ghi khắc khắc, nghĩa bền vân vân.

Trên đây mới chỉ điểm vài nét về nội dung của tác phẩm. Qua đó cũng đủ để cho thấy tác giả đã rất khéo léo lồng ghép ở dạng ca từ có vần có điệu một cách nhịp nhàng uyển chuyển. Với phương pháp này đã nhanh chóng giúp cho người đọc có thể dễ đọc, dễ nhớ và nhớ lâu hơn.

3. Tư tưởng của tác giả.
Để tìm hiểu cội nguồn của sự hình thành tư tưởng và nhân cách của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn có lẽ không thể bỏ qua những nhân tố sau:
- Ảnh hưởng từ dòng họ với truyền thống cương trực, khảng khái, khí tiết cứng cỏi, đấu tranh chống lại cường quyền, bạo lực, chống cái xấu cái ác làm hại nước hại dân.
- Ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng, văn hoá và học thuật cùng nhân cách của cha ông, nhất là tư tưởng thân dân, chăm lo cho dân.
- Từng sống đời sống thanh bần, trong sạch giản dị ở An Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nên ông thấu hiểu dân tình, đồng cảm những cảnh ngộ của nhân dân.
- Tiếp thu nhiều nguồn văn hóa tư tưởng trong kinh sách Tam giáo, nhất là Nho giáo; từ truyền thống văn hóa tư tưởng nhân dân; từ tinh hoa văn hoá thời đại Lê – Trịnh; từ hiện thực thời đại lịch sử; từ thực tế trải nghiệm cuộc sống của bản thân rồi dung hòa, nâng cao thành hệ tư tưởng của thời đại phục hưng dân tộc sau cuộc biến loạn nhà Mạc. Tư tưởng của Đinh Nho Hoàn cũng chính là tư tưởng tiêu biểu cho tư tưởng Đại Việt ở nửa đầu thế kỷ XVII. Vì thế, tư tưởng nhân nghĩa của Đinh Nho Hoàn, tuy khái niệm này là của Nho gia nhưng quan niệm của ông có khác chút ít so với Khổng Mạnh, và hoàn toàn khác xa với Tống Nho, tư tưởng đó mang tinh thần thân dân, vì dân. Theo ông, yêu nước chính là yêu dân, thể hiện khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
- Đinh Nho Hoàn không chỉ chịu ảnh hưởng từ truyền thống của dòng họ, gia đình; được tiếp thu một nền giáo dục có hệ thống và uyên bác cùng tư tưởng thân dân của ông cha; từng sống một đời sống thanh bạch, giản dị, gần gũi nhân dân, thấu hiểu dân tình, mà ông còn thừa hưởng những truyền thống quý giá và cao đẹp của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, còn nếu tính từ ngày đất nước giành lại độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, thì Đinh Nho Hoàn là sự kết tinh những tinh hoa của thời đại, mà triều Lê – Trịnh là tiêu biểu. Ở đó, hai trục tư tưởng chính của thời đại, có truyền thống từ xa xưa của dân tộc là tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân đạo được biểu hiện rõ nét nhất. Hai tư tưởng này phát triển theo tiến trình của lịch sử dựa trên hai cốt lõi vững chắc là tinh thần dân chủ và tinh thần rộng mở. Tư tưởng Đinh Nho Hoàn, văn chương Đinh Nho Hoàn, nhất là tập Hoán tỉnh châu dân từ đã thể hiện rất rõ tính chất Đại Việt với tinh thần dân chủ và rộng mở ấy của thời đại Lê – Trịnh. Ông đúng là sự kết tinh những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất, tinh hoa nhất của thời đại đó, có sự kết hợp với thực tiễn đất nước hồi đầu thế kỷ XVII.
Tinh thần dân chủ trong tư tưởng yêu nước của Đinh Nho Hoàn, cụ thể là quan niệm về dân, tư tưởng thân dân được ông đúc kết:

Tám ngàn mạch nước sâu dài,
Dân làm cội rễ, nền xây vững vàng.
Mặc khâm chóp đáp đẳng thường ( ),
Xuất dân muốn lấy, lòng hằng đưa dân.
Góp bao nhiêu tiếng cộc cằn,
Da trâu, lông thỏ ( ) khuyên răn châu này.

Theo ông, mệnh đề trung quân ái quốc của Nho gia chính là ái dân. Trung với vua chính là yêu nước, mà yêu nước đồng nghĩa với yêu dân, vì "quốc dĩ dân vi bản" (nước lấy dân làm gốc), hay "dân vi bang bản" (dân là gốc của nước). Như vậy, trung với vua thống nhất với yêu nước, thương dân. Vua - nước - dân là một.
Bài ca từ là sự suy nghiệm của ông về lịch sử, về sự sụp đổ của một triều đại để tìm ra nguyên nhân cơ bản của thảm họa mất nước là do triều đại đó không được lòng dân.

Nhớ người xưa chửa muốn bình,
Xui loài ngụy Mạc gửi mình dân ta.
Nó luông thói mãng kiêu xa,
Còn đòi phân mặt chúa nhà bao đang.
Khiến dân cày để liềm mang,
Ruộng dâu bỗng hóa chiến trường hư không ( )!
Chính ra châm độc cái ong ( ),
Trời người đều giận, chẳng dong loài tà.
Mịt mùng tên pháo xông pha,
Núi non chìm nổi, trẻ già lênh đênh.
Nó là nghịch tặc nhơ tanh,
Áo vàng đâu có dắp mình đầu đen ( )!
Dân ta đợi nó lộng then ( ),
Bởi chưng để dạ cho nên chau mày ( ).

Nhờ suy nghiệm này mà người đọc hôm nay hiểu rõ hơn vì sao nhà Mạc sụp đổ. Theo Đinh Nho Hoàn, có dân là có sức mạnh, dân mạnh thì nước còn, nước phát triển; dân yếu thì nước yếu, có khi nước mất; không có dân thì không có nước.
Trong Hoán tỉnh dân châu từ, nhiều câu được tác giả đề cập đến như một điệp khúc ở nhiều lĩnh vực như trung hiếu, quân thân, ơn cha mẹ, tránh cờ bạc rượu chè, tình chồng vợ, coi trọng việc nông, v.v… Tất cả đều cùng một nội dung tư tưởng mà ông muốn chỉ hướng cho mọi người khỏi lầm đường lạc lối. Đó cũng chính là tấm lòng tha thiết sâu nặng của ông đối với đất nước, với nhân dân.
Đinh Nho Hoàn là nhà Nho nhưng trong văn thơ của ông không chỉ nói tiếng nói của Nho gia mà còn có cả tư tưởng của Phật giáo. Hình ảnh “Thần thiêng xem xét, trời già chứng minh”; “Đạo thầy ghi bút, nghĩa thầy tạc xương. Ở đây, cái hành và tàng của Nho gia có khi bị động, cứng nhắc thì đã có cái nhập mà xuất, xuất mà nhập uyển chuyển của Phật bồi bổ thêm, bổ sung thêm cho tư tưởng của ông. Cái u tịch của Phật cùng cái thanh khiết của Nho đã hòa trộn, làm cho tư tưởng ông có sự hài hòa, thăng bằng, mềm dẻo. Đinh Nho Hoàn là người giữ vững sự thăng bằng ấy với một bản lĩnh siêu việt, phi thường: vững chắc mà thanh cao, yêu nước thương dân là trên hết.
Tóm lại, trong bước ngoặt của lịch sử, Đinh Nho Hoàn đã tỉnh táo tìm ra lẽ phải, tìm ra hướng đi đúng, lẽ sống đúng. Đinh Nho Hoàn trở thành người kết tinh những giá trị tinh hoa văn hóa, tư tưởng, văn học của nhiều thế kỷ rồi nâng cao lên một tầm mới. Dường như những giá trị tinh túy của thời đại lịch sử lúc bấy giờ đã hội tụ nơi ông, vì ông hiểu rõ và nắm chắc quy luật vận động của lịch sử, kết hợp sự tự vận động bản thân mình trong cuộc sống, biết đi tìm lẽ sống đúng, biết tự đổi mới theo hướng đi lên để xây dựng một cuộc sống cho dân cho nước tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, nếu xét về mặt văn chương, qua tác phẩm cho thấy phong cách văn của ông mềm mại mà sắc nhọn, nhẹ nhàng mà đanh thép, lập luận chặt chẽ, lời lẽ hùng hồn, lịch sự nhún nhường mà có khí thế. Tất cả đều xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa. Bài văn không dài, nhưng những diễn biến từ lịch sử phức tạp cho đến sự an dân được ông đúc kết đầy đủ, tài tình, đầy sức thuyết phục với những truyền thống cao quý của dân tộc.
Có thể thấy, ca từ Nôm của Đinh Nho Hoàn không hào nhoáng, không cầu kỳ gọt giũa câu chữ, không gò bó, không gieo vần hiểm hóc, nhưng vẫn giữ được tính cao quý, trang nhã, ý tại ngôn ngoại, thể hiện đặc trưng của nó. Nói chung, bút pháp của ông thanh thoát, thể hiện cảm xúc tinh tế trước cảnh vật với liên tưởng có khi bất ngờ thú vị.
Tuy nhiên, muốn hiểu tư tưởng - văn chương của Đinh Nho Hoàn, muốn lý giải đến ngọn nguồn cảm xúc của ông thì phải đặt tác giả trong tiến trình phát triển của lịch sử, của văn học, để xem xét quá trình tiếp thu kế thừa và sáng tạo của ông, nhất là phải nhìn từ phía thời đại Lê – Trịnh thì mới thấy hết cái lớn lao trong văn chương, học thuật và tư tưởng của ông, như trên có nêu. Ông đúng là sự kết tinh những tinh hoa văn hóa tư tưởng của thời đại Lê – Trịnh rồi vận động nâng cao lên rực rỡ hồi đầu thế kỷ XVII, trong thực tiễn chiến đấu vệ quốc của dân tộc.
Với lịch sử dân tộc, Đinh Nho Hoàn là nhà chính trị và ngoại giao tài ba, nhà tư tưởng tầm cỡ mà trải qua nhiều biến động của lịch sử, bao thế hệ vẫn tôn vinh và thừa nhận.
Vị trí của Mặc Trai tiên sinh trong lòng người dân không chỉ với dân Châu Ô mà còn cả với mọi người dân trong mọi miền đất nước quả rất xứng đáng được tôn vinh.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tư tưởng của Hoàng giáp Đinh qua bài từ Nôm Hoán tỉnh châu dân từ, dưới đây chúng tôi xin phiên âm toàn văn như sau:

HOÁN TỈNH CHÂU DÂN TỪ

Lịnh nhà chúa búa nhà trời ( ),
Vâng trên chăn dưới, phải lời phân minh.
Nhớ người xưa chửa muốn bình,
Xui loài ngụy Mạc gửi mình dân ta.
Nó luông thói mãng kiêu xa,
Còn đòi phân mặt chúa nhà bao đang.
Khiến dân cày để liềm mang,
Ruộng dâu bỗng hóa chiến trường hư không ( )!
Chính ra châm độc cái ong ( ),
Trời người đều giận, chẳng dong loài tà.
Mịt mùng tên pháo xông pha,
Núi non chìm nổi, trẻ già lênh đênh.
Nó là nghịch tặc nhơ tanh,
Áo vàng đâu có dắp mình đầu đen ( )!
Dân ta đợi nó lộng then ( ),
Bởi chưng để dạ cho nên chau mày ( ).
Rày mừng móc đượm cỏ cây,
Mặt rồng chiêm chiếm năm mây rủ lèo ( ).
Dân Nghiêu thuận thể lòng Nghiêu,
Ghín ( ) noi lý chính, mỡ ( ) đeo thói tà.
Ngay thờ vua, thảo thờ cha,
Thần thiêng xem xét, trời già chứng minh.
Làu làu năm mối, ba diềng ( ),
Trong ngoài nhóc nhóc [][] ( ) là người.
Ngay có mười, thảo có mười,
Ngay vì hay thảo, thảo dời làm ngay.
Hai vầng nhật nguyệt ( ) dõi bày,
Ở ăn nội lộc, mỡ khuây nhà vàng.
Dâng ca đòi dặm khang trang,
Chớ quên đức ấy hoàng vương vỗ về.
Vật nào còn sót chở che,
Cây khô mọc lá, rễ tre nảy chồi.
Sinh ra mống ( ), dưỡng là đôi,
Tưởng khuây khuây vắng, trạnh ngùi ngùi lo.
Xương da là của cha cho,
Sống thời cung kính, thác lo phụng thờ.
Ân tình vời vợi cao xa,
Bao nhiêu nước mắt liêu nga nhiễm đầy ( ).
Trai thành trà muối no ngày,
Hương ngưng một triện lọ bày ba sinh ( ).
Vầng sao soi sáng thánh kinh,
Chẳng thầy mở thẳm thì mình ắt mê.
Tuyết sâu ba thước chân giày ( ),
Đạo thầy ghi bút, nghĩa thầy tạc xương.
Lệ hoa ( ) đóa đóa đưa hương,
Anh em nặng tiếng trong tường ( ) bao đang.
Dầu lòng cung hữu chẳng thường,
Chưng sau ra mặt suối vàng thẹn cha.
Trăng già thề nhẫn tuổi già,
Vợ chồng chẳng khá lìa sơ lỗi nghì.
Khó nào quản, xấu nào nề,
Lấy hay kính thuận xướng tùy làm hơn.
Tơ trời năm sắc gồm chen,
Nỡ đem thói bạc nhiễm đen biến rời.
Chim kêu chíu chít cuối trời,
Còn hay tìm bạn huống người ta vay?
Tấc tin khá sót năm mây,
Được người ích hữu dan tay mới đành.
Nhỏ ấy em, lớn ấy anh,
Xử trong hương đảng ( ) mỡ khinh tuổi già.
Tóc xanh thả lụy đầu tơ,
Chú cha người khác, chú cha ta nào.
Mỡ khinh khó, mỡ khoe giàu,
Bụng no xót kẻ ăn nau ( ) cho cùng.
Làm người sinh tử nợ chung,
Một niềm điếu tuất( ) cảm thông ở đời.
Việc nông là gốc, há chơi,
Dãi dầu có tiết, nghỉ ngơi có ngày.
Ba xuân ( ) phun phún mưa bay,
Mẫu nam trở đất, ruộng tây đắp bờ.
Thu về lúa đã đến nhà,
Cúi nuôi con cái, ngửa thờ cha ông.
Tề mi ( ) châm chén rượu nồng,
Thốt xoang ( ) chín khúc nông công mừng rồi.
Nhiều phen nắng đổ bồ hôi,
Mượn con tất suất ( ) hứng thôi ( ) tả lòng.
Khó thời đắp đổi kiệm dùng,
Chớ mang răng chuột cắn rông của người.
Đạo chương rờ rỡ gương soi,
Nương ba thước phép, quan trời chi tha.
Chớ đam đổ bác ( ) lòng tà,
Tay liền phủi sạch, sản nhà tàn không.
Được thua cãi quấy thề rông,
Sướng tay con đổ, phí công cha làm.
Chớ đua kiện cáo thói phàm,
Trời căm lòng độc, người phàm thói ngoan.
Con dè ỷ, vợ phàn nàn,
Chẳng hay chở của về quan ích gì.
Gan tráo tráo, mặt bì bì,
Ngông nghênh khéo tể ( ) lê tề khéo dơ.
Sân Chu ( ) khúm núm quỳ thưa,
Búa giơ dựng gáy, roi giơ giật mình.
Chớ buông thói dữ mọc nanh,
Dĩ uy hống hét người lành vẫy đuôi.
Chớ lòng cậy của làm mồi,
Vẩy nguôi nước mắt, dãi chùi cháy gan.
Khi đi dặm liễu hàng nhàn,
Chớ lòng ngạo trưởng trước đoàn tranh tiên.
Khi cày khẳm ( ) mạch dõi thiên,
Chớ lòng xu lợi, chẳng phen nhượng bờ.
Ông kia đầu tuyết bời bời,
Thấy người đeo đội mình thời chịu thay.
Cơ cảm ứng ( ) trở bàn tay,
Kính già trời báo đành hay được già.
Nữ nhi phận gái đào tơ,
Nước thanh ấy tiết, gương như là lòng.
Câu tứ đức, chữ tam tòng,
Thờ chồng chồng cậy, thề lòng lòng tin.
Cửa xuân khóa khóa then then,
Lòng ghi khắc khắc, nghĩa bền vân vân.
Đẹp chiều ở, thuận chiều ăn,
Lọ trong hơi xạ da ngần ( ) làm chi.
Chớ đua ngạo ( ) ngật phủ phê,
Hương luông năm thức áo xuê năm mùi.
Chớ đua cách thảng ( ) điệu đòi,
Khi đi lặn nguyệt, khi cười lét hoa.
Cũ càng quếch quác thú ta,
Chanh chua mặc khách, trẻ già mặc ai.
Miễn cao tiết gái hơn người,
Chẳng phiên ( ) khong khởi, chẳng nài thanh tân.
Thói ở kiệm, nết ở cần,
Tửu tương ngài ngại, tảo tần chăm chăm.
Canh khuya nương bóng song châm,
Chỉ luồn áo tuyết, lâm rân bóng đèn.
Nữ công dám trễ lòng rèn,
Sương châm ( ) dãi nắng nhạt then tiếng cầm.
Cát kia lá đã bóng âm,
Đỗ kêu trên động cái chim hoàng hoàng ( ).
Vơi đầy thôi rỏ thời không,
Thấp cao khảm lục, xách mang dăm hoè ( ).
Lầu lầu ven vẹt chẳng hề,
Ngôn từ ren rén, thể tề lâng lâng.
Vậy lòng quân tử mới bằng,
Bõ khi thức lục ( ) dưới trăng chau mày.
Vậy nên hơi hỡi đấy nay,
Lòng vàng yên diện ( ) gìn tày con thơ.
Những nhưng nhân nhượng thói xưa,
Vô hoài mỹ chủng tâm cơ chẳng dùng.
Bốn dân chức nghiệp thong dong,
Lễ văn cửa cửa, nhân phong nhà nhà.
Vâng trên đồng đức ( ) trung hòa,
Đầm hâm hai thuở, sởn sơ muôn loài.
Tám ngàn mạch nước sâu dài,
Dân làm cội rễ, nền xây vững vàng.
Mặc khâm chóp đáp đẳng thường ( ),
Xuất dân muốn lấy, lòng hằng đưa dân.
Góp bao nhiêu tiếng cộc cằn,
Da trâu, lông thỏ ( ) khuyên răn châu này.

Tác giả: Nguyễn Minh Tuân.
 
Top