Ba tôi ngày xưa chọn ngày cưới cho hai vợ chồng tôi là ngày đầu năm dương lịch. Sau này tôi mới nhận thấy ý của ba tôi thật hay vì cứ vào dịp đầu năm tết Tây gia đình sum họp cũng gộp lại kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng chúng tôi luôn thật là tiện lợi.
Thế mà đã ba mươi hai năm qua rồi. Cũng may, tánh tôi ưa "cất đồ cỗ " nên giờ có những cái ngày xưa coi như ngồ ngộ giờ mới thấy nó quý vì nó trở thành đồ cỗ thứ thiệt. Ngoài những tấm hình , kể ra ai cũng có ; nhưng tôi có mấy thứ lạ hơn kể hầu với các bạn nghe chơi.
Tôi kể về chuyện pháo ngày cưới của chúng tôi. Pháo cũng là Lần đầu tiên pháo được đốt vào đám cưới mà chúng tôi là người khai trương trước tiên ở một vùng quê hẻo lánh , nơi chúng tôi ở. Tôi còn nhớ ngày đó có người buôn pháo đầu tiên từ nơi làm pháo nổi tiếng Hòa Vang Đà Nẵng vào tận vùng này và chúng tôi hân hạnh mở hàng .
Thời buổi đó đám cưới không phải như bây giờ , đa phần làm theo kiểu'du kích' áo cụt quần đen , đàn ông thì cái sơ mi , cái quần jean cũ và đôi dép Lào là "hách' lắm rồi. Riêng chúng tôi "chạy" mượn được veston , có giày "bò" có cả pháo mở hàng cho người ta tại một vùng kinh tế mới sao mà chẳng lạ, chằng "oai "!
Dâu tới nhà, tràng pháo chuột nổ "tạch tạch" xen kẽ tiếng pháo trống nổ "đùng đoành" nghe thật sướng tai. Tại sao nghe "sướng lỗ tai " vì sau năm 1975 một thời gian thật lâu chưa ai nghe lại tiếng pháo . Bao nhiêu biến đổi nào 'kinh tế mới' nào chuyện 'lao cải'... nguòi dân vùng tôi chỉ biết cái rựa cây rìu, khi nghe lại tiếng pháo thì ngỡ ngàng lạ tai là phải.
cặp pháo trống 1983-2015
Đánh dấu chuyện này, sau đám cưới tôi cất lại cặp pháo tống làm 'kỷ niệm' chơi. Đi đâu tôi cũng mang theo cho đến hôm nay qua Mỹ nó vẫn còn. Tôi đoan chắc , không có ai còn giữ cái pháo trong ngày cưới của mình như tôi. Mỗi lần nhìn hai cái pháo , màu đỏ của nó giờ đã bạc phếch, tôi mường tượng tiếng pháo năm nào nổ vang trước ngõ, khói pháo vương vương, đoàn đưa dâu theo con đường nhỏ, đầy cỏ dại vào xóm nhà trai.
Thuờng người ta hay cất giữ những quý kim, cao giá, đắt tiền trong ngày cưới làm vật kỷ niệm. Trong riêng tư, tôi cho rằng dù một bức thư viết dở, một tấm ảnh cũ rách hay bất cứ vật gì đã thuộc về một quá khứ, giá trị của nó là ở THỜI GIAN chứ không phải giá trị hiện vật.
Hiện Tại và quá khứ là một dãi liên kết đầy tiệm tiến. Hôm kia là quá khứ của hôm qua, và hôm qua là quá khứ của hôm nay. Khi tôi đang viết những dòng này là hiện tại nhưng đến khi bạn đọc chúng thì đã thuộc về quá khứ rồi !
Tôi chợt nhớ mới đây, có người bà con của tôi viết cho tôi rằng "…xã hội luôn luôn biến động và đầy đổi thay...hoài niệm chỉ là chuyện của ngày hôm qua mà thôi... ," tôi cho rằng, chuyện của ngày hôm qua chưa hẳn đã 'dứt điểm ở ngày hôm qua' mà giá trị vẫn còn để hoài niệm để tạo thành một dãi liên tục cho cuộc sống. Sự hụt hẫng , trống rỗng to lớn cho ai không có quá khứ hay không nhớ được quá khứ vì bao nhiêu dấu hỏi sẽ vấn vương mãi trong lòng ta mãi hoài chẳng thôi. Xã hội biến động và đầy đổi thay . Nhưng, nếu sự đổi thay hôm nay ít tốt đẹp hơn hôm qua, thì sự hoài niệm càng thiết tha luyến tiếc dạt dào hơn thêm...
Hôm nay nhìn những cuốn sổ lịch , tôi ước ao sau này năm đứa con , chúng sẽ không quên quá khứ là người Việt Nam . Những cuốn lịch, dấu tích một trời quê, nơi chúng cất tiếng khóc oa oa chào đời , nơi có biển, có núi đồi và những rẫy sắn trãi dài bao la, cùng những tháng ngày lận đận của mẹ cha.
Bao nhục vinh thăng trầm của quê huơng dù muốn dù không không ai chối bỏ được mình là người Việt Nam. Ngày mai, các đứa con bạn, hay những đứa con tôi dù bao vinh quang nơi xứ lạ quê người, cũng không thể chối bỏ được một sự thật cái gốc tích là người Việt Nam.
Những cuốn lịch này theo "hành trang giã từ" đi đến xứ người. Tôi vẫn giữ để mong ngày tặng lại cho các con tôi như là món quà thời gian: một khi quá khứ chưa mất hẳn trong tiềm thức con người xa xứ, sẽ là sức bật mãnh liệt cho tương lai, cho những thành công xứng đáng trong đời.
DHL
kỷ niệm 32 năm ngày cưới 1983-2015