Về Quốc hiệu Nhà Lý

gach.jpg


Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1054, sau khi lên ngôi, Vua Lý Thánh Tông đặt ra quốc hiệu là ĐẠI VIỆT (建國號曰大越),[1] và từ đó về sau được các triều đại Trần, Hậu Lê, Lê Trung Hưng, chúa Trịnh - Nguyễn vẫn sử dụng lại quốc hiệu này (quốc hiệu Đại Việt chỉ bị gián đoạn khi nhà Hồ cải quốc hiệu là Đại Ngu và chấm dứt vào thời nhà Nguyễn với quốc hiệu mới là Việt Nam).

Hầu như mọi sử gia, học giả trong và ngoài nước Việt Nam từ xưa đến nay đều tin tưởng không chút hoài nghi là quốc hiệu ĐẠI VIỆT do Vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên đặt ra. Tuy nhiên, trong bài viết “Nhận thức mới về quốc hiệu nhà Đinh”,[2] chúng tôi đã gợi ý, nhận định như sau: Sự xuất hiện quốc hiệu ĐẠI VIỆT trên viên gạch thời Đinh ở Hoa Lư đã là bằng chứng quan trọng để phủ nhận định kiến xưa nay về quốc hiệu ĐẠI VIỆT do Lý Thánh Tông đặt ra. Sự thật là nhà Lý chỉ dùng lại tên nước cũ từ thời Đinh - Tiền Lê mà thôi.

Bài viết này sẽ tiếp tục mở rộng và đi sâu hơn vào vấn đề này để xác định một lần nữa về quốc hiệu ĐẠI VIỆT không phải do Lý Thánh Tông đặt ra lần đầu tiên trong lịch sử.

DenvuaDinhNinhBinh7.jpg

Tài liệu khảo cổ, thư tịch liên quan đến quốc hiệu ĐẠI VIỆT thời Lý

Hai tài liệu sử - địa thuộc hàng sớm nhất là Đại Việt sử lược[3] An Nam chí lược[4] (khoảng đời Trần), thật đáng ngạc nhiên, lại không hề ghi chép gì về sự kiện trọng đại vào năm 1054, Lý Thánh Tông đặt ra quốc hiệu ĐẠI VIỆT. Quốc hiệu “Đại (Cù) Việt” của Đinh Tiên Hoàng cũng không thấy nhắc đến. Sẽ có người cho là do tính chất “sơ lược” của tác phẩm nên các soạn giả đã bỏ qua. Luận điểm này không thuyết phục vì sự kiện quan trọng là đặt quốc hiệu mới của nước nhà đối với sử gia là không thể xem thường rồi bỏ qua được và trong một tác phẩm sử - địa dù là sơ lược lại càng phải chú trọng nêu ra, bằng chứng là quốc hiệu “Vạn Xuân” của Lý Bí, Nam Việt đế đã được Đại Việt sử lược ghi nhận. Ngay cả sách Việt điện u linh[5] chuyên chép các thần linh nhưng khi viết về Lý Nam Đế vẫn không quên ghi nhận quốc hiệu “Vạn Xuân”. Chỉ có thể giải thích hợp lý là thời Đinh và Lý thật sự không chính thức đặt ra quốc hiệu mới nên các soạn giả đã không ghi nhận.
1-1467420553667.jpg

Sau đây là các bằng cứ chứng minh lý giải này: Trong văn khắc bia đá đời Lý có 1 tấm bia đã khắc quốc hiệu ĐẠI VIỆT đó là bia Đại Việt quốc đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (大越國當家第四帝崇善延齡塔 碑)[6] do Nguyễn Công Bật soạn, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 2 (1121), tuy nhiên cũng khoảng đời Lý, lại có tấm bia không khắc quốc hiệu ĐẠI VIỆT mà lại là Cự Việt (巨越), đó là ở bia Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tự (鉅 越 國 太 尉 李 公 石 碑 銘 序),[7] khuyết danh, niên đại khoảng năm 1159 và văn khắc chuông đồng Thiên Phúc tự hồng chung minh văn (天福 寺洪鐘銘文), cũng viết tên nước là Cự Việt (巨越) ở đoạn văn: Thiền sư Đạo Hạnh đi lạc quyên trong nước Cự Việt (道行禪師化 緣巨越國).[8] Quốc hiệu Cự Việt chưa từng được ghi nhận trong các tài liệu sử học xưa nay, vậy tại sao lại là Cự Việt? Chữ Hán cự 鉅 và 巨 là hai chữ đồng âm, đồng nghĩa: lớn. Chữ đại 大 có nghĩa là lớn, nên có thể dùng 鉅 và 巨 (lớn) để viết thay.

Nhưng, liệu ĐẠI VIỆT, nếu đúng là một quốc hiệu chính thức được đặt ra vào ban bố vào đời vua Lý Thánh Tông và các đời vua Lý sau vẫn sử dụng có được phép viết khác chữ, dù là chữ đồng nghĩa hoặc là biện pháp kỵ húy hay không? Chắc chắn là không vì đó là khi quân phạm thượng. Theo ý tôi, sự xuất hiện cách viết khác nhau về quốc hiệu như trên chỉ chứng tỏ, thật ra vào đời Lý, không có một quốc hiệu chính thức do vua ban bố thi hành.

Vua Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô (遷都詔) [9] đã gọi tên nước là VIỆT trong Việt bang (越邦) và theo Văn hiến thông khảo (文獻通考) đời Nguyên do Mã Đoan Lâm biên soạn đã dẫn tài liệu đời Tống là Quế Hải ngu hành chí, (桂海虞 衡志) do Phạm Thành Đại (1126 - 1193) biên soạn và sau đến Tục tư trị thông giám (續資治通鑑) [10] cũng đã ghi nhận nhà Lý từng sử dụng ấn “Nam Việt quốc ấn” (南越國印) trên văn thư ngoại giao Tống - Việt. Tuy sử Việt không nói đến ấn này, nhưng nguồn tài liệu ở trên có thể tin cậy vì bằng chứng là An Nam chí lược từng xác nhận vua Tống đã truy phong cho Lý Công Uẩn là Nam Việt vương và cuối đời Lý, bài Chiếu nhường ngôi (禪位 詔) của Lý Chiêu Hoàng cũng đã từng gọi nước ta là Nam Việt quốc (南越國). Những tên gọi nước vào đời Lý như Việt, Đại Việt, Cự Việt, Nam Việt đã cho thấy tên gọi nước phổ biến nhất chỉ là VIỆT và các chữ ở đầu như Đại, Cự, Nam chẳng qua là tiếng thậm xưng (lớn) hay từ chỉ vị trí (phương Nam) mà thôi. Không chỉ ở đời Lý, tên nước gọi là VIỆT mà trước đó vào đời Đinh - Tiền Lê cũng vậy, bằng chứng là những viên gạch thời Đinh - Tiền Lê ở Hoa Lư co dấu ấn nổi Đại Việt quốc quân thành chuyên (大越国軍城塼) [11] và theo Đại Việt sử lược, Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho thái tử Đinh Liễn là “Nam Việt vương”, vương hiệu này đã được Đinh Liễn cho khắc vào cột kinh Phật bằng đá ở Hoa Lư [12] và qua đời Tiền Lê [13] cũng thế, nhà Tống phong cho Lê Hoàn là Nam Việt vương. [14] Rõ ràng tên nước thời Đinh, Tiền Lê là VIỆT và chữ Đại hay Nam chỉ là phụ thêm. Sự xuất hiện hai chữ ĐẠI VIỆT trên gạch thời Đinh,[15] trước hết là bằng chứng phủ nhận quốc hiệu “Đại (Cù) Việt” thời Đinh do Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép [16] và cũng phủ nhận luôn thông tin do Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định về Lý Thánh Tông đặt quốc hiệu là Đại Việt.

800px-Hoaluk2.jpg
Chùa Nhất Trụ với cột kinh đá cổ nhất Việt Nam

Tóm lại, với các bằng chứng thư tịch, di vật khảo cổ thì từ đời Đinh, Tiền Lê đến đời Lý đã xác định một sự thật lịch sử: Chỉ có tên gọi nước phổ biến là VIỆT và đứng trước chữ VIỆT có thể tùy ý dùng các chữ như Đại, Cự, Nam. Thông tin từ Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên đặt ra quốc hiệu ĐẠI VIỆT là một ngộ nhận và sự ngộ nhận này có nhiều khả năng do tin tưởng vào thư tịch Trung Hoa. Tài liệu cổ Trung Hoa liên quan đến quốc hiệu ĐẠI VIỆT đời Vua Lý Thánh Tông, sớm nhất hiện biết là sách Mộng Khê bút đàm (夢溪筆談) [17] do Thẩm Quát biên soạn khoảng 1088, đây là tài liệu cùng thời Lý Thánh Tông, sách có đoạn: “Đến Nhật Tôn (tức Lý Thánh Tông), bèn tiếm xưng là “Pháp Thiên Ứng Vận Sùng Nhân Chí Đạo Khánh Thành Long Tường Anh Vũ Duệ Văn Tôn Đức Thánh Thần Hoàng Đế”, tôn (Lý) Công Uẩn là “Thái Tổ Thần Vũ Hoàng Đế”, quốc hiệu là Đại Việt. (至日尊, 乃僭稱 法天應運崇 仁至道慶成龍祥英武睿文尊德聖 神皇帝,尊公蘊為太祖神武皇帝, 國號大越). Sau đó đến bộ Tống sử (宋史),[18] sách này được Thoát Thoát vâng lệnh vua Nguyên biên soạn lại vào khoảng năm 1343 cũng ghi chép đại ý như vậy: Nhật Tôn (Lý Thánh Tông) tự xưng Đế ở nước này, tiếm xưng là Pháp Thiên Ứng Vận Sùng Nhân Chí Đạo Khánh Thành Long Tường Anh Vũ Duệ Văn Tôn Đức Thánh Thần Hoàng Đế, tôn (Lý) Công Uẩn làm “Thái Tổ Thần Vũ Hoàng Đế”, quốc hiệu là Đại Việt 日 尊自帝其國 , 僭稱法天應運崇仁 至道慶成龍祥英武睿文尊德聖神 皇帝,尊公蘊爲太祖神武皇帝, 國 號大越).

Hai thông tin trên đã xác định dữ kiện lịch sử: Bắt đầu từ Lý Thánh Tông mới tự xưng đế chứ trước đó Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông không xưng đế và thời điểm này trong nước có hay đang dùng quốc hiệu là ĐẠI VIỆT chứ không xác định quốc hiệu mới đặt ra. Các sử gia của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, chắc chắn đã tham khảo các tài liệu trên và tự suy diễn bằng đoạn văn: “Đặt quốc hiệu là Đại Việt (建國號曰大越)”, cách dùng chữ kiến (建) nghĩa là dựng lên, đặt ra như muốn khẳng định là Lý Thánh Tông lần đầu tiên đặt ra quốc hiệu ĐẠI VIỆT. Nhưng, như trên đã luận chứng, trước Đại Việt sử ký toàn thư, sách Đại Việt sử lược An Nam chí lược đều không nhắc đến sự kiện Lý Thánh Tông đặt ra quốc hiệu ĐẠI VIỆT và quan trọng nhất, sự phát hiện gạch Hoa Lư vào thế kỷ X có dấu ấn ĐẠI VIỆT đã chứng minh đời Lý Thánh Tông thật ra cũng chỉ dùng lại tên gọi nước cũ là ĐẠI VIỆT mà thôi và không thể có điều nghịch lý rằng, Lý Thánh Tông lấy tên nước cũ của nhà Đinh rồi ban bố thành một quốc hiệu mới!

Kết luận

Kể từ khi Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định về sự kiện Vua Lý Thánh Tông vào năm 1054 đã đặt ra quốc hiệu ĐẠI VIỆT là từ đó về sau, mọi sử gia, học giả trong và ngoài nước cho đến nhà biên soạn sách giáo khoa, nhà giáo đều tin tưởng không chút hoài nghi rằng đó là một sự thật lịch sử và vẫn mặc nhiên lưu truyền, giảng dạy phổ biến cho các thế hệ sau. Thế nhưng, qua tìm hiểu và khảo chứng từ thư tịch cổ Việt-Hoa và các chứng tích khảo cổ, chúng tôi phát hiện ra một sự thật lịch sử khác, có giá trị khoa học đã chứng minh thông tin của Đại Việt sử ký toàn thư về quốc hiệu đời Lý là một sự ngộ nhận vì đã suy diễn lệch lạc từ thư tịch Trung Hoa: Vào khoảng đời Đinh, dù Đinh Bộ Lĩnh sau khi thống nhất đất nước, xưng đế nhưng vẫn không đặt ra quốc hiệu mới là Đại (Cù) Việt mà chỉ dùng tên gọi nước cũ, phổ biến (sớm nhất có thể bắt đầu từ Lí Bí với đế hiệu Nam Việt đế) là VIỆT như Đại VIỆT và Nam VIỆT. Tiếp sau đến nhà Tiền Lê, tên nước cũng thường gọi là Đại VIỆT, Nam VIỆT. Khi nhà Lý khởi nghiệp, từ đời Lý Thái Tổ đến Lý Chiêu Hoàng, trong nước vẫn thường xưng tên nước là VIỆT, Đại VIỆT, Cự VIỆT, Nam VIỆT. Sự thật là Vua Lý Thánh Tông chưa từng đặt quốc hiệu mới là ĐẠI VIỆT vào năm 1054 như Đại Việt sử ký toàn thư đã từng ghi chép.


—————–
[1] Viện Khoa học Xã hội, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[2] Đinh Văn Tuấn, “Nhận thức mới về Quốc hiệu nhà Đinh”, Tạp chí Xưa&Nay số 368, 越史略, nguồn: Ctext
[3] Lê Tắc, An Nam chí lược, Trần Kinh Hòa (dịch), Nxb. Lao Động – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. 2009.
[4] Việt điện u linh, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 3b, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5] Phạm Thị Thùy Vinh, “Về tư liệu văn khắc Hán Nôm thời Lý”, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121).
[6] Trịnh Khắc Mạnh, “Bước đầu tìm hiểu những giá trị của văn bia Việt Nam đối với việc nghiên cứu tư tưởng chính trị xã hội nước ta thời phong kiến”, Tạp chí Hán Nôm số 2-1998.
[7] Nguyễn Hữu Vinh (dịch và giới thiệu), Thích Thiện Niệm (đính chính), “Thiền sư Từ Đạo Hạnh và văn khắc chuông chùa Thiên Phúc”.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư (sđd).
[9]文獻通考,nguồn: Ctext
[10]續資治通鑑, nguồn: Google
[11] Đại Việt sử ký toàn thư (sđd)
[12] Nguyễn Văn Đoàn, “Khai quật di tích cố đô Hoa Lư năm 2009 – 2010: Kết quả và vấn đề”, Tạp chí Khảo cổ học số3/2010.
[13] Hà Văn Tấn, “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 76, 1965. Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb. Khoa học Xã hội.
[14] Ở truyện Sóc Thiên Vương (Tỳ sa môn vương) ở sách Lĩnh Nam chích quái (tục biên) đã dẫn Thiền uyển tập anh để ghi nhận tên nước thời vua Lê Đại Hành gọi là “Cự Việt quốc” (巨越國) (theo “Lĩnh Nam chích quái bình giải”, nguồn: https://trandinhhoanh.wordpress. com/2010/07/03/linh-nam-chich- quai-truy%E1%BB%87n-soc-thien- v%C6%B0%C6%A1ng/, do Nguyễn Hữu Vinh, Trần Đình Hoành biên soạn). Trong sách này có Lời hậu bạt (bạt cuối sách) – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện quyển 3 (tục loại) của Đoàn Vĩnh Phúc, ghi năm hoàn thành là đầu năm Quang Bảo (1554), trong khi bản Thiền uyển tập anh xưa nhất còn lại là bản Vĩnh Thịnh thứ 11(1715) không có Cự Việt quốc, có lẽ đã được nhuận sắc lại. Vậy thời Tiền Lê đã từng gọi tên nước là “Cự Việt” có đúng hay không cần phải tìm thêm chứng cứ khác.
[15] An Nam chí lược (sđd).
[16] Cho đến nay chưa có nhà khảo cổ, sử học trong và ngoài nước nào đã phủ nhận một cách thuyết phục về xuất xứ, thời đại ra đời của gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên ở Hoa Lư… Cũng có người cho gạch này xuất xứ từ nước Đại Việt của Lưu Nham. Dưới đời nhà Đường – Hậu Lương, Lưu Nham mưu đồ lập quốc, xưng đế ở Phiên Ngu (Quảng Châu) và đặt quốc hiệu là “Đại Việt” vào năm 917 nhưng vào năm 918, lại đổi quốc hiệu là Đại Hán, sử sách còn gọi là Nam Hán. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, có thể gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên được sản xuất ở Quảng Châu nhưng sau đó nhà Đinh (khởi nghiệp từ năm 968) đã sử dụng (mua lại gạch cũ ở Quảng Châu hay dùng lại số gạch đã nhập từ trước) gạch Đại Việt này để xây thành Hoa Lư? Nhưng ý kiến này không thuyết phục vì cho đến nay giới khảo cổ học Quảng Châu, Trung Quốc chưa thấy phát hiện, công bố gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên ở Quảng Châu, mà lẽ ra phải có rất nhiều từ lòng đất. Dĩ nhiên, gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên được sản xuất tại Hoa Lư nước Đại Việt thời nhà Đinh là hợp lý hơn. Xem Nhận thức mới về Quốc hiệu nhà Đinh (đã dẫn).
[17]夢溪筆談, “Tứ khố toàn thư”, nguồn: Ctext.
[18]宋史, “Tứ khố toàn thư”, nguồn: Ctext

Nguồn: Xưa & Nay
 
Top