Đinh Danh Vùng
Moderator
Mùa Hè hoa Phượng đỏ (ảnh nguồn internet)
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, tôi mới 17 tuổi, đầu xuân, được Xã gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, cả xã trúng tuyển gần 40 người, trong đó có tôi. Trước ngày đi khám tuyển, thấy ông Nội cùng với ông Mô thì thầm nói chuyện ở trong nhà, có vẻ hệ trọng lắm; đến tối, ông đắp vào lòng bàn chân tôi nắm lá đã giã nhuyễn. Sau này tôi mới biết, ông đắp lá thuốc để sinh bệnh trĩ, để thằng cháu “Đít Nhôm” của ông đi khám sức khỏe không trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng không hiệu nghiệm.
Ngày nào Xã cũng tổ chức hội họp cho số thanh niên mới trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lần đầu, rồi tập trung ăn uống, chắc để cách li với những người đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhiều lần, số anh em đấy phải tập trung lên Huyện để học tập chính trị. Có anh cán bộ đeo súng ngắn và “sắc cốt” về xã thẩm tra lý lịch và chọn người; tôi được lựa chọn vào Lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang, trong xã còn có Nhật. Tôi mới lớn, không hiểu gì về Lực lượng này, nhưng cũng cảm thấy vinh dự.
Tôi được người thân tặng những kỷ vật nho nhỏ, đó là những chiếc khăn tay mùi soa, là quyển sổ với cây bút máy, là chiếc túi thêu nho nhỏ xinh xinh, để đựng bàn chải và hộp thuốc đánh răng, ... Họ hàng liên tiếp mời cơm liên hoan, chú Xíu đưa đi chợ Bình chụp ảnh lưu niệm và mua xắm vài thứ thiết yếu. Chợ An Bình xã Lô Giang còn gọi là chợ Quếch, chợ lớn trong vùng, họp bên triền đê sông Tiên Hưng, nằm dưới những tán cây nhãn, cây vải cổ thụ, quả chín trĩu cành, tiếng chim Tu hú khắc khoải gọi hè, lòng lâng lâng buồn. Tôi đã xác định, ra đi phải hoàn thành nghĩa vụ, chỉ thương nhớ những người thân ở nhà.
Vào đêm tháng Tư, đoàn Chèo của Tỉnh về xã biểu diễn phục vụ vở “Tướng quân Phạm Ngũ Lão”, chàng trai làng Phù Ủng ngồi đan sọt bên vệ đường, mải suy nghĩ việc cứu nước, ngâm thơ để tỏ lòng mình:
" Múa giáo non sông trải mấy thu.
Ba quân hùng khí nuốt sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ.
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu".
Đến nỗi, lính dẹp đường của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đâm giáo vào đùi mà không biết, vở chèo đã động viên khích lệ lòng yêu quê hương đất nước của những chàng trai mới lớn chúng tôi, vững bước lên đường. Sau này, đơn vị tôi có tăng gia cấy lúa ở quê hương Tướng quân Phạm Ngũ Lão, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, vùng đất Bãi Sậy khi xưa, tôi về tham gia lao động ở đấy, có dịp được đến chiêm bái đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, và tìm hiểu lịch sử văn hóa vùng đất Bãi Sậy khi xưa.
Đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão tại xã Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên
Nhà nhà nôn nao, cả xã xôn xao chuẩn bị tiễn đưa người thân lên đường ra trận. Xắp tới ngày nhập ngũ, những người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự được gọi lên Huyện tập trung. Xã trống dong cờ mở, người thân đưa tiễn rất đông, mấy anh bạn cùng nhập ngũ, đã có người thương đưa tiễn, sụt sùi nước mắt. Chúng tôi ở nhà dân thôn Đồng Tu, xã Khánh Mỹ, Hưng Hà; tôi và Nhật vào lực lượng Công an Vũ trang, tập trung vài hôm rồi được trên cho về thăm nhà, chỉ có vài hôm thôi cũng đủ để tình yêu nẩy nở giữa Nhật và Tơ; cô con gái ông chủ nhà yêu say đắm anh tân binh chưa mặc áo lính, sau Nhật và Tơ nên duyên vợ chồng.
v
Nhập ngũ (ảnh nguồn internet)
Ngày 14 tháng 5 năm 1972, là ngày nhập ngũ, Huyện tổ chức giao quân, số bạn bè cùng xã được bàn giao về các đơn vị khác nhau, bạn bè chia tay nhau trong lưu luyến, bịn rịn. Tôi và Nhật, trong số 20 người ở các xã của huyện Hưng Hà, nhập ngũ vào Lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang, lên xe về thị xã Thái Bình, chúng tôi đóng quân tạm ở nhà dân xã Vũ Lãm, huyện Vũ Thư. Hơn chục ngày sau, Thầy và chú Xíu theo địa chỉ trong thư đến thăm, nhưng tôi đã chuyển đi đơn vị mới huấn luyện tại Hải Phòng. Tôi là con đầu, ra đi nhà trống vắng, mẹ tôi thương con còn thơ dại, thường khóc, bỏ cơm, bỏ cả công việc đồng áng chợ búa, sau mãi mới thôi.
Số nhập ngũ trong xã đợt ấy có gần 40 người, rồi sau cũng rơi rớt nhiều; số người ra đi hy sinh không trở về, có anh Quang ở xóm 6, anh Tuế bạn cùng học... Anh Đinh Danh Nguyệt cùng xóm, hơn tôi vài tuổi, sau huấn luyện đơn vị anh vào thẳng Quảng Bình, thường vượt sông Bến Hải sang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, được gọi là “Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”. Khi phục viên, anh còn mang cả cờ vàng ba sọc về để may quần cho con vì ngày ấy vải rất hiếm; còn bé tôi ngưỡng mộ sự từng trải của anh, thường nghe anh ngâm thơ, kể chuyện.
Cò non (ảnh nguồn internet)
Ra đi! Tôi mới 17 tuổi, nặng 45 cân, cao 1,58 m với đôi mắt húp híp, má phúng phính lông măng, quần cộc chân đất, được sống trong sự thương yêu, chở che đùm bọc của người thân gia đình; chưa từng bước chân ra khỏi huyện. Nhìn lại, đó là khoảng thời gian vô tư nhất, tươi đẹp nhất trong đời, tuổi thơ qua đi không bao giờ trở lại !
Rời xa gia đình, xa quê hương yêu dấu, như chim non rời tổ, rời khoảng vườn quen thuộc; bỡ ngỡ trước chân trời rộng mở, chập choạng bước đi bằng chính đôi chân mình, mỗi bước mỗi gian nan, mỗi bước mỗi cố gắng; vẳng nghe lời ông Nội vận thơ Kiều khi tiễn chân ra đi: “Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”?
Đinh Danh Vùng