Đinh Danh Vùng
Moderator
Cây Nêu ngày Tết (Ảnh nguồn Internet)
Tết Quý Sửu - Năm 1973. Những ngày giáp tết, ngồi trong phòng học, nhìn qua ô cửa sổ, thấy ô tô khách chạy trên đê sông Đáy, đến chùa Thầy, Sài Sơn, để vào thị trấn Quốc Oai, mà lòng lại cồn cào nhớ nhà.
Chúng tôi ăn cái Tết Đầu Tiên Xa Nhà, vui tết trong dân cũng đầm ấm và đầy đủ như chính ở nhà mình. Mọi người mang xuất thực phẩm về góp chung với nhà dân, ăn chung trong mấy ngày tết. Ngày 29, 30 Tết, Bộ đội tham gia vệ sinh đường làng, dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng nhà cửa cùng gia chủ; phụ giúp gia chủ thịt lợn, gói bánh, luộc bánh... thức cùng gia đình đón Giao thừa.
Sáng Mùng một Tết, pháo nổ tưng bừng, mọi người chúc tụng mừng tuổi nhau, Gia chủ lễ trời đất, lễ gia tiên xong, mọi người quây quần bên mâm cỗ Tết, không khí ngày Tết như đang ở chính nhà mình vậy. Ở Hà Tây, người ta làm ra rất nhiều loại bánh để ăn Tết, như bánh chưng tròn, bánh gio, bánh gai, bánh nếp, bánh trôi, chè lam... mà ở Thái Bình quê tôi thường chỉ có bánh chưng.
Bánh Chưng xanh (Ảnh nguồn Internet)
Sau những năm 1973, Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc, Bộ đội không còn sơ tán trong dân nữa, ăn Tết trong doanh trại Nhà trường, cũng thịt lợn, gói bánh, trang trí bàn thờ Tổ quốc...Đêm 30, đơn vị tập trung liên hoan văn nghệ, "Hái hoa dân chủ ",..., thức đón Giao thừa chỉ có bánh kẹo, nước chè, nên mọi người đều đói meo, nhịn đến trưa Mùng một Tết mới có cỗ... Thèm quá một cái tết trong dân, cái tết ngày xưa ở quê nhà.
Đầu xuân năm 1973, lớp chúng tôi chuyển sang Sấu Giá, huyện Hoài Đức, Hà Tây, phòng học sơ tán ngay cạnh cánh đồng, bên ngôi chùa cổ ven đê sông Đáy, cách thị trấn Phùng khoảng 3 cây số. Ra Giêng, đồng lúa vừa cấy xong, cánh đồng rộng mênh mang là nước, những ngọn lúa xuân mới cấy phất phơ. Đêm xuống, tiếng ếch nhái, tiếng rế, tiếng côn trùng kêu rả rích... hoà thành bản đồng ca hoang giã, theo gió đông lạnh lẽo lùa vào phòng, càng thêm nỗi nhớ nhà.
Cánh đồng Xuân (Ảnh nguồn Internet)
Đầu xuân, Thầy tôi lên thăm, Ông đạp xe hơn trăm cây số, từ quê Thái Bình lên Hà Nội, rồi vào nghỉ ở nhà ông bác, sáng hôm sau đạp xe tiếp lên Phùng, theo địa chỉ tìm vào đơn vị, ông gói bánh chưng làm quà, hôm sau lại đạp xe về. Thế mới thấy, tình Phụ - Tử, ít khi nói được ra lời.
Sau, lớp chúng tôi lại chuyển về trung tâm của Trường, đóng tại Quán Trại thôn Hạ Hiệp xã Liên Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Đấy là khoảng đất bãi ven sông Đáy, dân thường gọi là Trại Vải, vì trồng rất nhiều cây vải... Mới nghe như “Trại Vải - Lệ Chi Viên”, là nơi đã sẩy ra vụ án oan khuất cách đây hơn 500 năm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Giữa Trại Vải là ngôi đền cổ, được gọi là Quán, là nơi ở và làm việc của Chính uỷ và Hiệu trưởng nhà trường; các ông đóng bộ đại cán, vải dạ màu "cứt ngựa", tác phong lãnh đạọ chỉ huy oai nghiêm lắm, học viên chúng tôi chưa bao giờ bước chân vào trong Quán. Sau này tìm hiểu tôi mới biết: Quán là một dạng của Đền, gắn với Đạo Giáo (Đạo Lão - Lão Tử), các đạo sĩ tu luyện để trở thành Tiên, để đạt được sự “Trường sinh bất lão”.
Sân đền có hai cây mộc hương già, nở hoa thơm ngào ngạt; phía trước là những cây đa, cây gạo cổ thụ, đến tháng ba, hoa gạo nở đỏ rực như cây nêu, nhìn từ xa đã thấy. Trong vườn Quán trồng bạt ngàn những vải, mít, chuối. Bên ngoài là dậu tre hóa ken dầy. Dưới những tán cây vải, cây mít cổ thụ là những cỗ súng pháo cũ, đủ loại, đủ kích cỡ, của ta, của Tây, của Mĩ; và những dẫy nhà doanh trại khung sắt thưng tre liếp.
Hoa gạo tháng Ba (Ảnh nguồn Internet)
Vào những ca gác đêm, lính tráng thường hái trộm vải, mít, chuối trong vườn dấu đi để ăn. Có bận, tôi mở lắp hộp phụ tùng trên bệ pháo, thấy chuối chín ở đấy, hay trong đống lá khô lại có mùi mít chín. Cũng có lần, chiều về qua gốc mít, thấy mùi mít chín thơm lức, trời tối nhá nhem, vặn trộm dấu vào bụi cây... Nói vậy, kỷ luật Nhà trường Quân đội nghiêm khắc lắm, vải chín lòa xoà trước mặt, mít chín ngay dưới gốc cây; vào ban ngày, đố ai giám đụng tới, hoa màu của Hợp tác xã do các cụ phụ lão quản lý và thu hoạch. Học viên chúng tôi ở trong những dẫy nhà thấp lè tè, khung sắt, mái lợp giấy dầu, xung quanh thưng liếp, hơn ba chục con người ở trong một dẫy nhà ấy, giường cạnh giường, không khí thật oi bức ngột ngạt, nóng hầm hập, có đêm nóng quá không sao ngủ được, phải bỏ ra ngoài hít thở khí trời.
Học viên chúng tôi thường tự cắt tóc cho nhau, tôi nhờ anh bạn cắt tóc giúp, anh khác nhìn thấy chê xấu, nhận sửa lại, đầu tóc càng thêm nham nhở, sau đến bốn anh mới cắt sửa xong cái tóc, thành ra đầu trọc. Đã thế, mấy anh còn mang súng ngắn K54 của tổ Kiểm soát Quân sự vừa đi làm nhiệm vụ về, ra nghịch lên cò. Tôi đang ngồi cắt tóc nhìn thấy, liền bóp cò, đúng như bài huấn luyện tân binh, “súng đã lên cò phải bóp chết, không để lâu sẽ bị liệt lò xo”, súng nổ đánh đùng, đạn cày ngay trước mặt, may không ai bị sao, cả nhóm bị kỷ luật, tôi nặng nhất, thất vọng và đau khổ. Hôm sau, đứng trước hàng quân, tôi giơ cái đầu trọc lốc, nhận cái “án cảnh cáo”, làm bọn lính gái phải phì cười. Đấy, “Sinh nghề, Tử nghiệp”, tuyệt đối an toàn, "không sai lầm lần 1", nghĩa là: Chỉ sai 1 lần là đã chết rồi, không có để mắc sai lầm lần 2 nữa.
Đình làng Hạ Hiệp (di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia), xã Liên Hiệp - Trường tôi sơ tán (Ảnh nguồn Internet)
Sông Đáy, nước cạn đến tận đáy, mùa đông vén quần lội qua, Trường học trên bãi sông Đáy, cạnh những bãi mía, ruộng ngô, nương dâu ... Chiều cơm xong, chúng tôi thường rủ nhau đi dạo trên những con đường trồng phi lao thẳng tắp, thư giãn ngắm cảnh ven sông, đến khi mặt trời lặn khỏi dẫy Tản Viên Sơn mới rủ nhau về. Có lần, còn rủ nhau lấy trộm mía của hợp tác xã, nếu chặt bẻ cây sẽ có tiếng kêu, chúng tôi thường lấy dao nhíp, tiễn ngọn mía kéo xuống trồng lại gốc, rồi tiện gốc lấy cây mía ra.
Những kỉ niệm “Tết Đầu Tiên Xa Nhà”, kỉ niệm về một thời Trai trẻ, một thời Lính tráng, nghịch như Quỷ sứ, nhưng chưa "Vướng bụi trần", có thể nào quên... tài sản chỉ gói gọn trong chiếc ba lô… Đời Lính Thật Vô Tư - thật Vô Sản.
Hà Nội, Xuân Kỉ Sửu - 2017
Đinh Danh Vùng