Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn Tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của người làm quan

Đinh Nho Anh

Thành viên mới
10291085_10201952182829511_4647557400499464551_n.jpg



Tấm gương sáng muôn đời tỏa sáng. Ngày nay thế hệ chúng ta tri ân và ngưỡng vọng phẩm chất đạo đức của người xưa “làm quan sáng suốt, công bằng, liêm khiết, giúp dân thỏa được chí nguyện, làm cho dân ăn no mặc ấm, và giàu có, làm rạng rỡ đức nhà vua, sáng tỏ phép nước”, đó là sự nghiệp làm quan của cụ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.


Đinh Nho Hoàn tự Tồn Phác hiệu Mặc Trai (cũng gọi là Mặc Ông), húy là Toản, là con thứ ba của cụ Đinh Nho Công và phu nhân Đặng Thị, sinh ngày 5 tháng 10 năm Tân Hợi niên hiệu Cảnh Trị thứ 9 (7-11-1671) người xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Sự nghiệp quan trường của cụ bắt đầu từ sau khi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), cụ làm Hậu bổ Hàn lâm viện, rồi Tham Chính xứ Sơn Tây và chưa đầy một năm lại được điều bổ chức Đốc trấn phủ Cao Bình (tức Cao Bằng)
Ở cương vị này cụ chăm lo việc hưng lợi, trừ hại, sửa đường, phá ghềnh đá cho thuyền bè đi lại giao thương dễ dàng, trước đó thuyền buôn của người Trung Quốc sang buôn bán phải chờ đợi lâu mới được khám hàng cho lưu thông, thời cụ làm Đốc trấn có lệnh khám hàng phải làm nhanh chóng, thuận tiện cho chủ hàng và giảm thuế cho các thương nhân ở các tỉnh Giang Tây, Giang Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hồ Quảng, Triều Châu sang ta buôn bán.Những cải cách của cụ đã góp phần mở mang sự giao lưu buôn bán giữa hai nước.

Nhớ ơn việc ấy, thương nhân Trung Quốc buôn bán ở khu vực này góp tiền dựng một tấm bia trước cửa tòa Hội quán để ca ngợi công đức của Đinh Đốc trấn gọi là “Đức Chính bia”, bia nêu rõ ba công lao lớn của cụ:
- Sửa đường, phá ghềnh đá trên sông để thuyền bè đi lại dễ dàng
- Giảm bớt phiền hà khi kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu
- Giảm thuế

Với trách nhiệm làm quan của cụ luôn lo cho việc “thiên hạ hưng vong” quan hệ đến hạnh phúc của dân chúng, thực là bậc sĩ phu đã thấm nhuần đạo đức và những tư tưởng tinh hoa của luận thuyết “trung hiếu”, từ nhỏ vốn đã thông minh, ham học, được cha là cụ Thiêm đô ngự sử - Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) kèm học, lại được thụ giáo với nhiều bậc danh sư khi về kinh.
Với những giáo lý của Nho gia mà cụ đã được trau dồi thì Trung là một phạm trù quan trọng, là phạm trù luân lý và cũng là phạm trù chính trị, đức Khổng Tử nói: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ Trung” (vua sai khiến bề tôi bằng lễ, bề tôi thờ vua bằng đạo Trung) (Luận ngữ - Hiến vấn), quan niệm này là nói về phương diện luân lý. Nhưng “hành chi dĩ Trung” (thi hành chính lệnh thì trung chính hết lòng) thì đã bao hàm yếu tố chính trị (Luận ngữ - thiên Bát dật và thiên Nhan Uyên).

Làm quan phải sáng suốt, làm việc phải công bằng, lập thân phải liêm khiết. Liêm khiết thì không ham muốn, công bằng thì không cong vạy, sáng suốt thì có thể chính được phong tục. Làm đủ ba điều ấy thì sau mới có thể trị được người. Bậc quân tử dốc hết lòng trung và đem tài năng của bản thân để thi hành chính lệnh…Người ta ai chẳng muốn yên ổn, ai chẳng muốn giàu, người quân tử giáo hóa để mọi người giàu có. Dốc lòng làm nhân nghĩa để cố kết tâm họ, lấy lễ nhạc dẫn dắt họ để họ hài hòa tâm tính, bày tỏ đức của vua để hoằng dương đại hóa làm sáng tỏ phép nước, để đạt đến chỗ không có hình phạt. Xem người của vua như con mình thì mọi người yêu mến mình như đấng thân của họ. Kinh thi có câu rằng: “Người quân tử dễ dàng, là cha mẹ của dân”- “Khải đễ quân tử, dân chi phụ mẫu”. Chương “Bảo hiếu hạnh” viết: “phù duy hiếu giả tất quý vu Trung” (bậc hiếu ắt quý ở trung), có Trung thì mới có Hiếu. Sách Trung Kinh nêu lên một loạt vấn đề, cần tránh không để mất chức, không mất bổng lộc và quan trọng nhất là không để cho cha mẹ bị nhục. “Cố quân tử hành kỳ hiếu tất tiên dĩ Trung” (người quân tử thi hành đạo hiếu ắt phải trung). Cho nên lấy hiếu thờ vua thì “Trung” hết lòng trung thì phúc lộc sẽ đến, cho nên có thể hết lòng kính yêu phụng dưỡng đấng thân. Song, theo quan niệm của sách Hiếu Kinh, có lẽ đạo của người quân tử là đi từ đạo “Hiếu” thờ cha mẹ để đi tới đạo “Trung” thờ vua: “Dĩ hiếu sự quân tắc trung” (lấy hiếu thờ vua thì Trung).

Đạo “Trung” và đạo “Hiếu” kết hợp với nhau, dựa vào nhau, bổ trợ cho nhau. Như vậy những giáo lý của Nho gia cùng với tư tưởng (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) và đạo “Trung Hiếu” của cụ được rèn luyện ngày đêm để phát triển nâng cao học vấn tu dưỡng bản thân giữ gìn khí tiết thanh cao đem tài năng thờ vua giúp nước.

Di sản của cụ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn để lại cho hậu thế chúng ta không chỉ tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của người làm quan mà còn để lại cho nền văn học của nước nhà những tác phẩm hết sức quý báu đó là “Mặc Ông sứ tập”.

Theo PGS.TS Ngô Đức Thọ (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đã khảo cứu và phiên âm dịch nghĩa tập thơ này, dẫn trong “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch, chép “Đinh Nho Hoàn làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công sau khi từ Cao Bằng về, và chức “Thượng bảo tự khanh”. Khi đi sứ là chức quan giữ ấn triện ở Hàn lâm viện. Còn về chuyến đi sứ năm 1715 các bộ sử đều thống nhất ghi: “NămẤt Mùi Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) mùa Xuân, tháng Giêng sai đi sứ sang nhà Thanh”

Chuyến đi sứ này cụ giữ chức Phó sứ, trên đường đi sứ cụ làm thơ ngâm vịnh phong cảnh, nói lên nỗi nhớ quê nhà, đất nước, các bài họa đáp, tiễn bạn bè, các bài răn dạy con cháu. Đúng như “Lời dẫn tập thơ đi sứ của Mặc Ông” . Con rể cụ là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thường viết: “…Ngôn từ tình cảm không ngoài hai đầu mối chính là trung với vua và hiếu kính cha mẹ mà thôi…”

Trong bài “Cảm xúc nhân ngày giỗ mẹ 17/7”, cụ nghẹn ngào thầm khóc tàn một nén nhang nhân ngày giỗ mẹ ở chốn quê người, nhìn về quê nhà dặm đường xa cách mây xòa che phủ đau lòng không được rót ba chén rượu cúng mẹ. Tự thương mình từ năm lên ba tuổi đã mồ côi mẹ, tự hỏi mình, phải chăng trung với vua cũng là cách làm cho cha mẹ mình được vẻ vang?

- “Làm cho cha mẹ được vẻ vang?” đó chính là Trung Hiếu, điều đáng quý nhất của các Nho gia trong mọi thời đại.

Những bài thơ vịnh cảnh, họa đáp tiễn bạn bè thì quả như lời PGS.TS Ngô Đức Thọ: “Những câu thơ đẹp như vậy phải coi là một thông điệp mỹ học vượt ngàn lớn thời gian đến với chúng ta” . Giá trị tư tưởng nội dung nghệ thuật của Mặc Ông sứ tập cũng là những viên ngọc quý lấp lánh cùng bao viên ngọc trong nền văn học của nước nhà tỏa sáng.

Thật đáng tiếc và đau buồn, cụ Phó sứ Đinh Nho Hoàn không may lâm trọng bệnh đã mất trong chuyến đi sứ. Giữ chức Phó sứ sang nhà Thanh, cụ đã được vua nhà Thanh hết sức khen ngợi, đó là nhân cách và tài năng mà cụ đã thể hiện. Được tin cụ mất cả vua nhà Thanh và vua Lê đều vô cùng thương tiếc và làm điếu văn tiễn biệt trong lễ dụ tế.

Đời Cảnh Hưng, triều đình tấn phong cụ là “Đặc Đạt Đại Vương” và phong là “Tuấn lương trực đoan túc Dực bảo trung hưng phúc thần”

Cụ có hai bà vợ, bà Chính thất họ Lê, húy là Vệ người xã Hữu Bằng (nay là xã Sơn Bằng). Bà Á Thất là Phan Thị Viên người huyện Hưng Nguyên, bà được nhà vua ban cho biển vàng “Tiết phụ môn”. Bà chẳng những nổi danh về nghĩa cử thủ tiết thờ chồng mà còn là một nữ sỹ tài hoa. Đời Cảnh Hưng gia phong “Trinh Nhất Á thận phụ nhân”, đời nhà Nguyễn gia phong “Lương tĩnh thục diệu nhàn uyển Dực bảo trung hưng phúc thần”

Cụ là người nho nhã thanh liêm, để răn mình và làm gương cho con cháu và cũng thể hiện ý chí của mình cụ đã cho làm một chiếc khánh bằng đá gọi là “Khánh Mặc Trai”,treo ở thư phòng, đề từ được khắc trên khánh đã được PGS.TS Ngô Đức Thọ dịch nghĩa như sau:
“Phàm tĩnh vật ở yên thì lặng, gõ vào thì kêu. Nhưng âm thanh phát ra mỗi vật mỗi khác. Âm thanh của khánh trong trẻo và có tiết tấu nhẹ nhàng mà cao vang tựa như cái cao thượng của con người. Ta vì vậy mà yêu thích âm thanh của khánh bèn xuất tiền tạc một chiếc, treo phía bên trái am đặt tên là “Khánh Mặc Trai” để tăng thêm ý chí”.

Cùng với Khánh Mặc Trai ông còn cho lập văn bia để răn dạy con cháu: “Hễ là con cháu Mặc Ông thì phải Trung Hiếu, thật thà, trong sạch, cần kiệm, lạc bần, tiến làm kẻ nghĩa sĩ, lui về làm kẻ lương nông.
Chớ kiêu dâm, chớ phạm thượng, chớ tranh kiện, chớ bạc cờ. Như thế mời được gần Am của ta”
Sự răn dậy cùng phẩm chất đạo đức của cụ có tác dụng rất lớn và truyền mãi về sau.

Truyền thống dòng họ và sự dạy dỗ con cháu với giáo lý Trung Hiếu xét theo quan niệm nhân văn thì Trung Hiếu vẫn còn nguyên giá trị, và nói như tác giả dịch sách Trung Kinh là Hoài An Nguyễn Văn Thanh : “được phát triển theo chiều hướng mới, như câu nói của Hồ Chủ Tịch đã dạy lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam: “Trung với Đảng, Hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đó là tư tưởng Trung Kinh mà Bác Hồ đã thổi vào một luồng sinh khí mới. Hôm nay chúng ta với lòng thành kính tưởng nhớ tới cụ Đinh Nho Hoàn, một người trung hiếu đức độ, đã mang tài năng giúp nước giúp dân, một tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc và cụ đã làm rạng rỡ cho dòng họ Đinh, xứng đáng là hậu duệ của Đại tướng quân Đinh Điền, một trung thần, “tông thất nhà Đinh”

Tác giả: Phạm Hải – Phan Đăng Thuận
Hà Nội, ngày 28/7/2015
Khánh Mặc Trai.
 
Top