Ky niem 500 nam, nam sinh dinh bat tuy

Đinh Xuân Vinh

Thành viên
Staff member
DÒNG HỌ ĐINH BẠT- THÔN BÙI KHỔNG- XỨ NGHỆ

Được tham gia trong Ban LL họ Đinh Việt Nam, nên những năm gần đây tôi có may mắn và vinh dự đến các địa phương có người họ Đinh sinh sống, được dự những buổi lễ ra mắt Ban LL họ Đinh ở một số tỉnh, thành… như các tỉnh Hải Dương- Nam Định- Thái Bình- Hưng Yên- Lào Cai- Thanh Hóa- TT Huế- Quảng Bình, Hội Đồng TN tộc biểu - Quảng Nam – Đà Nẵng…
Năm Nhâm Thìn (2012) tôi vinh dự được về dự lễ Xuân Đinh. Hôm nay tại nơi đây, tôi lại vinh dự được về dự lễ Kỷ niệm 500 năm, năm sinh Tướng công Đinh Bạt Tụy. Ngay từ sáng sớm ngày mồng 9/2 Bính Thân (2016), tôi cùng đoàn đại biểu Đinh Tộc Quảng Nam- Đà Nẵng về dự Lễ kỷ niệm, được ông Đinh Bạt Hồng ra tận đầu làng đón tiếp đoàn chúng tôi. Vừa đặt chân đến mảnh đất này- vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, với những tên đất, tên người đã in đậm dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, là cội nguồn của Nguyễn Huệ - Quang Trung , Phan Bội Châu, quê hương đã sinh dưỡng Nhà cải cách yêu nước Nguyễn Trường Tộ, là quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, liệt sỹ Phạm Hồng Thái, Tướng Lê Thiết Hùng… Những chiến công, sự nghiệp lớn của thế hệ cha ông đã làm rạng danh quê hương đất nước, đựơc người đời nhắc đến, đời đời ghi nhớ công ơn, trong đó không thể không kể đến công lao đóng góp to lớn của Tướng Công Đinh Bạt Tụy - đối với quê hương đất nước ở những năm giữa thế kỷ XVI.
Vừa bước chân xuống xe, chúng tôi đã gặp ông Đinh Bạt Tráng là người chịu trách nhiệm chính trông nom hương khói tại đền thờ dòng họ Đinh Bạt Tụy và các ông Trưởng tộc chi phái dòng họ Đinh Bạt. Qua câu chuyện tìm hiểu về dòng họ ông Tráng nhiệt tình kể tỉ mỉ những điều ông biết và cho chúng tôi xem cuốn Gia phả dòng họ được cất giữ kỹ càng, ngay trong nội tự- đền thờ có đôi câu, nói nên nguồn cội của dòng họ được xuất phát từ Động Hoa Lư tỉnh Ninh Bình .
德留裴孔香燈
源發花閭派殿長
“Đức lưu Bùi Khổng hương đăng lại
Nguyên phát Hoa Lư phái điện Trường”.
Theo Đinh gia phả, cũng như theo cuốn sách làng, xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX có ghi chép lại, cội nguồn của dòng họ Đinh Bạt từ xa xưa vào khoảng nửa thế kỷ XV Đức hậu phủ quân húy Đinh Văn Đạt con trai ngài Đinh Văn Mịch Trấn Thanh Hoa ngoại, Phủ Trường Yên, xã Đại Hoàng, động Hoa Lư, xứ Ư Mịch (nay là xã Gia Hưng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình), sau đó vào Nghệ Tĩnh để định cư lập nghiệp, ông đã chọn được vùng đất Nghệ An, phủ Anh Đô, huyện Hưng Nguyên, tổng Hải Đô, xã Bùi Khổng, thôn Bùi Ngọa, nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An để định cư. Về đây ông đem lòng thương yêu và kết duyên cùng con gái quan Ngự sử đời Nhà Trần, bà Nguyễn Thị Phúc sinh được một người con trai là Đinh Văn La, ông sinh người con trai là Đinh Văn Đạt- Đinh Văn Đạt sinh Đinh Bạt Tụy. Ngài sinh năm Bính Tý (1516) tại xã Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An nay là xã Hưng Trung. Năm 1528 cha mẹ qua đời, mồ côi cha mẹ, Ngài đem mình đến nương tựa nhà thầy đồ trong làng, ban ngày kiếm củi, gánh nước, chăm trâu, đêm về lo học tập thi thư. Học cả dưới bếp, ngoài đồng, học cả trên lưng trâu. Nhờ sớm được hưởng sự chăm sóc dạy bảo của cha mẹ, nên ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người có chí hiếu học, nhờ có trí thông minh, nên ông sớm đọc thông viết thạo, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, được thầy tin yêu, bè bạn và nhân dân trong vùng mến phục.
Năm 1528 đương thời Mạc Đăng Dung chiếm ngôi Nhà Lê đóng đô ở Thăng Long.
Năm 1533 Vua Trung Tông Nhà Lê chạy sang Ai Lao( Lào) đặt niên hiệu Nguyên Hòa, trở về nước chỉ giữ được một tỉnh Thanh Hoa ( Thanh Hóa). Lúc đó ông còn như son ngọc trong rương chưa ai biết đến.
Năm 1535- 1548 ông trúng trường thi, được bổ vào học trường Quốc Tử Giám.
Năm 1549 Trung Tông Võ Hoàng đế lên ngôi, niên hiệu Thuận Bình năm thứ nhất, ông mong trở thành hiền thần để góp sức vào sự nghiệp Trung hưng đất nước.
Năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 ( 1554) nơi vạn đại hành dinh triều Lê mở chế khoa Mậu Tài, ông là giám sinh ứng thí, thi trúng: Đệ nhất danh, đệ nhất giáp, được vua ban áo mũ yến tiệc. Ước mơ học hành đỗ đạt đã thành hiện thực, đền đáp công ơn của cha mẹ, thầy học và ơn Vua.
Do quá trình làm việc giúp dân giúp nước nên năm 1552 vua Lê Anh Tông giao chức Đông các hiệu thư. Năm 1555 niên hiệu Thuận Bình thứ 7 ngài Đinh Bạt Tụy được vào dinh giữ chức : Cẩn sự lang, hàn lâm viện hiệu lý. Tuy là quan văn với tư tưởng trung quân ái quốc, song ông vẫn lo lắng, quan tâm chính sự nước nhà, nhất là họa binh đao do tập đoàn phong kiến Nhà Mạc gây nên.
Năm 1559 ông lại được thăng chức Hàn lâm viện thị chế trung giai.
Năm 1562 ông được triều đình phong chức Đông các hiệu thư, thời ấy Phạm Quỳnh, (là Quận công ) con Phạm Dao ( là Văn quốc công) là người tài giỏi, cận thần nhà Mạc, mưu lược diệt Nhà Lê. Ngài biết được âm mưu của cha con Phạm Quỳnh, nên Ngài thảo thư nội dung ly gián đã cho Nhà Mạc. Nhà Mạc nghi cha con Phạm Quỳnh- Dao, nên sai người giết đi. Sau đó Vua Anh Tông khen ông có tâm thuật, cho thăng chức: Lại khoa cấp sự trung” Trong khoảng thời gian 10 năm ( 1570- 1580) Đinh Bạt Tụy tham gia nhiều trận đánh, góp phần giữ vững vùng đất hậu phương của Nhà Lê. Ông không chỉ nổi tiếng một vị danh tướng có tài cầm quân, mà còn giỏi việc an dân, khôi phục kinh tế như chiêu dân, lập làng, dựng chùa, mở chợ . Do có nhiều công lao, ông đã được Lê Thế Tông phong chức Thượng thư bộ binh, kiêm chức Đông các đại học sỹ nhập thị kinh diên và lưu ở Hành điện Vạn Lai- Thanh Hóa.
Những trận đánh thắng lợi của Nhà Lê, quân Mạc tháo chạy khỏi vùng Thanh- Nghệ, bằng kế sách hay về kinh tế và quân sự do ông và một số quân tướng vạch ra , triều đình Nhà Lê ổn định. Thượng thư Đinh Bạt Tụy được nhà Vua tin cẩn giao cho hộ giá Vua Lê Thế Tông thân chinh ra trận, do tuổi cao sức yếu ông lâm bệnh nặng và mất ngày 17/4 1589, sau khi mất ông được phong tước Khê quận công, phong làm Phúc thần, sai lập đền thờ tại quê hương ông để nhân dân thờ tự.
Gần 40 năm làm quan (1554- 1589) Đinh Bạt Tụy phò giúp ba đời Vua, dẫu chưa trọn vẹn sự nghiệp triều Lê Trung Hưng, nhưng tên tuổi và công trạng của Ngài đã được Triều Lê và lịch sử dân tộc ghi nhận là “ Đệ nhất công thần”.

Về với Bùi Ngọa, xã Trung Hưng hôm nay, mới thấy hết không khí phấn phởi của con cháu dòng họ Đinh Bạt, các dòng họ Đinh Việt Nam nói riêng và nhân dân Hưng Trung- Hưng Nguyên-Nghệ An nói chung đều hướng về kỷ niệm 500 năm, năm sinh Tướng Công Đinh Bạt Tụy.
Ông Đinh Bạt May Chủ tịch Hội Đồng Gia Tộc dòng họ Đại tôn Đinh Bạt, thôn Bùi Ngọa- ông Đinh Bạt Hồng, ông Đinh Bạt Tráng Ban quản lý di tích xúc động cho biết: không riêng con cháu hậu duệ của Tướng Công Đinh Bạt Tụy mà người dân địa phượng ai ai cũng tưởng nhớ tới công lao của Ngài. Làng Bùi Ngọa có ba di tích : Đền thờ Đinh Bạt Tụy, Đình, chùa Bùi Ngõa đều thờ Đinh Bạt Tụy.
Tưởng nhớ công lao, vì dân, vì nước cuả Đinh Bạt Tụy, con cháu dòng họ Đinh Bạt đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương đất nước, như Đinh Bạt Tuấn, Đinh Bạt Sỹ, Đinh Bạt Duật trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có rất nhiều người con tham gia chiến trường, hàng trăm người hiện nay là sỹ quan quân đội, Công An như Đại Tá Đinh Bạt Cẩm, đại tá Đinh Ngọc Văn- Tư lệnh bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An ….
Truyền thống khoa bảng của dòng họ cũng đáng ghi nhận với hàng chục người là Giáo sư- tiến sỹ, thạc sỹ như GS-TS Đinh Xuân Khoa…các danh nhân, doanh nghiệp có tiếng vang như ông Đinh Bạt Hồng, Đinh Bạt Tuyền, Đinh Bạt Ngoạn …Con cháu họ Đinh nơi đây luôn đoàn kết với các dòng họ khác phát huy truyền thống quê hương, không ngừng phấn đấu để xứng đáng với các vị tiền liệt của dòng họ, xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng- quê hương Xô Viết anh hùng.
Đinh Xuân Vinh
Hội viên Hội KHLS- Phó Trưởng Ban LL họ Đinh VN


 

Những đính kèm

  • Copy of DSC_0264.JPG
    Copy of DSC_0264.JPG
    2.3 MB · Xem: 347
  • Copy of DSC_0267.JPG
    Copy of DSC_0267.JPG
    2.3 MB · Xem: 340
  • Copy of DSC_0273.JPG
    Copy of DSC_0273.JPG
    2.4 MB · Xem: 344
  • Copy of DSC_0286.JPG
    Copy of DSC_0286.JPG
    2.4 MB · Xem: 334
  • Copy of DSC_0318.JPG
    Copy of DSC_0318.JPG
    2.6 MB · Xem: 343
Top