Đinh Danh Vùng
Moderator
Chùa Phúc Lâm ngày nay
Nhà Ngoại tôi ở gần Chợ lại gần Chùa; người dân gọi nôn na là chợ Đún, chùa Đún; Chợ họp ngay trước cửa Chùa, ngôi Chùa làng không biết dựng tự bao giờ, nhưng các tấm bia đá đã nhẵn lì, như chứng tích của thời gian…
Ngày tôi còn bé, thường được theo mẹ lên nhà Ngoại chơi, được ra chơi Chợ, được lên thăm Chùa, xem lễ hội tháng Ba, xem Chú tiểu tụng kinh... Nghe tiếng chuông Chùa ngân nga trầm bổng vang xa khắp thôn làng. Rồi Bà Ngoại kể cho tôi nghe về sự tích cây Huyết dụ được trồng trong vườn Chùa....
“Ngày xưa, có anh Đồ tể ở cạnh chùa làng, chuyên giết thịt lợn rồi mang ra chợ bán. Theo thường lệ, cứ khoảng canh năm mờ sáng, nghe thấy tiếng chuông chùa, anh khoan khoái tỉnh dậy thịt lợn. Đêm nọ, Nhà sư nằm mộng thấy người đàn bà dắt díu năm con đến quỳ lạy trước mặt rồi vái lạy, khóc lóc thảm thiết, kêu than rằng: “Kính xin Sư cụ đêm nay hãy thỉnh chuông chậm lại, mẹ con tôi xin đội ơn cứu mạng...”. Mờ sáng hôm đó, nhà sư tỉnh giấc dậy tụng kinh niệm Phật, nhưng không thỉnh chuông. Không nghe thấy tiếng chuông chùa, anh Đồ tể đánh một giấc ngon lành đến sáng bảnh mới dậy. Bị muộn giờ giết lợn, lại lỡ phiên chợ sáng, anh Đồ tể chạy lên Chùa, trách cứ Sư cụ sao chảnh mảng việc tu hành, làm hỏng cả công việc của mình; Sư cụ phân trần với người hàng xóm và kể lại giấc mộng đêm qua… Khi về nhà, anh Đồ tể sững sờ thấy con lợn nái mới mua về để thịt, đã đẻ năm con. Vừa mừng vừa sợ, anh hối hận về nghề Đồ tể của mình, cầm con dao bầu chạy đến cắm trước cửa chùa, thề trước Phật đài rằng từ nay xin giải nghệ. Con dao bầu sau hóa thành cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, người ta vẫn gọi cây ấy là cây Huyết dụ…”.
Cây Huyết dụ và Chú tiểu (ảnh mạng)
Tôi nghe Bà Ngoại kể, cứ liên tưởng sự việc như đã sảy ra ở Chùa làng…Như cây Huyết dụ đang trồng trước cửa Chùa, tiếng chuông Chùa tôi vẫn nghe sáng sáng, chiều chiều, vang xa mà trầm lắng, cứ ngân nga mãi không dứt, tiếng chuông Chùa như thấm vào lòng, khiến người nghe thêm từ bi hướng thiện... Tiếng chuông và hình bóng ngôi Chùa làng Đún đã theo tôi suốt cuộc đời… Nghe nói, khi đúc chuông Chùa làng, các Phật tử vừa tụng kinh niệm Phật, vừa cúng dường vàng bạc, đồ trang sức quý như nhẫn, dây chuyền, hoa tai.. vào đúc Đại Hồng Chung, nên chuông mới có âm thanh ngân nga như thế…
Đại hồng chung 300 kí, đúc vào năm Thành Thái thứ 13 (1901)
Theo bài “Lặng lẽ 400 năm, Chùa xưa tỉnh Thái Bình” của Cư sĩ - Nhà văn Vĩnh Hảo, Việt kiều Mỹ, đăng trên trang “Phật Sự” Hải ngoại; thì " Chùa Phúc Lâm, tục gọi là Chùa Đún, kiến lập vào đời Vua Lê Kính Tông (1601 - 1619), niên hiệu Hoằng Định thứ 5 (năm 1604), tại làng Ỷ Đốn, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Nam Sơn Hạ, nay là xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Ở vùng đất Thái Bình, chùa Keo Thượng được tôn vinh là Đệ nhất danh lam, không phải chỉ vì toàn bộ kiến trúc bằng gỗ đồ sộ, nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê vô cùng tinh xảo, mà còn liên hệ đến Thiền sư Không Lộ (1016 - 1094) - Tương truyền là vị Sơ tổ khai sơn Chùa Keo nguyên thủy (Nghiêm Quang Tự) tại Nam Định từ năm 1061 (tk 11), dưới triều Vua Lý Thánh Tông.
Còn chùa Phúc Lâm tục gọi Chùa Đún, chỉ là một ngôi Chùa nhỏ, khiêm nhường, nằm trong làng xã nông nghiệp, giao thông không thuận lợi, hầu như người ngoài huyện không biết đến.
Theo truyền khẩu từ các bô lão địa phương, xưa kia làng Đún, có Đền thờ Vua Lê Đại Hành phía trước, Chợ Đún ở giữa, Chùa Phúc Lâm phía sau. Chợ Đún xây nền và cột bằng đá, gồm 5 quán đá với mái lợp ngói mũi hài, đã bị tiêu hủy thời Pháp thuộc, nay nhà cửa và đường sá xây dựng lên trên, nên đã mất dấu. Đền thờ Vua Lê Đại Hành và Chùa Phúc Lâm cũng bị quân Pháp đốt phá, sau đó được dân làng tu bổ lại trên nền vách cũ, và hiện vẫn còn. Đền thờ Vua Lê Đại Hành và Từ đường họ Đinh (xây dựng từ năm 1727, thờ các vị Quốc công họ Đinh thời Hậu Lê) là hai di tích xưa thuộc xã Chi Lăng, được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
Hình ảnh Chùa Phúc Lâm cũ
Riêng Chùa Phúc Lâm trên 400 năm, trải qua hai cuộc chiến, đã hư hoại, đổ nát, khó tìm lại di tích hay cổ vật nào của tiền nhân để ghi lại lịch sử của chùa một cách rõ ràng, chính xác. Các tượng Phật, tượng Hộ Pháp thật lớn đều bị đập phá vào thời kháng Pháp; các pháp khí, vật khí sử dụng trong chùa cũng bị triệt hủy, phế hoại hoặc thất thoát theo thời gian. Cổ vật hiện ở chùa chỉ còn tòa Cửu long bằng đồng, cao 80 cm - được cho là đã có từ thời mới lập chùa; và quả chuông nặng 300 kí, đúc từ đời Thành Thái thứ 13 (năm 1901).
Nếu đúng là tòa cửu long Chùa Phúc Lâm có từ thuở mới dựng chùa thì niên đại có thể trước, hoặc trễ lắm là cùng thời với tòa cửu long của Chùa Keo, Thái Bình - Xuất hiện đầu thế kỷ 17, và được “đánh giá là một trong những tòa cửu long cổ nhất nước ta” (theo Chu Minh Khôi, “Phật tượng Việt Nam và một vài nguyên tắc nghệ thuật tạo tượng,” Giác Ngộ Online).
Hai pháp khí bằng đồng của Chùa Phúc Lâm còn đến ngày nay là do dân làng đem cất giấu trước khi quân Pháp đốt phá vào tháng 2 năm 1950. Ngoài ra, 4 di tháp của các vị Sư trụ trì tiền nhiệm có thể được xem như là cổ tháp; và chứng tích quan trọng ghi lại phần nào lịch sử chùa là một bia đá khắc bài ký viết bằng Hán văn, đặt ngoài sân, phía sau chánh điện.
Hình ảnh Chùa Phúc Lâm cũ
Theo bia văn này, ngôi Phạm vũ (Chánh điện) được khởi công trùng tu cùng lúc với Tổ đường và điện Tam Cung Thánh Mẫu, vào thời Vua Bảo Đại, năm thứ 6 (mùng 6 tháng 6 năm Canh Ngọ, nhằm 01/7/1930); qua năm sau, mùng 9 tháng 9 Tân Mùi (nhằm 19/10/1931) thì hoàn tất. Bia văn có nhắc đến lần trùng tu trước đó vào năm Giáp thân, thời Vua Lê Chính Hòa (1680 - 1705) thứ 25 (năm 1704). Căn cứ vào năm trùng tu ấy, lịch sử truyền khẩu nói rằng Chùa được xây dựng năm 1604 cũng là điều khả tín, hợp lý, vì thông thường thì cứ 100 năm thì đã phải trùng tu, hoặc xây lại. Có thể lần trùng tu thứ nhất (1704) cũng là nhân kỷ niệm 100 năm lập Chùa.Cũng theo lời truyền, Chùa Đún xưa kia rất đẹp, nguy nga, có cổng tam quan rất lớn, trong chùa có cả ao rộng, giếng sâu, vườn cảnh rất hữu tình. Điều này có thể tin được, vì trên bia đá được khắc vào lần trùng tu sau cùng (1930), có lời xưng tụng “Ỷ Đốn xã, Ngoại thôn, Phúc Lâm Tự, nhất nhất thắng cảnh, thiên cổ danh lam” (Chùa Phúc Lâm ở thôn Ngoại, xã Ỷ Đốn, là thắng cảnh hàng đầu, là danh lam của ngàn đời.”
Bát hương cổ
Trải thời gian trên 400 năm, đã có lúc Chùa Phúc Lâm vắng bóng Sư trụ trì đến mấy mươi năm. Hiện tại chùa còn lưu lại 4 ngôi bảo tháp và 5 phần hài cốt của các vị trụ trì đã một thời chấn tích hành đạo nơi đây. Ngôi mộ của vị tổ khai sơn được cho là bị thất lạc ngoài đồng từ lâu, đến nay vẫn chưa tìm ra dấu tích; nên ngay cả đạo hiệu của vị này cũng không ai biết, chỉ biết rằng ngài quê ở Hải Hậu, Nam Định. Những đời trụ trì có ghi lại dấu tích trên bia ký, bảo tháp và lời truyền khẩu thì ít nhất là 6 đời (chưa kể vị đương nhiệm). Các đời trụ trì trước là các vị sư tăng; đến lần trùng tu năm 1930 (là năm dựng bia ký nói trên) thì làng tổng đã cung thỉnh Tỳ kheo ni Thích Đàm Năng từ Chùa An Châu, xã An Khoái đến chứng minh và tiếp nhận trụ trì; kể từ đó đến hiện nay, các đời trụ trì sau đều là sư ni.
Chùa Phúc Lâm hiện tại được trùng tu năm 1930, Chùa lại bị phá hủy toàn bộ 20 năm sau đó bởi quân Pháp. Vị trụ trì bấy giờ là Sư tổ Thích Đàm Năng, đã cùng dân làng dựng lại chùa bằng vật liệu gom góp tại địa phương, sửa sang ngôi Chánh điện trên nền vách đổ nát. Từ thời Sư tổ Thích Đàm Năng, truyền xuống ba đời trụ trì là Thích Đàm Nhài, Thích Đàm Chủng và Thích Đàm Vân, rồi mới đến vị trụ trì hiện nay là Sư thầy Thích Đàm Gấm.
“Sư Thầy” là cách gọi Sư ni của Phật giáo miền Bắc thay vì “Sư cô” ở miền Trung và miền Nam; Ni giới miền Bắc cũng không dùng “Thích nữ” mà chỉ dùng “Thích” như bên Tăng. Đạo hiệu của chư vị Tăng Ni miền Bắc cũng không theo dòng kệ Thiền phái: Tăng thì chữ “Thanh,” Ni thì chữ “Đàm,” cứ thế mà truyền.
Sư thầy Thích Đàm Gấm được thầy bổn sư là Sư cụ Thích Đàm Tâm (một trong nhiều đệ tử của Sư tổ Thích Đàm Năng), cử đến Chùa Phúc Lâm đảm nhận trụ trì vào năm 1995, lúc 24 tuổi. Do hoàn cảnh xuất gia ở chùa làng quê, không có trường Phật học, lại một mình đến đảm nhận ngôi chùa cổ hoang sơ tiêu điều, Sư thầy Thích Đàm Gấm quanh năm suốt tháng chỉ tự tu tự học, trông nom mọi việc của Chùa và hướng dẫn phật tử tu niệm. Tự học như thế mà trình độ Phật học và đặc biệt là Hán-Nôm của Sư thầy rất vững vàng, thông thạo, có thể đứng lớp dạy Luật bằng Hán văn cho các thế hệ đi sau. Qua đó, ai cũng thấy sự kiên gan trì chí của một tăng sĩ trẻ ở làng xã nghèo, heo hút.
Ruộng lúa trong vườn Chùa Đún
Cũng cần mở ngoặc ở đây rằng tại miền Bắc qua các cuộc chiến tranh, hầu hết trai tráng đều phải nhập ngũ; không riêng việc chống ngoại xâm qua bốn lần Bắc thuộc, mà ngay cả thời kỳ Lê - Mạc (tk 16), rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh (cuối tk 16 - tk 18), cũng phải tòng quân hoặc bên này, hoặc bên kia. Do vậy, từ chính sử cho đến thực tế, hiển nhiên ai cũng thấy rằng việc duy trì giềng mối của đạo Phật qua sinh hoạt chùa chiền là do các lão tăng, nam nữ cư sĩ lão niên, và đặc biệt là do ni giới đảm trách. Ni giới miền Bắc đã đóng vai trò quan trọng nhưng thầm lặng để duy trì đạo Phật qua chiến tranh, điển hình là hai cuộc chiến cận đại mà Sư tổ Thích Đàm Năng và Chùa Phúc Lâm là chứng nhân, chứng tích. Có thể nói đây cũng là một trong vài nhân duyên để Chùa Phúc Lâm từ một tăng viện trở thành ni tự từ nửa đầu thế kỷ 20.
Sự thầm lặng như thế tác động trên sinh hoạt của Chùa Phúc Lâm suốt thế kỷ qua, trong cả vấn đề hoằng pháp lẫn sự duy trì và phát triển cơ sở. Thầm lặng đến mức một ngôi chùa cổ trên 400 năm, mà đã có thời được mệnh danh là “Thiên cổ danh lam,” hầu như không còn ai ngoài huyện xã biết đến, nhắc đến. Lý do cũng dễ hiểu, về mặt cảnh quang, kiến trúc, Chùa Phúc Lâm hiện nay chỉ còn giữ lại được cái nền xưa của thầy-tổ. Nói văn vẻ theo nghĩa bóng, là vẫn giữ được truyền thống giữ đạo, hành đạo của tiền nhân trong an hòa, lặng lẽ. Chùa không có đặc điểm gì để còn được gọi là một danh lam, thắng cảnh.
Nhưng đó không phải là điều mà sư trụ trì quan tâm. Bản thân sư chỉ muốn ẩn danh, vô danh; và đối với ngôi chùa, sư cũng không muốn trở thành một thắng cảnh du lịch, hoặc một di tích văn hóa lịch sử được công nhận bởi nhà nước hay bất cứ cơ quan văn hóa quốc gia, quốc tế nào. Sư chỉ mong Chùa Phúc Lâm tiếp tục là ngôi chùa nhỏ, thầm lặng, ẩn mình trong làng xã; và tăng sĩ ở chùa tiếp tục là những người thầy bình dị, sống gần gũi với dân tình nông thôn.
……...
Hình ảnh Chùa Phúc Lâm cũ
Chùa Đún - Phúc Lâm Tự vẫn mãi là ngôi chùa cổ thân yêu gần gũi trong tâm tưởng của tăng ni và bá tánh địa phương. Ngôi chùa ấy không cần được liệt vào hàng danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử của tỉnh huyện hay cả nước; mà chỉ cần được dựng lại trên nền cũ 400 năm của tiền nhân, một ngôi chùa có mái cong, biểu trưng của đạo Phật Việt Nam từ bi, hiền hòa; nơi đó, những nhà sư áo nâu, cũng là những nông gia nối gót thầy-tổ cúi mình trên ruộng vườn quê hương, tiếp tục giữ đạo, hành đạo trong khiêm cung, lặng lẽ ".
Từ bài “Lặng lẽ 400 năm, Chùa xưa tỉnh Thái Bình” của Cư sĩ - Nhà văn Vĩnh Hảo đăng trên trang “Phật Sự” Hải ngoại, tháng 9 / 2014, kêu gọi Tăng Ni, Phật Tử trong và ngoài nước đã hết lòng tán dương cúng dường, sự công đức của toàn thể thiện nam tín nữ gần xa, sự đóng góp về vật chất tiền của và công sức của nhân dân làng Đún Ngoại, với sự nhiệt huyết trụ trì của Sư thầy Thích Đàm Gấm để để hoàn tất xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Phúc Lâm, như ý nguyện của Tăng Ni Phật tử cùng dân Làng.
Vào ngày 22 / 11 / 2015 (ngày 11 tháng Giêng năm Ất Mùi) Lễ động thổ khởi công - Đến ngày 22 /11 / 2015 (ngày 11 / 10 / Ất Mùi) Nhân dân xã Chi Lăng cùng Tăng ni Phật tử đã Khánh thành ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Phúc Lâm uy nghi tráng lệ. Và cho đến ngày nay, ngôi điện Tam Cung Thánh Mẫu (Điện Mẫu) qua thăng trầm của thời gian cũng bị hư hỏng như thế, đã được Nhà Chùa cùng nhân dân xã Chi Lăng xây dựng lại to đẹp lộng lẫy hơn xưa.
Chùa Phúc Lâm dựng nơi đầu làng, tọa ở thế đất cao nhất làng, lưng dựa hướng Bắc che chắn gió lạnh, mặt nhìn về hướng Nam ra Chợ, ra dòng sông Tiên Hưng xa xa, phía sau Chùa có Giếng Chùa, có “Đầu Cừ” là đầu của con ngòi nhỏ uốn lượn như Rồng, rồi thông mãi ra dòng sông Tiên Hưng; Dân làng phát triển thịnh vượng theo hướng Chùa, cứ phát triển lan mãi xuống “Vòng thúng” của dòng sông Tiên Hưng. Tiếng chuông Chùa, hình bóng ngôi Chùa làng Đún, cứ thế vang vọng, in bóng trong lòng mỗi người con xa quê hương ...
Đinh Danh Vùng