Mâm cỗ - Hình ảnh internet.
Sau lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập họ Đinh Kiên- Tiến, gần 40 mâm cơm được bày la liệt ở ngoài sân, trong nhà chỉ đặt có bốn mâm cơm khách. Ngồi vào mâm tiếp phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Ngọc Hiện có tôi,cụ Mạc, cụ Lạc, anh Thắng và cụ Toàn. Bây giờ xã nào cũng có cánh thợ nhận đặt hàng chuyên làm cỗ cho đình, đám rất tiện lợi. Nhìn mâm cơm đầy ắp thức ăn, đủ các món giò, nem, linh, chả, cá, tôm, mấy món sào rau quả, không dùng mâm, phải đặt ra bàn mới chứa hết, anh Hiện hỏi cụ Lạc:
Mâm cỗ này là bao nhiêu đây ?
Cụ Lạc nhanh miệng:
Có 400 ngàn, không kể uống.
Anh Hiện quá ngạc nhiên.
Ở Hà Nội mâm này phải trên dưới hai triệu đấy
Thấy vui chuyện tôi góp lời:
Hà Nội cái gì mà chả đắt, nhưng có cái lại rẻ hơn quê ta đấy các cụ ạ.
Cụ Toàn hiểu chưa ra hỏi luôn,
Ở quê có cái gì mà đắt hơn Hà Nội được ?
Tôi nói
Đó là đất làng nghề quê ta đắt gấp hai lần Hà Nội đấy cụ ạ ! 70 triệu đồng một mét vuông , đất mặt tiền khu trung tâm xã không có đất mà mua, vậy mà cụ Mạc xin tiến cúng 300 mét vuông để ta xây nhà tưởng niệm thờ vua Đinh mà không ngạc nhiên à.
Mọi người cười tươi, nâng cốc chúc mừng lòng hảo tâm của cụ Mạc,câu chuyện lại chuyển sang đề tài về lịch sử. Cụ Toàn sau khi nhâm nhi ly rượu mở đầu bằng câu chuyện “Tấm bia mặt nguyệt” .
Nhân tiện cụ Lạc chỉ đạo làm khảo sát lịch sử dòng họ, tôi mới rở gia phả các cụ để lại có viết. Đức tổ Đô Trí dòng họ tôi trước đây làm trong quân đội với chức Đô úy, khi cáo lão về quê nhà vua ban cho chiếc thẻ bài,đi đâu, làm gì cũng được trọng dụng. Khi về đất Kiên Lao, thời gian đó các Cha đang tổ chức truyền giáo khắp vùng, cụ Đô Trí cùng đi theo và từ đó cụ và gia đình bắt đầu tòng giáo. Ngôi mộ tổ dòng họ chúng tôi trước đây các cụ đi lương, nên khi mất có tạc bia đá trên có hoa văn” Lưỡng long chầu nguyệt” tấm bia to lắm một chiều 50 cm, một chiều 60cm,trên đề ba chữ: Đinh Tổ Tộc”, chôn ở phía Đông cầu Đá, gốc táo hậu đồng. Về mặt phong thủy đây là đẹp nhất. Cụ Đô Trí sau khi tòng giáo nói với mọi người trong họ nếu không tạc hình Thánh giá dưới hình “Lưỡng long chầu nguyệt” là cụ sẽ di mộ tổ về phía sau, mọi người sợ phải chuyển mộ, mất hướng đẹp , con cháu đang làm ra ăn lên, nên nhất trí thuê thợ trạm hình thánh giá dưới mặt nguyệt, nguyên nhân là thế.Năm 1998, ông Soạn trưởng tộc tổ chức xây vây quanh lăng, dùng đòng thuốn thăm dò trong lăng thấy ở giữa và xung quanh chỗ nào cũng chạm, khi đào lên thì ở giữa có cỗ đại quan rất to bằng gỗ ngọc am, sơn son thiếp vàng, xung quanh là 23 ngôi tiểu trong quan ngoài quách nằm sát nhau.
Thấy nói đến chuyện bia, mộ,ông Ái là người được xã cử làm quản lý khu di tịch lịch sử đền- chùa Kiên- Lao, ngồi mâm bên , nhấc chén sang mâm chúng tôi, tay rót rượu cho cả mâm và cho mình rồi lên tiếng:
Rất vinh dự cho tôi được Ban Liên lạc mời tới dự, nhân có anh Hiện về tôi xin cụng chén chúc các cụ và anh Hiện mạnh khỏe ! Mọi người đều hưởng ứng uống cạn chén rượu, sau khi hạ chiếc chén xuống mâm ông Ái nói tiếp:
Nhân tiện cụ Toàn nói về chiếc bia tôi cũng xin thưa là ở xã ta hồi thập niên 70, anh Hiện đi bộ đội, ở nhà tỉnh,huyện phát động phong trào: “ Hợp tác hóa, đi đôi với Thủy lợi hóa”,xã chỉ đạo đào con sông sau đền, khi phá ba gian hậu cung, đội chuyên thủy lợi của hợp tác đào dưới nền thấy 3 chiếc hũ cổ, to, có lắp đậy, khi mở ra toàn thấy giây tờ viết bằng chữ nho, mấy ông cán bộ xã còn ít tuổi đâu có biết chữ nho nên sai người đem đốt sạch.
Anh Hiện tỏ vẻ tiếc nuối:
Thế ba chiếc hũ bây giờ còn không ?
Cụ Mạc tiếp lời:
Làm gì còn, hàng chục tấm bia đá ở đình,đền đến văn chỉ đem bác cầu bến, ngay tấm bia bằng đồng ở chi nặng hàng tạ, các ông ấy cũng đem nấu, đúc thành hàng chục chiếc mâm chia cho các phái, bây giờ nói đến mọi người trong họ mới thấy quá tiếc.
Ông Ái chen lời
Tôi là người họ khác không phải họ Đinh, nhưng nói đến bia, tôi nghe tin cụ Hàn Thành nhà các cụ, ủng hộ tiền làm một trụ cầu Long Biên, chính tôi đã chở thuyền ra tận nơi, nhìn trụ cầu bên phía Hữu ngạn có khắc tấm bia khắc ở trụ cầu đề chữ Đinh Hàn Thành thật…
Nói đến cụ Hàn Thành là tôi nhớ tới dòng họ Đinh Đức Tuyên, đây chính là dòng họ, quan tước từ thời phong kiến đến Xã hội Chủ nghĩa. Như mọi ngươi đều biết đó là dòng họ sinh ra đồng chí Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Ngọc Hiện, rồi cụ Đốc học tỉnh Nam Định là Đinh Khắc Anh được bầu vào Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam-Dân chủ-Cộng hòa (1946)… Theo gia phả của ông Đinh Xuân Thường trưởng tộc xóm 10 còn lưu giữ được. Đức tổ Đinh Đức Tuyên sinh năm 1600, mất năm 1650. Tại từ đường ngành thứ Đinh Ba Thao xóm 12 còn tấm bia đá ghi:
“ Đức Thủy tổ Tuyên Công khởi hệ kế dĩ thao lược Quận công đại lăng kỳ tộc”.
Trong ngôi từ đường có câu đối ghi:
“ Lê triều quan tước thiên niên tại.
Đinh tộc tử tôn vạn đại vinh”.
Được phong tước: “ Lê phong Sư Nội hầu lực sỹ, đôi tả đạo sỹ xuất hầu thiên hộ chức gia phong thao lược Quận công tạc điêu tiền, thăng vệ đô Thái úy, tả đô sứ thứ uy viễn Tướng công”
Như vậy đức tổ Đinh Đức Tuyên là Tướng công thời hậu Lê ( 1528-1802) vì cụ sinh năm 1600 mất năm 1650 với tước được phong là Quận công, một câu đối trong cung ghi:
“ Cửu thế đáo kim thưởng phát quý
Tái truyền tự tích dĩ phong công”
Dòng họ Đinh Đức Tuyên sinh ra ba ngành:
- Ngành trưởng thờ đức tổ Đinh Phúc Bảo
- Ngành thứ thờ đức tổ Đinh Ba Thao.
- Ngành thứ ba thờ đức tổ Đinh Tính Không.
Ba ngành này đến nay mới có từ 10 đến 12 đời,( tính trung bình từ 20-25 năm một đời) như vậy đức tổ Đinh Đức Tuyên không phải sinh trực tiếp ra ba ông trưởng ngành vì đức tổ Đinh Đức Tuyên ở thời Lê, còn ba ngành này ở thời Nguyễn cách nhau 7-8 đời,( phả hệ chưa kết nối được).
Ở ngành thứ, đức tổ Đinh Ba Thao, ngành của đồng chí Đinh Thế Huynh có những nhân vật nổi tiếng như: Cụ Đinh Khắc Chu,cụ Đinh Khắc Chu còn có tên Thụy là Hùng Quả, thường gọi là cụ Lệnh Chu ( Lệnh là chức quan thời xưa) thời vua Tự Đức có truy phong đạo sắc:
“ Dực Bảo Trung hưng thượng đẳng thần”.
Cụ có công đi dẹp giặc vùng Móng Cái ( Quảng Ninh), khi vi hành về quê cụ phát hiện vùng ven biển Giao Thủy đất bồi phì nhiêu rất rộng,cụ xin nhà vua cho về khai hoang lấn biển, sử sách ghi lại vào năm 1844-1883, được 330 mẫu. Con trai út của cụ là Đinh Khắc Thành, thường gọi là Hàn Thành ( Hàn là Hàn sỹ, thường làm ở Hàn Lâm Viện của triều đình với các chức Hồng Lô Tự Khanh, Hồng Lô Tự Thiếu Khanh chuyên soạn các văn bản, hoặc dậy học Thái tử hay các con quan trong triều). Cụ Hàn Thành cùng cụ Nguyễn Duy Hàm còn có tên là Hàm Yên, người làng Hành Thiện chung vốn huy động các dòng họ trong vùng tiếp tục quai đê mở rộng diện tích được 1.100 mẫu vào năm Thành Thái Quý Tỵ 1893, đặt tên mảnh đất khai hoang là Kiên Hành ( Kiên là làng Kiên Lao, Hành là tên làng Hành Thiện) làng Kiên Hành nay là xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.Các cụ xây ngôi đền làng to nhất vùng Quất Hải,nơi đây thờ đức Nam Hải Đại vương và phối thờ Cụ Lệnh Chu, cụ Hàn Thành, cụ Hàm Yên và 13 dòng họ đến đây quai đê lấn biển lập làng. Trong kháng chiến chống Pháp ngôi đền là nơi cất dấu vũ khí, nơi tuyển quân, là trường học của huyện miền nam tỉnh, đình, đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa,
Bữa cơm thân mật, ăn ít chúc rượu nhau thì nhiều, cứ mỗi lần cụm chén lại thêm một chi tiết lịch sử quê hương, ông Đinh Văn Tiên một trong bốn họ giáo Kiên- Tiến với giọng nói to, khỏe:
Các cụ không biết có còn nhớ không ? Nhà thờ Xuân- Tiến chúng tôi, ai vào lễ cũng nhìn thấy cột lim to một người quàng không hết, bộ vì kèo thứ nhất là của cụ Hàn Thành tiến cúng đấy, cả cái cầu đá của làng đều có khắc tên cụ ủng hộ cả..
Cụ Mạc năm nay đã 87 tuổi cũng tham gia vào câu chuyện cụ Hàn Thành.
Cụ Hàn Thành có câu chuyện còn truyền tụng đến tận ngày nay, làng Kiên Lao ta có nghĩa địa rộng đến hàng 2-3 mẫu đất, nơi đây là nơi hỗn chiến giữa nghĩa quân Phan Bá Vành ( 1826) và lính triều đình, hai bên đánh nhau lính chết đến hàng nghìn. Nơi đây cũng là nơi chôn cất tổ tiên của người dân Kiên Lao, cứ đến ngày giỗ, tết là cụ Hàn Thành ra thắp hương, thấy trâu bò uế tạp trên lăng, khi về cụ bàn với Hội đồng hương chính và tộc biểu là cấm mọi người để trâu bò phóng uế bừa bãi,nếu bắt được là giết thịt, ghi trong hương ước của làng cho mõ rao khắp xóm. Để lệ làng được chấp hành nghiêm, ban đêm cụ sai gia thân mua ba con trâu ở nơi khác bí mật thả vào bãi tha ma, rồi cho người báo cho Hội Đồng Hương chính biết. Lính tuần nhận được tin có trâu không biết của ai, rủ nhau ra bắt ba con trâu đem về giết thịt chia cho dân làng ăn, từ đó không còn ai chăn, thả tự do làm mất vệ sinh nơi tôn nghiêm.
Cụ Lạc chủ trì trong đợt khảo sát lịch sử thì tâm đắc:
Các ông chưa biết đâu ở xóm 15 do ông Đinh Thanh Thỏa làm trưởng tộc hiện đang ở Nha Trang không về được, hôm nay có anh hùng Đinh Quốc Phòng thay mặt, chi họ này còn lưu giữ được gia phả chữ Hán và 4 đạo sắc phong và bức trướng tôi đọc được đó là:
-Bức trướng cụ Đinh Công Mạnh, con cụ Hùng làm phó tướng cho Nguyễn Hoàng.
- Sắc vua phong cho tổ cô Đinh Tiều Hoa Cảnh được Lý Phật Tử phong sắc là Chúc Tiễu thờ Ngài ở Vân Long, Hoa Lư, Ninh Bình.
-Sắc vua phong cụ Đinh Công Bình con cụ Mỹ vi hiệu tam sắc vua phong Bách hộ Đinh công Thụy viết Bình tướng Phủ quân.
-Sắc đức tổ Mãnh tướng vi hiệu đệ tam hoàng, tử đô đốc quận công Đinh Bá Lan, hiệu đại vương tôn thần ( con cụ tổ Phúc)
-Sắc phong cụ Đinh công húy Tam, đời vua Tự Đức 1848-1883, hiện nay từ đường của họ còn lưu giữ chiếc hộp bằng gỗ đóng kín trông như “ Bài vị tổ” chưa ai giám mở ra…
Các câu chuyện cứ thế nối tiếp nhau, thức ăn, đồ uống đã can, ngoài trời đổ cơn mưa tầm tã suổt 3 tiếng đồng hồ,tiếng mưa rơi không làm át được tiếng cười nói của 200 con người trong ngày họp mặt. Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, kết thúc với nụ cười lưu luyến chia tay, rồi tỏa ra về sau cơn mưa đã tạnh.
.
đ/c Đinh Thế Huynh Uỷ viên BCT Thường trực Ban bí thư TW Đảng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định thắp hương tại đình Kiên- Hành xa Giao Hải, Giao Thuỷ, Nam Định.
.
đ/c Đinh Thế Huynh, ghi vào sổ vàng truyền thống Đình Kiên Hành - ảnh Đinh Văn Sáu.
Ghi chép tại lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập
Ban liên lạc họ Đinh Kiên Tiến 19/5/2017
Đinh Văn Sáu