Đinh Danh Vùng
Moderator
Tre già măng mọc (ảnh mạng)
Ngày còn nhỏ khi gặp người lớn trong xóm, tôi không biết tại sao cứ phải chào hỏi bằng “Bác”? Đến khi trưởng thành mới biết, Tôi là Đời thứ 23, thuộc Chi út (chi 3), Ngành út (ngành 3) và cũng là Phái út (Phái 3) của dòng họ Đinh xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; một trong những dòng họ Đinh là hậu duệ của Thái sư, Lân Quốc công, Trung Mục Đại vương Đinh Liệt.
Tôi là Trưởng gia tộc chi 3, nói thì to vậy, nhưng thực ra Chi 3 chỉ có 5 gia đình anh em ruột chúng tôi. Vì tính từ đời tôi đến đời Cụ thân sinh ra Chi 3 được bốn đời, thì đã có hai đời là “độc đinh”, nghĩa là các cụ chỉ có được một người con trai, có khi “sinh được ”, mà lại không “dưỡng được ”. Nghĩ cũng may, việc hương hỏa gia tộc như ngọn đèn trước gió mà không dứt.
Cụ Nội sinh ra chi họ tôi có bốn anh em trai, một chị gái; Cụ là em trai út nên các ông kiêng tên húy, gọi là Cụ Tư. Cụ Tư sinh hạ được hai người con gái và một người con trai, đấy là Ông Nội tôi. Hai bà con gái, bà chị lấy chồng ở xã khác cùng huyện, cách nhà khoảng 15 cây số, các cháu trai của bà cũng chạc trên tuổi tôi, làm công chức nhà nước, nhưng cũng chưa một lần về thăm quê Bà Nội. Bà em lấy chồng cùng thôn, con cháu hai nhà gần nhau, nên tình thân như anh em ruột thịt, tối lửa tắt đèn, vui buồn đều có nhau; các cụ nói: “Có con mà gả chồng gần / Có bát canh cần con cũng mang cho…”, gần nhau thì tình cảm huyết thống có sự liên kết bền chặt lâu dài hơn. Nói vậy cũng không thể trách, 15 cây số, ngày trước phải đi bộ là xa lắm, con cháu ít có điều kiện thăm nhau, không có dấu ấn về những kỷ niệm, tình cảm mờ nhạt giần, trở thành “người dưng, nước lã”.
Ông Nội tôi cũng như như Cụ Nội, sinh được hai người con gái và một người con trai, đấy là Bố tôi. Đến đời chúng tôi, sinh ra vào thời loạn lạc, vào thời kỳ bùng nổ dân số, tôi có tới bẩy anh em, năm trai hai gái, rồi anh em vẫn cứ khôn lớn trưởng thành; nhưng nuôi dậy được từng ấy đứa con, các Cụ vất vả lắm.
Vợ chồng tôi sinh được ba thằng con trai, “Tam nam bất phú” như người đời nói, cũng thật vất vả. Khi sinh được hai thằng đầu, kinh tế gia đình tạm dư dật, vợ tôi muốn có đứa con gái “Chấy rận” nên sinh thêm lần ba, nhưng lại là con trai. Ngày ấy, việc sinh đẻ có kế hoạch làm quyết liệt lắm, ở một số địa phương, công chức có con thứ ba là “mất đảng” và cho nghỉ việc như chơi. Khi tôi có “con thứ ba”, ở địa phương cũng phạt thóc; ở đơn vị tôi đang công tác, anh em thông cảm cũng che dấu cho, để qua thời kỳ thăng cấp đề bạt, tôi mới thành khẩn bổ sung vào lý lịch, cơ quan cho việc đã rồi, không truy xét lại nữa.
Cùng ở đơn vị tôi, có anh bạn vừa là đồng niên, đồng nghiệp lại đồng hương, khát đứa con trai, sinh đến cháu thứ tư vẫn là con gái, thật khổ thân anh. Lần thăng cấp ấy, đơn vị không đề nghị, anh ấm ức lắm, thắc mắc “tố ” tôi với sếp tại bàn trà, mãi sau này tôi mới biết, vì “tố ” không chính danh nên trên cũng cho qua. Thế mới biết, ở nhiều địa phương vùng châu thổ Sông Hồng, có được con trai là khát vọng cháy bỏng của nhiều nhà.
Đến khi vợ chồng anh con cả nhà tôi, sinh được cháu trai, cả đại gia đình, cả Chi họ đều hoan hỷ vui mừng. Việc đặt tên cho cháu, theo truyền thống gia đình Ông Nội thường chọn tên đặt cho các cháu, nhưng tên không quá mỹ miều, cũng không được phạm húy tên của các cụ, các ông bà họ hàng gần.
Tôi chọn tên cho cháu là Đinh Phúc Nguyên. - Phúc là tên đệm; từ thời Lê Trung Hưng, nguyên họ nhà chúng tôi là Đinh Phúc, đến khi Nguyễn Phúc Ánh lên làm Vua, vì kiêng tên húy chữ "Phúc" của nhà vua, những họ có tên đệm là Phúc đều phải đổi cả, trong đó có họ Đinh Phúc nhà tôi. Còn Nguyên là đứng đầu, mong muốn cháu cùng Chi họ 3 sẽ hưng vượng mãi. Phúc Nguyên là cháu đích tôn, do vậy ông bà nội đặt thêm cho cháu cái tên thân mật, gọi đùa trệch đi là “cháu Đít Nhôm”.
Có thằng cháu Đít Nhôm, tôi đã nghỉ hưu, cùng với bà xã có thời gian bế ẵm chăm sóc cháu. Mỗi khi cho cháu ngủ, tôi lại cất cái giọng khàn khàn lên ru cháu, những đoạn dân ca, những câu ca dao mà Ông Nội đã ru tôi từ thủa nhỏ, tôi lại làm vốn mang ra hát ru cháu. Khi cháu bập bẹ biết nói, tôi thường hỏi cháu thích ru bài gì? Cháu bảo bài “Con cò”, bài “Con chuột” hay “Con mèo”… Có khi, chưa ru hết một bài cháu đã ngủ say. Ngày nay, phần nhiều các bà mẹ không biết hát ru con, đấy cũng là điều thiệt thòi cho trẻ nhỏ, lời ru và hơi ấm của người thân sẽ truyền cảm xúc đưa trẻ thơ vào giấc ngủ ngon lành.
Khi thằng cháu Đít Nhôm đi mẫu giáo, trên đường đón cháu, tôi thường kể cho cháu nghe những mẩu chuyện về quê hương, về thiên nhiên, về người thân … Cái tên thân mật “Đít Nhôm” chỉ có gia đình mới biết; được cái, cháu cũng rất thích cái tên ấy, chấp nhận nó như một sự ưu ái tình cảm của ông bà Nội dành cho cháu.Tôi thường hỏi: Cháu tên gì?
cháu bi bô trả lời: - Cháu tên là Đinh Phúc Nguyên ạ !
Thế Phúc Nguyên là cháu gì? - Là cháu Đít Nhôm của ông bà Nội ạ !
Quê ta ở đâu? - Ở làng Đún, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ạ.!
Nhà ta ở đâu? - Ở nhà số…., phố…thành phố Hà Nội ạ !
Nhà có ba cháu nội, mỗi khi về quê dài ngày, chúng tôi thường ưu tiên cho thằng cháu Đít Nhôm về theo. Cụ Nội thấy thằng chắt Đít Nhôm về, quý cháu lắm rất muốn bế, nó lảng ra rồi nói nhỏ vào tai tôi chê "Cụ Nội xấu mù ". Tôi bảo cháu: "Cụ Nội là mẹ của ông đấy, ngày trước cụ cũng xinh đẹp như mẹ cháu bây giờ, nhưng phải vất vả nuôi nấng các ông, cụ già rồi phải xấu, con ra Cụ bế đi ". Nó mới giám xà vào lòng Cụ.Ở quê, cháu được vui chơi thỏa thích với các anh em họ, được dẫn lên xem hội chùa Phúc Lâm của làng, chen nhau xem đám rước kiệu múa lân, xem diễn chèo… được lên Từ đường Họ Đinh xem đánh trống đánh chiêng trong dịp lễ Tổ …Cháu rất thích thú khi được tiếp xúc với các con vật như trâu bò, lợn gà, ngan ngỗng …được cùng người lớn chơi thả diều, được xem trăng buổi tối, cháu thấy lạ đi đâu cũng thấy ông trăng cùng đi và nhìn theo, những thứ ấy thật lạ lẫm với cháu mà ở phố xá không có. Mỗi lần về thăm quê như vậy, cháu được sống giữa tình cảm yêu thương của người thân, được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, vào văn hóa làng quê, và cả những chặng đường dài cháu đi về nữa. Tôi tin rằng, sẽ là những ký ức đẹp, được mạ giần từng lớp vào tâm hồn trẻ thơ, để cháu nhớ về quê hương nguồn cội.
Vợ chồng anh cả mới mua được nhà ra ở riêng, cách nhà bố mẹ khoảng 10 phút đi xe máy. Chiều chiều, ông bà Nội vẫn đón các cháu ở lớp về nhà tắm rửa chăm sóc cho các cháu; khi bố mẹ chúng đi làm về dẽ vào đón con, thằng cháu Đít Nhôm cứ lẩn trốn, không muốn về nhà mới, cháu bảo “ghét nhà mới, thích nhà cũ ở với ông bà nội”, chúng tôi thương cháu rưng rưng nơi khóe mắt.
Con cháu ở cùng ông bà, “Tứ đại đồng đường”, “Tam đại đồng đường”, ngày trước làm nông nghiệp là đại phúc, nhưng thật không còn phù hợp với thời đại ngày nay, mỗi người, mỗi lứa tuổi có tâm lý sở thích riêng, có công việc khác nhau, chung đụng chật chội không được tự do thoải mái. Nhưng đổi lại, những ngày cùng sống chung dưới một mái nhà, mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau, có những kỷ niệm vui buồn, sẽ là dấu ấn của thời gian, để trẻ thơ sau này đi đâu về đâu vẫn nhớ về nguồn cội, nhớ về những người thân của mình.
Đinh Danh Vùng