Mây trắng xứ Đoài (ảnh mạng)
Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở phía tây thành Thăng Long, nên được gọi là Xứ Đoài; vùng đất này có nền văn hóa đặc sắc, có rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa, nhiều làng nghề truyền thống độc đáo; ngày nay, Xứ Đoài rộng lớn là ngoại thành Hà Nội. Tôi đã từng sống và học nhiều năm tại đây, và đã có nhiều dịp đi thăm quan các danh thắng, chiêm bái các di tích lịch sử văn hóa. Nay Khu dân phố tổ chức thăm quan một số danh thắng, tôi lại đi tiếp nhưng vẫn thấy mới lạ và cuốn hút.
Thăm quan Khu di tích lịch sử văn hóa K9 - Đá Chông:
Đá Chông (ảnh mạng)
Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích lịch sử Đá Chông, còn gọi là K9, trải rộng trên cả cánh rừng già với những cây rừng cổ thụ to đến vài người ôm, cùng với đầm nước rộng. Đá Chông nằm trên sườn đồi cao, thế núi nhô ra dòng sông Đà, ở phần nhô ấy có những mỏm đá nhô cao lên khỏi mặt đất như những cái chông chĩa lên trời, nên người ta gọi là Đá Chông, ở đây có ba mỏm đá mọc nhô lên cao, chụm cạnh nhau như ba đỉnh của núi Ba Vì, như những chiếc răng lanh của rồng. Theo thế phong thủy nơi ấy là trán của Rồng, đầu Rồng cuộn mình vục xuống uống nước dòng sông Đà đang cuồn cuộn chảy; là nơi tích tụ linh khí của nước Nam, nay được đặt thêm ban thờ Sơn thần Thổ thần.
Bác Hồ thăm Sư đoàn bộ đội nghỉ trưa tại khu Đá Chông tháng 5 / 1957 (ảnh mạng)
Năm 1957 Bác Hồ đi thăm một Sư đoàn bộ đội qua đây, Bác thấy phong cảnh hữu tình, địa thế hiểm trở, núi non linh thiêng, thuận lợi cho việc quân: “Về Thủ đô nhanh, lên Tây bắc thuận tiện, lại giữ gìn được bí mật tuyệt đối”. Năm 1960, Bác đi khảo sát lại và cho xây dựng căn cứ bí mật của Trung ương; ngôi nhà ở và làm việc của Bác nhìn chính giữa ba mỏm Đá Chông. Những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Bác đã ở và làm việc, tiếp khách quan trọng tại đây, bí mật đến mức dân quanh vùng chỉ biết có một đơn vị bộ đội đóng quân.
Khi Bác mất, nơi đây cũng là nơi giữ gìn bảo quản thi hài Bác, vì vậy mới có biệt danh K9; các di tích chính gồm:
Cụm Đá Chông tự nhiên, bên cạnh là Ban thờ Sơn thần Thổ thần lộ thiên; phía dưới là vực sâu của dòng sông Đà nước đang cuồn cuộn chảy. Đền thờ Bác Hồ. Nhà ở và làm việc của Bác theo kiểu nhà sàn đồng bào miền núi. Nhà và hầm ngầm đã dìn giữ bảo quản thi hài Bác. Nhà để các loại xe đã từng phục vụ Bác… Cùng nhiều công trình phụ trợ khác cho khách tham quan…
Khu di tích lịch sử văn hóa Đá Chông - K9, do Bộ tư lệnh Lăng quản lý, du khách nước ngoài chưa được thăm. Trưa đoàn ăn cơm tại K9, thực phẩm ngon sạch tại địa phương, các món thịt béo ngậy thường có vị chua của lá sấu non ăn kèm, thật thú vị.
Cổng làng Mông Phụ - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Buổi chiều thăm làng cổ Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm xưa gồm 9 làng: Làng Mông Phụ, làng Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm... Có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia. Các làng liền kề nối tiếp nhau, gắn kết và thống nhất với nhau về văn hóa như phong tục, tập quán, tín ngưỡng vẫn giữ được qua hàng ngàn năm, làng cổ Đường Lâm là Di sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia, vẫn giữ gìn được cảnh quan kiến trúc truyền thống làng quê Bắc Bộ, các đoàn làm phim thường về đây quay cảnh phim trường... Đoàn chúng tôi đi thăm quan một số di tích tiêu biểu sau:
Chiêm bái danh thắng Chùa Mía:
Chùa Mía- Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Chùa Mía ở thôn Đông Sàng, chùa Mía nhỏ đã có từ xa xưa, năm 1632 bà Ngô Thị Ngọc Diệu là Phi tần của Chúa Trịnh Tráng, quê ở tổng Mía nên người dân yêu mến gọi là “Bà Chúa Mía”, Bà đã công đức xây dựng lại chùa to đẹp như hiện nay. Chùa Mía là quần thể kiến trúc cổ với những pho tượng Phật đẹp tuyệt đẹp. ngoài sân chùa có cây đa cổ thụ cũng to đẹp hiếm thấy.
Chiêm bái đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng:
Đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (ảnh mạng)
Đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đối diện với Chùa Mía, ông quê ở làng Đường Lâm, có sức khỏe hơn người, đã từng đánh đuổi hổ về quấy nhiễu dân làng; ông đã đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống ách đô hộ phương Bắc, nhân dân tôn thờ ông như Bố Mẹ, nên còn gọi là Bố Cái Đại Vương. Làng Đường Lâm cũng là quê hương của Vua Ngô Quyền nên cũng được gọi là Đất hai Vua.Chiêm bái đền thờ đền Bà Chúa Mía:
Đền bà Chú Mía - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Đền bà Chúa Mía ở giữa làng, thờ bà Ngô Thị Ngọc Diệu, Phi tần của Chúa Trịnh Tráng, quê ở tổng Mía nên người dân yêu mến gọi là “Bà Chúa Mía”; dân làng nhớ ơn bà đã công đức xây dựng chùa, xây dựng làng xã nên lập đền thờ bà, còn gọi là đền Thánh Mẫu.
Làng Đường Lâm (ảnh mạng)
Cả làng Đường Lâm là Di sản lịch sử văn hoa cấp quốc gia, nên nhà cửa, đường làng, ngõ xóm vẫn giữ được nét đẹp cổ thuần làng quê Việt, nhà gỗ mái ngói, tường xây đá ong, sân vườn với những chum tương vại cà… và có nhiều cây hoa, cây cổ thụ. Đoàn vào thăm ngôi nhà cổ của người dân bên cạnh đền bà Chúa Mía; ông lão gia chủ tuổi ngoại 70, mời khách uống nước vối, giới thiệu về lịch sử ngôi nhà cổ gỗ lim 5 gian, tường xây đá ong, có cách đây gần 300 năm, cùng nhiều hiện vật cổ đã dùng qua nhiều đời.
ảnh mạng
Điều đáng lưu ý là việc thờ cúng gia tiên ở gian giữa, xắp xếp theo 4 tầng được dìn giữ được từ rất xa xưa cho tới ngày nay: Tầng trong cùng là “ Khán thờ” có bài vị và các di ảnh của tiền nhân; tầng thứ 2 là “Giường thờ ” như cái sập cao để bầy đồ cúng như mâm bồng …, tầng thứ 3 là “Ban thờ”cao hơn tầng thứ 2 bầy bát hương, lộc bình …, tầng thứ 4 là “Sập thờ”, sập gỗ cổ, gia đình không được sinh hoạt ở đấy, chỉ được bầy cỗ cúng; những ngày lễ trọng như ngày giỗ tết.. buổi sáng dâng cúng nước chè … Ngôi nhà được chuyên gia Nhật hạ giải sửa chữa, nhưng vẫn giữ nguyên trạng, Nhà nước chu cấp kinh phí. Đến nay, mỗi tháng gia đình được cấp 200.000đ gọi là tiền chè nước tiếp khách, các đoàn đến thăm đều có bồi dưỡng thêm tiền.
Chiêm bái đình Mông Phụ:
Đình Mông Phụ - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Đình ở làng Mông Phụ thờ Thành hoàng là Đức Thánh Tản Viên, một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử” của người Việt, đình là to đẹp cổ kính tiêu biểu cho đình làng Bắc Bộ. Khi đoàn vào sân đình, có ông lão quần áo nâu chống gậy trúc ngồi trong nhà tả vu, bên chiếc khánh đồng, bên kia nhà hữu vu treo chiếc khánh đá, ông lão kể về sự tích chiếc khánh đá có từ thời kỳ đồ đá, khi con người còn sống trong hang,… rồi từ đá phát minh ra lửa, ra kim loại, mới đúc ra chiếc khánh đồng này, mọi người lơ đãng nghe ông lão kể chuyện … cuối câu chuyện, ông lão xin tiền công kể chuyện; âu cũng là cách người dân nghèo “ăn theo” du lịch.
Chiêm bái đền và lăng Ngô Quyền:
Lăng mộ Vua Ngô Quyền - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Đền thờ Vua Ngô Quyền - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Dạng ruối cổ thụ ngàn năm - Tương truyền xưa Vua Ngô Quyền buộc ngựa(ảnh mạng)
Lăng và đền thờ Vua Ngô Quyền ở vị trí đẹp, nhìn ra con suối và quả đồ ở phía trước. Lăng mộ có vườn cây cổ thụ đang ra hoa rất đẹp, nhìn như những cây hoa trà lớn, người ta bảo đấy là cây hoa sở; xa xa bên phải là dặng ruối cổ thụ, được vinh danh là cây Di sản, tương truyền là nơi Ngô Vương buộc ngựa.
Chiêm bái Đền Và:
Đền Và - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ảnh mạng)
Chiều, trên đường về đoàn thăm Đền Và thờ đức Thánh Tản Viên, cách thị xã Sơn Tây 2 km, đền Và nằm trên quả đồi rộng với rừng cây lim cổ thụ, quanh năm xanh tốt. Đức Thánh Tản Viên đứng đầu trong bốn vị thánh “Tứ Bất tử” của người Việt, trong hậu cung đền thờ Đức Quốc Mẫu, mẹ của Thánh Tản Viên là bà Đinh Thị Điên, dân kiêng tên húy của bà gọi chệch đi là "Bà Đen", phong cảnh đền Và đẹp, linh thiêng. Mùa đông thường có tuyết rơi trên đỉnh Ba Vì - Xứ Đoài (ảnh mạng)
Trên đường về, xe chạy bon bon, bóng chiều úa vàng ngả trên những cánh đồng, tôi mơ màng tư lự nhớ về miền đất Xứ Đoài mây trắng, nhớ về miền đất Sơn Tây tươi đẹp và hào hùng, đã lưu giữ bao kỉ niệm về một thời trai trẻ... nay là ngoại ô Hà Nội mà cứ ngỡ ở vùng đất xa xăm mãi tận chốn nào ? Tôi lại nhớ đến bài thơ “Mắt Người Sơn Tây” của Nhà thơ Quang Dũng, bâng khuâng để trải lòng mình.
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
…..
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
…..
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
…..
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
Đinh Danh Vùng