Đinh Danh Vùng
Moderator
Động Hoa Lư (còn có tên là Thung Lau - Thung lũng nhiều hoa Lau) ở xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình - Là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Động Hoa Lư là căn cứ khởi nghiệp đầu tiên của Đinh Bộ Lĩnh đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn ở thế kỷ X. Động nằm cách Cố đô Hoa Lư khoảng 15 km và thành phố Ninh Bình 20 km đường bộ về phía Bắc.
Tuy gọi là "Động" nhưng di tích lịch sử này là một thung lũng rộng khoảng 16 mẫu nằm lộ thiên, bao bọc bởi vòng cung các ngọn núi đá vôi, cao khoảng trên dưới 200m. Bốn bề Động được núi đá bao quanh như tường thành kiên cố, chỉ có một lối vào duy nhất là một quèn nhỏ cao khoảng 30m, dốc đá lởm chởm qua lại rất khó khăn. Ngày nay, chính quyền địa phương đã xây dựng con đường với khoảng 240 bậc đá, uốn lượn thành 9 khúc như hình Rồng. Bao bên ngoài Động là đầm Cút, dài khoảng 3 km rộng 500m, như con hào thiên nhiên chắn giữ, từ đây có thể tiến ra sông Đáy.
Động Hoa Lư nằm gần đường Thượng đạo, con đường thiên lý cổ ra Bắc vào Nam. Theo "Lịch Triều Hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú: Vào thời Lê - Trịnh, quân Mạc thường đi theo con đường này. Cách Động khoảng 2 km là sông Bôi từ Hòa Bình đổ về, từ đây ra sông Hoàng Long, rồi ra sông Đáy để ra biển Đông; hay ra sông Hồng để lên Thăng Long, hoặc từ sông Bôi lên vùng Tây Bắc đều rất thuận lợi. Động Hoa Lư là địa bàn hẻo lánh, kín đáo, có núi rừng hiểm trở bảo vệ; đường thủy, đường bộ đều thuận tiện cho việc quân "Lui có thể thủ, tiến có thể công".
Trên núi, dưới thung xưa nay rất nhiều Lau, đến khoảng tháng 10, mùa hoa Lau nở trắng xóa, che phủ bạt ngàn cả một vùng, vì vậy gọi là Thung Lau, hay Động Hoa Lư... Còn nghe văng vẳng đâu đây, tiếng hò reo tập trận của đám trẻ chăn trâu... Theo sử sách, khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh được mẹ đưa về ở cạnh đền Sơn thần, nay là đền Long Viên (Vườn Rồng) thuộc thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, Nho Quan, hàng ngày đi chăn trâu cắt cỏ cho chú là Đinh Thúc Dự.
Theo truyền thuyết, thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cùng lũ trẻ ở cánh đồng Rộc Xéo, tập trận cờ lau ở động Hoa Lư, thung Lá, thung Lui... hai bên tả ngạn, hữu ngạn dòng sông Bôi (thuộc xã Gia Thủy, Nho Quan và xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình).Ông thường bầy binh tập trận, lấy bông lau làm cờ, lũ trẻ tôn Bộ Lĩnh làm Chủ soái, tổ chức nghi lễ đưa rước rất oai vệ. Nên trong dân địa phương còn truyền tụng câu ca:
Trần ai, ai biết, ai đâu
Hoa Lư có đám trẻ trâu anh hùng
Cờ lau tập trận vẫy vùng
Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Vua lúc còn nhỏ, cùng với lũ trẻ chăn trâu ở ngoài đồng, lũ trẻ tự biết kiến thức không bằng Vua, cùng nhau tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, tất bắt chúng khoanh tay làm kiệu để khiêng và lấy hoa lau làm cờ đi hai bên để rước như là nghi vệ thiên tử. Ngày rỗi, sang đánh trẻ con thôn khác, đến đâu chúng đều sợ phục, rủ nhau hàng ngày đến kiếm củi, thổi cơm để phục dịch. Bà mẹ thấy thế mừng lắm, mổ lợn của nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau rằng: “Đứa trẻ này khí độ như thế, tất sẽ làm nên việc, bọn chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối không kịp”. Bèn đem con em đến theo, rồi lập làm trưởng,...”
Liên quan đến địa hình hiểm yếu của khu vực động Hoa Lư, theo các nguồn sử liệu: Vào năm 951, triều đình Cổ Loa thấy Đinh Bộ Lĩnh, cậy khe núi hiểm cố, không chịu triều cống, Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập kéo quân đến đánh, bao vây ở động Hoa Lư hàng tháng trời, nhưng không thắng được phải rút quân về.
Nằm ở giữa động Hoa Lư là ngôi đền nhỏ 3 gian thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và quan văn võ triều Đinh. Chính giữa trên cao có bức đại tự ghi 3 chữ Hán “Hoa Lư Động” bằng khảm trai. Phía trước ban thờ cắm một bình hoa Lau rất lớn để ghi nhớ về một loài cây đã gắn liền với Đinh Bộ Lĩnh từ thuở ấu thơ, từ buổi “Cờ Lau tập trận”, để đi đến hoàn thành sự nghiệp vĩ đại ở tuổi trưởng thành.
Đền xây trên nền dinh luỹ xưa kia của ông, cũng là trên nền ngôi đền cũ được xây dựng cách đây trên 300 năm. Năm 2007 ngôi đền được tiến hành tu sửa và xây dựng với quy mô lớn hơn. Trong đền người có một tấm biển gỗ khắc bài thơ bằng chữ Hán của Tri phủ Nho Quan Lã Xuân Oai, làm năm Tự Đức Tân Mùi (1871), mô tả quang cảnh động Hoa Lư. Nguyên văn như sau:
Kiến thuyết Hoa Lư động
Phiêu phiêu phỏng thử du
Sơn lam cửu tiêu yết
Miếu mạo độc thanh u
Thương thúy quần phong bích
Cam hàn nhất giản lưu
Hà năng tĩnh biên cảnh
Lãm tận cổ hoàng đô
Tạm dịch là:
Nghe nói Hoa Lư động
Xăm xăm tìm lối tới
Núi non lâu vắng vẻ
Đền miếu vẫn thanh u
Liền ngọn đá xanh cao
Một dòng nước lạnh chảy
Cõi bờ lo yên ổn
Xem hết Hoàng đô xưa.
Phía sau đền Vua Đinh là đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không, Quốc sư triều Lý, có nhiều công lao to lớn với dân, với nước. Đức Thánh Nguyễn Minh Không sinh ngày 15/10/1065, mất năm 1141. Trên cương vị Quốc sư thống lĩnh lực lượng Phật giáo Quốc gia, Nguyễn Minh Không đã lập tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như chùa Bái Đính Cổ, chùa Địch Lộng ở Ninh Bình, chùa Cỗ Lễ ở Nam Định, chùa Keo ở Thái Bình, chùa Kim Liên ở Hà Nội, chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh.
Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh lừng lẫy, ông còn là một danh y thiên tài. Người đời cho rằng ông đã được trời ban cho “Thiên y thư” (Sách thuốc của trời). Vua Lý Thần Tông lên ngôi không được bao lâu thì mắc trọng bệnh (ngứa ngáy, lông mọc khắp người...; Dân gian truyền gọi là bệnh hóa hổ) các danh y cả nước đều bất lực Nguyễn Minh Không đã kết hợp châm cứu và thuốc nam chữa khỏi bệnh cho Vua. Ông cũng là người đã sưu tầm, phục hưng nghề đúc đồng - tinh hoa của nền văn hóa Đông Sơn - Văn minh Việt cổ và được coi là tổ sư (ông tổ) nghề đúc đồng. Ông đã góp phần tạo nên “Tứ Đại khí” của Đại Việt thời Lý - Trần là Tháp Báo Thiên (Chùa Báo Thiên, Hà Nội), chuông Qui Điền (chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Hà Nội), tượng Quỳnh Lâm (Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh); và vạc Phổ Minh (Chùa Phổ Minh, Thiên Trường, Nam Định).
Quốc mẫu Vương Bà
Khi tham quan và du ngoạn động Hoa Lư (Thung Lau), Thung Lá, du khách có cảm giác như vào chốn bồng lai tiên cảnh bởi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của núi non, thung lũng, của những con đường dài đầy màu xanh cây cỏ, của hồ sen thơm ngát, của Vân Long êm đẹp, nên thơ và cả những dấu ấn huyền bí xa xưa mà cha ông ta đã để lại; Và còn đó chiến công oanh liệt của người anh hùng xứ Hoa Lau Đinh Bộ Lĩnh… Những dịp Tết đến Xuân về, nơi đây thực sự là một điểm du lịch tuyệt vời trở về với cội nguồn dân tộc - nơi cha ông ta đã đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi. Người ta về đền Thánh Nguyễn, đền Vua Đinh, thung Lau, thung Lá để tri ân, tưởng nhớ đến những con người tài, đức, mang chí lớn vì dân, vì nước sinh ra trên đất Cố đô địa linh, nhân kiệt; Để cầu mong cho quốc thái dân an, cho một cuộc sống thanh bình, tươi đẹp.
Đền Thung Lá
Cùng với cố đô Hoa Lư ở huyện Hoa Lư, các di tích như động Hoa Lư, thung Lá, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh thuộc huyện Gia Viễn là những di tích Lịch sử Văn hóa liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Vua Đinh Tiên Hoàng.
Trong các di tích trên thì đền Thung Lá đã được đầu tư xây dựng xong. Đây là nơi thờ Thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh. Thung Lá ngay cạnh Thung Lau, cũng nằm lọt giữa thành núi cao ngất, tương truyền xưa kia có một Nữ vương chuyên bói lá rất giỏi, thường xem lá cho Vua Đinh Tiên Hoàng trước khi xuất quân hay làm một việc lớn. Nơi này cũng có nhiều cây thuốc Nam chữa bệnh tốt nên khi nghĩa quân của Vua Đinh bị thương đều được bí mật đưa về đây cứu chữa.
Người ta cũng kể rằng, Thung Lá là vùng rừng linh thiêng nên mọi người đều vào đây thắp hương trước khi đi rừng. Thung Lá có đền thờ Thân mẫu Vua Đinh và thờ Vương bà bí ẩn đã có nhiều công lao giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn. Giải thích vùng rừng thiêng nước độc này được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm căn cứ khởi nghiệp, những người am hiểu lịch sử Ninh Bình cho biết nơi này độc đạo, kiên cố cho phòng thủ, thuận lợi cho tiến quân, không thể vào sâu hơn và là nơi có nhiều huyền thoại bí hiểm, không ai dám vào để đảm bảo tuyệt mật về quân sự. Khu vực Thung Lau, Thung Lá được Vua Đinh giấu một đội quân đặc biệt tinh nhuệ và khi cần thiết đưa ra giao chiến.
Từ căn cứ khởi nghĩa đầu tiên Động Hoa Lư - Đinh Bộ Lĩnh, nhân khi nhà Ngô loạn lạc, đã dẹp yên được 12 sứ quân, thống nhất bờ cõi, lên ngôi Hoàng đế, với Đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Định đô tại Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, Niên hiệu là Thái Bình, mở đầu cho thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của Dân tộc.
Hàng năm, dịp đầu xuân ở đây diễn ra lễ hội động Hoa Lư. Lễ hội tương đối giống lễ hội cố đô Hoa Lư nhưng có quy mô nhỏ hơn. Lễ hội động Hoa Lư còn diễn ra vào ngày 8 tháng 10 âm lịch hàng năm./.
Theo Du lịch Ninh Bình.