Đinh Danh Vùng
Moderator
Công cuộc đấu tranh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước của nhân dân ta gắn liền với tên tuổi Đinh Bộ Lĩnh - Người tổ chức dẹp loạn, đồng thời cũng là người gây dựng nhà Đinh, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), có cha là Đinh Công Trứ (từng giữ chức Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền); mẹ là Đàm Thị. Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và đám gia nhân về quê Đại Hoàng sinh sống. Uy thế chính trị của cha đã tạo cho cậu thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh một vị thế của “con nhà nòi”, dòng họ vọng tộc ở châu Đại Hoàng mà không một đứa trẻ nào ở vùng núi rừng này có được.
Di tích Động Hoa Lư căn cứ đầu tiên của Đinh Bộ Lĩnh, động nằm ở xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình.
.
Sử cũ của Việt Nam đều ghi chép về tài trí thông minh, mẫn tiệp hơn người của Đinh Bộ Lĩnh. Hơn nữa, ông còn tỏ ra là người có tài làm tướng, có tài chỉ huy người khác ngay từ khi còn ít tuổi. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “… Vào tuổi nhi đồng, Vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng Vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử…”.Với tài trí hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được tôn làm Tù trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình); từng bước tập hợp và củng cố lực lượng. Theo sử sách, kết hợp với truyền thuyết địa phương, để củng cố và phát triển lực lượng, Đinh Bộ Lĩnh đã tập hợp đám bạn trẻ thời niên thiếu “cùng chăn trâu cắt cỏ”, sau trở thành những trợ thủ nổi tiếng như: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ và tuyển mộ nhiều trai tráng trong vùng thành một đội gia binh riêng.
Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình Cổ Loa rối ren, không thể với tay kiểm soát các địa phương xa xôi. Chính trong khoảng thời gian đó (945 - 950), Đinh Bộ Lĩnh đã toàn quyền làm chủ vùng đất Hoa Lư và khu vực xung quanh; sử cũ nói “Từ đây ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre...”.
Năm 951, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh đã khá mạnh. Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập ở triều đình Cổ Loa đem quân đánh hàng tháng trời không thắng, phải rút quân về. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh thấy Trần Lãm (Trần Minh Công) chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Thái Bình), là một sứ quân mạnh, đức độ nhưng không có con, liền cùng con trai là Đinh Liễn sang nương tựa. Trần Lãm thấy Đinh Bộ Lĩnh có tướng mạo khôi ngô, lại có chí lớn, liền nhận làm con nuôi, rồi giao binh quyền.
Sau khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đứng ra thay thế, chỉ huy lực lượng quân sự của Trần Lãm. Nhận thấy địa hình Bố Hải Khẩu là đồng bằng, bất lợi trong khi công và thủ; ngược lại, Hoa Lư có núi non trùng điệp, sông ngòi uốn khúc, địa thế hiểm trở, thuận lợi cho cả tấn công lẫn phòng thủ, lại còn là vùng đất khá màu mỡ, quân có thể vừa chiến đấu vừa sản xuất. Do vậy, Đinh Bộ Lĩnh đã đưa quân về Hoa Lư, tiếp tục chiêu mộ hào kiệt, chuẩn bị binh lực và tiến hành đánh dẹp các sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh là một nhà quân sự đầy kinh nghiệm, một vị tướng có tầm chiến lược cao, sách lược khôn ngoan, sáng suốt. Để thực hiện mục tiêu chiến lược là dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh không dựa vào binh hùng thế mạnh để tiến đánh theo lối “cuốn chiếu”, mà đã áp dụng chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc”, kết hợp giữa quân sự (hành quân đánh dẹp) với chính trị (liên kết, hàng phục).
Di tích Lăng miếu Đàm Thái Hậu, thôn Lộc Thọ - Nơi Đại bản doanh của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Thái Bình
Có thể coi sứ quân Trần Lãm là sứ quan được Đinh Bộ Lĩnh thu phục đầu tiên. Với việc liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh trở nên mạnh mẽ, không chỉ về mặt lực lượng quân sự, tiềm lực kinh tế, phạm vi vùng đất kiểm soát, mà về cả sự tăng thêm uy thế cá nhân với sức thuyết phục, quy tụ to lớn. Sau sự kiện đó, sứ quân Phạm Phòng Át từ vùng Kim Động (Hưng Yên) nhận thấy với thế lực của mình mà đối đầu với họ Đinh là việc làm vô nghĩa, do đó, đem quân về hàng. Cùng với Phạm Phòng Át, còn có Lã Đường từ vùng Văn Giang (Hưng Yên) cũng đem lực lượng theo về với Đinh Bộ Lĩnh.
Đối với 2 sứ quân là Hoàng tộc nhà Ngô (đều là cháu nội Ngô Quyền) là Ngô Nhật Khánh và Ngô Xương Xí: Đinh Bộ Lĩnh đã hành quân tới Đường Lâm, hàng phục được Ngô Nhật Khánh; hành quân vào Bình Kiều, không đánh, chỉ dùng binh lực uy hiếp Ngô Xương Xí, đồng thời mở tiệc khao quân, Ngô Xương Xí hoảng sợ, nên đầu hàng (theo truyền thuyết ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Các sứ quân có lực lượng quân sự lớn như: Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê không chịu hàng phục đã bị Đinh Bộ Lĩnh tập trung binh lực đánh dẹp.
Duy chỉ có trường hợp sứ quân Nguyễn Khoan chiếm giữ vùng Tam Đái (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) được sử sách cho là tự tan rã.
Như vậy, sau thời gian hình thành và phát triển lực lượng, Đinh Bộ Lĩnh với tài năng quân sự của mình đã hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao phó: Dẹp loạn và thống nhất đất nước. Trong thời gian khoảng 2 năm (966 - 967), bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo - liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn - chinh phạt, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt dẹp yên các sứ quân, chấm dứt cuộc “nội loạn” ở giữa thế kỷ X, thu non sông về một mối.
Chiến thắng liên tiếp của Đinh Bộ Lĩnh đối với các thế lực cát cứ là sự khẳng định của xu thế tập quyền, thống nhất, khi đó đã là xu thế vượt trội vào nửa cuối thế kỷ X ở Việt Nam; đồng thời, thêm một lần nữa khẳng định thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Báo Ninh Bình - Bài Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.