Họ Đinh ở Việt Nam

dinhvanbinh

Moderator
Lehoidendinh.jpg
Hình ảnh nguồn internet​

Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng lấy ngày 15 tháng 8 là ngày mất của vua Đinh Tiên Hoàng đế là ngày giỗ tổ họ Đinh. Việc xác định nguồn gốc của một dòng họ có chiều rộng về mặt địa lý trải dài khắp 63 tỉnh thành, từ đồng bằng đến miền núi và có chiều sâu về lịch sử cần phải thận trọng và có cơ sở khoa học. Tháng 6 năm 2016, Ban Liên lạc họ Đinh Việt Nam đã phát hành dự thảo cuốn "Nhân vật họ Đinh Việt Nam" của hai tác giả Đinh Văn Niệm và Đại tá, nhà văn, nhà báo Đinh Văn Đạt. Cuốn sách là một tư liệu rất quý về các nhân vật họ Đinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tôi trích một đoạn phần mở đầu của cuốn sách để mọi người tham khảo trên cơ sở ý kiến ngày giỗ tổ họ Đinh.

" ... Họ Đinh là một trong tộc lớn ở nước ta. Ngày nay, họ Đinh không chỉ có ở dân tộc Kinh mà có cả ở các tộc người khác như người Lái, người Mường, người Thái, người Ê Đê, người Gia Lai...... Người họ Đinh ngày nay cũng có mặt ngày một nhiều trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Họ Đinh xuất hiện khá sớm ở nước ta. Theo Thần tích thôn Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: từ thời Hùng Vương đã có danh tướng dưới đời vua Hùng thứ 18, tức Hùng Duệ Vương là Đinh Công Bách. Ông và con trai ông đều có tài mưu lược nên được vua Hùng cho làm Lạc tướng và mưu thần giúp vua trị vì, giữ gìn cương thổ. Đồng thời, Hùng Duệ Vương còn phong cho con gái Đinh Công Bách làm công chúa. Thời Hai Bà Trưng vào những năm đầu sau công nguyên, có nhiều nữ tướng phò giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược, trong đó có bà Đinh Phật Nguyệt. Bà là con gái của cụ Đinh Bôn và cụ bà Phí Vang. Hai cụ làm nghề bốc thuốc gia truyền, chữa bệnh cứu người. Khi Tô Định đem quân sang xâm lược nước ta, bà mộ quân, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, đem quân gia nhập với chủ tướng Hai Bà để cùng giết giặc, được Hai Bà phong làm Tổng trấn thủy binh. Hiện nay, bà được dân làng Vũ Ẻn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ phụng thờ. Thời Tiền Lý Nam đế, có ba vị họ Đinh phò tá Lý Bôn lên ngôi Hoàng đế và đánh đuổi quân Lương xâm lược. Đó là Đinh Linh Lang, Đinh Đô Thống, Đinh Hiến Minh. Khi Lý Nam đế mất, ba ông theo phò giúp Lý Phật Tử chống lại Triệu Việt vương. Lý Phật Tử lên ngôi hiệu là Hậu Lý Nam đế, phong cho anh cả làm Đại bàng Nguyên soái Linh Lang đại vương, anh thứ hai là Đô Thống Đại vương và em út làm Hiển Minh đại vương. Hiện tại, ba vị họ Đinh này được phụng thờ ở đình làng Đồng Chân, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Họ Đinh ở Ninh Bình xuất hiện khá sớm. Đến thời Dương Đình Nghệ làm Thống lĩnh Giao Châu của họ Khúc, có vị họ Đinh là Đinh Công Trứ được cử Tiết độ sứ, Dương Đình Nghệ phong làm Ngự phiên Đô đốc kiêm Thứ sử Hoan châu, sau chiến công đánh đuổi quân Nam Hán. Đinh Công Trứ sinh ra Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi Ngô Vương Quyền mất, đất nước chia làm 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loạn được 12 sứ quân, thống nhất sơn hà, non sông thành một mối. Ông lấy ngày mồng 10 tháng 3 lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, xây dựng Hoa Lư làm kinh đô. Đây là nhà nước đầu tiên ở nước ta thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Các di duệ của Đinh Tiên Hoàng đế và Ngoại giáp Đinh Điền là tỏa khắp các vùng miền đất nước, làm thành tộc họ Đinh. Từ đó, cộng đồng người họ Đinh ngày càng lớn mạnh và thành đạt. Trải các thời kỳ lịch sử, người họ Đinh không ngừng nỗ lực vươn lên, sản sinh biết bao danh nhân có nhiều cống hiến với đất nước, dòng họ." (Hết trích dẫn).

Đinh Văn Bình,
Trưởng Ban liên lạc họ Đinh Hải Dương
 
Top