Hàng ngàn chiếc gương sen bằng giấy gắn lục lạc đặt bên sông Hương... Đó là ý tưởng mới khá độc đáo của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cho tác phẩm sắp đặt mang tên Mùa lục lạc.
Họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cũng chính là tác giả của tác phẩm sắp đặt Dưới giàn thiên lý với 1.000 chiếc chuông nón từng đạt kỷ lục VN năm 2005.
Tại nhà riêng của họa sĩ ở 112 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế, những chiếc gương sen đầu tiên làm từ tre và giấy đã hoàn thành.
Cầm một chiếc gương sen phóng đại có đường kính 30cm đã được sơn trắng, bên trong đặt một chiếc lục lạc nhỏ, tác giả giải thích: “Để làm được cái này những người thợ thủ công phải đắp một khuôn thạch cao, bồi 10 lớp giấy, sau đó phết sơn vào”.
Nghe thì đơn giản nhưng theo anh, đi khắp thành Huế đặt hàng ai cũng lắc đầu cho đến khi gặp được sự nhận lời của một người bạn là dân mỹ thuật chuyên làm đầu lân ở Huế. Chiếc gương sen giấy gắn lục lạc được cắm vào cần tre mỏng cao 2,5m.
“Bí quyết ở đây là phải tính toán sao cho phù hợp giữa trọng lượng chiếc gương sen, độ cao, độ mảnh của thanh tre để khi cắm xuống đất, gương sen sẽ lay động mà không bị gãy, đổ” - vừa giải thích, tác giả vừa nắm lấy phần thân dưới của thanh tre. Lập tức, chiếc gương sen lắc lư lay động như có phép mầu.
Cùng lúc, một thứ âm thanh ngộ nghĩnh, thánh thót vui tai vang lên... “Khi hàng ngàn chiếc gương sen này đặt cạnh nhau, chúng sẽ tạo nên một tác phẩm sắp đặt động, phát ra âm thanh và tạo ra màu sắc phản chiếu từ ánh mặt trời” - họa sĩ Đinh Khắc Thịnh tỏ ra hào hứng.
Hiện hai địa điểm đắc địa nhất của Huế đang được cân nhắc làm nơi đặt tác phẩm (dịp Festival Huế 2006). Đó là bãi cỏ rộng 2ha - đủ chỗ cho 10.000 chiếc gương sen phô diễn, và đằng sau là kỳ đài làm hậu cảnh (xem ảnh phối cảnh). Phương án thứ hai là phố đi bộ.
Khi nói về tác phẩm của mình, họa sĩ Đinh Khắc Thịnh cho biết hoa sen là một biểu tượng đẹp, gần gũi không chỉ với người dân Huế. Khi khô gương sen trông rất giống chiếc lục lạc làm đồ chơi mà lúc còn thơ trẻ ai cũng một lần được nghe thấy. Từ những hình ảnh thân thuộc ấy anh muốn làm một cái gì đó thật đẹp cho Huế mà công chúng có thể chấp nhận được.
Trong một không gian nghệ thuật mở ba chiều, người ta có thể hình dung Mùa lục lạc như là một cánh đồng lúa trĩu hạt, những cơn sóng nô đùa hay những đàn cò trắng chao lượn... Nó gợi đến niềm vui được mùa, sự đơm hoa kết trái. Âm thanh reo vui của lục lạc cũng có thể là dấu hiệu của một ngày mới, một sự khởi đầu nhưng cũng có thể là sự quay về với những hoài niệm.
Nó cũng có thể khiến người ta nhớ đến tiếng lục lạc trong một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập, kể một ông bố trở về từ chiến trường, sinh được một đứa con trai trong muộn màng. Vui mừng, ông mua cho con một chiếc lục lạc. Nhưng đứa bé ấy không bao giờ nghe được những âm thanh reo vui ấy vì đôi tai của nó đã bị điếc bẩm sinh...
Tiếng lục lạc ấy hẳn sẽ đánh thức những gì sâu xa hơn trong tâm thức mỗi con người.
KIM OANH
Nguồn tin: theo Tuổi trẻ