Ảnh thẻ căn cước của bà Đinh Thị Vân (1954). Tư liệu của ông Đinh Quang Như (Nam Định)
.
Có thể nói: Nữ Anh hùng tình báo chiến lược Đinh Thị Vân hoàn thành xuất sắc nhiệm cụ trên giao, chính là khởi nguồn từ truyền thống gia đình cách mạng. Truyền thống cách mạng yêu nước của gia đình chị, phải kể đến người ông nội Đinh Mẫn Cấp. Cụ thi đỗ bằng hương năm Bính Tý (1876) sau về làm nghề dạy học. Dân làng thường gọi là “cụ Hương đồ”. Do quan hệ với các nho sĩ tiến bộ yêu nước thời bấy giờ, nên cụ đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhờ của hồi môn của đằng vợ, cụ trở thành người giàu có nhất làng, các nho sĩ thời đó có vế đối: “Hương Đản, Hương Cấp, Hương Khôi, ba xã, ba hương, ba sân gạch” (ba ông hương giàu có của ba làng thông gia với nhau) năm sáu năm sau mới có vế đối lại: “Tổng Nhai, Tổng Nhuận, Tổng Trạch, một môn, một tổng, một nhà vinh” ..
Cụ Đinh Mẫn Cấp hoạt động cách mạng, bị mật thám vây bắt, phải trốn tránh nhiều lần. Chúng đã bắt được cụ mang ra kè Hạ Miêu, doạ dìm xuống sông Hồng, để khai ra tổ chức Hội kín Đông Du, nhưng cụ nhất mực không khai. Cụ sinh được hai người con trai là Đinh Đức Hợp (thân phụ Đinh Thị Vân) và Đinh Văn Bính. Hai người con của cụ đều học hành thông minh. Thời kỳ Nho tàn, hai anh em học chữ Quốc ngữ tại Trường Xuân Bảng, huyện Xuân Trường, cách nhà trên mười cây số. Giáo viên dạy sử, nói Quang Trung, Lê Lợi là giặc cỏ, hai anh em phẫn nộ đứng lên tại lớp phản đối, rồi vận động nhiều bạn bỏ học. Ông Đinh Đức Hợp về làm nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người, ông sinh được ba người con trai và hai người con gái, thì vợ ông là bà Nguyễn Thị Mộc qua đời. Người em vợ là Nguyễn Thị Quì về thay chị chăm nuôi các cháu. Bà sinh một người con gái đặt tên là Đinh Thị Mậu (khi lấy chồng có tên là Đinh Thị Vân). Chị Vân vừa sinh ra sáu tháng, thì ông Đinh Đức Hợp lại qua đời. Anh em chị Vân được sự nuôi nấng đùm bọc của người ông nội Đinh Mẫn Cấp.
Là nhà nho yêu nước, nên việc giáo dục dạy giỗ con cháu, là việc làm có ý thức, qui củ. Từ nếp ăn, ở hàng ngày, đến việc học hành, nhất là đạo làm người. Xuất phát từ đó, lớp con cháu của cụ ai cũng có lòng yêu nước, thương người. Đinh Thúc Dự là người anh thứ ba, cùng người anh thứ hai Đinh Lai Hấp, đã sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Năm 1925 thầy giáo Đào Đình Mẫn, quê ở Tu Trình, xã Thuỵ Trình, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình đã về dạy học tại làng. Thầy giáo đã tổ chức “Hội thanh niên cách mạng đồng chí hội” cả hai anh em hăng hái tham gia. Tháng 3 năm 1933 đồng chí Phạm Quang Lịch (Hào Lịch) quê xã Nam Huân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là Bí thư Ban Chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thái Bình, sau khi vươt ngục ở Hoả Lò, đã về thôn Đông An xã Xuân Thành (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông An. Chi bộ gồm 4 Đảng viên, phần lớn là người họ Đinh: Đinh Thúc Dự, Đinh Văn Trai, Đinh Văn Huyên và Phạm Đinh Duy. Đinh Thúc Dự được chỉ định làm Bí thư. Đây là chiếc nôi tiền thân cách mạng của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đinh Thị Vân được anh phân công làm liên lạc, rồi đảm nhiệm công việc văn phòng của Chi bộ.
Chi bộ Đảng Cộng sản Đông An đã lãnh đạo quần chúng lên toà Khâm sứ Nam Định, kiện nhà thầu Đặng Vũ Chẩn ăn chặn tiền công đắp đê bãi Túi. Vụ kiện thành công, nhà thầu phải bồi thường đầy đủ. Chi bộ còn tổ chức “Hội Tương tế”, “Dệt vải tập thể”, “Phường bát âm” lấy tiền mở nhiều lớp học, xoá nạn mù chữ cho các con em nghèo. Cùng với các hội đoàn, Chi bộ đã thành lập các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Dân quân, bí mật mua sẵm vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Ngày 21-8-1945, chị Đinh Thị Vân nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa từ tay đồng chí Đoàn Trần Phong cán bộ của tỉnh đưa về. Chị cùng anh mình là Đinh Thúc Dự, tập hợp lực lượng. Sáng ngày 22-8-1945 đoàn nghĩa quân Đông An do đồng chí Đinh Thúc Dự trực tiếp chỉ đạo đã giành chính quyền tại phủ Xuân Trường, rồi phối hợp với tổ chức ở Lạc Nghiệp - Giao Thuỷ, lấy đồn Lạc Quần và giành chính quyền tại huyện lỵ Giao Thuỷ. Cuộc khởi nghiã thành công, gia đình chị Đinh Thi Vân được tổ chức phân công, giữ các chức vụ chủ chốt của huyện :
- Đinh Thúc Dự - Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện.
- Đinh Lai Hạp - phụ trách tài chính.
- Đinh Thị Vân - phụ trách phụ nữ.
- Đinh Quang Tuyến - Chính viện Phủ đội.
- Đinh Xuân Mẫn - Chủ nhiệm Việt minh.
- Đinh Văn Năng - phụ trách thanh niên.
Bước vào cuộc chống kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những tấm gương hy sinh dũng cảm của người trong gia đình, đã có tác động rất lớn đến ý chí quả cảm và mưu lược của chị trước kẻ thù.
Đinh Thúc Dự hy sinh sau khi được Trung ương điều động phụ trách hậu cần chiến dịch Hà - Nam - Ninh, năm 1951.(Năm 1947 ông giữ chức vụ Phó Bí thư BCH Tỉnh uỷ kiêm Phó Chủ tịch UBKCHC tỉnh Nam Định).
Đinh Quang Tuyến Chính trị viên Huyện đội, em con ông chú hy sinh trong khi về xây dựng phong trào vùng địch hậu tại huyện Xuân Trường năm 1950.
Đinh Đức Chung bộ đội địa phương, là em con ông chú, bị địch phục kích bắn gãy chân tại quê hương, anh đã nằm lại chiến đấu, để đơn vị rút lui an toàn. Với khẩu súng trong tay, anh dành một viên đạn cuối cùng chờ giặc đến gần hạ thủ được một tên. Trước khi hy sinh anh còn hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Giặc sát hại anh, chúng còn hèn hạ đâm nát thi thể.
Hai người cháu con ông anh cả, mẹ mất sớm. Được ông Đinh Thúc Dự giao nhiệm vụ: Vừa nuôi cháu ăn học, vừa móc nối với cơ sở cách mạng nội thành Hà Nội (1944 - 1945). Đó là Đinh Xuân Mẫn - Chủ nhiệm Việt Minh của huyện, được điều lên giữ chức Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 69, Trung đoàn 34 Nam Định. Anh đã chỉ huy nổ phát súng đầu tiên vào trại lính Ca rô tại Nam Định. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trong ngày toàn quốc kháng chiến ngày 20-12-1946. Anh là Trưởng phòng Tác chiến, Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1965 anh là Trưởng đoàn học sinh Trường quân sự cao cấp Vôrôxinốp tại Liên Xô. Năm 1967 được Bộ Quốc phòng điều động anh trực tiếp chỉ huy chiến trường khu Năm. Anh đã anh dũng hy sinh tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Đinh Văn Năng năm 1947 sau khi học trương quân sự Trần Quốc Tuấn là cán bộ khung phụ trách đại đội, chiến đấu hy sinh tại chiến trường Lào. Sự hy sinh xương máu của gia đình, càng làm cho Đinh Thị Vân quyết tâm đền nợ nước, trả thù nhà.
Trong bản di chúc trước khi chị đi vào cõi vĩnh hằng ngày 11-12-1995, có đoạn viết: “… Ông Dự là người giác ngộ dìu dắt và tạo điều kiện giúp tôi họat động cách mạng, từ trước ngày tổng khởi nghiã…”. Chị có được danh hiệu, phần thưởng cao quí anh hùng tình báo chiến lược Quân đội nhân dân Việt Nam, đúng như sự khẳng định trong bản di chúc này. Khi giao nhiệm vụ làm liên lạc canh gác cho Chi bộ, anh Đinh Thúc Dự đều dặn dò em mình thật kỹ lưỡng, cách cất dấu tài liệu, cách ứng xử giao tiếp khi bị người khác hỏi. Trước khi đi làm nhiệm vụ, phải đặt ra nhiều phương án để chủ động ứng phó. Từ một người liên lạc cho Chi bộ hoạt động trước cách mạng, đến công việc lớn hơn là Hội trưởng phụ nữ huyện và Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Nam Định. Năm 1949 giặc chiếm Bùi Chu, Phát Diệm quê hương chị nằm trong vùng địch tạm chiếm (thời kỳ hai năm bốn tháng 1949 - 1953). Cơ quan Huyện uỷ - Ủy ban hành chính huyện phải tản cư sang thôn Nguyệt Giám, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Lúc này anh Đinh Thúc Dự giữ chức Bí thư Huyện uỷ. Người đầu tiên của cơ quan huyện, được cử về xây dựng phong trào vùng địch hậu là Đinh Thị Vân. Vào hoạt động trong sào huỵêt của Mỹ, nguỵ ở Sài Gòn, chị gặp người thân còn ít. Nhưng đây là quê hương chị, dân làng không ai là không nhận ra. Trong khi đó bọn tay chân chỉ điểm ở hầu hết các thôn xóm. Được anh mình chỉ bảo chị đã phân biệt chính xác từng đối tượng địch - ta. Đặc biệt có tiếng nói cảm hoá lòng người, chị đi tới đâu cũng được quần chúng nuôi nấng bảo vệ. Chị xây lại được các cơ sở cách mạng, không những trong xã, trong huyện mình, mà còn các huyện phía Nam tỉnh như huỵên Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nam Ninh. Từ các cơ sở cách mạng được khôi phục. Huyện uỷ, Uỷ ban và các ngành mới cử cán bộ trở về hoạt động bí mật. Sau gần hai năm mặt giáp mặt với kẻ thù khu du kích đã hình thành, buộc địch phải rút vào các đồn bốt chống đỡ. Từ những kinh nghiệm thực tế tại chiến trường quê hương, do chính anh mình chỉ đạo, khi bước chân lên tàu há mồn của Pháp, trà trộn với dân di cư vào Nam, chị bắt tay vào công việc đầy tin tưởng. Chị nhanh chóng xây dựng cơ sở cách mạng và lưới điệp viên ngay trong cơ quan đầu não của địch.
Thời kỳ địch tạm chiếm quê hương (hai năm bốn tháng), các em của chị như: Đinh Đức Chung, Đinh Thị Nhuần, Đinh Thị Ty, kể cả thím mình là Đinh Thị Bính, anh họ là Đinh Hữu Lới - đã bị địch bắt đi tù, hết nhà tù Phú Nhai - Bùi Chu, Lục Thuỷ đến Máy Chai (Nam Định). Địch tra khảo đánh đập rất dã man, nhưng một lòng trung thành với cách mạng không ai khai báo nửa lời. Có người trốn tù như Đinh Đức Chung, có người nằm trong nhà tù, ta phá đồn mới trở về quê lại tiếp tục tham gia cách mạng như Đinh Hữu Lới. Từ những sự việc trên khi chị vào công tác miền Nam bị địch bẳt, với kinh nghiệm đấu tranh trong tù của người trong gia đình, chị rất vững vàng, giữ gìn khí tiết người cộng sản. Biết bao những ngọn đòn từ thời trung cổ, đến hiện đại, địch tra tấn, chị vẫn kiên trung không chịu khúât phục. Khi trở lại miền Bắc năm 1969 về quê hương chị nói: “… Tôi bước chân vào Nam công tác. Tôi biết chắc là khó thoát khỏi tù tội. Vì hoạt động ngay trong lòng địch ở Sài Gòn, bọn mật thám, chỉ điểm như rươi. Nên khi bị địch bắt tôi không bất ngờ, không hề sợ hãi. Coi đó như là mình chuyển sang hoạt động ở môi trường khác vậy, chính vì thế mà tôi bắt tay ngay vào hoạt động trong tù”.
Gia đình chị bị qui sai trong cải cách ruộng đất, mẹ chị đã tự vẫn. Sau khi sửa sai, cả gia đình vẫn tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Nhiều người đi hoạt động thoát ly được nhà nước trọng dụng.
Tổng kết các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình chị có 5 người là liệt sỹ; được nhà nước tặng thưởng đồng tiền vàng của Hồ Chủ tịch, 4 bằng có công với nước, 3 huân chương độc lập và hàng trăm huân, huy chương các loại. Chị được nhận danh hiệu cao quí Anh hùng lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam. Những chiến tích mà chị đạt được đều có sự khởi nguồn từ truyền thống cách mạng của gia đình./.
Đinh Văn Sáu
Hội viên Hội khoa học lịch sử VN tỉnh Nam Định...........
( Trích trong cuốn kỷ yếu NHÀ ĐINH VỚI SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC” do NXB Lao Động xuất bản năm 2012, trang 420) .
Được ông Đinh Văn Sáu Hội viên Hội khoa học lịch sử VN- tỉnh Nam Định, viết về người con gái đời thứ 9 thuộc dòng họ Đinh Đông An- đó là Đại tá anh hùng LLVTND- Đinh Thị Vân mà mọi người trong và ngoài nước đều biết, và trân trọng kính mời quí khán, thính, độc giả xem và phim tư liệu Lễ khánh thành mộ Tổ họ Đinh Đông An.
Phim tư liệu lễ khánh thành mộ tổ họ Đinh Đông An