Hoài Niệm Về Pháo Tết

thuyet-minh-banh-chung-ngay-tet-co-truyen-hay-tuyen-chon1.jpg
Tranh pháo không tiền con cấu bố.
Bánh chưng không gạo vợ lườm chồng…”.
Đấy là câu đối tết ngày xưa của những gia đình nghèo khó, nhà không có tranh treo ngày tết, không có tiếng pháo nổ đì đùng, con trẻ ỉu xìu; người lớn không có gạo để gói đồng bánh chưng tết bố mẹ, buồn thiu. Nhưng bây giờ đã khác xa ngày xửa ngày xưa rồi; trong ba ngày tết nhà nào cũng có tranh treo tết, thịt lợn, bánh chưng treo trong nhà, chỉ còn thiếu tiếng pháo nổ đì đùng ngày tết thôi, nhưng được Nhà nước thay bằng bắn pháo hoa ở các thành phố lớn.

Tôi còn nhớ mãi, khi còn bé tí thường được ông Nội cho đi theo lễ chạp và chúc tết nhà ông Bác trưởng chi họ, Bác đang công tác ở Hà Nội nhưng thường về quê ăn tết, ông Nội mặc bộ quần áo nâu sồng, đẹp lão như tiên ông, cháu nhỏ như nhi đồng bưng lễ theo sau, một già một trẻ, hai người đến xông nhà và chúc tết gia đình ông bác. Thấy chúng tôi vừa bước vào ngõ, Bác đã ra đốt tràng pháo tép buộc sẵn trên cây mận đang nở hoa trắng xóa trước cửa nhà để đón chào, xác pháo và những cánh hoa mận rơi lả tả phủ đầy gốc cây... Rồi mọi người chúc tụng nhau một năm mới tốt lành. Ông Nội lễ gia tiên xong, Bác bưng xuống mâm cỗ với những món ngon lạ mà ở quê không có. Ông Nội cùng Bác nâng chén rượu xuân nhâm nhi đàm đạo về việc nhà, việc họ… Sương ban mai dăng dăng ngoài vườn ngõ, sắc khí mùa xuân như ùa vào nhà, hình ảnh đấy giờ chỉ còn trong tâm tưởng.
-6AvdsEYZLmVJh-EHNs52dW_4utvqxezdaQqWfALj2V35XO_rsF7aC7QgMyFC1b8oQ2KAiRP_IwEj6rruwdv-nR2gT03bmVdi3EBozikGsc1wfZ49BnvglU6fxyaSpaPjuY_xBIs
Hình ảnh đốt pháo ngày Tết

Còn về chuyện làm pháo nổ. Thuốc làm pháo ngày xưa hiếm lắm, người ta phải vào tận hang núi sâu, tìm đào lấy phân con dơi, rồi về phân chế ra diêm tiêu, sau phối hợp với lưu huỳnh, than gỗ theo tỉ lệ nhất định, ba thứ ấy được nghiền mịn, rồi trộn đều với nhau đem nhồi vào pháo, giới kỹ thuật quân sự gọi là “thuốc phóng đen”, thuốc súng, vì thuốc có màu đen, khi cháy tỏa ra nhiều khói đen.... Thuốc pháo được biết đến cách đây hơn hai ngàn năm, từ thời Tam Quốc, Khổng Minh đã từng làm địa lôi để đốt quân Mạnh Hoạch (nghe nói là tổ tiên của người Thái ngày nay) trong hang núi ở Kỳ Sơn, diệt không còn một mống, Khổng Minh than rằng: "Ta bị tổn thọ từ đây "!

Sau này, người ta phát minh ra nhiều loại thuốc nổ khác nhau, mạnh gấp đến nghìn, vạn lần thuốc pháo, được sử dụng trong kinh tế như đào đắp đập, khai khoáng.., trong chiến tranh, như đánh đặc công, chỉ cần một nắm nhỏ thuốc nổ dẻo, đắp vào thân máy bay với kíp hẹn giờ, đã phá hủy được mục tiêu rồi. Thậm chí, sức nổ của bom kinh khí, còn hủy diệt cả thành phố lớn, cả đất nước... Vì thế, thuốc làm pháo và kĩ thuật làm pháo cũng tân tiến hơn ngày xưa, pháo nổ đều, to và đanh hơn...

Uo_lJihKTlzInYJAGfgPIWax4t1M0pGYUGBMOI6ucaKROwJe9GrlfKUewpkg9XqYkTibIuMamlwQ3W6zEczuD39b0aNOLLtokYdyt2OvreVvtjM6Rei76LaTE4rk7PmArOZKc3ZL
Gà mẹ gà con - Tranh dân gian Đông Hồ

Ngày còn nhỏ, tôi cũng tự làm pháo để đốt, còn thừa mang ra chợ bán, pháo của ai nổ to, nổ đều 100 %, không bị “thụt lõ “ được mọi người tranh nhau mua… “Pháo đùng” thì quấn to hơn ngón tay, ngón chân; “Pháo tép” thì nhỏ như con tép, bằng cái cộng rạ, cọng rơm, rồi đem tết lại thành bánh; vì vậy, Quốc doanh cũng có xí nghiệp làm pháo bánh, pháo bánh được cho vào túi hàng tết, bán phân phối cho mọi nhà.

Việc đốt pháo trong ngày tết, ngày cưới, tân gia nhà mới, mừng thọ... là một tập tục mừng vui lâu đời không biết có từ bao giờ, nếu đốt pháo lành mạnh thì rất vui, nhưng thanh niên thường hay chơi trội, nhồi thuốc pháo vào những ống thép to bằng cái điếu cày, gọi là “ống lệnh” để đốt, nổ rung cả nhà cửa, có lẽ “ống lệnh” đã có từ rất xa xưa, làm hiệu lệnh cho việc tiến quân.

Khi kinh tế phát triển, những nhà giầu có lại thích chơi ngông, họ buộc những tràng pháo to đùng từ trên tầng ba, tầng bốn xuống tận dưới sân mà đốt, thanh niên đốt pháo lớn rồi ném ra đường phố gây tai nạn… Ở thôn quê, họ dùng thuốc nổ gói thành bộc phá để đánh, khi nổ rung chuyển rạn lứt cả nhà cửa, chó mèo chạy mất sạch, ảnh hưởng đến sinh mạng, an ninh và an toàn của xã hội, tốn kém công sức tiền của. Thành thử việc đốt pháo là việc vui mừng, lại trở thành hiểm họa. Nên việc cấm đốt pháo cũng từ đấy mà ra.

Từ ngày mới cấm đốt pháo, những người như thế hệ chúng tôi, Tết đến thấy như thiếu hụt trống trải, nhơ nhớ, tiêng tiếc, thiếu đi một cái gì không rõ… Tiếng pháo nổ đì đùng, đì đùng... tiếng xa, tiếng gần nghe rộn rã., những xác pháo hồng như những cánh hoa hồng, hoa đào bay bay khắp nơi, mùi thuốc pháo khen khét lan tỏa trong những ngày tết, trong những ngày lễ cưới làm ta lưu luyến nhớ đến nao lòng, làm cho bao thi sĩ cảm hứng, động lòng viết nên những vần thơ tình lãng mạnh... Sau này, không nghe thấy tiếng pháo nổ ngày tết nữa, rồi cũng quen dần.
GaVinhHoaDongHo.jpg
Vinh hoa Phú quý - Tranh dân gian Đông Hồ

Còn thế hệ các con cháu, chúng không biết tí gì về pháo, không có những kỉ niệm gì về pháo nữa, tiếng pháo nổ lại như có chiến tranh, khéo chúng còn thấy sợ nữa...
(ảnh nguồn internet)

Hà Nội, Tết Đinh Dậu - 2017
Đinh Danh Vùng
 
Top