Người Họ Đinh Xa Xưa Nhất Trong Lịch Sử Dân Tộc

Dong 1.jpg
Đình làng Doãn Thượng

Đình cổ làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi thờ ba cha con của Tướng quân Đinh Công Bách; con trai là: Đinh Linh Quang và con gái là Đinh Bảo Ngọc. Cả ba cha con đều là tướng lĩnh kiệt xuất của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18).
Đình làng Doãn Thượng được làm từ năm nào không rõ. Nhưng theo thần tích, thần phả và tấm bia đá dựng trong đình thì ngôi đình được trùng tu tôn tạo đời Vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức nguyên niên 1470 (Hồng Đức 1470 - 1497). Đình thờ ba cha con tướng quân Đinh Công Bách.

Đinh Công Bách là Lạc tướng kiệt xuất của Hùng Duệ Vương (408 - 258 TCN). Ông quê ở trang Ngô Đồng, huyện Bất Bạt. Vợ ông là Trương Thị Nhật, người làng Doãn Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc (có lẽ là tên địa phương sau này, không phải tên có từ thời Hùng Vương), nay là làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh...

Những năm cuối đời Hùng Duệ Vương, Thục Phán là vua nước Nam Cương của người Âu Việt, liên tục cho quân sang xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang của người Lạc Việt nhưng đều bị thất bại. Các Lạc tướng của Hùng Duệ Vương (trong đó Đinh Công Bách là người kiệt xuất nhất) đã chiến đấu kiên cường, giữ yên bờ cõi. Thục Phán phải tìm kế kết thân xin làm con rể Hùng Duệ Vương để chờ thời. Khi Hùng Duệ Vương mất, triều đình Văn Lang tôn người con trưởng lên ngôi vua gọi là Hùng Kính Vương, Thục Phán vờ sang chịu tang nhưng điều quân theo sau áp sát biên giới. Một tuần ma chay cho cha vợ xong, Thục Phán ra về nhưng nửa đường quay lại với đại binh hùng hậu đã cướp được nước Văn Lang đang lúc tang gia bối rối.

Dong 2.jpg
Bài vị Tướng công Đinh Công Bách

Đinh Công Bách lúc này đã 80 tuổi cùng với các Lạc hầu, Lạc tướng đưa Hùng Kính Vương chạy lên miền ngược, chiêu binh mãi mã chống lại Thục Phán. Cuộc kháng chiến kéo dài được 6 năm, nhưng vận họ Hùng đã hết nên cha con Đinh Công Bách đều lần lượt hy sinh. Theo văn bia đình Doãn Thượng thì Bảo Ngọc Công chúa (là nữ tướng) hóa ngày 01 tháng 12 và Đinh Linh Quang hóa ngày 05 tháng 12 (năm 251 TCN), trong những trận đánh không cân sức với quân của Thục Phán.

Hơn trăm năm nay, hàng năm đình làng Doãn Thượng mở hội vào ngày 12 tháng 3 âm lịch (là ngày sinh của Đinh Linh Quang). Xã Xuân Lâm còn thôn Doãn Hạ cũng có đình thờ ba cha con Đinh Công Bách, nhưng đình Thượng là nơi thờ chính.
Dong 3.jpg
Tướng quân Đinh Linh Quang
VĂN BIA SỰ TÍCH THẦN HOÀNG LÀNG DOÃN THƯỢNG.

Làng Doãn Thượng thuộc xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một vùng đất cổ có truyền thống lịch sử văn hiến lâu đời. Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, nơi đây đã là địa bàn sinh cơ lập nghiệp của các cư dân Việt cổ. Trải trường kỳ lịch sử, đến các thời đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cũng đều để lại dấu ấn lịch sử- văn hóa ở quê hương này.

Trong bề dày lịch sử văn hóa ấy, ngôi đình xã Doãn Xá, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nước Đại Việt (tên gọi thời Lê) vốn được khởi công xây dựng từ thời nhà Lê . Đến thời thời Lê Trung Hưng đình được tôn tạo với qui mô lớn và nhiều lần được cấp sắc phong cho các nhân thần được thờ ở đình, càng khẳng định giá trị to lớn của di tích.

Đến thời Nguyễn, làng xã nơi đây có sự thay đổi về mặt hành chính. Xã Doãn Xá tách thành Doãn Thượng và Doãn Hạ. Cuối thời Nguyễn (thời Khải Định), ngôi đình Doãn Thượng được dựng lại và được thừa hưởng bộ khung gỗ lim của đình Doãn Xá cùng toàn bộ cổ vật. Từ đó đến nay, trải gần một thế kỷ, ngôi đình Doãn Thượng vẫn giữ được bộ khung gỗ lim to khỏe, vững chắc với nhiều mảng chạm khắc trang trí tinh xảo nghệ thuật, mang dấu ấn của hai thời Lê, Nguyễn. Trong đình còn bảo lưu gìn giữ được nhiều cổ vật cho đến ngày nay, chúng vừa là chất liệu bền vững tạo dựng lên bề dày lịch sử- văn hóa của quê hương nơi đây, vừa là di sản văn hóa vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử và văn hóa của địa phương và dân tộc.

Giá trị lịch sử to lớn nhất là tấm bia cổ được lập vào năm Hồng Phúc nguyên niên 1572. Nội dung văn bia ghi công của những nhân vật có công với dân với nước thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) - Thục Phán An Dương Vương.

Tấm bia đá cổ hai mặt đều khắc bằng chữ Hán. Hình các chữ đều nhìn khá rõ, đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Thôn Doãn Thượng in và dịch ra âm Hán Việt và tiếng Việt. Số từ Hán Việt đọc được lên tới 3487 từ (theo thống kê của T.G bài này).
Mặt trước bia ghi: Sự tích thần bi ký, nghĩa là: Văn bia ghi sự tích Thần Hoàng.
Mặt sau ghi: Hồng Phúc nguyên niên phụng khắc, nghĩa là: Vâng khắc vào niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất (thời Vua Lê Anh Tông năm 1572).
Dong 4.jpg
Nữ tướng Đinh Bảo Ngọc

Trừ những đoạn mang tính thần thoại, truyền thuyết ra, có thể tóm tắt nội dung văn bia (theo bản dịch của Tiến sỹ Trương Đức Quả - Cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm) như sau:

Bản sự tích và mục lục thờ thần xã Doãn Xá tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nước Đại Nam. Ca ngợi công đức của 18 đời Vua Hùng nước Việt. Các vị Hoàng đế trị nước hơn 2000 năm, trợ giúp vững yên như bàn thạch.

Đến đời Vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), Vua là bậc đại lược hùng tài, anh minh thánh triết. Trong nước tự chỉnh văn đức, bên ngoài phòng trị biên cương, chí quyết chí làm cho nước mạnh dân an. Núi yên biển lặng, địa lợi nhân hòa.

Đương thời ấy ở châu Phù Hoa có một nhà Quan lang tên là Đinh Công Bách lấy bà vợ người xã Doãn Xá huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, Kinh Bắc tên là Trương Thị Nhật; khi ấy bà mới 21 tuổi. Sau đó bà có thai, vào ngày 15 tháng 8 năm Đinh Tỵ, sinh một cô con gái. Nuôi dạy con mới được vài tuổi, không may bà Trương Thị Nhật đoản mệnh mất sớm. Ngài Đinh Công Bách bèn đem cô con gái cùng người cậu trở về quê Doãn Xá nuôi dưỡng. Từ đó, ngài Đinh mất người nội trợ, bảy tám năm sau vẫn chưa nguôi nỗi tiếc thương.

Khi ngài Đinh theo hộ giá Vua Hùng Duệ Vương đến núi Tản Viên, trên đường trở về đến trang (xóm, ấp) Ngô Đồng, huyện Bất Bạt, phủ Đà Giang trời đã gần tối, Ngài cho tạm trú quân ở đó. Nhân dân địa phương đến đón mừng. Tại đây, ngài Đinh nhờ duyên trời se đã gặp và kết duyên với cô gái họ Tô, tên là Thị Nghi tuổi vừa tròn 17. Khi đó ngài Đinh đã ngoài sáu mươi tuổi. Bà Tô Thị Nghi mang thai, sau đó vợ chồng bà về châu Phù Hoa.

Thời gian này quân Thục (Thục Phán) đến xâm chiếm nựớc Việt. Quân Thục đến chiếm châu Phù Hoa. Ngài Đinh đem quân kháng cự. Quân Thục bắt được ngài Đinh, sai đem đi giết. Bà Nghi thấy chồng bị quân Thục giết hại rất lo sợ, đương lúc chiến tranh loạn lạc, lại quả phụ khó giữ được thân, bởi vậy bà mới chạy về Ngô Đồng ở với người anh họ là Tô Văn Đán. Trải qua ba bốn tháng, vào ngày 12 tháng 3 mùa xuân năm Ất Mão mưa to gió lớn nổi lên. Lúc ấy bà Nghi đang nằm ngủ bỗng thấy một vị quan dẫn quân tiến thẳng vào nhà bảo rằng: “Trời ban cho ngươi một đạo sắc chỉ. Thần đồng 6 tuổi thì danh vang muôn thuở, giờ Dậu giáng xuống trần gian, đầu thai vào ngươi.” Vị quan nói xong, bà Nghi tỉnh mộng.

Sau đó đúng vào giờ Dậu, bà Nghi sinh một con trai, mặt tựa hoa xuân, sáng ngời như sao Bắc Đẩu, khác hẳn người thường, mặt to, tai lớn, bụng phệ, mình dài. Sinh mới được trăm ngày đã nói năng trôi chảy, rất thích nghe giảng sách đọc thơ. Năm lên ba tuổi mà đã cao lớn như đứa trẻ lên mười. Sau đó, mẹ con bà Nghi dắt nhau trở về quê mẹ già ở xã Doãn Xá thăm người chị gái. Thời gian ấy, người chị gái tên húy là Bảo Nương đã 23 tuổi, tính hạnh thanh tao khác thường, không có ý lấy chồng, trí tuệ thông minh, quyết chí vào cửa Thiền, thích đọc kinh kệ, vẻ mặt thanh tú, luôn tươi như hoa, sắc đẹp chim sa, cá lặn, trăng thẹn, hoa nhường.

Lại nói ông tên húy là Đinh (con trai bà Nghi) cùng mẹ và chị gái sống ở Doãn Xá được gần một năm thì trở về Ngô Đồng. Ông Đinh trở về Ngô Đồng đã nổi tiếng thần đồng. Ông được gọi là Thánh đồng, lầu thông thiên địa, lại tỏ cổ kim, am tường thế sự. Khi được hỏi về cơ đồ nhà họ Hùng, ông nói rằng: “Nhà họ Hùng khai sáng cơ đồ nước Nam đến nay đã được hơn mười đời rồi, truyền nối hơn 2000 năm, sự nghiệp thịnh vượng, hưởng lộc nước đã dài lâu, vận nước đã đến lúc cáo chung, sự nghiệp nhà Hùng đã vào vận cuối.”

Dong 5.jpg
Lễ hội truyền thống đình làng Doãn Thượng

Vua Hùng Duệ Vương hay tin Ông Đinh là thần đồng thông tuệ, đã mời về triều để hỏi vận nước. Ông Đinh đã tâu với Vua Hùng rằng: “Họ Thục ắt sẽ đến xâm lược lấy nước, Vua phải nhường nước”. Khi nhà Vua hỏi về kế sách giúp nước, Ông Đinh liền đọc một bài thơ rằng:
Khả năng trợ giả tuyển hiền lương
Tương phối điền vương quý nương
Tuyển tế cầu hôn thiên dĩ định
Ngọc sơn, Tản Lĩnh hữu thần phương”.

Nghĩa là:
Cần tuyển hiền tài để giúp vương
Hôn nhân con út là quý nương
Kén rể cầu hôn, trời đã định,
Tản Viên núi Ngọc có thần phương”.

Duệ Vương nghe đọc thơ cảm tưởng đây là bậc thiên tài giúp nước, không phải người thường, bèn ban chiếu chỉ giao cho nhân dân nuôi dưỡng, cho quyền cai quản hưởng lộc cả một vùng. Nhân dân Ngô Đồng và Doãn Xá đều được phong làm ấp Thang Mộc miễn các khoản thuế. Còn như 19 xã làm bề tôi được cấp 12 mẫu ruộng, 100 cân vàng, hơn 1000 vuông gấm, lụa các loại. Ông Đinh được phong chức tước và được nhân dân nuôi dưỡng hầu hạ cho đến khi trưởng thành thì đảm nhiệm chức vụ.

Sau đó khoảng gần một năm, quả nhiên Vua Thục An Dương Vương khởi quân đến xâm lược nước Việt. Thời gian này 20 vị hoàng tử con Vua Hùng Duệ Vương đã lần lượt quy tiên, chỉ còn hai cô Công chúa. Người chị là Tiên Dung, người em là Mỵ Nương Ngọc Hoa. Người chị gả cho Chử Đồng Tử, người thôn Đồng Lãng, xã Đa Hoà, huyện Đông A, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam. Người em gả cho Tản Viên Sơn Thánh. Vua Hùng Duệ Vương được lời báo của ông Đinh rất tin phục, bèn nhường ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh chối từ.

Thời ấy Vua Hùng đã 100 tuổi. Vua Thục đem đại quân tiến thẳng vào đất ta, muốn đánh chiếm nước ta. Vua Duệ Vương sai đem 3 vạn quân đánh thẳng vào đại quân Thục. Quân Thục tan chạy trở về.

Hai năm sau, quân Thục ôm hận lại cầu thêm quân từ các nước láng giềng, đem 100 vạn quân tinh nhuệ chia làm 5 đạo, quân thuỷ bộ cùng tiến.

Một đạo 30 vạn tiền quân của nước ta theo đường từ châu Hưng Hoá tiến ra. Khi ấy tiền quân Thục đã tiến tới huyện Bất Bạt. Chúng bảo rằng: “Từ lâu đã nghe nói đất Ngô Đồng nước Nam giáng sinh Thánh đồng 6 tuổi phò giúp nước, là bậc anh tài, nay đến cầu được đón rước”.
Ông Đinh không chịu hàng phục, bèn truyền dân binh được vài trăm người lên xe đi về Doãn Xá. Ông cùng chị gái chiêu mộ được 146 người, đóng quân tại đây 1 tháng.

Quân Thục từ xa nghe biết, kéo quân tiến đến Doãn Xá vây chặt ba vòng. Ông lập tức truyền đưa quân ra đánh, quân giặc quá đông và mạnh không phá được vòng vây. Khi ấy, người chị bèn buộc tóc, ăn mặc quần áo của nam giới, mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa, mỗi tay cầm một thanh kiếm xông thẳng vào quân địch đánh một trận lớn. Quân Thục tan vỡ. Nhân dân theo ra xem thì thấy Nương đã hoá, bèn đem về chôn cất ở ngay nơi phòng ngủ, rồi dựng miếu thờ phụng.

Ông Đinh bèn cho quân trở về đất Ngô Đồng. Quân Thục tiến đến vây bắt ông. Ông không chịu hàng, truyền dân binh cự chiến đánh giáp công, giết được vài chục tên quân Thục. Ông thấy quân Thục tiến đến ngày càng nhiều, biết là khó thoát khỏi tay quân Thục, bèn lao đầu xuống giếng mà hoá. Giếng này đến nay vẫn còn.

Quân Thục thấy Ông đã hoá, bèn giải vây cho quân trở về. Nhân dân thấy sự việc kỳ lạ, mới làm biểu tâu về triều. Vua Duệ Vương hay tin, bèn khen phong mỹ tự (danh hiệu vẻ vang), ban cho được thờ cúng muôn đời, thành nghi lễ trường tồn cùng đất nước. Thôn Doãn Xá được phong là “Hộ Nhi hương” là nơi thờ phụng chính.

Từ các thời Đông Hán, Ngô, Tấn, tất cả 349 năm, đến các triều Đinh,Lê, Lý, Trần ở nước Nam, khai sáng cơ đồ to lớn, Thần thường giúp nước cứu dân, tỏ rõ linh nghiệm. Vì vậy các bậc đế vương các đời đều truy tặng mỹ tự tôn thờ mãi mãi.

Khi Vua Đinh Tiên Hoàng bình 12 sứ quân, có tướng Nguyễn Bặc đến ngôi đình cầu đảo, xin dẹp được giặc, bình yên khen phong mỹ tự. Sau đó quả nhiên hiển ứng, ngầm theo đánh giặc, dẹp yên được 12 sứ quân. Họ Đinh lên ngôi Hoàng đế, ban phong mỹ tự.

Người chị được phong là: Hoằng tuệ Đại vương Bảo Ngọc công chúa. Hậu thổ chính đại thần gia phong Thục Diệu phu nhân, Dực bảo Trung hưng Tôn thần. Sinh ngày 15 tháng 8, hoá ngày 4 tháng 2. Người em được phong: Dương cảnh Thành hoàng Linh quang Phụ quốc Đại vương, gia phong Tuấn lương Dực bảo Trung hưng Tôn thần. Sinh ngày 12 tháng 3, hoá ngày 15 tháng 12. Nghiêm cấm không được dùng các chữ phạm huý các thần.

Lễ định: Hàng năm vào ngày12 tháng 3 và ngày mồng 1 tháng 2 thôn Doãn Hạ đến đình thôn Doãn Thượng làm lễ bái yết.
Dong 6.jpg
Lễ hội truyền thống đình làng Doãn Thượng

Tháng 6 năm 2001, Sở Văn hoá - Thông tin và Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành khảo sát di tích đình làng Doãn Thượng, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành và có báo cáo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng di tích lịch sử - văn hoá đình làng Doãn Thượng. Trong báo cáo kết quả khảo sát có kết luận đánh giá di tích như sau:

Đình làng Doãn Thượng được khởi dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn được dựng lại, thờ những nhân vật lịch sử có công với dân với nước. Nhưng trải trường kỳ lịch sử, biết bao biến cố của lịch sử, kiến trúc tuy không còn được nguyên vẹn như buổi đầu khởi dựng, cho đến nay trải ngót một thế kỷ ngôi đình vẫn giữ được bộ khung gỗ lim to khỏe. Trong đình còn bảo lưu gìn giữ được nhiều cổ vật quý như: Bia đá, thần phả, sắc phong, đồ thờ cổ…Những hiện vật này là những di sản văn hóa vô giá của địa phương và dân tộc, nó là những minh chứng lịch sử cho sự trường tồn của ngôi đình qua tháng năm, đồng thời nó là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của các thời đại trước”.

Bài của Đinh Tuấn Đồng
Trang Pb Gia Tộc Họ Đinh
 
Top