Lãng đãng phố Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

FqHUoOjBtv4YJ9ujTEwrNSSoXHwC3nyw-EjGcB-SolYuxOxOBpKxTjCAd7Y_TNS2A-vHeP98VyZ5lc-ywuZZu1iDvh6FAshe69xPbOkQEIeKrZWfD7i2rJdhW_Y3JDYK3QKOBwip
Tháp Rùa Hồ Gươm trong sương sớm (ảnh nguồn Internet )

Ai đã về Thủ đô Hà Nội, chắc không quên ghé thăm hồ Hoàn Kiếm còn gọi là Hồ Gươm, một trong những danh lam thắng cảnh văn hóa lịch sử vào bậc nhất Thủ đô; rồi thong thả dạo bước trên phố Đinh Tiên Hoàng, rợp bóng cây xanh, bốn mùa hoa tươi khoe sắc…Lãng đãng nhớ về truyền thuyết Vua Lê Lợi hoàn lại Gươm thần cho Rùa Vàng hơn 600 năm trước … Chiêm ngưỡng tượng đài Vua Lý Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm, vẳng nghe đâu đây lời Chiếu rời Đô: “... thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”.

Gup1S4ge1uW8YcHYmSOs22o2rbudo8qOt7tSequpMF1FVpOCyH6_XKDKSAmcZxvK7bDJAuCKHsMiLweLtmY5_FYWAbqdpzj01AhQof9qtB6mr189F0-oysLMCDdBg_f_SPVXE1YV
Cây lộc vừng “độc nhất vô nhị” 9 thân bên Hồ Gươm (ảnh nguồn Internet )
Y2NIWrubEuzmn6zX3Oc3C0SzrihJFltP6nwuZO0S-KCjQ-SzOszvOmL_QYVBnjILX1EDo8jB6hLNGSnLmzC_AtopFNo7mInEBj2dfrAE0iHfJ9zXTJlv1LQFOXvSur8DF45i15_v
Rùa Hồ Gươm (ảnh nguồn Internet )

Thật vậy, phố Đinh Tiên Hoàng lộng gió Hồ Gươm, nơi linh thiêng tụ thủy, đối diện phía bên kia Hồ là phố Lê Thái Tổ; hai vị Hoàng đế nước Nam anh minh quả cảm, trí tuệ hơn người, đã dẹp yên loạn nước, mang lại thái bình muôn thủa, lập lên Nhà nước Đại Cồ Việt, được Thành phố tôn vinh đặt tên cho con hai phố nơi trung tâm Thủ đô, nơi trung tâm của đất trời Hà Nội. Vì vậy, người ta nói Hồ Gươm là tâm, là km số 0 để đi đến mọi miền Tổ quốc, nhưng người Hà Nội vẫn gọi thân quen là phố “Bờ Hồ”.

Phố Đinh Tiên Hoàng dài 900 m được nối với phố Lê Thái Tổ, từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu phố Hàng Đào - Hàng Gai; đến ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài - Hàng Khay. Một bên Phố là Hồ Gươm sóng vỗ lăn tăn, có cây Lộc vừng cổ thụ chín thân như chín con rồng vươn ra mặt nước, cùng “rừng cây” cổ thụ sắc lá thay đổi theo mùa, in bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Dưới những tán cây đại thụ là vườn tượng, là núi non bộ, đá cảnh, là thảm cỏ xanh tươi, là vườn hoa cây cảnh được trồng thay đổi theo mùa nở hoa rực rỡ, là những chiếc ghế đá khuất sau những gốc cây để du khách nghỉ ngơi ngắm cảnh…

Ykv5R93I07c0RWmxVi0ZIXg7KTI8hBJ6zZ-HkOVjLfweGZW2zX-t1ostKbPsILbDfZgrG0JwxNYwq5wyOxtruZ1pAU5d6n8OPvBRxiZuBFZjiCiwF1hA0Qewy4noBpNuUhkmM9fj
Cồng ngoài đền Ngọc Sơn (ảnh nguồn Internet )

Nổi bật nhất bên phố Đinh Tiên Hoàng và hồ Hoàn Kiếm là quần thể công trình kiến trúc văn hóa lịch sử tâm linh: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa…

nQnSyK5h4-1XuNgO-YN_Ebf2z3pB3d5Ips3h2oIyJxvFwU8gHeyNYJktmNHNqYGn2voshkKlcCZCrrnQEi7K53vyXB-AUsJQ3EyWu7hex9o8Y2zJmDKMtGBfIcgOCaBdCPc1sP7_
Tháp Bút (ảnh nguồn Internet )
CLCo9k1B31PPBb_AJ1kBT2axZ70UEwg3YdwqwCWolQQD84nXUkYt_JvB-VrRV06YPjV_LqTVqYp5V5gAfzCQw7Y_E09IHhJC-6XeZz49DJL6Y3ZE68z4wc47FpRgm63rAsIHoZBS
Nghiên Mực đá (ảnh nguồn Internet )
R9PeJ3GKEhOnVzMvg1QrJPM4aAvJB0VvX7S-emVr_97m4T4HNIXaaPtB8actVlMOiva_HYLj6oj6UZ66G9XzqRYi_2D4fRqM87n7e98-pWw21qWzJxx1SL_AGpFYpkLyZQ-zH7jb
Tam quan đền Ngọc Sơn (ảnh nguồn Internet )

Tháp Bút được dựng bằng đá trên gò đá cao, như vút lên trời xanh, trên cây tháp có ba chữ Hán lớn “Tả - Thanh - Thiên” - nghĩa là “Viết lên trời xanh”. Qua Tháp Bút vào Tam quan đền Ngọc Sơn, phía trên cổng đặt một Đài Nghiên bằng đá hình nửa trái đào, trên lưng ba chú Cóc đá, Đài Nghiên còn khắc một bài minh, nói về việc dựng Đài...

Theo truyền thuyết dân gian: Cứ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, khi mặt trời lên thì bóng của ngòi bút trên đỉnh Tháp sẽ chấm đúng vào Nghiên Mực đá trên trên Tam quan... Việc lựa chọn nơi dựng Tháp Bút và Đài Nghiên trước cổng đền Ngọc Sơn thờ vị thần chủ về Văn chương Khoa cử, nơi trung tâm Thủ đô ngàn năm văn hiến, các sĩ phu Bắc Hà đã xem phong thủy, thế đất, mạch khí... để sự học hành, tri thức của đất nước luôn phát triển.

zD9GpKGracjVgce2VvNhm8QijCss8_xm6mRm7AjIDY_lHFNXhquMWwcP705u7AlCpbbk6_99cwpFrvF4wChWv4AQfx0zCjnalobVPsk5crIQLktS3a3_AB4FBJsz1tDGAEbkWhuH
Cầu Thê Húc (ảnh nguồn Internet )

Qua Tam quan lên cầu Thê Húc, cây cầu bằng gỗ sơn màu đỏ, nối từ bờ Hồ ra hòn đảo nhỏ; trên cầu có hai chữ Hán lớn là “Thê Húc” được thếp vàng, với ý nghĩa là “Ngưng tụ ánh hào quang”, là "Nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sớm". Vì vậy, cầu Thê Húc hướng về phía đông, phía phố Đinh Tiên Hoàng, hướng mặt trời mọc để đón nguồn ánh sáng tinh khôi buổi sớm mai. Với ý nghĩa ấy, nên cây cầu luôn được sơn màu đỏ - màu hạnh phúc, ước vọng ngàn đời - Trên cầu Thê Húc thường diễn ra các hoạt động văn hóa như biểu diễn thời trang, thả chim hòa bình….

ZEv24G4tGWHQ8jd2cZTqCM-Twmx9bCKp1K7SI3WgQVo_Rg8w1c5sMkLCvfb5xSmM_eZAA0MqBg-xOKjx0rSqahok58y5_Dru-3lUm8JDP79LsVWwra3FRctHox9HNP3wfzY7r9m7
Đình Trấn Ba đền Ngọc Sơn - Trấn giữ làn sóng (ảnh nguồn Internet )

Qua cầu Thê Húc lên hòn đảo nhỏ, có tên là Ngọc Sơn và đền Ngọc Sơn, thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ về việc Văn chương Khoa cử; cùng Đức thánh Trần Hưng Đạo, vị Anh hùng dân tộc, trong đền còn có tiêu bản Rùa Hồ Gươm...

Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đảo Ngọc đã có đền Ngọc Tượng, đến thời Trần đổi tên là đền Ngọc Sơn thờ các vị anh hùng liệt sĩ hy sinh chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đến thời Trung Hưng, Chúa Trịnh dựng cung Thụy Khánh để thưởng ngoạn câu cá; sau bị Vua Lê Chiêu Thống san phẳng. Từ nền cung cũ, một người từ thiện đã dựng chùa Ngọc Sơn. Sau chùa đổi làm đền thờ Tam Thánh; bỏ gác chuông, xây lại chính điện, xây các dãy phòng hai bên, đổi tên là đền Ngọc Sơn; rồi lại bồi thêm đất, xây kè đá, dựng đình Trấn Ba với ngụ ý: “ Cột trụ đứng vững giữa làn sóng văn hóa độc hại ”. Thế mới thấy, ông cha ta luôn nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau phải giữ dìn bản sắc văn hóa dân tộc, trước sự tấn công ào ạt của văn hóa ngoại lai.

PATLAN3ELriDaeQ6gfTEdRfeZA_2OJJy-mz9kvMSvfbVPQQ2_4AiTj4YwqzSKcy4DJpL5X3GmnjXP7avN2J2OGyfL4YtgX01tprKkYw2rHZpvmPYoyZNnoqELyW8THITEhZuxkvb
Bắn pháo hoa trên Hồ Gươm (ảnh nguồn Internet )

Từ đình Trấn Ba nhìn ra giữa Hồ Gươm là Tháp Rùa, Tháp nổi lên giữa sóng nước mênh mông, nhạt nhòa sương khói… Chuyện kể rằng: Khi xưa, giữa Hồ có gò đảo nhỏ, rùa thường lên sinh sản và phơi mình tắm nắng ở đấy, người ta gọi là Gò Rùa. Đến thời Vua Lê Thánh Tông cho dựng Điếu Đài trên gò để nhà Vua ra vãn cảnh câu cá.... Sang thời Lê Trung Hưng, Chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò, rồi đến thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì.

Giặc Pháp hạ thành Hà Nội, dân vùng ven Hồ Gươm phiêu tán.. có ông Nguyễn Ngọc Kim, chức dịch trong làng bên Hồ, được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, được Pháp tin dùng, tục gọi là Bá hộ Kim. Thấy huyệt đất trên Gò Rùa phong thủy đẹp, có người nói kiểu đất này táng hài cốt gia tiên vào huyệt mạch sẽ sinh “Vạn đại công khanh”, con cháu đời đời làm quan cao chức trọng. Vì vậy, ông xuất tiền xin Pháp cho xây tháp trên gò Rùa cho đẹp cảnh quan, nhưng ý định sẽ để hài cốt của cha. Nhưng việc không thành, ngọn tháp ba tầng vẫn phải hoàn tất. Vì vậy, ban đầu Tháp này có tên là tháp Bá Hộ Kim, ở vị trí tuyệt đẹp giữa hồ, nghiễm nhiên thành thắng tích Hà Nội, được gọi là Tháp Rùa.

Cả quần thể di tích từ Tháp Bút, Đài Nghiên đến cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, rồi đến Tháp Rùa... nằm trong không gian tâm linh huyền thoại của Hồ Gươm, mang dấu ấn về tín ngưỡng thờ thần mặt trời... từ việc chọn hướng đến cấu trúc, màu sắc, biểu tượng cho đến sự liên hoàn giữa các di tích, đều ẩn chứa yếu tố linh thiêng, mỗi lần vào chiêm bái, lòng ta lại tự hào về Thủ đô Hà Nội.

mpm77QBJkmd0jveOv5bQ-pDhVVTsc3vGVFoWi9GdwtXo1NpCki_dNIbz-wK0a8JzxlbgK4zdx-CTR_c8eBy0Ao0HJ74_CrIsJI41F3aIJ512JwP_5G9PlmZx950r535J7YZwGl2y
Tam quan đền Bà Kiệu bên Hồ Gươm và phố Đinh Tiên Hoàng (ảnh nguồn Internet )
f__ruCixXt0IWPNc9_fFXm5pDmSnu0fwwBW_ZGarMpa0MV7VB-bjTt0QqImQAlKo4pPuvq0NlIVuAQat7yM1R_uteI0-RY9xrHUjJdBee6ZYoR42ZsuGI-Zx6YwXVr9Plv1EkFvH
Đền Bà Kiệu bên phố Đinh Tiên Hoàng (ảnh nguồn Internet )

Kề bên Tháp Bút, Đài Nghiên, là Tam quan đền Bà Kiệu, bên kia phố Đinh Tiên Hoàng là ngôi đền Bà Kiệu. Đền được xây vào thời Lê Trung Hưng, thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị Thánh “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt; cùng hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa Công chúa. Khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, mở rộng phố xá quanh Hồ Gươm, một phần đất của ngôi đền được lấy làm đường phố, cắt ngang khu đền làm đôi: Nên cổng Tam quan đền nằm ở phía bờ Hồ, còn tòa đại bái, phương đình và hậu cung lại nằm bên phía kia phố Đinh Tiên Hoàng.

Yg-QaxYkFSsX1sFTaoug6spaLkC8NxDswj2zmPUW7Y-KyoZhUkn6Fy7vKJLbLoTq4NlP3caBcr7UkejMcaTpkAF0dA1395EHhtDo5bxe86BCIUEBpr_ufs8Bn0Gzgni5m-w7i4XE
Tháp Hòa Phong (ảnh nguồn Internet )
14RQCFZaDhEjTo5AC_wmZ4fbIlpXt5-_vMsIdG0HRHtMrNb913_xbCnpOxAIH3XLpRRnZp1HLecHz-sCg-9t6AnvCImzZ0-t39ntZW_4LwgUzQf4H2_3vPjtFPmnphc6ATSxtpBe
Ảnh tư liệu Pháp khảo sát chùa Báo Ân để xây nhà Bưu Điện (ảnh nguồn Internet )

Cùng phía Bờ Hồ, cuối phố Đinh Tiên Hoàng, có tòa Tháp cổ đứng trầm mặc rêu phong bên hồ, nào ai biết Khi xưa, nơi đây đã từng có ngôi chùa Báo Ân to đẹp, ngang dọc đến 36 nóc nhà, nhìn ra hồ Gươm, sau bị Pháp phá hủy để xây tòa Bưu điện Hà Nội. Nay chỉ còn sót lại cây tháp Hòa Phong ở phía Bờ Hồ, mọi người qua lại ngắm vô tình. Tháp Hòa Phong cao 3 tầng, tầng 1 có 4 cửa vòm, nên còn gọi là "Tứ môn tháp"; tên của 4 vòm cửa là: Báo Ân môn - Báo Nghĩa môn - Báo Đức môn và Báo Phúc môn. Tầng 2 có một chữ Phạn lớn. Tầng thứ 3, mặt phía đông tây có ghi chữ Hán lớn là "Hòa Phong" nhưng 2 mặt bắc nam lại ghi "Báo Thiên Tháp".

LwVmrAYa962KYmJUHYulkVUAzyiM9GJxJl1vlc-UnXuZuIkjyxmV2k1u0uU8JQ_EOzdPOulNYXYhyg7uhf87ZU8th_VeOq3_-rwcr_kADz58m971PeHoBiCCPAmYmN427SvmsDH2
Quảng trường và tượng đài Lý Thái Tổ (ảnh nguồn Internet )
k3gUtef-sQ2RbBqbbJ-KyXk7EHhUkiMvoUWfxJhEK58ee6qBszwsmLL1Anxg8wwOdhOLkZ0jJwYOTQ0XijLsmq2-Gr667g3nu3Utyc2fAwuPcxLxTsNOch-rgysmNuGsVWbLe8KW
Quảng trường đền Bà Kiệu và tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (ảnh nguồn Internet )

Một bên phố Đinh Tiên Hoàng là mặt phố, chủ yếu là các công sở Thành phố, như Trụ sở Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Điện lực Hà Nội… Cùng các công trình văn hóa Thủ đô như: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà diễn Múa rối nước Trung ương, quảng trường đền Bà Kiệu và tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc Quyết sinh”, quảng trường và tượng đài Vua Lý Thái Tổ… Đầu phố phía bắc có nhà dân ở, nhưng cũng ít. Nghe nói, đất gần Bờ Hồ giá đến 1,4 tỉ đồng / m2; nên lớp người Hà Nội cũ, học ra trường chỉ muốn ở lại Thủ đô, mới có câu “Lấy tháp Rùa làm tâm, bán kính làm việc 15 km”.


EJzOMHMFbw21rWsPfsLTIf9BYTJ5ccCYjFwzNeitYCHfgemP1sQJKAu8ux8B4NyTHM6tJAZwojIi-A8itIhAFbAAnZsebmksj-ap4lELMXknti0KBMMb1jRYrR1t-FdGxUOxBG22
Sơ đồ Hồ Gươm và phố Đinh Tiên hoàng (ảnh nguồn Internet )

Các phố gần khu Bờ Hồ, có phố nối với phố Đinh Tiên Hoàng, mang tên các danh nhân lịch sử, Khai quốc Công thần thời Lê Sơ, gắn liền với chiến công hiển hách lập quốc của Vua Lê Lợi, cùng sự tích Vua Lê hoàn lại Kiếm thần cho Rùa Vàng; như phố Trần Nguyên Hãn, phố Lê Lai, phố Lê Thạch, phố Đinh Liệt, phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí...

Phố Đinh Tiên Hoàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong văn hoá Thủ đô, nơi diễn ra các sự kiện như: Chào đón Giao thừa năm mới, bắn pháo hoa chào mừng các ngày lễ lớn, trưng bày hoa cảnh đầu xuân; chạy và đi bộ ủng hộ từ thiện, văn hóa… Các cuộc mít tinh, ca múa nhạc, biểu diễn thời trang, truyền hình trực tiếp các lễ hội... thường diễn ra tại quảng trường đền Bà Kiệu, quảng trường Lý Thái Tổ, và cả dưới lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng…

Phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những phố đẹp nhất Hà Nội; là một trong những tuyến phố đi bộ và du lịch văn minh lịch sự nhất của Thủ đô, luôn luôn được Thành phố sửa sang chăm chút, trang hoàng lộng lẫy. Khách du lịch nước ngoài cùng nhân dân cả nước về đây thăm quan rất đông...

M2SIcnvw9JQA7T_IHvF0wPsjg1mrq5__wRojTbGiclo-sJugPFpfS444FpbKHP02csmB5wivyzz9TL4XKmJDUcVgvhV-2iK970TkNAIi6VMJkL9oiyYLm1aHik3_A_LKvACJHFqj
Ảnh gia đình tại Bờ Hồ - Ảnh cũ năm 2002

Nếu bạn có may mắn đón chào thời khắc giao thừa năm mới tại Hồ Gươm, mới thấy hết sự linh thiêng hào hoa của đất trời Thủ đô Hà Nội, mặt Hồ Gươm lung linh huyền ảo, hoa đăng rực rỡ trên đường phố, trên những tán cây đại thụ; pháo hoa rực sáng bầu trời, mọi người nét mặt hân hoan, tình người đằm thắm thân thiết, làm bầu không khí lễ hội ấm lên trong đêm đông giá lạnh ..

Mỗi lần thư thả dạo bước trên phố Đinh Tiên Hoàng lộng gió Hồ Gươm, nghe tiếng chuông Đồng hồ Bưu điện Thành phố ngân nga vang khắp phố phường; lòng ta lại cảm nhận như thấy mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, mỗi con phố Hà Nội ẩn chứa bao câu chuyện huyền thoại, được tích lũy theo thời gian; lòng lại lâng lâng tự hào về những Danh nhân lịch sử Đất Việt, tự hào về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến !

Đinh Danh Vùng
 
Top