Đinh Danh Vùng
Moderator
Đền Sâm còn gọi là đền Bà Vú Sữa, bà Vú cho Hoàng tử Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông) bú khi mới sinh, sự tích liên quan đến dòng họ Đinh - Nông Kỳ, đền rất linh hiển tại làng Sâm, xã Đông Đô, Hưng Hà. Ảnh đẹp của Bùi Đình Trận.
Quê tôi xã Chi Lăng, Hưng Hà, bên dòng sông Tiên Hưng, dòng sông tự nhiên, chảy uốn lượn rồi ôm cả Tổng vào lòng, Làng như dựa lưng vào vòng cung khuyết; có lẽ vì vậy mà đã rất xa xưa, các cụ đặt tên cho Làng cho Tổng là Ỷ Đốn: Ỷ là “Dựa”, là tựa lưng vào vòng cung khuyết của dòng sông. Đốn là “Sửa sang chỉnh đốn”, như người con gái đẹp ngồi tựa soi gương sửa sang sắc đẹp.
Nhìn trên “Bản đồ vệ tinh” Làng Đún Ngoại như con rùa lớn, từ vòng cung dòng Tiên Hưng đi lên, đầu rùa là chùa Phúc Lâm tựa lưng về phương Bắc, đường làng ngang dọc như mai rùa, nhà cửa san sát một màu hồng phớt; thực là một làng quê giầu đẹp.
Làng Đún quê tôi nằm ở phía ngoài Tổng nên gọi là Ỷ Đốn Ngoại, hay Ngoại thôn, để phân biệt với Ỷ Đốn Nội, hay Nội thôn là làng nằm phía bên trong Tổng, ấy vậy mà dân gian cứ gọi nôm na là làng Đún Ngoại, rồi người ta bỏ nốt chữ Ngoại đi chỉ còn lại là làng Đún, nghe thực quê mùa. Chả thế, thảo luận trong Từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia nói về xã Chi Lăng, Hưng Hà, người ta bảo tại sao “xã” còn gọi là “làng”? Vì làng to nên xã chỉ có một làng.
Thái Bình quê tôi kể cũng lạ, làng nào cũng đặt tên địa danh hành chính theo nghĩa chữ Nho rất “kêu” và văn vẻ, nhưng khi gọi lại là nói Nôm, mà chỉ duy nhất chỉ có “một từ”, như làng Chí Linh - thì gọi làng Sành; làng Mỹ Thịnh - thì gọi làng Mải; Đô Mỹ - gọi làng Bóng; Phan Thôn - gọi là làng Phươn, rồi như làng Hò, làng Dô, Khuốc, Tuộc, Lác, Buộm, Mẹo, Hới … Ở thành thị, cha mẹ đặt tên con thường chọn tên rất đẹp, nhưng khi gọi lại là cái Bống, cái Tôm, thằng Cua, cái Ghẹ … Còn tên làng xã, có lẽ chỉ vùng đất Thái Bình quê tôi mới có văn hóa “gọi tên” như thế.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, làng Đún quê tôi đổi tên thành xã Chi Lăng, tên của một địa danh lịch sử, cửa ải hiểm yếu nhất phía Bắc đã bao lần chôn vùi hàng vạn quân xâm lược phương Bắc. Làng tôi đất chật người đông, dân phải vượt sang sông Tiên Hưng để ở bãi bồi, nên gọi là thôn Đồng Gòi - “thôn Gửi”; rồi lại vượt qua cánh đồng làm nhà lập xóm, gọi là thôn Đồng Vượt - "thôn Đường Vượt". Đến khi thành lập các xã, trên cắt thôn Gòi sang xã Minh Tân và thôn Đồng sang xã Lô Giang, huyện Đông Hưng. Nên mỗi khi đến tiết Thanh Minh, hai thôn ấy từng đoàn, từng tốp con cháu tấp lập sang làng cũ tảo mộ gia tiên, họ hàng gặp nhau tay bắt mặt mừng.
Dòng sông Tiên Hưng (Ảnh mạng)
Theo bộ Từ điển Thái Bình, dòng sông Tiên Hưng dài 51 km, khi xưa có tên là sông Đức Cương, vì thượng nguồn từ cửa Nhâm Lang, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà có gò Đức Cương, trong hệ thống Đa Cương cổ của phủ Thái Bình xưa; sông là chi lưu của dòng sông Luộc, còn gọi là “sông Phổ Đà - sông Đà Nỗ - sông Nông Kỳ”, tên cổ của dòng sông Luộc qua các thời kỳ.
Sông Tiên Hưng là dòng sông tự nhiên đã chảy qua hàng ngàn, hàng vạn năm, uốn lượn theo hướng Tây bắc - Đông nam quanh vùng đất phủ Long Hưng, tải nặng phù sa về bồi đắp cho vùng châu thổ huyện Hưng Hà và huyện Đông Hưng. Đến đời Vua Lý Thánh Tông (năm 1054 - 1072), Vua hạ lệnh cho đắp đê, các Đại sư Không Lộ, Sư Giác Hải và Lưu Lượng chỉ huy đắp đê sông Hồng, sông Trà Lý và sông Luộc, chặn cửa Nhâm Lang vào dòng Tiên Hưng, từ đấy dòng sông cứ hẹp và nông dần, thượng nguồn chỉ rộng khoảng 20 mét, hạ lưu rộng từ 50 đến 100 mét, sông chảy đến địa phận xã Đông Tân, huyện Đông Hưng thì chia dòng, nửa ra cửa Cun sông Trà Lý; nửa ra sông Diêm Hộ theo hướng Đông rồi đổ ra biển.
Từ khi đắp đê trị thủy, rồi người Pháp xây cống Nham Lang từ đầu nguồn, cống Trà Linh vào năm 1934, đổ ra biển; để chặn dòng nước khi mùa lũ, tiêu úng trong mùa mưa, nhận nước về khi mùa nắng hạn, dòng sông Tiên Hưng đẹp như bức tranh thủy mặc, chảy hiền hòa dẫn nước tiêu tưới cho đồng ruộng, góp phần tiêu úng cho các huyện Hưng Hà, huyện Đông Hưng và vùng Tây bắc huyện Thái Thụy.
Hai bên dòng sông Luộc và sông Tiên Hưng, người Việt cổ đã định cư dải dác cách đây trên 2000 năm, tại xã Minh Tân huyện Hưng Hà đã phát Hiện thấy trống đồng cổ từ thời Đông Sơn; phát hiện thấy mộ táng hình thuyền có nhiều di vật thời tiền sử …, nhiều gò “mộ Hán” mà thực chất là các gò mộ của các thủ lĩnh cư dân Bách Việt; ngay phía sau nhà tôi cũng có một gò mộ cổ như vậy.
Trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở xã Minh Tân, Hưng Hà tại Bảo tàng Thái Bình.
Nơi đầu nguồn dòng Tiên Hưng, nối với dòng sông Nông, tại làng Tiên La, xã Đoan Hùng và làng Buộm, làng Rẫy xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, xưa là căn cứ của Bát Nàn Đại Tướng quân Vũ Thị Thục Nương, quê bà ở trang Phượng Lâu, Phù Ninh, Vĩnh Phú. Bà là vị Nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng, cầm quân đánh giặc Đông Hán từ cửa sông Đáy về đến ngã ba sông Nông, cai quản 18 cửa rừng nên dân gian thường gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn. Khi Nước nhà độc lập, Bà được Trưng Vương phong làm Bát Nàn Đại Tướng quân, Trinh Thục Công Chúa, Bà lại trở về tu tập tại chùa Tiên La. Mã Viện đưa binh sang đánh, Bà cầm quân chống giặc, sau tuẫn tiết tại gò Kim Quy bên dòng Tiên Hưng, vào ngày 16 tháng 3 năm Quý Mão, tức năm 43 Dương lịch; Mẫu Chúa Thượng Ngàn rất linh hiển, được dân cư đồng bằng Bắc Bộ rất sùng kính.
Tam quan đền Tiên La thờ bà Bát Nàn Đại Tướng quân Vũ Thị Thục Nương ở đầu nguồn dòng Tiên Hưng
Ngày nay, đền Tiên La là Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuất cấp Quốc gia, có quy mô to đẹp bề thế, mặt đền hướng ra dòng sông, với nhiều công trình nguy nga tráng lệ như tòa Tam quan, tòa Tiền tế, tòa Trung tế, Thượng điện, sân vườn … Đền được xây dựng từ những khối đá lớn vận chuyển theo dòng Tiên Hưng và gỗ tứ thiết; nội điện được trạm trổ công phu, vàng son lộng lẫy. Đền còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn, cùng với nhiều đồ tế khí cổ từ thời Lê, Nguyễn; xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 6000 m2.Đền mở hội từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 3 Âm lịch; trước ngày mở hội thường có mưa to gió lớn - “Đấy là ngày bà Thánh Thượng Ngàn về”; sau ngày lễ hội, cũng thường có mưa rất to - “Đấy là ngày rửa cửa đền” - dân gian cứ truyền miệng nhau từ xa xưa như thế. Theo truyền thuyết dân gian thì sau một đêm giông bão, Thần báo mộng cho Chánh tổng làng ấy ở trên dòng Tiên Hưng có rất nhiều bè đá tảng, nhiều bè gỗ lim, hô hào dân làng vớt lên xây dựng đền Mẫu, Chánh tổng ra xem thì quả nhiên như vậy, không biết từ đâu trôi tới; ông Chánh tổng hô hào dân làng vớt đá, gỗ lên dựng đền.
Phía trước đền, những hàng cây sung, cây si cổ thụ soi bóng xuống dòng Tiên Hưng thơ mộng. Trên hai triền đê, từng đoàn, từng đoàn người chen nhau đi trẩy hội; lễ hội Tiên La đông tới hàng chục vạn người, ngày mở hội hàng năm thường có các vị Lãnh đạọ Nhà nước về thăm và khai hội (Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ...). Lễ hội đền Tiên La, đền Buộm Dẫy năm nao cũng là Đại lễ, Lễ hội Tiên La được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, là lễ hội lớn nhất trong vùng.
Hàng nhãn cổ thụ còn sót lại ở làng Nhâm Lang xã Tân Tiến, Hưng Hà, nơi đầu nguồn dòng Tiên Hưng (Ảnh Đặng Hùng)
Dọc đôi bờ dòng sông Tiên Hưng còn có nhiều ngôi đền, chùa, miếu cổ như chùa Chung xã Minh Tân, đền thần Độc Nhĩ xã Lô Giang, chùa Hoàng Nông, chùa và đền làng Gòi …
Trên địa phận giữa hai làng Cổ Quán và Lộ Vị, huyện Thần Khê, nay là xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, xưa có tòa thành phủ Tiên Hưng, được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 17, năm 1836. Chu vi bốn mặt thành dài 130 trượng (520 mét), cao 7 thước (2,8 mét). Thành mở ba cửa, cửa Chính trông ra bến nước Tiên Hưng, nay là cầu Đình Thượng; hai cửa Nam và Bắc thông xuống miền Đông Quan và các huyện Duyên Hà, Hưng Nhân. Xung quanh thành có hào nước bao bọc, sâu 3 mét, rộng 24 mét; vừa để bảo vệ thành, vừa là địa giới giữa Phủ đường và dân cư ở quanh phủ lỵ. Thành phủ Tiên Hưng đã bị san phẳng từ lâu, đến nay chỉ thấy ruộng vườn, nhà cửa san sát, chẳng còn dấu tích gì.
Theo Địa dư chí Thái Bình viết về các cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp, vào năm 1885, trong khi nghĩa quân Bang Tốn bức vây huyện lỵ Diên Hà, thì Đốc Nhưỡng (Đinh Khắc Nhưỡng) từ căn cứ Đô Kỳ, có sự hỗ trợ của Lãnh Hoa, Lãnh Nhang, Lãnh Bè đã bất ngờ tiến đánh phủ lỵ Tiên Hưng. Viên Tri phủ cùng bọn nha lại, lính cơ cố giữ thành Tiên Hưng, vừa ra sức chống cự, vừa cấp báo về Diên Hà. Nhưng khi biết tin Diên Hà cũng bị thất thủ, nghĩa quân đang trên đường tiếp viện cho cánh quân Đốc Nhưỡng, bọn chúng liều chết phá vây, thoát theo cổng hậu thành, vượt sông Tiên Hưng về đóng đồn ở Bến Đồn - chợ Quếch (nay là xã Lô Giang, Đông Hưng).
Tại làng Phan - Bổng, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê (nay là xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà) là căn cứ của nghĩa quân Đồng Lau do các ông Nguyễn Giới, Nguyễn Sung, Nguyễn Mịch chỉ huy. Các ông là con trai của cụ Chánh quản Nguyễn Thành Thà, hưởng ứng chiếu Cần Vương khởi nghĩa chống Pháp, đã lập căn cứ bên sông Tiên Hưng, ngay tại quê nhà. Nghĩa quân phối hợp với các cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Đốc Nhưỡng …thường vượt sông Tiên Hưng, mai phục trên đường 39, chặn đánh giặc chi viện cho nhau từ Nam Định sang Thái Bình - Hưng Yên và ngược lại. Về sau, căn cứ Đồng Lau - Phươn Bổng bị giặc Pháp bao vây nhiều ngày, do thiếu vũ khí lương thực, giặc Pháp tấn công, căn cứ tan vỡ. Ông đốc Giới bị giặc đem về chém tại Kỳ Bá (nay TP Thái Bình); ông Đốc Mịch bị giặc chém tại bến đò Phươn của làng để thị uy nhân dân. Tiếc rằng, nơi Bến Đò Phươn và Căn cứ Đồng Lau xưa, chưa có đền, đài hay dấu tích gì, để tưởng niệm sự hy sinh oanh liệt, bi tráng của Nghĩa quân Đồng Lau chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bộ đội phục kích "đánh Độn thổ” quân Pháp trên đường 39, khi giặc nghỉ dừng chân, quân ta ẩn nấp trước trong các hầm kín, bật lắp hầm nhảy lên đánh “giáp lá cà”, dùng lưỡi lê, mã tấu diết giặc, sau trận chiến thắng, vượt qua sông Tiên Hưng về tập kết tại "vùng tự do" là làng Đún quê tôi. Dòng sông Tiên Hưng là phòng tuyến cản quân thù, che chở cho Bộ đội.
Sông Tiên Hưng - Ảnh Đinh Danh Vùng
Lại nói về “địa danh” phủ Tiên Hưng, vào thời kỳ Bắc thuộc (trước thế kỷ thứ 10) dải đất từ sông Luộc ra tới biển Đông là hương Đa Cương. Từ thời Khúc Thừa Hạo đến nhà Đinh và Tiền Lê (969 - 1005) thuộc vùng Đằng Châu. Đến đời Vua Lê Long Đĩnh (1005 -1009) đổi Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Đến thời Lý - Trần (1009 - 1400) được đặt tên thành phủ Long Hưng, vì vùng đất này là "Đất dấy nghiệp Đế vương của nhà Trần (Long là Rồng, biểu tượng cho Vương quyền, Hưng là Hưng vượng mãi mãi). Đế thời nhà Hồ (1400 - 1407) đổi tên là phủ Tân Hưng; thời Thuộc Minh (1407 - 1427) đổi tên là phủ Tân An, rồi Trấn Man. Nhà Lê Sơ lập Nước (1428 - 1527) lấy lại tên cũ là phủ Tân Hưng. Đến thời Lê Trung Hưng, do kiêng tên húy của Vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) là Lê Duy Tân, nên đổi tên thành phủ Tiên Hưng, địa danh Tiên Hưng có từ đấy.
Quê tôi vốn là làng Đốn Ngoại, xã Ỷ Đốn, tổng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng. Đến tháng 3 năm 1949, làng được đổi tên thành xã Chi Lăng thuộc huyện Tiên Hưng. Đến tháng 6 năm 1969, cắt 5 xã của huyện Tiên Hưng, trong đó có xã Chi Lăng sang huyện Hưng Hà. Hợp nhất huyện Tiên Hưng với huyện Đông Quan thành huyện Đông Hưng. Địa danh phủ, huyện Tiên Hưng tồn tại gần 400 năm, nay đã bị xóa, chỉ còn lại tên Trường cấp 3 Tiên Hưng và tên của dòng sông Tiên Hưng là sống mãi.
Vùng đất ven dòng sông Tiên Hưng là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa Lúa nước của người Việt; như hát Chèo, múa Rối nước, trò chơi Pháo đất…, cùng các món ăn chế biến từ lúa gạo như Cốm nếp, bánh Cáy, bánh Hú, bánh Đúc, bánh Đa ...
Về hát Chèo, làng nào cũng có chiếu Chèo, gánh Chèo; làng Đún xưa cũng có gánh Chèo, gánh Tuồng nổi tiếng trong vùng; những khi làng mở hội, tiếng trống chèo, hát chèo, những tích tuồng lại vang lên đêm đêm tại sân đình. Ngày nay, làng Đún có hai đội chèo, là Đội chèo Giếng Sen và Đội chèo Vua Lê, gồm những người yêu thích nghệ thuật hát chèo ở các thôn xóm tự tập hợp lại, hát để thỏa lòng văn nghệ, để phục vụ dân làng. Đội chèo Giếng Sen thi Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà thường đoạt giải Nhất của huyện.
Hát chèo làng Khuốc bên dòng Tiên Hưng (ảnh mạng)
Nói về hát Chèo vùng Tiên Hưng, phải kể đến Chèo làng Khuốc, tên chữ là làng Cổ Khúc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng; một trong ba cái nôi của dòng hát chèo Thái Bình: “Khuốc - Hà Xá - Sáo Đền”. Tiếng tăm Chèo Khuốc vang xa khắp trong và ngoài tỉnh; nghe nói, Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, Phó giám đốc Đoàn Chèo Quân đội cũng về làng Khuốc để luyện những làn điệu chèo cổ, để khỏi bị thất truyền.
Vào những năm 1860 - 1870, làng Khuốc có ông Thượng biện Cao Kim Trác, đậu đến Nhị trường, vừa dậy chữ Nho, vừa bốc thuốc, ra làm quan đến chức Thượng biện, giúp Tổng đốc lo việc công thương, thuế vụ. Sau khi về hưu, ông xuất tiền lập gánh hát; ông trọng dụng Kép Ngạn người làng Ỷ Đốn, (nay là xã Chi Lăng, Hưng Hà). Kép Ngạn vốn đỗ Nhất trường, chuyên đánh đàn cho Ca trù; ông Trác làm ba gian nhà riêng, tuyển chọn trong làng những thanh nữ có giọng hát hay, tập hát những bài Cửa đình, cử người học đàn đáy, lập thêm phường nhà trò. Chính Kép Ngạn làng Đún, là người truyền trò Từ Thức nhập thiên thai cho phường Khuốc, Kép Ngạn đưa các cô bên phường nhà sang tập múa chạy trái trong vở, cho nên trò Từ Thức đậm chất ả đào.
Tôi còn nhớ mãi, đầu mùa hè năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất; trên triền đê dòng Tiên Hưng, những tán cây vải cổ thụ, quả chín trĩu cành, tiếng chim Tú hú thảnh thót gọi hè; chúng tôi, những chàng trai làng Đún chuẩn bị ra chiến trường, lòng lâng lâng buồn. Đoàn Chèo của tỉnh về phục vụ vở diễn “Tướng quân Phạm Ngũ Lão”, chàng trai làng Phù Ủng ngồi đan sọt bên vệ đường, mải suy nghĩ việc cứu nước, ngâm thơ để tỏ lòng mình.
“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí nuốt sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Đến nỗi, lính dẹp đường của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đâm giáo vào đùi mà không biết; vở Chèo lịch sử chống quân Nguyên đã khích lệ, động viên và khơi dậy lòng yêu Quê hương Đất nước của những chàng trai mới lớn chúng tôi, vững bước lên đường.
Cùng với hát Chèo, múa Rối nước là môn nghệ thuật dân gian đã có từ lâu đời, gắn liền với nền văn hóa canh tác Lúa nước của người Việt. Xưa vùng đất Tiên Hưng có tới 7 phường Rối nước (Bắc Lạng, Tây Trong, Tây Ngoài của xã Nguyên Xá; làng Tăng của xã Phú Châu; làng Tuộc xã Phú Lương; làng Đống xã Đông Các; Trọng Kỳ xã Đông Hà, đều thuộc huyện Đông Hưng). Nhưng đến nay chỉ còn lại 2 phường Rối nước, là làng Nguyễn và làng Đống. Những thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, phường Rối nước làng Nguyễn đã đi biểu diễn ở khắp các nước Tây Âu, Đông Âu và Đài Loan … được nhân dân và báo chí nước ngoài tôn vinh và ca ngợi là môn nghệ thuật độc đáo trên thế giới.
Ngày còn bé, tôi theo chú Xíu, lếch thếch đi bộ tới 7 cây số để được tới làng Nguyễn xem múa Rối nước. Quanh ao đình chật kín người xem, màn đêm buông xuống, ấy là lúc tiếng đàn, tiếng sáo ngân nga, cùng lời "Chú Tễu" dẫn chuyện vang lên… Rồi pháo bông, pháo thăng thiên, rồng phun lửa, rồng phun nước, cá chép hóa rồng … Mặt hồ xao động, lung linh, kỳ ảo, hiện lên những tích trò diễn gắn bó với đời sống dân gian, quyện với tiếng hát chèo trong trẻo vang vọng ao đình; thật là một thế giới thần tiên của đám trẻ con chúng tôi. Nhưng nghe nói, đến nay: “Những nghệ nhân tuổi đã cao, địa phương lại xa nơi đô hội, không có điều kiện làm du lịch, dẫn đến thiếu kinh phí, người trẻ không muốn kế tiếp nghề nữa …”; thật tiếc, một vùng múa Rối nước Tiên Hưng nổi tiếng cứ mai mốt giần.
Xem múa rối nước Thái Bình (ảnh Duy Đông)
Về trò chơi dân gian đánh Pháo đất, trò chơi của cánh đàn ông, gắn bó với việc đồng áng của người dân vùng châu thổ sông Hồng, không biết có từ bao giờ. Khi thời vụ nông nhàn, họ ra đồng chọn thổ đất thịt, đất gan gà, đào lấy những thỏi đất mịn, dẻo như thịt giò lụa, màu đất như miếng tiết, rồi nhào luyện đất cho thật dẻo. Khi đánh Pháo đất, họ nặn pháo thành hình dẹt như “quả trám”, xung quanh có bờ nổi, to bằng cái nia nhỏ. Hai, ba người mới nâng pháo nổi lên ngang mặt, rồi để cho một người thật khỏe, lấy đà gieo pháo xuống sân, sao cho mặt pháo tiếp đất đều, pháo bị ép căng hơi nổ “đánh rầm”, bờ pháo đứt văng ra, sải đất dài như con trăn; pháo của hội nào nổ to nhất, có sải đất dài nhất, hội pháo ấy được giải nhất. Nói vậy, trò chơi dân gian đánh Pháo đất cũng rất công phu, từ khâu chọn và luyện đất, đến khâu nặn và gieo pháo, rồi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội.Ngày còn bé, chúng tôi cũng hay chơi Pháo đất, pháo của bọn trẻ con. Chúng tôi lấy đất sét nặn thành những cái pháo to bằng cái đĩa lớn, đĩa nhỏ; rồi thi nhau đập pháo xuống nền sân, pháo nổ, đất trong nòng pháo bắn đi, chỉ còn lại bờ ngoài của pháo, bạn chơi phải lấy đất sét của mình vá kín lại … Trò chơi pháo đất như của người lớn, trẻ con cũng chơi, nhưng pháo nhỏ hơn.
Làng Đún quê tôi ngày nay, cũng có gần chục hội Pháo đất, các thành viên tuổi độ trung niên, vào dịp hội làng, hay nông nhàn, họ thường tụ tập nhau chơi pháo; các lễ hội lớn như đền Trần, hội chùa Phúc Lâm …, hội Pháo đất làng Đún cũng “mang chuông đi đấm đất người”, thường giật được giải nhất.
Hội thi đánh Pháo đất (ảnh mạng)
Trong không gian văn hóa dòng sông, phải kể đến những phiên chợ quê nằm dọc đôi bờ Tiên Hưng. Như Chợ Buộm xã Tân tiến; chợ Tiên La xã Đoan Hùng ở đầu nguồn dòng sông, nối với dòng sông Nông; Chợ Thá, là chợ thị trấn Hưng Hà họp cả ngày, thứ gì cũng có, chỉ cách dòng sông khoảng 300 mét; Chợ Trạm xã Thống Nhất họp bên triền đê dòng Tiên Hưng, xưa cũng là chợ lớn trong vùng; Chợ Đún quê tôi họp trong làn sông, đông vui nhộn nhịp, đến chiều chợ lại chuyển về họp tại “Gốc Đa Giơ” giữa làng, thứ gì cũng có, nay là chợ “Đầu mối” lớn nhất vùng; Chợ Bình xã Lô Giang, xưa là chợ lớn, họp bên sông vào những ngày 2 - 6 - 8; Chợ Giắng xã Minh Tâm họp bên dòng sông; Chợ Tiên Hưng xã Thăng Long, xưa là chợ huyện, họp cách dòng Tiên Hưng khoảng 300 mét; Chợ Nguyễn bên dòng sông, là chợ thị trấn Đông Hưng họp đông đúc cả ngày… Tôi chưa đi hết dòng sông, không biết còn bao nhiêu chợ quê bên sông nữa … Thời gian trôi nhanh, đời sống đổi thay, những hàng quán mọc lên ở mọi nơi, cung ứng tiện lợi đủ mọi thứ; vì thế những phiên chợ quê nghèo không còn đông vui như trước; nhưng vẫn thấy các cụ, các ông bà ngày ngày đi chợ, để được gặp nhau, để được nói chuyện tâm tình; những người quê xa xứ, về đoàn tụ gia đình trong những dịp tết, sẽ không thể bỏ qua những phiên chợ tết ở quê.
Cầu Đún - Ảnh Nguyễn Văn Diệc, Người đã bác cầu Đún.
Ngày còn bé tý, tôi thường theo người lớn ra sông tắm, bơi lội đùa vui cùng bạn bè, rồi tưởng tượng ra những “con Dải”, “con Thuồng Luồng” chỉ đợi rình kéo trẻ con xuống dòng sông, người lớn thường đem ra dọa trẻ; tôi cảm thấy “sởn da gà”; dòng sông tuổi thơ rộng lớn và mênh mang quá. Lần đầu tiên tôi bơi vượt sông, anh Nguyệt hỏi: “Có bơi sang sông anh đỡ”. Tôi bơi “sấp” theo anh, khi bơi đến gần bờ, chân tay mỏi rã rời, ngực như bị ép lại, miệng mũi tranh nhau thở, anh phải tiếp sức bằng cách nâng tôi lên mặt nước để bơi tới đích; khi trở về, tôi bơi “ngửa” nhẹ nhàng hơn.
Tôi còn nhớ mãi có lần về thăm quê, vì tàu xe đò giang cách trở, thời gian tranh thủ ngắn, tôi bị lỡ xe, phải “cuốc bộ” gần 30 km từ bến phà Tân Đệ về đò Đún, đã quá nửa đêm, đò ngang đã nghỉ bên kia sông, tôi định bơi qua; may sao, có ông lão thuyền lan nhà ven sông, đã đưa giúp tôi sang sông.
Ngày nay trên dòng sông Tiên Hưng, đường đê được trải nhựa không còn lầy lội khi mưa, đi lại thuận tiện; những hàng cây nhãn, cây vải cổ thụ trên đê cũng thưa dần, thân cây xù sì gân guốc, cành lá khẳng khiu, như cố chống chọi với thời gian, để thấy sự đổ thay của dòng sông. Những con đò ngang như đò Tiên La, đò Đa Phú, đò Phươn, đò Đún, … được thay bằng những cây cầu bê tông, cùng với những cây cầu lớn như cầu Trạm Chay, cầu Đình Thượng, cầu Nguyễn được xây dựng từ trước ... đứng sừng sững, vững chãi nối đôi bờ, soi mình xuống dòng sông xanh. Không còn cái cảnh “Đưa người, ta không đưa qua sông / Sao như có tiếng sóng ở trong lòng…”, của những người con gái, tiễn trai làng lên đò đi xa; không còn tiếng gọi "Đò ơ ơi ... Đò ..", vang vọng nơi bến đò xưa nữa..
Những chuyến đò ngang (ảnh mạng)
Ở tuổi học trò, ai cũng thuộc bài thơ “Nhớ con sông Quê hương” của Nhà thơ Tế Hanh, vì Ai cũng có một miền quê yêu dấu! Ai cũng có một dòng sông quê hương!
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi! ”
“Dòng sông mẹ, sông Cái” là sông Hồng, sông Luộc; nước phù sa cuồn cuộn chảy xuôi dòng; bờ đê như trường thành chắn lũ; bồi dưỡng, chở che cho châu thổ sông Hồng. “Dòng sông con” Tiên Hưng; uốn lượn ôm quê tôi vào lòng; đã chở nặng phù sa từ sông Hồng, sông Luộc; về nuôi dưỡng những cánh đồng lúa xanh mướt quê tôi; nước dòng sông đã tắm mát những năm tháng tuổi thơ; dòng nước trong làm dịu khát những trưa hè. Tôi ước ao sẽ là giọt nước trong, để được hòa vào dòng sông lớn, chảy về dòng sông nhỏ Tiên Hưng.
Đinh Danh Vùng