À à ... ơ ơi....
Con cò lặn lội bờ sông.
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con.
Để anh trảy hội nước non Cao Bằng.
……..
Đấy là câu ca dao được Mẹ và ông Nội hát ru tôi từ thủa nhỏ, nghe nó cứ buồn buồn, não nuột làm sao? Chính lời ru êm đềm và buồn phiền ấy đã đưa tôi chìm nhanh vào giấc ngủ. Câu ca dao xưa, cứ day dứt trong tôi cho đến tuổi trưởng thành, tôi đã tìm hiểu xuất xứ câu ca dao ấy. Đấy là vào cái thời Lê - Mạc phân tranh, nhà Mạc bị bại trận, đến thỉnh giáo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông khuyên: “Cao Bằng tuy thiểu, khả diên số thế”- Nghĩa là: “Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể dựa vào đó được vài đời”. Nhà Mạc mới đem cả triều đình, thân quyến cùng quân lính, phiêu dạt chạy lên trấn giữ miền biên viễn, núi non hiểm trở Cao Bằng. Những người lính cũng phải lìa bỏ cha mẹ (Cái), vợ con để đi theo Chúa, có đến hàng ngàn hàng vạn người, còn đông hơn cả đi “trẩy hội”. Những người vợ thân phận như con cò, con vạc, than khóc, gánh gạo tiễn đưa chồng ra đi mà không biết có ngày trở về … Mãi về sau, Tướng Đinh Văn Tả mới giúp Vua Lê, Chúa Trịnh thu lại được vùng đất biên viễn Cao Bằng, tránh được sự cát cứ, nhòm ngó của ngoại bang.
Đấy là nói chuyện về ca dao, đã cách đây gần 400 năm, còn thời chống Pháp, vùng đất Cao - Bắc - Lạng là "Thủ đô Gió ngàn" của cuộc Kháng chiến. Về những thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, tôi có chuyến đi công tác dài ngày tuyến Cao - Bắc - Lạng, dọc vòng cung Ngân Sơn, đi qua đường Đông Khê, Thất Khê, vẫn còn thấy đường xá hiểm trở lắm, cứ như đường Sàn Đạo mà Khổng Minh bẩy lần đem quân ra Kỳ Sơn đánh Mạnh Hoạch. Chẳng trách, giặc Pháp ném bao nhiêu quân vào “cái rọ Đông Khê, Thất Khê” trong chiến dịch Biên giới, có vào mà chẳng có ra.
Còn bây giờ đã là Thế kỷ thứ 21 rồi, xe cộ đường xá đi lại thuận tiện lắm, ra xe khách lên giường nằm, nếu thích ngắm cảnh đường xá thì đi xe vào ban ngày, nếu thích ngủ thì đi xe ban đêm. Hãy thử một chuyến lên Cao Bằng xem sao?
Xe chạy như bay trên đường cao tốc, chẳng mấy giờ đã lên đến Đèo Gió, lúc nào cũng có mây, có gió ào ạt thổi; rồi lên thăm TP Cao Bằng.
Lên thăm hang Cốc Bó, thăm mộ Kim Đồng; những thập niên 80 của thế kỷ trước, cũng vào thời gian này, tôi vào công tác đồn Biên phòng Cốc Bó, Đồn vừa mới rà gỡ mìn xong... Khi ấy, hang Cốc Bó bị quân Bành trướng đập phá, mới được tu chỉnh lại. Tôi thấy Khuổi Nậm, mà Bác Hồ gọi là suối Lê Nin, nước suối trong vắt, có những đoạn xếp đá, ngăn ra thành từng ngăn nhỏ, trồng loại rau gì xanh mướt, hỏi người dân mới biết, đấy là rau Cải xoang, rất thích hợp với nước suối và thời tiết giá lạnh, mỗi nhà xếp đá nhận một ngăn, rau vừa ngon, vừa sạch.
Rồi ra viếng mộ Kim Đồng, tôi ngưỡng mộ Anh qua đọc chuyện, qua xem phim từ hồi còn nhỏ; gặp một Lão nông trên đường đi cày về, ông nói: "Nông Văn Dền, nó là bạn thân của tao từ hồi còn nhỏ đấy ". Cốc Bó là Km số 0, là điểm khởi đầu của Dự án tuyến đường Hồ Chí Minh, đường Bắc Nam, chạy vào tận Đất Mũi, Cà Mau.
Rồi đi thăm Cửa Khẩu Trà Lĩnh, Cửa khẩu Tà Nùng, thăm thác Bản Giốc, chiêm bái chùa Phập Tích Trúc Lâm, được Hội Phật giáo Việt Nam vừa khánh thành, Tà Nùng là nơi địa đầu Tổ quốc. Nếu bạn đi lễ Cổng Trời, nên đi vào ngày Mười Tư, hay hôm Rằm âm lịch, chờ đến lúc Giăng lên mới vào lễ, nghe nói, nơi ấy là nơi giao tiếp giữa Trời và Đất, giữa Thần linh và Con người, linh nghiệm lắm, cầu gì được đấy...
Còn rất nhiều nơi ở vùng đất Cao Bằng đáng được đến thăm, nhiều món ngon đặc sản nên biết, như câu ca dao Mẹ đã hát ru…
Cao Bằng gạo trắng nước trong.
Ai lên đến đó chẳng mong đường về!
Mời bạn đi thăm một chuyến Cao Bằng, đi !.
Ảnh đẹp của “Cổng Trời”. Hình vợ và cậu em cùng hai con tôi đi thăm Cao Bằng: Hang Cốc Bó, suối Lê Nin, mộ Kim Đồng, chùa Phật Tích Trúc Lâm, cột mốc Biên giới, thác Bản Giốc, đồn Biên phòng Cửu khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, Cửa khẩu Tà Nùng và Cổng Trời.
Đinh Danh Vùng