Chèo Sáo Đền

huyenphin.jpg
Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, hát chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát đậm đà bản sắc dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn hàng loạt các yếu tố như hát, múa, nhạc, kịch, vô cùng độc đáo và sáng tạo.

Theo truyền thuyết, lịch sử hát chèo có từ thế kỷ 10, vào thời nhà Đinh, tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình; người sáng tạo ra nghệ thuật hát chèo là bà Phạm Thị Ngà, một vũ công ca hát tài giỏi trong hoàng cung nhà Đinh. Như vậy có thể nói, cố đô Hoa Lư là Đất tổ của nghệ thuật hát chèo và bà Phạm Thị Ngà là Tổ nghề hát chèo.

Về sau, loại hình nghệ thuật hát chèo được phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn minh lúa nước người Việt, rồi lan tỏa rộng khắp vùng đồng bằng Bắc bộ, tới vùng Thanh - Nghệ và trung du Bắc bộ. Mỗi khi xong vụ cấy trồng, xong mùa thu hoạch, dân làng lại tổ chức các lễ hội đình đám để cảm tạ trời đất thần thánh đã phù hộ độ trì cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm. Trong phần hội không thể thiếu hát chèo và các trò chơi dân gian khác, ca dao xưa đã ca ngợi cảnh ra Giêng thanh bình, làng quê no ấm:
“Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem” .
Trong không gian văn hóa “Lúa nước” ấy, từ bao đời nay, hát chèo đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian ở Thái Bình, đã phát triển mạnh mẽ, bền vững và thấm đẫm trong tâm hồn người dân Thái Bình. Nói về truyền thống hát chèo Thái Bình phải kể đến ba vùng đất hát chèo nổi tiếng là: làng Khuốc, Hà Xá Sáo Đền, danh tiếng vang xa khắp trong và ngoài tỉnh.

Sáo Đền là khu di tích lịch sử thời Lê Sơ ở tổng An Lão, huyện Thư Trì, nay là xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sáo Đền là tên nôm của Đốc Hổ Điện thờ bà Quốc mẫu Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, được xây dựng vào thế kỷ 15, bên cạnh là đền thờ ba anh em vị Bình Ngô Khai quốc Công thần họ Đinh thời Lê sơ là: Thái sư, Bân Quốc công, Hiển Khánh Đại vương Đinh Lễ - Thái bảo, Định Quốc công, Linh Cảm Đai vương Đinh Bồ - Thái sư, Lân Quốc công, Trung Mục Đại vương Đinh Liệt.

Tuổi thơ của bà Ngô Thị Ngọc Giao, thân mẫu Vua Lê Thánh Tông, từng có thời gian sống hơn chục năm với mẹ là Càn Bà vương Đinh Thị Ngọc Kế, con gái của Bân Quốc công Đinh Lễ và bà Trần Thị Ngọc Huy, là hậu duệ của Tá thánh, Thái sư, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, ở đất thế nghiệp này. Nhớ ơn xưa, Vua Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế đã cho xây dựng Đốc Hổ Điện để thờ mẹ và tổ ngoại, cấp tự điền cho con cháu họ Đinh thu hoa lợi để chi dùng việc cúng tế và mở hội long trọng vào 3 ngày từ 24 đến 26 tháng 3 (âm lịch). Ngày hội phủ Mẫu ngoài các trò chơi dân gian như thi bắt vịt, bắt chạch, múa kỳ lân, rước kiệu, đi cầu kiều, chọi gà … thì thi thả diều sáo là đặc sắc đông vui hơn cả, vì thế nhân dân trong vùng gọi là hội Đền Sáo (Sáo Đền). Đêm hội Sáo Đền rộn rã tiếng hát, tiếng trống chèo ngoài sân đình đã trải mấy trăm năm qua, làm say đắm lòng người.
"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy
Hội chèo làng Đặng di qua ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay".
2191.jpg
Đêm đầu khai hội Sáo Đền, về hát chèo nhất thiết phải là gánh chèo làng, phải chọn tích hay, đào kép giỏi để khai diễn. Còn mấy đêm sau các gánh hát chèo ở các làng xã khác bàn nhau quyết định, nhiều năm có cả gánh hát chèo bên Nam Đinh, Hưng Yên sang diễn. Chính vì vậy, hát chèo Sáo Đền, An Lão được bảo tồn và phát triển trải qua hàng trăm năm, với những gánh hát chèo nổi tiếng nối tiếp nhau qua các thời kỳ như:

- Gánh hát của ông Nhất Phúc (Phạm Hữu Phúc) phát triển hơn 6 năm.
- Gánh hát của ông Khóa Tự tới 16 năm, có năm gánh hát của ông diễn cả 3 đêm hội, sau còn tiếp vài ba đêm nữa, người xem khen hay không kém ban hát Sán Nhiên Đài ở Hà Nội.
- Gánh Hát của của cụ Tổng Tố có hơn hai chục diễn viên, cụ Phan Văn Tố là Chánh tổng An Lão, giỏi chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, nhà cửa giầu sang, tình tình phóng khoáng, ông đã tổ chức Hội thi hát chèo Sáo Đền cho các gánh hát trong vùng.
- Gánh hát của ông Cả Hiệt, con cả cụ Tổng Tố, kế tiếp cha khi mất, ông Cả Hiệt chủ trương đưa gánh hát theo kiểu phường hội để đi biểu diễn các nơi tự kiếm sống.
- Gánh hát ông Đinh, được biểu diễn lễ tế tổ giữa sân đền Vua Đinh tại Hoa Lư, Ninh Bình; sau rong ruổi lưu diễn hơn 7 tháng ở nhiều nơi: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
- Gánh hát ông Trương Nguyễn, tên là Đinh Thọ Nguyễn, ông làm Trương tuần ở An Lão, nhà khá giả, biết chữ Nho, mẹ giỏi hát chèo, đứng ra làm Trùm gánh, gây được tiếng vang cho gánh hát suốt cả hai bên tả, hữu sông Hồng, lưu diễn khắp vùng Hưng Yên, Nam Hà, Nam Định …

Cuối xuân Tân Tỵ, 1941, mởi hội Sáo Đền làng xếp gánh hát của ông Cả Hiệt diễn đêm mở đầu với tích Từ Thức lấy vợ Tiên, gánh ông Đinh hát đêm giã hội với trò Lưu Bình - Dương Lễ; gánh ông Trương Nguyễn hát đêm thứ hai với trò Kim Trọng - Thúy Kiều gặp gỡ, gánh hát làng Khuốc diễn liền hai đêm tích Nhị Độ Mai Chiêu Quân cống Hồ, gánh ông Lý Mỹ hát tích Phan Trần. Cứ như vậy, chèo hội Sáo Đền đông vui nhộn nhịp, đến hội lại lên, đến năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, đất nước loạn lạc thì các gánh chèo phải nghỉ dần.
a-he.jpg

Những tích chèo hay, những đào kép giỏi, trong những đêm hội Sáo Đền được các cụ cao niên trong vùng vẫn còn nhớ mãi cho tới ngày nay, như tích chèo Trương Viên, Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Từ Thức nhập thiên thai, quan Âm Thị Kính, Sùng Sơn Thánh mẫu, Chiêu Quân cống Hồ, Kiều với Hoạn Thư, Kiều đi Thanh minh …

Những đào kép trong gánh thường là người thân trong gia đình như cha con, anh em, vợ chồng, họ hàng, làng xóm … gánh chèo còn thu nạp cả những người hát hay múa giỏi ở các làng xã khác. Những vai đào chua ngoa lẳng lơ như Xúy Vân giả dại, Mẹ Đốp, Thị Mầu …, những vai hề môi, hề gậy, hề mồi sư cụ, hề mồi thằng cu bé, thằng cu lớn …làm cho người xem “cười ra nước mắt” mà không thô thiển; những làn điệu chèo cổ cất lên trong trẻo ngọt ngào, xoán xuýt hòa quyện cùng tiếng trống, tiếng mõ, tiếng sáo, thanh la, đàn nhị … vang xa mênh mang giữa làng quê.

Ngày nay, ở Thái Bình có Nhà hát Chèo nổi tiếng, các diễn viên được đào tạo từ những người con quê hương có năng khiếu hát chèo, để phục vụ đời sống tinh thần nhân dân trong tỉnh. Ở các làng xã, truyền thống hát chèo vẫn được nhân dân duy trì và phát triển rộng rãi, bảo tồn những làn điệu chèo cổ, những điệu múa hay; những người yêu mến hát chèo, đã đứng ra thành lập Chiếu chèo, Câu lạc bộ hát Chèo, tiếng hát chèo, trống chèo của những diễn viên không chuyên vẫn vang lên trong các dịp lễ hội, đằm thắm vang xa khắp làng quê thanh bình.
gdfhdhdh-bb-baaacbiovk20150323214157.2974770.jpg
(Bài, ảnh lược theo Chèo / Địa dư chí Thái Bình, Sân khấu Chèo, trang mạng)
Đinh Danh Vùng
 
Top