Thích “Phượt” về quê!

IK3p3B0OR-y8S4hh9_AWL1IKmZi0da_VBXAOVgzpQjxSzWtzf_R6lvM2bZmEuZd6a2zUPsyBM49KBey3t67fHof9fnTq7MmReuAbaRlyQliYrR6lsmc9x4pxe_K1qWg-PUhtruAV
Cầu Long Biên (ảnh nguồn internet)

Từ quê tôi, xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình, lên thành phố Hà Nội khoảng gần 100 cây số; nếu đi đường thủy, phải thức dậy từ 3 giờ rưỡi đêm, để chuẩn bị cho kịp chuyến tầu thủy từ thị xã Thái Bình lên. Nhưng thú thực, cả năm trời chỉ có được một vài lần về thăm nhà, đường xá thì cách trở, thời gian xa thăm thẳm, nếu có người vợ trẻ chờ chồng phải dứt tình ra đi trong đêm tối hưu quạnh, thì quả là lưu luyến bịn rịn.

Đến sáng, nếu đi xe khách, phải đạp xe gần 30 cây số nữa, để xuống thị xã Thái Bình hay sang thị xã Hưng Yên, hoặc đi tắt sang thành phố Nam Định thì mới có bến xe khách để lên Hà Nội, nhưng cũng phải chờ đợi chen chúc nhau mới mua được tấm vé xe khách. Nên tôi thường chọn cách đạp xe thẳng lên Hà Nội cho tiện. Đạp xe theo quốc lộ 39 đến Phố Nối thì rẽ ra quốc lộ 5, qua cầu Long Biên, hay cầu phao Chương Dương vào nội thành. Nếu cứ đi theo “đường chính thống” như vậy thì rất xa và vất vả; sau tôi thường đạp xe đi theo các đường tắt để lên Hà Nội, đường sẽ bớt xa, lại có dịp ngắm cảnh, thăm thú những vùng quê Hưng Yên và ngoại thành Hà Nội.

Tôi đạp xe đến thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, rồi qua đò sang sông Luộc, bên kia là vùng Thiện Phiến, Tiên Lữ, nơi có đặc sản Nhãn lồng Hưng Yên ngon nổi tiếng, được Nhà văn Đào Xuân Tùng viết nên tiểu thuyết “Nhãn Đầu Mùa”, với câu chuyện tình lãng mạng thời kháng chiến chống Pháp, làm say đắm bao lớp thanh niên. Rồi qua thị xã Hưng Yên, rẽ sang Dốc Lã, sang phà Vạn Điểm để qua sông Hồng, ra quốc lộ 1 vào thành phố Hà Nội.

Có lần tôi rẽ vào Từ Hồ, huyện Yên Mỹ, qua phà Quyến Lương, rồi đạp xe trên đê sông Hồng… Các đường đi ngày ấy đều nhỏ hẹp, khó đi và rất xóc, nhưng ít xe cộ chạy trên đường. Có trưa, tôi buồn ngủ quá, đạp xe đánh võng trên đường, buộc phải dừng chân nghỉ chợp mắt dưới bóng cây, chân thọc qua khung xe để phòng mất cắp.

Cũng có lần, đạp xe qua vùng Khoái Châu, quê hương của Nhà văn Lê Lựu, với tiểu thuyết “Thời Xa Vắng” nổi tiếng một thời; cánh đồng, làng quê và cả nhân vật Giang Minh Sài là nguyên mẫu quê hương và Nhà văn. Tôi mải mê vừa đạp xe vừa ngắm cảnh đồng quê đẹp như tranh vẽ, không để ý trên đường nên hai xe va nhau ngã, tôi vội dựng xe, thăm hỏi cô gái bị ngã, vận vội câu thơ Kiều: “Người đâu gặp gỡ làm chi / Hỏi xe em có việc gì hay không? ”. Xe cũng bị vênh vành, hư hỏng nhẹ, hai người chỉ nhìn nhau cười, rồi trách nhỏ một câu.
.
Chiều buông! đạp xe mệt mỏi trên đường, ngắm cảnh làng quê êm đềm, tiếng trẻ thơ ríu rít nô đùa, hình bóng người thiếu phụ rửa rau bên cầu ao, khói lam chiều lan tỏa trên những mái nhà tranh; mùi rơm rạ, mùi khói bếp thân quen đến nao lòng, làm nản lòng những người đi xa, mỗi vòng bánh xe lăn, mỗi nhớ nhà.

Hồi ấy, phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn, sau nhiều cơ quan đơn vị tổ chức xe tuyến, giúp những người sống tập thể xa nhà trong những dịp lễ tết về thăm quê. Xe ca ít, đơn vị phải dùng đến cả xe tải để chở người, có cả gia đình về thăm nhà đi trên những chuyến xe tuyến ấy. Việc đi lại xe tuyến cũng vất vả, nhưng bù lại, anh em đồng hương cùng cơ quan đơn vị, rồi cả người thân, được gặp gỡ nhau trên chặng đường dài, tình quê hương thêm thân thiết.

Sau này, tôi xắm được cái xe Cúp 81/86 đời mới “xe máy bãi - Nhật”, mốt “Kim vàng, Giọt lệ, Giảm sóc ba tầng…Màu xanh rêu”, là ước mơ của nhiều người khi ấy, mọi người túm lại xem xe rồi bình phẩm, còn quá xắm được cái xe con hạng sang ngày nay. Thế mới biết, vật chất chỉ là thứ phù hoa, thực dụng nhất thời… Cái hôm nay là quý, là mốt; nhưng đến ngày hôm sau đã là đồ thải loại rồi...

Tôi có cái xe máy, việc đi lại chủ động thuận tiện hơn trước, nhưng đường xá thì vẫn tệ, cầu cống chưa bắc, mỗi tháng may ra về tranh thủ được một lần. Sau, Nhà nước đầu tư xây dựng cầu đường, mở rộng đường 5, đường 39 bên Hưng Yên, bác cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì... qua sông Hồng; rồi cầu Triều Dương qua sông Luộc, đi về không còn lệ thuộc vào đò phà nữa…

j87xXw0Whj6Gw5FR3Cg0YZGCBCRFR0Paho3iVDRlBNy0740PlqialoGDG-slvDSzxk9xs8Ak7b1YsI4RMPfjp55uPDO4OK5QwD_91aChIezmVNlkMSqqv-wX7rpJGREtEJzQqQku
Đường mới mở Hà Nội - Hưng Yên (ảnh nguồn internet)
.
Ngày nay, lại mở thêm tuyến đường mới Hà Nội - Hưng Yên, khoảng cách về quê tôi rút ngắn được tới 20 cây số. Đường mới mở phẳng lì, thẳng tắp, cây xanh bóng mát hai bên đường đẹp như công viên; đường chạy qua các khu đô thị mới với những tòa nhà hiện đại cao vút; chạy qua những cánh đồng chuyên canh cây ăn quả như táo, chuối, ổi,... Cây cảnh như đào, quýt, quất, bưởi… Trên đường, trên những cánh đồng trong những ngày giáp tết đông vui nhộn nhịp như ngày hội. Nhiều khi, chiều tối đang đi dạo phố phường, bỗng dưng nổi hứng phóng xe về quê, đi như trong mơ.
.
QM1e6RAsNvv2B5K49KXP-_guseni-RDSAU4T2thlChNzoNkGBvMBXPBb1Lutuy0j4d4NHij-NiZRLp2Lfmex_IZ6QpY2CaIe6EcIP7toW9_zmNC_XAQ12JUyZERLJQn-AJUYpytX
Cầu Vĩnh Tuy - “Phố nhỏ, ngõ nhỏ nhà tôi ở đó”! (ảnh nguồn internet)
.
Ngày trước, Về Quê - Đường xa lắm! Ngày nay đường về quê đã tốt lại thuận tiện hơn, việc đi lại bằng xe khách cũng rất thuận lợi và dễ dàng. Ở nhà quê, đến giờ ra đón xe khách nơi đầu ngõ, hơn hai giờ sau đã bước xuống xe ngay trước ngõ nhà mình, thật thoải mái.

Đi xe khách thuận tiện như vậy, nhưng tôi vẫn cứ thích về quê đi bằng cái xe máy cũ, để được hoài niệm trên chặng đường gian khó khi xưa; để được ngắm nhìn sự đổi thay của làng quê, được hít thở không khí trong lành trên những cánh đồng; để mặc cho cái nắng, cái gió, cái mưa cứ bay bay, phần phật bên má, bên tai... Vợ con tôi bảo: “Ông già rồi, chân chậm mắt mờ, tay run, đừng đi xe máy nữa cho các con nhờ” ! Nhưng tôi vẫn cứ “Phượt” ! Không biết còn tận hưởng cái thú này được mấy lả nữa.

Đinh Danh Vùng
 
Top